Viện trợ Mỹ cho chế độ Diệm

Trong khoảng thời gian 15 tháng từ tháng 7 năm 1954 tới tháng 10 năm 1955, Mỹ đã thành công trong việc dựng lên ngọn cờ Ngô Đình Diệm với tư cách người đứng đầu một nhà nước chống Cộng ở Việt Nam. Xây dựng cộng đồng Công giáo ở miền Nam ủng hộ Diệm, hỗ trợ Diệm diệt trừ các nhóm chống đối và hậu thuẫn Diệm lật nốt Bảo Đại để trở thành Tổng thống, Mỹ đã đi được một bước đầu tiên quan trọng trên con đường xây dựng chính thể chống Cộng ở Đông Nam Á.

Một chiến lược quan trọng khác của Mỹ ở Đông Dương hậu Genève là tài trợ mạnh cho chính quyền Diệm ở miền Nam Việt Nam. Pháp cho rằng Diệm thiếu năng lực để thống nhất Việt Nam và khuyên Mỹ nên tìm một nhà lãnh đạo khác để hậu thuẫn.

Tuy nhiên, Mỹ, trên cơ sở các nghiên cứu và cân nhắc, một lần nữa cho rằng không thể tìm ra được một nhà lãnh đạo nào khác có tố chất và ảnh hưởng như Diệm để ít nhất giữ được miền Nam Việt Nam trước mối đe dọa của Cộng sản.

Mỹ coi Diệm là nhân vật “có thiên hướng hành động một mình, yếu kém trong giao tiếp và làm việc với mọi người”.[1] Tuy vậy, như đã đề cập, quá khứ chưa từng hợp tác với Việt Minh và Pháp cũng như quan điểm chống Cộng mãnh liệt của Diệm là một điểm cộng trong mắt Mỹ. Mỹ tin rằng Diệm là nhân vật đủ sức mạnh để dẫn dắt một chế độ chống Cộng hiệu quả ở miền Nam Việt Nam. Mỹ đã quyết định phải “đầu tư” vào Diệm.

TT. Ngô Đình Diệm khoảng năm 1955 (Ảnh: Life Magazine)

Diệm là “khoản đầu tư” của Mỹ

Mỹ coi việc ủng hộ và viện trợ cho Diệm là một thương vụ “đầu tư” và “cho dù khả năng thành công tại Việt Nam có nhỏ bé đến đâu thì cũng đáng để đầu tư” và “khoản đầu tư vào Việt Nam là xác đáng ngay cả khi chỉ để mua thêm chút thời gian để củng cố sức mạnh”.[2] Ngoại trưởng Mỹ Dulles kết luận: “Chúng ta chuẩn bị phải duy trì một chính sách linh hoạt và tiến hành thận trọng theo từng giai đoạn tại Việt Nam… Trừ khi tình hình thực tế hoặc trừ khi diễn biến (tại Việt Nam) rõ ràng đã đến độ không còn hy vọng gì và đang nhanh chóng tan rã, nếu không chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục viện trợ và ủng hộ Diệm. Chúng ta không biết bất cứ một ứng viên thích hợp nào khác.”[3]

Sở dĩ Mỹ coi Diệm là một khoản đầu tư đầy rủi ro nhưng vẫn đáng phải chi, bởi Mỹ xác định nếu miền Nam Việt Nam sụp đổ, yêu cầu viện trợ từ các quốc gia Đông Nam Á xung quanh cũng sẽ tăng lên đáng kể. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ xác định: “Một quyết định cứng rắn ở tầm quốc gia đối với việc thi hành chính sách của Mỹ ở Đông Nam Á là bắt buộc và được khuyến nghị… nhằm xử lý hệ thống quốc phòng “không mấy phát triển” của khu vực này và… đề nghị áp dụng các hành động tấn công chống lại sức mạnh quân sự của kẻ thù xâm lược.”[4] Thậm chí, các Tham mưu trưởng của liên quân Mỹ giai đoạn cuối năm 1954 đầu năm 1955 đã tính tới giải pháp nếu quân đội Diệm không giữ nổi miền Nam thì Mỹ có thể triển khai các lực lượng quân đội cho miền Nam.

Đại sứ Mỹ Collins cũng thể hiện quan điểm tương tự trong một đề xuất gửi Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ngày 20 tháng 1 năm 1955:

“Khi xem xét tầm quan trọng của Việt Nam đối với các nước còn lại ở khu vực Đông Nam Á, tôi tin chắc rằng Mỹ nên mở rộng ngân quỹ, hỗ trợ vật chất và nỗ lực hơn nữa nhằm củng cố miền Nam Việt Nam và giúp chính phủ bảo vệ nền độc lập. Dù chúng ta viện trợ, song tôi không thể đảm bảo rằng Việt Nam có duy trì tự do được không. Nhưng tôi biết rằng nếu chúng ta không hỗ trợ, Việt Nam chắc chắn sẽ mất vào tay Cộng sản. Trong khi khó có thể tính toán được khả năng thành công, thì kết cục của việc Mỹ rút viện trợ là quá rõ ràng đối với không chỉ Việt Nam mà còn trên toàn Đông Nam Á. Việc cắt viện trợ nhìn chung sẽ thúc đẩy những bước tiến của Cộng sản ở Viễn Đông và có thể sẽ dẫn đến việc mất Đông Nam Á vào tay Chủ nghĩa Cộng sản. Tôi nghĩ là, cơ hội thành công không chỉ đáng giá một canh bạc, nhưng chúng ta không thể để mất Việt Nam một cách dễ dàng.”[5]

Collins ngày càng thể hiện sự tin tưởng vào Diệm hơn, khi báo cáo về Mỹ: “Công bằng mà nói, tôi tin tưởng tính liêm chính, tinh thần dân tộc mạnh mẽ, sự bền bỉ và các phẩm chất tinh thần của Diệm khiến Diệm trở thành một Thủ tướng lý tưởng nhất hiện có để lãnh đạo Việt Nam… chống lại Chủ nghĩa Cộng sản.”[6]

Những đề xuất này của Đại sứ Collins khiến Hội đồng an ninh Quốc gia Mỹ đã phê chuẩn một chính sách cứng rắn với Việt Nam theo đó tiếp tục ủng hộ và viện trợ mạnh cho Diệm, đặc biệt về quân sự.

Viện trợ quân sự của Mỹ cho Diệm

Diệm trở thành Thủ tướng chế độ Việt Nam Cộng hòa trong bối cảnh không hề có thực lực kinh tế và quân sự. Chính vì thế, Ngoại trưởng Mỹ Dulles phác thảo hai lựa chọn của Mỹ trong thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Charles Wilson vào ngày 18 tháng 8 năm 1954: “Lựa chọn thứ nhất là củng cố chính quyền thông qua kinh tế chính trị và lựa chọn thứ hai là ủng hộ chính phủ (Diệm) bằng cách tăng cường quân đội hỗ trợ.”[7]

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cũng đã đề nghị trong một bản ghi nhớ ngày 22 tháng 9 năm 1954 về sự phát triển quân đội ở Đông Dương. Hội đồng này cho rằng cần thành lập một đội quân 234.000 người cho Việt Nam, với chi phí để huấn luyện và duy trì hàng năm ước tính khoảng 420 triệu đô la Mỹ, cộng thêm với khoảng 23,5 triệu đô la Mỹ cho việc huấn luyện và trang bị cho hải quân và không quân.

Ngoại trưởng Dulles cho rằng chi phí như vậy là nhiều, và kế hoạch để chính quyền Diệm có tới 230.000 quân là “vượt quá mức mà Mỹ xem là khả thi để hỗ trợ chương trình an ninh vì một Đông Dương tự do tại thời điểm này.”[8]

Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ghi nhận ý kiến của Dulles. Hội đồng này họp vào ngày 22 tháng 10, gửi điện của Chính phủ và Bộ Quốc phòng Mỹ tới Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, yêu cầu xem xét lại một kế hoạch nhằm “củng cố lòng trung thành và tính hiệu quả của lực lượng quân đội Việt Nam tự do.”[9] Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ được yêu cầu đề xuất lại số quân tối thiểu cho miền Nam Việt Nam nhằm đảm bảo được an ninh quốc gia. Hội đồng này đề xuất quân số giảm chỉ còn 89.085 người với chi phí tối thiểu 193,1 triệu đô la cho năm tài khóa năm 1956 và gần 100 triệu đô la cho phần còn lại của năm tài khóa năm 1955.

Tuy vậy, Hội đồng Tham mưu trưởng cho rằng kế hoạch này vẫn hết sức mong manh, không thể đảm bảo an ninh lâu dài cho miền Nam Việt Nam nếu có “những cuộc xâm lược từ bên ngoài sau khi Pháp rút quân”, và kế hoạch hỗ trợ cho quân đội Diệm sẽ “không đủ để làm gì hơn ngoài việc gây những cản trở giới hạn ban đầu đối với các cuộc tấn công quân sự có tổ chức của Việt Minh.”[10] Hội đồng này thừa nhận:

“Tình hình chính trị nội bộ ở Việt Nam hỗn loạn đến mức không có chút đảm bảo nào rằng các lực lượng an ninh liệt kê ở đây có thể phát triển trở thành một lực lượng trung thành hiệu quả hỗ trợ cho chính quyền của Diệm, hoặc, nếu phát triển được, những lực lượng như vậy cũng không đảm bảo sẽ mang đến sự ổn định chính trị quân sự ở miền Nam Việt Nam. Trừ khi chính người Việt Nam cho thấy khuynh hướng sẵn sàng hy sinh cá nhân và tập thể để kìm hãm Chủ nghĩa Cộng sản, điều trước đây họ chưa từng có, nếu không, không có một sức ép hay trợ giúp nào từ bên ngoài có thể trì hoãn lâu dài thắng lợi hoàn toàn của Việt Cộng ở miền Nam Việt Nam.”[11]

Những tính toán của các tham mưu quân sự Mỹ về sau đã được chứng minh là hoàn toàn chính xác, nhưng xu hướng chống Cộng quyết liệt trong chính sách của chính quyền Mỹ đã thắng thế, bác bỏ hoàn toàn các đánh giá duy lý của các nhà quân sự.

Diệm vẫn được sự ủng hộ mạnh từ Hoa Kỳ nhờ khá nhiều vào các nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã có quan hệ với Diệm từ trước. Chuyến đi của Thượng nghĩ sĩ Mỹ Mansfeld đến miền Nam Việt Nam vào cuối năm 1954 để “tìm hiểu sự thật” về Việt Nam đã cho kết quả là một báo cáo rất có lợi cho Ngô Đình Diệm. Diệm là người quen cũ của Mansfeld ở Mỹ như đã đề cập ở Chương trước, và ông Thượng nghị sĩ này đã dành cho Diệm những lời có cánh, cho rằng Diệm là người duy nhất có khả năng thực hiện sứ mệnh của Mỹ tại Sài Gòn.

Mansfeld cho rằng kế hoạch của Diệm “đại diện cho chủ nghĩa dân tộc đích thực… đã chuẩn bị sẵn sàng nhằm giải quyết hiệu quả nạn tham nhũng… cho thấy sự chú tâm nâng cao phúc lợi cho người Việt Nam.”[12] Mansfeld đã đề xuất với Chính phủ Mỹ xem xét tạm dừng tất cả khoản viện trợ cho Việt Nam nếu Diệm bị hạ bệ, sự ủng hộ của Mansfeld với Diệm lúc này là gần như tuyệt đối.

Tiếp sau chuyến đi của Mansfeld, J. Lawton Collins, Đại diện Mỹ tại Ủy ban quân sự NATO, tới Việt Nam ngày 8 tháng 11 năm 1954 để trở thành Đại sứ mới của Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Tổng thống Eisenhower đã giao sứ mệnh cho Đại sứ Collins: “phối hợp và chỉ đạo chương trình hỗ trợ chính phủ Diệm để chính phủ này có thể: (a) tăng cường an ninh quốc gia và ổn định kinh tế chính trị; (b) thiết lập và duy trì kiểm soát trong toàn vùng lãnh thổ; và (c) chống lại sự xâm nhập và các hành động bán vũ trang của Việt Minh vào phía Nam ranh giới quân sự một cách hiệu quả.” Tài liệu Hồ sơ Lầu Năm Góc cho rằng việc cử Collins và phái đoàn của ông này tới Việt Nam là “tiền thân của công cuộc chiếm cứ hoàn toàn Đông Dương của Mỹ”.[13]

Như vậy, Diệm, từ một nhân vật thu hút Mỹ đã trở thành một ngọn cờ trong công cuộc chống Cộng của Mỹ. Trong công cuộc này, Mỹ phải làm thêm một nhiệm vụ nữa là hất cẳng nốt những ảnh hưởng của đồng minh Pháp. Diễn biến này được phân tích ở chương sau.

Tài liệu tham khảo

[1] Hồ sơ Lầu Năm Góc: Lịch sử của Bộ Quốc phòng Mỹ về Quá trình hoạch định chính sách tại Việt Nam – Quyển 2.

[2] Nt

[3] Nt

[4] Nt

[5] Nt

[6] Nt

[7] Nt

[8] Nt

[9] Nt

[10] Nt

[11] Nt

[12] Nt

[13] Nt

(trích Phán xét – Nguyễn Văn Hưởng)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN