Quãng thời gian từ đầu năm 1961 tới giữa năm 1963 chứng kiến mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa Mỹ và Diệm. Sức ép từ các cuộc nổi dậy và phản ứng của các phe phái vẫn ngầm sôi sục trong lòng miền Nam Việt Nam, nhưng Diệm đã mạnh tay đàn áp. Mỹ, một mặt tiếp tục viện trợ Diệm chống nổi dậy, mặt khác tiếp tục gây sức ép buộc Diệm mở rộng chính phủ và giảm bớt độc tài gia đình trị. Diệm đáp lại những yêu cầu của Mỹ với một thái độ lạnh nhạt và ngoan cố. Dù vậy, chính quyền Kennedy vẫn tỏ thái độ “kiên nhẫn” cho tới khi xảy ra một biến cố khiến Mỹ không kiên nhẫn hơn được nữa.
Tài liệu Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận: “Không có một quyết định căn bản nào mới của Hoa Kỳ được đưa ra ở Việt Nam cho đến khi xảy ra tình trạng rối ren Phật giáo vào nửa cuối năm 1963.”[1] Biến cố Phật giáo vừa như một giọt nước tràn ly, vừa như một cú hích có tính bước ngoặt.
Sự kiện Phật giáo bất ngờ đã nổ ra vào giữa năm 1963 đã thay đổi vĩnh viễn bối cảnh chính trị ở miền Nam Việt Nam. Trước đó, Phật giáo miền Nam giữ thái độ xuất thế và không có mâu thuẫn nào lớn với chính quyền Diệm. Hồ sơ Lầu Năm Góc cho rằng sự kiện này “đã xảy ra một cách vô tình”,[2] nhưng CIA đã nắm bắt rất nhanh sự vô tình này để ra tay hành động.
Cuộc bạo động mở màn vào ngày Phật Đản, 7 tháng 5 năm 1963 (Âm lịch). Cuộc bạo động được châm ngòi bởi bức công điện mang số 9195 đề ngày 6 tháng 6 năm 1963 (Dương lịch), theo đó chính quyền Diệm đưa ra lệnh cấm treo cờ tôn giáo tràn lan trong bối cảnh mới vài tuần trước các giáo dân Công giáo vẫn treo cờ trong lễ kỷ niệm 25 năm thụ phong cho ông Ngô Đình Thục.
Bức điện do ông Đổng Lý phủ Tổng thống Quách Tòng gửi đi theo “khẩu lệnh của Tổng thống Ngô Đình Diệm”. Bức công điện 9195, theo lời Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ Sài Gòn, đã là “mốc khởi điểm cho một tấm thảm kịch bi thương nhất của lịch sử Việt Nam”.[3]
Biến cố Phật giáo
Tấn thảm kịch ấy đến chỉ một ngày sau Lễ Phật đản, ngày 8 tháng 5 (Âm lịch).
Sáng ngày 8 tháng 5, tại Huế, từ sớm, hàng ngàn Phật tử tấp nập rước kiệu Phật tiến về phía chùa Từ Đàm tụ họp. Tại đây, Thượng tọa Thích Trí Quang đăng đàn thuyết giảng, công kích chính quyền Diệm nặng nề về sự phân biệt đối xử tôn giáo, kêu gọi Phật tử đấu tranh. Ngay lập tức, cơ quan an ninh của Diệm đã thu băng bài thuyết pháp này và thống nhất rằng Thượng tọa Trí Quang đã quá “nặng lời” với chính quyền.
Tinh thần chống chính quyền của Phật tử lên cao sau bài lên án của Thượng tọa Trí Quang. Cộng đồng Phật giáo được mời di chuyển từ chùa Từ Đàm về Đài Phát thanh Huế phía cầu Tràng Tiền để nghe chương trình phát thanh đặc biệt về Lễ Phật Đản. Một số Phật tử đi vào gặp quản lý Đài Phát thanh yêu cầu phát bài phát biểu của Thượng tọa Trí Quang thay vì phát bài đã được kiểm duyệt. Đài phát thanh từ chối, đôi bên giằng co dẫn tới căng thẳng. Đồng bào tràn cả vào Đài Phát thanh la lối hò hét. Phật tử ở Huế nổi giận tới mức ném gạch đá tới tấp vào đài Phát thanh, một nhà sư nhảy lên Đài Phát thanh và cắm cờ Phật giáo.
Theo ghi chép của Trần Kim Tuyến, Thiếu tá Đặng Sỹ, phó Tỉnh trưởng phụ trách nội an, nhận lệnh từ Tỉnh trưởng, dẹp đoàn biểu tình trước nguy cơ mất Đài Phát thanh Huế. Ông Sỹ đã ra lệnh cho quân lính “dùng súng Garant tay cầm ngang trước mặt và chỉ lấy sức mạnh xô đồng bào, tuyệt đối không được dùng lưỡi lê đâm và cũng không được phép nổ súng,” và chỉ “có 10 người được phép bắn” nhưng “chỉ được bắn chỉ thiên mà thôi”.[4]
Tuy vậy, khi Thiếu tá Đặng Sỹ tiến quân phía sau một xe cơ giới bảo an về phía Đài Phát thanh, khi còn cách đài 50 mét, một tiếng nổ kinh hoàng đã làm rung chuyển toàn bộ khu vực. Cảnh tượng hỗn loạn kinh hoàng và thê lương khủng khiếp được ghi nhận sau vụ nổ. 9 người đã thiệt mạng và 14 người bị thương sau vụ nổ.
Chính quyền Diệm cho rằng lực lượng Cộng sản đã lợi dụng tôn giáo để gây ra vụ nổ, còn những người chống đối cho rằng Thiếu tá Đặng Sỹ đã nhận lệnh chính quyền Diệm cho nổ để giải tán biểu tình. Sau khi Tổng Tống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ngày 24 tháng 11 năm 1963, Thiếu tá Đặng Sỹ bị bắt giam và ép phải khai rằng Ngô Đình Thục đã ra lệnh cho Sỹ đàn áp Phật Giáo ở Huế. Đặng Sỹ nhất định từ chối. Vì không đủ lý do để buộc tội nên Tòa án không thể tử hình Sỹ nhưng chế độ mới vẫn kết án ông này khổ sai chung thân. Tới năm 1966, chế độ Nguyễn Văn Thiệu loan tin Đặng Sỹ vô tội và thả Sỹ ra tù. Phiên tòa của chế độ mới đổ vấy mọi tội lỗi đàn áp cho Sỹ chỉ nhằm bôi nhọ chế độ Diệm.
Sau vụ nổ chấn động miền Nam Việt Nam ở Huế, một số hòa thượng đi đầu là Thượng tọa Thiện Minh có lập trường dứt khoát cho rằng “phải lợi dụng ngay biến cố đẫm máu kể trên để hướng đồng bào Phật tử về một đối tượng sống chết cho Đạo Pháp”.[5] Vụ nổ đã thổi bùng lên một ngọn lửa đấu tranh chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam của cộng đồng Phật giáo chống lại chính quyền trong suốt những ngày tháng từ sau vụ nổ cho tới khi chế độ Diệm sụp đổ vào cuối năm 1963.
Ngày hôm sau ở Huế hơn 10.000 người biểu tình để phản đối, cáo buộc chính quyền gây ra vụ nổ. Trong 4 tháng tiếp theo, các Phật tử cùng với những người ủng hộ huy động một lực lượng đông đảo quần chúng liên tục phản đối và đe dọa tới sự sống còn của chế độ Diệm.
Biểu tình đã không chỉ gói trong thành phố Huế mà lan mạnh tới Sài Gòn. Sài Gòn cuối cùng mới là điểm nóng của phong trào chống Diệm. Ngày 11 tháng 6 năm 1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn để phản đối chính quyền Diệm. Bà Nhu công khai chế nhạo việc tự thiêu Phật giáo là một màn “thịt nướng”, cáo buộc các lãnh đạo Phật giáo bị Cộng sản xâm nhập, và cho rằng các phong trào phản đối là do Việt Cộng đạo diễn.
Những tuyên bố ngoa ngôn và thiếu nhạy cảm này của bà Nhu đã làm suy yếu những nỗ lực yếu ớt của chính quyền Diệm nhằm thỏa hiệp với Phật giáo. Trong khi đó, trong suốt tháng 8 năm 1963, phong trào đấu tranh của Phật giáo lại leo thang lên những đỉnh mới với liên tục các nhà sư tự thiêu đến chết lần lượt vào những ngày 5, 15 và 18.
Sự kiện đàn áp chấn động nhất của Diệm đối với Phật giáo diễn ra vào ngày 20 tháng 8 năm 1963. Cảnh sát đặc biệt thực hiện mệnh lệnh của Ngô Đình Nhu đã tấn công chùa Xá Lợi, nơi tụ họp các đầu não chống đối chính sách đàn áp của Diệm. Tài liệu Mỹ mô tả:
“Họ đã dùng cảnh sát dã chiến và các đơn vị Lực lượng Đặc biệt nhận lệnh trực tiếp từ Nhu, không thông qua chuỗi lệnh quân đội. Các cuộc tấn công sâu rộng làm bị thương khoảng 30 tu sĩ, bắt giữ hơn 1.400 Phật tử và đóng cửa nhiều chùa, sau khi các chùa này đã bị hư hại và cướp bóc trong các cuộc tấn công.”[6]
Cảnh sát đặc biệt của Nhu đã không chỉ bắt bớ toàn bộ các sư sãi đang tham thiền tại đây, mà còn cho các cảnh sát mật mặc trang phục binh sĩ để “đổ vấy” tội cho quân đội. Những hành động như vậy gây phẫn nộ và là giọt nước tràn ly đẩy các tướng lĩnh quyết tâm đảo chính lật Diệm sau này.
Chỉ trích và sức ép của Mỹ
Sau biến cố Phật giáo, báo chí Mỹ đã công kích Diệm mãnh liệt. Những tờ báo lớn của Mỹ như New York Times, Washington Post, New York Herald Tribunne, gần như đều đã đứng hẳn về phía Phật giáo tố cáo Diệm. Báo chí đã tạo ra một bức tranh trong tâm trí chính giới Mỹ rằng: Diệm là kẻ độc tài đàn áp và uy tín của Hoa Kỳ sẽ bị tổn thương nếu tiếp tục bảo trợ cho Diệm.
Tầm nhìn của báo chí Mỹ hoàn toàn chống lại và bất lợi cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Niềm tin giữa Mỹ và Diệm đã rạn nứt nay bỗng vỡ toác sau vụ nổ chấn động ở Đài Phát thanh. Từ giữa năm 1963, đặc biệt sau biến cố Phật giáo, Mỹ đã thực sự thất vọng hoàn toàn với gia đình họ Ngô. Trước năm 1960, chính giới và dư luận Hoa Kỳ thiện cảm với Diệm và ủng hộ Diệm nhiệt thành bao nhiêu thì từ năm 1961, mối thiện cảm này nhạt dần và cho tới năm 1963, Diệm hiện lên trong tâm trí Hoa Kỳ như một Tổng thống độc tài và ngoan cố.
Ở Sài Gòn, sau cuộc đàn áp vào tháng 5, Đại sứ Nolting đã nhiều lần khuyên nhủ Diệm rất nhiều rằng phải điều đình với Phật giáo để cứu vãn uy tín cho chế độ. Diệm lắng nghe một cách thờ ơ.
Ngày 16 tháng 5, linh mục Cao Văn Luận lên đường sang Mỹ và những ghi chép của ông này trong cuốn hồi ký “Bên giòng lịch sử” của mình cho thấy thái độ rõ ràng của Mỹ với Diệm vào giữa năm 1963, đặc biệt là quan điểm của những “người bạn” trước đây của Diệm, những người đã góp công lớn dựng Diệm lên vào năm 1954 và củng cố mạnh cho quyền lực của Diệm trong giai đoạn 1954 – 1956.
Người đầu tiên phải kể tới là Thượng nghị sĩ Mansfield. Mansfield khi gặp ông Cao Văn Luận đã cho rằng: “Phần lớn các nhân vật chính phủ Mỹ đều cho rằng chế độ ông Diệm là một chế độ độc tài, gia đình trị, công giáo trị, không đoàn kết được toàn dân, đẩy những kẻ đối lập quốc gia đến bước đường cùng phải chống đối bằng bạo động, do đó không thể thắng được Cộng sản. Chính phủ Mỹ cũng như dân chúng Mỹ hết sức lo lắng và thất vọng.”[7]
Mansfield cảnh báo nếu Diệm không thay đổi đường lối, và thay đổi nhân sự thì “rất có thể Mỹ sẽ bỏ rơi ông Diệm, nếu không phải là bỏ rơi Việt Nam.” Khi báo chí Mỹ bắt đầu đăng những tin tức về những hành động đàn áp Phật giáo của chính quyền Diệm thì “dân chúng Mỹ, các chính khách Mỹ không phân biệt Cộng hòa hay Dân chủ đều tỏ ý thất vọng với chế độ ông Diệm, và coi như sự ủng hộ của Mỹ đối với ông Diệm nên được chấm dứt càng sớm
càng tốt.”[8]
Robert Kennedy, em trai Tổng thống Kennedy, lúc đó đang là Bộ trưởng Tư pháp cũng đã gặp ông Cao Văn Luận. Robert Kennedy chỉ trích mạnh mẽ những hành động của Diệm mà ông coi là độc tài và đàn áp đối lập, kỳ thị tôn giáo. Kennedy nói rằng nếu tình trạng này không thay đổi thì Chính phủ Mỹ không thể tiếp tục ủng hộ ông Diệm được nữa, vì dư luận dân chúng và Quốc hội Mỹ sẽ áp lực buộc chính phủ Mỹ bỏ rơi ông Diệm hoặc là bỏ rơi hẳn Việt Nam.
Kennedy nói rõ hơn là “ông Diệm phải mở rộng chính phủ, lập thủ tướng, tăng quyền cho các Bộ trưởng, kêu gọi các thành phần chính trị đối lập tham gia tân chính phủ, chấm dứt những sự bắt bớ đàn áp vì lý do chính trị hay tôn giáo.”[9]
Nhà khoa học chính trị Fishel, người lên kế hoạch đưa ông Diệm từ Nhật sang Mỹ hồi năm 1950, cũng nói rõ rằng nếu ông Diệm không thay đổi sâu rộng đường lối chính trị của ông thì nội trong năm 1963, “Mỹ phải tìm cách loại bỏ ông Diệm khỏi sân khấu chính trị Việt Nam và biện pháp thủ tiêu có thể được xét tới.”[10]
Fishel như đã trình bày ở chương trước, là một sĩ quan CIA. Việc Fishel, một người bạn của Diệm và nằm trong CIA, nói điều này vào giữa năm 1963, là một lời cảnh báo nghiêm trọng nhưng đã bị Diệm bỏ ngoài tai. Kế hoạch đảo chính của Mỹ về sau đã diễn ra đúng như lời nhận định của Fishel.
Phản ứng của Diệm, Nhu
Bất chấp những đòi hỏi và cảnh báo phải điều đình với Phật giáo từ Mỹ, chính quyền Diệm đã phản ứng cứng rắn, thậm chí thách thức.
Sau biến cố ở Đài Phát thanh Huế đúng 4 ngày, Nhu tiếp tục “cho nổ một trái bom làm rung động ngoại giao Mỹ” theo lời bác sĩ Trần Kim Tuyến, khi ông Nhu tuyên bố với phái viên tờ Washington Post trong bài báo đăng ngày 12 tháng 5 rằng: “Cho đến lúc này Chính Phủ Việt Nam Cộng hòa không thấy cần thiết một số Cố vấn quân sự quá lớn, cho nên Việt Nam Cộng hòa có thể yêu cầu chính phủ Mỹ cho rút một nửa số Cố vấn quân sự Mỹ, tức là chỉ nên duy trì khoảng 7, 8 ngàn là đủ.”[11] Nhu không những không nghe lời Mỹ mà còn thách thức, đòi Hoa Kỳ rút bớt sự hiện diện ở miền Nam Việt Nam.
Tuyên bố một cách chính thức “không thấy cần thiết” sự hiện diện quá nhiều của Mỹ là một thông điệp mà Mỹ không muốn nghe. Còn hơn thế, ông Ngô Đình Nhu bắt đầu đánh tiếng về việc sẽ nối lại quan hệ với miền Bắc Cộng sản, hàm ý thà chơi với Cộng sản còn hơn với Mỹ trong tình huống này.
Cuốn “Làm thế nào để giết một Tổng thống” mô tả nhiều đoạn hội thoại giữa Ngô Đình Nhu và các thân hữu. Cụ thể, Nhu nói:
(1) “Đã đến lúc mình phải xét lại sự hợp tác và viện trợ của Mỹ. Anh có thể giúp tôi tìm sự ủng hộ thân hữu của Pháp và các quốc gia Bắc Phi. Trong tình thế này chúng ta phải đi đến một thỏa ước với Bắc Việt.”
(2) “Trong tình thế này Hoa Kỳ cứ gây khó khăn mãi cho Chính phủ Việt Nam thì tôi phải lựa chọn.”
(3) “Tuy nhiên, nếu quốc gia chống Cộng như Trung Hoa Dân quốc không giúp đỡ tích cực Việt Nam Cộng hòa và không làm cách nào cho Hoa Kỳ bớt gây rối miền Nam thì buộc lòng Việt Nam Cộng hòa phải chọn lựa nghĩa là sẽ có nói chuyện ngưng bắn và thiết lập quan hệ bình thường với Bắc Việt.”
(4) “Lập trường chống Cộng phải đi song song với lập trường dân tộc. Nếu Hoa Kỳ không tôn trọng quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam thì buộc lòng Tổng thống sẽ phải xét lại công cuộc viện trợ.”[12]
Những tâm sự này phản ánh tình trạng khó khăn trong lựa chọn chiến lược của Nhu, cho thấy Ngô Đình Nhu có ý tưởng nối lại quan hệ với miền Bắc khi cảm nhận rõ sự “trở cờ” của Mỹ với anh trai.
Hiện có hai luồng bình luận khác nhau xung quanh ý tưởng này. Luồng thứ nhất cho rằng Ngô Đình Nhu thật sự muốn ngả về hướng đàm phán với miền Bắc để trả đũa áp lực của Hoa Kỳ và thoát khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ bằng mọi giá. Luồng thứ hai cho rằng Nhu chỉ tung ra đòn hỏa mù nhằm tăng sức nặng trong quá trình mặc cả với Mỹ. Dù thế nào đi nữa, quan điểm và những phát ngôn về khả năng “chia tay” Mỹ đã gây hậu quả tai hại cho không chỉ con đường chính trị của hai anh em Diệm Nhu mà còn cả tính mạng của họ.
Trần Kim Tuyến đã nhận định đúng: “Ông Nhu quên mất rằng với 16.000 Cố vấn Mỹ và mỗi ngày Mỹ phải chi trên một triệu đô la cho cuộc chiến tại Việt Nam (số liệu năm 1963) thì không dễ dàng gì Mỹ có thể để cho ông Nhu tự do hành động khác với đường lối của họ… Hoa Kỳ lại dùng “gậy ông lại đập lưng ông’’ quật ngã ông Nhu, khi họ cố tình cho rằng ông Nhu định bắt tay với Cộng sản.”[13]
Có nhiều lý do để tin rằng với những can thiệp vào công việc nội bộ miền Nam của Mỹ, Nhu đã thực sự tin rằng phải chấm dứt cuộc xung đột ở Việt Nam bằng một giải pháp chính trị với miền Bắc, và Việt Nam muốn có chủ quyền thật sự thì không thể tiếp tục phụ thuộc vào viện trợ Mỹ được nữa. Diệm và Nhu đã hiểu: “Việt Mỹ đã xung khắc ngay từ buổi đầu của cuộc hôn nhân. Nói đúng hơn, miền Nam trở thành một phận gái hẩm hiu do cảnh ngộ của lịch sử mà phải ép duyên gán nợ cho anh chồng trọc phú.”[14] Chính vì thế, Diệm và Nhu dù luôn có trong đầu ý đồ chống Cộng quyết liệt đã phải có những suy tính về bước chuyển chiến lược nhằm thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ.
Tuy vậy, Hoa Kỳ không thể để cho miền Nam sống dựa trên viện trợ Mỹ nhưng lại đi theo một con đường nào khác ngoài chống Cộng. Mong muốn loại bỏ hai anh em Diệm Nhu ngày càng tăng dần trong chính giới Mỹ.
Trong bối cảnh đó, lệnh đàn áp tháng 8 của Nhu đối với Phật giáo lại như một sự khiêu khích trắng trợn với nước Mỹ. Tài liệu Mỹ cho rằng:
“Nhu cẩn thận xếp đặt vào thời điểm mà không có Đại sứ Mỹ [ở Saigon], và thi hành ngay sau khi một sắc lệnh thiết quân lực trên toàn quốc được ban hành… Nhu đã dự kiến rằng sau khi nghiền nát Phật giáo, ông có thể đối mặt với Đại sứ mới của Mỹ bằng một việc đã rồi.”[15]
Sự kiện đàn áp của Nhu vào ngày 20 tháng 8 là “cái tát trực tiếp vào mặt Hoa Kỳ” theo Tài liệu Hồ sơ Lầu Năm Góc. Chính sự khiêu khích này của Nhu với Mỹ là giọt nước cuối cùng tràn ly. Sau đó đúng ba ngày, tài liệu tình báo Mỹ thừa nhận: “ngày 23 tháng 8, liên lạc đầu tiên với một đại diện Hoa Kỳ đã được thực hiện bởi các tướng lãnh đã bắt đầu lên kế hoạch một cuộc đảo chính chống Diệm.”[16]
Âm mưu đảo chính này sẽ được đề cập trọn vẹn ở chương tiếp theo.
Vai trò của Mỹ trong biến cố Phật giáo
Có thể khẳng định rằng, chính quyền Diệm đã sai lầm trong việc cấm treo cờ và đã thiếu khôn ngoan trong việc giải quyết những xung đột gây ra bởi sai lầm đó. Tuy vậy, sự việc lẽ ra đã không vỡ lở ra đến vậy nếu không có bàn tay trực tiếp của Mỹ, cụ thể là CIA.
Sự thật vụ nổ ở Đài Phát thanh Huế là do Đại úy CIA Scott gây ra, Scott sau này đã thừa nhận rằng những ai tin đó là “tiếng nổ của plastic Việt Cộng hay lựu đạn của chính quyền Việt Nam” chỉ là những kẻ ngây thơ và Thiếu tá Đặng Sỹ chỉ là một “nạn nhân”.[17]
Trên thực tế, theo tài liệu tiết lộ bởi trùm mật vụ Sài Gòn Trần Kim Tuyến, chiều ngày 7 tháng 5, Đại úy CIA Scott từ Đà Nẵng ra Huế để thực hiện một “công tác trọng đại” do Cục tình báo Trung ương Mỹ giao phó. Scott đã đặt “một chất đặc biệt của Trung ương tình báo Mỹ. Thể tích của nó không lớn hơn bao quẹt và có riêng bộ phận để điều khiển” tại khu vực Nhà phát thanh và căn đúng thời điểm ấy để cho phát nổ.[18] Từ chiều ngày 7 tháng 5, một nhân viên CIA nổi tiếng khác là Lou Conein đã nói với Trần Khôi: “Dư luận Mỹ đang bất lợi cho Việt Nam, muốn chống Cộng sản thì phải huy động lực lượng Phật giáo không phải chỉ một chính quyền Công giáo. Phật giáo sẽ phá hủy chính phủ này.”[19]
Sau này, trùm mật vụ Sài Gòn Trần Kim Tuyến dưới bút danh Lương Khải Minh đã nhận định về vụ nổ do CIA gây ra này trong cuốn sách “Làm thế nào để giết một Tổng thống” như sau:
“CIA không phải chỉ ở Tòa Đại sứ Mỹ và họ có những đường dây hoạt động biệt lập với phòng CIA của Đại tá Richardson và chỉ trực tiếp với Washington. Do đó, “cú Scott’’ tại Đài Phát thanh Huế cũng chỉ là một cú “chơi lẻ’’ (coup isolé). Ngay từ những năm 61, 62 nhân viên Trung ương Tình báo Mỹ đã gài người trong nhiều cơ quan như USAID kể cả những tổ chức văn hóa giáo dục. Nhờ vậy, CIA đã thừa khả năng nhân sự để chơi những “coup lẻ’’ tương tự như trên… Giới chức Mỹ nhất là phía CIA đã thuộc lòng phương thức này: “Những lãnh tụ Á Đông phải dùng bạo lực mới có thể đánh đổ họ xuống được.”[20]
CIA đã lợi dụng Phật giáo và thông qua một vụ nổ đầy bạo lực để dọn đường cho việc lật đổ Ngô Đình Diệm. Sau này, Linh mục Nguyễn Văn Thuận đã thừa nhận rằng “không thể tin tưởng được chính trị Hoa Kỳ, do CIA thao túng”.[21] Linh mục Thuận đã tổng kết về âm mưu của CIA trong vụ Phật giáo năm 1963:
(1) Âm mưu chia rẽ tôn giáo để làm mất uy tín chính quyền Diệm: “Âm mưu hiểm độc của CIA, chia để trị, chia rẽ để trị cả nội bộ Đảng Cần Lao, chia rẽ nội bộ Công giáo, nội bộ Phật giáo, kích động Công giáo, Phật giáo chống đối nhau, tạo ra những chuyện dối trá để giết người một cách vô lương tâm. Cụ thể là việc tên Đại úy CIA đã lệnh đặt mìn nổ ở Đài Phát thanh Huế, để rồi vu vạ là Thiếu tá Đặng Sỹ được lệnh ông Cẩn giết Phật giáo”.
(2) Âm mưu chia rẽ Vatican và chế độ Diệm để Diệm không còn sự hậu thuẫn từ Giáo hội: “CIA đã xúi giục sứ quán Halia tại Sài Gòn kích động Khâm sứ Asta để báo cáo cho Tòa thánh rằng ông Diệm giết Phật giáo. CIA biết rằng giáo dân còn thiện cảm với ông Diệm, cần phải tách Vatican ra xa ông Diệm thì ông Diệm sẽ đổ, và lúc ấy tướng lãnh mới dám đứng ra chống ông Diệm.”
Linh mục Thuận đã kết luận: “Nếu cân nhắc sự mất mát uy tín, sự rạn nứt nội bộ, mà kết quả là mất lòng tin ở các vị lãnh tụ tinh thần của Giáo hội Công giáo và Giáo hội Phật giáo, thì phải nói chính CIA là kẻ thù đã phá hoại tôn giáo nhất ở Việt Nam.”[22]
Không chỉ gây ra vụ nổ, CIA tiếp tục khuấy động truyền thông tận dụng vụ việc để đả kích chính quyền Diệm đàn áp và độc tài. Cao Thế Dung và Lương Khải Minh viết: “Mấy ông CIA Mỹ “chìm” cố kết với báo chí Mỹ, Pháp qua các thông tấn và ký giả tại Sài Gòn để đóng vai trò hoạt náo viên có lợi nhất cho “đối phương” hành động của họ.”[23]
Như thế, việc thất vọng với Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu về sự ngoan cố không chịu chấp nhận đông đảo thành phần xã hội trong cuộc chiến chống Cộng là điều kiện cần. Việc thất vọng với ý tưởng của Ngô Đình Nhu tìm kiếm thỏa hiệp với miền Bắc Cộng sản là điều kiện đủ. Cả hai điều kiện đã gây nguy hại cho lợi ích và toan tính của Mỹ ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.
Vì thế, Mỹ xác định phải đập vỡ nguyên nhân gây ra hai điều kiện này từ trong trứng nước. Lật đổ anh em Diệm Nhu là từ giải pháp đã trở thành sự lựa chọn của Mỹ trong hành trình can dự ở Việt Nam. Biến cố đàn áp Phật giáo chỉ là một cái cớ và CIA đã tận dụng duyên cớ này để đẩy cuộc khủng hoảng lên tới đỉnh điểm nhằm lật Diệm.
Tài liệu tham khảo
[1] Bí mật Ngũ Giác Đài. Bản dịch bằng tiếng Việt của Nguyễn Quốc Vĩ.
[2] Nt
[3] Lương Khải Minh – Cao Thế Dung. (1971). Làm thế nào để giết một Tổng thống. Bút ký lịch sử.
[4] Nt
[5] Nt
[6] Bí mật Ngũ Giác Đài. Bản dịch bằng tiếng Việt của Nguyễn Quốc Vĩ.
[7] Cao Văn Luận. (1982). Bên giòng lịch sử, 1940 – 1965. Đại Nam.
[8] Nt
[9] Nt
[10] Nt
[11] Lương Khải Minh – Cao Thế Dung. (1971). Làm thế nào để giết một Tổng thống. Bút ký lịch sử.
[12] Nt
[13] Nt
[14] Nt
[15] Bí mật Ngũ Giác Đài. Bản dịch bằng tiếng Việt của Nguyễn Quốc Vĩ.
[16] Nt
[17] Lương Khải Minh – Cao Thế Dung. (1971). Làm thế nào để giết một Tổng thống. Bút ký lịch sử.
[18] Nt
[19] Nt
[20] Nt
[21] Nguyễn Văn Thuận. Tự thuật của Linh mục Nguyễn Văn Thuận.
[22] Nt
[23] Lương Khải Minh – Cao Thế Dung. (1971). Làm thế nào để giết một Tổng thống. Bút ký lịch sử.
(trích Phán xét – Nguyễn Văn Hưởng)