Những tên thành Hà Nội từ xưa đến nay

Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu bài khảo cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tố đăng trên Tạp chí Tri tân số 117 ngày 21/10/1943, trong đó tác giả phân tích và tìm hiểu về những tên gọi của thành Hà Nội qua các thời kỳ, chủ yếu dựa vào các bộ sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, và một số tài liệu chữ nho khác.

Ông Sở Bảo Doãn Kế Thiện mới ra một quyển sách đề là Hà Nội cũ (do nhà Đời mới xuất bản, được 125 trang 11×19), trong chép những chuyện “Ông Ầm” cửa Đông, Đình Yến Lão, Bãi quần ngựa của chú Cẩu, Cây dừa bêu đầu, Xóm học trò, Vũng voi giày, Hồ xác trẻ, Quan huyện Thọ khéo xử kiện, Vị thần gọt gáy bôi vôi, Pháp trường bãi gáo, Giai Ngõ trạm, gái Tạm thương, Mồ chú Phẩn, Cô hàng hương trước cửa chùa quan Thượng, Cô thày tướng trước Văn Miếu, Trường thi hương Hà Nội, Khóa Liến với ông Tiền Quân Thành, Tháp Tuyết ni, Bà Tiết chặt ngón tay, Cây cổ thụ với ông Hoàng Diệu, Điểm Vè – toàn theo lối tục truyền về một vài nơi ở trong thành Hà Nội ngày xưa.

Tục truyền cũng là một thứ sử liệu, cần phải tìm kiếm gom góp, cũng như bia đá sách vở hoặc những dấu vết cũ. Về sách vở, hiện có mấy quyển chữ nho chưa ai dịch ra quốc ngữ, nay nhân có sách ông Sở Bảo, tôi lược ra đây để độc giả biết đầu tiên gọi tên Hà Nội là gì và mỗi đời thay đổi ra sao.

Còn danh lam thắng cảnh, thành quách phố phường, thì đã có sách chữ tây và sách quốc ngữ. Sách chữ tây có quyển André Masson, Hanoi pendant la période héroique (1873-1888), Claude Madrolle, Hanoi et ses environs, Claude Bourrin, Le vieux Tonkin… Sách quốc ngữ có Bài hát ba mươi sáu phố Hà Nội in trong Quảng tập viêm văn (E. Nordemann, Chrestomathie Annamite, bản in năm 1898, trang 116-118).

Ba mươi sáu phố ấy đặt ra từ bao giờ? Quyển Hà Nội địa dư (viết bằng chữ nho, bản sao của Trường Bác cổ số A1154, tờ 3b và 13a) chép đời Lê Thánh Tông (năm Quang Thuận thứ bảy, 1466) đặt ra huyện Quảng Đức và huyện Vĩnh Xương, mỗi huyện 18 phường, 2 huyện thành 36 phường.

Hiện nay Hà thành có 306 phố chưa kể những đường mới mở và những làng thuộc khu Đại Lí (xem quyển Indicateur général de la ville de Hanoi, xuất bản năm 1941).

Người Pháp có lập ra một hội gọi là “Les Amis du Vieux Hanoi” (Những bạn thành Hà Nội cũ) để tìm tòi sự tích Hà thành. Các nhà khảo cổ của ta cũng nên góp sức nhau lại, mà sưu tầm và nghiên cứu ở các sách chữ nho và các dấu vết còn lại. Riêng phần tôi, xin theo sách cũ xem tên “Hà Nội” có từ bao giờ. Các sách chữ nho Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chính biên, quyển 21, tờ 33a; Thiên Nam dư địa khảo bản sao của Bác Cổ, số A1375, quyển 8, tờ 10b đều chép hai chữ “Hà Nội”, nghĩa đen là “giữa sông” có từ năm Minh Mạng thứ 12 (1831).

Thoạt tiên về đời Vua thứ ba họ Hồng Bàng (khoảng năm 2611-2477 (?) trước Thiên Chúa), nước ta chia ra làm 15 bộ; trong 15 bộ ấy, có bộ Giao Chỉ: tỉnh thành Hà Nội sau này là một phần của bộ Giao Chỉ đời ấy (Đại Việt sử ký tiền biên, quyển 1, tờ 5a; Đại Việt sử ký toàn thư, tiền biên, quyển 1, tờ 3a; Khâm định Việt sử, tiền biên, quyển 1, tờ 3a-4b chính biên, quyển 21, tờ 25b và 32b).

Đại Nam quốc sử diễn ca (bản chữ nôm, tờ 2a) có câu: “Định (Nam Định), Yên (Hưng Yên), Hà Nội đổi thay, Ấy châu Giao Chỉ xưa nay còn truyền”: có lẽ ba chữ “châu Giao Chỉ” không đúng vì lúc ấy mới có “bộ” Giao Chỉ, đến đời Hán có “quận” Giao Chỉ, cuối đời Hán mới có “Châu giao”, chứ không phải “châu Giao Chỉ”.

Bản đồ kinh thành Thăng Long theo “Hồng Đức Địa Dư”, ban hành vào đời Vua Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 21 (tức năm 1490), phiên bản có chú thích để bạn đọc tiện tham khảo.

Đời Tần (214 trước T.C) Hà Nội là một phần đất thuộc về Tượng quận (Khâm định Việt sử, quyển 21, tờ 24b và 32b).

Đời Hán (niên hiệu Nguyên Đỉnh tức năm 111 trước T.C) Hà Nội là huyện Long Biên, thuộc quận Giao Chỉ (Hà Nội địa dư, tờ 3a). Hán Vũ Đế sau khi đã diệt con cháu Triệu Đà, chia đất Nam Việt làm 9 quận mỗi quận đặt một chức thái thú, đều thuộc vào một bộ gọi là bộ Giao Chỉ, bộ đặt chức thứ sử; trong 9 quận ấy có một quận tên là Giao Chỉ.

Đời Tiền Hán (111 trước T.C đến năm 24) quận Giao Chỉ lĩnh 10 huyện, có huyện Long Biên (Khâm định Việt sử, tiền biên, quyển 1, tờ 3b 5a). Đời Hậu Hán (25-263 sau T.C) quận Giao Chỉ lĩnh 12 huyện (xưa gọi là thành), cũng có huyện hoặc thành Long Biên (Hậu Hán thư, quyển 33, tờ 7b). Sở dĩ gọi là Long Biên là vì tương truyền có con giao long cuốn ở giữa sông (Thái bình hoàn vũ ký, quyển 170, tờ 7a; Nguyên hòa quận huyện chí, quyển 38, tờ 5b).

Khâm định Việt sử (tiền biên, quyển 2, tờ 7b) dẫn ở Thủy kinh chú rằng: “Nguyên trước là Long Biên, đến đời Kiên An (196-220) đổi là Long Uyên”. Mở Thủy kinh chú (bản in của Bác cổ số 2067, quyển 37, tờ 7b) ra xem thì thấy nguyên trước là Long Uyên, sau đổi là Long Biên: như thế thì Khâm định chép nhầm.

Long Biên là chỗ dinh thứ sử và thái thú đời Hán (Thái bình hoàn vũ ký, quyển 170, tờ 7a; Khâm định Việt sử, tiền biên, quyển 2, tờ 6b 7b, Hà Nội địa dư, tờ 3a).

Đến đời Tam quốc, về năm 226 sau T.C, nhà Ngô chia nước Nam làm hai châu, là châu Giao và châu Quảng; sau lại bỏ châu Quảng sáp nhập với châu Giao. Năm 264, lại chia làm hai châu như cũ đặt dinh thứ sử châu Giao ở Long Biên (Khâm định Việt sử, tiền biên, quyển 3, tờ 3a và 10a): như thế thì có lẽ Hà Nội vẫn là đất Long Biên.

Đến đời Tấn (265-418) cũng vậy, vì sử chép năm 323 Lương Thạc vây thứ sử châu Giao ở Long Biên và hạ được thành (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 4, tờ 7b-8a).

Về đời Lương (541-602), nước ta có Lý Bôn (tức Lý Nam Đế) và Triệu Quang Phục tự chủ một hồi, Hà Nội vẫn tên là Long Biên, vì sử chép năm 541 Vua Tiền Lý đuổi thứ sử là Tiêu Tư và giữ lấy thành Long Biên; năm 550 Triệu Quang Phục đánh đuổi tướng nhà Lương là Dương Sàn, rồi vào ở trong thành Long Biên (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 4, tờ 15a và 19a; Khâm định Việt sử, tiền biên, quyển 4, tờ 1a và 8b).

Những người Pháp chuyên khảo sử Nam (như ông Henri Maspero, Le protectorat général d’Annam sous les T’ang, đăng trong Bulletin de l’Ecole francaise d’Extréme Oriental, quyển X, năm 1910, trang 569-575; ông Cl. Madrolle, Le Tonkin ancien, đăng trong B.E.F.E.O, quyển XXXVII, năm 1937, trang 296-302) đều nói Long Biên nay là đất Bắc Ninh. Nguyên bộ Đại Việt sử ký toàn thư (quyển 3, tờ 8a) chép “Sĩ Vương đóng đô ở Liên Lâu”, dưới chữ Liên Lâu có chua chữ “tức Long Biên”, mà xét ra Liên Lâu ngày nay là làng Lũng Khê, ở tỉnh Bắc Ninh; cho nên cũng nhận Long Biên là đất Bắc Ninh. Nhưng không phải thế, vì quận Giao Chỉ về đời Tiền Hán có mười huyện, trong có huyện Liên Lâu, huyện Long Biên; về đời Hậu Hán, 12 huyện, cũng có huyện Liên Lâu, huyện Long Biên: như thế là hai huyện ở hai khu đất khác nhau, chứ không phải Liên Lâu là Long Biên như quyển Toàn thư đã chép. Vả lại ông Lê Quí Đôn (Lê Quế Đường) có câu: “Huyện đời Hán rất rộng, có lẽ gồm cả đất Kinh Bắc (tức Bắc Ninh)” (Hà Nội địa dư, tờ 3a). Lại xem bộ Thái bình hoàn vũ (quyển 170, tờ 7a b) chép: huyện Long Biên có đài Vạn Xuân, tức là điện Vạn Xuân của Lý Nam Đế (Lý Bôn), hiện nay thuộc Thanh Trì (Khâm định Việt sử, tiền biên, quyển 4, tờ 3a); huyện Giao Chỉ tức huyện Liên Lâu đời Hán, có thành An Dương ở huyện Từ Liêm, Bắc Ninh (Khâm định Việt sử, tiền biên, quyển 1, tờ 9a): như thế có phải rõ ràng hai huyện khác nhau, không thể làm một được không?

Đến đời Tùy (589-617), đời Đường (618-905) đất Hà Nội vẫn là huyện Long Biên đời Hán; tuy có xê xích đi năm mười dặm nhưng vẫn đúng tên đất.

Năm 679, nhà Đường đặt “An Nam đô hộ phủ” ở châu Giao (Khâm định Việt sử, tiền biên, quyển 4, tờ 18a). Châu Giao lúc ấy nhỏ hơn trước, vì lúc bấy giờ cả nước gọi là đô hộ phủ, chia ra làm 12 châu, trong số 12 châu ấy có châu Giao, dinh đô hộ phủ đóng ở đây. Châu Giao bây giờ có 8 huyện: Tống Bình, Giao Chỉ, Long Biên… Có lẽ đất Hà Nội vẫn là huyện Long Biên.

Năm 767, kinh lược sứ là Trương Bá Nghi đắp La thành (Khâm định Việt sử, quyển 4, tờ 24a) ở Long Biên (Khâm định, quyển 5, tờ 11b): dấu vết hãy còn ở thành Hà Nội bây giờ.

Năm 791, Triệu Xương lại đắp thêm La thành (Khâm định, quyển 4, tờ 27a). Năm 808-809, Trương Chu sửa lại đắp thêm, gọi là thành Đại La (Khâm định, quyển 4, tờ 28b). Đến năm 824, Lý Nguyên Gia dời dinh đô hộ ra ngoài cửa Đông Quan trên bờ sông Tô Lịch (Khâm định, quyển 4, tờ 31a): thành Đại La ở Long Biên, thành của Lý Nguyên Gia ở sông Tô Lịch như thế vẫn là ở trong địa hạt Hà Nội bây giờ.

Giếng nước, thời Đại La – thế kỷ IX và được tái sử dụng vào thời Lý – thế kỷ XI (khai quật tại Hoàng thành Thăng Long). Nguồn: Hoangthanhthanglong.vn

Đến năm 825, nhà Đường dời phủ đô hộ đến Tống Bình (Khâm định, quyển 4, tờ 32a). Huyện Tống Bình đời Đường ở phía nam phủ đô hộ, tức là chỗ đặt huyện Long Biên đời Hán (theo Phương dư kỷ yếu của Cố Tổ Vũ đời Minh, Khâm định dẫn vào). Xem quyển Thanh nhất thống chí chép: “Huyện Tống Bình thuộc châu Giao có thành Liên Lâu cũ ở phía tây huyện, cách 75 dặm”. Liên Lâu thuộc Bắc Ninh, còn Tống Bình là Hà Nội: từ Hà Nội đến Lũng Khê, cách hơn 30 dặm (Khâm định, quyển 4, tờ 33 a-b).

Năm 866, Cao Biền đắp lại thành Đại La, chu vi non bảy cây số (Khâm định, quyển 5, tờ 10b).

Hồi bấy giờ những cõi đất thuộc về Hà Nội là những cõi đất nào? Xét mấy tên đất của 12 sứ quân (966-967) thì có ba chỗ thuộc về Hà Nội, là: Đỗ Động, Phù Liệt và Đằng Châu. Đỗ Động nay ở làng Bảo Đà, huyện Thanh Oai; Tây Phù Liệt nay là xã Tây Phù Liệt, huyện Thanh Trì, đều là đất Hà Nội. Đằng Châu nay là xã Đằng Châu, tuy bây giờ thuộc Hưng Yên, tức Khoái Châu về đời Trần và đời Lê, nhưng bấy giờ cũng thuộc Hà Nội (Khâm định, quyển 5, tờ 29a-30b).

Đến đời Ngô (939-965), đời Đinh (968-980) Hà Nội không phải là kinh đô nữa; đời Đinh chia nước làm mười đạo: Hà Nội thuộc vào đạo Giao Châu. Sang đời Tiền Lê (980-1009) đổi làm lộ, thì Hà Nội là lộ Giao Châu (Khâm định, quyển 21, tờ 26a và 32b).

Đến năm Thuận Thiên thứ nhất (1010), Vua Lý Thái Tổ dời kinh đô ở Hoa Lư (Ninh Bình) đến thành Đại La, đổi tên là “Thăng Long” (nghĩa đen là rồng lên), có tên nữa là “Nam kinh” (Khâm định, quyển 21, tờ 32b). Trong nước chia làm 24 lộ: tỉnh Hà Nội lúc ấy có lẽ là một lộ, nhưng sử không chép.

Đời Trần (1225-1413) cũng đóng đô ở Thăng Long: năm Thiệu Bảo (1279-1284) gọi là Trung kinh (Khâm định, quyển 21, tờ 32b); năm Quang Thái thứ 10 (1397) gọi là Trung đô (Khâm định, quyển 11, tờ 21a). Cũng năm ấy (1397) có tên gọi là Đông đô (Khâm định, quyển 11, tờ 29a).

Đấy là kinh đô; còn “tỉnh” Hà Nội thì thế nào? Năm 1242 chia trong nước làm 12 lộ, sử không chép Hà Nội về lộ nào.

Đến hồi nội thuộc nước Tàu năm 1407-1427, nhà Minh đổi tên nước là Giao Chỉ, đặt ra 17 phủ: trong đó có phủ Giao Châu, tức là tỉnh Hà Nội, mà kinh đô Hà Nội tức là dinh trấn thủ nhà Minh, thì gọi là thành Đông Quan (Khâm định, quyển 12, tờ 20a).

Khi Vua Lê Lợi lên ngôi (năm 1428) thành Hà Nội vẫn tên là Thăng Long, lại có tên nữa là Đông kinh (trước kia nhà Hồ gọi là Đông đô; sau người Tây theo chữ Đông kinh viết là Tonkin để gọi tên cả xứ Bắc Kỳ). Mùa hạ tháng tư năm 1428, Vua Lê Lợi dời Thảo điện ở Bồ Đề tới ở thành Đông kinh (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 10, tờ 57b). Tháng ba năm ấy, chia nước làm năm đạo (Toàn thư, quyển 10, tờ 57b), thì Hà Nội thuộc về đạo Nam.

Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đặt “thành” Hà Nội làm phủ Trung Đô, lĩnh huyện Quảng Đức và huyện Vĩnh Xương, huyện có chức huyện úy, mỗi huyện 18 phường (Khâm định, quyển 21, tờ 32b). Còn “tỉnh” Hà Nội đặt là Thiên Trường thừa tuyên[1] (Khâm định, quyển 21, tờ 26b).

Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đổi phủ Trung Đô làm phủ Phụng Thiên; phủ có quan phủ doãn, lĩnh hai huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương. Kinh đô Hà Nội bấy giờ là phủ Phụng Thiên, mãi đến năm Gia Long thứ tư (1805) mới đổi làm phủ Hoài Đức (Khâm định, quyển 21, tờ 32b-33a), còn “tỉnh” Hà Nội thì năm ấy (1469) gọi là Sơn Nam thừa tuyên (Khâm định, quyển 21, tờ 26b và 32b). Đến năm Hồng Đức thứ 21 (1490) gọi là Sơn Nam xứ; trong đời Hồng Thuận (1509-1515) gọi là Sơn Nam trấn (Khâm định, quyển 21, tờ 26b).

Năm Cảnh Hưng thứ hai (1741, chia Sơn Nam làm Sơn Nam thượng lộ (nay Hà Nội) và Sơn Nam hạ lộ (nay Nam Định). Đến đời Tây Sơn (1783-1801) gọi kinh đô Hà Nội là Bắc Thành và đổi làm Sơn Nam thượng trấn và Sơn Nam hạ trấn (Khâm định, quyển 21, tờ 26b).

Năm Gia Long thứ nhất (1802) đặt chức Bắc Thành tổng trấn ở kinh đô Hà Nội, coi tất cả công việc mười một trấn ở Bắc thành (Sơn Nam thượng và hạ, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Yên (xem Thiên Nam dư địa khảo, quyển 8, tờ 10b). Phủ Phụng Thiên lúc bấy giờ cũng thuộc về tổng trấn (Khâm định, quyển 21, tờ 33a).

Năm Gia Long thứ tư (1805) đổi chữ “Thăng Long”, long là rồng (rồng bay lên) làm chữ “Thăng Long”, long là thịnh (đời thái bình thịnh trị), đổi phủ Phụng Thiên làm phủ Hoài Đức, huyện Quảng Đức làm huyện Vĩnh Thuận (Khâm định, quyển 21, tờ 33a; Hà Nội địa dư, tờ 3b). Năm Minh Mạng thứ ba (1822) đổi Sơn Nam thượng trấn làm trấn Sơn Nam, Sơn Nam hạ trấn làm trấn Nam Định (Khâm định, quyển 21, tờ 27a). Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) bãi Bắc thành gọi thành ấy là Hà Nội tỉnh lỵ, đặt các tỉnh (Thiên Nam dư địa khảo, quyển 8, tờ 11a), lấy ba phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín (nguyên của trấn Sơn Nam và phủ Hoài Đức) đặt làm tỉnh Hà Nội. Phủ Hoài Đức (tức phủ Phụng Thiên, nguyên là hai huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương) thì năm ấy thêm huyện Từ Liêm ở phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (Khâm định, quyển 21, tờ 27a).

Các tên thành Hà Nội đặt ra lần lượt như thế. Ông Lê Quí Đôn có câu rằng: “Sơn thủy hữu tình, không đâu bằng thượng kinh; phong vật tốt đẹp, không đâu hơn thượng kinh… Lấy núi làm vạt áo, sông làm giải lưng, dựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra bể, đã mạnh lại hiểm, đã bền lại lâu: thực là cái nền muôn đời của các bậc đế vương… Từ niên hiệu Thuận Thiên (nhà Lý, tức năm 1010), vượng khí chưa từng tiêu hết” (dịch trong Quế đường di tập, bản sao của Trường Bác cổ, số A 1320, tờ 1a và 2a).■

Ứng Hòe NGUYỄN VĂN TỐ

 

Chú thích:

[1] (Đạo) Thừa tuyên: một đơn vị hành chính thời Lê

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN