Sơn Trà dịch
Nguồn: David L. Anderson (1995). “The Tragedy of US Intervention,” in trong cuốn Major Problems in the History of the Vietnam War, ấn bản thứ 2, do Robert J. McMahon biên soạn. Trang 145-158.
Xem Kỳ 1 tại đây
Không giống như các thảo luận về Điện Biên Phủ trong năm trước đó, cuộc tranh cãi về Diệm vào mùa xuân năm 1955 không giành được sự tham gia trực tiếp của tổng thống. Eisenhower lựa chọn đứng sang một bên và để Ngoại trưởng Dulles cùng Tướng Collins đưa ra kết luận. Tổng thống quá bận rộn với cuộc khủng hoảng Đài Loan và hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của ông với các nhà lãnh đạo Xô-viết đang đến gần. Khi gặp Dulles và các quan chức Ngoại giao khác tại Washington vào ngày 25 tháng 4, Collins khẳng định quan điểm của mình rằng Diệm là nhân vật không thể thiếu, và ngoại trưởng đành miễn cưỡng đồng ý. Đúng vào thời điểm các quyết định đó được đưa ra, các cuộc bạo loạn đường phố nổ ra ở Sài Gòn. Có lẽ do chính Diệm kích động để thể hiện với Washington, vụ bạo lực đã giúp thủ tướng Diệm nhận được đủ sự hỗ trợ từ các lực lượng vũ trang non trẻ của Nam Việt để đàn áp bạo loạn. Khi Collins vội vàng quay về Sài Gòn để giám sát lợi ích của Mỹ trước tình trạng bất ổn, các cố vấn Châu Á của Dulles đã thuyết phục ông ta thay đổi quan điểm và coi việc nhiệt tình ủng hộ Diệm là nền tảng cho chính sách của Mỹ. Các phụ tá lập luận rằng sự bùng phát bạo lực chứng tỏ đây là lúc không thích hợp để làm xáo trộn chính trị nội bộ của Sài Gòn.
Khi chính quyền Eisenhower quyết định sẽ tiếp tục với Diệm, nhiệm vụ còn lại là phải thuyết phục người Pháp chấp nhận kế hoạch này. Đầu tháng 5, đúng một năm sau thất bại Điện Biên Phủ, Dulles gặp thủ tướng Pháp Edgar Faure một vài lần. Các cuộc họp đều căng thẳng, nhưng cuối cùng Faure đã đồng ý với quyết định chọn Diệm của Dulles. Rõ ràng là Paris không còn muốn đối đầu với Washington về đường hướng chính sách của phương Tây tại Việt Nam. Từ đó đến cuối năm 1955, Pháp nhanh chóng rút nốt các lực lượng khỏi Nam Việt và phó thác số phận của quốc gia này cho người Mỹ và thân chủ của họ là Diệm.
Trong suốt tiến trình lịch sử lâu dài của sự can thiệp của Mỹ tại Đông Nam Á, Washington đã thực hiện một bước ngoặt quan trọng. SEATO đã đưa ra một chế tài chung hợp với ý muốn của Mỹ để củng cố Nam Việt, nhưng sự ra đi của Pháp chứng tỏ rằng nỗ lực này thực ra là một chương trình đơn phương của Mỹ. Tính khả thi của kế hoạch này phụ thuộc vào niềm tin mơ hồ rằng Diệm có thể làm được nó. Chính quyền Eisenhower đã bước vào một giai đoạn chính sách mới đầy rủi ro.
Với quyết định xây dựng một quốc gia xung quanh Diệm, việc thực hiện kế hoạch giờ đây được giao cho những quan chức về chính sách đối ngoại, chứ tổng thống hay Dulles không thêm thắt gì nhiều. Sau khi Eisenhower bị nhồi máu cơ tim vào tháng 9 năm 1955, nhiều vấn đề thường trực, trong đó có vấn đề Việt Nam, bị đưa ra khỏi lịch làm việc của ông. Năm sau đó, Dulles bị chẩn đoán ung thư dạ dày, và mặc dù ông vẫn làm việc cho đến khi qua đời vào năm 1959, nhưng kế hoạch cá nhân của ông cũng trở nên hạn chế hơn. Tuy nhiên, kịch bản mà Eisenhower và Dulles vạch ra ở Việt Nam vẫn là chính sách của chính quyền cho đến cuối nhiệm kỳ tổng thống của Eisenhower, và thỉnh thoảng hai ông lại công khai tái khẳng định quan điểm ủng hộ Diệm.
Nhiệm vụ xây dựng quốc gia là một thử thách gai góc đối với chính quyền. Tính chính danh của chế độ Diệm chỉ dựa trên việc ông được hoàng đế Bảo Đại bổ nhiệm, trong khi Bảo Đại lúc đó đã định cư ở bờ biển miền Đông Nam nước Pháp. Quốc gia Việt Nam có một quân đội nhỏ chỉ gồm 150.000 binh sĩ được chỉ huy bởi một quân đoàn non trẻ, mà dưới trướng người Pháp, họ chưa bao giờ được quyền nắm giữ một thẩm quyền nào về tham mưu hay tư lệnh. Bộ máy dân sự chỉ bao gồm các fonctionnaires (công chức) được đào tạo để nhận lệnh chứ không phải để giải quyết vấn đề. Công nghiệp hầu như không tồn tại ở Nam Việt, và nền nông nghiệp dựa trên lúa gạo và cao su, mặc dù có tiềm năng lớn, lại bị phá hoại bởi những địa chủ bóc lột nông dân đến kiệt cùng. Bản thân Diệm không có một lực lượng ủng hộ chính trị đủ lớn mạnh để cạnh tranh được với những người cộng sản đầy nhiệt huyết và có tổ chức.
Sự yếu kém về chính trị của Diệm dường như là một vấn đề đặc biệt hệ trọng bởi cuộc tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước dự kiến sẽ diễn ra vào năm 1956. Mặc dù nhiều nhà quan sát, dù có tư tưởng khác nhau, đều tin rằng ông Hồ Chí Minh sẽ chiến thắng bất kỳ cuộc tổng tuyển cử toàn quốc nào, nhưng ngay từ đầu đã có rất ít khả năng diễn ra tổng tuyển cử. Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Geneva đã soạn thảo một bản đề xuất rất mơ hồ về tổng tuyển cử, bởi chính họ cũng không thể vẽ ra một kịch bản chính trị khả thi nào. Người Việt sẽ bỏ phiếu như thế nào và bỏ phiếu về vấn đề gì là những điểm không hề được nêu rõ. Chưa có nhà lãnh đạo nào ở miền Bắc hay miền Nam Việt Nam từng tổ chức hay tiến hành một cuộc tổng tuyển cử tự do, và không có lý do nào để trông đợi rằng người Việt sẽ làm được điều đó trong tình hình căng thẳng này.
Kể cả khi không có triển vọng nào về một cuộc tổng tuyển cử thống nhất, tính chính danh hình thức của Diệm đã đặt các mục tiêu của Mỹ trước những khó khăn nghiêm trọng. Kenneth T. Young, nhân viên Bộ Ngoại giao phụ trách các vấn đề Đông Nam Á, nhìn nhận vấn đề này như một nghịch lý. Ông tin rằng nếu Nam Việt không trở thành một nước cộng hòa, thì Quốc gia Việt Nam lỗi thời sẽ dễ dàng làm mồi cho quân cách mạng của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng thời, mặc dù vậy, ông e rằng việc bỏ phiếu bầu một quốc hội đại diện ở miền Nam sẽ có nguy cơ gây ra tình trạng vô chính phủ. Trong khi Young và những người Mỹ khác còn đang lo lắng thì Diệm hành động. Ông ta dàn dựng một cuộc trưng cầu dân ý thiên lệch vào tháng 10 năm 1955 để phế truất Bảo Đại và biến mình thành tổng thống của nước Việt Nam Cộng Hòa mới được thiết lập. Tháng 3 năm 1956, Diệm tổ chức bầu cử một hội đồng lập hiến, được sắp xếp theo hướng có lợi cho ông ta, để soạn thảo một bản hiến pháp. Cuộc bầu cử không phải là một thực hành dân chủ, mà là bằng chứng sống động về khả năng thao túng hòm phiếu của gia đình họ Ngô, đặc biệt là hai người em của Diệm là Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn. Việt Nam Cộng Hòa cung cấp vỏ bọc dân chủ cho một gia đình đầy tham vọng khao khát quyền lực tập trung.
Ngày càng có nhiều bằng chứng về sự độc tài của gia đình họ Ngô. Nhu và Cẩn điều hành một tổ chức bí mật, đảng Cần Lao, dùng cả hối lộ và hăm dọa để giành được sự ủng hộ Diệm từ các thành viên chủ chốt trong quân đội và hệ thống chính quyền. “Những kẻ tình nghi” theo phe Việt Minh, tức là những người bị cho là không trung thành với chính quyền, bị bắt giữ và gửi tới các “trại cải tạo”. Một sắc lệnh của Việt Nam Cộng Hòa đã xóa bỏ các hội đồng làng xã do dân bầu, và thay bằng những người được chính phủ bổ nhiệm để điều hành các công việc nội bộ. Một số quan chức Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Dulles, chống chế rằng sự độc đoán này là đặc trưng của Châu Á, và thậm chí còn coi đó là cách sắp xếp khôn khéo bởi nó tạo ra một mức độ ổn định tại một quốc gia hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng thể chế. Trong khi đó, Collins cảnh báo rằng khuynh hướng tự vệ của gia đình họ Ngô sẽ chỉ khiến Diệm bị cô lập hơn nữa khỏi người dân và làm suy yếu chế độ. Tuy nhiên, lời cảnh báo đó đã bị bác bỏ. Như Collins đã tiên đoán, họ Ngô ngày càng cư xử như thể việc họ được Mỹ hỗ trợ là đương nhiên, bất kể họ hành động như thế nào.
Quy mô viện trợ Mỹ dành cho Nam Việt Nam là rất lớn, xấp xỉ 250 triệu đô la mỗi năm tính tới cuối nhiệm kỳ của Eisenhower. Một phần khoản viện trợ đó được sử dụng cho phát triển kinh tế. Rất ít viện trợ được chuyển tới lĩnh vực nông nghiệp, nhưng sau khi Mỹ thuyết phục, chính phủ Diệm đã tuyên bố một số quy định kiểm soát giá thuê và kế hoạch chuyển nhượng đất, nhưng phần lớn đều không được thi hành. Ở khu vực đô thị, một Chương trình Nhập khẩu Thương mại do Mỹ thiết kế đã chi tiền để trợ giá nhập khẩu. Tuy nhiên, thay vì thúc đẩy các hoạt động kinh tế, kế hoạch này lại khiến hàng tiêu dùng như tủ lạnh và xe máy ồ ạt tràn vào Nam Việt, tạo ra một bộ mặt thịnh vượng nhưng che giấu đi tình trạng thiếu vắng một sự tăng trưởng kinh tế thực sự.
Phần lớn viện trợ của Mỹ, khoảng 80%, chảy trực tiếp vào lực lượng quân đội Nam Việt. Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của Eisenhower, số lượng binh sĩ Mỹ ở Nam Việt chưa bao giờ vượt quá 700, nhưng khoản viện trợ lớn dành cho mục đích quân sự cho thấy mối ưu tiên cao độ đối với an ninh quân đội của quốc gia non trẻ. 85% khoản ngân sách dành cho việc trả lương, trang bị và đào tạo lực lượng quân đội Nam Việt gồm 150.000 binh sĩ đến từ Ngân khố Hoa Kỳ.
Eisenhower và các cố vấn của ông tuyên bố sự lãnh đạo của Diệm ở Nam Việt là một thành công lớn, bất kể tính chất áp chế của chế độ Sài Gòn và sự lệ thuộc nặng nề của nó vào viện trợ Hoa Kỳ. Vào ngày 8 tháng 5 năm 1957, chính thủ tướng đứng trên đường băng của Sân bay Quốc gia Washington để chào đón Diệm khi ông ta tới Mỹ trong một chuyến thăm cấp nhà nước được loan báo rộng rãi. Trong 4 ngày tiếp sau đó, giữa những buổi tiếp tân linh đình và các cuộc gặp riêng, Diệm hội đàm với Eisenhower, Dulles cùng các quan chức khác, và phát biểu trước Lưỡng Viện. Sự kiện hoành tráng này là một phần trong chuỗi các sự kiện mà chính quyền Eisenhower tổ chức để tiếp đón các nhà lãnh đạo Châu Á và Châu Phi. Mục đích là để cải thiện quan hệ của Mỹ với Thế Giới Thứ Ba, một vấn đề sống còn mà Washington đã nhận ra qua cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez năm 1956. Diệm là một người hưởng lợi từ chiến lược ngoại giao này.
Eisenhower và các nhà phát ngôn khác của Mỹ gọi Diệm là một “người cứng rắn kỳ lạ” và là “vị cứu tinh” của Nam Việt Nam. Chính quyền Eisenhower chúc mừng Diệm vì sự tồn tại của ông ta từ năm 1954, và nhận Việt Nam Cộng Hòa là một đồng minh can đảm trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản thế giới. Ngoài mặt thì như vậy, còn thực tế bên trong tuy thân thiện nhưng có phần hạn chế hơn. Ví dụ, khi Diệm đề nghị Mỹ tăng viện trợ, Eisenhower từ chối với lời giải thích rằng các sứ mệnh viện trợ toàn cầu của Mỹ khiến Mỹ không thể viện trợ cho Nam Việt nhiều hơn nữa. Hội nghị thượng đỉnh Eisenhower-Diệm tái khẳng định các quyết định trước đó của chính quyền Eisenhower về việc đối xử với Nam Việt như một đồng minh quan trọng chiến lược và hết lòng ủng hộ chế độ Diệm. Nó cũng chỉ ra rằng nguyên tắc hạn chế chi tiêu của chiến lược New Look vẫn áp dụng với một khu vực có tầm quan trọng sống còn.
Cuối thập niên 1950, Quốc hội Mỹ cũng quyết định vừa hạn chế ngân sách dành cho viện trợ nước ngoài, vừa tiếp tục hỗ trợ chế độ Diệm. Trong suốt thập kỷ đó, chỉ có một lần các ủy ban của Quốc hội tổ chức điều trần về Đông Dương, và sự kiện đó là một cuộc điều tra về cáo buộc tham những trong việc quản lý chương trình viện trợ ở Sài Gòn. Mặc dù cả các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa đều đặt câu hỏi về giá trị và việc sử dụng một số nguồn tiền, nhưng cuộc điều tra không tìm ra sai phạm nghiêm trọng nào. Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của Eisenhower, chưa bao giờ Quốc hội đồng lòng đặt câu hỏi nghi vấn về mục tiêu của các chính sách của chính quyền Eisenhower ở Việt Nam. Trong suốt cuộc khủng hoảng Điện Biên Phủ, một số nhà lãnh đạo Quốc hội, bao gồm Thượng nghị sĩ Lyndon B. Johnson, đã thuyết phục Nhà Trắng tránh can thiệp đơn phương vào cuộc chiến của Pháp, nhưng lúc đó đường hướng can thiệp này đã được tổng thống ưa chuộng. Sau đó, khi sự cam kết của Mỹ đối với Diệm gia tăng, một liên minh hai đảng gồm các nhà làm luật – nhiều người trong số họ là thành viên của một nhóm lợi ích tên là Những người bạn Mỹ của Việt Nam, bao gồm Thượng nghị sĩ John F. Kennedy – đã trung thành ủng hộ việc Mỹ can thiệp vào khu vực.
Trong suốt nhiệm kỳ thứ hai của Eisenhower, có hai sức ép đã định hình quá trình thực thi chính sách của Mỹ ở Đông Nam Á: (1) quan điểm về tầm quan trọng của Nam Việt đối với an ninh Mỹ và (2) nhu cầu quản lý các cam kết toàn cầu của Mỹ một cách tiết kiệm. Hai mối quan tâm này thường làm điên đầu các nhân viên ngoại giao và quân sự được giao nhiệm vụ thiết kế và thực hiện các hành động cần thiết. Vấn đề là làm thế nào để làm được nhiều hơn mà ít tốn kém hơn. Với việc quan tâm tới Sputnik, Cuba và các nơi khác, tổng thống không đưa thêm chỉ dẫn nào cho các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ khi tình hình tại Việt Nam ngày một xấu đi.
Tới năm 1957 và 1958, nạn khủng bố và nổi dậy vũ trang đang gia tăng tại Nam Việt. Tình trạng bạo lực này thường thể hiện sự trả đũa và kháng cự đối với chế độ chính trị ngày càng hà khắc của Diệm. Hầu hết các vụ việc này không phải do Hà Nội xúi giục. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa từ bỏ mục tiêu thống nhất đất nước dưới quyền cai quản của mình, nhưng các thủ lĩnh của họ đã lệnh cho các đồng chí miền Nam phải kiên nhẫn. Hà Nội muốn áp dụng trước tiên biện pháp tuyên truyền và các kỹ thuật gây bất ổn định khác, thay vì đâm đầu vào một cuộc xung đột vũ trang mà có thể khiến quân đội Mỹ tấn công miền Bắc. Tuy nhiên, các thủ lĩnh kháng chiến ở miền Nam, những người phải đối mặt với cảnh tù đày, thậm chí xử tử, từ chối chờ đợi, và bắt đầu tự tổ chức các cuộc ám sát, đánh bom, và các cuộc tấn công nhỏ lẻ vào các đơn vị và căn cứ quân sự của Việt Nam Cộng Hòa.
Cả các quan chức người Việt và người Mỹ ở Sài Gòn đều ngày càng cảm nhận rõ rệt về cuộc khủng hoảng, nhưng những chỉ thị từ Washington vẫn khẳng định rõ ràng rằng chương trình xây dựng quốc gia sẽ phải chấp nhận những gì nó đang được nhận, hay thậm chí ít hơn nữa, bởi tổng ngân sách dành cho viện trợ nước ngoài đang sụt giảm. Kết quả là một trận chiến cay đắng và tai hại giữa các nhà ngoại giao Mỹ và gia đình họ Ngô, cũng như giữa người Mỹ với nhau, về việc làm cách nào để tận dụng tối ưu những nguồn lực hiện có. Vấn đề là nên tăng tỷ lệ ngân sách Mỹ dành cho quân đội, vốn đã cao sẵn, hay chú trọng hơn vào phát triển kinh tế và cải cách chính trị.
Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Elbridge Durbrow là người đầu tiên lập luận rằng chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sẽ tiếp tục bị tấn công từ bên trong như một nước thuộc địa kiểu mới nếu nó không có những bước đi vững chắc để cải thiện phúc lợi kinh tế và xã hội của công dân. Ông thậm chí còn đi xa đến mức đề nghị với Washington rằng nên từ chối cung cấp máy bay trực thăng và các thiết bị quân sự khác mà Diệm mong muốn cho đến khi vị tổng thống Việt Nam Cộng Hòa tạo ra được những bước tiến về cải cách đất đai, dân quyền và những chuyện tiêu cực khác – đó là những vấn đề gây ra sự thù địch đối với chế độ của ông ta. Trong khi đó, Diệm và Nhu ra sức đòi hỏi Mỹ gia tăng viện trợ quân sự nhằm mở rộng quy mô và trang bị cho lực lượng quân đội của họ.
Trung tướng Samuel T. Williams, trưởng nhóm cố vấn viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam, kịch liệt phản đối quan điểm của Durbrow và ủng hộ phe gia đình họ Ngô. Ông lập luận rằng cải cách kinh tế và chính trị là điều không thể cho đến khi quân đội dẹp yên bạo lực đảng phái. Ông cũng chỉ trích Durbrow vì đã đề nghị Washington từ chối viện trợ quân sự cho Diệm trong khi chính quyền Viện Nam Cộng Hòa đang bị các đối thủ hung hăng có vũ trang tấn công. Viên tướng này than phiền rằng đại sứ phù hợp làm nhân viên bán hàng trong một tiệm giày nữ hơn là một nhà ngoại giao ở Châu Á. Williams nhận được sự ủng hộ từ Lansdale, lúc đó là Chuẩn tướng ở Lầu Năm Góc, người đã rỉ tai với những cấp trên của ông ta ở Bộ Quốc phòng rằng Durbrow có thái độ “xúc phạm, thiếu hiểu biết và không thân thiện” đối với Diệm.
Các cuộc tấn công cá nhân của Lansdale và Williams nhằm vào đại sứ cho thấy cuộc tranh luận chính sách không chỉ liên quan đến chuyện lựa chọn giữa viện trợ quân sự hay viện trợ kinh tế. Vấn đề ở đây là cam kết lâu dài của chính quyền Eisenhower về việc toàn tâm toàn ý ủng hộ Diệm. Các viên tướng cho rằng Diệm cần sự chấp nhận và bảo đảm của Washington, chứ không phải sức ép và chỉ trích. Với sự ủng hộ của các chuyên gia về Đông Nam Á ở Bộ Ngoại giao, Durbrow khẳng định rằng không có ai, kể cả Diệm, là không thể thay thế. Trong một bình luận rõ ràng với các đồng nghiệp ngoại giao, đại sứ nhắc lại việc những người chỉ trích ông ở Lầu Năm Góc trước kia đã có quan hệ với Diệm: “Chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống có phần phức tạp hơn trong trường hợp của Việt Nam Cộng Hòa,” Durbrow tuyên bố, “và chúng ta đã bỏ lại phía sau “những tháng ngày Lansdale”. Cuộc tranh luận căng thẳng này cho thấy các quan chức này đã coi Việt Nam quan trọng như thế nào đối với Mỹ. Cuộc tranh luận cũng không phơi bày bằng chứng nào cho thấy các nhà hoạch định chính sách này nghĩ đến chuyện không làm gì cả và bỏ mặc số phận của Việt Nam cho người Việt.
Tháng 1 năm 1961, một vài ngày trước khi John Kennedy có bài tuyên thệ nhậm chức tổng thống, Lansdale trở về từ một chuyến công du thanh tra miền Nam Việt Nam với một báo cáo tăm tối. Việt Nam Cộng Hòa đang ở trong “tình trạng khẩn cấp”, ông tuyên bố, và Việt Cộng (thuật ngữ mới của Washington để chỉ những người cộng sản Việt Nam) “đã bắt đầu đánh cướp đất nước này và có thể sẽ xong xuôi trong năm 1961”. Giọng điệu khẩn cấp của ông ta có thể xuất phát một phần từ cuộc tranh luận liên tiếp về chiến thuật giữa ông ta và các nhân viên Bộ Ngoại giao, nhưng nó cũng cho thấy đã đến lúc Mỹ phải hoặc tái khẳng định hoặc tái đánh giá chính sách ủng hộ Diệm và Việt Nam Cộng Hòa.
Khi Lansdale gửi đánh giá của mình tới Lầu Năm Góc, Eisenhower đang tóm tắt lại cho tổng thống tân cử về tình hình thế giới hiện tại. Khi ở Lào đang xảy ra nội chiến, trong đó Mỹ và Liên Xô cung cấp vũ khí cho các bên tham chiến, cuộc thảo luận chuyển sang tập trung vào Đông Nam Á. Vị tổng tư lệnh mãn nhiệm cho biết hiệp định SEATO buộc Mỹ phải hợp tác với các đồng minh SEATO để bảo vệ an ninh khu vực nếu có thể, nhưng nếu không, Eisenhower khuyên, “thì chúng ta phải tự làm một mình”. Ngày hôm sau, 20 tháng 1, thẩm quyền hiến định của Eisenhower về đường hướng chính sách đối ngoại của Mỹ hết hiệu lực, nhưng lộ trình mà ông ta đã mở ra ở Việt Nam vẫn còn đó.
Xem xét tầm quan trọng về lâu dài của hai giai đoạn trong chính sách Việt Nam của Eisenhower, ta thấy giai đoạn thứ hai, tức là giai đoạn sau năm 1955, với sự cam kết mạnh mẽ và đơn phương đối với Nam Việt, đã chiếm ưu thế hơn so với cách tiếp cận thận trọng và đa phương thời kỳ đầu. Nhưng cả hai giai đoạn đều có chung một mục đích: không để Việt Nam (hay nhiều phần của Việt Nam nhất có thể) rơi vào tay cộng sản. Giai đoạn một là một rào cản đối với mục tiêu này, bởi nó kết thúc với sự chấp nhận thực tế rằng cộng sản sẽ kiểm soát nửa phía Bắc của đất nước. Cách tiếp cận mang tính chất phủ định của Eisenhower – tránh thực hiện những hành động công khai để ngăn chặn kết quả này – tỏ ra là một sự chấp nhận thông minh mang tính chất ngoại giao đối với thành công của Việt Minh trong việc chống lại chế độ thực dân Pháp. Giai đoạn thứ hai cũng dựa trên một quyết định mang tính phủ định – tránh chấp nhận một giải pháp nội bộ của người Việt về thẩm quyền chính trị tại Việt Nam. Quyết định này lại không ngoại giao chút nào. Nó đã không thừa nhận sự lệ thuộc của Diệm vào viện trợ Mỹ theo kiểu thuộc địa mới. Nó đặt các hành động của Mỹ vào thế xung đột với mong muốn độc lập của người Việt. Tuy vậy, Washington vẫn tiếp tục ủng hộ Diệm. Tới thời điểm Eisenhower mãn nhiệm vào năm 1961, mục tiêu về một quốc gia Nam Việt phi cộng sản và những phương tiện để đạt được mục tiêu đó – chương trình xây dựng quốc gia dựa trên sự tồn tại của chế độ Diệm – đã được gắn chặt với chiến lược toàn cầu của Mỹ đến mức không thể bác bỏ được.
Sức mạnh cá nhân của Eisenhower đã giúp ông ta rất nhiều trong giai đoạn thứ nhất. Kiến thức của ông về các vấn đề quân sự và chính trị chiến tranh giúp ông nhìn rõ những chi phí quân sự và chính trị phát sinh từ sự can thiệp của Mỹ trong cuộc chiến của Pháp. Tài sử dụng nhân sự của ông cũng giúp ông phân tích các lựa chọn chính sách và thể hiện kết quả như một quyết định hành chính. Cơ mưu này đã làm nhẹ bớt những phê phán về sự nhu nhược của Mỹ ở việt Nam. Trong giai đoạn thứ hai, những ưu điểm này lại gây hại cho Eisenhower. Một khi thỏa thuận đình chiến theo Hiệp định Geneva có hiệu lực, vấn đề ở Việt Nam không phải là chiến lược quân sự, mà là việc phát triển kinh tế và chính trị của một quốc gia mới. Mặc dù trải nghiệm của Eisenhower về các nhân viên của Tướng Douglas MacArthur ở Philippines trong thập niên 1930s khiến ông ta hiểu khát vọng của những người Á Đông theo chủ nghĩa dân tộc và quen thuộc với sự mệt mỏi khi phải ứng xử với họ, ông ta không có quan hệ quen biết cá nhân với bất kỳ nhà lãnh đạo người Việt nào và không hiểu gì nhiều về tình hình chính trị xã hội phức tạp của chủ nghĩa cộng sản châu Á mà Diệm phải đối mặt. Cuộc gặp của ông ta với Diệm phần lớn chỉ mang tính nghi lễ. Tương tự, việc ông ta để nhân viên xem xét các phương án không giúp ông ta hiểu hơn về tình hình phức tạp đó. Thực vậy, nhân vật chủ chốt mà ông ta dựa vào để tìm kiếm những lời tư vấn về chính sách đối ngoại, Ngoại trưởng Dulles, nhìn chung chấp nhận phương án tập trung vào Diệm. Có thể nói vụ đột quỵ của Eisenhower vào năm 1955 đã khiến ông ta trở nên quá lệ thuộc vào thuộc cấp của mình, nhưng kể cả sau khi bình phục và trở lại với một khối lượng công việc khá lớn, ông vẫn không mảy may chú ý đến các chi tiết ở Việt Nam, mà các thuộc cấp đã trình bày với ông như một vấn đề đang được xử lý êm đẹp. Ông chấp nhận các đánh giá lạc quan của họ, và trong suốt chuyến thăm năm 1957 của Diệm, ông đã hòa giọng với điệp khúc ca ngợi những thành tựu của Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, bên dưới lớp vỏ đẹp đẽ đó, là những vấn đề nghiêm trọng: nền tảng chính trị hạn hẹp của Diệm, tổ chức quân đội yếu kém của chế độ Diệm, nền kinh tế èo uột của Nam Việt, và các cuộc nổi loạn xảy ra ngày một thường xuyên hơn. Khi Eisenhower chuyển giao Nhà Trắng cho Kennedy, chính sách ủng hộ Diệm vẫn được duy trì, không phải vì nó đạt được các mục tiêu của Mỹ, mà bởi chỉ một chút lung lay thôi cũng sẽ có nguy cơ làm sụp đổ nỗ lực 8 năm trời của chính quyền để giữ cho chuỗi domino đứng vững. Các thành tựu của Eisenhower ở Việt Nam mang tính chất phủ định: không có chiến tranh, nhưng cũng chẳng có hòa bình. Đó là kết quả của những lựa chọn không có giải pháp và ngày càng hạn hẹp.