Rút quân khỏi Hà Nội

Ngày 10/10/1954, các đoàn quân Việt Minh chính thức tiếp quản Thủ đô Hà Nội, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử quan trọng chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp tại Việt Nam. Trước thời khắc lịch sử ấy, Hà Nội đã trải qua những ngày tháng căng thẳng và đầy biến động. Sự kiện này không chỉ là một cuộc chuyển giao quyền lực mà còn là nỗ lực đàm phán tích cực của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hành trình ấy để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng người chứng kiến và ông Robert Bordaz[1] đã khắc họa rõ trong đoạn hồi ký L’évacuation de Hanoï (Rút quân khỏi Hà Nội) đăng trên tạp chí Revue des deux mondes tháng 11/1972. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu bản dịch bài viết đến bạn đọc. Các ảnh trong bài nằm trong Phóng sự ảnh Évacuation de Hanoï của René Adrian.

Từ ngày 10/10/1954, khi các đội quân Việt Minh tiến vào Hà Nội, tôi thường nghĩ về những ngày trước khi sự kiện này xảy ra. Những ngày đó đánh dấu việc chấm dứt sự hiện diện của Pháp cũng như một nhịp sống quen thuộc. Chỉ vài tháng trước khi đình chiến, tôi đã khánh thành tòa nhà của Viện Phát hành Quốc gia Việt, Miên, Lào[2], và giờ đây, đã phải nghĩ đến việc rút quân. Những khoảnh khắc này in sâu trong tâm trí tôi suốt một thời gian dài, và tôi muốn nhắc lại trước khi ký ức của mình phai mờ hoàn toàn. Đối với những ai muốn hiểu về lịch sử những năm 1954-1955, trước tiên nên tham khảo Hồi ký của tướng Ely. Tướng Ely đã thực thi quyền lực tối cao ở Đông Dương với ảnh hưởng lớn lao. Chúng tôi chỉ trình bày một phần nhỏ trong câu chuyện lịch sử này.

Người dân chờ đoàn quân Việt Minh tiến về Hà Nội dưới chân cầu Long Biên.

Khoảng giữa tháng 9, tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội. Mặc dù việc di chuyển đã trở thành thói quen với chúng tôi, nhưng đó vẫn là một thay đổi lớn. Trong khi miền Nam còn nóng bức và ẩm ướt, khí hậu ở miền Bắc đã dễ chịu hơn. Ở Sài Gòn, mặc dù xuất hiện một số mối đe dọa rải rác, chiến tranh dường như vẫn xa vời. Ngược lại, quân đội Việt Minh đã đến cửa ngõ Hà Nội và mọi người đều lo lắng về việc rời đi. Ngay từ lần đầu tiếp xúc, vẻ đẹp của thành phố một lần nữa cuốn hút tôi: “hồ Nhỏ[3]”, trên thực tế là một hồ to, với những ngôi nhà rộng lớn bao quanh, và cả không khí sống động của các con phố nơi tất cả ngành nghề tập trung nhộn nhịp. Vào buổi tối, thành phố đầy ánh sáng. Khi các cuộc rút quân diễn ra, chúng tôi thấy thành phố đang phai nhạt dần.

Tôi ở tại Dinh Toàn quyền Đông Dương, nơi vừa bị đánh phá trong vài ngày qua và là một trong bốn tòa nhà thuộc khuôn viên của vườn lớn[4]. Những vấn đề nghiêm trọng đã phát sinh. Theo các điều khoản của Hiệp định Genève, ký ngày 20 và 21 tháng 7 năm 1954, việc rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam của “phía Liên hiệp Pháp” phải được thực hiện trong thời gian không quá 300 ngày. Hà Nội là khu vực đầu tiên trong kế hoạch, phải trao trả vào những ngày đầu tháng 10. Thời gian ấn định là ngày 10 tháng 10. Trong khoảng 2 tháng ngắn ngủi, mà thời gian đã trôi qua một phần, cần đảm bảo:

– Việc tập kết quân đội hai bên và phía Pháp rút quân.

– Trao đổi tù binh chiến tranh.

– Việc rút lui của các cơ quan chính quyền dân sự quốc gia Việt Nam.

– Việc đưa những người di cư từ miền Bắc vào miền Nam, cũng như sơ tán những người Pháp muốn rời khỏi miền Bắc.

Cũng cần bảo vệ tài sản của những người Pháp muốn ở lại Hà Nội và bảo tồn các công trình văn hóa của Pháp, đặc biệt là:

– Trường Đại học Đông Dương, với khoa Y xuất sắc.

– Trường Trung học Pháp

– Viện Viễn Đông Bác Cổ, với những thành công trong công tác nghiên cứu.

Phải thực hiện tất cả các việc này bất chấp sự do dự của bất kỳ bên nào. Chính phủ Quốc gia Việt Nam không chấp nhận các điều khoản của Hiệp định Genève, không đồng ý với việc chia cắt dù chỉ là tạm thời của Việt Nam, do đó từ chối hợp tác để thực hiện các thỏa thuận. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa chỉ công nhận Chính phủ Pháp là bên đàm phán hợp lệ.

Giới chức Pháp hiện diện đông đảo tại Hà Nội do tính phức tạp của các vấn đề. Tướng Cogny, người nhạy bén và có năng lực kỹ thuật tốt, chỉ huy các lực lượng của Liên hiệp Pháp tại miền Bắc Việt Nam. Tướng de Brébisson đại diện cho chỉ huy tối cao của các lực lượng Liên hiệp Pháp tại Ủy ban hỗn hợp Trung ương, tức là Ủy ban Đình chiến phụ trách thực hiện thỏa thuận ngừng bắn. Tướng Beaufort giữ chức tại Ủy ban Quốc tế, gồm các đại diện được coi là không tham gia trực tiếp: Ấn Độ, Ba Lan và Canada, và có nhiệm vụ giám sát việc thực thi các điều khoản của Hiệp định Genève. Về phía dân sự, ông Compain nắm giữ quyền lực trong khu vực, nhân danh Cao ủy Pháp, và không thể thiếu là Thống đốc đại diện cho chính phủ Sài Gòn tại miền Bắc Việt Nam.

Các thành viên Pháp, Ba Lan, Ấn Độ, Canada của Ủy ban Quốc tế trên cầu Long Biên.

Các cơ quan khác nhau đã giải quyết được nhiều vấn đề, tiến hành trao đổi tù binh và triển khai mọi phương tiện hậu cần để sơ tán người Pháp và hàng trăm nghìn người Việt Nam[5]. Nhưng, mặc dù có những mối quan hệ gắn kết giữa con người với nhau, trách nhiệm đặc thù của họ cùng với việc họ thuộc quyền các cơ quan khác nhau đã trở thành trở ngại cho việc đưa ra các quyết định cần thiết; và tất nhiên, điều khó khăn nhất vẫn chưa được giải quyết. Giờ đây, cần phải định rõ các biện pháp thực tiễn để thay thế quyền lực của Việt Minh vào chỗ quyền lực của người Pháp và chính quyền Nam Việt Nam trên lãnh thổ Hà Nội, và nếu có thể, thiết lập một mối quan hệ hợp tác trong tương lai giữa người Pháp và người Việt Nam ở miền Bắc.

Đó là lý do tại sao tướng Ely, người nắm giữ quyền lực cả về dân sự lẫn quân sự, đã giao cho tôi, với tư cách là phó ủy viên, nhiệm vụ nguy hiểm là điều phối hoạt động của các cơ quan khác nhau. Một đội ngũ trẻ đã cùng tôi đến Hà Nội[6].

Điều đầu tiên, và là mối quan tâm chính của tướng Cogny, đó là phải đảm bảo việc rút lui trong danh dự. Ở góc nhìn khách quan, thảm họa Điện Biên Phủ bị hiểu sai là thất bại của toàn bộ quân Pháp. Tuy nhiên, từ sau Điện Biên Phủ cho đến khi đình chiến, quân Pháp vẫn tiếp tục chiến đấu ở cả miền Bắc và miền Nam và vẫn có vài trận đánh thành công. Ở miền Bắc, điều khoản rút quân theo Hiệp định mang lại lợi ích cho ta, quân Việt Minh thường bị bất ngờ khi ta tấn công. Sau khi sơ tán các giáo xứ, kết quả những trận giao tranh cuối cùng đã nghiêng về phe ta. Không có gì trong lịch sử quân sự của Đông Dương có thể biện minh cho một cuộc rút lui vội vã mà không đảm bảo được sự an toàn hợp lý cho những người Việt Nam đã đứng về phía chúng ta, và tất nhiên, cũng như cho những cư dân người Pháp.

Các công việc này cần phải thực hiện sao cho tránh được sự tái diễn các cuộc xung đột và các sự cố có thể gây ra xung đột. Do đó, nhất định không được nhầm lẫn giữa việc thu về các trang thiết bị của chúng ta một cách có trật tự và chính sách “tiêu thổ”. Không nhất thiết phải tháo dỡ mọi thứ có thể di chuyển và cũng không cần phải phá hủy các công trình cố định một cách mù quáng. Theo các điều khoản của Hiệp định Genève, việc vận hành các dịch vụ công cộng phải được đảm bảo mặc dù có sự chuyển giao trách nhiệm của các cơ quan. Theo thư từ trao đổi giữa ông Mendès-France và ông Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trật tự chuyển giao tốt là cần thiết để đảm bảo cho những lợi ích của Pháp và cho việc khởi đầu một chương trình văn hóa ở miền Bắc Việt Nam.

Như Tướng Ely đã nhấn mạnh tại Sài Gòn, chúng tôi rất quan tâm đến việc cung cấp hỗ trợ kinh tế cho chính phủ miền Nam Việt Nam. Tiến hành các hoạt động văn hóa tại miền Bắc Việt Nam và đáp ứng nguyện vọng của những người Việt gắn bó với văn hóa Pháp ở đây cũng là điều khả thi và nên làm.

Ngay khi tôi đến nơi, các biện pháp đã được thực hiện để cố gắng làm dịu bầu không khí căng thẳng. Đặc biệt, chúng tôi đã chấp nhận cung cấp một số loại thuốc mà quân đội Việt Minh đang thiếu. Các cuộc đàm phán diễn ra tại Phù Lỗ. Là một nhà chức trách tại miền Nam Việt Nam, tôi không trực tiếp tham gia vào đó. Các đại diện của Pháp, đặc biệt là Tướng Deltheil, thay mặt cho Tướng de Brébisson, J.-J. de Bresson và Gabriel Van Laethem, đã dẫn dắt các cuộc đàm phán này bằng tài năng của mình.

Từ trái qua phải: Đại tá Galibert, Tướng Deltheil và Trung tá Chevallier-Chantepie trao đổi trong quá trình rút quân ngày 10/10/1954.

Việc tổ chức cơ sở cho các hội nghị, tương tự như ở Bàn Môn Điếm, không hề dễ dàng. Ba lán được bố trí tại đường ngừng bắn. Mỗi phái đoàn tiến vào từ các lán bên ngoài. Họ vào phòng họp nằm trong lán ở giữa qua các cửa riêng của mình. Một chiếc bàn lớn đặt ở giữa chia đôi phòng họp: ở hai bên đối diện của bàn, các phái đoàn ngồi đối mặt với nhau sau khi chào hỏi mà không bắt tay. Mọi liên lạc ngoài phiên họp đều bị loại trừ. Trong các trường hợp khó khăn, không thể yêu cầu sự phân xử của các nhà chức trách cấp cao hơn những nhà đàm phán.

Khó khăn lớn nhất, như đã dự đoán trước, là việc giải quyết các điều kiện chuyển giao quyền lực. Hiệp định Genève buộc chúng tôi phải để lại cho Việt Nam các tài sản công cộng; phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã viện dẫn các điều khoản này để yêu cầu chuyển giao toàn bộ bộ máy nhà nước và các dịch vụ công cộng cho họ như một quốc gia kế thừa. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi đã gặp nhiều trở ngại. Quân đội Pháp không muốn để lại bất kỳ tài sản nào của mình. Hơn nữa, không thể tưởng tượng được rằng chúng tôi sẽ bỏ lại cho Việt Minh các thiết bị mà người Mỹ đã cung cấp cho chúng tôi. Các cuộc đàm phán tại Phù Lỗ kéo dài và căng thẳng. Các nhà đàm phán đã phải thể hiện sự kiên nhẫn lớn và cần đến sự sáng tạo pháp lý của J.-J. de Bresson để tìm ra giải pháp cho các vấn đề này. Phái đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thường tỏ ra thù địch với mọi giải pháp thỏa hiệp. Nhờ việc tuyên truyền trong quân đội mình, các đại diện phía họ tin tưởng vào ưu thế quân sự mình đang có. Việc thực tế họ bao vây chúng tôi từ mọi phía càng củng cố cho quyết tâm của họ. Trong hoàn cảnh như vậy, thật khó để họ có thể chấp nhận rằng quân đội của chúng tôi sẽ rời đi vào thời điểm do chúng tôi lựa chọn.

Tuy nhiên, vào ngày 30 tháng 9, một Hiệp định đã được ký kết quy định tiến trình chuyển giao trách nhiệm quân sự theo từng giai đoạn bắt đầu từ đầu tháng 10. Một Hiệp định khác, ký ngày 2 tháng 10 sau đó, quy định việc chuyển giao trách nhiệm hành chính sẽ diễn ra ngay trước khi quân đội Pháp rút lui và sau khi các đơn vị Việt Minh bắt đầu tiếp quản. Các cuộc đàm phán về chuyển giao hành chính đã gặp khó khăn lâu dài về vấn đề phạm vi cam kết của chúng tôi đối với tài sản công cộng. Cuối cùng, văn bản được thông qua quy định rằng Bộ Tư lệnh tối cao của lực lượng quân đội Pháp sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo việc hoàn trả các tài sản công cộng thiết yếu; về nguyên tắc, Hà Nội sẽ được trả lại những gì đã bị chuyển đi một cách bất hợp pháp kể từ khi Hiệp định Genève có hiệu lực. Điều khoản này cho phép chúng tôi hạn chế trách nhiệm của mình trong các điều kiện tương đối thỏa đáng. Ngoài ra, Hiệp định còn quy định rằng những tài sản thiết yếu không thể hoàn trả sẽ được bồi thường bằng tiền trong khuôn khổ viện trợ kinh tế tương lai của Pháp. Đồng thời, việc hoàn trả thiết bị điện báo đã chứng tỏ thiện chí của chúng tôi. Tuy nhiên, sau đó, rất khó để đạt được sự hoàn trả thêm từ chính phủ Sài Gòn.

Những đơn vị cuối cùng của quân đội Pháp rời khỏi Hà Nội.
Đoàn quân Việt Minh băng qua cầu Long Biên tiến về Hà Nội.

Về mặt văn hóa, các kết quả đạt được không hề nhỏ. Các thỏa thuận đã được ký kết để duy trì Viện Pasteur. Ngoài ra, phía Việt Minh chấp nhận giữ nguyên trạng của Viện Viễn Đông Bác Cổ cho đến khi có thỏa thuận cuối cùng. Tương tự, trường Albert-Sarraut cũng được duy trì. Ngày khai giảng diễn ra vào ngày 6 tháng 10, với khoảng bốn trăm học sinh. Các giáo viên được đảm bảo để tiếp tục sinh sống ở miền Bắc Việt Nam và dự kiến các tình nguyện viên sẽ thay thế cho những người muốn rời đi.

Về mặt kinh tế, không có đảm bảo nào được đưa ra về việc hồi hương lợi nhuận và quyền của những người ở lại Hà Nội. Mặt khác, Pháp, trong khi khuyến khích những doanh nghiệp ở lại, cũng tuyên bố rằng họ không thể chịu trách nhiệm về những rủi ro mà họ có thể gặp phải. Các doanh nghiệp tự do lựa chọn số phận của mình. Sau nhiều cuộc thảo luận, vấn đề này, vốn gây ra nhiều đắng cay và suy tư, cuối cùng vẫn giải quyết theo hướng tiêu cực. Các công ty đã để nguyên tài sản của họ tại chỗ, mà không có ai đảm bảo việc vận hành của chúng. Tôi sẽ luôn nhớ đến cảm xúc của những doanh nhân Pháp này, khi họ từ bỏ những cơ sở khổng lồ mà đối với nhiều người trong số họ, đó đã từng là ý nghĩa cuộc đời mình.

Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với các dịch vụ công nghiệp công cộng. Các đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu các công ty nhượng quyền vẫn phải tuân theo hợp đồng cũ của họ sau ngày 10 tháng 10 và tiếp tục duy trì hoạt động. Tuy nhiên, các công ty này cũng từ chối để lại nhân sự của họ và chỉ đồng ý để một số kỹ thuật viên ở lại hỗ trợ trong một thời gian rất ngắn. Do đó, cần phải yêu cầu Việt Minh cử đại diện tiếp xúc với các dịch vụ công cộng trước ngày 10 tháng 10 và có thể tiếp nhận trách nhiệm của mình sau đó. Chính trong một bệnh viện của Pháp mà ông J. de Bresson đã tiếp nhận các đơn vị tiếp quản đầu tiên.

Kết quả đạt được rất hạn chế. Và chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều – một cách đơn phương – để đạt được mục tiêu này! Tuy nhiên, các cuộc đàm phán cuối cùng đã phục vụ cho lợi ích của cả Pháp và Việt Nam. Kinh nghiệm ở Hà Nội đã hữu ích cho Hải Phòng, nơi tướng Cogny chịu trách nhiệm rút quân, với sự hỗ trợ của Tướng de Brébisson và J. de Bresson. Và rồi, nếu sau đó, vài chục người Pháp còn lại ở Hà Nội để đảm bảo ảnh hưởng văn hóa, từng người một phải trở về Pháp, nếu hầu hết những người được cử đến để thay thế họ cũng làm như vậy, thì những hình thức hợp tác mới có thể được xác định dưới ánh sáng của kinh nghiệm này. Ông Sainteny xuất hiện đã giúp duy trì một số liên lạc về mặt văn hóa và kinh tế. Sau một thất bại ngắn hạn, việc các bác sĩ Pháp thường xuyên có mặt tại các bệnh viện ở miền Bắc Việt Nam, những thành tựu và triển vọng kinh tế hiện tại chứng minh rằng Pháp đã đúng khi chọn chính sách gây ảnh hưởng, ngay cả khi ngày nay nó được thực hiện dưới hình thức khác so với dự định ban đầu.

Lá cờ của quân đội Việt Minh treo cao trên cầu Long Biên.

Một nỗi buồn lớn đã bao trùm cuộc ra đi của chúng tôi. Một sự kiện vẫn còn rất rõ ràng trong ký ức: lời từ biệt với các nghĩa trang Pháp. Có nhiều nghĩa trang, nằm rải rác quanh thành phố, thường là ở những địa điểm hùng vĩ. Tướng Cogny và tôi đã đến và đặt vòng hoa tại đây. Đầu tháng 10, trong đại sảnh của dinh thự nơi Tướng de Lattre de Tassigny từng sống, tôi đã tập hợp tất cả người Pháp có mặt và nói với họ về vẻ đẹp của thành phố mà người Pháp đã xây dựng, và rằng chúng tôi để lại nó nguyên vẹn. Chúng tôi cảm thấy rất thân thiết với nhau vào thời điểm đó. Vài ngày sau, Tướng Salan, đến để duyệt qua quân đội Liên hiệp Pháp trước khi họ rời đi, đã quay sang tôi và nói thầm: “Những người lính này không xứng đáng phải chịu điều này”. Sau đó, vào ngày 9 tháng 10, tôi cùng những người bạn của mình lên máy bay về Sài Gòn, và ngày 10 tháng 10, sau khi Tướng Cogny rời đi, Đại tá d’Argentrée là người cuối cùng băng qua cầu Paul Doumer[7].■

Robert Bordaz

Lê Hằng Nga (dịch)

Chú thích:

[1] Robert Bordaz (1908-1996), viên chức cấp cao người Pháp, là người chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc di tản cho người Pháp sau chiến dịch Điện Biên Phủ. (ND)

[2] Cơ quan tài chính vào thập niên 1950 của Liên bang Đông Dương, tiếp nhận trách nhiệm phát hành đồng bạc Đông Dương thay cho Ngân hàng Đông Dương từ ngày 31/12/1951. (ND)

[3] Hồ Hoàn Kiếm (ND)

[4] Vườn Bách Thảo Hà Nội (ND)

[5] Sau khi Việt Minh tiến vào, số lượng người di cư tiếp tục tăng lên và đạt tới một triệu người.

[6] Một cố vấn ngoại giao, ông Gabriel Van Laethem, một cố vấn pháp lý, ông J.-J. de Bresson bạn tôi (người sau này sẽ kế nhiệm tôi trở thành tổng giám đốc của ORTF – Cơ quan Phát thanh Truyền hình Pháp), và một cố vấn hành chính, ông Cazimajou. Chúng tôi gặp các ông Flichy, Sadoun và Billecocq đang đợi sẵn ở Hà Nội, chờ ông Sainteny đến, người đã nhận nhiệm vụ vào ngày 10 tháng 10 là Tổng đại diện Chính phủ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

[7] Cầu Long Biên (ND)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN