Chính sách của Hoa Kỳ và căn nguyên của cuộc chiến Pháp - Việt Minh, 1945-1956 (Kỳ 1)

Gary R. Hess [1]

Anh Phương dịch

Nguồn: Hess, Gary R. “United States Policy and the Origins of the French – Viet Minh War, 1945–46.” Peace & Change 3, no. 2‐3 (1975): 21-33. (Bài đăng trên tạp chí Peace & Change, năm 1975)

LTS: Bài viết dưới đây phân tích về chính sách của Hoa Kỳ đối với Đông Dương và Việt Nam giai đoạn 1945-1946. Đây là giai đoạn lịch sử cực kỳ quan trọng và hào hùng của dân tộc Việt Nam, gắn với cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám và Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2 tháng 9 năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19 tháng 12 năm 1946. Mặc dù có những hạn chế nhất định về chỗ đứng, góc nhìn của tác giả, nhưng bài viết cũng đã cung cấp được nhiều tư liệu có giá trị giúp cho việc tham khảo để hiểu thêm về mối quan hệ giữa Việt Nam, Mỹ và Pháp trong những tháng năm lịch sử cực kỳ sôi động ngày ấy. Đặc biệt, tài liệu đã nêu rõ tầm nhìn và quyết tâm mãnh liệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người nhiều lần kêu gọi Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của Việt Nam để đuổi các thế lực ngoại bang ra khỏi bờ cõi nước ta. Trong chiều dài lịch sử, từng là một nước thuộc địa (của Anh Quốc), Hoa Kỳ, theo nhận định của tác giả, có “bản năng” chống thực dân. Và có lẽ vì điều đó, Bác Hồ khi ấy cũng tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ công nhận nền độc lập của Việt Nam. Tuy nhiên, vì mối lo ngại đối với chủ nghĩa cộng sản, Hoa Kỳ đã bỏ qua khát vọng độc lập dân tộc của người Việt Nam và không đáp ứng các đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản thân người Mỹ sau này cũng đã thừa nhận đó là một sai lầm.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài phân tích này của GS. Gary R. Hess.

***

Từ tháng 3 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946, bán đảo Đông Dương là hiện trường của một loạt những cuộc chính biến đầy bạo lực. Vào ngày 9/3/1945, người Nhật bất ngờ lật đổ chính quyền Pháp, vốn có quan hệ hợp tác với Nhật từ năm 1941, và thay thế bằng một chính quyền độc lập nhưng chỉ trên danh nghĩa. Chỉ vài tháng sau đó, tổ chức Việt Minh do những người theo chủ nghĩa Cộng sản cầm đầu nổi lên như một lực lượng dân tộc chủ nghĩa hàng đầu tại Việt Nam, họ tấn công các tiền đồn của người Nhật, hợp nhất cũng như loại trừ các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc khác, cung cấp viện trợ cho những người dân Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh bởi nạn đói, và nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở miền Bắc Việt Nam. Khi quân Nhật đột ngột đầu hàng vào tháng Tám, Việt Minh liền nắm lấy cơ hội khi vũ đài chính trị đang bị bỏ trống. Trước khi các đơn vị chiếm đóng của quân Đồng minh tiến vào bán đảo Đông Dương, ông Hồ Chí Minh đã tuyên bố Việt Nam độc lập, cùng lúc đó, các đơn vị quân Việt Minh hối hả thiết lập các cơ sở vững chắc tại miền Nam. Việt Minh tìm kiếm sự ủng hộ từ Hoa Kỳ và Quốc dân đảng của Trung quốc, lúc đó lực lượng của hai nước này đang chiếm đóng miền Bắc của bán đảo Đông Dương. Không hài lòng với những xuất phát điểm đó, từ cuối năm 1945 và xuyên suốt năm 1946, ông Hồ Chí Minh đã tìm cách thiết lập quan hệ với Pháp sau khi các đơn vị quân đội của nước này bắt đầu tiến vào Đông Dương vào tháng 9 năm 1945. Sau nhiều nỗ lực đàm phán kéo dài, và mặc dù đã đạt được một số thỏa thuận tạm thời, Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vẫn không tìm được tiếng nói chung và rơi vào xung đột. Tới tháng 12 năm 1946, mọi hi vọng cho một giải pháp hòa bình đã kết thúc khi Pháp và Việt Minh phải sử dụng đến vũ lực tại miền Bắc Việt Nam, khởi đầu cho một cuộc chiến kéo dài tới bảy năm rưỡi.

Chính sách và vai trò của Hoa Kỳ tại Việt Nam trong giai đoạn này là chủ đề của nhiều tài liệu, bài viết phản ánh các cách nhìn nhận khác nhau. Tuy nhiên, khá nhiều trong số những tài liệu có sẵn này mang tính tranh luận, khiêu khích hơn là phản ánh lịch sử. Chúng cũng thường xuyên tập trung vào những hoạt động của một nhóm nhỏ binh lính và sĩ quan tình báo Hoa Kỳ ở miền Bắc Việt Nam vào giai đoạn cuối năm 1954, hơn là nói về định hướng chung và những đặc điểm trong chính sách của Hoa Kỳ tại Đông Dương trong khoảng thời gian từ tháng 3 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946.

Các tài liệu của Pháp viết về thời kì này, dù được đưa ra bởi chính phủ, hay các nhà báo hoặc các học giả, đều chỉ trích gay gắt Hoa Kỳ. Luận điểm chủ yếu của người Pháp là Hoa Kỳ, bắt đầu từ thái độ phản đối của Tổng thống Franklin D. Roosevelt với việc khôi phục lại quyền lực của Pháp và việc tiếp tục các hoạt động ủng hộ Việt Minh của các binh sĩ Mỹ trong mùa hè và mùa thu năm 1945, ngăn cản việc khẳng định quyền lực của Pháp tại miền Bắc Việt Nam sau chiến tranh. Hoa Kỳ đã khuyến khích ông Hồ Chí Minh và những người ủng hộ ông khẳng định nền độc lập tách rời khỏi nước Pháp, thể hiện ra mặt việc công nhận tuyên bố độc lập của Việt Minh, và phá hoại các nỗ lực của Pháp trong việc khẳng định chủ quyền. Với việc không hỗ trợ người Pháp, Hoa Kỳ đã vô tình tiếp tay cho Cộng sản và gieo mầm cho những rắc rối, thất bại sau này của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á.

Cách nhìn của người Pháp, một phần bắt nguồn từ một bài viết vào năm 1947 của một tác giả theo cánh tả, Pierre Maurice Dessinger. Dessinges quả quyết rằng các nhân viên của Văn phòng Tình báo chiến lược (OSS) đã hoạt động như tay sai của những nhà tài phiệt Phố Wall và đã đưa ra các đề xuất kinh tế có lợi cho phía Việt Minh để đổi lại một số quyền đặc nhượng cho người Mỹ ở Việt Nam. Vai trò của Mỹ ở Đông Dương cũng bị chỉ trích bởi những người khác, bao gồm Michel Deveze trong cuốn La France d’Outre-Mer: de L’Empire Colonial a L’Union Francaise 1938-1947 (Pháp ở nước ngoài: Từ đế chế thuộc địa tới Liên hiệp Pháp 1938-1977) (1948) và trong cuốn hồi ký năm 1952 của Đại tướng Gabriel Sabattier; sau khi thoát khỏi Đông Dương vào đầu năm 1945, ông Sabattier đã nhận thấy rằng quân đội Mỹ ở Trung Quốc không đồng tình với những mục tiêu của Pháp ở Đông Dương. Một nguồn tài liệu quan trọng khác thể hiện cách nhìn nhận của người Pháp là cuốn hồi ký năm 1953 của Thiếu tá Jean Sainteny, người được chỉ định là Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ năm 1945 và có mối quan hệ rất căng thẳng với các nhân viên OSS ở Côn Minh, Trung Quốc, cũng như ở Hà Nội. Sainteny đổ lỗi cho Hoa Kỳ vì những khó khăn của ông trong việc tái khẳng định chủ quyền của Pháp khi đương đầu với tuyên bố độc lập của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những chỉ trích của Dessinges và Sainteny đã được nhắc đi nhắc lại bởi nhiều học giả, trong đó có Phillipe Devillers, trong cuốn Histoire du Viet-Nam 1940 a 1952 (Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952) (1953), Jean Chesneaux trong Contribution a L’Histoire de la Nation Vietnammienne (Đóng góp cho lịch sử đất nước Việt Nam) (1954), và Paul Isoart, trong Le phénomène national viêtnamien : de l’indépendance unitaire à l’indépendance fractionnée (Hiện tượng đất nước Việt Nam: Từ độc lập thống nhất tới độc lập chia rẽ) (1961). Trong hồi ký của mình, Tướng Charles de Gaule cũng chỉ trích những ý định của Mỹ ở Đông Dương, đặc biệt là của kình địch của ông – Tổng thống Mỹ Roosevelt. Bernard Fall, bắt đầu với một bài báo năm 1955 trên tờ Politique Etrangere và sau đó trong cuốn The Two Viet-Nams, cũng khiển trách thái độ của Roosevelt cùng những hoạt động của nhân viên chính phủ Mỹ trong giai đoạn đầu thời hậu chiến tại Hà Nội. Trong những tác phẩm sau này, Fall gợi ý rằng chính thái độ không sẵn sàng hậu thuẫn Pháp của Hoa Kỳ là căn nguyên nảy sinh sự nghi ngờ sâu sắc của Pháp và Vương quốc Anh, khiến cho những nỗ lực sau này để có một sự đoàn kết nhất trí chung giữa các nước phương Tây đối với châu Á bị cản trở.

Tương phản mạnh mẽ với cách nhìn của người Pháp là một trường phái lập luận mà ta có thể đặt tên là “cơ hội đánh mất của Hoa Kỳ”. Các đại diện của trường phái này chê trách Hoa Kỳ vì đã không hỗ trợ thỏa đáng cho phe dân tộc chủ nghĩa Việt Nam và đáng ra nên phản đối chính sách thực dân của Pháp. Nhìn chung họ có góc nhìn cởi mở, họ lập luận rằng Hoa Kỳ có được uy tín và lợi thế lớn ở Đông Dương vào cuối Thế chiến II là nhờ vào những tuyên bố chống thực dân của Hoa Kỳ, vào sự tiếp xúc chặt chẽ giữa cán bộ, nhân viên của Việt Minh và của Hoa Kỳ ở Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam, cùng mong muốn nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ của Việt Minh. Ban đầu, Hoa Kỳ ngấm ngầm rồi sau đó công khai ủng hộ Pháp, vì vậy mà họ đã bỏ lỡ cơ hội nuôi dưỡng một mối quan hệ công việc tốt với một phong trào dân tộc thân thiện và có thiện cảm với Hoa Kỳ trong giai đoạn 1945-46. Harold Isaacs, hành nghề phóng viên ở Đông Nam Á sau Thế chiến II, là người đầu tiên đưa ra những yếu tố cơ bản của lập luận “cơ hội đánh mất”; trong các bài báo và cuốn sách năm 1947 của ông, No peace for Asia (Không có hòa bình cho châu Á), ông nhấn mạnh rằng uy tín của Hoa Kỳ ở Đông Dương và các nơi khác ở Đông Nam Á bị xói mòn là do sự mâu thuẫn của Washington trong vấn đề chống chủ nghĩa thực dân. Sau sự can thiệp quân sự quy mô lớn của Hoa Kỳ ở Việt Nam trong thập kỷ vừa qua, đã có nhiều tài liệu trình bày một cách toàn diện hơn về lập luận “cơ hội đánh mất”, đáng chú ý là các tác phẩm của Chester Cooper, Robert Shaplen và King Chen (2).

Vẫn còn một cách giải thích khác về chính sách của Mỹ, được đưa ra bởi nhà sử học theo phe Tân Tả (New Left), Gabriel Kolko. Mặc dù phe Tân Tả đã ở trong đội tiên phong phản đối chính sách đối với Việt Nam của Hoa Kỳ trong những năm 1960, chỉ có Kolko, trong hai cuốn The Roots of American Foreign Policy (Gốc rễ của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ) và The Politics of War (Chính trị chiến tranh), đã bình luận bao quát về những diễn biến trong giai đoạn 1945-46. Theo Kolko, Mỹ “đã có thể quyết định nền độc lập” của Việt Nam nếu sử dụng tài nguyên quân sự của mình một cách hiệu quả. Tuy nhiên, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ ủng hộ nguyện vọng của Việt Nam, bởi tất cả người Mỹ, kể cả Văn phòng Tình báo Chiến lược OSS và những người tiếp xúc với ông Hồ Chí Minh trong 1945-46, đều không ưa khía cạnh Cộng sản của tổ chức Việt Minh. Vì vậy, những người Mỹ hoạt động ở Hà Nội, không hề có ý định mở đường cho khả năng hợp tác giữa Mỹ và Việt Minh, và trên thực tế, trong báo cáo của họ với Washington, đã kêu gọi Bộ Ngoại giao chú ý tới tư tưởng cộng sản của ông Hồ Chí Minh; điều này, trên thực tế, đã đảm bảo rằng Mỹ sẽ ủng hộ cho việc khôi phục quyền lực của Pháp. Quan điểm của Kolko ở đây là, các tác nhân của hệ thống tư bản chủ nghĩa đã tạo ra sự phản đối trên khắp thế giới thời hậu chiến đối với cánh Tả (3).

Quan điểm cuối cùng về chính sách của Hoa Kỳ đến từ Chính phủ Hà Nội. Nước Cộng hòa non trẻ lúc đó đã hi vọng và đặt cược vào sự ủng hộ của Hoa Kỳ, nhưng với việc mối liên hệ Mỹ-Việt Minh bị xóa bỏ vào năm 1945, người Việt Nam hiện giờ nhìn nhận Hoa Kỳ là phe đối lập kiên định đối với những nguyện vọng của họ. Ngay từ năm 1946, ông Trường Chinh, trí thức hàng đầu trong giới lãnh đạo Hà Nội, đã viết tư liệu về Thế chiến II và cuộc cách mạng Việt Nam, ông không đề cập tới vai trò của Mỹ trong việc đánh bại Nhật Bản và mối quan tâm của Mỹ đối với Đông Dương (4). Tới năm 1951, khi Hoa Kỳ công khai tài trợ cho nỗ lực quân sự của Pháp, ông Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng vào năm 1945, “… các nhà tư bản Hoa Kỳ đã trở thành những tên đế quốc hàng đầu, những kẻ phản động hàng đầu” và đã hỗ trợ người Pháp từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến của người Việt Nam (5). Trong dòng chảy của cuộc chiến với Mỹ trong những năm 1960, Việt Nam đã tiếp tục sửa đổi những dữ kiện lịch sử của năm 1945 và nhìn nhận Mỹ như kẻ thù chính sau Thế Chiến II. Gần đây, Hoa Kỳ đã được miêu tả là đã yêu cầu quân đội Quốc dân đảng của Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam vào tháng 9 năm 1945 để thiết lập một “chính phủ phản động” dưới quyền kiểm soát của Hoa Kỳ-Tưởng Giới Thạch (6).

Tài liệu về chính sách của Mỹ đối với Việt Nam từ tháng 3 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946 hiện khá đầy đủ và chi tiết. Việc công bố các tài liệu của Lầu Năm Góc, phát hành các tập tư liệu của năm 1945 và 1946 trong loạt tư liệu Foreign Relations of the United States (Quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, việc mở văn khố lưu trữ của Bộ Ngoại giao và công bố các văn bản của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã cung cấp một hồ sơ toàn diện về chủ đề này. Kho tài liệu đồ sộ này cùng với việc cuối cùng Mỹ cũng tham gia vào các hoạt động quân sự ở Đông Dương có thể khiến các học giả thổi phồng mức độ quan tâm chính thức của Mỹ đối với mối quan hệ Pháp-Việt sau Thế Chiến II. Nhưng các nhà hoạch định chính sách Mỹ, vốn quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề ở châu Âu và Đông Á, đã đánh giá Đông Dương chỉ có tầm quan trọng thứ cấp. Tuy nhiên, do Đông Dương có liên quan tới các lợi ích của Mỹ ở Pháp và tính chất cộng sản của phong trào dân tộc Việt Nam, các quan chức cao cấp ở Washington đã coi mối quan hệ Pháp-Việt Minh là yếu tố quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của Mỹ ở châu Âu và châu Á (7).

Vào thời điểm Nhật Bản bị lật đổ, Tổng thống Franklin D. Roosevelt có kế hoạch lập một hội đồng ủy trị thời hậu chiến ở Đông Dương và điều này đã hình thành nên chính sách của Hoa Kỳ. Roosevelt đã kiên định từ chối công nhận quyền chủ tể của Pháp ở Đông Dương. Cuối năm 1944, ông đã từ chối yêu cầu của Văn phòng Tình báo Chiến lược OSS về việc hỗ trợ Pháp tiến hành kháng chiến ở Đông Dương và trong Hội nghị Yalta vào tháng 2 năm 1945, Tổng thống đã thông qua các hoạt động quân sự ở Đông Dương với điều kiện chúng không liên kết với Người Pháp.

Sự kiện Nhật đảo chính lật đổ Pháp khiến các đơn vị Việt Minh và Hoa Kỳ trong khu vực xích lại gần và hình thành một liên minh cùng có lợi. Giờ đây họ có một kẻ thù chung cụ thể hơn trước chừng nào chế độ cai trị méo mó của Pháp còn tồn tại. Trong một khoảng thời gian, các lãnh đạo Việt Minh đã hy vọng vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong các hoạt động quân sự; và để tìm kiếm sự giúp đỡ, ông Hồ Chí Minh đã rời khỏi căn cứ trong rừng của mình ở miền Bắc Việt Nam đến Côn Minh ở miền nam Trung Quốc, nơi có trụ sở của Đơn vị Không quân số 14 của Hoa Kỳ và Trụ sở điều hành các hoạt động của Văn phòng Tình báo Chiến lược OSS trong khu vực. Các quan chức Hoa Kỳ đã khước từ lời đề nghị giúp đỡ của ông. Nhưng sau khi cuộc đảo chính của Nhật Bản xóa bỏ mạng lưới tình báo của lực lượng Pháp quốc Tự do (Free France) ở Đông Dương, vốn là nguồn cung cấp thông tin cho Văn phòng Tình báo Chiến lược (OSS), Việt Minh nổi lên như là nguồn cung cấp thông tin tình báo phù hợp nhất. Do đó, OSS đồng ý cung cấp thiết bị vô tuyến và một lượng nhỏ vũ khí và đạn dược để đổi lấy sự hỗ trợ của Việt Minh trong việc thu thập thông tin tình báo, phá hoại các cơ sở căn cứ của Nhật Bản và giải cứu các phi công của phe Đồng Minh. Người Mỹ đã đưa ông Hồ Chí Minh về đến biên giới Việt Nam bằng máy bay. Vào tháng Tư, Thiếu tá Archimedes Patti của OSS đã gặp ông Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Việt Minh khác ở miền Bắc Việt Nam và phối hợp với Việt Minh tiến hành các hoạt động quân sự của Mỹ để tấn công vào các căn cứ của Nhật Bản. Đến mùa hè, đã có năm đơn vị OSS hợp tác với Việt Minh (8).

Những tháng cuối của cuộc chiến khu vực Thái Bình Dương là thời điểm mối quan hệ Mỹ-Việt Minh phát triển, nhưng đó cũng là lúc Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao đã tìm cách xác định rõ chính sách của Hoa Kỳ. Ngay sau cái chết của Roosevelt, chính quyền Truman được cho là đã muốn loại bỏ những nghi ngờ về chính sách của Mỹ; tại Hội nghị San Francisco vào tháng Năm, Hoa Kỳ đã thông báo với Pháp rằng họ không nghi ngờ chủ quyền của Pháp, qua đó dập tắt bất kỳ hy vọng nào còn sót lại đối với ý tưởng về một hội đồng ủy trị quốc tế của Tổng thống Roosevelt (9). Việc công nhận vị trí của Pháp ở Đông Dương là một phần trong nỗ lực chung của chính phủ Mỹ nhằm tăng cường quan hệ với Pháp. Nhưng trong Bộ Ngoại giao, có nhiều người trong số các viên chức thuộc Ban phụ trách các vấn đề Viễn Đông từ lâu đã quan ngại về quan điểm của Mỹ đối với các vấn đề thuộc địa và định hướng ưu tiên châu Âu (Europe-first) trong chính sách của Mỹ. Họ đã đặt câu hỏi về “lá phiếu trống” dành cho Pháp ở Đông Dương. Trong một tài liệu về các vấn đề hậu chiến của Mỹ ở Thái Bình Dương, Ban phụ trách Viễn Đông nhấn mạnh rằng ở Đông Nam Á, Hoa Kỳ sẽ rơi vào tình trạng khó xử khi phải dung hòa giữa chủ nghĩa chống thực dân và nhu cầu bảo toàn sự đoàn kết giữa các nước phương Tây. Theo họ ước tính, phong trào chủ nghĩa dân tộc đã phát triển mạnh mẽ ở Bắc Trung Kỳ và Bắc Kỳ, và giành được sự ủng hộ của khoảng một triệu người. Trước tình hình đó, Hoa Kỳ nên khuyến khích người Pháp đồng ý với giải pháp về một chính quyền tự trị hướng đến độc lập (10).

Vào ngày Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận được những thông tin cho thấy một cuộc xung đột sắp xảy ra ở Đông Dương. Vào ngày 14 tháng 8, ngày người Nhật chấp nhận các điều khoản đầu hàng của Đồng minh, Chính phủ Anh bày tỏ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sự quan ngại về khả năng những người theo chủ nghĩa dân tộc Việt Nam tiến hành các hoạt động quân sự chống lại quân đội Anh khi họ đến đóng quân ở miền Nam Đông Dương (11). Hai ngày sau, William Langdon, Lãnh sự Mỹ tại Côn Minh, báo cáo rằng người dân Việt Nam chắc chắn phản đối mọi nỗ lực tái khẳng định chủ quyền của Pháp và đề nghị Hoa Kỳ, Anh, và Trung Quốc nên cùng cai quản Đông Dương cho đến khi mối quan hệ Pháp-Việt được giải quyết (12).

Ở Việt Nam, Chiến tranh (Thế chiến II) kết thúc đã dẫn đến sự kiện “Cách mạng tháng Tám”, báo trước ngày tàn của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Sau cuộc đảo chính của Nhật Bản, ảnh hưởng của Việt Minh đều đặn gia tăng vững chãi và họ đã nắm bắt cơ hội được tạo nên nhờ sự đầu hàng bất ngờ của Nhật Bản. Ngày 13 tháng 8, Việt Minh phát lệnh Tổng khởi nghĩa; trong vài ngày tiếp theo các “Ủy ban dân tộc giải phóng” được thành lập trên khắp các địa phương của Việt Nam và bắt đầu thực hiện công tác quản lý. Trong một thời gian ngắn, tất cả các khu vực của Việt Nam, ngoại trừ một vài tỉnh sát biên giới Trung Quốc, đều nằm dưới quyền kiểm soát của Việt Minh (13). Vào ngày mà tin tức về việc Nhật Bản đầu hàng đến Việt Nam, Việt Minh đã đưa ra tuyên bố về những kì vọng của họ đối với chính sách của Hoa Kỳ:

“… Ủy ban [Dân tộc Giải phóng] Trung ương mong muốn làm rõ với Chính phủ Hoa Kỳ rằng mong ước hàng đầu của người dân Đông Dương chính là giành được độc lập cho Đông Dương, và hy vọng rằng Hoa Kỳ, với tư cách là nhà nước dân chủ đứng đầu, sẽ giúp đỡ họ bảo vệ nền độc lập này theo theo định hướng sau: (1) cấm, hoặc không hỗ trợ người Pháp tiến vào Đông Dương; (2) giữ vững sự kiểm soát đối với Trung Quốc…; (3) gửi các cố vấn kỹ thuật đến hỗ trợ người dân Đông Dương…; (4) phát triển các ngành công nghiệp mà người dân Đông Dương có khả năng hỗ trợ.” (14)

Trong khoảng thời gian diễn ra cuộc Cách mạng tháng Tám, chính sách của Hoa Kỳ đã không được điều phối hiệu quả. Trong một cuộc họp với Tướng de Gaulle, Truman nhắc lại rằng Hoa Kỳ không thắc mắc về chủ quyền của Pháp ở Đông Dương, nhưng phải mất vài tuần sau các đại diện Mỹ trong khu vực mới hành động phù hợp với điều đó. Trong khoảng thời gian hai tháng sau khi Nhật đầu hàng, quân đội Mỹ và các đơn vị OSS hợp tác chặt chẽ với Việt Minh, phản đối người Pháp ở Đông Dương, và cổ vũ những hi vọng của Việt Minh vào sự giúp đỡ và công nhận của Mỹ. Jean Sainteny, người anh hùng kháng chiến được de Gaulle chỉ định đứng đầu phái đoàn quân sự Pháp tại Trung Quốc, đã quyết định rằng ông ta nên nhanh chóng tái khẳng định chủ quyền của Pháp ở Đông Dương (15). Các yêu cầu của Sainteny về việc được di chuyển bằng máy bay của Mỹ từ Côn Minh đến Hà Nội ban đầu bị Tổng hành dinh của Tướng Albert Wedemeyer từ chối; sau này quân đội Mỹ cuối cùng cũng đồng ý chở Sainteny và nhóm cộng sự nhỏ của ông ta, nhưng đi kèm với một nhóm các nhân viên OSS do Thiếu tá Patti đứng đầu (16).

Vào ngày 22 tháng 8, người Mỹ và người Pháp đã hạ cánh xuống Hà Nội. Patti đã ngay lập tức bị ấn tượng bởi Chính phủ Việt Minh và khả năng lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh, người mà ông đã gặp lần đầu tiên vào ngày 17/4 (17). Các nhà lãnh đạo Việt Minh đã chăm chút cho tình hữu nghị với Hoa Kỳ, nhưng kỳ vọng vào sự ủng hộ của Hoa Kỳ đã bị hiện thực làm cho nhạt bớt. Biên bản cuộc họp ngày 13 tháng 8 của Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương đã ghi nhận:

“Những mâu thuẫn giữa một bên bao gồm Anh, Hoa Kỳ và Pháp và bên còn lại là Liên Xô có thể dẫn đến việc Anh và Hoa Kỳ nhượng bộ Pháp và đồng ý cho họ trở lại Đông Dương (18).”

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, đà thắng lợi của Việt Minh đã giúp họ nắm thế thượng phong về chính trị trên khắp Việt Nam trong một khoảng thời gian ngắn; Sài Gòn bị Việt Minh chiếm vào ngày 24 tháng 8, và sáu ngày sau, Hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Với các đơn vị chiếm đóng của Anh và Trung Quốc đang tiến đến gần, Việt Minh buộc phải khẳng định độc lập.

Những ảnh hưởng của tư tưởng Mỹ được thể hiện rõ ràng trong Bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam và lời kêu gọi hỗ trợ sau đó của Việt Minh gửi đến Liên Hợp Quốc và Hoa Kỳ. Trong mùa hè năm 1945, ông Hồ Chí Minh đã yêu cầu người Mỹ cung cấp nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ; một viên chức quân đội đã thu xếp để cung cấp cho ông Hồ Chí Minh một bản sao (19). Vào ngày 2 tháng 9, trước một nửa triệu người dân Hà Nội, ông Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập với tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn trích dẫn nguyên văn phần mở đầu của bản Tuyên ngôn của Mỹ, và sau khi trình bày những mối bất bình đối với người Pháp, Bản Tuyên ngôn đã kết luận, trong đó có câu:

“Chúng tôi tin rằng các quốc gia Đồng minh tham gia hội nghị ở Teheran và San Francisco đã công nhận các nguyên tắc tự quyết và sự bình đẳng giữa các quốc gia, sẽ không từ chối công nhận nền độc lập của Việt Nam (20).”

Sau lễ Tuyên ngôn Độc lập, ông Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng Tư lệnh Quân đội, đã đưa ra một tuyên bố chỉ rõ những mong đợi của Việt Nam trong mối quan hệ hữu nghị với Mỹ:

“Hoa Kỳ đã đóng góp nhiều nhất trong cuộc chiến chống lại phát xít Nhật Bản, kẻ thù của chúng ta, và vì vậy nước Cộng hòa Hoa Kỳ vĩ đại là một người bạn tốt của chúng ta (21).”

Tuy nhiên, nền độc lập mà Việt Minh tuyên bố lại bấp bênh, nó phụ thuộc vào các chính sách và hành động của Hoa Kỳ, và phụ thuộc trực tiếp vào các đơn vị đóng quân của Trung Quốc và Anh. Một lực lượng quân Trung Quốc gồm 150.000 binh sĩ đã vượt biên giới vào Việt Nam và, trong vòng một tuần sau lễ tuyên bố độc lập, đã tiến tới Hà Nội. Ban đầu, Việt Minh tổ chức các cuộc biểu tình chống lại những người Trung Quốc đã gieo rắc mầm mống cho các đảng phái thân Trung Quốc: Đồng Minh Hội và Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ). Nhưng với sự xuất hiện của các đơn vị binh sĩ Anh ở miền Nam vào ngày 12 tháng 9, vị trí chính trị của Việt Minh ở khu vực Sài Gòn nhanh chóng gặp phải những thách thức gai góc, đòi hỏi Việt Minh phải nỗ lực để tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc. Giống như Chính phủ Hoa Kỳ, Trung Quốc gặp khó khăn trong việc phối hợp chính sách của họ với các hoạt động quân sự. Vào tháng 8 và tháng 9, Chính phủ Trung Quốc đảm bảo với Pháp rằng họ không có mục tiêu chính trị hay ý định xâm chiếm lãnh thổ ở Đông Dương, nhưng người Trung Quốc có tìm kiếm những nhượng bộ đặc biệt về kinh tế. Trong khi quan điểm chính thức của Trung Quốc không đem lại bất kì hy vọng nào cho Việt Minh, thì Tướng Lư Hán, người đứng đầu lực lượng quân Trung Quốc đóng tại Việt Nam, với những mục tiêu cá nhân của mình lại cung cấp cho họ một số điểm thuận lợi. Vị tướng Trung Quốc này chống đối Pháp và xử lý mọi việc có lợi cho Việt Minh, ông ta đã cung cấp một số hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần cho Việt Minh (22).

Vào tháng 9, các đơn vị bổ sung của quân Mỹ tiến vào miền Bắc Việt Nam. Thiếu tướng Phillip Gallagher đứng đầu Bộ phận Tác chiến của Bộ Tư lệnh Nam Trung Hoa, đi cùng đội quân của Lư Hán. Một nhóm khác do Tướng Stephen Nordlinger đứng đầu chịu trách nhiệm hồi hương các tù nhân chiến tranh Mỹ bị giam giữ tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Ngoài ra, các thành viên của Phòng Tình báo Liên quân Hải – Lục cũng đến Hà Nội. Giống như những người Mỹ đã đến trước đó, những đơn vị này đều được các nhà lãnh đạo của Chính phủ Hà Nội non trẻ chăm sóc cẩn thận.

Trong khi đó, với việc người Anh gửi quân tới Đông Dương, một số quan chức Hoa Kỳ đã gây áp lực để Hoa Kỳ có thêm tiếng nói đối với các diễn biến tại Đông Dương. Từ Colombo, nơi có căn cứ của Bộ Tư lệnh Đông Nam Á do Anh quản lý (SEAC), Lãnh sự Calvin H. Oakes thúc giục Bộ Ngoại giao Mỹ tham vấn người Anh, vì họ sẽ sử dụng Bộ Tư lệnh Liên quân để tái lập thẩm quyền cho người Pháp ở phía nam vĩ tuyến 16 (24). Mặc dù vào ngày 17 tháng 9, một viên chức Bộ Ngoại giao đã trấn an Đại sứ quán Pháp rằng Hoa Kỳ không phản đối việc Pháp kiểm soát Đông Dương (25), chính sách “không can thiệp” này không được John Carter Vincent, Giám đốc Văn phòng các Vấn đề Viễn Đông, và Abbot Low Moffat, Trưởng bộ phận Đông Nam Á, chấp nhận. Họ tìm cách xác định lại vai trò của Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc đối đầu giữa Pháp và Việt Nam ở khu vực Sài Gòn. Trên thực tế, những cuộc đụng độ này đã gây ra thương vong đầu tiên của Mỹ trong cuộc xung đột mới ở Đông Dương và khiến ông Hồ Chí Minh lần đầu tiên thực hiện nỗ lực nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Truman. Đại tá A. P. Dewey, người đứng đầu phái đoàn OSS ở miền nam Đông Dương và là cháu trai của Thống đốc Thomas Dewey ở New York, đã bị giết chết, rõ ràng do bị người Việt Nam nhận nhầm là một người Pháp (26). Vào ngày 29 tháng 9, ông Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Truman bày tỏ lòng thương tiếc và khẳng định với Tổng thống về sự ngưỡng mộ của Việt Nam đối với Hoa Kỳ. Ngoài ra Chính phủ Hà Nội đã ban hành một tuyên bố chính thức chỉ trích chính sách của Anh tại Sài Gòn và kêu gọi Liên Hợp Quốc tôn trọng độc lập của Việt Nam (27).

(xem tiếp Kỳ 2)

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Sabattier, Le Destin de L’Indochine, Souvenirs et Documents, 1941- 1951 (Paris: Librarie Plon, 1952), pp. 336-38; Michel Deveze, La France d’Outre-Mer; de L’Empire Colonial a L’Union Francaise 1938-1947 (Paris: Librarie Hachette, 1948), pp. 212-14; Jean Sainteny, Histoire d’une Paix Manquee: Indochine, 1945-47 (Paris: Amoit, Dumont, 1953), pp. 62-70, 94-95, 124-27; Jean Chesneaux, The Vietnamese Nation; Contribution to a History, trans. Malcolm Salmon (Sydney: Book Distributors Pty. Ltd., 1966), pp. 158-67, 219; Charles de Gaulle, The War Memoirs of Charles de Gaulle; Salavation, 1944-1946. trans. Richard Howard (New York: Simon and Schuster, 1960), pp. 98-99, 190; Philippe Devillers, Histoire da Viet-Nam de 1940 a 1952 (3d ed.; Paris: Editions du Souil, 1952), pp. 116, 133, 149-51, 202-03, 382; Paul Isoart, Le Phenomene National Vietnamien: De L’lndependance Unitaire a L’lndependance Fractionee (Paris: Libraire Geneeral de Droit et de Jurisprudence, 1961), pp. 329, 340-31, 349; Bernard Fall, “La Politique Americaine au Viet-Nam,” Politique Etrangere (Juillet, 1955), pp. 312-14; Bernard Fall, The Two Viet-Nams: A Political and Military Analysis (Rev. ed.; new York; Frederick A. Praeger, 1964), pp. 50-54,69-71; Lucien Bodard, The Quicksand War: Prelude to Vietnam, trans. Patrick O’Brian (Boston: Little, Brown and Co., 1967), p. 221.

2. Harold Isaacs, No Peace for Asia (New York: Macmillan, 1947), pp. 170-75. Chester Cooper, The Lost Crusade: America in Vietnam (New York: Dodd, Mead and Co., 1970), pp. 49-50; Robert Shaplen, The Lost Revolution; The U.S. in Vietnam, 1946-1966 (Rev. ed.; New York: Harper and Flow, 1966), p. 28; King Chen, Vietnam and China, 1938-1954 (Princeton: Princeton University Press, 1969). pp. 335-36.

3. Gabriel Kolko, The Politics of War; The World and United States Foreign Policy. 1943-1945 (New York: Random House. 1969). pp. 609-10.

4. Truong Chinh. Primer for Revolt: The Communist Takeover in Viet-Nam; A Facsimile Edition of the August Revolution and the Resistance Will Win (New York: Frederick A. Praeger, 1963). pp. 14. 17-18. 49-50.

5. Ho Chi Minh, On Revolution: Selected Writings. 1920-1966. ed. Bernard Fall (New York: Frederick A. Praeger, 1967), pp. 206, 210-11. 214-15. 220-22.

6. Committee for the Study of the History of the Viet Nam Workers’ Party. Our President Ho-Chi-Minh (Hanoi: Foreign Languages Publishing House, 1970), pp. 124-29, 132.

7. Gary R. Hess, “Franklin Roosevelt and Indochina,” Journal of American History, 59 (Sept.1972). 353-68.

8. Joseph Buttinger, Vietnam: A Dragon Embattled. Vol. I: From Colonialism to the Vietminh (New York: Frederick A. Praeger, 1967), p. 591; Charles Fenn, Ho Chi Minh, A Biographical Introduction (London: Studio Vista, 1973), pp. 73-79; Chen, Vietnam and China, pp. 102-104; Memorandum of conversation with Patti (R. L. Sharp), Dec. 5, 1945, Department of State Decimal File 851 G.00/12-545 (Các tài liệu chưa công bố của Bộ Ngoại giao được trích dẫn tiếp sau đây sẽ được viết tắt, sau phần ngày tháng chỉ ghi số hiệu tài liệu.) U.S. Congress, Senate Foreign Relations Committee, The United States and Vietnam, 1944-1947, 92nd Cong, 2d Sess., 1972, pp. 2-3. (Từ trích dẫn sau, tài liệu này sẽ được viết tắt là: U.S. and Vietnam 1944-47.)

9. Acting Sec. State (Grew) to the Ambassador in France (Caffery), May 1945, Foreign Relations of the United States. Diplomatic Papers. 1945. Vol. VI: The British Commonwealth. The Far East (Washington: Government Printing Office, 1969), p. 307. (Các tài liệu Ngoại giao được trích dẫn sau đây sẽ được viết tắt là FRUS.); Joseph M. Siracusa. “The United States, Viet-Nam, and the Cold War: A Reappraisal,” Journal of Southeast Asian History, 5 (March, 1974), 82-101.

10. State Dept. Policy Paper, June 22,1945; Estimate of Conditions in Asia and the Pacific at the Close of the War and the Objectives and Policies of the U.S.; Allen W. Cameron (ed.), Viet-Nam Crisis: A Documentary History, Vol. 1:1940-1956 (Ithaca: Cornell University Press, 1971), 339-43.

11. Memorandum of Conversation by Moffat, Aug. 14, 1945. 851G.00/8-1845.

12. Consul at Kunming (Langdon) to Sec. State, Aug. 16. 1945. 851G.00/8-1845.

13. Huynk Kim Khanh. “The Vietnamese August Revolution Reinterpreted,” Journal of Asian Studies, 30 (Aug., 1971), 761-62, 768-70. 777-82.

14. U.S. and Vietnam. 1944-47, p. 11; William J. Donovan (Director, OSS) to Secretary of State, Aug. 22, 1945, U.S. Department of Defense, United States-Vietnam Relations, 1945-1967 (Washington: Government Printing Office, 1971), I, C, 66-68.

15. De Gaulle, Memoirs: Salvation, pp. 242-43.

16. Shaplen. Lost Revolution, pp. 41-42; Buttinger, Vietnam, I, 339-40; Sainteny, Histoire d’une Paix Manquee, pp. 63-70.

17. Consul-General at Shanghai (Butrick) to Sec. State, Dec. 1, 1945, 851G.00/12-145.

18. Decisions of the National Congress of the Indochinese Communist Party, Aug. 13-15, 1945, Breaking Our Chains; Documents on the Vietnamese Revolution of August, 1945 (Hanoi; Foreign Languages Publishing House, 1960). p. 67; Memorandum of Conversation with Patti (R. L. Sharp). Dec. 5. 1945, 851G.00/12-545.

19. Bernard Fall. “The Political Development of Viet-Nam, VJ-Day to the Geneva Cease-Fire.” (Ph D. dissertation, Syracuse Univ., 1955), pp. 9-10.

20. Cameron (ed.). Viet-Nam Crisis. I, pp. 52-54.

21. Chen, Vietnam and China, p. 114.

22. Ibid., pp. 115-28: Buttinger, Vietnam, 1.351-63; John T. McAlister, Jr.. Vietnam: The Origins of Revolution (New York. Knopf, 1969). pp. 241-48.

23. Buttinger. Vietnam. I, 337-41.

24. Consul at Colombo (Oakes) to Sec. State. Sept. 6. 1945. 851G.00/9-645.

25. Memorandum of Conversation by Bonbright. Sept. 17, 1945, 851G.OO/9-1745.

26. Donald Lancaster. The Emancipation of French Indochina (New Yrok: Oxford University Press, 1961), pp. 132-33; Report to Combined Chiefs of Staff by Supreme Allied Command, South East Asia, Cameron (ed ), Viet-Nam Crisis, I, 55-63.

27. Embassy at Chungking (Robertson) to Sec. State, Oct. 18. 1945, 851G.00/10-1845; Consul-General at Kunming (Sprouse) to Sec. State, Oct. 25, 1945, 851G.00/10-2545.

[1] Gary R. Hess là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Bowling Green, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Sử gia về Quan hệ Đối ngoại của Hoa Kỳ.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN