Phải coi virus là mối đe doạ an ninh phi truyền thống toàn cầu

Cuộc chiến toàn cầu chống dịch Covid-19 đã diễn biến đầy phức tạp trong thời gian qua. Trong khi ở Trung Quốc, các ca lây nhiễm mới ở Vũ Hán đã giảm xuống, thì nạn dịch này lại lan mạnh ở nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Iran…  Theo số liệu chưa đầy đủ đã có 80 nước công bố phát hiện loại virus này. Tại Việt Nam, một đất nước láng  giềng cận kề Trung Quốc với tiềm lực kinh tế và y tế chưa thể sánh được với các nước phát triển nói trên, nhưng được công nhận đã đối phó thành công với loại bệnh dịch này. Đúng như Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam nhận định, chúng ta đã chiến thắng trận đầu tiên trong cuộc chiến đối phó với dịch bệnh.

Việc Covid-19 đã và đang lan ra thế giới một cách nhanh chóng khiến Chủ tịch WHO đã cảnh báo khả năng ngăn chặn nạn dịch này một sớm một chiều là không chắc chắn, bởi sự nguy hiểm của nó và khả năng đối phó của các quốc gia vẫn còn rất hạn chế. Trong khi phác đồ điều trị cho loại virus này vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Covid-19 đang đe dọa mạng sống toàn cầu. Sau những thông tin thông báo nhiều nước phát hiện số người nhiễm Covid-19 gia tăng, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý và một số nước ở Trung Đông, các quốc gia này đã và đang áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để đối phó với bệnh dịch, mà trước hết là ngăn chặn các khu vực dân cư có dịch với các khu vực khác và cấm xuất nhập cảnh với thế giới bên ngoài. Những nước này phát hiện các ca dương tính với virus Covid-19 một tháng sau khi dịch xảy ra ở Trung Quốc. Điều này càng cho thấy khả năng đối phó dịch là rất hạn chế ở các quốc gia và trên phạm vi quốc tế, nhất là thiếu một phác đồ điều trị và vắc-xin để diệt virus nói chung và Covid-19 nói riêng.

Đây không phải là lần đầu tiên loài người bị virus tàn phá. Bệnh dịch đã diễn ra từ nhiều thế kỉ nay và gây ra những cái chết hàng loạt cho nhân loại. Ví dụ năm 1918 đã xảy ra dịch cúm Tây Ban Nha và lan rộng ra nhiều nước Châu Âu, làm chết trên 40 triệu người và phải mất nhiều năm mới ngăn chặn được. Cuối thế kỉ 20 phát hiện virus HIV làm mất khả năng đề kháng và miễn dịch của cơ thể, khiến con người lâm vào cái chết từ từ; số đang nhiễm loại virus này lên tới hàng triệu người và hàng trăm nghìn người đã chết. Thế kỉ 21 đã chứng kiến nhiều dịch bệnh huỷ diệt sức khoẻ và mạng sống con người và động vật như dịch SARS, H5N1, H6N1, dịch tả lợn Châu Phi…

Virus Ebola ở một số nước Đông Phi năm 2013-2016 cũng gây ra cái chết của hơn 10.000 người. Đầu năm 2020, thế giới lại đang hoảng loạn vì virus Covid-19 đang hoành hành ở Trung Quốc và vẫn đang lan tràn ra khắp thế giới.

Chúng ta không thể ngồi chờ một cách bị động để Covid-19 hủy hoại sinh mạng và cuộc sống của chúng ta, mà cần phải có những biện pháp mạnh tay và chủ động hơn. Nhưng trước hết phải hiểu rõ và kỹ càng loại virus Covid-19 sinh ra từ đâu? Các nhà khoa học trên thế giới cũng đang tìm câu trả lời nhưng chưa rõ ràng. Bước đầu, có thể nghĩ tới các nguyên nhân:

Thứ nhất, chính con người đã góp phần tạo ra loại virus gây ra những dịch bệnh chết người. Sự phát triển của nền công nghiệp, công nghệ sinh học đã làm biến dạng môi trường sống, tình trạng ô nhiễm không khí quá nặng nề. Nhưng để giải quyết tình trạng này là vô cùng khó khăn do xung đột lợi ích quốc gia. Đáng buồn là các nước giàu có lại ngoảnh mặt từ chối những giải pháp có tính chất toàn cầu về biến đổi khí hậu. Kết cục là môi trường sống của con người bị ô nhiễm nặng, virus sinh trưởng từ đó và tự do hoành hành, làm suy yếu sức khỏe con người.

Thứ hai, con người vẫn coi thường tính nguy hiểm của virus. Các nhà khoa học mới chú tâm nghiên cứu các loại công nghệ phục vụ cho các nhu cầu đời sống con người hoặc chú tâm nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân, phương tiện phục vụ cho chiến tranh để làm thế nào tiêu diệt được nhau nhanh nhất, nhiều nhất, kể cả vũ khí sinh học. Trong khi đó, đầu tư nghiên cứu những loại virus, vi trùng và các biến thể có thể hủy hoại sức khỏe và mạng sống con người thì chưa được quan tâm đầu tư thích đáng. Bằng chứng rõ nhất là thế giới không đưa ra được dự báo có những loại virus nào đã và đang tồn tại và những loại virus nào có thể sẽ phát sinh trong tương lai; các loại virus này có những đặc tính chung là gì, khác biệt là gì, khả năng gây tác hại cho con người và động vật đến đâu… Do thiếu những kiến thức như vậy nên không tìm ra được những loại vắc-xin đối phó và tách biệt được với từng loại virus cụ thể.

Thứ ba, Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cũng có phần trách nhiệm đối với các dịch bệnh chết người do virus gây ra. Ngoài việc thiếu trách nhiệm trong bảo vệ môi trường thế giới, thì lãnh đạo các quốc gia đã không để tâm tới những lời cảnh báo của các nhà khoa học và xã hội về các dịch bệnh do virus gây ra. Ví dụ cách đây 5 năm, ông Bill Gates, tỉ phú Mỹ, trong một cuộc nói chuyện trước các nhà khoa học và xã hội quốc tế ở Séc, đã đưa ra lời cảnh báo thế giới sẽ bị tàn phá bởi một loại virus mới không giống như virus Ebola hay SARS. Những dự báo như thế nay đã thành hiện thực, virus Covid-19 đang hoành hành ở Trung Quốc. Vì không coi trọng những cảnh báo, nên từ Tổ chức Y tế Thế giới tới các quốc gia đều không tính đến một kế hoạch phòng ngừa cũng như đối phó với các dịch bệnh xảy ra đối với thế giới, mới chỉ dừng lại ở mức độ khẩn cấp đối phó khi có dịch xảy ra, và xảy ra ở quốc gia nào thì quốc gia đó xử lý, không có một phác đồ điều trị mang tính quốc tế và không có một loại vắc-xin đặc trị virus nói chung hoặc loại virus cụ thể như SARS hoặc Covid-19 hiện nay. Sự bị động lúng túng khi đối phó với Covid-19 ở Trung Quốc và nhiều nước khác là điển hình. Thật đáng ngại khi một đất nước giàu có và có trình độ khoa học như Trung Quốc lại có thể “thiếu đủ thứ” khi dịch bệnh xảy ra.

Covid-19 đã lan rộng ra hàng chục quốc gia và các nước này đều dồn sức để chống dịch nhưng số người nhiễm vẫn tăng, các ca tử vong vẫn diễn ra. Người ta đã nói nhiều tới chuyện thiếu vắc-xin, thiếu bệnh viện, thiếu bác sĩ và các thiết bị y tế ở một số quốc gia. Biện pháp duy nhất lúc này thế giới đang áp dụng là khoanh vùng và cách ly nhưng kết quả ra sao và đến khi nào mới ngăn chặn được vẫn chưa thể khẳng định. Điều đó có nghĩa là bệnh dịch đường hô hấp này sẽ còn là thảm họa của nhân loại.

Trong khi đối phó với những thảm họa trước mắt, chúng ta kêu gọi cộng đồng quốc tế, các nhà khoa học, lãnh đạo các quốc gia và toàn thể nhân loại cần điều chỉnh nhận thức của mình, coi virus gây bệnh là một nguy cơ đe dọa loài người trong tương lai và coi nó là một trong những mục tiêu cấp bách cho các công trình nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học, để định vị cho được các loại virus đang tồn tại và sẽ phát sinh trên trái đất, từ đó nghiên cứu tạo ra thuốc kháng virus và liệu pháp kháng thể có thể được dự trữ hoặc sản xuất nhanh chóng. Kế đến là xây dựng được phác đồ điều trị chung đối phó với virus khi xảy ra ở các quốc gia. Chống dịch bệnh do virus gây ra là vấn đề toàn cầu, nên cần phải có sự phối hợp giữa các quốc gia và đầu tư quốc tế, nhất là những nước có nền khoa học công nghệ sinh học tiên tiến.

Chống dịch bệnh do virus gây ra là vấn đề toàn cầu, nên cần phải có sự phối hợp giữa các quốc gia và đầu tư quốc tế, nhất là những nước có nền khoa học công nghệ sinh học tiên tiến.      

Chúng ta cũng mong muốn các quốc gia cùng nhau hợp tác xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Việc hạn chế được khí thải, nước thải độc và rác thải của hoạt động công nghiệp và sinh hoạt của người dân sẽ giải quyết cơ bản những điều kiện phát sinh virus và bệnh dịch.

Từng quốc gia trên cơ sở xem xét những đặc điểm biến đổi khí hậu, môi trường và sinh hoạt của cư dân ở từng vùng để đưa ra những dự báo tình trạng bệnh dịch có thể xảy ra đối với đất nước mình. Mỗi quốc gia cần xây dựng chiến lược phát triển tiềm lực, nhân sự và các biện pháp, chính sách tầm quốc gia để đối phó nếu bệnh dịch bùng phát. Một quốc gia với một hệ thống dịch tễ mạnh, đội ngũ bác sĩ mạnh, hệ thống bệnh viện đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh, có nguồn vắc-xin đã được nghiên cứu sẵn dựa trên các phác đồ điều trị khoa học quốc tế là điều cấp thiết hiện nay.

Ở Việt Nam, việc ngăn chặn bệnh suy hô hấp do virus Covid-19 được Tổ chức Y tế Thế giới WHO và dư luận quốc tế đánh giá là thành công. Vậy Việt Nam đã làm gì để có sự thành công như vậy?

Một là Chính phủ và ngành y tế đã cảnh báo sớm với người dân về sự lây lan và nguy hiểm của loại bệnh dịch xuất phát từ đất nước láng giềng Trung Quốc. Theo đó, chính phủ đã có những quyết định mạnh mẽ phong tỏa xuất nhập cảnh, truy tìm ngay những người từ Trung Quốc (Vũ Hán) trở về Việt Nam để cách ly khỏi cộng đồng, phát hiện kịp thời những người dương tính với Covid-19 để cách ly và điều trị.

Hai là Ban Bí thư và Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời cho các Bộ, các địa phương tổ chức phòng ngừa trong cộng đồng dân cư; trong đó đình chỉ mọi hoạt động tập trung đông người, học sinh nghỉ học, hạn chế du lịch, trang bị khẩu trang cho toàn dân… với tinh thần chủ động, kiên quyết nhưng bình tĩnh, không làm xáo động xã hội, đặc biệt chính phủ đã xử lý nghiêm những kẻ phao tin thất thiệt hoặc lợi dụng tình hình chống dịch bệnh để trục lợi.

Ba là Chính phủ đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị. Đất nước ta đã trải qua nhiều đợt chống dịch bệnh nên đã có một đội ngũ bác sĩ tài năng và đã đúc rút được phác đồ diệt virus gây ra bệnh SARS năm 2003 và nhiều đợt dịch bệnh đối với đàn gia súc như H5N1, H6N1, hoặc dịch tả lợn châu Phi… Những kinh nghiệm đó đã được áp dụng kịp thời với bệnh viên đường hô hấp cấp Covid-19, nên trong số 16 người phát hiện dương tính, sau thời gian ngắn điều trị đều khỏi bệnh và trở lại cuộc sống bình thường.

Khi cả nước chưa phát hiện ca nhiễm mới, chính phủ đã nới dần các hoạt động kinh tế – xã hội, mọi hoạt động của đất nước đang trở lại bình thường. Đó là một thành công và thắng lợi của ngành y tế nước nhà và sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, kịp thời của Đảng và Chính phủ, cùng với sự ủng hộ tích cực của nhân dân. Đó là những bài học vô cùng quý giá để đối phó với các bệnh dịch do virus có thể gây ra trong thời gian tới.

Tuy nhiên, chính phủ vẫn nhắc nhở các cấp, các ngành và mọi người dân không được chủ quan, phải tích cực chủ động phòng ngừa do xung quanh chúng ta dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, để sẵn sàng đối phó nếu dịch bùng phát trở lại. Cần luôn xác định dịch bệnh là mối đe doạ an ninh phi truyền thống có thể gây ra hậu quả kinh tế và  sinh mạng nghiêm trọng hơn cả một cuộc chiến tranh quân sự truyền thống. Chính vì thế, đề cao cảnh giác với dịch bệnh không bao giờ là thừa mà luôn phải là ưu tiên cao nhất của đất nước.

Bình Minh

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN