Chính sách của Tổng thống Trump đang gây lo lắng và làm xói mòn lòng tin về cam kết của Mỹ ở Trung Đông và Đông Nam Á

Để chuẩn bị tái tranh cử nhiệm kỳ hai trong điều kiện tối ưu, Tổng thống Trump thông báo thực hiện lời hứa rút hết quân ra khỏi Trung Cận Đông. Cuối năm 2018, ông ra lệnh rút lực lượng tại Syria.Thế nhưng, lệnh của chủ nhân Nhà Trắng gặp phải sự chống đối của các đồng minh phương Tây và trong khu vực không muốn Hoa Kỳ bỏ trống Trung Cận Đông. Không kể công luận Mỹ chê trách mà ngay trong chính quyền và quân đội cũng không tán thành sự lựa chọn này của Donald Trump. Các đồng minh của Mỹ và lực lượng Kurdistan-Syria được các tướng lãnh, các nhà ngoại giao Mỹ trấn an là đừng quan tâm đến “tuyên bố thiếu suy nghĩ” của ông Tổng thống tỷ phú. Tiếp theo đó, các cố vấn “hạ hỏa” được Tổng thống, thuyết phục ông nghĩ đến quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ : tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, tuy đã tan rã nhưng vẫn còn khả năng gây rối, bảo vệ cộng đồng Kurdistan-Syria bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là kẻ thù và nhất là nhu cầu ngăn chặn Iran bành trướng thế lực.

Mười tháng sau, lần lượt Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis từ nhiệm, Cố vấn  an ninh John Bolton bị cách chức, Tổng thống Trump trở lại với quyết định “trực giác”, để cho đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ tha hồ tấn công người Kurdistan-Syria. Theo nhận đánh giá của hãng AFP, tuy thông báo quyết định lần đầu vào cuối năm 2018 nhưng lệnh rút lần thứ hai được thi hành trong vội vã, thiếu tổ chức dẫn đến hệ quả tai hại cho chính những mục tiêu mà Hoa Kỳ hy sinh tính mạng binh sĩ và hàng tỷ đô la để bảo vệ. Chuyên gia Elysabeth Dent, thuộc Viện Nghiên Cứu Trung Đông giải thích : Lẽ ra, chính quyền Trump phải tỏ ra kiên định để không cho Thổ Nhĩ Kỳ ra quân. Còn nếu cản không được thì cũng phải tổ chức triệt thoái, đem tù binh Daech về nơi an toàn.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Đông Bắc Syria

Hệ quả thứ hai là lực lượng Kurdistan-Syria FDS quay sang cầu viện quân đội Damas. Tổng thống Bachar al Assad, người mà Washington muốn trừ khử, không cần tốn một viên đạn, chiếm lại được một phần lãnh thổ ở phía bắc bị mất từ năm 2011. Không chỉ mất địa bàn, Hoa Kỳ của Tổng thống Trump còn đánh mất niềm tin trong “phe thân Mỹ ”.

Quyết định của Donald Trump còn gây hoang mang cho các đồng minh truyền thống. Là kẻ thù của Iran, Ả Rập Xê Út trải thảm đỏ đón tiếp Tổng thống Nga Putin, đồng minh của Iran ngày14/10/2019 tại Ryad. Chuyên gia về chính trị Syria, Joshua Landis, đại học Oklahoma của Mỹ đã phê phán với ít nhiều có tính khiêu khích chủ nhân Nhà Trắng khi nói rằng: “Uy tín Donald Trump sụp đổ tại Trung Đông trong khi Putin lên như diều gặp gió. Từ nay không còn ai tin ở Tổng thống Trump, mọi người đều linh cảm Mỹ sẽ bỏ Trung Đông”.

Vài ngày trước khi diễn ra thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35, Tổng thống Mỹ, ngày 29/10/2019, trong một thông cáo, cho biết không đến dự các cuộc họp thượng đỉnh tại Bangkok, Thái Lan và cử cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien cùng bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross, thay mặt ông. Tổng thống Trump không dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Thái Lan làm cho các nước Châu Á lo ngại cam kết của Mỹ tại khu vực.

Giới chuyên gia cảnh báo quyết định này của chủ nhân Nhà Trắng có nguy cơ làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Bất chấp các tuyên bố hùng hồn về chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, được xem như là « khu vực có tính chất quyết định cho tương lai nước Mỹ », chính quyền Donald Trump liên tục giảm sự hiện diện của Mỹ tại các cuộc gặp cấp cao như Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và ASEAN.

Năm 2018, tuy không dự thượng đỉnh ASEAN, nhưng Phó tổng thống Mỹ, Mike Pence đã đại diện Hoa Kỳ đến dự các cuộc họp cấp cao ASEAN và Đông Á ở Singapore. Còn lần này, Mỹ chỉ cử hai quan chức cấp thấp – thấp nhất từ trước tới nay – đến dự các thượng đỉnh của ASEAN. Trên trang mạng New24, ông Amy Searight, cựu quan chức quốc phòng cao cấp dưới thời Tổng thống Obama, hiện là cố vấn chính cho CSIS (Center for Strategic and International Studies – Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế) lưu ý rằng Hội nghị thượng đỉnh Đông Á đã trở thành diễn đàn đối thoại chiến lược hàng đầu cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sự kiện này thu hút sự tham gia của nhiều cường quốc khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như là 10 nước thành viên khối ASEAN.

Một số nhà phân tích Thái Lan, được tờ Japan Times trích dẫn, nhận định, sự việc cho thấy ưu tiên của chính quyền Donald Trump là an ninh và thương mại. Quả thật, Tổng thống Mỹ có ý định tham dự thượng đỉnh APEC chủ yếu tập trung vào kinh tế tại Chilê, nhưng rủi thay, Tổng thống Sebastian Pinera của Chile vừa thông báo không thể tổ chức sự kiện này do cuộc khủng hoảng xã hội. Thế nhưng, quan điểm này của một số nhà phân tích Thái Lan không được nhiều chuyên gia tán đồng. Họ ghi nhận một cảm giác bất an từ nhiều nước châu Á. Theo các chuyên gia này, sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ trong cuộc họp ASEAN lần này, và việc gởi một phái đoàn cấp thấp hơn so với cả Trung Quốc và Nhật Bản là một dấu hiệu về việc Mỹ không hào hứng dấn thân vào khu vực, trong lúc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và đầu tư của Trung Quốc trong khu vực tăng vọt đáng kể.

Ông Piti Srisangnam, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về ASEAN, trường đại học Chulalongkorn, nhận định : “Việc Donald Trump gởi một nhân vật không thể đưa ra bất kỳ một quyết định nào tại một kỳ thượng đỉnh chứng tỏ Hoa Kỳ không còn xem ASEAN là quan trọng nữa”.

Vậy chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở rộng của Hoa Kỳ có thực sự nghiêm túc hay không? Nước Mỹ của Donald Trump có còn đáng tin cậy như là một đối tác chiến lược trong khu vực nữa hay không ? Đây chắc chắn là những câu hỏi mà nhiều nước Đông Nam Á đang đặt ra./.

Hoàng Ngọc

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN