Mỹ bỏ rơi chính quyền Sài Gòn trước giải phóng như thế nào?

Ngày giải phóng 30 tháng 4 năm 1975 là dấu mốc lịch sử vĩ đại của dân tộc. Chiến thắng này có được nhờ tinh thần chiến đấu quả cảm của quân dân Việt Nam nhưng cũng có phần do mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã lên tới đỉnh điểm. Chính xác hơn là Mỹ đã bỏ mặc Việt Nam Cộng Hòa trong thời khắc lịch sử đó.

Cố vấn Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Mỹ Kissinger tại Hội nghị Paris kết thúc năm 1973, dấu mốc Mỹ bắt đầu bỏ cuộc ở Việt Nam

Các tài liệu từ nội bộ Mỹ và thừa nhận của các lãnh đạo chủ chốt của chính quyền Sài Gòn đều chứng minh điều đó. Thực tế, Mỹ đã có ý bỏ mặc miền Nam Việt Nam từ khi chuẩn bị ký kết hiệp định Paris vào năm 1973. Thời điểm đó, Mỹ muốn rút lui trong danh dự ở Việt Nam trong khi duy trì ảnh hưởng ở Việt Nam thông qua chính phủ liên hiệp.

Cụ thể, trong hiệp định Paris, Mỹ chấp nhận rút lui toàn bộ quân đội trong khi quân đội miền Bắc vẫn ở lại miền Nam. Đây là ý tưởng chính quyền Thiệu cảm thấy “khó chịu” nhất nhưng Mỹ ép Sài Gòn buộc phải chấp nhận. Chính quyền Thiệu gọi đó là “đổi chác bí mật” của Kissinger nhằm “bỏ của chạy lấy người” của Hoa Kỳ.

Sau khi ký kết Hiệp định Paris, Hoa Kỳ rút hết quân lực khỏi miền Nam Việt Nam vào tháng 3 năm 1973. Tình hình miền Nam vào cuối 1973, đầu 1974 có vẻ như yên tĩnh trên bề mặt. Tuy vậy, bên dưới lớp vỏ yên tĩnh này nảy sinh nhiều diễn biến phức tạp.

Khi những người Mỹ rời khỏi Việt Nam thì tinh thần Sài Gòn xuống nghiêm trọng. Bao nhiêu năm, chế độ Việt Nam Cộng hoà đã quá phụ thuộc vào Hoa Kỳ tới nỗi khi người Mỹ ra đi, Sài Gòn như một người nghiện không còn thuốc hút. Không khí Sài Gòn đìu hiu và các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hoà mất tinh thần.

Lực lượng quân giải phóng, ngược lại, được tăng cường để sẵn sàng giải phóng đất nước khi thời cơ thuận lợi. Về phía Mỹ, Nixon dính phải vụ bê bối Watergate đầy tai tiếng. Cục điều tra liên bang Mỹ FBI bắt giữa 5 tên trộm  đột nhập trụ sở quốc gia của Đảng Dân chủ trong khu phức hợp khách sạn nhà ở Watergate ngày 17 tháng 6 năm 1972. FBI xác định đây là một vụ do thám do các nhân vật thân cận với Nixon thực hiện nhắm vào đối thủ chính trị của ông ta: Đảng Dân chủ.

Vì vậy, quyền lực và uy tín của Nixon đã bị suy giảm tới mức gần như bị nhấn chìm bởi những tai tiếng xung quanh vụ bê bối này. Vụ Watergate đã khiến Nixon không còn tập trung nổi vào vấn đề Việt Nam nữa và không có đủ uy quyền để thực thi những chính sách cứng rắn ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến đang đi vào giai đoạn cuối.

Trước sự kêu cứu của Nguyễn Văn Thiệu và chính quyền Sài Gòn trong các năm 1973 và 1974, yêu cầu Mỹ oanh tạc và dội bom trở lại để ngăn chặn quân giải phóng đổ vào miền Nam, Nixon đã không tiến hành thêm bất kỳ vụ oanh tạc nào nữa.

Như vậy, từ tháng 4 năm 1973, Hoa Kỳ đã rút hoàn toàn và trọn vẹn quân đội Mỹ ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngày 29 tháng 6, Hạ viện Mỹ lại thông qua một tu chính cấm mọi hoạt động hành quân của Hoa Kỳ trên toàn lãnh thổ Đông Nam Á. Nixon với uy tín xuống quá thấp bó tay không thể điều đình nổi với Quốc hội được nữa, Việt Nam đã không còn trở thành mục tiêu không kích thêm được nữa. Mỹ đã chính thức buộc phải buông miền Nam Việt Nam từ giữa năm 1973.

Tới năm 1974, Quốc hội Mỹ đã “chán ngấy” Việt Nam. Ngày 6 tháng 5 năm 1974, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thuận 43-38 kèm theo tu chính Kennedy và Dự luật phủ định ngân sách quốc phòng. Tu chính Kennedy cấm sử dụng ngân sách cho các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Hoa Kỳ từng đổ tiền ào ạt vào Việt Nam trong cuộc chiến “chống Cộng sản”. Tài liệu do phía Việt Nam Cộng hoà tổng kết, từ năm 1967 tới năm 1970, lúc Hoa Kỳ còn đang dấn sâu vào chiến tranh, mỗi năm cuộc chiến tốn kém khoảng 25 tỉ đôla Mỹ. Hai năm 1970 và 1971, mỗi năm chi phí giảm xuống khoảng 12 tỉ. Nhưng khi quân Hoa Kỳ rút hoàn toàn, viện trợ cho quân đội Việt Nam Cộng hoà tự chiến đấu vẻn vẹn 500 triệu đôla.

Quốc hội Mỹ đã không những triệt giảm viện trợ cho Sài Gòn mà còn đưa ra những điều khoản khắt khe trong việc sử dụng khoản viện trợ ít ỏi. Ví dụ, Quốc hội Mỹ ban hành lệnh cấm sử dụng ngân sách viện trợ quân sự để trả lương cho lính.

Hoa Kỳ đã vào cuộc ở Việt Nam một cách đơn phương và mạnh mẽ, và cũng rút đi một cách đơn phương và mạnh mẽ không kém. Chính Nguyễn Văn Thiệu đã than thở: “Thoạt tiên, họ nói với tôi sẽ rút vài ngàn quân, nhưng còn duy trì nửa triệu quân chiến đấu ở Việt Nam; sau đó, họ rút thêm quân, và nói sẽ trang bị cho quân đội Việt Nam Cộng hoà để đền bù cho sự triệt thoái này. Đến năm 1972, khi triệt thoái tiến nhanh hơn, họ nói với tôi tuy lục quân rút đi, nhưng Mỹ sẽ tăng cường yểm trợ không lực. Đến khi họ rút lui toàn bộ, cả lục quân lẫn không quân, họ hứa sẽ tăng viện trợ…” Kết quả là viện trợ đã không tăng mà còn bị chiết giảm xuống mức tối thiểu, Mỹ đã nhanh chóng bỏ rơi quyền lợi của đồng minh ở Sài Gòn trong bối cảnh tình thế không còn thuận lợi cho Mỹ nữa.

Đầu tháng 8 năm 1974, Tổng thống Nixon buộc phải từ chức sớm do vụ bê bối Watergate, Tổng thống mới Ford lên cầm quyền. Chính quyền Sài Gòn hi vọng Ford sẽ quan tâm tới miền Nam Việt Nam nhưng đúng như Warren Nutter, cựu phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng nói với Thiệu vào thời điểm đó: “Không có nhân vật cao cấp nào trong chính phủ Mỹ để ý đến vấn đề Việt Nam nữa.” Chính quyền Sài Gòn liên tục cầu cứu nhưng dường như không còn ai lắng nghe nữa. Mỹ đã bỏ đi nhanh tới mức Việt Nam Cộng hoà cũng phải bất ngờ. Thiệu dùng chữ “cạn tàu ráo máng” khi nói về cách hành xử của Mỹ giai đoạn 1974 và 1975.

Điều đó càng thể hiện rõ vào những giờ phút hấp hối của “đồng minh”. Ngày 2 tháng 4 năm 1975, khi Đà Nẵng đã thất thủ, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger vẫn tuyên bố “tương đối ít có chiến sự lớn ở Việt Nam”. Đối với Hoa Kỳ thì việc chính quyền Việt Nam Cộng hoà sẽ thất thủ là chuyện sớm hay muộn cũng phải xảy ra, và tất cả mối quan tâm của Mỹ là lo cứu 6000 người Mỹ ở Sài Gòn.

Trước khi Tướng Mỹ Wayand đi Sài Gòn xem xét vận động khẩn cấp cho chính quyền Thiệu vào tháng 3 năm 1975, Kissinger còn dặn dò ông này rằng: “Đừng hứa hẹn quá nhiều. Đừng để mình bị vướng vào cái quan niệm rằng mình sẽ áp đảo ngược được ngọn triều. Triều nước đang xuống gần hết rồi.”

Quân đội Mỹ rút chạy khỏi Sài Gòn trước giải phóng

Trong lời cầu cứu cuối cùng trước khi Sài Gòn thất thủ, chính quyền Thiệu đã đề nghị Mỹ viện trợ 700 triệu đôla và oanh tạc bằng B52. Nhưng Kissinger đã phản đối và nói với Ford rằng nếu làm vậy dân chúng Mỹ lại xuống đường lần nữa. Tháng 4 năm 1975, Kissinger còn nói với tuỳ viên báo chí của Ford rằng: “Tại sao họ không chết lẹ đi cho rồi? Điều tệ nhất có thể xảy ra là họ cứ sống dai dẳng hoài.”

Ford không đồng ý oanh tạc B52 thêm lần nữa và Quốc hội Mỹ khước từ ngân khoản viện trợ thêm 700 triệu đôla. Nguyễn Văn Thiệu từ chức ngày 21 tháng 4 năm 1975. Những diễn tiến tiếp sau đó là sự sụp đổ hoàn toàn của Việt Nam Cộng Hoà. Trong diễn văn từ chức, Thiệu đã vạch tội Hoa Kỳ, như sau:

“Người Mỹ đã bắt chúng ta làm một việc đội trời. Đo đó, tôi có nói với họ: các ông bắt chúng tôi làm một việc mà các ông đã không làm nổi với nửa triệu binh hùng tướng mạnh và chi phí cả 300 tỷ Mỹ kim trong sáu năm trời… Nhưng các ông đã tìm được một lối thoái lui trong danh dự. Và bây giờ, khi quân đội chúng tôi thiếu súng ống, đạn dược, trực thăng, phi cơ, và B52, các ông lại bắt chúng tôi làm một việc như lấp cạn bể Đông, tỉ như trường hợp các ông cho tôi 3 đồng bạc và bắt chúng tôi lấy vé máy bay hạng nhất, thuê phòng ngủ 30 đồng một ngày, ăn bốn năm miếng bít tết và uống bảy tám ly rượu vang một ngày. Thật là chuyện phi lý.”

Nguyễn Văn Thiệu lần đầu tiên tuyên bố hành động bỏ rơi Việt Nam Cộng hoà của Mỹ là “hành động vô nhân đạo của một đồng minh vô nhân đạo.”

Nhìn vào cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, sự thất bại của chính quyền Sài Gòn là thất bại của cả một mưu đồ của chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Nam Á. Đó là minh chứng cho thực tế rằng không thể dùng cường quyền và bom đạn để ngăn chặn sức mạnh và lòng yêu nước của một dân tộc. Trường hợp đó chính là Việt Nam.

Minh Nhật

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN