Tết Trung thu là một ngày đặc biệt trong đời sống tinh thần người Việt, phản ánh nhân sinh quan cũng như khát vọng sống của nhân dân. Trung thu không chỉ là Tết của trẻ em, mà còn là lễ hội của người nông dân cầu vụ mùa bội thu, là dịp hẹn hò tìm hiểu nhau của nam nữ thanh niên, và là lễ hội của lớp nho sinh với ước mong đỗ đạt. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc bản lược dịch bài khảo cứu về nguồn gốc và ý nghĩa của Trung thu do giáo sư Nguyễn Văn Huyên viết bằng tiếng Pháp, đăng trên Tạp chí Indochine số 108 ra ngày 24/9/1942.
***
Ngày 15 tháng 8 năm nay rơi vào khoảng giữa của ba tháng mùa thu. Nó được biết đến với tên gọi Tết Trung thu hay là Rằm Tháng Tám. Vào dịp này, bầu trời trong vắt nên mặt trăng tròn xoe và sáng vằng vặc. Người ta cảm thấy vô cùng thích thú khi ngắm vầng trăng đầy đặn và uy nghi.
Tư tưởng tôn vinh loài rồng mang tính chủ đạo trong lễ hội mùa thu có từ thời tối thượng cổ. Cần nhớ rằng toàn bộ các lễ hội của An Nam cũng như của Trung Quốc đều mang tính mùa vụ, tức là các lễ hội đều gắn với sự chuyển giao của thời tiết. Phần vì châu Á chịu ảnh hưởng bởi Trung Quốc, là nơi mà nền nông nghiệp giữ vai trò hàng đầu, người ta gắn tầm quan trọng to lớn cho các trận mưa làm tươi tốt đất đai. Do đó ở đất nước này, con rồng là biểu tượng cho các trận mưa và sự sinh sôi nảy nở, nó mang dáng vẻ của một đấng bảo trợ tối cao.
Vì thế mà trong tín ngưỡng dân gian, nhờ vào các truyền thuyết được truyền qua nhiều thế kỷ, con rồng giữ một vai trò chủ đạo trong việc điều tiết những trận mưa giúp mùa màng bội thu. Điều này vốn là căn nguyên của nền thái bình trong khía cạnh xã hội và chính trị. Lịch của chúng ta hàng năm đều ghi rõ số lượng các con rồng phải chia nhau nhiệm vụ phân phát những trận mưa trong những con trăng sắp tới. Vào năm rồng gần đây nhất là năm Canh Thìn (1940) có tới 12 con rồng làm nhiệm vụ. Vào những năm Kỷ Mão (1939), Tân Tỵ (1941) và Nhâm Ngọ (1942) thì chỉ 6 con mà thôi. Những người có kinh nghiệm nói rằng nếu chỉ có một con rồng gánh vác việc làm mưa thì nó sẽ làm việc rất nhiều và chính năm đó sẽ có nguy cơ xảy ra nhiều trận lụt lớn. Ngược lại, khi chúng quá đông thì con này trông chờ vào con khác và chúng trở nên lười biếng. Hậu quả là đất nước bị đe dọa bởi hạn hán khắc nghiệt. Đôi khi bởi sự thất thường hoặc ganh đua mà tất cả bọn rồng đều bắt tay vào làm việc và thế gian phải chịu cảnh lụt lội nặng nề.
Vào mùa xuân, đôi khi người ta diễu rồng trong các đám rước thần để cầu cho vụ chiêm bội thu. Nhưng lễ hội thật sự của rồng lại diễn ra vào Trung thu. Nó phải bảo vệ mùa thu hoạch quan trọng nhất là vụ mùa rơi vào tháng 10. Trong đêm rằm tháng 8, người ta long trọng rước rồng trong các phố, dẫn đầu là các lá cờ ngũ sắc, các đèn lồng hình trái cây, các con vật sống dưới nước và các vật quý, những tấm biển sáng mang hàng chữ Hoàng Long thịnh thế (Cầu cho Rồng Vàng đem lại đời sống ấm no) hoặc Thiên hạ thái bình (Cầu mong thiên hạ được thái bình).
Con rồng được làm bằng tre đan, phủ giấy hoặc vải. Người ta tạo phần thân của rồng được phủ kín vảy và gai có màu xanh lá cây hoặc xanh dương, phần đuôi lởm chởm, phần đầu râu ria bờm xờm, đôi mắt sáng quắc và cử động được, tứ chi thõng xuống với những móng vuốt đầy đe dọa. Con rồng được cắm trên những cây gậy sao cho những người vác nó cũng đang mặc những bộ trang phục sặc sỡ có thể nhịp nhàng điều khiển nó chuyển động uốn lượn như con rắn. Người ta điều khiển nó chơi đùa và nhảy múa theo điệu chiêng nhịp trống trước “viên ngọc” có hình mây và tia chớp bao quanh, được một người có quấn những tấm vải băng nhiều màu sắc vác trên đầu cây gậy bằng tre. Khi đám rước đi qua, những gia đình giàu có và khá giả châm pháo để chào mừng rồng và để thu hút sự may mắn nhờ vào sự hiện diện của nó.
Trong đám rước, con rồng được đồng hành bởi một con sư tử. Con sư tử chỉ được thể hiện phần đầu được làm bằng tre và giấy, gắn một tấm vải dài màu đỏ. Đầu sư tử do một người vác. Anh ta dùng hai tay lắc lư nó y như điệu múa của sư tử. Một người khác nắm mép cuối tấm vải và bắt theo nhịp của bạn diễn, lúc thì chạy sang trái lúc lại dạt sang phải và đôi khi cuộn tròn để tạo cho con vật một cái thân và một cái đuôi.
Những gia chủ giàu có treo trên ban công nhà mình cách mặt đất chừng 5 hoặc 6 mét một phong thư màu đỏ có đựng một khoản tiền dao động khoảng từ 10 đến 20 đồng bạc như một phần thưởng cho những người múa rồng múa sư tử chuyên nghiệp. Con sư tử buộc phải leo lên những cây sào bằng tre để có thể lấy được phần thưởng đó. Trèo lên tới đầu cái thang ứng tác của mình, nó phải làm động tác vờn mồi trong khi con rồng múa lượn quanh nó. Khi con sư tử đã thành công trong việc chiếm được phần thưởng, người ta đốt pháo ran và nó nhảy xuống đất, thực hiện một điệu múa trước ngôi nhà để cảm ơn gia chủ hào phóng và để chúc ông ta thịnh vượng cùng cháu con hạnh phúc.
Cùng với sự phát triển của thiên văn học và triết học cho dù là bình dân hay bác học, các truyền thuyết liên quan tới rồng cũng cổ xưa như thế giới của những dân tộc làm nông nghiệp, được lồng ghép với những tín ngưỡng liên quan tới mặt trăng. Bản thân mặt trăng cũng được coi như gắn với thành tố nước và là biểu tượng của sự sinh sôi.
Trong đêm rằm tháng tám, mọi người tụ họp nhau để ngắm trăng mọc. Tùy theo màu sắc và hình thái của vì tinh tú này mà người ta có những dự báo về tương lai của đất nước. Nếu mặt trăng sáng tỏ thanh khiết thì năm đó sẽ được mùa lúa. Nếu mặt trăng vàng thì con tằm sẽ nhả nhiều tơ. Ngoài ra, người ta cũng đọc được trong cổ thư rằng khi màu sắc của mặt trăng biến thành màu xanh lá cây hay xanh da trời thì năm đó sẽ có nạn đói. Ngược lại, nếu nó đổi sang sắc vàng thì năm đó khắp nước sẽ sống trong thanh bình và thịnh trị. Nếu người ta nhìn thấy rõ hình một cái mũ ở thượng đỉnh vầng trăng thì thiên hạ sẽ vui tươi. Nhưng nếu mặt trăng mọc chân nghĩa là vị quân vương sẽ sa đọa hoặc hà khắc. Ta sẽ nhận rõ được nanh vuốt của trăng khi trong nước có âm mưu nổi loạn hoặc thiên hạ có dấu hiệu nổ ra chiến tranh.
Thói quen quan sát mặt trăng vào đêm rằm tháng tám đã tạo ra trong trí tưởng tượng dân gian cả một thế giới huyền diệu. Trong các truyền thuyết về mặt trăng thì con cóc giữ một vị trí lớn. Mọi người nhìn thấy con cóc trên mặt trăng và gán cho nó cái tên gọi là Thiềm Thừ. Vì vậy mà mặt trăng cũng được gọi một cách văn chương là Thiềm Cung tức Cung điện của con cóc. Con vật này có lẽ đã ba nghìn năm tuổi. Xưa kia nó sống trên mặt đất, ở cạnh bờ biển và vẫn nuốt sống những du khách lại gần. Để hướng thiện cho nó, Ngọc Hoàng đã cho triệu nó về cung trăng và giao cho chân canh gác Cung Quảng Hàn.
Truyền thuyết khác thì cho rằng con cóc này chỉ có ba chân, hai chân đằng trước và một chân đằng sau. Nó đã từng sống trên mặt đất dưới hình dạng một người đàn bà. Đó là vợ của thần tiễn Hậu Nghệ – một trong những anh hùng ở thời huyền thoại.
Còn một con vật khác mà người ta cũng nhận ra trên vì tinh tú ban đêm ấy là con thỏ nhà hoặc thỏ hoang mà đức từ bi của đạo Phật coi như biểu tượng của người có từ tâm.
Người khác thì cho rằng những con vật này sẽ thụ thai khi ngắm trăng. Chính vì vậy mà người ta tìm cách dự báo xem lũ thỏ sẽ sinh được nhiều hay ít con dựa trên độ sáng của trăng thu. Vậy nên con thỏ trở thành biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở. Và qua đó, hình tượng con thỏ được gắn liền với mặt trăng và con rồng.
Mặt trăng vốn được biết đến như biểu tượng của sự mắn đẻ đã trở thành người bảo trợ cho phụ nữ và cuộc sống lứa đôi. Ở trên mặt trăng có cung của Nguyệt Lão và Nguyệt Bà.[1] Họ ghép người này với người kia cho những đám cưới của tất cả mọi người trên thế gian. Tương truyền rằng Vi Cố đã có may mắn gặp được Nguyệt Lão. Người ta kể rằng một ngày nọ, anh ta đi ngang qua thành phố và bắt gặp ở góc phố một ông lão đang ngồi dưới ánh trăng và tay cầm một cuốn sách. Anh ta hỏi ông lão cuốn sách viết gì và được trả lời rằng duyên phận đôi lứa của mọi người được chép trong cuốn sách. Thế rồi, trong khi trỏ cho anh ta nắm chỉ màu đỏ, ông lão nói: “Với các sợi chỉ đỏ này, ta buộc chân đàn ông vào chân đàn bà. Cho dù được sinh ra trong các gia đình có là kẻ thù của nhau hoặc quê quán của họ có xa xôi thế nào đi chăng nữa thì bất chấp các trở ngại ấy, duyên phận của họ rút cục vẫn không thể tránh khỏi việc gắn bó với nhau”.
Sung sướng vì gặp được vị thần của hôn nhân, Vi Cố hỏi ông lão: “Ngài có thể nói cho con biết ai sẽ làm vợ của con không?”
Ông lão trả lời anh ta: “Con gái của bà hầu đang bán rau trong cái quán ở đằng kia sẽ là vợ anh!”
Dứt lời ông lão biến mất. Sự tò mò khiến Vi Cố lại gần cái quán và anh ta thấy một người đàn bà ẵm trên tay một bé gái hai tuổi với dung mạo khó coi. Nảy ra ý muốn ngăn không cho điều tiên tri của ông lão bí ẩn trở thành hiện thực, anh ta đã thuê một kẻ vô lại giết đứa trẻ. Nhưng tên ấy đã đâm trượt và chỉ gây cho nạn nhân một vết xước sâu ở trên lông mày. Hoảng sợ, Vi Cố bỏ chạy và trốn biệt ở một nơi ẩn náu rồi bắt đầu học hành. Anh ta đã xuất sắc vượt qua các kỳ thi văn và được tiếp đón tại cung vua. Một vị đại thần đã trao vào tay anh ta cô con gái nuôi của mình. Cô ấy chính là bé gái mà khi xưa Vi Cố đã ám hại. Anh ta chỉ nhận ra cô ấy sau đám cưới.
Vậy là chính bằng các sợi tơ đỏ mà ông thần hôn thú đã buộc các cặp đôi tương lai với nhau. Ông càng buộc chặt thì họ càng quấn quít và yêu thương nhau hơn. Các chàng trai và cô gái chỉ chắc chắn về tình yêu của mình và được gắn kết với nhau trong tương lai qua hôn nhân một khi các sợi tơ được se với nhau thành dây. Họ còn ngập ngừng khi các sợi tơ bị rối. Cũng có lúc Nguyệt Lão se trước các sợi dây để buộc các cặp đôi tương lai. Chính vì vậy mà một vài đám cưới được dễ dàng vì người ta không phải đợi sợi dây được se xong.
Từ đó, Trung thu, lễ hội của mặt trăng, cũng đồng thời là lễ hội của dạm hỏi, là nơi mà nam thanh nữ tú đều cố gắng làm hài lòng người khác và tìm kiếm trong đám đông người bạn đời tương lai của mình. Khi trời vừa sẩm tối, họ tụm thành từng đám từ 6 đến 8 người trước cửa hoặc trong sân nhà. Họ chia thành hai phe, một bên nữ và một bên nam. Và rồi họ vừa hát đối vừa ngắm trăng. Một bạn hát (nam hoặc nữ) có thể bị loại bởi hát không hay hoặc không tìm được câu ca để đáp lại đối thủ của mình. Cuộc thi đấu văn chương này chỉ kết thúc khi mà tất cả các bạn hát của một phe bị loại và chỉ còn lại duy nhất một người. Khi mỗi phe chỉ còn một người thì người nào thắng sẽ giành giải nhất còn người kia được giải nhì. Giải thường bao gồm tiền, lụa, chè hoặc quạt. Sau những canh hát đối này thường là những đám ăn hỏi và đám cưới: cô gái xinh đẹp và tài giỏi sẽ được đối thủ của mình hoặc một thanh niên đã tham dự đêm hội hỏi cưới. Nếu cuộc thi này không tạo ra những đám hỏi thì chí ít cũng là dịp để thanh niên tìm hiểu nhau.
Nhưng trong các gia đình giàu có và quyền quý thì các cậu con trai và các cô con gái không được phép hát như vậy. Tuy nhiên, các cô gái ở tầng lớp thượng lưu muốn làm giá trước mắt các chàng trai và các bà mẹ chồng tương lai đã tận dụng Tết Tháng Tám hay còn gọi là Tết Trẻ Em để trổ tài khéo léo bằng cách tạo ra đủ loại đồ vật bằng bột, giấy, hoa, quả… Trung thu được chuẩn bị từ hai hoặc ba tháng trước. Tất cả các cô gái trong gia đình cùng làm và tạo ra những thứ xinh xắn dưới sự chỉ đạo của bà mẹ. Bằng trái cây, các cô tạo ra hoa hồng, hoa nhài, hoa sen… Các cô khác thì làm hoa bằng giấy, bằng lụa hoặc nhung. Các cô khác nữa thì nặn bột được nhuộm phẩm màu đa dạng để tạo ra con cá, con tép, con tôm hùm, các con thú thần thoại hoặc các loài cây hiếm.
Đêm rằm Trung thu, cả nhà làm cỗ. Một cái bàn lớn được dựng ở giữa nhà. Nó được biến thành một khuôn viên rộng lớn có cung điện, vườn tược, đền chùa và ở đó các cảnh của đời sống thần thoại và lịch sử được tái hiện bởi những đồ vật làm bằng giấy, bằng bột hoặc bằng trái cây. Và tất cả những thứ ấy được đặt giữa những quả trứng nhuộm màu ngũ sắc – biểu tượng của sự sinh sôi, những gáo dừa được làm thành những con thỏ hiền lành và nhút nhát, những con sư tử và kỳ lân có thân lởm chởm đầy lông được làm bằng múi bưởi đã được bóc ra, những bó mía thật thẫm màu tượng trưng cho sự sắt son của đôi lứa, những chiếc bánh nướng hoặc bánh dẻo được làm theo hình mặt trăng tròn với các thần dân của nó gồm đàn thỏ, lũ cóc hoặc hai con rồng quấn quanh vì đại tinh tú ban đêm…
Gian nhà lớn được thắp sáng bằng đèn lồng có hình con cá chép hay những chiếc đèn kéo quân miêu tả những trận đánh nổi tiếng, những cảnh lịch sử, cảnh một vị anh hùng tiến vào ngôi thành hay một nhà sư đang cầu khấn trước bệ Phật.
Cửa nhà rộng mở và tất cả những ai ăn mặc chỉnh tề đều có thể bước vào. Cô gái có vai trò năng nổ nhất trong việc chuẩn bị cho bữa cỗ lại lui vào căn buồng có tấm màn che. Đám trẻ con nô đùa quanh bàn cỗ dưới sự quản lý của những cậu anh cả và những cô chị dâu của mình. Khách khứa có thể tự do đi lại quanh bàn cỗ. Họ bình luận và nói cười. Sau đó họ rời sang thăm các nhà khác sau khi đã khen ngợi và cảm ơn gia chủ. Những vị thượng khách được tiếp đón bởi các vị cha mẹ. Riêng các thiếu nữ chỉ ló mặt ra khi được cha mẹ gọi ra để rót trà mời khách.
Bữa tiệc do đó kéo dài suốt đêm tại các đại gia đình giàu có trong khi ở bên ngoài, tại các trục đường chính của thành phố vẫn không ngớt vang lên tiếng trống, tiếng chiêng và chũm chọe đang hòa nhịp cùng điệu múa kỳ vĩ của rồng và lân.
*
Vậy là ta đã biết tại sao những buổi lễ của ngày rằm trung thu nguyên thủy lại mặc nhiên được quan niệm như một lễ hội để vinh danh rồng hoặc một loài sinh vật sống dưới nước nào đó, đã trở nên kỳ lạ và huyền diệu qua óc tưởng tượng của người nghệ sĩ, đồng thời hiểu được tại sao những cư dân nông nghiệp đầu tiên lại gắn cho những sinh vật ấy cái đặc tính của những cơn mưa tốt tươi. Về sau hoặc ngay cùng thời điểm đó, người ta đã gắn mặt trăng ở vào thời khắc sáng vằng vặc này với cái đặc tính ấy. Sau đó, những người phụ nữ mà quan điểm chính thống vẫn liệt kê vào yếu tố âm (với thuộc tính tối tăm lạnh lẽo) đã tôn vinh vầng trăng có khả năng sinh sản ấy như vị thần bảo trợ, như một nữ thần hiện thực hóa những ước mơ thầm kín của họ. Và khi mà các thần linh của thế giới tự nhiên đã trở thành việc riêng tư, cùng với sự phát triển của hệ thống hành chính quân chủ, thì mặt trăng chỉ còn được coi như nơi ở trên trời của Nguyệt Lão hoặc Nguyệt Bà – một trong hai người có nhiệm vụ nối những mối duyên chồng vợ của trai gái trong chốn nhân gian.
Vậy là Trung thu, sau một quá trình dài biến đổi của tư tưởng và tập quán, đã trở thành một ngày hội lớn của thanh niên. Đó là nơi các chàng trai cô gái gặp gỡ và trao nhau câu hát giữa đám đông dưới ánh trăng. Họ trao cho nhau vật làm tin là những cái quạt và chiếc vòng. Họ cùng nhau xơi trầu. Miếng trầu ở đất nước này hàm chứa ý nghĩa giao ước. Qua màn hát đối đáp nên thơ này, họ thỏa thích tìm hiểu nhau. Những câu thề thốt được trao một cách long trọng dưới vầng trăng sáng đang hiện diện uy nghi như một vị thần chứng giám. Chính vì vậy mà đêm hát huê tình này đã làm tình yêu nảy nở. Nó gieo trồng các mối quan hệ bền vững nối các bạn trẻ với nhau và sẽ có những đám cưới được tổ chức vào ngày lành của mùa xuân tới.
Rồi thậm chí sau này, cùng với sự chắt lọc các phong tục, sự phát triển của văn hóa truyền thống và sự soi rọi của giáo lý Nho gia, các nghệ sĩ đã tạo nên một lễ hội để thưởng ngoạn và ca ngợi mặt trăng trong tiết Thu phân. Trong đêm rằm, vì tinh tú đạt tới sự lộng lẫy toàn phần trên đỉnh cao nhất của vòm trời. Tại thời điểm ấy, bầu trời thường rất trong sáng và thanh bình, các thi nhân họp mặt dưới bóng tre để nâng chén hoàng hoa tửu (rượu hoa cúc vàng), để thưởng thức những con ốc (chúng thường béo hơn vào con trăng mùa thu so với các mùa khác), để cùng nhau ứng khẩu những câu thơ ca ngợi thiên nhiên vĩnh cửu và tuyệt diệu.
Trong khi đó, những nho sĩ trẻ hoặc những người sắp trở thành nho sĩ lại mừng Trung thu theo cách của họ. Nó như một ngày tết của tương lai, cái tết khởi đầu cho những chinh phục khoa cử đang cận kề. Con cóc ba chân ở cung trăng biến thành con cóc vàng (Kim Thiềm), biểu trưng cho sự đỗ đạt ở kỳ thi ba năm mới có một lần (thi Hương) và việc được thăng quan tiến chức trong Triều đình.
Cây đa là nơi chú Cuội trú ngụ theo như cách gọi của đám đông dân dã đã trở thành cây Nguyệt Quế – loài cây có hoa nở vào mùa thu và đôi khi rơi xuống mặt đất. Loài cây hiếm này với những cành lá uy nghi của nó là biểu tượng của vinh quang khoa cử. Mỗi người đều có giấc mộng leo lên cung trăng bằng một cái thang “mây” (đan bằng cây mây hoặc kết bằng mây) để hái một nhành cây kỳ diệu đó. Và nếu như hái được thì họ chắc chắn sẽ là người chiến thắng tại các kỳ thi Đình sắp tới.
Ngay cả những con cá chép đang soi mình trong ánh trăng nơi đáy nước trong veo của đêm trung thu cũng đã trở thành biểu tượng của sự đỗ đạt khoa cử. Đêm hôm đó, những con cá chép tìm cách đớp mặt trăng để đạt được sự hoàn hảo với hy vọng có thể thành công trong cuộc “vượt cánh cửa rồng” (vượt Vũ Môn) vào đầu mùa hạ tới. Thật vậy, người ta kể rằng cứ vào mùng 4 tháng Tư âm lịch là chúng kéo về vực nước dựng đứng của ngọn suối nhà trời để tìm cách nhảy vượt lên. Có người định vị vực nước ấy ở huyện Hương Sơn tỉnh Nghệ An thuộc Trung Kỳ. Dù sao đi nữa, khi đã thành công trong cuộc vượt Vũ Môn thì các con cá chép ấy sẽ hóa ngay thành rồng. Đó là một sự lột xác tương tự như của các nho sĩ đỗ đạt sau khi họ trải qua các kỳ thi văn chương đầy gian nan. Những cánh cổng của Cung đình hay là Điện Rồng sẽ rộng mở với họ. Và con đường này sẽ dẫn họ đến việc thăng quan tiến chức vẻ vang trong Triều đình, một tham vọng của tất cả các nho sinh.
Chính vì lẽ đó mà nhân dịp Trung thu, người ta bày đầy lên mâm cỗ trẻ con những hình nộm thể hiện những vị khoa bảng khác nhau như là Trạng Nguyên, Tiến Sĩ… của các kỳ thi ngày xưa, hình bàn thờ gia tộc và ngôi đình làng của các vị khoa bảng – nơi họ sẽ long trọng dâng hương khi vinh quy.
Tại đất nước An Nam này, Trung thu đã trở thành một lễ hội phong phú một cách hoàn hảo đến mức nó thu hút và làm hài lòng tất cả các tầng lớp và lứa tuổi trong nước – cũng giống như tất cả các lễ hội mang đặc tính dân gian. Thoạt đầu được coi như lễ hội của người nông dân chỉ quan tâm đến việc thu hoạch, nó đã được trẻ hóa và làm cho sinh động bởi các quan niệm và khát vọng mới của xã hội. Là lễ hội của dạm hỏi, nó góp phần to lớn vào việc kéo các làng xóm và các gia đình sống tách biệt xích lại gần nhau kể từ sau các hoạt động của những ngày lễ Năm Mới. Là lễ hội của lớp nho sinh, nó mang lại cho mọi người niềm hy vọng rằng trong những ngày tới đây, họ sẽ có thể phục vụ đấng quân vương và đất nước của mình, rằng họ sẽ xứng đáng với những bậc tiền bối hết lòng tin tưởng vào họ, và với những người bạn đời xinh đẹp và tiết hạnh đang khao khát trong thầm lặng và tảo tần được ngồi trong chiếc kiệu hồng theo sau đám rước vinh quy.■
Nguyễn Văn Huyên
Nguyễn Bình Phương (lược dịch)
Chú thích:
[1] Dân gian còn có tên gọi khác là Ông Tơ và Bà Nguyệt (ND).