Trật tự đa cực dưới thời Trump 2.0

Có thể khẳng định rằng chỉ trong một thời gian ngắn nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cho tình hình thế giới biến đổi mau lẹ chưa từng thấy. Trump đã thay đổi hoàn toàn đường lối chính trị của nước Mỹ và đã tạo ra một hệ tư tưởng đối lập hoàn toàn với hệ tư tưởng của nước Mỹ trước đây. Trump dường như đã chấp nhận thế giới là đa cực và chuẩn bị tăng cường sức mạnh Hoa Kỳ theo hướng này.

Điều này thể hiện khá rõ trong các phát biểu của giới lãnh đạo cấp cao Hoa Kỳ, điển hình là phát ngôn của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rubio khi ông thừa nhận cuộc chiến ở Ukraine là chiến tranh uỷ nhiệm và giờ đây Hoa Kỳ có trách nhiệm chấm dứt nó. Phó Tổng thống Mỹ Vance cũng thừa nhận Nga không phải là mối đe doạ với châu Âu mà chính sự thiếu dân chủ của châu Âu mới là đe doạ. Trong một thời gian cực ngắn, Mỹ dường như đã tái xác định lại kẻ thù và đồng minh chiến lược, quyết tâm thay đổi nước Mỹ và thế giới theo hướng mới.

Sự thay đổi ấy đã diễn ra mau chóng và sôi động. Nhiều nhà bình luận đã ngạc nhiên nhận định lần đầu tiên có một Tổng thống Mỹ lại tạo ra một hiệu ứng chính sách đối lập với thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo từ trước tới nay, đối lập hoàn toàn với di sản nước Mỹ để lại, đối lập với quan điểm chính trị truyền thống của Hoa Kỳ, và từng bước công nhận trật tự thế giới đa cực. Mỹ không thể chi phối thế giới được nữa và con đường phải bắt tay với Nga là tất yếu.

Tổng thống Trump dường như đã chấp nhận thế giới là đa cực và chuẩn bị tăng cường sức mạnh Hoa Kỳ theo hướng này. Hình minh họa

Vậy tại sao Trump phải thay đổi? Dường như Trump đã nhận thức được về lịch sử nước Mỹ sau Chiến tranh lạnh. Mỹ đã không thực hiện được vai trò bá chủ của mình bằng trật tự thế giới do chính Mỹ thiết lập. Trump nhận thấy các thiết chế và quy chế để lãnh đạo thế giới, các tổ chức quốc tế và nước đồng minh do Mỹ dẫn đầu, các cơ quan viện trợ do Mỹ bỏ tiền và khoản ngân quỹ khổng lồ để duy trì các căn cứ quân sự trên thế giới đều không giúp Mỹ có được vị thế như mong muốn. Mỹ đã từng làm sụp đổ Liên Xô và phá hoại hệ thống Xã hội Chủ nghĩa, tưởng như đã đạt được thắng lợi chắc chắn sau Chiến tranh lạnh. Khi Trung Quốc và Nga suy yếu, Mỹ tìm cách thâu tóm mạnh mẽ hơn về kinh tế và chính trị, quy phục các nước chư hầu, tiếp tục mở rộng về Đông Âu, tiến hành nhiều cuộc cách mạng màu để chi phối nhiều quốc gia ở Trung Đông, châu Phi, châu Âu. Nhiều thắng lợi đạt được khiến Mỹ chủ quan, nghĩ rằng có thể áp đặt giá trị Mỹ lên toàn thế giới thông qua sức mạnh quân sự, kinh tế và bằng hệ thống thiết chế vốn có.

Thực tế đã không diễn ra như vậy, các nước lớn khác đã từng bước trỗi dậy, đặc biệt Nga và Trung Quốc, trở thành đối trọng lớn đối với Mỹ. Trong khi các nước lớn khác âm thầm phát triển, Mỹ vẫn tốn kém nguồn lực, đổ tiền đổ của vào những cuộc can dự quân sự bất thành ở nhiều nơi, từ Kosovo, Iraq, Afghanistan, Syria. Kết cục là Mỹ vẫn không kiểm soát được các khu vực này, chỉ dẫn tới phong trào chống Mỹ trên khắp thế giới, đặc biệt ở Trung Đông và Nam Á, tạo thành các nhóm khủng bố cực đoan. Vụ tấn công nước Mỹ ngày 11 tháng 9 là một điển hình. Donald Trump đã nhiều lần công khai phê phán những can dự vô bổ này của các chính quyền tiền nhiệm.

Đối với đồng minh, Mỹ vẫn chi các khoản tiền khổng lồ cho hệ thống quân sự bảo vệ châu Âu, thực chất là nắm châu Âu để làm suy yếu Nga. NATO là cánh tay nối dài cho những hoạt động này. Tuy vậy, Trump cũng nhận ra Mỹ không được lợi gì ở châu Âu trong khi đó lại thua thiệt về tài chính. Trong nhiệm kỳ đầu, Trump đã nhiều lần thúc giục châu Âu tự chi trả chi phí quốc phòng thay vì phụ thuộc vào Mỹ. Trump cũng là người nhận thức rõ sai lầm của chính quyền tiền nhiệm, sử dụng đội quân uỷ nhiệm Ukraine để đánh Nga ở châu Âu.

Những chính sách sai lầm như trên về cơ bản dẫn kinh tế Mỹ tới sa sút, nợ công của nước Mỹ đã lên mức kỷ lục, lạm phát liên tục gia tăng. Sức mạnh của nước Mỹ bị coi thường ở nhiều nơi. Trong khi đó, Trung Quốc lại lặng lẽ vươn lên và đã trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ, dự báo sẽ có quy mô kinh tế vượt Hoa Kỳ trong tương lai gần.

Trump biết rằng nước Mỹ không còn khả năng lãnh đạo thế giới được nữa. Các sáng kiến địa chính trị toàn cầu mới như khối BRICS, hệ thống Vành đai Con đường đang khiến thế giới ngày càng đa cực hơn. Hệ thống đồng minh châu Âu cũa Mỹ lại yếu kém. Trump nhận thức được Nga không phải là đối thủ gây hại cho nước Mỹ và không đe doạ châu Âu. Ngược lại, châu Âu thổi phồng mối đe dọa Nga để lợi dụng Mỹ, đẩy Mỹ vào thế tiếp tục phải bỏ tiền bảo vệ châu Âu. Cách nhìn mới này của chính quyền Trump sẽ thay đổi chính sách của nước Mỹ cũng như bối cảnh địa chính trị toàn cầu.

Thực tế Trump đã thực hiện một số thay đổi trong nhiệm kỳ đầu 1.0. Nhưng chỉ cho tới đầu nhiệm kỳ 2 này, những chính sách theo hướng này mới thể hiện rõ. Với cách làm của một thương gia đặt lợi ích và tài chính lên trên hết, Trump đã thực hiện những chính sách bất ngờ, đẩy Hoa Kỳ theo một hướng đi mới.

Về mặt nội bộ, Trump đã thực hiện cải cách chính trị sâu sắc, thay đổi hoàn toàn bộ sậu cũ bằng các nhà lãnh đạo mới, tập trung vào chống thế lực ngầm chi phối chính trị Hoa Kỳ. Ông đã phanh phui những góc khuất tồi tệ nhất của thế giới ngầm, công khai chống lại chủ nghĩa toàn cầu, chống phong trào ủng hộ đồng giới, nghĩa là đánh trực tiếp vào các giá trị mà nước Mỹ vẫn đang rao giảng.  Tổng thống Trump cũng tập trung giải quyết nhiều vấn đề mà ông cho rằng chính quyền Biden đã tạo ra hỗn loạn như vấn đề nhập cư, vấn đề tội phạm. Trump đang nỗ lực để nhân dân Mỹ hiểu đúng và đã thực sự làm cho dân Mỹ tỉnh ngộ về chính trị Hoa Kỳ bấy lâu nay.

Về kinh tế, Trump vẫn sử dụng chính sách thuế quan để kéo nhà đầu tư Mỹ và nhà đầu tư nước ngoài trở lại. Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế cao đối với Canada, châu Âu, Trung Quốc. Trump muốn khôi phục lại các ngành sản xuất truyền thống như ô tô, khai thác dầu khí. Những chính sách này cũng đi ngược lại với chủ trương của Mỹ gần đây là cổ xuý cho ô tô điện, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Những quan điểm “ngược” này của Trump đã tạo ra vô số phản đối và hỗn loạn trên thị trường chứng khoán. Ngay khi Trump phát biểu tại Quốc hội, cũng không có một thành viên Đảng Dân chủ nào vỗ tay. Điều này thể hiện sự bất đồng và chia rẽ sâu sắc trong chính giới Hoa Kỳ.

Đối với thế giới, Trump không từ bỏ ý định làm chủ thế giới nhưng theo phương thức mới. Về mặt địa chính trị, Trump chủ trương giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama từ Trung Quốc, đi xa hơn nữa là thuê đảo Greenland của Đan Mạch, thậm chí sáp nhập Canada vào Hoa Kỳ. Ở Trung Đông, chính quyền Trump muốn “làm sạch” dải Gaza để đứng chân lâu dài tại đây, nhanh chóng giải quyết vấn đề Iran để cùng với đồng minh Israel tiếp tục chi phối khu vực này. Đối với châu Âu, chính quyền Trump muốn ổn định quan hệ với Nga và kết thúc cuộc chiến tranh uỷ nhiệm ở Ukraine do chính quyền Biden tạo ra. Về lâu dài, chính sách của Trump sẽ dẫn tới thực tế châu Âu phải tự đóng vai trò bảo vệ chính mình và sự lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ phải chấm dứt. Nhiều ý kiến đang thúc đẩy chính quyền Trump rút khỏi NATO, thậm chí Liên hợp quốc. Mỹ không muốn dính líu tới châu Âu nhằm đối đầu với Nga nữa mà chỉ muốn khai thác tài nguyên của khu vực này để làm giàu cho Mỹ.

Những thay đổi đột ngột này của chính quyền Trump đang khiến thế giới xáo trộn hơn bao giờ hết. Dễ thấy nhất là tình hình châu Âu đang rối loạn. Châu Âu đã tiến hành liên tục nhiều cuộc họp thượng đỉnh với tuyên bố phải tái cấu trúc và tái vũ trang châu Âu, khẳng định tiếp tục cung cấp tài chính và vũ khí cho Ukraine. Ngược với quan điểm của Mỹ, châu Âu vẫn muốn sử dụng Tổng thống Ukraine Zelensky để chống Nga. Cho dù lực của châu Âu là yếu và đây chỉ là luận điệu do Anh, Pháp đề xuất, việc thực hiện vẫn cần sự hợp tác với Mỹ, nhưng một kịch bản châu Âu sẽ tiếp tục đi theo hướng cổ vũ tiếp tục chiến tranh là khả hữu. Châu Âu đặc biệt là Anh không muốn nguồn tài nguyên của Ukraine rơi vào tay Mỹ và đã ký thoả thuận hợp tác 100 năm với Ukraine trong đó có vấn đề tài nguyên do Anh khai thác. Dù thế nào thì châu Âu sẽ không còn như trước nữa. Chính quyền Trump nhiều khả năng sẽ rút quân bớt khỏi châu Âu và liên minh này phải tự chủ để có thể tồn tại trong trật tự mới.

Một cuộc họp thượng đỉnh không chính thức của các nhà lãnh đạo châu Âu về vấn đề Ukraine và an ninh châu Âu, Paris, tháng 2/2025. Ảnh: Euronews

Với Nga, quốc gia này vẫn đứng vững và không có dấu hiệu bị suy yếu sau bao lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga đang có vị thế mạnh bởi những lợi thế có được trên chiến trường cũng như lập trường mới của Trump tạo thuận lợi hơn cho Nga. Việc cắt viện trợ tạm thời cho Ukraine, dừng cung cấp thông tin tình báo và lập trường muốn cùng Nga kết thúc cuộc chiến uỷ nhiệm này là tín hiệu tốt, Nga có thể tranh thủ cơ hội này cải thiện sớm quan hệ với Mỹ, tái khởi động các hoạt động của phái bộ ngoại giao, cùng Mỹ khai thác tài nguyên. Mọi cuộc đàm phán trong tương lai về vấn đề Ukraine đều phải có sự tham gia của Nga và khả năng Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ, phi vũ trang theo yêu cầu của Nga là khả dĩ.

Đối với Trung Quốc, chính quyền Trump chưa thể hiện rõ lập trường sẽ gây căng thẳng với Trung Quốc như giai đoạn 1.0. Các nhà phân tích cho rằng tình hình đã thay đổi so với 8 năm trước và nước Mỹ của Trump khó có thể công khai áp đặt và đối đầu trực diện với Trung Quốc về cả quân sự, kinh tế lẫn thương mại. Trung Quốc ngược lại muốn thương lượng với Mỹ để giảm đối đầu, cùng nhau chia sẻ quyền lợi toàn cầu. Trump cũng muốn làm suy yếu mối quan hệ Nga – Trung, để có ưu thế hơn trong mặc cả với Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng có những tính toán riêng trong việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine cũng như cạnh tranh địa chính trị hiện nay. Mối quan hệ này vì thế sẽ có khả năng đi theo xu hướng mặc cả, thương lượng về kinh tế thay vì gây căng thẳng quân sự.

Chính sách mới của chính quyền Trump hé mở trật tự thế giới với ba siêu cường ngày càng độc lập. Thế giới có thể còn đa cực hơn nữa với phương Tây như một khối gắn kết đang trên bờ vực sụp đổ và EU không còn là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ, ngược lại sẽ trở thành một cực. Những chuyển động mới này trước mắt đang giảm nguy cơ chiến tranh lớn, nhường chỗ cho tranh giành ảnh hưởng địa chính trị bằng kinh tế thay vì vũ trang. Dù vậy, trong một thế giới mà bạn và thù trở nên không rõ ràng hơn, cộng với sự thất thường trong chính sách của Hoa Kỳ, mọi biến động mới đều có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và một trật tự đa cực hoàn toàn bình đẳng vẫn chưa thể định hình rõ ràng trong tương lai gần. Xu hướng thế giới vì thế vẫn rất mất cân bằng và bấp bênh, tuỳ thuộc vào sự mặc cả và tính toán của các nước lớn hiện nay.■

Xuân Sơn

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN