Tạp chí Phương Đông giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài phân tích tình hình chính trị rối ren ở Việt Nam năm 1950 của nhà báo Andre Laguerre, đăng trên Tạp chí LIFE số ra ngày 28/8/1950. Nổi lên qua bài viết là tinh thần chống Pháp của nhân dân Việt Nam, sự xung đột gay gắt giữa các phe phái và sự xâm nhập của Hoa Kỳ vào Đông Dương, bắt tay với Pháp để khởi đầu cuộc chiến chống Cộng sản. Các chi tiết nói về quân đội và chính phủ Việt Nam trong bài viết là để chỉ quân đội và chính phủ Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng, tồn tại trong giai đoạn từ giữa năm 1948 đến 1955. Chúng tôi cũng giữ nguyên các ngôn từ thể hiện quan điểm của phương Tây thời đó để bạn đọc tham khảo.
Các lực lượng viễn chinh của Pháp đang ở tuyến đầu chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Nam Á nhưng họ khẩn thiết cần vũ khí và sự hỗ trợ dứt khoát của các nhà hoạch định chính sách Hoa Kì. |
Bấy giờ là giờ nghỉ trưa ở Hà Nội. Trước mắt chúng tôi, từ ban công phòng tôi nhìn xuống, thành phố đang say giấc. Thanh âm vang xa xuyên qua hơi nóng buổi trưa hầm hập. Tôi và vị khách cùng dùng bữa trưa dõi theo một người bán canh người Hoa, đầu đội một chiếc nón rơm to, mặc áo rách và quần đùi ngắn ngủn, đang gõ cái que rỗng của ông ta vào một khối gỗ kêu lách cách để rao hàng. Trên vỉa hè vắng tanh chỉ có một ốc đảo sinh động duy nhất bao gồm năm chú bé bán báo người Việt ăn mặc rách rưới và lem luốc. Chúng quỳ trên vỉa hè, chống tay xuống đất xem một đứa trong bọn xóc ba hột xí ngầu trong một chiếc bát ăn cơm. Một giây sau thằng bé gieo xí ngầu hô “tài”, và đưa tay ra vơ hết mớ tiền giấy một quan bẩn thỉu.
Vị khách của tôi là người đứng đầu một nhóm trí thức dân tộc chủ nghĩa còn đang lưỡng lự về việc ủng hộ Hoàng đế Bảo Đại chống lại phe cộng sản. Ông mỉm cười nhìn xuống phía bọn trẻ – “Cũng như hầu hết các dân tộc khác ở châu Á, chúng tôi là những con bạc kinh niên. Ngoại trừ trong chính trị”, ông thận trọng nói thêm, “về mặt này thì chúng tôi thích những gì chắc chắn”.
Nhận xét thẳng thắn đó – cùng với cảnh tượng ngái ngủ trước mắt chúng tôi – là phát biểu đại diện cho hầu hết Đông Dương. Với phần lớn trong số 23 triệu dân của quốc gia này, cuộc đấu tranh với chủ nghĩa cộng sản là một ván tài xỉu lớn – và họ muốn biết nước nào trong số hai siêu cường thế giới sẽ là tài (lớn) trước khi đặt cược. Bởi lẽ nhiều người đang chơi đùa với ảo tưởng đáng sợ rằng một người dân tộc chủ nghĩa thực thụ có thể hi vọng giành thắng lợi bằng cách đặt cược vào chủ nghĩa cộng sản ở Đông Dương, nếu chủ nghĩa ấy có khả năng trở thành Ông Lớn. Thế nên nhận định của vị khách nhà tôi đã chứa đựng chính lời khuyên sáng suốt nhất dành cho phương Tây ngày nay: cách duy nhất chắc chắn để giành thắng lợi trong trận chiến đặc biệt này là chứng minh thật quả quyết rằng ta không có ý định để thua.
Ở đây thực sự có ba trận chiến trong một. Thứ nhất là trận chiến chống lại các lực lượng cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Thứ hai là trận chiến đang được sửa soạn, một cuộc xâm lăng được tiếp tay hoặc thậm chí là dẫn dắt bởi các quân đoàn đỏ của Trung Hoa. Trận chiến thứ ba, cấp bách và phức tạp, là trận chiến chính trị, và phương Tây cần giành thắng lợi ở mặt trận này nếu muốn có được một chiến thắng chung cuộc có ý nghĩa và chắc chắn.
Có một lí do thuyết phục để tin rằng chúng ta có thể thắng trận chiến thứ nhất và tránh được trận chiến thứ hai. Lí do duy nhất đó chính là quân đoàn viễn chinh Pháp.
Cách hành xử thực dân của Pháp ở Đông Dương đã bị chỉ trích thậm tệ trong quá khứ. Phần lớn những chỉ trích đó hoàn toàn có cơ sở khi ấy, và một số vẫn còn xác đáng tới bây giờ. Tuy nhiên thực tế đầu tiên về đời sống chính trị ở Đông Dương ngày nay là chỉ có duy nhất quân đội Pháp đang giữ cho Đông Dương không rơi vào tay cộng sản. Điều đó đồng nghĩa với việc nó là lá chắn vững chắc duy nhất cho các chính phủ yếu ớt của Burma, Thái Lan và Indonesia. Thực tế này, theo đó, cũng đánh dấu Đông Dương như là biên giới quan trọng duy nhất giữa chủ nghĩa cộng sản và các cửa ngõ của Ấn Độ – nơi mà chủ nghĩa yêu chuộng hòa bình viển vông có thể dễ dàng phát triển thành một thứ gì đó tồi tệ hơn rất nhiều nếu có áp lực đủ cứng rắn từ phe Đỏ.
Trong bối cảnh này, câu hỏi lớn chính là: lực lượng của Pháp vững mạnh đến đâu? Lực lượng này bao gồm một phần từ quân lực hải quân Pháp, hơn một nửa quân số không quân và 150.000 bộ binh, bao gồm các sĩ quan chuyên nghiệp và binh lính thiện chiến nhất. 150.000 người lính này kiên dũng và có năng lực, và tôi nhận thấy tinh thần chiến đấu của họ cao một cách đáng ngạc nhiên – đặc biệt là nếu tính đến khí hậu khắc nghiệt, địa hình gồ ghề và nỗi căng thẳng phải vật lộn với kẻ thù luôn không ngừng tránh né giao chiến trực diện.
Lấy ví dụ René Dupuis, cậu kĩ sư 25 tuổi đã lái xe chở tôi từ Lạng Sơn đến pháo đài ở Đồng Đăng, trên biên giới Đông – Bắc Việt Nam. Chàng trai Paris hớn hở này đã đi gần đến ngày cuối của nhiệm kì phục vụ tự nguyện trong quân đội, nhưng anh sẽ đăng kí tại ngũ thêm ba năm nữa. Vì sao? “Tôi thích ở đây”, Dupuis giải thích “Tôi được phiêu lưu, tôi thấy mình có ích, tôi khá thích người Việt, và tôi đang học một nghề để sau này khi giải ngũ có thể dùng kiếm sống”.
Khẩu súng trường được René đặt tựa vào ghế bên cạnh. Suốt dọc đường, cứ cách khoảng một dặm lại có một công sự bằng gạch và tre của Pháp trấn giữ vùng đồng quê. Giữa các công sự này, chúng tôi đi ngang qua các toán lính đi tuần gồm bốn hay năm người để râu, mặc đồng phục màu xanh rừng nhiệt đới, đội nón dạ bèo nhèo có vành rộng, đi rồng rắn theo hàng một dọc các triền đồi. Dù đã có những toán tuần tra này, Dupuis vẫn cẩn thận quan sát các bụi cây thấp. “Con đường này được canh giữ cẩn thận”, anh nhận xét, “nhưng không bao giờ biết chắc được. Chính lúc anh ít ngờ tới nhất thì họ tấn công. Họ trườn ra khỏi những bụi cây với lựu đạn hoặc một khẩu súng máy trong tay – pằng pằng pằng pằng – rồi họ biến đi lẹ như mấy con thỏ rừng trước khi đội tuần tra kịp trờ tới. Nếu họ bắt được anh thì còn tệ hơn”. Anh thuật lại chi tiết cho tôi hai phương pháp máu me khủng khiếp mà Việt Minh thường dùng để thanh toán tù binh Pháp.
Chúng tôi tới được pháo đài ở Đồng Đăng, đứng trên một ngọn đồi đá phấn cách biên giới Trung Quốc vài trăm mét. Từ tháp canh của pháo đài, tôi có thể thấy ánh mặt trời phản chiếu lấp lánh trên các khẩu đội pháo phòng không của cộng sản ở Ải Nam Quan, một vùng thung lũng mà qua đó quân xâm lược từ Trung Hoa trong nhiều thập kỉ đã tiến công vào miền Bắc Việt Nam.
Lính mộ[1], lính Đức và quân đoàn lê dương[2]
Lính mộ từ Phi Châu và quân đoàn lê dương Pháp canh giữ tiền đồn này. Những người lính mộ để râu quai nón, mang mề đay, với ánh mắt hung tợn, là những chiến binh chuyên đánh giáp lá cà dữ dằn mà sự quả cảm về thể chất của họ là không có giới hạn. Rất nhiều binh sĩ trong quân đoàn lê dương là người Đức – những người đàn ông tóc vàng săn chắc, ương ngạnh, đội mũ kepi trắng. Nhét lựu đạn đầy túi, họ mang súng tiểu liên choàng qua vai và di chuyển chậm rãi, thận trọng. Trong bọn họ có những cựu binh thuộc Quân đoàn Phi Châu[3] của Rommel và cả những người từng tham gia chiến dịch ở Nga. Tôi hỏi Dupuis về thái độ của anh với họ. “Không thể chịu nổi bọn họ”, anh trả lời ngay. “Chẳng ai trong chúng tôi chịu được. Nhưng họ hòa hợp ổn thỏa với các sĩ quan Pháp của họ. Họ chẳng có chút cảm xúc nào về nước Pháp hay về dân chủ cả, nhưng họ có tinh thần quân lê dương, và kiêu ngạo một cách gớm ghiếc về điều đó”.
Để tăng cường lực lượng đề phòng một cuộc xâm lăng, 70.000 quân Pháp đã được điều động ra khu vực miền Bắc này, trong khi 80.000 người còn lại ở Trung và Nam Bộ đang bị các lực lượng quân chính quy và du kích của Hồ Chí Minh cầm chân. Việt Nam (nghĩa là miền đất ở phương nam, tức phía nam Trung Quốc) có hình dáng như gánh nặng mà hàng triệu người dân chân trần của nó gồng gánh trên vai suốt những con đường mù bụi: đôi quang lớn ở hai đầu một đòn gánh mỏng. Một quang là Bắc Kì của Việt Nam (mà người Pháp gọi là Tonkin), quang kia là Nam Kì (mà người Pháp gọi là Cochinchine). Trên dải đất Trung Kì mỏng manh (mà người Pháp gọi là Annam), những dãy núi trập trùng từng đợt như sóng xuống gần tới bờ biển. Mặc dù các lực lượng của Hồ Chí Minh đe dọa các vùng đồng bằng ven biển, phía Pháp giữ vững thủ phủ của khu vực này là Huế và thành phố Đà Lạt tráng lệ. Ở miền Nam, hoạt động của cộng sản gây khó khăn cho đời sống cư dân đông đúc ở vùng đô thành Sài Gòn, và Việt Minh (nghĩa là ánh sáng của đất Việt, tên của đảng nổi dậy)[4] lảng vảng trong các vùng đầm lầy nằm giữa vô số nhánh của dòng sông Mekong. Ở phía Tây Bắc và Tây Nam, cũng như trên lãnh thổ hai vương quốc tương đối ít quan trọng là Lào và Campuchia, tình hình khá yên ắng.
Tướng Marcel Carpentier là Tổng Tư lệnh quân Pháp. Ông là một sĩ quan cục mịch đã xây dựng sự nghiệp ở châu Phi, và đang áp dụng một chiến lược phỏng theo “Maroc hữu dụng”[5] của Thống chế Lyautey. “Đông Dương hữu dụng” bao gồm các khu vực trù phú và đông dân cư ở hai vùng đồng bằng sông Mekong và sông Hồng, các đô thị và cảng biển chính (Sài Gòn, Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Phnom Penh, Luangprabang) và các tiền đồn chiến lược trên biên giới phía Bắc: Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai. Mặc dù tổng diện tích lãnh thổ mà Hồ Chí Minh làm chủ hoặc đe dọa lớn hơn tổng diện tích mà Pháp nắm chắc, có lẽ khoảng 15 triệu trong tổng số 23 triệu dân Đông Dương sinh sống trong vùng Pháp kiểm soát.
Chiến lược của Carpentier là chiến lược thận trọng có cân nhắc. Một số nhà quan sát tin rằng nếu ông dồn lực đánh lớn thì có thể đập tan lực lượng Việt Minh. Nhưng Carpentier cho rằng vai trò chính của quân đội Pháp giờ đây là bảo vệ biên giới phía Bắc khỏi âm mưu xâm lược của Trung Hoa, và công cuộc bình định phần còn lại của đất nước nên được dành lại cho đến khi nào quân đội quốc gia Việt Nam có thể nhận lãnh trách nhiệm này. Phe cộng sản hiện có một đội quân chính quy lên đến 80.000 binh sĩ cộng thêm khoảng 100.000 quân du kích được tổ chức thành các nhóm nhỏ. Một nửa số quân chính quy tập trung trong một khu vực hình tam giác gồm các vùng đồi núi phía bắc của miền Bắc, nơi họ có các đường dây liên lạc không bị ngắt quãng với các lực lượng của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc.
Tại các hội nghị nhân sự của Pháp, các suy đoán về đường đi nước bước sắp tới của Mao cũng phong phú như số quán bar lấp lánh ánh đèn neon ở đô thị Sài Gòn. Một sự thật chắc chắn: các hoạt động cấu kết giữa cộng sản Trung Quốc với Việt Minh đang gia tăng mặc dù vẫn chưa có viện trợ trên quy mô lớn. Trong nhiều tháng liền, vũ khí và đạn dược từ Trung Quốc đã chảy qua những con đường mòn chạy như mê cung trên vùng núi biên giới giữa Trung Quốc và Đông Dương. Các tiểu đoàn quân chính quy của Việt Minh giờ đây có hỏa lực mạnh tương đương với đối phương. Các khẩu đội pháo phòng không đã xuất hiện lần đầu tiên và các máy bay ném bom Junker chậm chạp mà quân Pháp vẫn còn sử dụng được chào đón ngày càng “nồng nhiệt”.
Liên minh giữa Trung Quốc cộng sản và Hồ Chí Minh đã không còn là chuyện tới đâu hay đó. Các cố vấn Liên Xô đã tới tổng hành dinh trong rừng sâu của Hồ Chí Minh. Đồng hành với Việt Minh trong vùng tam giác miền núi phía Bắc là khoảng 300 cố vấn kĩ thuật Trung Quốc. Những chỉ thị tâm lí sâu sắc được đưa ra cho các sĩ quan liên lạc ở cả hai phía, gợi nhớ đến các mệnh lệnh mà Eisenhower thường đưa ra cho cấp dưới về việc xây dựng quan hệ tốt đẹp với người Anh. Ban đầu Việt Minh phải mua chuộc viện trợ của Trung Quốc. Bây giờ thì viện trợ được Trung Quốc trao cho Việt Minh. Chính quyền Trung Quốc đã thành lập ba doanh trại trên lãnh thổ nước mình – một ở Vân Nam, phía bắc Lào Cai, và hai ở Quảng Tây, phía trên Cao Bằng và Móng Cái – dành cho quân đội Việt Minh. Tại ba doanh trại này, khoảng 10.000 đến 30.000 binh sĩ người Việt đã được đào tạo, trang bị vũ khí và sử dụng để chiến đấu chống lại quân du kích Quốc dân Đảng Trung Hoa.
Không nên nhầm lẫn về chất lượng lực lượng chính quy của cộng sản. Trong năm năm chiến đấu, họ đã học được nhiều từ quân Pháp. Họ có tinh thần bất khuất và tính kỉ luật cao. Tôi được nghe một câu chuyện bộc lộ nhiều về họ từ một viên cai đội người Pháp vừa mới trở về từ các vùng đầm lầy miền Nam như sau:
“Đám người giỏi lẩn như chạch đó thỉnh thoảng nhảy xuống sông rồi không thấy tăm hơi họ đâu nữa. Họ bơi xuyên qua các đường hầm hang hốc ăn sâu vào bờ sông rồi trồi lên từ những vũng lầy cách chỗ họ nhảy xuống cả năm bảy chục mét. Họ trốn dưới nước, thở bằng các đọt tre. Một trong những mệnh lệnh nghiêm khắc nhất của họ là không bao giờ được để bị bắt giữ khi mang vũ khí tự động. Mới hôm kia tôi đột kích một người Việt cầm súng máy sau khi anh ta đã bắn hết đạn. Tôi bắn và chắc chắn là đã bắn trúng. Rồi anh ta vừa bỏ chạy vừa tháo tung khẩu súng của mình ra và ném từng mảnh sang hai bên. Cuối cùng đến khi anh ta gục ngã, tôi thấy trên người anh ta găm tới bốn phát đạn. Nhưng gần như toàn bộ các mảnh của khẩu súng đã bị vứt rải rác hết”.
Sự thăng trầm của toàn bộ tình thế quân sự này phụ thuộc vào việc Mao quyết định làm gì. Nếu ông ta muốn dốc toàn bộ lực lượng hiện có để thực hiện một cuộc tổng tiến công, quân Pháp có khả năng phòng thủ được – với điều kiện họ nhận được viện trợ nặng kí từ Hoa Kì. Hiểm họa cốt yếu hơn nằm ở trường hợp Mao quyết định bổ sung thêm lực lượng, tăng con số chưa đầy 60.000 binh sĩ đang đóng quân gần biên giới Đông Dương lên gấp năm lần thành một đoàn quân xâm lược quy mô lớn.
Có hai luận điểm chính trị phản bác nguy cơ Trung Quốc xâm lược. Luận điểm thứ nhất là thông qua việc đó Mát-xcơ-va sẽ tiến gần thêm một bước đến Đệ tam Thế Chiến, vì đây sẽ là lần đầu tiên Nga mượn tay một đội quân ngoại bang để chinh phạt một quốc gia khác. Luận điểm thứ hai là hành động ấy sẽ là cú đánh chí mạng lột phăng tấm mặt nạ bảo vệ độc lập ở châu Á của phe cộng sản.
Mặc dù tất cả những yếu tố này khiến cho việc phe cộng sản khởi sự tấn công ít có khả năng xảy ra trong mùa thu này, phương Tây cũng chỉ có thể tận hưởng một giới hạn an toàn mong manh. Chủ nghĩa hiện thực u ám sẽ kết luận rằng chẳng qua chỉ vì tình hình Đông Nam Á nói chung đã trở nên tồi tệ cho nên Đông Dương mới có vẻ là một điểm mạnh ở châu Á. Bởi vì sự thật là chẳng thể nào có được giải pháp phòng thủ chừng nào các lực lượng quân Pháp (đang rất cần để chiến đấu ở những nơi khác) có thể được thay thế bằng một quân đội của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với trận chiến thứ ba – trận chiến trên mặt trận chính trị – ở Đông Dương. Vì rằng kẻ thù ở đây không chỉ là một quân đội mà là một nhà nước – một nhà nước cộng sản đứng đầu là nhà cách mạng kì cựu Hồ Chí Minh, nhà nước này được Liên Xô và các chư hầu chính thức công nhận. Điều còn nghiêm trọng hơn là nhà nước này chiếm được sự ủng hộ của những thành phần đáng kể trong dân số Đông Dương.
Đối trọng với sự ủng hộ này, phương Tây chỉ có quan hệ đồng minh không mấy cơm lành canh ngọt giữa chủ nghĩa thực dân bị hoài nghi của Pháp và một chính phủ bản địa Việt Nam nặng gánh nợ nần chính trị.
Rối bời trong các công việc của chính nó và bị giới trí thức trong nước khinh thường, chính phủ Việt Nam được lèo lái bởi Hoàng đế Bảo Đại, quốc trưởng, người vừa là thiên tử vừa là tín đồ trung thành của các chốn ăn chơi ở Âu châu. Trên thực tế ông ta vẫn là một biểu tượng có khả năng khơi gợi sự trọng vọng to lớn. Giá trị của ông ta về mặt chính trị không bị ảnh hưởng nhiều bởi xu hướng ăn chơi rất công khai bằng bởi sự yếu đuối kiểu phương Đông của một người chỉ biết chờ đợi những điều tốt đến với mình. Ông là một người kiên nhẫn đến mức gần như không thể chịu nổi. Khi đi câu cá ngoài biển ở Vịnh Bắc Bộ, ông thường ngồi trong thuyền câu tới mười hai giờ liền mà không bắt được con cá nào, và chỉ trở lại du thuyền hoàng gia rất lâu sau khi tất cả tùy tùng đã bỏ cuộc hết vì chán nản. Trong chính trị, hành xử của ông cũng có phần giống như vậy. Cần gấp rút làm cho Bảo Đại hiểu rằng ông ta không thể nào đánh lui cộng sản bằng cách chờ đợi cho chủ nghĩa ấy tự lụi tàn.
Có rất nhiều điểm mà nhà Vua có thể bắt tay vào làm việc có ích. Một trong số đó là vấn đề về Thủ tướng Trần Văn Hữu, một kĩ sư 54 tuổi có gương mặt nặng nề, vô cảm, và khá vô dụng trong vai trò của ông ta. Ông quá thân cận với người Pháp để giành được sự tín nhiệm của quần chúng, và vây quanh ông toàn là những cộng sự kém cỏi. Hoàng đế cũng có thể suy ngẫm về một chính sách xã hội cho chính phủ của mình, cho đến nay vẫn chưa có chính sách xã hội nào hiện hữu ở đây. Có một số chương trình cứu trợ cho người vô gia cư, nhưng chẳng có gì được thực hiện trên quy mô nghiêm túc để chống lại bệnh sốt rét, đau mắt hột và bệnh lị amíp, các loại dịch bệnh đang hoành hành trên khắp cả nước. Không có gì gần giống như một chương trình nông nghiệp hay giáo dục. Trong khi đó các sòng bạc ở Chợ Lớn, khu người Hoa ở Sài Gòn, đang nộp thuế mỗi ngày lên tới 25 ngàn đô la, hoạt động xuất khẩu gạo lậu đem lại những nguồn lợi nhuận khổng lồ, và một nhà buôn lụa người Hoa ở Hải Phòng nói với tôi rằng doanh thu trong 12 tháng gần nhất của ông ta là 5 triệu đô la.
Mặc cho tất cả những vấn đề trên, vẫn có một số điều tốt mà phương Tây có thể dựa vào. Có một số viên quan cai trị có năng lực như Nguyễn Hữu Trí, Thủ hiến Bắc phần Việt Nam. Là một người đàn ông bảnh bao có đôi mắt đen thẫm mang dòng máu lai giữa An Nam và Ấn Độ, Nguyễn Hữu Trí vận hành bộ máy chính quyền khá trơn tru trong khu vực ông cai quản. Trong số các tỉnh vùng châu thổ sông Hồng dưới quyền Thủ hiến Trí có những tỉnh hoàn toàn do các viên chức người Việt đảm nhận. Ví dụ như Bắc Ninh, tỉnh này được quân Pháp lấy lại từ tay Việt Minh vào tháng 11 năm ngoái, và hiện nay hoàn toàn do binh lính người Việt gìn giữ. “Chẳng có lấy một người Pháp nào trong vùng của tôi, trong số 200.000 dân. Tôi hoàn toàn làm chủ ở đây”, vị tỉnh trưởng khoe với tôi. Tại một tỉnh lân cận là Hà Đông, viên tỉnh trưởng 33 tuổi Nguyễn Văn Thanh thực hiện công việc cai trị hiệu quả – đặc biệt với việc thành lập lực lượng dân quân thôn làng, họ được trả công bằng lúa thu hoạch trên ruộng công của làng. Nhưng khi tới thăm ông này (tôi bắt gặp ông đang sờ xem một lá cờ Việt Minh – màu đỏ với ngôi sao vàng ở giữa – do dân quân của ông bắt được vào đêm trước đó), ông chia sẻ với tôi một bức tranh ảm đạm về vấn đề quân sự của mình: tỉnh ông có 400.000 dân và 400 ngôi làng. Nhưng ông chỉ có 45 đồn dân quân – vì người Pháp chỉ cấp cho ông có 480 khẩu súng trường. Lí do người Pháp đưa ra để bào chữa cho mình: súng trường cấp cho người Việt rồi bằng cách nào đó sẽ rơi vào tay cộng sản. Phía Việt Nam vặc lại: người Pháp chẳng lo sợ chuyện đó bằng sợ trang bị cho người Việt bất kì công cụ thực chất nào về chủ quyền. Như thế, ngay cả tại những tỉnh mà hòa bình đang chầm chậm trở lại, lằn ranh mơ hồ chia rẽ các nhà chức trách của Pháp và của Việt Nam vẫn gây ra nhiều hiểu lầm và bực dọc.
Chua xót và chán nản nhất chính là giới trí thức trong nước. Việt Nam không có tầng lớp trung lưu, và những người lãnh đạo đất nước đương nhiên được rút ra từ trong nhóm trí thức chiếm tỉ lệ vô cùng nhỏ bé (85% người Việt mù chữ). Văn hóa của họ là văn hóa Pháp, họ trò chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, và các luận điểm của họ thường thông minh và tinh tế chẳng kém gì những sinh viên sáng láng nhất ở Sorbonne. Họ cay đắng về người Pháp. Trong sự cay đắng ấy có một chút tính bài ngoại, một chút lo sợ rằng phe cộng sản rồi cũng sẽ giành thắng lợi, có mong muốn mãnh liệt có được những phụ kiện đi kèm quyền tự trị nhưng lại không mấy hiểu biết về những trách nhiệm gắn liền với nó, và sự bối rối sâu sắc về chủ nghĩa cộng sản.
Ngoài các thành phần công chức chính quyền, mà chủ yếu được hình thành từ tầng lớp quan lại phong kiến cũ, đám đông dân chúng và giới trí thức, còn có một hạng người Việt khác đáng chú ý: các nhóm dân tộc chủ nghĩa. Trong số này có nhiều nhóm được gắn kết bằng niềm tin tôn giáo, và tất cả đều chống Cộng, nhưng hầu hết họ cảm thấy vấn đề cộng sản không đủ chắc chắn để biện minh cho việc ủng hộ Bảo Đại hoàn toàn. Quan trọng nhất trong số này là nhóm Công giáo, gồm hai triệu tín đồ. Họ có lực lượng vũ trang riêng, phần lớn chiến đấu chống quân Việt Minh, nhưng chưa có lãnh đạo Công giáo nào chấp thuận tham gia chính phủ. Cũng có tầm ảnh hưởng nhất định là nhóm tín đồ Cao Đài, một tôn giáo được thành lập 25 năm trước, cai quản 1,8 triệu tín đồ trung thành và tự gọi mình là “tổng hợp của tất cả các tôn giáo”. Rồi còn có phong trào đạo Hòa Hảo, nhóm này rao giảng Phật giáo chính thống, thề đối đầu với “chủ nghĩa vật chất cộng sản” và có lực lượng vũ trang gồm 20.000 người cả nam và nữ.
Trong khu rừng rậm chính trị này, người Pháp đã di chuyển một cách thận trọng, trả giá đắt cho những sai lầm trong quá khứ. Hiệp ước của họ với Bảo Đại, kí ngày 8/3/1949, đặt Việt Nam trong một vị thế lưng chừng trên con đường dẫn đến tự trị, một kiểu tự trị bị giới hạn chủ yếu bởi tư cách thành viên trong khối Liên hiệp Pháp, mà ở đó Pháp chắc chắn là đối tác trên cơ. Liên hiệp này thiếu sự mềm dẻo kiểu của người Anh: việc người Pháp không muốn đưa ra những cơ hội hào phóng cộng với đầu óc chuộng chủ nghĩa pháp lí của họ đã đưa đến hậu quả là sự cứng nhắc có nguy cơ bóp chết khối Liên hiệp ngay từ trong trứng nước.
Về phía Đông Dương, các nhà dân tộc chủ nghĩa chống Pháp căm ghét việc ở lại trong khối Liên hiệp đến mức họ thậm chí còn không thèm tận dụng những quyền độc lập đáng kể mà hiệp ước ngày 8 tháng Ba đem lại. 29 dịch vụ của Chính phủ đã được người Pháp giao lại cho người Việt. Hiện nay họ đang thương lượng để bàn giao lại 16 dịch vụ khác nữa, trong đó có những bộ phận quan trọng như ngoại thương và hải quan. Phía Việt Nam tuyên bố rằng các hoạt động chuyển giao hành chính này chỉ mang tính hình thức và rằng người Pháp đồng thời lập ra các dịch vụ song song tiếp tục thực hiện các công việc thực chất.
Cả hai phía đều đưa ra những sự thật và những điều vô lí. Nếu như Hoa Kì tham dự mạnh mẽ vào bối cảnh này, phần lớn bầu không khí sôi sục có thể được làm dịu lại. Jean Letourneau, Bộ trưởng Hải ngoại Pháp, còn củng cố thêm quan điểm của Pháp khi ông gần đây đã phát biểu hồ đồ rằng “Ở ba nước Đông Dương giờ đây không còn chút quyền lực nào nằm trong tay Chính phủ Pháp… Chỉ có Chính phủ Việt Nam lãnh đạo toàn bộ các dịch vụ hành chính…” Giới trí thức Việt Nam cũng mắc sai lầm không kém khi họ cho rằng giờ đây nên để cho Việt Nam độc lập toàn diện, chỉ cho phép binh sĩ Pháp canh giữ biên giới phía Bắc chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc.
Trong nhiều năm tới, Việt Nam sẽ còn phải lệ thuộc về tài chính và quân sự vào một nước nào đó. Đây có thể không phải là một niềm vui về mặt ý thức hệ, nhưng nó là một thực tế cần thiết. Tiêu biểu cho thực tế này là vấn đề ngân sách của Đông Dương. Trong quá khứ, ngân sách này chưa bao giờ bị thâm hụt. Năm nay các hạng mục dịch vụ kiểm soát một phần ba tổng số hóa đơn của nhà nước đã được bàn giao cho người Việt. Do quản lí yếu kém và tham nhũng, ngân sách sẽ thâm hụt 40 triệu đô la. Pháp sẽ phải bù vào số tiền đó. Giờ đây phía Việt Nam đang gây sức ép mạnh mẽ đòi được bàn giao các dịch vụ hải quan, nguồn thu hai phần ba số hóa đơn còn lại. Quân đội Việt Nam vẫn còn non trẻ, gồm 60.000 binh sĩ chủ yếu do các sĩ quan Pháp chỉ huy. Chi phí duy trì quân đội này lên tới 125 triệu đô la mỗi năm. Con số này được Ngân hàng Đông Dương đáp ứng bằng cách in thêm tiền gây lạm phát, rồi chi trả bằng việc đánh thuế ở Pháp. Hiện nay Việt Nam hoàn toàn không có khả năng bảo đảm tài chính cho quân đội bé nhỏ của mình.
Về phía người Pháp, ở lại Đông Dương năm nay sẽ tốn 614 triệu đô la, tương đương 10% ngân sách nhà nước và không kém xa khoản phân bổ chung châu Âu dành cho Pháp[6] trong năm 1950. Vì sao họ ở lại? Một lí do là tài chính: 2 tỉ đô la đã đổ vào đầu tư. Lí do thứ hai là đạo đức: trách nhiệm phải bảo vệ hàng chục ngàn người đã trung thành với nước Pháp, những người sẽ bị tàn sát nếu người Pháp rút đi. Lí do thứ ba là chính trị: nếu mất Đông Dương, toàn thể khối Liên hiệp Pháp có thể sẽ sụp đổ.
Có một lí do thứ tư, cũng là nguyên nhân thú vị nhất. Những người Pháp ở Đông Dương chống cộng một cách tận tâm hơn nhiều so với người Pháp ở Pháp. Tướng Carpentier nói với tôi rằng: “Vấn đề ở đây không còn là giữa Pháp với Việt Nam. Đây là vấn đề quốc tế. Tôi không coi mình là tư lệnh của một quân đội thực dân mà là tư lệnh của một trong những tiền đồn của văn minh phương tây chống lại chủ nghĩa cộng sản”.
Nhiệm vụ cho Hoa Kì
Không có cảm nghĩ này thì phương Tây hẳn đã thua trên mặt trận chính trị ở Đông Dương. Có nó – ở một thời điểm mà có bằng chứng cho thấy Hoa Kì đang xây dựng một chính sách châu Á chặt chẽ – thì có cơ sở để hi vọng vào chiến thắng chung cuộc.
Hành động của Hoa Kì phải khởi đi từ việc biết rõ lực lượng của Pháp chỉ đang giúp kéo dài thời gian cho phương Tây. Vì lẽ đó, tiên đề đầu tiên của chính sách Hoa Kì ở đây chính là viện trợ cho quân đội Pháp. Xe tải, thiết bị radio, pháo, phi cơ, xe tăng và lời hứa hỗ trợ của hải quân và máy bay ném bom hạng nặng đều khẩn thiết cần kíp. Kì vọng ở Sài Gòn là có thể trong tổng số 300 triệu đô la được phân bổ cho viện trợ quân sự ở Đông Nam Á sẽ có 200 triệu dành cho Đông Dương. Nhưng không thể phí thời gian thêm nữa. Viện trợ cần đến nhanh chóng và đầy đủ.
Đi đôi với viện trợ phải có áp lực chính trị – tế nhị, nhưng dù sao vẫn là áp lực. Cuộc chiến chỉ có thể có hiệu quả khi phương Tây giành được sự ủng hộ vững chắc và mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam – những con người thông minh và nhạy cảm. Trước tiên, họ cần được trang bị lòng tự trọng của những con người tự do. Sau đó họ có thể xây dựng và trang bị vũ khí cho một quân đội quốc gia của Việt Nam để thay thế cho quân Pháp. Điều này đồng nghĩa với việc phải đưa súng trường của người Pháp cho dân quân ở các làng xã.
Léon Pignon, Cao ủy Pháp, thấy rõ những vấn đề này. Nhưng trên ông còn có một chính phủ đang dao động và công chúng có cái nhìn sai lệch ở Pháp. Dưới ông còn có các quan chức Pháp cấp thấp thường xuyên phá đám chính sách ông đưa ra, những người cho rằng tự do của Việt Nam chỉ có nghĩa là chính họ sẽ mất việc. Hoa Kì không thể cho phép những thái độ dao động và ích kỉ này chiếm ưu thế. Cần phải nói rõ với Paris điều đó.
Còn có những việc khác, những thứ nhỏ nhặt nhưng quan trọng, để người Pháp thực hiện ở đây. Họ có thể thôi dùng đại từ nhân xưng “tu” khi nói chuyện với người Việt – một đại từ nhân xưng mà trong tiếng Pháp chỉ dùng để nói chuyện với trẻ em, người thân và những kẻ hạ tiện. Họ có thể nhún nhường trước tính nhạy cảm của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam bằng cách cho phép các đường phố chính ở Đông Dương được đặt các tên khác thay vì tên của những người Pháp đã đến đây chinh phục. Họ có thể thôi trưng dụng các tòa nhà văn phòng tốt hơn ở Sài Gòn và để các viên chức người Việt chuyển vào làm việc ở các tòa nhà đó.
Hoa Kì có việc phải làm với người Việt cũng như với người Pháp. Đó là cam kết dành 23,5 triệu đô la viện trợ dân sự cho chính phủ Việt Nam. Khoản viện trợ này cần song hành với áp lực chính trị mang tính xây dựng. Những công chức năng nổ như Thủ hiến Trí cần được hỗ trợ và những người khác thì cần được yêu cầu tận dụng hiệu quả những gì họ sẵn có trước khi đề nghị thêm. Ít nhất cần khởi xướng một chính sách xã hội. Giới trí thức cần được dạy dỗ rằng tự trị không phải là một món quà được gói ghém cẩn thận và thắt nơ xinh xắn, mà là một lối sống đòi hỏi trách nhiệm và sự liêm chính.
Tất cả những điều này có thể làm được. Bộ trưởng Hoa Kì Donald Heath đã có một bước khởi đầu lành mạnh, nhân sự của ông đang đổ vào Đông Dương. Năm tháng trước phái bộ tòa công sứ Hoa Kì ở Sài Gòn chỉ có bảy người. Bây giờ con số đó đã lên đến gần 100 người. Đây là những người trẻ tuổi nhiệt thành có mục đích phụng sự rõ ràng. Không ai có thể đến tham chiến ở Đông Dương mà không cầu mong Washington trao cho họ những gì họ cần trên chiến trận. Chỉ với điều kiện đó thì thế giới tự do mới tránh được một trải nghiệm đau lòng khác như đã từng có với Trung Hoa.
Năm đứa trẻ tôi thấy chơi đùa trên hè phố ở Hà Nội cần phải được chỉ cho biết rằng chúng không nên tiếp tục chỉ quan tâm đến việc đoán xem ai sẽ thành “ông lớn” ở nước mình. Nếu bắt buộc phải có một canh bạc, chúng nên đặt cược vào chính mình.
Cơ hội này là duy nhất, nhưng thời gian có thể rất cấp bách. Mỗi ngày đều có ý nghĩa quan trọng. Đây có thể là thử thách chính trị tối hậu ở châu Á.■
Andre Laguerre
Phan Xích Linh (dịch)
Chú thích:
[1] Lính mộ là cách gọi bằng tiếng Việt của Goum – tên đội quân người bản xứ (như Algérie, Maroc) hoạt động dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan Pháp ở châu Phi. Khi Pháp chiếm Đông Dương thì một số đơn vị của đội quân này cũng sang tham chiến ở Đông Dương.
[2] Lê dương là phiên âm tiếng Việt rút gọn của Légionnaire Étrangère, nghĩa là Quân đoàn Ngoại quốc. Đây là một quân đoàn được chính phủ Pháp thành lập để cho phép tuyển mộ những người có quốc tịch các nước khác tham gia vào quân đội Pháp. Quân đoàn lê dương có các đơn vị bộ binh, kị binh, kĩ thuật quân sự và binh sĩ không vận.
[3] Afrika Korps, tên gọi lực lượng viễn chinh Đức ở châu Phi trong chiến dịch Bắc Phi thời Đệ nhị Thế Chiến. Tư lệnh nổi tiếng nhất của lực lượng này là Thống chế Erwin Rommel, một trong những viên tướng thân cận của Adolf Hitler.
[4] Chỗ này có lẽ tác giả bài báo đã nghe ai đó giải nghĩa sai hai từ Việt Minh, viết tắt của Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội.
[5] Tiếng Pháp là le Maroc utile, tên chiến lược cai trị tập trung vào các vùng đông dân, giàu tài nguyên của Maroc trải dài từ El Jadida tới Kenitra, ngang qua các bình nguyên phương bắc tới Meknes và vươn tới Marrakech ở phương Nam. Các vùng nội địa chủ yếu là đồi núi, ít tiềm năng khai thác thì người Pháp gọi là le Maroc inutile (Maroc vô dụng).
[6] European Common Allocation – khoản phân bổ chung cho châu Âu, thuộc Kế hoạch Tái thiết châu Âu (European Recovery Program), thường được biết với tên gọi Kế hoạch Marshall (tiếng Anh: Marshall Plan), một sáng kiến của Mỹ được ban hành vào năm 1948 nhằm cung cấp viện trợ cho Tây Âu sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Kế hoạch này thường được gọi theo tên của người khởi xướng, Ngoại trưởng Mỹ George Marshall.