Nhiệm kỳ Tổng thống Eisenhower (1953-1961) và những tính toán của Mỹ tại Việt Nam (Kỳ 1)

Sơn Trà dịch

Nguồn: David L. Anderson (1995). “The Tragedy of US Intervention,” in trong cuốn Major Problems in the History of the Vietnam War, ấn bản thứ 2, do Robert J. McMahon biên soạn. Trang 145-158.

Tổng thống Mỹ Eisenhower

“Việc để mất Nam Việt đã khởi động một quá trình sụp đổ mà có thể để lại những hậu quả nặng nề đối với chúng ta và đối với tự do,” Tổng thống Dwight D. Eisenhower tuyên bố trong một diễn văn vào tháng 4 năm 1959. Tuyên bố này tái khẳng định phép so sánh “domino sụp đổ” nổi tiếng mà ông đã đưa ra từ 5 năm trước để giải thích tầm quan trọng chiến lược của Đông Dương. Tháng 4 năm 1954, ông khẳng định nếu các nước Đông Nam Á rơi vào tay “độc tài Cộng sản,” hệ quả sẽ là một sự “tan rã” với “ảnh hưởng sâu đậm nhất” cho “hàng triệu, triệu, triệu người”. Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 8 năm, Eisenhower không bao giờ suy suyển niềm tin rằng sự tồn tại của một chính quyền độc lập phi cộng sản ở miền nam Việt Nam là một nhiệm vụ chiến lược có tính chất sống còn đối với Mỹ. Được những người kế nhiệm Eisenhower ở Nhà Trắng ủng hộ, mục tiêu này là nền tảng cho những chính sách của ông ở Đông Nam Á, nhưng cách thức để Mỹ đạt được mục tiêu đó vẫn là một câu hỏi.

Eisenhower và các cố vấn chính sách đối ngoại của ông đã trải qua hai giai đoạn trong việc cố gắng vạch ra một phương pháp thành công để bảo toàn lợi ích của Mỹ ở Việt Nam. Cách thứ nhất, được áp dụng từ năm 1954 đến năm 1955, là tiếp tục sách lược của Truman để phối hợp với Pháp và các nước đồng minh phương tây khác kiềm tỏa chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á. Trong suốt thời kỳ đầu này, Eisenhower đã vô cùng thận trọng khi xét đến luận điệu Chiến Tranh Lạnh của chính quyền về hiểm họa toàn cầu của sự bành chướng cộng sản. Ông cố gắng để tránh cho nước Mỹ can thiệp quân sự vào Đông Dương khi Pháp thua trận nhục nhã trước quân đội Việt Minh cộng sản ở Điện Biên Phủ. Sau khi Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ, một hội nghị quốc tế tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ, đã sắp xếp một cuộc đình chiến giữa Pháp và Việt Minh vào tháng 7 năm 1954. Trong những tháng sau đó, chính quyền Eisenhower cố gắng duy trì một chiến lược đồng minh ở Đông Dương. Chính quyền Eisenhower thành lập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) và cử một phái bộ sang Việt Nam do Tướng J. Lawton Collins dẫn đầu để cố gắng tiếp tục một chương trình hợp tác Mỹ – Pháp trong khu vực, bên cạnh những nhiệm vụ khác.

Tuy nhiên, tới mùa xuân năm 1955, chính quyền Eisenhower đã khởi động một cách tiếp cận thứ hai mang tính chất đơn phương, theo đó Mỹ tìm cách bảo vệ lợi ích chiến lược của mình tại Đông Nam Á bằng cách xây dựng một quốc gia Việt Nam mới xung quanh một nhà độc tài ẩn dật tên là Ngô Đình Diệm. Trong khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ Eisenhower, Mỹ đã gắn chặt chính sách Việt Nam của mình với năng lực đáng ngờ của Diệm. Đối lập với sự cảnh giác sáng suốt của thời kỳ đầu giúp hạn chế rủi ro của Mỹ ở Đông Nam Á, các chính sách của Mỹ trong thời kỳ thứ hai đã thể hiện một sự vô trách nhiệm thê thảm khi để Mỹ mắc kẹt trong mớ bòng bong của chính trị Việt Nam, khiến người Mỹ và các lợi ích của Mỹ phải đối mặt với những nguy cơ to lớn.

Eisenhower mang tới Nhà Trắng niềm tin rằng những khu vực “mà tự do nở rộ” đang bị tấn công bởi “sự đoàn kết của cộng sản”. Trong bài diễn văn Thông điệp Liên bang (State of the Union) đầu tiên của mình vào tháng 2 năm 1953, ông miêu tả cuộc đấu tranh của Pháp chống lại Việt Minh là giữ “đường biên giới của tự do” khỏi “sự xâm lược của Cộng sản trên khắp thế giới”. Khi ông chuẩn bị mãn nhiệm 8 năm sau đó, quan niệm của ông về thế giới lưỡng cực được phân chia giữa tự do và chuyên chế – mà Đông Nam Á nằm ở trung tâm của cuộc xung đột – vẫn không thay đổi. Bài phát biểu chia tay của Eisenhower được nhớ tới chủ yếu vì lời cảnh báo về tác động nguy hiểm của sự mắc mớ giữa quân sự và công nghiệp tại Mỹ, nhưng bài phát biểu mở đầu với một lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng nước Mỹ đã và sẽ tiếp tục phải đối mặt với “một ý thức hệ thù địch – có quy mô toàn cầu, bản chất vô thần, mục đích tàn ác, và phương pháp xảo quyệt”. Ngày hôm sau, 19 tháng 1 năm 1961, ông cảnh báo tổng thống tân cử John Kennedy rằng cuộc nội chiến đang diễn tiến ác liệt ở Lào có nguy cơ sẽ phát tán chủ nghĩa cộng sản ra toàn bộ khu vực.

Bên cạnh cam kết không thỏa hiệp với chủ nghĩa cộng sản, một dấu ấn khác của chính sách Eisenhower ở Đông Dương và các nơi khác là việc cắt giảm chi phí. Trong một chiến lược được gọi tên là New Look, chính quyền Eisenhower tìm kiếm những cách thức tiết kiệm nhất để bảo vệ an ninh Mỹ. Thường được gắn với lời đe dọa sử dụng sức mạnh hạt nhân như một “đòn trả đũa khủng khiếp”, New Look cũng kêu gọi một sự nương tựa lớn hơn vào các liên minh quân sự và các hoạt động bí mật.

Chiến lược New Look được thể hiện rõ ràng trong giai đoạn đầu của chính sách Đông Dương dưới thời Eisenhower, với nỗ lực phối hợp với Pháp để đánh bại những người cộng sản việt Nam. Mặc dù chia sẻ với chính quyền Truman thái độ không bằng lòng trước ý định tái chiếm Đông Dương của Pháp, những người Cộng hòa quyết định rằng Chiến Tranh Lạnh buộc họ phải đứng về phía các đồng minh trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngoại trưởng John Foster Dulles thẳng thắn thừa nhận với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng những lựa chọn của Mỹ trong tình hình này thật đáng ghê tởm, nhưng trong “tình trạng chia rẽ” của thế giới ngày nay, nước Mỹ phải chịu đựng những kẻ thực dân thêm chút nữa để giúp ngăn cản Liên Xô và Trung Quốc xâm nhập Đông Nam Á. Dulles cũng cảm thấy mình buộc phải hợp tác với Pháp ở Đông Dương bởi ông ta muốn các nhà lãnh đạo Pháp chấp nhận một Tây Đức tái vũ trang (một viễn cảnh đáng sợ đối với nhiều người Pháp) như một phần của kế hoạch dành cho NATO do Mỹ hậu thuẫn gọi là Cộng đồng Phòng thủ Châu Âu. Để thúc đẩy quyết tâm của Pháp ở cả Đông Dương và Châu Âu, chính quyền Eisenhower đã tăng viện trợ của Mỹ tới mức nó chiếm tới gần 80% chi tiêu quân sự của Pháp ở Đông Nam Á tính tới tháng 1 năm 1954.

Tuy nhiên, khi chính quyền Eisenhower đánh dấu tròn 1 năm cầm quyền, thì cũng là lúc Pháp mất kiên nhẫn. Người dân và các chính trị gia Pháp đã quá mệt mỏi với gánh nặng 7 năm của cuộc Chiến tranh Đông Dương. Quân Việt Minh bền bỉ, với sự lãnh đạo tài tình của ông Hồ Chí Minh, tiếp tục làm Pháp tiêu tốn nhiều xương máu và tiền bạc. Trước sự nuối tiếc của Washington, các nhà lãnh đạo Pháp chấp nhận đề xuất của Liên Xô về một hội nghị đa quốc gia ở Geneva, theo kế hoạch sẽ bắt đầu từ tháng 4, nhằm thiết lập một dàn xếp ngoại giao ở Đông Dương. Sau đó, vào tháng 3, Việt Minh tấn công một cứ điểm của Pháp ở Điện Biên Phủ với một tầm mức mạnh mẽ đến nỗi Pháp hoàn toàn có khả năng phải gánh chịu một thảm họa quân sự trước khi hòa đàm diễn ra. Tại Geneva, Pháp có thể quyết định đầu hàng kẻ thù cộng sản của mình.

Viễn cảnh về một liên minh xã hội chủ nghĩa giữa Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giành thắng lợi trước một thành viên NATO từng được Mỹ viện trợ công khai đã khiến các nhà lãnh đạo Mỹ vô cùng lo ngại – họ bắt đầu tính đến con át chủ bài của chiến lược New Look – đòn trả đũa khủng khiếp. Mặc dù lựa chọn này ám chỉ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, hầu như không có nhà hoạch định nào của Mỹ tin rằng họ cần phải sử dụng bom nguyên tử để cân bằng cán cân quân sự ở Điện Biên Phủ. Trong trường hợp đó, đề xuất này bao gồm việc ném bom thông thường, sử dụng tới 350 máy bay từ các tàu sân bay của Mỹ và từ các căn cứ ở Okinawa và Philippines.

Trong suốt tháng 3 và tháng 4, Eisenhower, Dulles và các quan chức hàng đầu khác cân nhắc ý tưởng không kích nhưng rồi không bao giờ sử dụng. Đầu tháng 5, Pháp đầu hàng sau khi phải chịu những thiệt hại to lớn, và hậu quả này đã mở đường cho việc ký kết một thỏa thuận đình chiến giữa Pháp và Việt Minh ở Geneva. Chuỗi sự kiện này từ lâu đã thu hút sự chú ý của các nhà quan sát chính sách đối ngoại thời Eisenhower. Tổng thống và bộ trưởng ngoại giao cố gắng tạo hình ảnh rằng họ đang bị trói tay bởi sự lưỡng lự của quốc hội và đồng minh trong việc thực hiện một cuộc giải cứu đầy rủi ro cho những tham vọng bất thành của Pháp. Mặc dù hình ảnh này khiến cho Nhà Trắng có vẻ thụ động, nhưng nó đem lại những lợi ích chính trị tuyệt vời. Nó giúp bảo vệ Eisenhower khỏi những lời chỉ trích cá nhân rằng ông đã “để mất” thứ gì đó ở Việt Nam, giống như Truman đã bị lên án vì để mất Trung Quốc.

Sự thận trọng của Eisenhower liên quan nhiều hơn đến tình thế cam go của Pháp và nhận định rằng Paris đã mất hết ý chí chiến đấu, hơn là xuất phát từ việc đánh giá cẩn thận mục tiêu của Mỹ tại Việt Nam. Ông sẵn sàng chấp nhận một thất bại mang tính chiến thuật ở Điện Biên Phủ, nhưng không sẵn sàng để đặt câu hỏi về tầm quan trọng mà Đông Dương được gán cho trên cán cân quyền lực toàn cầu. Hơn nữa, sẽ là một sai lầm nếu ta kết luận rằng Eisenhower là một nhà lãnh đạo nhiệt huyết chỉ vì một người lính chuyên nghiệp như ông đã lựa chọn cống hiến tâm sức của mình cho một vấn đề an ninh quốc gia. Ví dụ, vài ngày sau khi Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã công bố một phán quyết lịch sử về việc xóa bỏ sự phân tách chủng tộc trong trường học, thông qua vụ Brown kiện Sở Giáo dục thành phố Topeka. Về vấn đề bất công chủng tộc đang hàng ngày đè nặng lên vai của hàng triệu công dân Mỹ, Tổng thống quyết định không can thiệp, tuyên bố rằng ông sẽ không thể hiện thái độ “tán thành hay phản đối” phán quyết của Tối cao Pháp viện.

Khi Tối cao Pháp viện ra phán quyết về vụ Brown, các đại biểu Mỹ đang có mặt tại Hội nghị Geneva để quyết định số phận của Việt Nam. Với chiến thắng của Việt Minh ở Điện Biên Phủ, có khả năng Pháp sẽ chấp nhận thỏa hiệp với những người cộng sản. Chính quyền Eisenhower giữ một vai trò khá thụ động trong quá trình ra quyết định để tránh phải chịu trách nhiệm cho các hậu quả về sau, nhưng Mỹ vẫn có mặt tại hội nghị bởi Tổng thống và các cố vấn của ông không sẵn sàng theo đuổi một diễn trình chính trị riêng rẽ và đơn độc trong khu vực. Với Anh, Liên Xô và Trung Quốc đứng giữa, Pháp và Việt Minh đã đạt được một thỏa thuận đình chiến, tạm thời chia tách đất nước tại vĩ tuyến 17. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do cộng sản lãnh đạo sẽ kiểm soát miền Bắc, và Pháp sẽ tái sắp xếp các lực lượng quân sự của mình ở miền Nam. Một cuộc tổng tuyển cử trên cả nước Việt Nam theo kế hoạch sẽ được tổ chức hai năm sau đó để quyết định cấu trúc chính trị tương lai của đất nước. Đoàn đại biểu Mỹ công khai thừa nhận các điều khoản này  nhưng không ký hoặc tuyên bố ủng hộ bất kỳ điều khoản nào trong số đó.

Quyết tâm cứu miền nam Việt Nam khỏi sự thống trị của cộng sản và để làm điều đó bằng việc phối hợp phòng thủ nếu có thể, chính quyền Eisenhower đã đi đầu trong việc sáng lập SEATO vào tháng 9 năm 1954. Bao gồm Mỹ, Pháp, Anh, Úc, New Zealand, Philippines, Thái Lan và Pakistan, liên minh này không phải là một khối an ninh ràng buộc như NATO, nhưng vẫn cung cấp một cơ chế để các nước thành viên cùng phối hợp hành động trong các cuộc khủng hoảng tương lai như Điện Biên Phủ, đặc biệt nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoặc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công khai gây hấn. Theo các điều khoản của Hiệp định Geneva, Việt Nam và các nước Lào, Campuchia láng giềng không thể tham gia vào các hiệp ước quân sự, nhưng hiệp ước SEATO đã đưa ra một cam kết mơ hồ với an ninh của những nước này trong một nghị định thư đính kèm. Mặc cho những yếu kém của hiệp ước, Dulles vẫn ca ngợi nó như là một tấm biển “cấm vào” để ngăn chặn những tên cộng sản gây hấn, và Eisenhower và những người kế nhiệm ông tại Nhà Trắng nói đến SEATO như một tổ chức đại diện cho Mỹ can thiệp vào các vấn đề trong khu vực.

Cách Eisenhower xử lý Điện Biên Phủ, Geneva và SEATO đã làm nổi bật những điểm mạnh và điểm yếu trong phong cách lãnh đạo của ông. Ông điều hành vấn đề Việt Nam một cách chính trị chứ không thực sự giải quyết được nó. Sử dụng Dulles như là người phát ngôn hàng đầu, Eisenhower đã kêu gọi các nước “phối hợp hành động” trong suốt cuộc bao vây Điện Biên Phủ để chống lại hiểm họa cộng sản ở Đông Nam Á. Với sự ra đời của SEATO, một liên minh phối hợp như thế dường như đã trở thành hiện thực. Các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy công chúng Mỹ ủng hộ cách tiếp cận đa phương hơn là hành động đơn phương. Tương tự, quyết định của Eisenhower về việc giữ khoảng cách thận trọng khỏi những cuộc đàm phán và dàn xếp cuối cùng tại Geneva đã giúp ông tránh được cáo buộc rằng ông đã chấp nhận thỏa hiệp với cộng sản – một cáo buộc mà Franklin Roosevelt đã phải hứng chịu từ các nhà phê bình sau Hội nghị Yalta năm 1945. Người dân Mỹ muốn Mỹ theo đuổi đường lối chính sách cứng rắn mà không phải chịu rủi ro chiến tranh, và sự lãnh đạm của chính quyền đối với Hiệp định Geneva và việc thành lập SEATO tỏ ra phù hợp với nguyện vọng này của công chúng. Tuy nhiên, về mặt chính sách, chỉ cứng rắn thôi thì chưa phải là giải pháp. Giải pháp thực sự là hoặc sử dụng vũ lực để đập tan sức mạnh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hoặc chấp nhận thành công của họ. Chính quyền Eisenhower sẽ chẳng làm điều nào trong số đó, và vì thế chỉ khắc sâu thêm cam kết của Mỹ ở Đông Nam Á chứ không có tiềm năng thực tế nào về việc giải quyết tình thế khó xử của Mỹ: vừa muốn bảo vệ lợi ích của Mỹ nhưng lại không muốn chiến tranh.

Mặc dù Pháp tham gia SEATO, nhưng quan hệ hợp tác Mỹ – Pháp ở Đông Nam Á sau Hội nghị Geneva lại căng thẳng đến mức gần như rạn vỡ. Eisenhower và nhiều phụ tá của ông tin rằng Paris về cơ bản đã mất đi ảnh hưởng đối với các chính sách của phương Tây ở Đông Dương khi chỉ chống trả Việt Minh một cách yếu ớt. Tổng thống than phiền rằng ông đã “chán ngấy” Pháp và “mong muốn điên rồ của họ để được nghĩ tới như một cường quốc”. Tuy vậy, nhiều người Pháp vẫn giữ quan hệ kinh tế và quan hệ cá nhân chặt chẽ với Đông Dương, và không muốn để mất những lợi ích có được từ vị thế của họ.

Với nỗ lực tái lập một quan hệ đối tác với các quan chức Pháp ở Nam Việt Nam, Eisenhower cử Tướng J. Lawton Collins, một đồng nghiệp được tin tưởng trong Thế Chiến II và là cựu Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, tới Sài Gòn vào tháng 11 năm 1954 để làm đại diện cho cá nhân ông. Với biệt danh “Joe Tia chớp”, Collins cũng phải thiết kế “một chương trình khẩn cấp để bảo vệ chính quyền Diệm và ổn định an ninh ở nước Việt Nam Tự Do”. Tổng thống nghĩ rằng các quan chức Pháp ở Sài Gòn sẽ hợp tác, nhưng nếu không, “chúng ta nên trực tiếp chỉ đạo người Pháp”, ông nói với Hội đồng An ninh Quốc gia. “Đúng là chúng ta phải nịnh nọt Pháp ở khu vực Châu Âu”, Eisenhower nói thêm, “nhưng chắc chắn chúng ta không phải làm như thế ở Đông Dương.”

Collins đạt được một số thành công với các chương trình đào tạo quân sự và các thay đổi về hành chính, nhưng cuối cùng sứ mệnh của ông và chính sách của Mỹ nói chung lại lâm vào thế bế tắc với người Pháp bởi cấu trúc chính trị nội bộ ở miền Nam. Vấn đề ở đây là sự lãnh đạo của Ngô Đình Diệm. Trong khi Hội nghị Geneva đang diễn ra, Hoàng đế Bảo Đại đã bổ nhiệm cho Diệm làm thủ tướng Quốc gia Việt Nam, một chế độ trống rỗng mà các quan chức Pháp đã tạo ra như một giải pháp quốc gia thay thế cho Việt Minh và ý thức hệ Mác-xít ngoại lai. Chính chính quyền này, lúc đó nằm dưới sự bảo hộ của Pháp tại phần phía nam của vĩ tuyến 17, sẽ phải đối đầu với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chủ tịch Hồ Chí Minh tại cuộc tổng tuyển cử theo yêu cầu của Hiệp định Geneva. Không phải người Việt nào cũng ủng hộ Việt Minh – lực lượng này thường dập tắt các tiếng nói chính trị đối lập một cách tàn nhẫn – nhưng các nhà lãnh đạo của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa lại giành được ưu thế sau khi buộc những kẻ thực dân phải đầu hàng. Chính quyền Diệm sẽ phải chứng minh khả năng và lòng ái quốc của mình nếu muốn rũ bỏ ấn tượng về sự dựa dẫm vào phương Tây. Một số người Mỹ cho rằng Diệm có thể vượt qua thách thức này, nhưng điều đó sẽ chỉ xảy ra nếu Pháp trao cho ông ta sự độc lập thực thụ.

Bản thân Diệm là một nhân vật phức tạp. Cá nhân ông ta là một người thẳng thắn, can đảm và có thành tích tốt trong việc kháng cự sự thống trị của người Pháp trên xứ sở của ông. Những phẩm chất này là ưu thế đối với một chính trị gia Việt Nam. Mặc dù vậy, ông có những điểm yếu thật sự mà người Pháp đã nhanh chóng chỉ ra. Ông không có nền tảng chính trị nào ngoại trừ đại gia đình của mình, những người nổi tiếng vì tính tư lợi. Việc ông theo Công giáo có thể làm người Pháp hài lòng, nhưng lại khiến ông bị cô lập khỏi những người đồng bào chủ yếu theo Phật giáo. Cá tính của ông thì xa cách và có phần khổ hạnh – không giống như một chính trị gia hiện đại. Hơn nữa, ông đã sống ở Mỹ trong một thời gian ngắn, và quen biết một số chính trị gia và lãnh tụ công giáo Mỹ có ảnh hưởng như Thượng nghị sĩ Mike Mansfield và Hồng y Francis Spellman. Thật vậy, có thể chính vì quan hệ của Diệm với Mỹ mà Bảo Đại đã bổ nhiệm ông ta làm thủ tướng, trong một động thái nhằm thu hút sự ủng hộ chính thức của Mỹ khi quyền lực của Pháp ở Việt Nam đang suy yếu.

Chúng ta không biết chắc làm thế nào mà Bảo Đại lại bổ nhiệm Diệm, một người mà ông cực kỳ không ưa. Một số giả thuyết cho rằng CIA hoặc một thế lực ngầm nào đó của Mỹ là kẻ đứng đằng sau sự lựa chọn này. Tuy nhiên, không có bằng chứng cụ thể nào cho kịch bản này, và Bảo Đại có thể có những lý do của riêng mình. Việc Mỹ bí mật liên hệ với Diệm sau khi ông ta trở thành thủ tướng đã được biết đến rộng rãi. Các hoạt động bí mật là một yếu tố rõ ràng của chiến lược New Look, và Giám đốc CIA Allen W. Dulles (anh trai của ngoại trưởng) đã cử một đặc vụ tới Sài Gòn vào thời điểm Diệm nhậm chức. Lựa chọn của Allen Dulles là Đại tá Không quân Edward G. Lansdale, một quân nhân độc đáo từng hỗ trợ cuộc kháng chiến của chính phủ Philippine chống lại thành công một cuộc nổi dậy của cộng sản. Lansdale nhanh chóng trở thành người bạn tri kỷ của Diệm và là một người ủng hộ nhiệt thành việc Mỹ chống lưng cho thủ tướng Diệm.

Mặc dù Diệm được Lansdale và nhiều người khác ủng hộ, nhưng Eisenhower vẫn công khai chỉ đạo Collins đánh giá năng lực lãnh đạo của Diệm. Sau 5 tháng quan sát chặt chẽ, Collins báo cáo rằng ông ta đánh giá Diệm không có khả năng cung cấp cho Nam Việt một sự lãnh đạo năng động cần thiết. Diệm và anh em của ông ta đang điều hành một “chính phủ một-người”, Tướng Collins báo với Washington, và họ rất cứng đầu không chịu nghe những lời khuyên hữu ích. Collins đề cử những quan chức Việt Nam khác mà ông ta nghĩ rằng có thể tổ chức tốt hơn một liên minh quy mô lớn để cạnh tranh với những người cộng sản. Báo cáo của Collins là cú sốc đối với Ngoại trưởng Dulles. Mặc dù ban đầu còn ngờ vực về tiềm năng của Diệm, ngoại trưởng cuối cùng đã chấp nhận lập luận của những người bạn Mỹ của Diệm rằng thủ tướng Diệm là niềm hy vọng lớn nhất cho một chính phủ quốc gia thay cho Hồ, và tất cả những gì Diệm cần là niềm tin rằng ông ta có sự “ủng hộ hết mình” của Mỹ.

(Xem tiếp Kỳ 2)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN