
Nguyễn Trung Trực là một trong những anh hùng dân tộc tiêu biểu của phong trào kháng chiến chống Pháp nửa sau thế kỷ XIX. Tạp chí Phương Đông sưu tầm và trích giới thiệu tới bạn đọc bài viết “Nguyễn Trung Trực – một Kinh Kha của miền Nam” in trong Tập san sử địa số 12 xuất bản năm 1968 kể về những chiến công táo bạo và lòng yêu nước bất khuất của vị anh hùng này.
… Tình trạng nước nhà kể từ Minh Mạng, Thiệu Trị đến Tự Đức chỉ mỗi ngày một suy sụp thêm cho nên việc ba tỉnh miền Đông thất thủ, Hòa ước Nhâm Tuất (1862) ra đời là điều dĩ nhiên và Hòa ước này đã làm cho các người yêu nước từ Nam ra Bắc phải điên đầu, thất vọng.
Các anh hùng, nghĩa sĩ đều nổi lên. Trong đầu óc của những nhà ái quốc ai nấy đều có ý kiến vừa chống Pháp, vừa chống triều đình vì Pháp là giặc mà triều đình bất tài, bất lực cúi đầu theo giặc thì cũng thành giặc rồi… Còn gì để theo nữa?
Bởi vua Tự Đức không còn là thần tượng cho nước Việt Nam sau khi đã chấp nhận hòa với Pháp trong những điều kiện thê thảm kể trên, nên phong trào nghĩa quân cứu quốc bột phát với các lãnh tụ như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Trần Văn Thành…
Chỗ thì xưng là “Dân chúng tự vệ”, chỗ nêu khẩu hiệu “Bình Tây sát tả”, dân chúng góp xương máu, của cải không tiếc gì và chỉ còn nghe hiệu lệnh của các lãnh tụ kể trên mà thôi. Pháp khiển trách triều đình. Triều đình sai Phan Thanh Giản vào Nam yêu cầu nhân dân hạ khí giới. Nhân dân chống lại qua nơi Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân… một cách quyết liệt.
Trong hàng lãnh tụ nghĩa quân người ta để ý đến Nguyễn Trung Trực ở điểm ông tuy thuộc thành phần bình dân (ông làm ruộng và đánh cá, sinh quán ở Tây An) nhưng tấm lòng vị nước vị dân không thua một ai trong thời của ông. Số người theo ông chống thực dân Pháp buổi đầu cũng không lấy gì làm nhiều từ Tân An qua Rạch Giá và nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã hoạt động nhiều vào cuối năm 1862. Có lẽ lúc này không riêng bọn ông Nguyễn Trung Trực đã thất vọng về Hòa ước Nhâm Tuất mà có thể nói là toàn quốc xét thấy Hòa ước này có nhiều cơ nguy cho xứ sở.
Thành tích đầu tiên của họ Nguyễn là đốt phá tàu binh “Espérance” của Pháp neo ở bến Nhựt Tảo gần Sài Gòn nhưng thuộc tỉnh Tân An, khi đó chỉ huy tàu là Trung tướng Parfait. Tàu này đóng tại bên sông Vàm do công tác đổ bộ quân lính đi tảo thanh các vùng quê lân cận đang có nghĩa quân trú ẩn và ngày đêm lui tới tập kích vào các đồn bốt của giặc.
Ông Nguyễn khéo bày một kế hoạch đánh phá chiến hạm Espérence rất hay như sau:
Ông tổ chức một đám cưới dùng thuyền đi trên sông trong đó có chú rể, cô dâu, họ hàng già trẻ đủ mặt và cả lễ vật. Lúc này thuyền binh của Pháp đóng ở sông Nhựt Tảo có lệ khám xét các thuyền của ta qua lại và phải trình thẻ bài do chính Pháp cấp.
Khi thuyền cưới tới gần thuyền của Pháp, một người vờ lên trình thẻ bài. Quân Pháp không ngờ, tức thì ông Nguyễn và bọn thủ hạ nhảy lên theo đánh chém lung tung và ngay lúc đó có nhiều thuyền chở rơm và bổi của nghĩa quân cũng ào tới, nổi lửa đốt tàu Pháp. Quân Pháp vì không có đề phòng bị chém chết và bị thương ngã gục hết. Trong chớp nhoáng, tàu Pháp cháy to và người trong các thuyền của nghĩa quân đều nhảy lên bờ tàu thoát hết.
Giặc kêu la ầm ĩ, lửa bốc ngút trời, máy tàu nổ tan tành. Kết quả 17 tên Pháp thiệt mạng, 20 tên lính tập người Việt cũng chết theo. Tàu chìm còn trơ cái sườn sắt ngập một nửa dưới nước.
Xong chiến công oanh liệt này, nghĩa quân rút gấp về Cà Mau. Pháp giận lắm, cho quân đi lùng khắp nơi nhưng Kinh Kha họ Nguyễn và các đồng chí đã biệt dạng tự bao giờ.
Một chiến công khác cũng được đồng bào miền Nam không quên thời ông Nguyễn phất cờ chống Pháp đã được gây ra tại Rạch Giá, nơi Pháp đóng đồn và trong đồn có nhiều lính người Việt. Đáng chú ý là khi đánh đồn này, Nguyễn đã dùng hai phụ nữ tuy chân yếu tay mềm nhưng thừa đảm lược. Đó là hai chị em bà Điền, bà Đỏ được ông Nguyễn cắt cử từ Cà Mau lên Rạch Giá. Hai bà đã thi hành công tác binh nên viên Quản cơ và binh sĩ trong đồn ngầm theo hết. Rồi một đêm, nghĩa quân bất thình lình mở cuộc tấn công, Pháp quân hoảng hốt chạy hết ra ngoài vừa bị quân cách mạng vừa bị dân chúng ập tới chém giết được hết. Đồn bị triệt hạ, ngày hôm sau không còn một tên giặc Pháp nào có mặt ở Kiên Giang nữa.
Từ bấy giờ trở về sau, cách vài chục năm Pháp không còn dám dùng người Việt làm Quản cơ và sau khi thắng trận, làm chủ thành Rạch Giá, ông Nguyễn thiết lập ngay một hệ thống đồn trại dài từ núi Sập tới tỉnh lỵ (50 cây số) đắp đập thả chà, đóng cừ phòng tàu chiến của giặc kéo tới. Để thông tin, các đồn bốt của ta có trống mõ. Tiếc rằng trong nghĩa quân bấy giờ có một số nhũng nhiễu dân, lấy gà vịt rau cỏ của đồng bào nên lòng dân một phần có sự bất mãn. Sau này, Pháp kéo quân đến, những chướng ngại vật của ông Nguyễn đều bị phá hủy do chúng có những phương tiện rất lợi hại, nghĩa quân chống không lại phải rút đi.
Về chung cuộc ông Nguyễn còn để lại lịch sử vàng son của dân tộc một võ công có nhiều cử chỉ rất can trường để xứng đáng với hai câu đối đồng bào đã tặng ông sau này:
Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.
Cuộc khởi nghĩa chống thực dân của ông kéo dài tới năm 1867 sau khi ông ra Bình Thuận được phong chức Lãnh binh, và được cử vào Hà Tiên tiếp tục chiến đấu. Xét ra thuở đó quân đội Pháp đã mạnh lắm rồi, tương đối với lực lượng của nghĩa quân (bấy giờ chỉ có nghĩa quân ra mặt đánh địch mà thôi còn triều đình Tự Đức đã khoanh tay cúi đầu ngay sau khi ký Hòa ước Nhâm Tuất năm 1862) mà quân số không ngoài 100 mà thôi, lại còn thiếu trang bị, tiếp vận là điều vô cùng cần thiết. Mặc dầu quân đơn thế yếu, binh bị tổ chức sơ sài, hầu như không có huấn luyện, ông vẫn xông pha ngoài chiến địa. Lúc này ông có mặt ở đảo Phú Quốc. Bọn thực dân bằng tàu Groéland chở tên đại Việt gian Đội Tấn và 150 tên lính mã tà ra đây mở cuộc truy kích. Quân số của ông Nguyễn có khoảng 300 chỉ trội về lượng mà thôi. Đội Tấn nắm vững tình thế của nghĩa quân đã chỉ là đoàn quân ô hợp nên can đảm giao phong cùng quân cách mạng, ngoài ra y đã khéo dọa dẫm dân chúng và hương chức tại đảo nên đã cô lập được nghĩa quân, ngoài ra còn buộc họ trợ giúp cho quân của hắn.
Sau hai trận đánh ác liệt về phần cả đôi bên, ông Nguyễn rút vào núi cùng các đồng chí rồi bị bao vây quá ngặt nghèo, ông đành phải ra hàng để tránh cho anh em một sự tiêu diệt toàn thể.
Ông Nguyễn và tên Tấn vốn quen biết nhau vì trước kia cùng chiến đấu dưới cờ của Nguyên soái Trương Công Định. Nghĩ tình cũ, Đội Tấn yêu cầu quan Pháp hậu đãi ông Trực. Pháp bắt ông xuống tàu Groéland. Paulin Vial [Giám đốc Nội vụ Pháp ở Nam Kỳ] viết: “Trong khi Đại tá Piquet, thanh tra bổn quốc sự vụ chất vấn ông Trực, ông này tỏ ra rất có khí phách anh hùng và cương nghị.”
Ông bình tĩnh nói với Piquet rằng: “Số tôi hết rồi, tôi đã không cứu được quê hương tôi thì nay tôi chỉ xin một điều là được chết sớm chừng nào hay chừng nấy!” Lãnh binh Tấn (tức Đội Tấn lên chức) hết sức can thiệp với quan Pháp để tha cho ông Nguyễn Trung Trực mà lúc này hắn vẫn coi là đàn anh hắn. Nhưng đô đốc Ohier không chịu, nói rằng không thể tha được “một người không coi luật quốc tế ra gì, đã hạ một cái đồn của chúng ta và giết 30 người Pháp!” (Dịch nguyên Pháp văn của Paulin Vial).
Rồi Ohier ra lệnh chở ông Trực về Rạch Giá. Ông đền nợ nước vào ngày 27 tháng 10 năm 1868. Năm ấy ông mới 30 tuổi.
Và Paulin Vial khen ngợi: “Ông Nguyễn Trung Trực là một người chỉ huy trẻ tuổi, rất bạo dạn, chống nhau với ta ngót 10 năm trời…”
Một nhân sĩ miền Nam cho rằng ông Nguyễn bị hạ không do trường hợp trên đây. Theo ông, bấy giờ Pháp treo giải thưởng để bắt ông với điều kiện sau đây: Ai giúp mưu kế bắt được ông Nguyễn hay ai bắt được ông hoặc sống hoặc chết đều sẽ được lãnh 500 quan. Bấy giờ có hai kẻ chỉ cho Pháp bắt mẹ ông. Pháp liền đến Hà Tiên bắt được bà cụ và dọa giết nếu không ra hàng. Người Pháp thi hành đúng theo kế hoạch này, quả nhiên ông ra.
Thấy người trung hiếu, khảng khái quá, Pháp không nỡ giết và dụ quy thuận, hứa nếu ông nhận lời sẽ cho làm chức Phó Soái. Ông nói: “Tụi bay hãy kiếm cho tao cái chức gì giết Tây được thì tao làm, chớ chức Phó Soái tao không màng!”
Khuyến dụ hết sức không được, người Pháp buộc lòng phải hạ lệnh trảm quyết ông.■
Phạm Văn Sơn