Chiến tranh Đông Dương và những người phụ nữ bị nước Pháp lãng quên

Street without Joy (tạm dịch: Con đường không niềm vui) là cuốn sách xuất bản năm 1961 viết về cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954). Tác giả Bernard B. Fall là một sử gia – nhà báo mang 3 quốc tịch Áo – Pháp – Mỹ. Ông đã ở Việt Nam với vai trò là một người lính Pháp, rồi sau đó trở thành một phóng viên chiến trường của Mỹ. Giữa thập niên 1960, cuốn sách này nhận được sự quan tâm rộng rãi của công chúng Mỹ khi Mỹ ngày càng dấn sâu vào Chiến tranh Việt Nam.

Tên sách chính là cái tên mà lính Pháp đặt cho đường số 1 chạy dọc bờ biển miền Trung Việt Nam, từ Huế tới Quảng Trị, bởi đây là tuyến phòng thủ vững chắc của quân đội Việt Minh.

Trong cuốn sách này, sử gia Bernard B. Fall đã dành hẳn một chương (Chương 6: Diary: The Women) để nói về phụ nữ. Ông viết “cuộc chiến này sẽ chẳng mang chất Pháp nếu phụ nữ không đóng một vai trò quan trọng trong đó”. Tưởng rằng phụ nữ đứng trong hàng ngũ của Pháp chỉ bao gồm 80.000 người là vợ con của những sĩ quan, nhân viên trong chính quyền Pháp, hay thương nhân, bác sĩ và giáo viên, nhưng thực tế không chỉ có vậy. Cuộc sống của người Pháp ở Việt Nam còn gắn liền với những phụ nữ có vai trò và số phận kỳ lạ hơn rất nhiều.

Trước hết phải kể đến một lực lượng mang tên B.M.C. Ban đầu, ba chữ cái này là viết tắt của Bataillon Médical de Campagne (Tiểu đoàn Quân y Chiến trường), nhưng dần dần nó lại được gắn cho một “lực lượng” khác, tên tiếng Pháp là Bordel Mobile de Campagne – nhà thổ di động nơi chiến trường. Mặc dù bị lên án vì tính phi đạo đức và nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhưng B.M.C vẫn tồn tại vì những lợi ích của nó [1]. Theo những người ủng hộ, B.M.C giúp giải quyết nhu cầu tình dục của lính Pháp một cách có kiểm soát, nhờ đó làm giảm tình trạng đào ngũ, cưỡng hiếp dân thường, thậm chí giảm cả nguy cơ mắc bệnh hoa liễu bởi cả binh lính và các cô gái B.M.C đều được khám sức khỏe thường xuyên. Về mặt đạo đức, theo tác giả, các cô gái này tự nguyện tham gia B.M.C, họ chủ yếu đến từ bộ tộc Oulad-Naïl ở Algeria, và họ sẽ làm việc cho đến khi kiếm đủ tiền làm của hồi môn. Khi ấy, họ sẽ trở về làng, lấy chồng và ổn định cuộc sống.

Bưu ảnh in hình nhà thổ di động phục vụ quân đội Pháp ở Ma-rốc, thập niên 1920. Bưu ảnh ghi chú thích: “B.M.C. ở trại d’Arbalou l’Arbi”

Bernard B. Fall đã kể những câu chuyện rất sống động về các cô gái B.M.C. Ông miêu tả những đoàn xe của lính Pháp đã trở nên bớt đơn điệu khi bỗng nhiên xuất hiện trong đó một chiếc xe tải 2 tấn rưỡi chở những cô gái Oulad-Naïl ăn mặc sặc sỡ, vui vẻ buông lời đùa cợt các anh lính. Họ thường đi theo các đơn vị ra chiến trường, thậm chí một số cô còn hy sinh anh dũng khi bất đắc dĩ trở thành y tá trong đạn lửa. Mặc dù vậy, họ rất hiếm khi được công nhận chính thức. Theo tác giả, quân đội Pháp ở Đông Dương thường giấu các nhà báo và quan chức người Mỹ về sự tồn tại của những cô gái B.M.C, nhằm tránh gây hiểu lầm rằng tiền tài trợ của Mỹ đang được sử dụng để nuôi nhà thổ phục vụ quân đội Pháp. Trên thực tế, quân đội không phải trả đồng nào cho các cô gái này, bởi người nào sử dụng “dịch vụ” của họ thì phải bỏ tiền túi ra mà trả.

Một cô gái bộ tộc Oulad-Naïl

Tuy nhiên, cũng có hai cô B.M.C suýt nữa thì được nhận huy chương. Sự việc xảy ra ở Lai Châu, nơi có 2 tiểu đoàn Pháp cầm cự trong sự bao vây của quân đội Việt Minh suốt hơn một năm. Ở phía bắc của tỉnh này, Pháp còn có một tiền đồn nhỏ tại Sình Hồ.

Khi một nhóm B.M.C được chở bằng máy bay tới Lai Châu, Trung úy Laurent nghĩ rằng những người lính ở Sình Hồ cũng xứng đáng được vui vẻ, nhưng để tới được tiền đồn này, phải đi qua một con đường rừng hiểm trở dài gần 50 cây số, thường xuyên bị Việt Minh mai phục. Laurent giải thích tình hình cho các cô gái, và hỏi xem có ai xung phong tới Sình Hồ hay không. Một vài cô không chút lưỡng lự nhận lời ngay, rồi có 2 cô được chọn. Đi bốt, mặc trang phục dã chiến, nhưng vẫn nhét trong ba lô những bộ váy gợi cảm, họ vượt qua chặng đường gần 50 cây số trong 48 giờ đồng hồ, với một lính biệt kích đi theo để bảo vệ.

Trên chặng đường về, khi bị phục kích, họ chống trả như những người lính thực thụ và về đến Lai Châu trong tiếng hò reo của những người lính đồn trú. Laurent viết giấy tuyên dương 2 cô gái và gửi về trụ sở ở Hà Nội, đề nghị trao huy chương nhưng bị từ chối với lý do việc khen thưởng “không thích hợp vào thời điểm này”.

Các cô gái B.M.C. cũng có mặt tại pháo đài Điện Biên Phủ và đảm nhận vai trò y tá ở chiến trường. Mặc dù họ không bao giờ được công nhận, nhưng theo lời kể của Bernard B. Fall, nhiều người lính Pháp bị thương sẽ không bao giờ quên được đôi tay chăm sóc dịu dàng của những cô gái Oulad-Naïl nhỏ bé.

Nhóm phụ nữ thứ hai mà Bernard B. Fall đề cập đến là những nữ quân nhân trong quân đội Pháp. Tính đến năm 1954, có khoảng hơn 2000 phụ nữ đã tham gia lực lượng bộ binh Pháp ở Đông Dương, 120 người nữa thuộc lực lượng không quân, và 30 người thuộc thủy quân. Không thua gì nam giới, họ đảm nhận những nhiệm vụ nguy hiểm như lái xe cứu thương, lái trực thăng, nhảy dù, gấp dù, hay làm phóng viên chiến trường. Gần 100 phụ nữ đã bỏ mạng ở chiến trường Đông Dương.

Một nhóm phụ nữ đặc biệt khác là những người vợ Việt của lính Pháp, và vợ của những người lính Việt Nam phục vụ trong quân đội Pháp. Để đảm bảo an toàn cho những phụ nữ thuộc trường hợp thứ 2, Pháp đã dựng các camps des mariés (trại cho người đã kết hôn) bên trong hoặc ở gần các căn cứ quân sự. Tại đó, gia đình của những người lính Việt làm việc cho Pháp sẽ sống dưới sự bảo vệ của một đơn vị quân đội.

Trong số phụ nữ thuộc trường hợp thứ nhất, có nhiều người là do Việt Minh cài vào để theo dõi quân Pháp và đã lập được không ít chiến công.

Nhưng ngoài ra, còn có hàng nghìn cô gái Việt, chủ yếu là những phụ nữ dân tộc thiểu số, vẫn trung thành với người chồng Pháp của họ, bất chấp hậu quả là họ có thể bị đồng bào của mình tẩy chay, hay thậm chí dẫn đến cái chết trong một số trường hợp như Crey, người vợ Bahnar của một lính biệt kích Pháp ở Tây Nguyên, đã lao mình ra để đỡ đạn cho chồng.

Nhiều phụ nữ đã có mặt ở chiến trường Điện Biên Phủ huyền thoại, nhưng họ ít khi được đề cập đến trong tư liệu và trên báo chí

Không có nhiều số liệu, hình ảnh, hay tư liệu như một nghiên cứu học thuật, chương sách của Bernard B. Fall chỉ là một nét vẽ thoáng qua về những người phụ nữ bị nước Pháp lãng quên. Được viết ra cách đây 60 năm, trang viết của tác giả đôi chỗ còn mang tính chất phân biệt giới, tư tưởng thực dân hoặc phiến diện. Ví dụ, các cô gái B.M.C được ông miêu tả như những người tự nguyện, vui vẻ, nhiệt tình với công việc, nhưng thực tế có thể không hoàn toàn như vậy. Họ là những phụ nữ dân tộc thiểu số ở một xứ thuộc địa (Algeria), và một nghiên cứu nhân học hiện đại có lẽ sẽ cho thấy những áp lực kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị đã khiến họ phải đi theo con đường này ra sao, và có thể họ cũng là nạn nhân của chế độ thực dân.

Tuy nhiên, ít nhất cuốn sách cũng cho ta biết đến sự tồn tại của họ. Tác giả bộc bạch: “Lịch sử thường không ưa những người anh hùng không trong sạch, nhưng tôi hy vọng rằng một ngày nào đó, khi lịch sử của tất cả các cuộc chiến tranh được viết lại, người ta sẽ dành ít nhất một lời chú thích ở cuối trang cho những cô gái B.M.C” Thật vậy, ngày nay khi chiến tranh đã lùi xa, khi mỗi bên không còn nhớ đến thù hận, việc tìm kiếm và đánh giá lại những nhân vật, sự kiện bị mờ khuất sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện, nhân văn và khách quan hơn về lịch sử. Dù sao đi nữa, khoan hãy phán xét, những cô gái trong hàng ngũ của quân đội Pháp cùng số phận kỳ lạ của họ xứng đáng được ghi nhận như là một phần của quá khứ./.

[1] B.M.C. cuối cùng trên lãnh thổ Pháp, thuộc Binh đoàn Lê dương Pháp ở Kourou, Guiana, bị đóng cửa năm 1995. Bên ngoài các vùng lãnh thổ thuộc Pháp, Binh đoàn Lê Dương vẫn có một B.M.C. ở Cộng hòa Djibouti cho đến khi bị đóng cửa vào năm 2003.

Nam Chi (Thư viện Nguyễn Văn Hưởng)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN