Ngày 2-8, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước về Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga sau khi tố cáo Moscow vi phạm Hiệp ước, điều mà Nga đã nhiều lần phủ nhận. Ngay sau khi Hiệp ước chính thức bị hủy, cả Washington và Moscow đều tuyên bố được tự do phát triển và triển khai các tên lửa tầm trung đến nơi mà họ muốn.
INF chính thức bị phá vỡ
Sau quyết định rút khỏi INF của Mỹ, Moscow đã đề xuất thảo luận về một số khu vực mà Mỹ – Nga đồng thuận không triển khai tên lửa tầm trung. “Chúng tôi đã đề xuất với Hoa Kỳ và các nước NATO khác rằng họ cân nhắc khả năng tuyên bố một lệnh cấm tạm thời tương tự để áp dụng đối với việc triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung như của chúng tôi, giống như tuyên bố của ông Vladimir Putin”, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov phát biểu. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 2-8 đã bác bỏ đề nghị của Nga về lệnh cấm tạm thời này.
Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga không muốn có một cuộc chạy đua vũ trang và ông đã hứa rằng ông sẽ không triển khai tên lửa của Nga trừ khi Hoa Kỳ làm như vậy trước. Ngày 5-8, ông Putin họp với Hội đồng An ninh Nga, sau cuộc họp, ông ra lệnh cho Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Tình báo đối ngoại SVR giám sát chặt chẽ xem bất kỳ bước đi nào của Mỹ nhằm phát triển, sản xuất hoặc triển khai những tên lửa thuộc diện bị cấm theo hiệp ước đã bị hủy bỏ.
Ngày 6-8, Fu Cong, Giám đốc Cục Kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước INF sẽ có tác động tiêu cực trực tiếp đến sự ổn định chiến lược toàn cầu, cũng như an ninh ở châu Âu và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông Fu nói Trung Quốc đặc biệt quan ngại về các kế hoạch đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thông báo để phát triển và thử nghiệm tên lửa tầm trung trên đất liền ở châu Á – Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2-8 nói rằng nếu có thương thảo về một thỏa ước mới, ông muốn có sự tham dự của Trung Quốc lẫn Nga. Mỹ hiện đang đối đầu với mối đe dọa tên lửa từ Trung Quốc. Cho đến nay, do không bị ràng buộc bởi các thỏa thuận quốc tế, Bắc Kinh đã phát triển được một hệ thống tên lửa tầm trung hùng hậu tại Hoa lục, phần lớn gồm những loại bị cấm theo thỏa ước INF trước đây, được đánh giá là tân tiến nhất thế giới, trái ngược hoàn toàn với tình trạng yếu kém của binh chủng tên lửa Trung Quốc vào thời điểm Mỹ – Liên Xô ký thỏa thuận INF năm 1987.
Hàng trăm tên lửa Trung Quốc được bố trí tại miền đông nam nước này, có thể dễ dàng tấn công Đài Loan, hòn đảo được Hoa Kỳ hậu thuẫn, cũng như đặt Nhật Bản và Ấn Độ trong tầm ngắm. Tên lửa Trung Quốc cũng có thể tấn công các đảo của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia Thomas Mahnken, Trung tâm nghiên cứu chiến lược đại học Johns Hopkins, đây là thời điểm cho phép đảo ngược lại cán cân lực lượng. Trước Thượng viện Mỹ, tướng Mark Milley, Tổng tham mưu trưởng tương lai của quân đội Mỹ, cũng ủng hộ quan điểm cần triển khai tên lửa tầm trung tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Theo nhật báo Mỹ New York Times, ngay trong những tháng tới, Hoa Kỳ sẽ trắc nghiệm phiên bản tên lửa tầm trung Tomahawk trên bộ, loạt tên lửa hành trình trên bộ đầu tiên sẽ được triển khai trong vòng 18 tháng tới. Hiện tại, Washington đang tìm kiếm địa điểm đặt tên lửa tầm trung mới. Hàn Quốc được nhắc đến như là một địa điểm hàng đầu có thể tiếp nhận tên lửa Mỹ.
Theo New York Times, quyết định rút khỏi INF sẽ cho phép Mỹ đối phó với việc Trung Quốc trang bị vũ khí tại Thái Bình Dương. Đặc biệt là tại vùng biển Đông đang có tranh chấp, Trung Quốc đã cho cải tạo, bồi đắp nhiều bãi đá ngầm thành những đảo tiền tiêu quân sự.
Liu Weidong, chuyên nghiên cứu về nước Mỹ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng quyết định này của ông Trump sẽ giúp cho quân đội Mỹ tự do phát triển cũng như là triển khai các loại vũ khí thông thường và hạt nhân trong khu vực. Chỉ có điều, như lưu ý của chuyên gia Collin Koh, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang tại Singapore, khi việc Mỹ rút ra khỏi hiệp ước INF, Nga và Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này như là một chất xúc tác để đẩy nhanh hơn nữa các chương trình phát triển vũ khí của mình.
Và như vậy, “lần đầu tiên kể từ năm 1972, nhân loại có nguy cơ rơi vào một thế giới ở đó sẽ không tồn tại một giới hạn nào đối với các nước trong việc phát triển vũ khí hạt nhân”, Malcolm Chalmers, Giám đốc Học viện Royal United Services Institute, chuyên nghiên cứu về quốc phòng, cảnh báo.
Với sự chấm dứt của Hiệp ước INF, giờ chỉ còn lại một thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân song phương duy nhất giữa Mỹ và Nga. Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược START, ký kết năm 1991, sẽ hết hạn năm 2021. Trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Interfax, ông Mikhail Gorbatchev, người ký hai thỏa thuận tên lửa này với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, tỏ ra bi quan. Theo ông, sự chấm dứt Hiệp ước INF là một đe dọa đối với an ninh không chỉ của châu Âu, mà cả với phần còn lại của thế giới”.
Tên lửa bắn từ tàu chiến của Mỹ.
Trước nguy cơ thế giới bước vào một cuộc chạy đua hạt nhân mới, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhắc nhở Mỹ và Nga đừng quên các bài học của quá khứ. Ông nhấn mạnh: “INF là một thỏa thuận căn bản giúp cho châu Âu được ổn định, chấm dứt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, thế giới mất đi một công cụ quý báu để chống lại chiến tranh hạt nhân. Hai bên cần tránh leo thang và đi đến một thỏa thuận mới về kiểm soát vũ khí”.
Triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á – Washington muốn gì?
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton hôm 6-8 vừa qua đã khẳng định với truyền thông Mỹ rằng việc giới chức Washington gần đây tuyên bố sẵn sàng triển khai các tên lửa tầm trung tại châu Á có liên quan tới việc bảo vệ các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên giới quan sát đánh giá, mục đích sâu xa hơn của Washington là tăng cường sức ép với Bắc Kinh trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này đang ngày càng trở nên gay gắt, với các biểu hiện ngày càng vượt xa chính sách gây sức ép kinh tế, thương mại đơn thuần.
Trong phiên trả lời chất vấn của các thành viên Uỷ ban Quân lực Thượng viện Mỹ hôm 11-7, Tướng Mark Milley, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, cũng tuyên bố Mỹ có thể triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á.
Trả lời phỏng vấn với kênh Fox News, Cố vấn John Bolton nêu rõ nguyên nhân Mỹ thực hiện kế hoạch trên là do Trung Quốc vừa mới đưa vào triển khai hàng nghìn tên lửa kiểu này nhưng lại không tham gia vào Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Đây cũng là một phần lý do khiến Tổng thống Donald Trump rút khỏi hiệp ước trên. Ông Bolton khẳng định bất kỳ hành động triển khai tên lửa nào của Mỹ cũng đều mang “tính chất phòng vệ”.
Bắc Kinh ngay lập tức phản ứng tuyên bố để ngỏ đáp trả kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Bắc Kinh. Ngày 6-8, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Phó Thông (Fu Cong) tuyên bố nước này sẽ có các biện pháp đáp trả nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung tại châu Á.
Vụ trưởng Phó Thông nêu rõ: “Nếu Mỹ triển khai các tên lửa tại phần này của thế giới (châu Á), tại cửa ngõ của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ buộc phải có các biện pháp đáp trả.” Ông cũng hối thúc các nước trong khu vực thận trọng và đề cập cụ thể đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.
Quan chức Bắc Kinh cũng nhắc lại rằng Trung Quốc không có ý định tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán ba bên nào với Mỹ và Nga để đưa ra những điều khoản mới về các loại vũ khí kiểu này. Ông này cũng lập luận rằng phần lớn tên lửa của Trung Quốc đều không có tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ.
Hiện đang có thông tin đồn đoán rằng Hàn Quốc sẽ là khu vực triển vọng để Mỹ triển khai các tên lửa tầm ngắn. Các đồn đoán đó dường như cũng có cơ sở. Hôm 2-8, quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu công việc xây dựng cải tạo một cơ sở cư trú cho binh sỹ hai nước bên trong căn cứ Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang cách thủ đô Seoul khoảng 300km về phía Đông Nam.
Hệ thống này được lắp đặt từ năm ngoái mà Mỹ và Hàn Quốc đều tuyên bố như một phần trong nỗ lực chống lại các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Công việc xây dựng mới dự kiến sẽ kéo dài khoảng 4-5 tháng. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, các máy bay trực thăng sẽ vận chuyển vật liệu xây dựng, trang thiết bị và các container đến căn cứ Seongju nhằm tránh đối đầu với người dân và các nhà hoạt động phản đối việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc.
Công việc xây dựng cải tạo tại căn cứ Seongju gây chú ý đặc biệt sau một loạt vụ bắn tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên trong tuần qua. Giới quan sát nhận định các vụ thử tên lửa của Triều Tiên chỉ là một cái cớ khá hợp lý cho việc triển khai tên lửa của Mỹ sát nách Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 5-8 cho biết chưa có cuộc thảo luận chính thức nào với Mỹ, cũng như chưa tiến hành việc xem xét nội bộ hay lên kế hoạch về vấn đề này.
Cũng có khả năng Mỹ sẽ triển khai các tên lửa tầm trung tại Darwin, phía bắc Australia. Tại Sydney, phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị tham vấn Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng thường niên Mỹ – Australia được tổ chức vào ngày 4-8, các bộ trưởng của Mỹ và Australia cho biết không loại trừ khả năng trên.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói rằng hiện Mỹ có thể tự do triển khai các tên lửa có tầm bắn từ 500km đến 5.500km tại các căn cứ mặt đất. Mỹ sẽ triển khai các tên lửa tại châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương hoặc tại những khu vực khác nhằm mục đích răn đe và ngăn chặn xung đột sau khi tham vấn ý kiến của các đồng minh và đối tác.
Theo ông Esper, việc bố trí tên lửa tầm trung này chỉ là các biện pháp nhằm chủ động lập lại thế cân bằng bởi đây là các vũ khí quy ước và hệ thống tên lửa của Trung Quốc hiện nay bao gồm đến 80% tên lửa tầm trung. Vì vậy, “việc Mỹ muốn có một lực lượng tương tự (tại khu vực này) sẽ không thể khiến cho phía Trung Quốc ngạc nhiên”. Mặt khác, Mỹ cũng có thể bố trí tên lửa quy ước tầm trung tại căn cứ Guam, Tây Thái Bình Dương, trong khi chờ đợi quyết định của các đồng minh và đối tác châu Á.
Từ nhiều năm qua, các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng Mỹ đang gặp bất lợi khi Trung Quốc phát triển lực lượng tên lửa đất đối không ngày càng tinh vi mà Lầu Năm Góc không thể sánh được do ràng buộc của INF. Cho đến nay, Mỹ vẫn dựa vào các năng lực khác như một đối trọng với Trung Quốc, ví dụ như tên lửa bắn từ tàu hoặc máy bay của Mỹ.
Trong khi đó, hàng nghìn tên lửa Trung Quốc được bố trí tại miền Đông Nam nước này, có thể dễ dàng tấn công Đài Loan, hòn đảo được Mỹ hậu thuẫn, cũng như đặt Nhật Bản và Ấn Độ trong tầm ngắm. Tên lửa Trung Quốc cũng có thể tấn công các đảo của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Theo các nhà quan sát, bản thân chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump rất muốn xóa bỏ INF để có thể rộng đường đối phó với đối thủ chủ chốt hiện nay là Trung Quốc, vốn được cho là đang giữ ưu thế tuyệt đối trong lĩnh vực tên lửa tầm trung tại châu Á vì không bị bất cứ thỏa thuận nào ràng buộc.
Có thể nói việc Mỹ muốn triển khai tên lửa tầm trung đặt trên mặt đất tại châu Á là một bước đi trong chiến lược kiềm chế sự vươn lên của Trung Quốc như một thế lực thách thức vai trò chi phối trật tự quốc tế mà Mỹ và phương Tây muốn xây dựng.
Mộc Thạch – Nam Sơn/CAND