CIA đã dự báo tấn thảm kịch ở Việt Nam. Tại sao không ai nghe?

James A. Warren – Bài đăng trên trang The Daily Beast 3.1.2019

Ngay từ năm 1950, CIA đã nhiều lần đưa ra những đánh giá đầy quan ngại, phê phán sự can thiệp của Mỹ tại Việt Nam, đồng thời đánh giá cao quân đội miền Bắc. Tuy nhiên, vì nỗi lo sợ và ám ảnh vô cớ đối với chủ nghĩa cộng sản, ba tổng thống Mỹ Eisenhower, Kennedy và Johnson đã bỏ qua những lời khuyên của CIA, để rồi chìm sâu vào một cuộc chiến tranh thảm khốc, một đại bi kịch cho cả người Mỹ lần người Việt.

Tổng thống Trump nổi tiếng vì bỏ qua lời khuyên và chuyên môn của các cố vấn, khi họ nói với ông những điều mà ông không muốn nghe. Nhưng ông không phải là tổng thống đầu tiên từ chối những lời khuyên tốt.

Không một tổng thống Mỹ nào – không vị tổng tư lệnh nào của một quốc gia dân chủ phương Tây – lại công khai thể hiện thái độ coi thường đến vậy đối với các cơ quan tình báo của chính chính phủ mình như Donald J. Trump. Ông liên tục phê phán các phân tích của CIA khi họ kết luận rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Ông bỏ qua những đánh giá của các quan chức tình báo về hiểm họa của sự nóng lên toàn cầu. Mới tháng trước, khi Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats nói với Quốc hội rằng không có dấu hiệu nào chứng tỏ Triều Tiên sẽ giải tán các cơ sở hạt nhân và thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn diễn biến tốt, Trump đã phản ứng, giống như bao lần khác khi hiện thực xâm phạm vào thế giới mộng mơ của ông ta. “Cánh tình báo tỏ ra cực kỳ thụ động khi xử lý những nguy cơ về Iran,” ông viết trên Twitter. “Họ đã lầm… Có lẽ họ nên quay lại trường học.”

Xu hướng tấn công những người mang tin xấu đến bậu cửa nhà mình hẳn là một trong nhiều lý do khiến Trump làm cho tất cả các cơ quan ngoại giao của Mỹ phát ớn.

Nhưng Trump đâu phải là tổng thống đầu tiên bác bỏ những đánh giá tình báo đúng đắn khi những đánh giá này thách thức tính khả thi của một chính sách nào đó. Eisenhower, Kennedy, và Lyndon B. Johnson chưa bao giờ công khai đặt câu hỏi về tính chuyên nghiệp của CIA hay các cơ quan tình báo khác. Tuy nhiên, cả ba tổng thống này đều bác bỏ những đánh giá bi quan của CIA về cuộc thập tự chinh của Mỹ ở Việt Nam, để rồi chìm sâu vào một cuộc chiến mà qua nhiều năm đã biến thành một đại bi kịch cho cả người Mỹ lẫn người Việt.

Không có gì gọi là manh động trong hàng loạt quyết định đưa Mỹ tham chiến ở Việt Nam, rồi ngày càng dấn sâu với mong muốn giành chiến thắng trong cuộc xung đột đó, kể cả khi những dấu hiệu thất bại bắt đầu dồn dập xuất hiện. Từ năm 1950 đến mùa hè năm 1965, ba tổng thống Mỹ đã quyết định mở rộng sự can thiệp của Mỹ tại Việt Nam, mặc dù đất nước Châu Á này đâu liên quan mật thiết tới những quyền lợi sống còn của Mỹ, và bất chấp sự kém cỏi và tham nhũng khủng khiếp bên trong các lực lượng đồng minh của Mỹ ở Việt Nam.
Tới cuối năm 1967, khi lực lượng của Mỹ hiện diện tại Việt Nam lên tới nửa triệu người, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ William Westmoreland dự báo kẻ thù của Mỹ không lâu nữa sẽ bị đánh bại. “Chúng ta đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm,” Westmoreland tự tin nói với Quốc hội. Quân Cộng sản “đang ở bên bờ vực thẳm”. Thế rồi, vào ngày 31 tháng 1, Hà Nội phát động của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, phơi bày những ảo tưởng và sai lầm trong đánh giá của Westmoreland, làm tan vỡ ý chí chiến đấu của Mỹ.

Có lẽ điều đáng kinh ngạc nhất mà tôi hiểu ra sau hơn một năm nghiên cứu các quyết định này là chúng được đưa ra bất chấp hàng loạt báo cáo của CIA đều khẳng định rằng lý do mà Mỹ đưa ra để bảo vệ Nam Việt Nam là cực kỳ sai lầm, và cuộc nội chiến ở Việt Nam không thể nào giải quyết được bằng lực lượng quân sự của Hoa Kỳ. Ngay khi cuộc chiến lên đến cao trào vào năm 1966, các nhà phân tích của CIA vẫn tiếp tục thể hiện sự nghi ngờ trước những báo cáo tích cực của Nhà Trắng và tư lệnh quân đội Hoa Kỳ, phản bác những đánh giá lạc quan của họ về sức mạnh của quân đội Mỹ trong mối tương quan với quân đội miền Bắc Việt Nam.

Nếu các tổng thống Mỹ lưu tâm đến các báo cáo của CIA trong thời kỳ đầu, thì cuộc kháng chiến chống Mỹ đã không bao giờ nổ ra ở Đông Dương. Nếu Tổng thống Johnson quan tâm đến các báo cáo sau này, thì ông ta đã cho Mỹ rút quân và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột này từ trước năm 1968. Khi ấy, nửa triệu mạng người sẽ được cứu sống. Nhưng lịch sử đã không diễn ra như vậy.

Các nhà phân tích của CIA luôn luôn khẳng định rằng các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ, khi đánh giá cuộc nội chiến ở Việt Nam qua lăng kính chống cộng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đã làm méo mó hiện thực của cuộc chiến và hiểu sai về những động lực chính trị đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam. Họ lập luận rằng quân đội cộng sản được tổ chức rất tốt và họ chiến đấu vì lý tưởng – không như những tướng lĩnh và chính trị gia người Việt thân phương Tây, vốn nổi tiếng vì thói càn quấy và tham nhũng. Đây là trích đoạn trong một bản ghi nhớ tình báo năm 1950 của CIA:

Quân cách mạng Việt Nam chủ yếu là những người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải cộng sản, nhưng bộ máy lãnh đạo Cộng sản đã được thiết lập một cách vững chãi… Từ lâu họ đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ Việt Nam. Có khả năng họ sẽ giành được quyền kiểm soát phần lớn, nếu không nói là toàn bộ Đông Dương trước năm 1954.

Năm 1952, CIA lại đúng một lần nữa khi dự báo quân Cộng sản sẽ giành chiến thắng trước thực dân Pháp:

Về lâu dài, hiệu quả chiến đấu của Việt Minh sẽ tiếp tục được cải thiện… Nếu xu hướng hiện tại không bị đảo ngược, thì sức ép ngày càng lớn này, cộng với những khó khăn mà Pháp có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt khi ủng hộ những chiến dịch quân sự lớn ở cả Châu Âu và Đông Dương, có thể sẽ khiến Pháp cuối cùng phải rút khỏi Việt Nam.

Và quả thực như vậy.

Năm 1962, khi Tổng thống John F. Kennedy vừa ra quyết định tăng đáng kể số lượng cố vấn quân sự và vũ khí Mỹ gửi sang Việt Nam, bao gồm trực thăng dùng cho lính thủy đánh bộ, CIA đã đưa ra lời cảnh báo này:

Hiểm họa thực sự, và trọng tâm của cuộc chiến này, nằm trong các ngôi làng và rừng rậm ở Việt Nam… Chỉ có ý chí, năng lực và sự nhạy bén chính trị của chính quyền Nam Việt mới có thể thắng được cuộc chiến này. Mỹ có thể bổ trợ và tăng cường sức mạnh cho họ, chứ không thể thay thế. Kể cả khi Mỹ chiến thắng Cộng sản về mặt quân sự… có khả năng thứ mà Mỹ giành được sẽ không phải là một chiến thắng chính trị, tạo ra được một chính phủ độc lập và ổn định, mà là một thuộc địa phiền phức và tốn kém.

Câu chuyện này là một điệp khúc trong các tài liệu của CIA từ năm 1962 cho tới sau khi Mỹ lún sâu vào cuộc chiến tranh toàn diện ba năm sau đó.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ thời Kennedy và Johnson liên tục biện minh cho sự can thiệp của Mỹ tại Việt Nam như là một phản ứng hợp lý với “các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc” do Liên Xô và Trung Quốc lãnh đạo, CIA luôn luôn khẳng định điều đó không đúng. Hà Nội đã đưa ra những quyết định của riêng mình, khéo léo ứng xử với các cường quốc cộng sản, và thường xuyên lựa chọn đi theo con đường riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Theo các nhà sử học hàng đầu về chiến tranh Việt Nam, các đánh giá của CIA rất chính xác.

Những nghi ngờ của CIA về đường hướng chính sách của Hoa Kỳ trong chiến tranh được nêu bật trong khoảng thời gian từ cuối năm 1964 đến đầu năm 1965, khi chính quyền Johnson đã lún sâu không còn đường lùi khi thực hiện một chiến dịch ném bom miền Bắc và triển khai quân đội chiến đấu ở miền Nam. Johnson đã tiếp nhận từ Nam Việt Nam quyền tổ chức cuộc chiến này và trao nó cho các tướng lĩnh của mình. Sau đây là một lời tiên tri đáng kinh ngạc của nhà phân tích CIA Harold P. Ford, viết vào tháng 4 năm 1965, khi Johnson lần đầu tiên gửi lính thủy đánh bộ sang Việt Nam chiến đấu:

Báo cáo này xuất phát từ mối quan ngại sâu sắc rằng chúng ta đang ngày càng xa rời thực tế ở Việt Nam, rằng chúng ta đang hành động liều lĩnh hơn là khôn ngoan – hướng tới những mục tiêu vô định… Nước Mỹ dường như có một khuynh hướng thiên bẩm là đánh giá quá thấp các đối thủ Châu Á. Lúc này đúng là như thế. Chúng ta không thể chi trả cho một thứ xa xỉ đến vậy. Trước đây, những đánh giá công tâm, những cuộc đánh trận giả… đã nói với chúng ta rằng những người cộng sản ở Việt Nam sẽ chống chọi được với những sức ép… Tuy nhiên lúc này chúng ta dường như đang trông đợi họ phải vội vàng chạy đến bàn đàm phán và sẵn sàng đối thoại… Khả năng cao là cuối cùng Mỹ sẽ phải rút khỏi Việt Nam mà không đạt được những mục tiêu hiện tại.

Tổng thống Johnson đã bỏ ngoài tai lời khuyên thông thái đó của ông Ford. Vài tuần sau khi nhận được báo cáo này, ông phê chuẩn kế hoạch ba giai đoạn của tướng Westmoreland nhằm giành chiến thắng trước năm 1968 bằng chiến lược tiêu hao sinh lực đối phương. Sử dụng tới nửa triệu lính Mỹ, ông ta sẽ hủy diệt các lực lượng chủ chốt của đối phương bằng các cuộc càn quét “tìm và diệt”, tận dụng tính cơ động và hỏa lực của Mỹ để đánh bại một kẻ thù không hề có không lực và chỉ có rất ít phương tiện cơ giới. Westmoreland tỏ vẻ đồng tình với quan điểm của CIA rằng những ngôi làng là điểm mấu chốt của cuộc chiến tranh này, nhưng ông ta lại muốn chiến đấu và chiến thắng theo cách thức truyền thống của Mỹ: chiến tranh thông thường, nhấn mạnh hỏa lực và pháo binh, bất chấp thực tế là các chiến dịch quân sự của Mỹ đã gây ra thảm họa khủng khiếp cho những người dân mà Mỹ muốn “cứu” ở Nam Việt Nam.

Tại sao các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ lại bỏ qua những lời cố vấn sắc sảo của CIA? Câu trả lời ngắn gọn là họ không thể suy nghĩ vượt ra khỏi học thuyết domino, theo đó, nếu một quốc gia đi theo chủ nghĩa cộng sản, một chuỗi các quốc gia khác cũng sẽ theo gót, và điều này sẽ dẫn tới một sự mất mát không thể đảo ngược đối với danh tiếng và sự tín nhiệm dành cho Mỹ.

Sự ngạo mạn đóng một vai trò lớn trong quá trình ra quyết định. Như Harold Ford nhận định mãi sau khi mặt trận đã im tiếng súng: “Các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Hoa Kỳ cực kỳ ngạo mạn. Họ tin rằng các kế hoạch made-in-America của họ sẽ có hiệu quả ở Việt Nam, nơi Pháp đã thực hiện những kế hoạch tương tự nhưng bất thành. Chúng ta sẽ thành công nhờ có hỏa lực vượt trội.”

Bất chấp những điều được nói và làm, phần lớn gánh nặng trách nhiệm về cuộc chiến sai lầm của Mỹ ở Đông Nam Á dồn lên vai của Lyndon Johnson, người không muốn tham chiến ở Việt Nam, nhưng cảm thấy mình phải làm như vậy để khỏi bị các nhà phê bình đánh giá là quá mềm mỏng với chủ nghĩa cộng sản, và để tránh những lời lăng mạ và sự thất bại chính trị. Johnson miêu tả một giấc mơ lặp đi lặp lại, trong đó ông thấy mình chùn bước trong cuộc chiến này, “Robert Kennedy dẫn đầu cuộc chiến chống lại tôi, nói với tất cả mọi người rằng tôi đã phản bội lại cam kết của John Kennedy đối với Nam Việt Nam. Rằng tôi là một thằng hèn. Một thằng không nam tính. Một thằng không xương sống… Tôi nghe thấy văng vẳng tiếng nói của hàng nghìn người. Tất cả đều la hét và chạy lao vào tôi: “Đồ hèn! Đồ phản bội! Đồ vô dụng!”

Lyndon Johnson không thể chịu nổi ý kiến rằng chúng ta không thể thắng ở Việt Nam. Và do đó, ông bịt tai khi CIA nói như vậy.

Một trong những nhà phân tích khôn khéo và thông thái nhất của CIA, George W. Allen, đã kết luận rất chuẩn xác: “Mỹ thất bại ở Việt Nam không phải vì thông tin tình báo sai hay thiếu sót, mà bởi nó không phù hợp với điều mà các khách hàng [tức là Ike, Kennedy, Johnson và các cố vấn cao cấp] muốn tin, và bởi tính đúng đắn của nó bị xếp sau các yếu tố khác trong tâm trí của những người đưa ra các quyết định về chính sách an ninh quốc gia.”

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN