Trong cuốn sách “Chiến tranh Việt Nam – Những quan điểm đối lập” được xuất bản tại Mỹ năm 1989, các nhà sử học của Mỹ đã đưa ra góc nhìn toàn cảnh về cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam và sai lầm của Mỹ trong sự can thiệp vào cuộc đấu tranh chính nghĩa này. Tạp chí Phương Đông xin tập hợp giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Vào ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, một con người gày gò trong bộ quần áo ka ki giản dị đã nói trước hàng nửa triệu người tại Quảng trường Ba Đình ở Hà Nội, Việt Nam. Tất cả các cửa hàng, cơ quan và trường học đều đóng cửa để chào đón dịp này; cờ đỏ và biểu ngữ với những khẩu hiệu vì độc lập dân tộc treo trên các tòa nhà thành phố. Khi toàn dân lắng nghe nhà lãnh đạo cách mạng Cộng sản mang tên Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam đã được độc lập, thoát khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai và của Pháp đã từng cai trị Việt Nam là một thuộc địa từ thế kỷ 19. Lời tuyên bố đó bắt đầu: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có quyền xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền Được Sống, quyền Tự Do và quyền mưu cầu Hạnh Phúc.”
Những lời đó có ở trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1766 của nước Mỹ và là một trong nhiều những lời tham khảo về nước Mỹ vào ngày đó. Ban nhạc ngày lễ đã trình bày bài Quốc ca của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Một số người Mỹ đó là những thành viên của Cơ quan Phục vụ Chiến lược Mỹ (OSS) đã từng hợp tác với Hồ Chí Minh và các lực lượng của ông trong cuộc chiến chống Nhật đã đứng trên lễ đài cùng với Tướng Võ Nguyên Giáp, người đứng đầu Quân đội của Việt Minh. Trong bài diễn văn tiếp theo tuyên bố của ông Hồ, tướng Giáp đã nói rõ: “Chúng tôi coi nước Mỹ là một người bạn tốt”.
Buổi lễ đó là đỉnh cao của “Cách mạng Tháng Tám” mà Việt Minh đã giành được chính quyền ở hầu hết các tỉnh của Việt Nam, là một phần trong lịch sử lâu dài giành độc lập của Việt Nam. Trong gần một nghìn năm trước đó, lần đầu tiên Việt Nam đã giành được độc lập từ nước Trung Hoa sau nhiều thế kỷ bị cai trị. Bản thân ông Hồ đã dấn thân trọn cuộc đời của mình vào cuộc đấu tranh giành độc lập. Vào đầu những năm 1930, Đảng Cộng Sản Đông Dương do ông sáng lập đã nổi dậy chống Pháp nhưng không thành. Từ năm 1941 đến năm 1945, Việt Minh, một tổ chức liên minh của những nhóm yêu nước do ông Hồ dựng nên và được những người đảng viên của Đảng Cộng Sản Đông Dương lãnh đạo, đã tiến hành cuộc chiến tranh du kích chống lại Nhật Bản là kẻ đã hất cẳng Pháp trong Chiến tranh Thế giới Thứ Hai. Việt Minh cũng đã lập nên một mạng lưới các hiệp hội và tổ chức chính trị ở các thành phố và làng mạc Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là kết quả sự nghiệp của Việt Minh và sự ủng hộ của nhân dân; nó cũng là thành quả của việc chọn đúng thời cơ. Lúc đó Nhật Bản đã thất bại trong Chiến tranh Thế giới Thứ Hai, còn Pháp thì chưa đưa quân đội và người của mình trở lại Việt Nam để tái chiếm thuộc địa đã mất của họ.
Ở thời điểm đó, hầu hết người dân nước Mỹ đều không hay biết gì đến những diễn biến ở Việt Nam, một đất nước cách xa họ đến trên tám ngàn dặm ở phía bờ bên kia thế giới. Vào đúng ngày Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập cho Việt Nam, thì cũng là ngày mà người dân Mỹ ăn mừng tin Nhật Bản đã chính thức ký hiệp định đầu hàng, chấm dứt Chiến tranh Thế giới Thứ Hai.
Ba thập niên sau đó, vào ngày 30 tháng 4, năm 1975, một cảnh tượng khác đã mở ra. Việc phân chia Việt Nam thành hai nhà nước riêng biệt đã chấm dứt hoàn toàn khi 150.000 người lính Bắc Việt Nam đã vây kín Sài Gòn, thủ đô của Nam Việt Nam. Trật tự đã không còn được duy trì – cướp phá khắp nơi trên đường phố, những khu dân cư và tại các doanh nghiệp. Hàng ngàn người dân Việt Nam đổ về bên ngoài Sứ quán Mỹ. Nhiều đám đông hỗn loạn giễu cợt những người Mỹ, trong khi rất nhiều những người khác lại đang cố len vào sứ quán với hy vọng là người Mỹ sẽ cho họ đi di tản. Lính thủy đánh bộ Mỹ đứng trên tường toà nhà sứ quán đánh, đạp đám đông bằng giầy ủng và báng súng để đuổi họ xuống. Bên trong tòa đại sứ có 2.000 người, cả người Mỹ và người tỵ nạn Việt Nam, kể cả những người đã từng làm cho người Mỹ và gia đình họ, đang đợi để được máy bay trực thăng đỗ trên nóc tòa đại sứ chở đi. Trong thời gian trên 18 tiếng đồng hồ, 1.375 người Mỹ và 5.595 người Việt Nam được máy bay trực thăng chở đi từ sứ quán và nhiều nơi khác. Sau khi Đại sứ Graham Martin rời khỏi sứ quán, tay cầm lá cờ Mỹ thì chuyến bay cuối cùng của Thủy quân Lục Chiến Mỹ cũng cất cánh. Nhìn từ trên trực thăng, Trung sĩ Juan Valdez, một cảnh vệ Thủy quân Lục chiến Mỹ ở sứ quán trong chuyến bay cuối cùng đó đã nhìn thấy những người di tản Việt Nam vẫn còn đang cố lẻn vào sân của sứ quán đã được dựng chiến lũy, vẫy vẫy giấy tờ lên không trung như muốn nói rằng nhẽ ra họ cũng phải được chở đi.
Một vài giờ sau, quân đội Bắc Việt Nam trên những chiếc xe tăng của Liên Xô đã tiến qua sứ quán Mỹ trên đường đến Dinh Tổng thống và tại nơi đây họ đã bắt giữ những nhà lãnh đạo chính trị còn lại của Nam Việt Nam. Những phát thanh viên của đài phát thanh tuyên bố Sài Gòn đã được giải phóng và đặt tên lại cho thành phố là Thành phố Hồ Chí Minh để tưởng nhớ đến vị lãnh tụ đã qua đời vào năm 1969. Tầm nhìn năm 1945 của Hồ Chí Minh về một nước Việt Nam độc lập và thống nhất đã trở thành hiện thực dẫu cho có sự chống đối cương quyết của nước Mỹ là nước đã từng tốn quá nhiều thời gian nhằm ngăn cản một diễn biến như vậy.
Những thập kỷ nằm giữa hai hoàn cảnh này đã đi qua một trong những giai đoạn bị kịch và dữ dội nhất trong lịch sử của cả Việt Nam và Hoa Kỳ. Đối với Việt Nam, cái kết cục cuối cùng là một chiến thắng đắt giá đối với Hồ Chí Minh và những người ủng hộ ông và là một thất bại cay đắng cho những người chống lại ông. Dẫu cho lời tuyên bố năm 1945 của Hồ Chí Minh đã được thực hiện, song Việt Nam vẫn bị chia cắt thành hai miền và nằm trong chiến tuyến của cuộc Chiến tranh Lạnh giữa các siêu cường toàn cầu. Việc thực hiện tầm nhìn của ông Hồ đã cần đến 3 thập kỷ của một cuộc chiến tranh liên miên, trong đó có đến 4 triệu người dân, chiếm 10% dân số của nước này đã bị chết hoặc bị thương và hàng triệu mẫu ruộng đất đã bị bom đạn phá hủy hoặc bị chất độc hóa học làm cho trơ trụi. Di chứng của cuộc chiến sau năm 1975 sẽ gồm cả một cuộc ra đi ồ ạt của hàng triệu người di tản chạy trốn khỏi sự nghèo đói và khỏi sự cai trị của Cộng sản ở Việt Nam.
Đới với nước Mỹ, những sự kiện ở Việt Nam giữa năm 1945 và năm 1975 đã bồi thêm cho thất bại gây chia rẽ và tốn kém vô cùng lớn. Nước Mỹ đã tiêu vào cuộc chiến tranh 150 tỷ đô la, tốn hơn bất cứ cuộc chiến tranh nào trước đó, trừ Chiến tranh Thế giới Thứ Hai, và trong quá trình chiến tranh đã khiến cho kinh tế của Mỹ bị tàn phá nặng nề. Nước Mỹ cũng phải gánh chịu sự thiệt hại lớn về người; xấp xỉ 2,7 triệu người dân Mỹ, cả nam và nữ, đã phục vụ ở Việt Nam, có 58.000 người bị chết và 300.000 người bị thương. Nước Mỹ đã trút xuống Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam 7 triệu tấn bom, gấp 3 lần số bom được thả xuống Châu Âu và Châu Á trong Chiến tranh Thế giới Thứ Hai. Hành động của Mỹ ở Việt Nam đã mang lại một cuộc tranh cãi toàn quốc, gây chia rẽ, mà đỉnh cao là những cuộc biểu tình trên đường phố, những cuộc rối loạn trong dân chúng và những cảm giác vỡ mộng trong rất nhiều người Mỹ khi họ cho rằng giới lãnh đạo của họ đã lừa dối họ. Bài xã luận của tờ Newsweek (Tuần Tin Tức) năm 1975, một trong những tạp chí hàng đầu của Mỹ, tuyên bố rằng cuộc Chiến tranh Việt Nam là một chương đau buồn nhất trong thế kỷ qua của lịch sử Hoa Kỳ, và nước Mỹ phải mất nhiều năm nữa để đối phó với những gì họ đã làm ở Việt Nam, và những gì Việt Nam đã làm đối với nước Mỹ. Lòng tin của người dân Mỹ vào giới lãnh đạo của mình đã bị hủy hoại đặc biệt và nhiều người đã tin rằng họ đã bị chính phủ của mình dụ dỗ và lừa dối. Tất cả những điều này đã xẩy ra chỉ vì nước Mỹ đã cố ngăn cản việc ông Hồ Chí Minh thực hiện tầm nhìn của mình về một nước Việt Nam thống nhất thuộc nhà nước Cộng sản./.
(Theo Tạp chí Phương Đông)