Ngô Đình Diệm: Sự lựa chọn của Mỹ

Ngô Đình Diệm đã là một nhân vật nổi tiếng tại Việt Nam từ những năm 1930 khi Diệm từ chức Thượng thư Bộ Lại (tương đương Bộ trưởng Nội vụ) để phản đối chính sách cai trị của Pháp. Là một nhân vật ảnh hưởng bởi Công giáo và Khổng giáo, có tính cách hướng nội và thâm trầm, việc ông ta xuất hiện trở lại với tư cách Thủ tướng Việt Nam tháng 6 năm 1954 khiến không ít người ngạc nhiên. Diệm đã không “cáo ốm từ quan” để “vui thú điền viên” mà ngược lại, đã có hơn 20 năm xây dựng vốn chính trị để trở lại chính trường.

Trên con đường ấy, Diệm đã đi tìm Mỹ và được Mỹ chọn như một ngọn cờ tập hợp lực lượng tại miền Nam Việt Nam. Để hiểu về quá trình lựa chọn này, cần hiểu con đường tiến thân của Diệm cũng như các mục tiêu cụ thể của nước Mỹ giai đoạn trước và ngay sau Hội nghị Genève năm 1954.

Con đường tiến thân của Diệm

Ngô Đình Diệm sinh ngày 3 tháng 1 năm 1901 trong một gia đình Công giáo hết sức thành đạt tại Quảng Bình. Cha Diệm là Ngô Ðình Khả, quan Thượng thư trong triều đình Huế. Anh cả Ngô Ðình Khôi là tổng đốc một tỉnh và một anh trai khác, Ngô Ðình Thục là một trong những vị Tổng Giám mục Công giáo đầu tiên của Việt Nam. Ngô Đình Diệm tiếp nối truyền thống cha anh, trở thành một viên quan trong triều, và lên tới chức tổng đốc khi chưa đầy 30 tuổi. Dưới Diệm còn có 5 người em khác là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Luyện, Ngô Đình Thị Giáo và Ngô Đình Thị Hiệp (mẹ của Linh mục Nguyễn Văn Thuận). Ngô Đình Nhu học ngành Lưu trữ ở Pháp tới năm 1938 mới về nước làm việc ở Văn khố Phủ toàn quyền Đông Dương. Ngô Đình Cẩn tuổi trẻ chỉ lo chăm sóc và phụng dưỡng thân mẫu. Tuy vậy, cả hai nhân vật này đều trở thành những chính trị gia đầy quyền lực sau khi Diệm chính thức nắm quyền vào năm 1954.

Năm 1933, khi Diệm mới 32 tuổi, Pháp bổ nhiệm Ngô Đình Diệm chức Thượng thư Bộ Lại (tương đương Bộ trưởng Nội vụ), trở thành vị Thượng thư trẻ nhất trong triều Nguyễn. Nhưng chỉ ba tháng sau, tháng 7 năm 1933, Ngô Đình Diệm từ chức để phản đối việc Pháp không chịu khoan nhượng trong vấn đề cải cách Việt Nam theo hướng độc lập và tự chủ hơn. Diệm muốn Pháp chỉ giữ chế độ bảo hộ có kiểm soát thay vì bảo hộ trực tiếp. Việc từ chức của Ngô Đình Diệm đã tạo cho ông này danh tiếng là một nhà quốc gia không thỏa hiệp. Diệm được biết đến rộng rãi ở Việt Nam nhờ quyết định này.

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công và việc lên nắm quyền của Việt Minh không làm giảm quyết tâm theo đuổi tham vọng chính trị của Ngô Đình Diệm. Ngược lại, Diệm nhận ra rằng khi cuộc đối đầu toàn diện giữa Pháp và Việt Minh nổ ra, có một bộ phận không nhỏ những người Việt không sẵn sàng lựa chọn một bên nào, dù là Pháp hay Việt Minh. Ý đồ của Diệm là muốn liên kết lực lượng này lại, hình thành một “Lực lượng thứ ba”, vừa chống thực dân vừa chống Cộng. Đã có nhiều nỗ lực của một số phe nhóm tại Việt Nam thành lập một lực lượng như vậy từ thập niên 1940 nhưng đều thất bại vì chia rẽ và rạn nứt. Tuy vậy, Diệm không từ bỏ và nhất quyết đi theo hướng này. Hoạt động của Diệm trong suốt những năm tháng trước khi nắm quyền vào năm 1954 đều theo hướng đó. Ý đồ này của Diệm rất khớp với quan điểm của Hoa Kỳ giai đoạn đó.

Nhiều sử liệu ghi lại việc Việt Minh đưa Diệm ra Hà Nội vào đầu năm 1946 để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, và Hồ Chủ tịch đã đề nghị với Diệm một chức vụ trong chính phủ liên minh do Việt Minh lãnh đạo. Trong những năm sau này, Ngô Đình Diệm tuyên bố không chấp nhận đề nghị này.

Ngô Đình Diệm là một trong số những người đã sang Hồng Kông để gặp và cố vấn cho Cựu hoàng Bảo Đại để thành lập một liên minh gồm những nhóm và bè phái không Cộng sản vốn bị chia rẽ của Việt Nam. Những nỗ lực của Diệm đều vô ích. Cuối tháng 3 năm 1948, Bảo Ðại thông báo cho Ngô Đình Diệm và các lãnh đạo người Việt khác là ông có ý định tiếp tục xây dựng chính phủ mới theo các điều khoản do Paris đưa ra, thay vì nghe theo các đề xuất của Diệm. Khi ấy, Bảo Đại đã nằm trong một giải pháp mà Pháp và Mỹ lựa chọn để đối đầu với Việt Minh.

Giải pháp Bảo Ðại” vào năm 1948 – 1949 của Mỹ và Pháp khiến Ngô Đình Diệm thất vọng. Nhiều nhà lãnh đạo quốc gia chống Cộng chấp nhận hậu thuẫn cho Bảo Ðại nhưng Ngô Đình Diệm lại phẫn nộ trước cái mà ông coi là “sự đầu hàng của cựu hoàng trước những đòi hỏi của người Pháp”.[1] Khi Bảo Đại ký với Pháp Hiệp định Élysée, cho dù một lần nữa, Bảo Đại lại mời Diệm ra làm Thủ tướng, Diệm đã khước từ với câu nói nổi tiếng: “Tôi không tin người Pháp, lại càng không tin vào nền độc lập nửa vời mà người Pháp vẽ ra.” Ngô Đình Diệm hoàn toàn phủ nhận Hiệp ước Elysée đồng thời ông cũng gửi thông báo rằng ông không có ý định hợp tác với Việt Minh. Việc Ngô Đình Diệm liên tục khước từ mọi đề nghị tham chính của cả Bảo Đại lẫn Việt Minh phần nào thể hiện tính cách bướng bỉnh của Diệm, như chính CIA đã nhận định: “Ông ấy (tức Ngô Đình Diệm) là một con người luôn muốn được tất cả, hoặc không có gì cả.”[2]

Ngô Đình Diệm đã chọn một con đường thứ ba bằng cách thách thức cả Việt Minh và Pháp, con đường ấy sau này lại hợp với mong muốn của Hoa Kỳ, điều này sẽ được phân tích ở phần tiếp theo.

Vào đầu năm 1950, không gian cho cuộc vận động chính trị của Ngô Đình Diệm gần như không còn nữa. Vào tháng 2 năm 1950, Việt Minh được Trung Quốc và Liên Xô đều chính thức thừa nhận và ủng hộ, trong khi đó Mỹ và Anh chính thức hậu thuẫn cho Quốc gia Việt Nam và Bảo Ðại. Sự hình thành hai phe hai cực, tư bản và Cộng sản, đã dần định hình ở Việt Nam. Ngô Đình Diệm không có vị trí và thế đứng trong một không gian chính trị như vậy, thậm chí đối mặt với sự đe dọa tính mạng từ các phe phái chính trị khác. Tháng 8 năm 1950, Ngô Đình Diệm rời Ðông Dương trong một chuyến đi dự định chỉ một vài tháng, nhưng Diệm đã ở nước ngoài tới gần 4 năm. Trong 4 năm ấy, khoảng 2 năm rưỡi Diệm đã sống ở Hoa Kỳ và tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ, quốc gia mà Diệm tin rằng sẽ có ảnh hưởng lớn tới tương lai chính trị Việt Nam.

Diệm nhận thức ở thời điểm ấy rằng Mỹ là quốc gia mạnh nhất có cùng quan điểm chống Cộng quyết liệt với mình. Diệm biết rằng ở Mỹ, phong trào chống Cộng đang lên ngôi và chính giới Hoa Kỳ luôn khắc họa cuộc đấu tranh giữa Tự do và Cộng sản như cuộc đấu tranh giữa Thiện và Ác, rằng Hoa Kỳ, như Tổng thống Truman nói vào năm 1947, sẽ ủng hộ các dân tộc tự do chống Cộng sản. Sự thành lập chế độ Cộng sản ở Trung Quốc năm 1949 càng làm tăng thêm mối quan ngại của Mỹ. Tháng 5 năm 1950, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố sẽ viện trợ trực tiếp cho Việt Nam, Campuchia và Lào cũng như tiếp tục viện trợ cho Pháp. Diệm không thể không biết và không cảm nhận được rằng lập trường chống Cộng cứng rắn của mình rất phù hợp với Mỹ. Đó chính là lý do Diệm hướng tới Mỹ như một điểm đến trên con đường kiếm tìm vị thế chính trị của mình.

Diệm gây dựng “vốn chính trị” ở Hoa Kỳ

Ngô Đình Diệm sang Nhật trước khi sang Mỹ, để gặp trực tiếp đồng minh trước đây của mình là Hoàng tử Cường Ðể và xin diện kiến viên tướng Hoa Kỳ Douglas Mac Arthur. Tướng Mac Arthur tiếp anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục lạnh nhạt. Nhưng, tại Nhật, Diệm đã làm quen với nhà khoa học chính trị người Mỹ Wesley Fishel. Nhiều tài liệu cho biết Fishel là sĩ quan tình báo cao cấp của Mỹ, cụ thể, “Fishel làm việc cho bộ phận tình báo của Bộ Tư lệnh Lực lượng Viễn Đông của Mỹ và có thể tìm gặp Diệm theo lệnh của cấp trên”.[3] Fishel cho rằng Ngô Đình Diệm là một “nhân vật hết sức sắc sảo”.[4] Ông này đã giúp Diệm sang Mỹ và gây dựng những quan hệ trong giới học thuật cũng như chính trị Hoa Kỳ cho Diệm. Đại học Michigan, nơi Fishel giảng dạy, đã bảo trợ cho chuyến đi Mỹ của Ngô Đình Diệm.

Rời Nhật, Diệm và Thục tới Vatican yết kiến Giáo hoàng Pius XII, người có quan điểm chống Cộng mạnh mẽ. Điểm dừng chân tiếp tục trong hành trình gây vốn chính trị của Diệm là Hoa Kỳ. Vào đầu tháng 9 năm 1950, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục sang Mỹ và đến Washington, nơi họ được tiếp đón ở Bộ Ngoại giao. Nhưng Ngô Đình Diệm không gây được mấy ấn tượng với người Mỹ về khả năng lãnh đạo trong lần gặp đầu này. Sử gia Edward Miller cho biết tuyên bố của một quan chức sau cuộc gặp với Ngô Đình Diệm rằng Diệm “quan tâm ngang bằng nếu không nói là hơn… đến việc thực hiện các tham vọng cá nhân, thay vì giải quyết những vấn đề phức tạp mà đất nước của ông đang đối mặt ngày hôm nay”.[5]

Từ Hoa Kỳ, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục tiếp tục trở lại châu Âu (Tụy Sĩ, Bỉ, Pháp) vào tháng 10 năm 1950. Từ Pháp, tài liệu của Edward Miller cho rằng Diệm đã gửi một thông điệp tới Bảo Ðại. “Thông điệp này mang lời đề nghị làm Thủ tướng Quốc gia Việt Nam của Ngô Đình Diệm, với điều kiện là ông có đủ thẩm quyền để cai trị các cơ quan hành chính vùng miền trong Việt Nam”.[6] Nhưng Bảo Ðại đã không còn ấn tượng với bước lui này của Ngô Đình Diệm.

Vào tháng 12 năm 1950, Ngô Đình Diệm giã từ với Ngô Đình Thục và một mình vượt Ðại Tây Dương sang Mỹ. Diệm đã sống trong hai năm rưỡi ở Mỹ, ở hai tu viện Maryknoll (Bang New Jersey) và Ossining (Bang New York), âm thầm tìm kiếm sự ủng hộ từ người Mỹ và đợi ngọn gió chính trị Ðông Dương đổi chiều.

Mỹ chọn Diệm là con bài chống Cộng

Từ đầu năm 1954, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã quyết định rằng phải từng bước thế chân Pháp ở Đông Dương. Ba tháng trước khi Điện Biên Phủ sụp đổ, tháng 2 năm 1954, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Walter Bedell Smith đã nói với Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ rằng khả năng nếu Pháp bại trận và phải rút lui thì giải pháp đầu tiên là: “Dựng tường để ngăn chặn một miền, và giúp đỡ những phần tử bản xứ muốn được giúp đỡ ở một miền khác.”[7]

Mỹ đã nỗ lực tìm kiếm người có khả năng tập hợp những “phần tử bản xứ” như vậy. Điều này được mô tả trong tài liệu “CIA và gia đình họ Ngô” đã giải mật. Tài liệu này đã ghi nhận rằng, từ đầu năm 1954, CIA đã bắt đầu xem “chân tướng” những nhân vật lãnh đạo Việt Nam nào khả dĩ có thể trực tiếp chống lại phong trào Việt Minh đang lan rộng.

Theo hầu hết tất cả những bài viết về Ngô Đình Diệm từ tài liệu Mỹ, ông Diệm thu hút người Mỹ trước hết bởi chủ nghĩa chống Cộng và chống Pháp kiên định. Khi diễn thuyết tại thủ đô Washington của Mỹ, Ngô Đình Diệm luôn lập luận rằng: “chỉ cần chấm dứt chính sách thực dân Pháp và chỉ cần Việt Nam có một chính phủ do người quốc gia lãnh đạo là có thể đánh bại được Cộng sản.”[8] Lý luận này quá đơn giản và thiếu thực tế nhưng vẫn được các chính khách Mỹ hoan hỷ chào đón.

Sử gia Stanley Karnow viết trong cuốn sách nổi tiếng “Việt Nam – Một lịch sử”: “Ông Diệm biện minh cho trường hợp của ông với một lý luận đơn giản có thể lôi cuốn được cả những người bảo thủ và tự do. Lý luận đơn giản này là ông chống lại cả Cộng sản và thực dân Pháp thống trị Việt Nam.”[9] Lý luận này phù hợp với chính sách của Mỹ lúc đó.

Căn cước Công giáo của Ngô Đình Diệm cũng là yếu tố then chốt khác giúp Diệm thu hút những ủng hộ viên người Mỹ. Ngô Đình Diệm dựa khá nhiều vào các mối quan hệ với Vatican của Ngô Đình Thục và các Giám mục Công giáo trong thời gian sống lưu vong. Những nhân vật này đã giúp Diệm trú ngụ tại các trường dòng Công giáo tại Mỹ và giới thiệu Diệm với các nhân vật trong chính giới Hoa Kỳ. Gương mặt đã nâng đỡ Diệm một cách đặc biệt trong giai đoạn ở Mỹ và sau này khi Diệm trở về là Hồng y Spellman. Ông này đã tạo cơ hội cho Diệm gặp gỡ và nói chuyện với một số học giả và chính khách lớn của Hoa Kỳ như Thượng nghị sĩ Mike Mansfeld, Thượng nghị sĩ John Kennedy (người sau này trở thành Tổng thống Hoa Kỳ), Dân biểu Walter Judd, Chánh án Williams Douglas và cả William J. Donovan, người sáng lập đồng thời là giám đốc Cơ quan Tình báo Chiến lược OSS. Sử gia Karnow cũng đưa ra kết luận: “Điều hấp dẫn với Hồng y Spellman là ông Diệm là một tín đồ Kitô La Mã. Nhờ vậy mà Hồng y Spellman tích cực ủng hộ ông Diệm.”[10]

Sự hậu thuẫn của Hồng y Spellman là yếu tố mang tính chất xoay chuyển trong sự nghiệp chính trị của Diệm. Cuốn Hồi ký Đỗ Mậu đề cập tới cuốn sách “Giáo hoàng Mỹ, cuộc đời và thời đại của Francis Cardinal Spellman” của John Cooney trong đó viết về sự đồng thuận của Giáo hoàng Paul XII và Hồng y Spellman trong việc vận động Hoa Kỳ đưa Diệm lên nắm quyền sau này. Đoạn sách viết: “Theo Malachi Martin, một giáo sĩ Dòng Tên đã từng làm việc tại Vatican trong những năm Mỹ gia tăng sự tham dự vào Việt Nam, thì lập trường của Hồng y Spellman hợp với ý muốn của Giáo hoàng muốn Hoa Kỳ ủng hộ Diệm vì Ngài bị ảnh hưởng của Giám mục Thục là anh của Diệm. Ông Martin xác nhận rằng: Giáo hoàng lo ngại Cộng sản sẽ bành trướng thêm làm suy hại đến Giáo hội. Giáo hoàng đã nhờ Spellman khuyến khích người Mỹ can dự vào Việt Nam.”[11]

Có thể nói rằng, chống Cộng là một trong những quan điểm của Giáo hội Công giáo thời đó. Từ năm 1931, Giáo hoàng đã gửi Thông điệp cho rằng phải chống lại Cộng sản với quan điểm đấu tranh giai cấp và xóa bỏ tư hữu của họ. Trong bức thư chung gửi giáo xứ Việt Nam trong năm 1931, Giáo hoàng cũng nhấn mạnh quan điểm này. Việc Giáo hội ủng hộ một nhân vật chống Cộng ở Việt Nam là phù hợp với quan điểm chung của Công giáo La Mã.

Như vậy, có thể khẳng định, Ngô Đình Diệm có những ưu thế lớn để được Mỹ đỡ đầu như là nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc nhưng chống Cộng nổi tiếng và là người theo đạo Thiên Chúa thuần thành. Một ưu thế khác là Diệm nói tốt tiếng Anh trong khi các quan chức ở Việt Nam phần đông chỉ biết tiếng Pháp.

Với các đặc điểm trên, Ngô Đình Diệm gần như là một ứng viên duy nhất đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của Mỹ để nắm một nửa Việt Nam nhằm chống lại Cộng sản. Dù CIA đánh giá không cao Diệm về mặt tính cách, và cho rằng bản tính “ngoan cố” và “thần bí kiểu yoga” của Diệm sẽ khiến việc ông này được chọn làm Thủ tướng là “một triển vọng lố bịch”,[12] Mỹ đã vẫn chọn Diệm bởi thực tế không ai hơn Diệm trong các phần tử không Việt Minh.

Zalin Grant viết trong cuốn “Giáp mặt Phượng hoàng, CIA và thất bại chính trị của Hoa Kỳ ở Việt Nam” rằng: “Việc chọn Diệm phản ánh thực trạng khó khăn trong việc lựa chọn những phần tử không Việt Minh. Những lãnh tụ không Việt Minh khác thì hoặc là có quốc tịch Pháp hoặc là có quá khứ hợp tác với Pháp… Diệm có chỗ hấp dẫn là ông đã chống cả Pháp lẫn Cộng sản và được biết tiếng trong nước là một người quốc gia.”[13]

Zalin Grant cũng nhận định rằng sự lựa chọn Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng có “bàn tay bí mật” của CIA thông qua Bảo Đại. Cuốn sách về CIA của Grant có đoạn viết:

“Robert Amory, lúc đó là Phó Giám đốc CIA, kể lại hôm ông đến chơi với một nhà báo truyền hình là Martin Agronsky, và tán chuyện với thẩm phán tòa án tối cao William O. Douglas, ông này nói: “Ông có biết ai là người sẽ đưa chúng ta đến Việt Nam không. Ông ta đang ở nước mình, đó là Ngô Đình Diệm.” Amory ghi lại tên người đó vào trong sổ tay, Z-I-M (cách người Mỹ phát âm từ Diệm – NV), và hôm sau nói lại với các quan chức CIA. Chưa có ai nghe nói tới Diệm cả, nhưng ông ta nghiên cứu kỹ thì thấy đúng là người đang cần.”[14]

Douglas thực sự đã sang Việt Nam vào năm 1953 và nhận ra rằng có một lượng không nhỏ những người quốc gia không thích Pháp nhưng cũng không ưa Cộng sản, và Ngô Đình Diệm chính là cái tên thích hợp lúc này để tập hợp lực lượng ấy. Douglas trở về và vận động mạnh cho Diệm. Sử gia Edward Miller đã dùng từ “số mệnh đã định sẵn” khi mô tả về buổi tiệc trưa nhằm vinh danh Diệm vào ngày 8 tháng 5 năm 1953, do Thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ William Douglas tổ chức để vận động cho Diệm. Miller viết:

“Douglas sang thăm Ðông Dương một năm trước đó và tin rằng nơi này cần có một Lực lượng thứ 3. Douglas tổ chức bữa tiệc trưa này để giới thiệu Ngô Đình Diệm với những người Mỹ khác có cùng suy nghĩ như ông; khách mời gồm có các nghị sĩ Mike Mansfeld và John F. Kennedy; số mệnh đã định sẵn là hai người này sẽ đóng vai trò then chốt trong quan hệ của Ngô Đình Diệm với Mỹ.”[15]

Có thể nói, giai đoạn sống ở Hoa Kỳ đã đóng vai trò then chốt giúp Ngô Đình Diệm xây dựng được mối quan hệ với các chính khách Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ cũng đã thành công trong việc nhìn nhận ra Ngô Đình Diệm. Về sau, mối quan hệ hai chiều của Ngô Đình Diệm với những người Mỹ như Spellman, Fishel, Mansfeld và Kennedy đã “đơm hoa kết trái”. Ðặc biệt là sau năm 1954, những cá nhân Diệm có quan hệ trong chính giới Hoa Kỳ đã ủng hộ chính thức ông và chính phủ của ông.

Các chương tiếp nối sẽ phân tích sự ủng hộ này của chính quyền Mỹ đối với Ngô Đình Diệm.

Gió đổi chiều và cuộc trở về của Diệm

Vào mùa xuân năm 1953, Diệm đã đặt kế hoạch cho cuộc trở về chính trị của mình. Bối cảnh trong nước lúc đó đã đổi chiều có lợi cho Ngô Đình Diệm. Những nhân vật quốc gia không Cộng sản đang mất hết kiên nhẫn với Bảo Đại và chiến lược giành độc lập trong Liên hiệp Pháp của Bảo Ðại.

Bốn năm kể từ ngày ký kết Hòa ước Élysée, Pháp rất ít khi nhượng bộ chủ nghĩa dân tộc tại Việt Nam, và Quốc gia Việt Nam chỉ có độc lập trên danh nghĩa. Bảo Đại bị coi là con rối trong tay Pháp, uy tín và vị thế của Bảo Đại với toàn dân rất thấp.

Trong khi đó, Ngô Đình Diệm lại có vị thế “lên ngôi” bởi thái độ chống Pháp kiên quyết. Thái độ này hợp với các phe nhóm theo chủ nghĩa quốc gia không Cộng sản. Vì vậy, Cựu hoàng Bảo Đại cũng nhận thấy nên liên minh với Diệm để tăng sức nặng chính trị cho thể chế của mình.

Khi Điện Biên Phủ thất thủ ngày 7 tháng 5 năm 1954, cũng là lúc Ngô Đình Diệm có thể trở về dần thay thế Bảo Đại đảm bảo thực hiện ý đồ chống Cộng tại Việt Nam. Diệm đã đến Paris trước để gặp Bảo Đại. Bảo Đại đã đề nghị Ngô Đình Diệm hai lần rằng “sự bảo vệ cơ đồ Việt Nam”[16] tùy thuộc vào việc Diệm có sẵn lòng nhậm chức Thủ tướng hay không. Bảo Đại đã tin rằng Ngô Đình Diệm lãnh đạo chính phủ sẽ tăng khả năng thống nhất phe phái cũng như tăng sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho Việt Nam.

Một số tài liệu nước ngoài đưa ra nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ đã bí mật gây áp lực buộc Bảo Đại chọn Ngô Đình Diệm. Trong cuốn Hồi ký “Con rồng Việt Nam” của mình, Bảo Đại viết: “Sau khi thảo luận với Ông Foster Dulles (Ngoại trưởng Hoa Kỳ), để ông ta biết ý định ấy, tôi (Bảo Đại) cho mời Ngô Đình Diệm và bảo ông ta: …Ông cần phải lãnh đạo Chính phủ…”[17]

Bảo Đại không nói rõ những áp lực của Mỹ lên nội tình vụ bổ nhiệm Ngô Đình Diệm, nhưng việc bổ nhiệm một Thủ tướng sau khi hội ý với Ngoại trưởng Mỹ được coi là một chỉ dấu cho thấy áp lực của Mỹ. Bảo Đại giảm nhẹ ảnh hưởng của Mỹ bằng cách nói rằng mối quan hệ tốt của Diệm với chính giới Hoa Kỳ là cần thiết cho Quốc gia Việt Nam, bởi sớm hay muộn Việt Nam cũng cần sự viện trợ của Mỹ. Bảo Ðại cho rằng Ngô Đình Diệm là một lãnh đạo có khả năng nhất để bảo đảm được sự ủng hộ này. Bảo Đại đã tiếp tục kể lại quyết định mời Diệm làm Thủ tướng như sau:

“… tôi biết rằng ông Diệm là một người khó tính. Tôi cũng biết về sự cuồng tín và xu hướng thiên về Thiên Chúa của ông. Nhưng, trong hoàn cảnh hiện tại, không có một lựa chọn nào tốt hơn. Ông được người Mỹ biết đến, và họ đánh giá cao tính không khoan nhượng của ông. Trong mắt họ, ông là người xứng đáng với chức vụ đó nhất, và Washington sẽ không dè sẻn trong việc ủng hộ ông… Cuối cùng, cũng vì tính không khoan nhượng và sự cuồng tín của mình, ông là người ta có thể trông cậy được trong việc chống lại Chủ nghĩa Cộng sản. Đúng, ông chính là người cần thiết cho hoàn cảnh như vậy.”[18]

Cuốn sách “Biến cố chính trị Việt Nam hiện đại – Ngô Đình Diệm và Bang giao Việt – Mỹ 1954 – 1963” cũng có đoạn viết: “Đến ngày 24 và 25 tháng 5 (năm 1954), theo chỉ thị của Washington, Đại sứ Mỹ tại Paris là Dillon và một số viên chức khác đã đến gặp ông Diệm để bàn về việc ông nhận chức vụ Thủ tướng…”[19] Chỉ hơn một tháng sau đó, Ngô Đình Diệm về nước và nhậm chức Thủ tướng.

Tài liệu “CIA và Gia đình họ Ngô” (CIA and the House of Ngo) đã được Cục tình báo Trung ương Mỹ giải mật tiết lộ một số chi tiết như: CIA liên lạc và làm thân với ông Ngô Đình Nhu từ năm 1951, rất lâu trước khi Hoa Kỳ liên lạc với ông Diệm. Đầu năm 1954, khi có tin Hoa Kỳ chuẩn bị đề nghị quốc trưởng Bảo Đại và Chính phủ Pháp giải nhiệm hoàng thân Bửu Lộc và thay bằng ông Diệm, thì ông Nhu là người đầu tiên CIA gặp để bàn về liên hệ của Hoa Kỳ đối với Thủ tướng tương lai Ngô Đình Diệm.

Tài liệu đề cập trực tiếp nhất và rõ nhất tới áp lực Mỹ buộc Bảo Đại chọn Diệm là cuốn sách “Việt Nam – Tại sao chúng ta đã tham gia” của Avro Mahattan. Cuốn này viết: “Ông Giám đốc CIA Allen Dulles đã đỡ đầu cho Diệm. Theo quyết định của anh ông ta là (Ngoại trưởng – NV) John Foster Dulles và của Hồng y Spellman, người đại diện cho Giáo hoàng Pius XII, Diệm đã trở thành sự lựa chọn của họ, để Diệm trở thành người đứng đầu chính phủ ở Nam Việt Nam. Quyết định đã được đưa ra, Ngoại trưởng Dulles khuyến cáo chính quyền Pháp nói với Bảo Đại bổ nhiệm Diệm là Thủ tướng.”[20]

Ngày 16 tháng 6, 1954, Ngô Đình Diệm chính thức đồng ý thành lập nội các, và chính thức nhậm chức Thủ tướng vào ngày 7 tháng 7 năm 1954.

Diệm đã trở lại chính trường lần đầu tiên sau hơn 20 năm, kể từ năm 1933.

Những tài liệu đề cập tới áp lực của Mỹ khiến Diệm được bổ nhiệm có thể chia làm 3 nhóm chính: nhóm thứ nhất cho rằng Hồng y Francis Spellman đã dẫn đầu nhóm vận động cho Diệm, nhóm thứ hai cho rằng CIA đã tiến hành hoạt động ngầm đẩy Diệm lên, nhóm thứ ba cho rằng chính Ngoại trưởng Dulles là người đã vận động Bảo Đại chọn Diệm. Quan điểm mạnh hơn còn cho rằng việc trở thành người đứng đầu Việt Nam của Diệm có sự vận động và phối hợp của cả ba nhóm trên: chính phủ Hoa Kỳ, tình báo Mỹ và cả Vatican. Cho dù không tìm thấy đủ tài liệu gốc để chứng minh một cách cụ thể, “quan điểm cho rằng Diệm trở thành Thủ tướng là nhờ vận động hậu trường của Mỹ vẫn cứ là một tín điều trong giới viết sử về chiến tranh Việt Nam.”[21]

Điều chắc chắn là 18 tháng sau khi nắm quyền, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, Diệm tập hợp lại quân đội, dẹp tan những bè phái kình địch, trục xuất Bảo Đại và tuyên bố sự thành lập một quốc gia miền Nam Việt Nam mới mà ông giữ chức Tổng thống.

Ngô Đình Diệm vận động chính trị tại miền Nam Việt Nam

Điều chắc chắn là quan hệ mật thiết với chính giới Mỹ đã tạo lợi thế quan trọng cho Diệm, là cơ sở để chính quyền Mỹ nhận ra rằng Diệm là nhân vật duy nhất hội đủ các yếu tố để Mỹ ủng hộ. Diệm đã chủ động tìm Mỹ và Mỹ đã chủ động chọn ủng hộ Diệm như một ngọn cờ nhằm chống lại Chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam.

Hậu thuẫn cho Ngô Đình Diệm là một trong những cột trụ cơ bản trong chính sách của Mỹ hậu Genève. Tực tế, Mỹ bắt đầu điều chỉnh chính sách Đông Dương ngay sau khi những chữ ký vào bản Hiệp định Genève của các quốc gia khác vừa ráo mực. Cho dù không còn phản đối công khai khi Hiệp định đã được ký, Mỹ từ chối ký vào thỏa thuận này và vẫn ngầm cho rằng “Hiệp định Genève là một thảm họa đối với Thế giới tự do” bởi Hội nghị đã “mang đến cho Cộng sản Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam một căn cứ vững chắc…”[22]

Từ nhận thức đó, Hoa Kỳ hình thành một số chiến lược đối phó cơ bản ở Đông Dương. Thứ nhất, củng cố và viện trợ cho chính quyền Diệm. Thứ hai, từng bước hất cẳng Pháp để triển khai các lực lượng Mỹ ở Đông Dương. Thứ ba, hình thành một cấu trúc an ninh khu vực để ngăn chặn không cho ảnh hưởng của Chủ nghĩa Cộng sản lan rộng ra.

Tài liệu tham khảo

[1] Edward Miller. (2004). Tầm nhìn, Quyền lực và Sự lựa chọn: Con đường tiến thân của Ngô Đình Diệm. Journal of Southeast Asian Studies, 35 (3).

[2] Hồ sơ Lầu Năm Góc: Lịch sử của Bộ Quốc phòng Mỹ về Quá trình hoạch định chính sách tại Việt Nam – Quyển 2.

[3] Miller, E. (2013). Liên minh sai lầm. Harvard University Press. Bản dịch của NXB Chính trị Quốc gia.

[4] Edward Miller. (2004). Tầm nhìn, Quyền lực và Sự lựa chọn: Con đường tiến thân của Ngô Đình Diệm. Journal of Southeast Asian Studies, 35 (3).

[5] Edward Miller. (2004). Tầm nhìn, Quyền lực và Sự lựa chọn: Con đường tiến thân của Ngô Đình Diệm. Journal of Southeast Asian Studies, 35 (3).

[6] Nt

[7] Grant, Z. (1991). Giáp mặt Phượng hoàng. WW Norton. Bản dịch tiếng Việt của Lê Minh Đức do NXB TP. HCM xuất bản năm 1993.

[8] Đỗ Mậu. (2010). Việt Nam máu lửa quê hương tôi.

[9] Karnow, S. (1994). Việt Nam: Một lịch sử. Random House.

[10] Nt

[11] Mậu, H. L. Đ. (2010). Việt Nam máu lửa quê hương tôi.

[12] Hồ sơ Lầu Năm Góc: Lịch sử của Bộ Quốc phòng Mỹ về Quá trình hoạch định chính sách tại Việt Nam – Quyển 2.

[13] Grant, Z. (1991). Giáp mặt Phượng hoàng. WW Norton. Bản dịch tiếng Việt của Lê Minh Đức do NXB. TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 1993.

[14] Nt

[15] Edward Miller. (2004). Tầm nhìn, Quyền lực và Sự lựa chọn: Con đường tiến thân của Ngô Đình Diệm. Journal of Southeast Asian Studies, 35 (3).

[16] Edward Miller. (2004). Tầm nhìn, Quyền lực và Sự lựa chọn: Con đường tiến thân của Ngô Đình Diệm. Journal of Southeast Asian Studies, 35 (3).

[17] Bảo Đại. (1980). Con rồng An Nam. Plon.

[18] Bảo Đại. (1980). Con rồng An Nam. Plon.

[19] Phạm Văn Lưu. (1994). Biến cố chính trị Việt Nam hiện đại – Ngô Đình Diệm và Bang giao Việt – Mỹ 1954 – 1963.

[20] Manhattan, A. (1984). Việt Nam: Tại sao chúng ta tham chiến?. Chick publ.

[21] Miller, E. (2013). Liên minh sai lầm. Harvard University Press. Bản dịch của NXB Chính trị Quốc gia.

[22] Hồ sơ Lầu Năm Góc: Lịch sử của Bộ Quốc phòng Mỹ về Quá trình hoạch định chính sách tại Việt Nam – Quyển 2

(trích Phán xét – Nguyễn Văn Hưởng)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN