“Những ngày cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam: Từ Sài Gòn tới Nhà Trắng - Những gì tôi nhìn thấy khi Mỹ thua cuộc” (Phần 1)

Tác giả: David Hume Kennerly, nhiếp ảnh gia của Tổng thống Mỹ Gerald Ford 

LTS: David Hume Kennerly là một nhiếp ảnh gia, một nhà báo Mỹ, từng giành giải Pulitzer năm 1972 cho những bức ảnh chụp về chiến tranh Việt Nam, Campuchia, về người tị nạn Đông Pakistan… Là nhiếp ảnh gia riêng của Tổng thống Mỹ Gerald Ford, Kennerly đã có cơ hội chứng kiến và ghi lại những khoảnh khắc lịch sử trong chuỗi ngày cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam. Tâm trạng chán nản, thất vọng, lo âu là điểm chung không thể giấu diếm hiện rõ trên nét mặt những nhân vật quyền lực của chính quyền Mỹ thời bấy giờ, đã được ghi lại qua những bức ảnh tư liệu quý giá vào đúng lúc kết thúc cuộc chiến tranh dai dẳng, đẫm máu ở Việt Nam. Nhân dịp 44 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019), Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu tới bạn đọc chùm ảnh tư liệu này. 

David Hume Kennerly, nhiếp ảnh gia của Tổng thống Mỹ Gerald Ford

Lời tự sự của nhiếp ảnh gia David Hume Kennerly:

“Tôi đã có một chỗ ngồi hàng đầu cho hồi kết cuộc của cuộc chiến tranh Việt Nam – một cuộc chiến mà tôi đã trải qua hơn hai năm trong đời mình để tường thuật tại chỗ cuộc giao tranh.

Câu chuyện Việt Nam của tôi bắt đầu hồi đầu năm 1971, khi hãng thông tấn United Press International chỉ định tôi sang văn phòng tại Sài Gòn để thay thế nhiếp ảnh gia Kent Potter, người sắp được luân chuyển.  Anh ta không hề có được cơ may đó.  Vào tháng 2-1971, Potter và ba nhiếp ảnh gia khác đã gặp nạn khi máy bay trực thăng của họ bị bắn rơi tại Lào trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. Larry Burrows của tờ Life, Henri Huet của hãng AP, và Keisaburo Shimamoto của tờ Newsweek nằm trong số những người tử nạn. Tôi không quen biết bất kỳ ai trong số các nhiếp ảnh gia hàng đầu đó, nhưng Burrows từng là một anh hùng, và các bức ảnh của ông đã truyền cảm hứng khiến tôi ước muốn được tường thuật về cuộc chiến.  Một ít tuần sau đó, tôi đã ở trên một phi cơ bay đến Sài Gòn.

Tôi đã trải qua hơn hai năm để chụp ảnh cuộc giao chiến tại Đông Dương, và vào năm 1972, tôi đã được trao giải thưởng Pulitzer cho công việc của mình tại Việt Nam, Campuchia và Ấn Độ, nơi tôi đã chụp ảnh dân tỵ nạn chạy trốn qua biên giới từ Đông Pakistan.

Việt Nam đã trở thành một phần trong ADN của tôi; mọi điều xảy ra cho tôi kể từ khi đó đã được định hình. Tôi ở tuổi 24, và năm đầu tiên với tư cách một nhiếp ảnh gia mặt trận, có quá nhiều lần suýt chết, tôi thực sự không hề nghĩ rằng mình còn sống được tới tuổi 25. Khi kỷ niệm kỳ sinh nhật đó tại Sài Gòn, tôi cảm thấy mỗi năm sau đó là một bổng lộc trời cho.  Cho đến nay, phần lộc trời đó đã được cộng thêm tới 43 năm! Tôi đã cố gắng tận dụng các năm tháng đó cho thật xứng đáng.

Tôi đã quay trở lại nước Mỹ hồi giữa 1973 để làm việc cho tờ tạp chí TIME.  Một trong những nhiệm vụ ngay từ đầu của tôi là vụ xì-căng-đan Watergate, và tôi cũng được chỉ định chụp ảnh vị lãnh đạo khối thiểu số tại Hạ Viện Gerald R. Ford sau khi Phó Tổng Thống Spiro Agnew từ chức vào mùa thu năm đó.  Một bức ảnh mà tôi đã chụp ông Ford được in trên trang bìa của tờ TIME khi Tổng Thống Nixon loan báo rằng ông Ford sẽ thay thế Agnew làm tân Phó Tổng thống.  Tờ TIME sau đó cử tôi phụ trách đưa tin toàn thời gian về ông Ford. Khi Tổng Thống Nixon từ chức, và ông Ford lên thay thế, ông đã yêu cầu tôi trở thành nhiếp ảnh gia chính của ông.  Đi cùng với công việc đó là sự tiếp cận hoàn toàn, không chỉ với Tổng thống và gia đình, mà còn với mọi sự việc diễn ra trong hậu trường. Sự kiện này quả là một niềm vinh dự, tạo sự phấn khích cuồng nhiệt và là một trong những sự tưởng thưởng lớn nhất về mặt cá nhân và nghề nghiệp trong cuộc đời tôi.

Vào ngày 3-3-1975, sáu tháng sau khi khởi đầu nhiệm kỳ Tổng thống của ông Ford, Nam Việt Nam đã bắt đầu tan rã khi Quân Đội miền Bắc tấn công vào thành phố cao nguyên miền trung Buôn Mê Thuột.  Sau vài ngày giao tranh dữ dội gây ra hàng nghìn tổn thất nhân mạng, thành phố then chốt đó rơi vào tay quân đội miền Bắc Việt Nam. Đây là bước khởi đầu cho sự kết liễu của chính quyền Nam Việt Nam.

Cuộc sống trước đây của tôi như một kẻ chụp ảnh chiến tranh đối nghịch với công việc mới nhất của tôi với tư cách nhiếp ảnh gia của Tổng thống.  Tôi lặn sâu vào bên trong Nhà Trắng với tư cách nhiếp ảnh gia của tổng thống, và được trao cho một cơ hội độc đáo vô song để nhìn thấy một cuộc chiến tranh nổ tung từ các sảnh đường của quyền lực.  Sự tiếp cận đặc biệt này cũng đã dẫn đến một cuộc du hành bí mật đến Việt Nam với một sứ mệnh đặc biệt cho Tổng thổng Ford – và sau đó trở lại Nhà Trắng chứng kiến hồi kết cuộc của vở kịch Việt Nam.

Những ngày cuối cùng của tháng 4-1975 là những ngày  khốn khổ cá nhân khi màn cuối cùng của bi kịch Việt Nam mở ra.  Tôi đã không ngủ, và đã tận lực để bảo đảm rằng tôi đã chụp ảnh mọi khoảnh khắc mà tôi có thể chụp được của chuỗi ngày chung cuộc căng thẳng này.  Cùng lúc với việc có được điều kiện độc đáo khi ghi nhận các biến cố được khai mở ra, tôi cùng bị vắt cạn về mặt xúc cảm bởi các tình huống.  Trong suốt bản thân cuộc chiến, tôi đã lướt qua sự đau đớn của mình để thu thập chứng liệu của câu chuyện, và tôi đã làm y như thế trong suốt những ngày cuối cùng đó.  Tôi cũng hiểu biết rằng chỉ một nhóm nhỏ những người với quyền hành khổng lồ đã đưa ra các quyết định đình hình đời sống của chúng ta.  Họ là những người đã khởi sự và kết thúc các cuộc chiến tranh. Từng là một người chỉ luôn đứng bên ngoài, thật sững sờ khi nhìn thấy tiến trình đó chuyển động ra sao.

Mới chỉ vài năm trước đây, tôi đã tận lực với một động lực muốn thu thập chứng liệu các  biến cố từ đầu mút phía bên kia – và sẽ ở hàng đầu khi hành động diễn ra.  Hay tôi đã nghĩ như thế.  Không lâu sau đó, tôi nhận thấy mình đang ở tâm điểm của một hoạt động kiểu khác – quan sát và ghi nhận sự đau đớn của những quyết định về việc sống, chết và tương lai của các dân tộc lần lượt được một vị tổng thống đưa ra cho đến khi không còn quyết định nào nữa để đưa ra.  Và khi đó, Cuộc Chiến Tranh Việt Nam đã trôi qua.

Đây là sự tường thuật và các hình ảnh của tôi về những ngày cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam và sự sụp đổ của Sài Gòn.  Lời trích dẫn trực tiếp từ những người tham dự được rút ra từ các biên bản được giải mật các phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc Gia, Bản ghi nhớ các cuộc đàm thoại, các phiên họp của Nội Các Chính Phủ, các buổi họp báo của Tòa Bạch Ốc, quyển sách của Tổng Thống Ford, nhan đề A Time To Heal, quyển sách của Donald Rumfeld, Known and Unknown, và quyển tự thuật của chính tôi, Shooter.”

Ngày 16-3-1975: Quân đội miền Bắc Việt Nam đang ở Huế, và di chuyển xuống Đà Nẵng. Nguy cơ tất cả các tỉnh phía bắc của Nam Việt Nam sẽ lọt vào tay các lực lượng cộng sản đang tiến tới. Vào ngày 25-3, Tổng thống Ford họp trong Phòng Bầu Dục với Tham mưu trưởng Lục Quân Hoa Kỳ, Đại Tướng Frederick Weyand và Đại Sứ Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam, Graham Martin. Tổng thống thảo luận việc phái đại tướng sang Sài Gòn thực hiện sứ mệnh tìm hiểu sự việc để xem xét bất kỳ điều gì có thể làm được hầu ngăn chặn làn sóng tiến quân của Bắc Việt. Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger, và trợ lý của ông, Tướng Brent Scowcroft, cũng tham dự phiên họp. Bức ảnh tôi chụp Tướng Scowcroft tại văn phòng trong Nhà Trắng khi ông nói chuyện qua điện thoại với một đồng sự phản ảnh mức độ trầm trọng của tình hình.

 

Ngày 25-3-1975: Tổng Thống Ford nói với Tướng Weyand, “Ông Fred, ông sẽ đi cùng với ông đại sứ. Đây là một trong những công tác có tầm quan trọng nhất mà ông từng được giao phó. Ông không đi đến đó để thất trận – mà để cứng rắn và xem xét những gì chúng ta có thể làm được.” Tổng Thống nói tiếp, “Chúng tôi muốn có các khuyến cáo của ông về những điều có thể mạnh bạo và gây chấn động cho miền Bắc. Tôi tiếc rằng tôi không có thẩm quyền để làm một số việc mà Tổng thống Nixon có thể làm.” Ông Kissinger có hỏi, “Đâu là tình hình thực sự và tại sao? Những gì có thể được làm?” Tướng Weyand trả lòi, “Chúng tôi sẽ mang về một đánh giá tổng quát và mang lại cho họ (Nam Việt Nam, chú thích của người dịch) một mũi tiêm hồi sức.”

 

Ngày 25-3-1975: Sau khi họ rời khỏi phòng họp, tôi đã chụp bức ảnh một mình tổng thống trong văn phòng, thể hiện rõ sự thất vọng. Chúng tôi đã nói về chuyến đi, và tôi đã nói với ông rằng, bởi kinh nghiệm sâu rộng của tôi tại Việt Nam, tôi muốn đi cùng với Đại tướng Weyand. Tổng thống đồng ý và nói rằng ông sẽ trông chờ tôi mang về cho ông một quan điểm thẳng thắn và vô tư như thường lệ khi tôi trở về. Văn phòng của tôi ở tầng hầm dưới đất của Tòa Bạch Ốc, và tôi đã ghé ngang để nói với nhân viên của tôi rằng tôi sẽ sớm ra đi cho một chuyến du hành vào ngày hôm sau. Tôi đã treo một tấm bảng trên cửa ra vào, ghi rằng, “Đi Việt Nam. Sẽ quay về trong vòng hai tuần lễ.” Các nhân viên nghĩ tôi đùa giỡn cho tới khi tôi không có mặt tại văn phòng ngày sau đó, hay trong gần hai tuần lễ. Vào lúc muộn hơn buổi tối hôm đó, tôi đến chào tạm biệt ông bà Ford và hỏi mượn tổng thống một khoản tiền. Đây là những ngày chưa có máy rút tiền tự động ATM. “Các ngân hàng đã đóng cửa, và tôi sẽ ra đi trước khi chúng mở cửa,” tôi nói. Ông Ford rút tất cả những tờ giấy bạc mà ông có trong ví. “Đây này, 47 đô la, ông nói, “Đừng tiêu hết một lúc nhé!” Sau đó ông trở nên nghiêm trọng, đặt cánh tay lên vai tôi, và nói, “Nhớ cẩn thận.”

 

Ngày 26-3-1975: Máy bay của Đại tướng Weyand, một chiếc C-141 của Không Lực, dừng lại để đổ thêm nhiên liệu tại Anchorage [bang Alaska. nd] và Tokyo trước khi đến Sài Gòn 24 giờ sau đó. Trên máy bay, tôi làm quen với Ken Quinn, một nhân viên trẻ của Hội đồng An ninh quốc gia chuyên về Đông Nam Á. Tôi đã dùng thời giờ trong chuyến đi, và đã có dư thời giờ, nói chuyện với George Carver and Ted Shackley, hai viên chức cao cấp của Cơ quan CIA. Họ là những người làm việc núp sâu trong bóng tối và là các tham dự viên quan trọng trong thiên hùng ca Việt Nam. Sau khi tới Việt Nam, Ken và tôi được chỉ định làm bạn cùng phòng tại khu nhà của Đại sứ Martin ở Sài Gòn. Vào lúc đó, cuộc di tản chính thức của người Việt Nam chưa diễn ra. Tuy nhiên, Ken và các đồng sự của anh ta đã biết rằng sắp có sự kết thúc. Tôi khám phá ra rằng Ken và một số nhân viên đồng sự tại Hội đồng An ninh quốc gia đang điều hành một mạng lưới hữu hiệu, rộng lớn và rất không chính thức để âm thầm giúp cho hàng nghìn người Việt đồng minh thoát ra ngoài đất nước và đến nơi an toàn. Các cơ quan thông tấn Mỹ cũng lo lắng nhiều về sự an toàn của các nhân viên Việt Nam và thân nhân của họ. Tôi đã thu xếp một cuộc gặp mặt không chính thức với đại sứ và Art Lord, đại diện cho giới truyền thông, dẫn tới một tiến trình không chính thức để bắt đầu đưa một số trong những người đó ra khỏi xứ sở. Ông đại sứ nghĩ rằng một số người của các cơ quan thông tấn này giả dối bởi trong khi họ yêu cầu sự trợ giúp để đưa người của họ đến nơi an toàn, họ lại đang tường thuật rằng sẽ không có sự trả thù đối với người dân Nam Việt Nam nếu Miền Bắc nắm chính quyền.
Ngày 29-3-1975: Tôi không phải là thành phần của các buổi thuyết trình chính thức của Đại tướng Weyand, nhưng cùng lúc tôi đã có một chỉ thị rất cá nhân từ Tổng thống Ford, muốn tôi cung cấp cho ông quan điểm trực tiếp của chính tôi về tình hình. Tôi quyết định đi lên hướng Bắc. Đà Nẵng đã nằm ngoài tầm tay, bởi trong thực tế đã nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Bắc Việt, vì thế tôi tìm cách ra Nha Trang, một thành phố nhỏ cách Đà Nẵng 300 dặm về phía Nam, đã sẵn bị tràn ngập bởi dân tỵ nạn. Khi đến nơi, tôi nhận thấy Montcrieff Spear, Tổng Lãnh sự Mỹ tại Nha Trang, đang chuẩn bị rời đi. Vợ ông ta thực ra đang đóng gói hành lý khi tôi đến thăm. Tuy nhiên, trước khi có thể rời đi, ông cần đi tìm người đồng nghiệp là Tổng Lãnh sự Al Francis, người đã chạy khỏi Đã Nẵng.

 

Ngày 30-3-1975: Spear và tôi đã lấy một máy bay trực thăng của Không quân Mỹ ra Vịnh Cam Ranh để đi tìm Francis, người đã tìm cách thoát ra khỏi Đà Nẵng trên một chiếc tàu bị bắt cóc bởi các binh lính Nam Việt Nam trốn chạy. Tôi đã nhìn thấy một chiếc tàu lớn chen chúc bởi hàng nghìn binh sĩ, và ít nhất một kẻ trong họ, trong nỗi thất vọng về tình hình, tôi đoán, đã khai hỏa vào chiếc trực thăng sơn cờ Hoa Kỳ. Họ bắn hụt nhưng khiến cho viên phi công phải đánh một vòng quay ngược lại thật kinh hoàng. Biến cố đã tạo ra một tin tức dội ngược về Hoa Kỳ, và bố mẹ tôi – không hay biết rằng tôi đang có một sứ mệnh bí mật tại Việt Nam – đã điện thoại đến Tòa Bạch Ốc. Họ ngạc nhiên khi được nối dây nói chuyện với chính Tổng thống Ford – các nhân viên tổng đài điện thoại tại Nhà Trắng biết quá rõ về tôi!! Tổng thống vừa được thuyết trình về biến cố, và ông nói với bố mẹ tôi rằng tôi an toàn, song quá mạo hiểm.

 

Ngày 30-3-1975: Francis đã thoát được trên một thuyền kéo nhỏ từ một tàu lớn, và đó là nơi tôi tìm thấy ông. Ông vẫy tay khi chúng tôi bay trên đầu ông, và chúng tôi đã đáp xuống Vịnh Cam Ranh để đón ông trước khi ông và Spear quay hướng về Sài Gòn. Nha Trang bị bỏ rơi vào ngày đó, và tôi chuyển hướng để bay sang Phnom Penh.

 

Ngày 30-4-1975: Tôi quay trở lại Sài Gòn kịp thời để dự một phiên họp trong đó Đại tướng Weyand và phái đoàn của ông gặp gỡ với Tổng thống Nam Việt Nam đang bị bao vây, Nguyễn Văn Thiệu, tại văn phòng ông ta trong Dinh Tổng thống ở Sài Gòn. Đó không phải là một cuộc họp vui vẻ, và phía Mỹ không có nhiều điều để cung cấp cho ông. Khi chụp một bức ảnh ông Thiệu tại bàn làm việc của ông, với một bức tranh phong cảnh Việt Nam sau lưng ông, tôi đã tự hỏi ông sẽ còn ngồi trên chiếc ghế đó bao lâu nữa. Chỉ 18 ngày sau đó, sự việc đã diễn ra như thế.

 

Ngày 5-4-1975: Đại Tướng Weyand đã thuyết trình với ông Ford tại ngôi nhà của Tổng thống ở Palm Springs, California. Weyand không lạc quan, nhưng hy vọng rằng quân đội miền Bắc Việt Nam đang xâm lấn có thể bị chặn đứng nếu Quốc hội phê chuẩn thêm viện trợ. Tổng thống rõ ràng không thích những gì ông đang nghe.

 

Ngày 5-4-1975: Ngày sau đó, với tập ảnh đen trắng đã chụp trong cuộc viễn du sang Việt Nam, tôi đã có một buổi trình chiếu và thuyết minh trực tiếp cực kỳ bức xúc với ông Ford. Chúng tôi đã duyệt qua từng bức ảnh một. Ông nhìn cuộc di tản từ Nha Trang, những chiếc tàu chất đầy các binh sĩ Nam Việt Nam bỏ chạy tại Vịnh Cam Ranh, và các trẻ em tỵ nạn tại Campuchia. Tôi nói, “Bất kỳ ai nói rằng Việt Nam còn tồn tại ba hay bốn tuần nữa là nói láo với ông.” Tôi nói với ông những gì tôi nhìn thấy, cùng với nhận định của những người tại Việt Nam mà tôi kính trọng, và sự hiểu biết của tôi về xứ sở này, tổng kết bằng một kết luận duy nhất về tương lai của cuộc xung đột: “Cuộc chiến đã kết thúc.” Khi trở lại Nhà Trắng vài ngày sau đó, tôi đã thay thế tất cả các ảnh màu về những biến cố xã hội vui tươi của Tổng thống bằng các bức hình lớn, hoàn toàn đen trắng tương phản trong tập chứng liệu của tôi về hồi kết sắp xảy ra của Việt Nam và Campuchia. Vào buổi đêm, một nhân viên Nhà Trắng bực tức đã hạ chúng xuống. Tổng Thống thì giận dữ và đã hạ lệnh treo chúng trên các bức tường bên cánh Tây. “Treo chúng lên,” ông nhấn mạnh, “mọi người cần phải hay biết về những gì đang xảy ra ở đó.”

 

Những người bạn mới của tôi từ Cơ quan CIA đã tán đồng khá nhiều những đánh giá mà tôi đã trao đến Tổng thống. Trong bức ảnh hiếm hoi này về các viên chức CIA thuyết trình trực tiếp trước Tổng thống, Trưởng Ban Viễn Đông sự Vụ Ted Shackley và Phó Giám Đốc nhân Viên tình báo của Cơ quan CIA, George Carver, đang thể hiện quan điểm và nói với Tổng thống những đánh giá thẳng thắn của họ.

Ngô Bắc dịch

(Còn nữa)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN