Chủ nghĩa Đế quốc Pháp thời ban sơ tại Cochinchina

Francis Garnier

Ngô Bắc dịch

Francis Garnier, dưới bút hiệu G. Francis, đã ấn hành nhiều tập tiểu luận đáng lưu ý về Cochinchina trong thập niên 1860, là một thanh niên với tầm nhìn xa đã phục vụ với tư cách trung úy trong Hải quân Hoàng Gia Pháp tại Trung Hoa và sau đó đã trở thành một viên chức hành chính xuất sắc tại Chợ Lớn. Ông ta mạnh mẽ phản đối việc “hoàn trả” ba tỉnh miền đông của Nam Kỳ vốn đã được nhượng cho Pháp, một đề tài được tranh luận nghiêm chỉnh tại Paris vào lúc đó. Thái độ này đã được phản ảnh một cách rõ ràng trong các trích đoạn từ các tập “La Cochinchina francaise en 1864” và “De la colonisation de la Cochinchine,” lần lượt được viết trong các năm 1864 và 1865.

 

COCHINCHINA THUỘC PHÁP NĂM 1864

Tố chức làng xã hãy còn là căn bản của xã hội An Nam; căn bản này vững chắc đến nỗi, bất kể chiến tranh, bất kể các nỗ lực của các thẩm quyền An Nam tại các tỉnh thuộc Pháp, việc di cư ra khỏi lãnh địa của Pháp chỉ xảy ra ở một mức độ rất nhỏ.  Chúng ta có ở đây một phương tiện hành động mạnh mẽ mà chúng ta phải duy trì một cách cẩn trọng ngay cả đối với mắt xích ít quan trọng nhất. Chúng ta hãy mang lại sự tự do đầy đủ nhất cho cuộc bầu cử các xã trưởng (các nhà lãnh đạo); chúng ta hãy gia tăng ảnh hưởng, đặc quyền của họ, chúng ta hãy biến họ trở thành những người bảo vệ nội sinh cho người dân.  Khi nền tảng này của cơ cấu được bảo vệ và tôn trọng một cách cẩn trọng như thế, người dân An Nam sẽ chấp nhận một cách rất mau chóng… Các hành chính gia Pháp thay thế các quan lại tham lam ở thượng tầng (của quốc gia).  Cùng với đó, với sự du nhập của hoạt động thương mại của Âu Châu, sự nở rộ của các thị trường sẽ nâng cao sự thịnh vượng chung gấp hàng trăm lần và lật nhào các thành kiến mới nhất. Khi các công trình công chính được thực hiện, khi các phương tiện truyền thông được thiết lập, các biện pháp thi hành mang lại lợi ích vệ sinh công cộng sẽ được người dân coi là đáng ngưỡng mộ và biết ơn…

Mới chỉ có ba năm từ khi chúng ta quả quyết chiếm hữu vùng ven bờ sông Đồng Nai; mới chỉ có một năm trôi qua khi nhìn lại những khó khăn mới nhất … Nhưng các khoản thuế đã được thu hữu hiệu, các mệnh lệnh của chúng ta được thi hành một cách tuyệt vời.  Những người xúi giục sự nổi dậy, mới mười tám tháng trước đây, có thể rong ruổi khắp nước trong sự an toàn, tạo được sức mạnh bằng cảm tình giấu kín của mọi người dân, nay gặp khó khăn trong việc tìm được nơi ẩn náu yên hàn; một số còn bị giao nộp bởi chính làng xã nơi mà họ tỵ nạn.  Không may là việc này chưa phải xảy ra ở khắp mọi nơi; trong những quận huyện hẻo lánh nhất, nơi mà cuộc nổi dậy có lúc đã có thể tự củng cố một cách toàn diện hơn, các lãnh tụ khởi nghĩa vẫn duy trì được đầy đủ uy tín của họ. Một sự trấn áp cương quyết là điều cần thiết. Chúng ta phải tái bảo đảm cho người An Nam bằng những chứng cớ không thể dị nghị được rằng cơ cấu thiết định của chúng ta là một cơ cấu ổn định…

Nếu tôi uớc lượng đúng tình hình trong đó người dân có thể được khuất phục một cách mau chóng và toàn diện, chúng ta có thể hy vọng, sau một thời khoảng rất ngắn, sẽ trông thấy sự chiếm đóng bằng vũ trang được cắt giảm xuống mức độ bình thường hơn và chính quyền quân sự sẽ được thay thế bởi một cơ cấu hành chính dân sự. Không hề phủ nhận tất cả những gì mà giới quân sự đã làm trong cuộc chinh phục và trong việc tổ chức [cai quản] thuộc địa, [nhưng] người ta cũng không thể chối bỏ được sự bất lợi của việc gây ra một cảm giác bất an thường trực nào đó…(bởi vì) có sự thay đổi thường xuyên và không thể tránh khỏi mà nó [chính quyền quân sự, chú của người dịch] đã đưa ra trong việc điều hành các sự vụ của chúng ta.…(Cũng bởi) tính chuyên đoán trong cách nhìn sự việc, sai lầm thường xảy ra trong việc mong muốn xứ sở này phải điều chỉnh theo các ý tưởng của nó, thay vì phải sửa đổi các ý tưởng cho phù hợp với đất nước này…

…Nước Pháp nhất thiết phải theo dõi với cặp mắt chăm chú các diễn tiến và thăng trầm của cuộc chiến trong đó có sự hiện diện của Trung Hoa trên đấu trường. Cuộc khủng hoảng hiện nay tạo thành một cú đánh chí tử vào các thị trường Âu Châu của Trung Hoa. Ngay cả Thượng Hải, sau khi cho thấy một sự thành công kỳ diệu, nay đang đứng chững lại. Nếu đế quốc Trung Hoa sụp đổ, các mảnh vỡ của nó sẽ nhất thời ngăn trở các ngả đường thông thương. Sàigòn, hải cảng Âu Châu duy nhất được bảo vệ ngoài sự xáo trộn này và thừa hưởng một sự yên tĩnh tuyệt hảo, được cầu cứu đi thu vớt các phiêu vật của cơn tai biến này và sẽ tăng trưởng đến mức độ bao gồm tất cả những gì nơi khác đã mất đi. Trong sự giao thương trên đất liền với Trung Hoa, Sài Gòn sẽ nhanh chóng là một cửa ngỏ mậu dịch gần như độc quyền, và nền mậu dịch của Sàigòn sẽ đạt đến những kích thước không thể nào đo lường trước được….

…Cochinchina tạo ra các tốn phí rất lớn, tôi biết vậy. Liệu chúng ta có thu hồi lại được tổng số chi phí đã mất hay không? Chắc chắn không. Liệu nó sẽ còn gây tốn kém nhiều hơn nữa không? Tôi dám xác quyết rằng, nếu chúng ta muốn, thuộc địa của chúng ta có thể tự túc từ giờ phút này trở đi…  Algeria đã có ba mươi năm trước khi bị yêu cầu đóng góp máu và vàng dùng để chi tiêu cho nó. Tại sao chúng ta lại không dành ba năm cho Cochinchina, vùng đất mà tôi không ngần ngại so sánh với phần lãnh thổ của chúng ta tại châu Phi? Về mặt trị giá thương mại,(Cochinchina) vượt xa Algeria; và về vị trí của nó, ảnh hưởng của nó chẳng lẽ bị kém quan trọng đi vì nó ảnh hưởng đến một đấu trường xa xôi hơn hay sao ?…

… Cung cách mà Anh Quốc đã thẩm định nó là một dấu hiệu vững chắc cho trị giá và tương lai vùng lãnh địa Cochinchina của chúng ta. Không ai lại có một cái nhìn thấu triệt trong việc phán đoán một cuộc chinh phục cho bằng một đối thủ. Từ mọi thành viên của các cơ quan báo chí của Anh Quốc tại vùng biển Trung Hoa, người ta có thể nghe thấy sự châm biếm cay độc không dứt về việc Pháp chiếm đóng Sàigòn và về tham vọng vô bờ của Pháp Quốc . Thật là những lời phàn nàn kỳ quái phát ra từ những cái loa như thế!  (Nhưng) ít nhất chúng cũng mở mắt cho chúng ta.

… Chính vì thế, nắm giữ một vị trí địa dư đáng ngưỡng mộ trên lục địa Á Châu bằng một cảm hứng may mắn và hiệu quả, đã được nhìn thấy trong khoảnh khắc một tương lai thuộc địa tươi đẹp hơn đang mở rộng cho chúng ta và một đế quốc mới của vùng Đông Ấn Độ đang vươn lên dưới bóng cờ của chúng tạ, [chẳng lẽ] chúng ta lại sẵn sàng buông xuôi mọi thứ chỉ vì một giờ phút bồn chồn nóng nảy, một cơn khủng hoảng rồi sẽ qua đi, và [để rồi] chúng ta sẽ phải cam chịu một cách vô vọng việc quay trở lại để nhìn thấy ảnh hưởng và nền mậu dịch Pháp Quốc tại vùng biển Trung Hoa sẽ phải sống trơ trụi trong một tình trạng trì trệ của những thời kỳ trước đây [hay sao]. Hãy đưa ra một sự cự tuyệt vang dội để tái bảo đảm với mọi người, để đem lại một sức sống mới cho nền tảng của chúng ta đang ở thời kỳ phôi thai, và để cho phép chúng ta khảo sát những khuôn khổ tương xứng chứng tỏ sẽ thích hợp cho việc bảo đảm cho chính chúng.

VỀ VIỆC THỰC DÂN HÓA VÙNG COCHINCHINA

… Việc chiếm hữu ba tỉnh của chúng ta vẫn chưa đủ và sẽ trở nên nguy hiểm nếu không được bổ sung thêm, trong một thời hạn rất ngắn, bằng việc chinh phục phần còn lại của vùng Cochinchina. Chính người An Nam luôn luôn coi sáu tỉnh tạo thành một khối bất khả phân chia; việc người An Nam chinh phục lãnh địa Biên Hòa từ người Căm Bốt là định mệnh kết buộc họ vào việc chinh phục tòan thể vùng châu thổ… Các hiệp ước bắt buộc chúng ta phải dành quyền cho các nhân viên của [triều đình] Huế được đi xuyên qua lãnh địa của chúng ta; chúng ta không thể ngăn cản các nỗ lực chiêu mộ của họ, cùng cảm tưởng bực tức về sự xuyên quá và quan điểm mà các quan lại cũ đã tạo ra trên người dân An Nam. Chừng nào tình trạng địa dư này còn tồn tại, chúng ta còn phải chịu đựng sự thù nghịch câm lặng và thường trực của các tầng lớp thượng lưu, sự thách đố và sự ngập ngừng tai hại của quần chúng… Việc chiếm đóng ba tỉnh kia sẽ tức thời cắt giảm biên giới của chúng ta được 70 dặm (Anh) … vốn rất khó phòng thủ. Cuộc chinh phục này, nếu được thực hiện một cách khéo léo, có lẽ không làm chúng ta tốn phí xương máu nhiều hơn một cuộc trận đánh không đổ lệ trong thời cổ xưa…

… Về mục đích của một nền kinh tế bị ngộ nhận một cách tệ hại, cấp số nhân viên phụ trách hành chính bị cắt giảm đến mức tối thiểu thảm thương, hay đúng hơn đến mức ở dưới mức tối thiểu; từ lý do này dẫn tới việc không thể thi hành việc tái tổ chức xứ sở và đặc biệt hơn để hành thâu các sắc thuế, sự tiếp diễn một loạt những sự lạm dụng mà chúng ta thừa kế từ chế độ của An Nam, (và) sự du nhập của một số vấn đề khác. Chúng ta phải tự hài lòng với công việc đếm từng ngày một; chúng ta không thể suy nghĩ về các cuộc nghiên cứu dự bị nghiêm chỉnh thiết yếu cho những cải cách mà mọi người đều cảm thấy cần thiết song không có khả năng tiến hành. Thuế đất cho năm 1865 đã được lượng giá là 1.600.000 francs; không ai nghi ngờ rằng người dân đã đóng nhiều hơn thế. Số tiền thuế bị lấy bởi các tầng lớp trung gian bản xứ lên tới mức khó có thể tin được, một số lượng gấp ba lần, đôi khi nhiều hơn thế nữa. Một hệ thống địa bạ sẽ là một công trình to lớn về mặt hoàn thiện đạo đức của xứ sở và cho một sự gia tăng các tài nguyên tài chính. Việc thiết lập các hồ sơ [thuế] cá nhân sẽ giúp ích cho việc bãi bỏ các số thu giả tạo và đau khổ từ nha phiến và các lãnh trưng về cờ bạc trông có vẻ là cần thiết vào lúc khởi đầu, và những sắc thuế thuộc loại lặt vặt sẽ phải gạt ra khỏi ngân sách năm 1865…

… Tóm lại, chiếm hữu cả sáu tỉnh, việc tổ chức, nếu không phải là một chính quyền dân sự, song ít nhất phải là một chính quyền địa phương phù hợp với thuộc địa, sự phát triển các tài nguyên nông nghiệp của nó và với ảnh hưởng thương mại (của chúng ta) … tại Đông Dương, đối với tôi là điều có thể thực hiện được vào thời điểm này mà không làm gia tăng các chi phí bởi (việc dựa vào) các tài nguyên của vùng thuộc địa không thôi.  Bởi sự xúc tiến mau lẹ việc mang lại một vị thế ổn định rõ ràng (vào lúc này) chúng ta sẽ thoát khỏi sự mò mẫm lâu dài và tốn kém vì một chính sách mơ hồ và không quyết đoán, bởi một chính phủ với nhân viên quá nhiều khác biệt và rất nhiều bất ổn./-

 

Nguồn: Georges Taboulet, ed., La geste francaise en Indochine (Paris: Adrien-Maisonneuve, 1956), Vol. II, các trang 542-545.  Bản dịch sang tiếng Anh bởi Magaret W. Broekhuysen.

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN