Thế giới tuần qua: Gia tăng nhiều thách thức an ninh phi truyền thống

Thế giới vừa trải qua một tuần nhiều biến động với hàng loạt những vấn đề về an ninh phi truyền thống. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung; mong manh Thỏa thuận hạt nhân Iran hay an ninh mạng tại Đông Nam Á… một loạt thách thức tuy không mới nhưng đang trở thành lực cản cho sự phát triển, ổn định tại nhiều quốc gia và khu vực.

1. Đông Nam Á – “điểm nóng” về nguy cơ an ninh mạng.

Với khoảng 330 triệu người thường xuyên truy cập mạng và tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới, Đông Nam Á đang được coi là “điểm nóng” về nguy cơ an ninh mạng. Việt Nam, Malaysia và Indonesia là 3 quốc gia có mức độ an ninh mạng thuộc hàng thấp nhất.

Ảnh minh họa

Thiệt hại về kinh tế do tội phạm mạng gây ra là rất lớn. Năm 2016, những công ty hàng đầu trong khu vực ASEAN có thể đã thiệt hại khoảng 750 tỉ USD về vốn hóa thị trường do bị ảnh hưởng của các cuộc tấn công mạng. Các nước đã phải chi 1,9 tỉ USD cho vấn đề an toàn mạng. Năm 2017, thế giới cũng “mất” 600 tỷ USD do tội phạm mạng.

Ngoài những thiệt hại về kinh tế, những hệ lụy từ nguy cơ an ninh mạng như mất an toàn bảo mật thông tin cá nhân, an ninh quốc gia bị xâm phạm, bất ổn xã hội… là không thể đo đếm được.

Theo Giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Saint Peterburg của Nga, việc thiết lập trật tự, điều tiết chủ quyền không gian mạng bằng các đạo luật là nhu cầu thực tế và chính đáng đối với mọi quốc gia. Đây sẽ là công cụ pháp lý hiệu quả để ngăn chặn kịp thời những nguy cơ, thách thức tiềm ẩn từ không gian mạng, đồng thời tạo hành lang pháp lý minh bạch hơn góp phần phát huy những điểm tích cực của Internet, hạn chế tối đa những mặt tiêu cực của nó đối với xã hội.

Hiện trên thế giới có 138 quốc gia (trong đó có 95 nước đang phát triển) đã ban hành Luật An ninh mạng.

2. Mỹ-Trung chính thức “khai hỏa” cuộc chiến thương mại.

Ngày 6-7, Trung Quốc và Mỹ đã khai hỏa “cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế” khi Washington chính thức áp mức thuế mới 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc. Ngay sau đó, Trung Quốc cũng tuyên bố các biện pháp trả đũa nhằm vào Mỹ lập tức có hiệu lực.

Ảnh minh họa

Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ trích động thái của Mỹ là một hình thức “chèn ép thương mại”, tạo ra mối đe dọa đối với an ninh kinh tế thế giới và mọi thước đo giá trị. Nước này thông báo đã đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ngoài mức thuế vừa áp đặt, trong vòng 2 tuần tới, Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng của Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD. Thậm chí, Tổng thống Trump còn cảnh báo rằng Washington sẵn sàng áp thêm mức thuế 10% đối với hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200-300 tỷ USD, nâng tổng số hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế lên tới hơn 550 tỷ USD.

Các chuyên gia nhận định, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới với các đòn “ăn miếng, trả miếng” có thể kéo dài và tác động mạnh tới tình hình kinh tế hai nước cũng như thương mại toàn cầu.

3. Gmail của hàng triệu người dùng có thể đã bị đọc trộm.

Hàng trăm triệu thư điện tử của người dùng Gmail trên toàn thế giới có thể đã bị bên thứ 3, là các nhà phát triển phần mềm, quét và đọc được mỗi ngày. Đây là thông tin vừa được tờ Nhật báo phố Wall tiết lộ ngày 2-7. Ước tính, mỗi công ty phát triển phần mềm có thể quét và phân tích hàng trăm triệu email mỗi ngày.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

Đối tượng được các công ty phát triển phần mềm nhắm đến là những người dùng địa chỉ Gmail để đăng ký các dịch vụ trực tuyến như so sánh giá hoặc lên kế hoạch du lịch.

Phản ứng trước thông tin này, Google khẳng định chỉ cung cấp dữ liệu cho các nhà phát triển bên thứ ba đã được chứng nhận và có sự đồng ý rõ ràng của người dùng.

Trước mắt chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng thông tin sai mục đích thông qua việc quét thư của người dùng. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền riêng tư, người dùng Gmail được khuyến cáo cần đọc kỹ các yêu cầu của bên cung cấp dịch vụ hoặc ứng dụng trực tuyến và cần cảnh giác khi bị truy cập vào tài khoản thư điện tử.

Hiện Gmail là dịch vụ email phổ biến nhất thế giới với 1,4 tỷ người dùng.

5. Thiên tai gây thiệt hại nặng nề tại nhiều nước.

Tuần qua, thời tiết cực đoan, tai nạn và thiên tai đã gây ra những thiệt hại nặng nề tại nhiều nước.

Tại Guatemala: Một tháng sau vụ núi lửa Fuego phun trào, ngày 4-7, giới chức nước này thông báo số nạn nhân mất tích lên đến 332 người, cao hơn nhiều so với ước tính trước đó. Đợt thiên tai đã ảnh hưởng tới cuộc sống của 1,7 triệu người, hơn 12.000 người phải đi sơ tán và 3.300 người bị mất nhà.

Tại Indonesia: Lực lượng cứu hộ đã vớt được 29 thi thể và hiện còn 41 người mất tích trong vụ chìm phà chở 140 hành khách tại vùng biển miền Trung nước này. Tổng cộng 98 người đã được cứu. Trước đó một vụ chìm tàu trên hồ Toba ở tỉnh Sumatra cũng khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và 192 người mất tích.

Tại Thái Lan, trong khi nước này đang tập trung nỗ lực cao nhất để giải cứu đội bóng thiếu nhi bị mắc kẹt trong hang, thì ngày 5-7, một chiếc tàu du lịch chở ít nhất 105 người, gồm 93 khách du lịch và 12 hướng dẫn viên chưa kể thủy thủ đoàn đã bị lật ngoài khơi đảo Phuket. Đã có ít nhất 40 người thiệt mạng và vẫn còn 53 người mất tích. Cũng trong tối 5-7, tại khu vực Koh Maithon phía Nam Phuket, một du thuyền khác có tên là Senerita chở 39 người cũng bị lật. Rất may toàn bộ hành khách đều được cứu sống.

Tại Trung Quốc: Mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở núi ở một thị trấn ở Tây Tạng, khiến 4 người thiệt mạng và 1 người bị thương. Mưa xối xả còn làm đảo lộn cuộc sống của 115.900 người dân, đồng thời phá hủy khoảng 4.440 hécta hoa màu, thiệt hại ước tính khoảng 159 triệu Nhân dân tệ.

Mưa lớn cũng khiến hơn 1.000 người hành hương Ấn Độ bị mắc kẹt tại các khu vực giáp biên giới Nepal-Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản phải ra lệnh sơ tán hàng trăm nghìn người ở nhiều khu vực sau những trận mưa như trút nước.

Bản đồ biểu thị thời tiết tuần qua. Ảnh: Washington Post.

Còn tại Canada, miền Trung và miền Đông nước này đang trải qua một đợt nắng nóng kinh hoàng, ít nhất 33 người đã thiệt mạng. Nhiệt độ thực tế lên đến gần 40 độ C.

Tại Anh, nhiệt độ cũng lập kỷ lục với gần 50 độ C, cao nhất trong vòng 42 năm qua. Nắng nóng khiến đường ray xe lửa biến dạng, nhựa đường tan chảy, mái nhà cong vênh… Ngoài ra, tại Scotland, Ireland và Bắc Ireland các mức nhiệt cũng thường xuyên trên 30 độ C trong suốt những ngày qua.

Còn tại thị trấn Quriyat ở Oman, vùng Trung Đông cũng ghi nhận nhiệt độ ban đêm nóng nhất trong lịch sử với 42,6 độ C, trong khi mức nhiệt vào ban ngày là 49,8 độ C.

5. Thái Lan tích cực triển khai công tác giải cứu đội bóng bị mắc kẹt.

Cuộc giải cứu 13 thành viên đội bóng thiếu niên bị mắc kẹt trong hang bị ngập nước ở tỉnh Chiang Rai, Thái Lan đang gặp nhiều khó khăn do mưa lớn cũng như tình trạng sức khoẻ của các thành viên. Dự báo, những ngày tới mưa lớn sẽ tiếp tục đổ xuống khu vực này, nguy cơ ngập toàn bộ hang là rất cao.

Binh sỹ và các nhân viên cứu hộ vẫn nỗ lực tìm kiếm không mệt mỏi trong hang Tham Luang. Ảnh: Reuters.

Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều nhóm thợ lặn đã tiếp cận và đưa các thành viên đội bóng đến khu vực an toàn hơn trong hang. Ngoài việc tiếp tế thực phẩm và thuốc men, các đội thợ lặn đã hướng dẫn cho các em làm quen với các thiết bị và dậy kỹ năng bơi lặn. Phương án này khá mạo hiểm bởi quãng đường dài tới 4km, các thợ lăn chuyên nghiệp phải mất 6 giờ đồng hồ mới có thể vượt qua được. Một cựu đặc nhiệm hải quân đã bị ngạt thở và tử nạn khi lặn vào hang. Tuy nhiên, đây là phương án tối ưu nhất để đưa các em ra khỏi hang, bởi phương án bơm nước ra khỏi hang hoặc khoan tìm lối ra khác gặp nhiều khó khăn hơn do địa hình và mưa lớn.

Hiện các máy bơm nước đang hoạt động hết công suất, dự kiến khi nước trong hang rút xuống các thành viên sẽ được đeo một loại mặt nạ đặc biệt, đeo bình oxy và lặn ra ngoài. Thợ lặn đi kèm sẽ hướng dẫn các em đi theo dây thừng đã ròng sẵn trong hang. Cứ 25-50m sẽ có một bình dưỡng khí đặt sẵn để có thể tiếp ứng cho các thợ lặn khi cần.

6. Iran thể hiện lập trường cứng rắn trước đe dọa trừng phạt của Mỹ.

Bên cạnh chuyến công du châu Âu của Tổng thống Hassan Rouhani nhằm tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối vơi Iran, Teheran liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn, sẵn sàng phương án “trả miếng” khi lợi ích bị tổn hại.

Eo biển Hozmuz có vị trí chiến lược, kết nối các nhà sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông với thị trường tiêu thụ chủ chốt ở châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ,… hoạt động vận chuyển dầu mỏ tại eo biển chiến lược này chiếm 1/3 trên thế giới. . Ảnh: HuffingtonPost.

Như một thông điệp gửi tới Mỹ rằng Iran không ngại gì những lệnh trừng phạt kinh tế, Tehran tuyên bố sẽ giảm hoạt động hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), phong tỏa Eo biển Hormuz để ngăn cản các nước khác trong khu vực bán dầu…. Thậm chí, Iran còn cảnh báo sẵn sàng nối lại hoạt động làm giàu urani tới 20%, cao hơn mức giới hạn mà JCPOA đặt ra nếu thỏa thuận trên sụp đổ. Hoạt động của một cơ sở sản xuất urani lớn đã được Iran tái khởi động.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ khôi phục các biện pháp trừng phạt Iran từ ngày 6-8 đối với ngành ô tô và kim loại, tiếp đó là lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ, giao dịch ngân hàng từ ngày 4-11.

Mặc dù những nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân tuyên bố ủng hộ Iran xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, nhưng chính sách không khoan nhượng của Mỹ và quan điểm cứng rắn của Teheran khiến tương lai của thỏa thuận này trở nên rất mong manh.

VĂN DUYÊN/QĐND Online

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN