Việt Nam trên báo Mỹ - Bên kia chiến tuyến: Bắc Việt học cách sống chung với bom đạn

Từ tháng 5 đến tháng 10/1972, Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2, hay còn gọi là Chiến dịch Linebacker, nhằm làm kiệt quệ miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam. Phóng sự của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp Marc Riboud với tựa đề “In an enemy country: North Vietnam has learned to live with the bombs”, đăng trên Tạp chí LIFE số ra ngày 6/10/1972, đã cho thấy một gương mặt khác của miền Bắc Việt Nam, nơi người dân vẫn bền bỉ, bình thản sống cuộc sống đời thường giữa những trận mưa bom dữ dội nhất trong lịch sử. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu bản dịch phóng sự này tới bạn đọc.

Nơi đây, cô gái đang được uốn tóc và cô gái lội trong đất bùn ngập đến đầu gối để sửa một con đê bị bom phá hỏng (hai ảnh dưới) là kẻ địch của chúng ta. Dù ở hoàn cảnh nào, không có vẻ gì là cô ấy sẽ suy sụp. Những người dân Bắc Việt đồng hương của cô ấy cũng vậy, như độc giả sẽ thấy ở những bức ảnh sau đây. Giữa những trận mưa bom dữ dội nhất trong lịch sử, người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận dường như vẫn có thể tiếp tục công việc hàng ngày của họ gần như bình thường. Hành trình của phóng viên ảnh người Pháp Marc Riboud trong chuyến thăm 3 tuần tới Bắc Việt mới đây tất nhiên đã bị kiểm soát, giống như với tất cả những vị khách phương Tây khác. Tuy nhiên, trong nhịp sống hối hả của một đất nước đang trong chiến tranh, anh đã nhìn thấy một nghịch lý của riêng cuộc xung đột này: những khoảnh khắc tĩnh lặng, bình yên, trong một hiện thực chết chóc do bom Mỹ gây ra. Giữa những trận bom, người dân có thể phần nào quên đi thảm họa đang nhào nặn cuộc sống của họ. Sự bình thản bướng bỉnh này, cộng với khả năng làm việc cật lực để khắc phục những thiệt hại do chúng ta gây ra, đã biến những giả định trước đây về hiệu quả của việc ném bom thành trò cười. CIA dự tính rằng Bắc Việt có thể cầm cự thêm 2 năm nữa trước những cuộc tấn công của Mỹ, và ngay cả Bộ trưởng Không quân Hoa Kỳ Robert Seamans Jr. cũng đã báo cáo rằng việc ném bom không đem lại kết quả như mong đợi. Một người phát ngôn của Bắc Việt mới đây đã tuyên bố rằng nếu Tổng thống Nixon tái cử, người dân nơi đây đơn giản sẽ chống chọi với bom thêm 4 năm nữa. “Mọi người”, ông nói, “đã quen làm tất cả những việc này”.

Cô gái trẻ đang làm đầu ở một cửa hiệu ở Hà Nội cho thấy người dân Bắc Việt đang ngày càng thể hiện rõ hơn những gu thẩm mỹ cá nhân. Nhiếp ảnh gia Riboud phát hiện thấy họ đã dùng nhiều màu sắc và nhiều phong cách hơn so với lần trước anh tới thăm vào năm 1969. Người phụ nữ trong ảnh dưới đang sửa một con đê ở Hải Hậu, nơi dân làng vẫn thay phiên nhau làm công việc tu sửa định kỳ.

Nơi phố phường sôi động, người ta nói về cuộc kháng chiến trường kỳ

Hai người đàn ông đèo nhau trên xe máy ở Hà Nội ban trưa. Riboud nhận thấy Hà Nội có nhiều xe máy hơn anh thấy ở hai chuyến thăm trước. Phần lớn là xe của Cộng hòa Séc, và có vẻ họ không thiếu xăng. Nhưng họ thiếu đường, xà phòng và dầu ăn.
Người dân ăn uống trong một quán ăn ngầm dưới lòng đất trong một cuộc không kích ở Nam Định, cách Hà Nội 50 dặm. Thành phố bị phá hủy tới 70%, nhưng vẫn có điện.
Trong một quán cà phê ở Hà Nội, người ta đang nói về chiến tranh. Hầu hết trẻ em đã được sơ tán, và mỗi ngày có tới 3, 4 đợt báo động.
Bức ảnh quen thuộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo ở một hiệu cắt tóc ở Nam Định. Cửa hiệu này được xây ngầm một nửa dưới đất để tránh bom.
Phố Hàng Đào vẫn đông đúc, mặc dù chính quyền đã cố gắng hạn chế người dân tụ tập để tránh rủi ro từ những cuộc không kích.
Người đi mua sắm đứng chật kín một cửa hàng mậu dịch để mua pin và đồng hồ. Giờ mở cửa là từ 5 giờ đến 8 giờ 30 phút sáng và từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối, để tránh báo động.

Trong một bệnh viện ở Hà Nội, các cuộc phẫu thuật được xếp lịch dựa theo thời gian không kích

Ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, dưới ánh sáng của chiếc đèn duy nhất, một bác sĩ đang thăm khám bệnh nhân sau một cuộc phẫu thuật không liên quan đến chiến tranh. Cửa sổ được dán lại để tránh bị vỡ do rung chấn của bom. Các phòng phẫu thuật lớn khác của bệnh viện này được đặt trong những căn hầm dưới lòng đất, và vì các trận bom, lịch phẫu thuật được sắp xếp từ 5 đến 9 giờ sáng. Bệnh viện này đã được viện trợ vật tư và trang thiết bị từ người dân Mỹ, và còn tham gia hợp tác nghiên cứu với Đại học Y Harvard về mối liên hệ khả hữu giữa hóa chất gây rụng lá và sự gia tăng số ca ung thư gan. Một trong những chuyên gia về gan nổi tiếng nhất thế giới, bác sĩ Tôn Thất Tùng, công tác tại đây.

Dấu hiệu xung đột có ở khắp mọi nơi

Nhà thờ Phát Diệm, cách Hà Nội 60 dặm, bị hư hại nặng nề. Mặc dù công trình này nằm trên những cánh đồng lớn, nhưng nó vẫn liên tiếp bị trúng bom. Những người Công giáo ở đó, trước kia từng chống Cộng, thì nay đã ủng hộ thể chế.
Tên lửa Liên Xô bảo vệ Hà Nội từ một cánh đồng cách đó 15 dặm.
Tại một buổi tiệc chiêu đãi, Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp (thứ hai từ trái sang) đứng bên các quan chức cấp cao khác. Thứ hai từ phải sang là ông Trường Chinh, Chủ tịch Quốc hội.■

Marc Riboud

Thanh Trà (dịch)

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN