Xuyên Đông Dương thuộc Pháp theo đường xe hơi (kỳ 2)

Cuộc đấu cờ người ở miền núi phía Bắc Việt Nam, vở tuồng Trung Hoa, buổi hát chầu văn, cảnh sinh hoạt thanh bình trên sông Hương… là những cảnh tượng sinh động được nhà báo Mỹ Maynard Owen Williams miêu tả trong phóng sự ảnh “By Motor Trail Across French Indochina” đăng trên tạp chí National Geographic số tháng 10/1935, các trang 487-534. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bản dịch trích đoạn về Việt Nam trong phóng sự này. Các ảnh chụp và chú thích ảnh đều là của tác giả.

Ngôi nhà của các bà cốt cầu hồn[1]

Buổi chiều hôm đó, chúng tôi leo lên một cầu thang lung lay, vượt qua một cổng bằng tre ọp ẹp, tiến vào “ngôi nhà của các bà cốt cầu hồn”, và chịu tiếp nhận sự thông công với các thế lực ác hiểm của bóng tối.

Phép lên đồng và tôn giáo kết hợp với nhau một cách kỳ lạ, và cả hai đều giữ một phẩm cách mà các nhà hành chính Pháp thận trọng không can thiệp vào. Chúng tôi được dặn trước rằng chúng tôi không được làm xáo trộn buổi lễ và đừng mong người ta sẽ công khai thừa nhận sự hiện diện của chúng tôi. Không ai trong số bốn bà đồng[2] tỏ lộ bất kỳ dấu hiệu nào về việc họ biết rằng chúng tôi ở đó.

Mặc áo lụa có màu sắc và chất liệu nhẹ nhàng, họ ngồi xếp bằng tròn trên tấm thảm sạch sẽ, đôi bàn chân trần đôi khi ngọ nguậy các ngón theo một nhịp điệu lạ lùng, kỳ dị.

Ba người phụ nữ trẻ tuổi hơn buộc một dải vải trắng cạnh khăn quấn màu đen quanh đầu trần và chơi đàn tam[3] có cần đàn dài, kiểu đàn ghi-ta ba dây có mặt đàn được bịt bằng da con trăn từ khu rừng bên cạnh. Người đàn bà thứ tư ngồi gần một bàn thờ sơn mài màu đỏ, những chiếc bát sứ tua tủa các nén hương, xác định trường canh bằng việc giơ lên và hạ xuống một chùm vòng sáng bóng kêu leng keng bên trên một chiếc đệm vuông nhỏ được phủ lụa màu son sơn mài.

Thỉnh thoảng bà ta ngừng nhịp đập khác thường của xâu vòng sáng chói, nhổ một ngụm nước trầu màu đỏ nâu vào một ống nhổ nhỏ được đánh bóng kỹ càng, và súc chiếc miệng sâu thẳm của bà bằng nước trà, những chiếc răng bị nhuộm đen gần như không trông thấy.

Nếu không vì sự long trọng của các bà đồng, sự lãnh đạm của họ đối với hiện diện của chúng tôi, và bầu không khí hoàn hảo cho việc thực hiện một vụ cầu hồn bí mật với các thần linh tuy không nhìn thấy được nhưng lại hữu hình hơn cả chúng tôi, việc nhai trầu hẳn sẽ trở nên lạc lõng. Thay vì thế, nó càng làm gia tăng ấn tượng rằng chúng tôi đang quan sát toàn thể buổi lễ huyền bí từ một lỗ nhìn xuyên qua cánh cửa hay một quả cầu bằng thạch anh dùng trong bói toán.

Các đờn tam tiếp tục bật lên các âm thanh ngắn, một chuỗi vòng đan xen phát ra các nốt nhạc quái đản với một đơn điệu sống động, và các bàn tay với ngón tay dài, mảnh khảnh, vuốt lên xuống cổ phím thon gọn của những chiếc đàn ghi ta trông giống như cái muôi múc canh. Cảm giác không thể thâm nhập vào sự huyền bí đó, chúng tôi nhẹ nhàng rút lui.

Đối với các bà đồng[4] này, các linh hồn đang bay lượn thì có thực hơn là một ống kính chụp ảnh ngoại quốc.
Người ta có thể du hành phương Đông trong nhiều năm nhưng không bao giờ bước vào “ngôi nhà của các bà cốt”. Vào buổi tối, trong ánh nến chập chờn và khói hương, nó hẳn là một trải nghiệm còn ấn tượng hơn nữa. Nhưng chúng tôi có hẹn uống trà ở Lạng Sơn với viên Trú sứ và bà Klein, và đến tối, đèn pha ô tô của chúng tôi đã phải quét ngang vùng đồng bằng thấp gần Hà Nội.

Việc chụp bức ảnh hiếm có này không bị coi là xúc phạm, bởi đối những phụ nữ này, người chụp ảnh hay máy ảnh của anh ta không hề hiện diện. Chung quanh một điện thờ thô sơ tại Thất Khê, được bày các bát hương, những phụ nữ này đan kết một mạng lưới âm thanh nằm ngoài thế giới vật chất. Da trăn bịt đàn tam cán dài được tấu lên bởi các bà đồng gọi hồn.

Nhiều bộ tộc gần biên giới Vân Nam thực hành ma thuật với sự trợ giúp của kèn đồng vang dội và chũm chọe leng keng. Để được yên ổn giữa uy lực của bóng tối, lũ lụt và bệnh tật, người ta tìm đến phép màu.

Các phù thủy Bắc Kỳ dừng phục vụ ma quỷ để đối mặt với máy ảnh.

Hà Nội, một thủ đô của sự tương phản

Giống như các sự kết hợp khác ở phương Đông giữa thành phố Á Đông với tiền đồn Âu châu, Hà Nội, thủ đô của Đông Dương thuộc Pháp, chứa đựng sự tương phản sâu sắc. Một nét tương phản hiển nhiên là các đường phố bản xứ, nơi người thợ bạc và thợ đồ gốm, thợ chạm khắc ngà voi, nhà buôn hàng lụa, người bào chế dược liệu và người làm đồ sơn mài có tên ngành nghề được đặt cho đường phố chính nơi cửa hiệu của họ tọa lạc, trong khi bước quá hồ nước giữa thành phố, là một buổi khiêu vũ uống trà chơi nhạc jazz của Mỹ. Nhưng thành phố Á Đông nào từ Harbin đến Bombay mà lại không có sự tương phản giữa các văn hóa này?

Hà Nội có một cảnh tượng tươi sáng là “các cô gái” bán hoa đội nón quai thao ngồi xổm dưới một cây đa tại một góc hồ, một ý tưởng sung sướng của viên Toàn quyền yêu nghệ thuật, Pasquier, đến nỗi các cô gái được gọi là “Pasquierettes”, nhưng hồi ức sống động nhất của tôi lại là về một điều tầm thường. Đó là khí hậu tự nhiên và mát lạnh của Hà Nội – chúng tôi đã khao khát nhớ về sự mát mẻ của nó khi tới dòng sông Hương bốc hơi nóng hai ngày sau đó! – và tôi đã bước vào một trong những tiệm sách lớn của thủ đô, chất đầy sách một cách tráng lệ.

Tôi đã muốn mua một xấp phong bì và nhận thấy rằng không có hồ ở nắp phong bì. Thật là sơ suất! Tôi chọn một xấp khác. Vẫn không có hồ. Hà Nội có những tháng dài của hơi nóng ẩm thấp đến nỗi các nhân viên hành chính phải có một lọ hồ để dán các lá thư, nếu nắp có sẵn hồ thì các phong bì sẽ tự dán lại mất.

Chúng tôi đã tham dự lễ khai trương bảo tàng viện mới của Trường Viễn Đông Bác Cổ, nơi các nhà bác học đã cứu vớt, bảo vệ và giải thích những điều huyền bí của vùng đất này, nơi nối kết các chủng tộc, tôn giáo và văn minh Ấn Độ, Mã Lai và Trung Hoa.

Một nhân viên khác của tạp chí National Geographic đã mô tả và chụp ảnh Con Đường Cái Quan trên đó chúng tôi đi bằng xe hơi để đến Huế, và miêu tả của ông về “các gánh đồ nặng đong đưa trên các đầu đòn gánh”, và “những chiếc xe cút kít kêu rít lên, được đẩy bởi người dân Bắc Kỳ cần cù”, là một bức tranh sống động về tuyến đường chính yếu đầy người lao động vất vả đó”. Tại Huế, những người bạn của ông trở thành bạn của tôi.

Một tối, chúng tôi là các khách mời của một quả phụ trong Hoàng tộc, được xem các thiếu nữ vũ công trẻ tuổi trình diễn và các công chúa An Nam yểu điệu vuốt đàn tranh 16 dây với đôi bàn tay thanh nhã khi họ ngồi xuống giữa các làn sóng lụa bản xứ có màu sắc tinh tế và những chiếc quần xếp nếp thẳng tắp màu kem trắng.

Tục nhai trầu và nhuộm đen hàm răng của họ bổ túc một đường nét lạc lõng vào vẻ đẹp điệu đà của các thiếu nữ An Nam, nhưng một vài cô trong số họ đã giữ răng trắng như ngọc, và kế đó, nụ cười An Nam bí ẩn, không còn các vết nhuộm để lại bởi các hạt cau quấn trong lá trầu và được quết vôi, mang một nét quyến rũ mới đối với cặp mắt Tây phương.

Hoàng tử Bửu Liêm, đeo nhiều huy chương và thẻ ngà voi của quan chức hay ba ngai[5], chào đón chúng tôi đến thăm nhà ông, nơi không khí trở nên phấn khởi bởi vẻ đẹp của Công chúa trẻ tuổi Kiều Nghiêu, con gái ông. Võ Chuẩn, một ông quan của Bộ Học, mặc áo dài màu tím và đội mũ cánh chuồn thể hiện chức vụ trong khi Iacovleff vẽ chân dung ông và những đứa con nhỏ của ông, trông giống như búp bê mặc áo lụa, đứng ngắm đàn cá vàng phóng mình giữa các cuống lá sen trong một hồ nước tí hon.

Lòng thương mến, chứ không phải nghệ thuật, đã ấn định tư thế của những người Trung Kỳ này. 
Bàn tay phải của người chị giữ một nét cứng ngắc nghiêm túc, nhưng bàn tay trái lại bảo vệ đứa em trai khỏi bị ngã xuống hồ nuôi cá vàng. Đây là các con của một vị quan trong triều đình của Vua Bảo Đại tại Huế.
Viên chức này của Triều đình Huế vừa là người đàn ông của gia đình vừa là quan lại.
Vợ và các con của ông Võ Chuẩn, một quan chức của Bộ Học trong Chính phủ Trung Kỳ, là các nhà phê bình bức tranh của Alexandre Iacovleff, họa sĩ kiêm nhà thám hiểm.

 

Cuộc sống trên thuyền trên sông Hương

Một buổi chiều, khi ánh nắng và hơi nóng đã nguội bớt, tôi lái xe bên cạnh một kinh đào rợp bóng mát và chờ đợi tại một khúc quanh cho đến khi một chiếc thuyền tam bản giống như chiếc gondola[6] được hai tay chèo đội nón cu-li đẩy tới, bổ sung nét chấm phá cần thiết của cuộc sống và chuyển động thư thái cho vùng nước lặng thanh bình này.

Các loại cây thủy sinh nổi trên các luồng chảy lừ đừ, một túp lều tranh phản chiếu trên dòng nước và các cây tre tựa lông chim in hình lên bầu trời chói lọi.  Chỉ có tiếng vỗ nhẹ nhàng của mái chèo làm nổi bật sự yên lặng. Sự ồn ào náo nhiệt của các đường phố trong thành phố vẫn còn tắt lịm khi tôi hồi tưởng đến bức tranh thơ mộng của sinh hoạt trên thuyền gần sông Hương.

Huế, giống như Bắc Kinh, có một cấm thành và một bảo tàng mỹ thuật được đặt tại một tòa nhà trưng bày của cung điện. Bảo tàng Khải Định, giống như nhiều bảo tàng viện khác, đầy rẫy những đồ vật quý giá. Nhưng chúng phù hợp với các đại sảnh lộng lẫy của cung điện, và được cung cấp cho khung cảnh đặc biệt đó, nơi, theo những người Pháp sành sỏi, tạo nên hay hủy hoại một chiếc áo, một loại rượu nho, một cụm từ, hay một tư tưởng. Được cất giữ như vậy, một đồ vật của bảo tàng viện An Nam không phải là vật trang điểm vô nghĩa, mà là tinh túy của nghệ thuật bản xứ bên ngoài chính các bức tường của nó.

Chính thủ phủ trên dòng sông Hương này là nơi Bảo Đại đã quay về từ Phương Tây. Cải cách tư pháp, lập ra Bộ Quốc gia Giáo đục, thừa nhận một Viện Dân biểu, và thiết lập chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thượng thư – tất cả đều được hứa hẹn bởi vị Thiên tử trẻ tuổi này.

Các nhà sư mặc áo choàng màu vàng, và những người phụ lễ mặc đồ có ô đen trắng như bàn cờ giăng một dải màu ngang qua nơi trú ẩn của người đã khuất.
Gần sông Hương, cách xa các đường phố và kinh đào đông đúc của Huế, kinh nhộn nhịp của Trung Kỳ, các lăng mộ hoàng gia được đặt tại những khu đất được rào quanh, cắt ra từ rừng. Đây là một đám rước của các nhà sư đi hàng một giữa một cổng dẫn vào khu tưởng niệm và một hồ nước yên tĩnh.
Các con chữ cưỡi mây trên các cột lăng tại huế
Hai nhà lãnh đạo Phật Giáo, đứng trong sự tĩnh lặng của lăng các vị vua của Trung Kỳ, giữ chặt các xâu chuỗi cầu nguyện nhưng lại xao lãng các chữ tượng hình màu xanh da trời trên các cây cột ca tụng chiến thắng của con người hay sự an bình của cõi vĩnh hằng.
Tính hiện đại bắc cầu qua một kinh đào nguyên sơ ở Huế.
Nhịp sống ở Trung Kỳ đang ngày một nhanh hơn. Ngang qua sông Hương từ các kiến trúc đồng tâm của Kinh Đô, Hoàng Thành, và Tử Cấm Thành, các khu ngoại ô Âu châu chuyển động theo nhịp của xe hơi và máy phát thanh. Phân chia chúng là kinh đào này, trên đó đời sống nơi nước đọng lại xem ra đứng yên – hài lòng với những phản chiếu của chính nó. Giống như ở Quảng Châu (Canton), có những người – sinh ra trên dòng nước và di chuyển trên dòng nước – mà nhịp sống của họ là nhịp chảy của con sông và kinh đào, của việc đẩy mái chèo và cắm sào.
Không có gì đáng xấu hổ khi giặt quần áo dơ nơi công cộng tại Huế.
Bên cạnh dòng nước phân chia khu thương mại của kinh đô xứ An Nam, những phụ nữ đội nón rộng ngồi xổm trên kè đá, kháo chuyện với nhau và giặt quần áo. Một lô cát xây dựng đang được chở trên kinh đào này, là xa lộ vận chuyển hàng hóa của một thành phố được cung cấp đầy đủ xe kéo tay và ô tô.
Trong một khung cảnh như thế này gần sông Hương, một chiếc thuyền tam bản bình thường trở thành một con tàu mơ ước.
Gần thành phố Huế đông đúc, hai người đàn ông An Nam chèo thuyền đi làm công việc hàng ngày với một sự yên lặng và một vẻ tao nhã khiến cho dòng nước đọng có tre mọc bên hông của một con sông nhiệt đới này trở nên đáng nhớ. Không khói xe, không tiếng ồn. Chỉ có tiếng kêu lách tách khô khan của rặng tre um tùm và tiếng sột soạt của mái chèo trên dòng nước lờ đờ.
Một bà bán hàng khéo léo đang nướng giòn bánh đa trên một bếp than.
Trong không khí ẩm thấp của An Nam (Trung Kỳ), bánh đa gạo bản xứ mau chóng mất đi sự tươi giòn vốn là tính chất lôi cuốn chính yếu của nó. Một khi tới chợ, người bán hàng cẩn thận nướng những chiếc bánh ỉu xìu để lấy lại sự tươi giòn nguyên thủy của chúng.
Cảnh thanh bình nơi thôn dã bên sông Hương
Trên đường từ Huế đến Tháp bảy tầng, con lộ đi qua những ngôi nhà đô thị và dòng sông yên tĩnh, vang vọng tiếng vỗ của mái chèo xa xa. Dưới rặng tre, một thiếu niên, cưỡi trên lưng một con trâu ì ạch lê bước, chấm phá thêm một nét mộc mạc.

Mặc dù khoác áo Hoàng bào, vai trò khả hữu duy nhất của Bảo Đại là vai trò đầy tớ phục vụ các thần dân chân đất của ông. Một trong những hành động đầu tiên của ông là kiểm tra một trường dạy nghề và một trường nữ sinh – việc này diễn ra tại một kinh đô nổi danh từ lâu là một “trại cho các học giả”, cung cấp giáo dục văn chương thuần túy chỉ cho nam giới. Gương mẫu của ông đáng ghi nhận, vì mặc dù người An Nam không mặc áo cổ cồn, nhiều người vẫn ưa thích các công việc của giới thư lại.

Đông Dương chi tiêu một tỷ lệ lớn đáng kinh ngạc cho ngân sách giáo dục của nó. Tôn giáo và triết lý phương Đông, được diễn tả bằng tiếng Hán, tiếng Phạn (Sanskrit) và tiếng Pali, được kết hợp với khoa học Tây phương, nhưng mọi nỗ lực được thực hiện không phải để làm bật rễ người dân ra khỏi các tập quán của đời sống và tư tưởng đã được thử nghiệm qua thời gian của họ.■ (Hết)

Bài và ảnh: Maynard Owen Williams

Ngô Bắc (dịch)

Chú thích:

[1] Vì tác giả chỉ chứng kiến và chụp ảnh ban nhạc chứ không theo dõi một buổi hầu đồng thực sự nên đã gọi các nhạc công của ban hát chầu văn là các bà đồng (hay bà cốt), như được ghi lại trong tiểu đề và đoạn văn này cũng như trong chú thích kèm theo ảnh chụp ban hát này (ND).

[2] Thực ra là các nhạc công của ban hát chầu văn, vừa đánh đàn, gõ nhịp, và hát các bài lễ nhạc đi liền với nghi thức lên đồng (ND).

[3] Nguyên bản ghi là don tam (ND).

[4] Các nhạc công của một ban hát chầu văn (ND).

[5] Tiếng Việt trong nguyên bản, không rõ nghĩa (ND).

[6] Thuyền đáy bằng dùng để đi trên sông tại thành phố Venice, Italy (ND).

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN