Mỹ can thiệp vào Hội nghị Geneve năm 1954 như thế nào?

Các tài liệu đã giải mật của Hoa Kỳ đều cho thấy Mỹ đã can dự một cách rất tinh vi vào diễn biến Hội nghị Geneve và cuối cùng chính là nước đã chủ trương phá hoại hiệp định, ngăn chặn Việt Nam tái thống nhất bằng biện pháp hoà bình.

Thực tế, đàm phán giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương tại Geneve năm 1954 không bao giờ được Hoa Kỳ chấp nhận. Mỹ, trước sau như một, luôn chủ trương giải pháp quân sự tại Đông Dương. Washington cho rằng Pháp chỉ nên thương lượng khi đã có một lợi thế quân sự rõ ràng, khi Kế hoạch Navarre thành công. Mỹ đã thuyết phục Chính phủ Pháp chống lại việc thực sự ngồi xuống bàn đàm phán với Việt Minh. Vào cuối tháng 12/1953, dù bị sức ép công luận đòi hòa bình rất lớn, Thủ tướng Pháp Joseph Laniel vẫn đồng ý rằng cách tiếp cận của Washington là đúng đắn.

Tuy vậy, hai tháng sau đó, bức tranh đã thay đổi. Tại Berlin, việc nhóm Tứ cường gồm Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ quyết định triệu tập một hội nghị quốc tế về Đông Dương tại Genève đã chứng minh cho áp lực không thể cưỡng lại trong chính giới Pháp về việc đàm phán với Việt Minh.

Thứ tưởng ngoại giao Mỹ Walter Bedell Smith (ngồi ghế chủ tọa) tại cuộc họp của phái đoàn Hoa Kỳ tại Paris bên lề Hội nghị Geneva. Ảnh: Tạp chí LIFE số ra ngày 31/5/1954

Dù quyết định sẽ có đàm phán, tài liệu giải mật của Lầu Năm Góc ghi rõ: “Lập trường của chúng ta (Mỹ) vẫn là chiến thắng quân sự để có thể giải quyết chiến tranh Đông Dương một cách thuận lợi cho lợi ích của thế giới Tự do”. Ngừng bắn trước khi có một giải pháp chính trị, báo cáo của Hội đồng Tham mưu Trưởng Hoa Kỳ đã nêu: “Có lẽ sẽ dẫn đến một sự bế tắc chính trị cùng với một sự suy sụp đồng thời và vĩnh viễn của vị trí quân sự Pháp – Việt. Một chính phủ liên minh sẽ dẫn đến việc cộng sản giữ quyền lực từ bên trong, điều mà Mỹ sẽ bất lực để ngăn chặn. Phân vùng, mặt khác sẽ công nhận sự thành công của cộng sản bằng con đường vũ lực, nhượng cho cộng sản vùng đồng bằng Bắc Bộ, và phá vỡ chính sách ngăn chặn của chúng ta ở châu Á”.

Với lý lẽ này, Mỹ tiếp tục chủ trương quân sự. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Foster Dulles ngày 29 tháng 3 đã công khai đề nghị hoạt động quân sự tập thể như một chương trình hành động tương lai cho “thế giới Tự do” ở Đông Dương. Dulles đề nghị tổ chức một liên minh phòng thủ tập thể 10 quốc gia Đông Nam Á. Theo Hoa Kỳ, một liên minh như vậy là lựa chọn tốt hơn so với việc Mỹ can thiệp đơn phương, hoặc ở Điện Biên Phủ, hoặc sau đó trong một bối cảnh tổng quát hơn. Khi Điện Biên Phủ trên bờ vực thất bại, cuộc tranh luận giữa các cơ quan ở Washington đã làm rõ rằng việc Mỹ can thiệp đơn phương bằng không quân và hải quân là không mong muốn, cũng không khả thi, và nhiều cơ quan liên quan ở Mỹ cũng không ủng hộ can thiệp trên bộ. Chính quyền Eisenhower không có khả năng dàn xếp để các nhà lãnh đạo Quốc hội hậu thuẫn cho sự can thiệp đơn phương của Hoa Kỳ mà không cần sự tham gia của các Đồng minh. Bản thân Tổng thống Eisenhower cũng ưa thích việc Mỹ can thiệp thông qua liên minh thống nhất thay vì đơn độc.

Đề nghị hành động quân sự thống nhất của Mỹ, tuy vậy không được Anh hoặc Pháp chấp nhận trước Hội nghị Genève. Anh nghĩ rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự dưới [ngọn cờ] thống nhất hành động trước khi đến Genève sẽ cản trở một giải pháp chính trị tại Hội nghị và có thể dẫn đến sự mở rộng hơn nữa của chiến tranh, bao gồm một sự can thiệp có thể của Trung Quốc. Anh do đó chỉ sẵn sàng xem xét việc thành lập một liên minh phòng thủ tập thể trong khu vực Đông Nam Á sau Genève. Pháp cho rằng đề xuất hành động thống nhất của Dulles là cách cố tình lẩn tránh yêu cầu khẩn cấp của Pháp là Mỹ can thiệp ngay lập tức vào Điện Biên Phủ. Ban đầu, người Pháp lo ngại rằng hành động thống nhất sẽ quốc tế hóa chiến tranh và do đó đặt nó (Đông Dương) ngoài tầm kiểm soát của Paris. Sau đó, Pháp đã lo sợ rằng hành động thống nhất sẽ được sử dụng như một công cụ nhằm gây cản trở các cuộc đàm phán. Vì những lý do này, đề nghị hành động quân sự thống nhất của Mỹ không nhận được hỗ trợ của Paris hay của London trước Genève.

Trong những tháng trước hội nghị, Hoa Kỳ luôn kiên quyết phản đối bất kỳ phương án nào khác ngoài việc hoàn toàn theo đuổi chiến tranh. Ngoại trưởng Mỹ Dulles đã nói với Đại sứ Pháp Henri Bonnet vào ngày 03/4/1954, một giải pháp đàm phán sẽ chỉ dẫn đến một công thức vớt vát sĩ diện cho chuyện Pháp đầu hàng. Ông Ngoại trưởng gọi chuyện chia cắt Đông Dương là “không thực tế” và một chính phủ liên minh là “khởi đầu của một thảm họa”.

Với tâm thế như vậy, Mỹ trở thành một “quốc gia quan tâm” tới Hội nghị Geneve chứ không phải là “bên đàm phán”. Trước khi nhận được hướng dẫn chi tiết từ Dulles, Thứ tưởng ngoại giao Mỹ Walter Bedell Smith đã phát biểu hai lần ở vòng đầu tiên của phiên họp Geneve. Tại các phiên họp này, Smith đã nhấn mạnh chính sách của Mỹ là từ chối cam kết bất kỳ điều gì để bảo đảm giải quyết cuộc xung đột.

Bedell Smith (giữa, lưng quay vào camera) nói chuyện với các cố vấn và Đại sứ Pháp Jean Chauvel (bên phải Smith). Ngoại trưởng Anh Anthony Eden (chân gác lên bờ tường) đang nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Bidault. Ảnh: Tạp chí LIFE số ra ngày 31/5/1954

Ngày 12 tháng 5, Smith đã nhận được hướng dẫn rõ ràng từ Bộ Ngoại giao rằng phải làm cho Mỹ có ảnh hưởng ở Hội nghị, nhưng chỉ tham gia theo kiểu “không vướng mắc và không ràng buộc”. Dulles đã gửi công điện cho Smith, chỉ thị rằng Mỹ là một quốc gia quan tâm, tuy nhiên, không phải là một bên tham chiến, cũng không là bên tham gia chính trong cuộc đàm phán.

Dù tỏ vẻ không tham gia nhưng Mỹ vẫn đứng sau điều phối và chi phối cuộc đàm phán. Khi quá trình đàm phán rơi vào bế tắc, Mỹ đã bàn với Anh đưa ra các nguyên tắc, sau này được biết đến với tên gọi Giải pháp Bảy điểm. Mỹ sau đó mới thông báo cho Pháp các nguyên tắc này, làm cơ sở đàm phán với Việt Minh.

Bảy điểm do Mỹ đề xuất như sau:

1. Bảo tồn sự toàn vẹn và độc lập của Lào và Campuchia, và bảo đảm của Việt Minh là họ sẽ rút khỏi các quốc gia đó;

2. Bảo tồn ít nhất một nửa phía Nam của Việt Nam, và nếu có thể, những vùng đất ở vùng đồng bằng sông Bắc Bộ (ý nói các giáo phận Công Giáo), với đường phân giới cắm mốc về phía Nam (nhưng) không xa hơn đường ranh giới nói chung là về phía Tây Đồng Hới;

3. Không có hạn chế nào đối với Lào, Campuchia, hoặc phần được giữ lại của Việt Nam “mà (những hạn chế đó) cụ thể sẽ làm suy yếu khả năng của họ để duy trì một chế độ ổn định không Cộng sản, và đặc biệt là những hạn chế làm suy yếu quyền của họ được duy trì một lực lượng (vũ trang) đầy đủ cho an ninh nội bộ, nhập khẩu vũ khí và sử dụng các cố vấn nước ngoài”;

4. Không có “những quy định chính trị có nguy cơ sẽ làm mất khu vực được giữ lại trong vòng kiểm soát của Cộng Sản”;

5. Không có điều khoản nào “loại trừ khả năng thống nhất sau cùng của Việt Nam bằng phương tiện hòa bình”;

6. Điều khoản “chuyển giao một cách hòa bình và nhân đạo, dưới sự giám sát quốc tế, những người mong muốn được di chuyển từ một khu vực đến khu vực khác của Việt Nam”;

7. Điều khoản “một cơ chế quốc tế có hiệu quả để giám sát thỏa thuận”.

Thủ tướng Pháp Pierre Mendes-France (trái) hội đàm với Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Chu Ân Lai (phải) tại Geneva, ngày 13/7/1954. Ảnh: Bettmann/Getty Images

Dù đưa ra 7 điểm và sau này các điểm này đã trở thành cơ sở cho việc chia cắt Việt Nam, Mỹ vẫn phản đối bất kỳ đề nghị nào có ngụ ý đến sự chấp nhận (của Mỹ) về các điều khoản cuối cùng. Trong khi thừa nhận những khó khăn của Thủ tướng Pháp Pierre Mendes-France trong việc thực hiện đàm phán với Việt Minh, Ngoại trưởng Mỹ Dulles cho rằng Pháp sẽ ký kết bằng cách chấp nhận một giải pháp không đạt yêu cầu của Mỹ, nên lúc ấy Washington sẽ phải tách mình ra (không dính phần đến giải pháp đó). Mỹ dự kiến rằng điều này “sẽ gây ra sự phẫn nộ sâu sắc của người Pháp, [họ] xem đó như một một phần nỗ lực của chúng ta để ngăn chặn vào phút cuối một nền hòa bình mà họ rất mong muốn”, có thể với “chấn thương không thể khắc phục trong quan hệ Pháp-Mỹ…”.

Trưởng đoàn Mỹ tại Geneve Walter Bedell Smith vẫn liên tục nhận chỉ thị không để Hoa Kỳ cam kết. Ngày 16 tháng 7, Smith đã nhận được một số hướng dẫn mới dựa trên thỏa thuận Bảy điểm. Nhưng Ngoại trưởng Dulles vẫn nói rằng nếu giải pháp có thể đạt được, Mỹ vẫn phải đưa ra một tuyên bố đơn phương (hoặc, nếu có thể, đa phương) rằng giải pháp đã “phù hợp đáng kể” với 7 điểm dù vậy Hoa Kỳ sẽ không là người đồng ký kết với những người Cộng sản trong bất kỳ Tuyên bố nào, rằng Mỹ không nên bị đặt ở một vị trí có thể bị sắp xếp để chịu trách nhiệm về việc bảo đảm thành quả của Hội Nghị; Smith được chỉ đạo là phải nỗ lực truyền đạt các ý tưởng này cho các “nhà đàm phán tích cực” (Pháp, Campuchia, Lào, và Việt Nam); và rằng Mỹ phải tránh cho phép người Pháp tin rằng các cuộc đàm phán là do Mỹ tư vấn hoặc áp lực. Mỹ giấu ý đồ rất kỹ nên các bên tham gia Genève vẫn tiếp tục suy đoán về ý định của Mỹ.

Trong khoảng thời gian từ giữa tháng Sáu tới khi kết thúc của Hội nghị vào ngày 21 tháng 7, ngoại giao Mỹ làm việc với liên minh phương Tây thống nhất một hiệp ước phòng thủ Đông Nam Á và hợp nhất trong một mặt trận ngoại giao thống nhất phương Tây tại Genève. Trong quá trình này, liên minh phương Tây dần dần kết dính với nhau. Kết quả là đã đạt được sự hợp tác Anh – Pháp không chỉ về một hiệp ước an ninh khu vực, mà tạo được một thế đứng đàm phán vững chắc đối mặt với những người cộng sản. Mỹ, mặc dù ở vị trí riêng rẽ, vào cuối tháng Sáu đã chấp nhận một giải pháp chia cắt Việt Nam và tổ chức việc “thống nhất cuối cùng của Việt Nam bằng phương tiện hòa bình” nhưng vẫn công khai làm cho phe cộng sản không rõ đâu là các điều khoản mà Mỹ “có thể thực sự chấp nhận”.

Cuối tháng 6, Ngoại trưởng Dulles vẫn cảnh cáo Smith không nên tham gia vào ủy ban làm việc (như Pháp đề xuất) vì nó sẽ hiện thân như việc Mỹ liên kết với bất kỳ quyết định cuối cùng nào. “Suy nghĩ của chúng ta hiện nay”, Dulles gửi điện cho Smith ngày 24 tháng 6, “là vai trò của chúng ta tại Genève sẽ sớm được giới hạn như người quan sát mà thôi”.

Công điện Ngoại trưởng Dulles gửi Đại sứ quán Mỹ tại Paris ngày 7/7/1954 đã ghi rõ quan điểm của Mỹ rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ chiến thắng bầu cử, với ít nhất 80% số phiếu bầu. Xác định “ông Hồ có thể giành chiến thắng trong một cuộc phổ thông đầu phiếu, nếu tổ chức ngày hôm nay”, Mỹ thực tế đã tìm mọi cách để can dự vào Việt Nam ngay sau khi Hội nghị vừa kết thúc với việc củng cố chính phủ ở miền Nam Việt Nam và tìm mọi cách ngăn chặn tổng tuyển cử thống nhất.

Tất cả những động thái này đã được thể hiện “ngầm” trước đó qua cách Mỹ can dự rất tinh vi vào đàm phán Geneve. Những can dự này là “hình mẫu” của kế sách “ném đá giấu tay”, can dự mà như không làm gì cả, của ngoại giao Mỹ. Mỹ thực tế đã chỉ muốn một giải pháp quân sự mang lại chiến thắng hoàn toàn. Chỉ khi không thể, Mỹ mới đưa ra Bảy điểm để ít nhất có được một nửa Việt Nam dưới ảnh hưởng của mình, rồi tìm mọi cách củng cố sức mạnh của miền Nam Việt Nam và phá hoại mọi nỗ lực tổng tuyển cử thống nhất. Lịch sử sau này đã chứng minh rằng mọi toan tính này đều thất bại trước lòng yêu nước và khát khao giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.■

Trọng Khang

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN