Quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc vốn đã xấu từ trước nay đang và sẽ tiếp tục xấu hơn nữa bởi đại dịch Covid-19. Trước hết, có thể thấy mối quan hệ này đã bước vào giai đoạn căng thẳng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền từ đầu năm 2017. Với chính sách nước Mỹ trước nhất, coi Trung Quốc và Nga là hai đối thủ lớn nhất, Trump đã phát động một cuộc chiến toàn diện nhắm vào Trung Quốc, trong đó khởi đầu là trừng phạt kinh tế và trọng tâm là thương mại, nhằm làm suy yếu vị thế cạnh tranh của Trung Quốc so với Mỹ. Cuối năm 2019, Trung Quốc đã lùi một bước dẫn đến một thoả thuận với Mỹ gọi là bước một: Trung Quốc đã chấp nhận tăng nhập các mặt hàng nông sản của Mỹ, đổi lại Mỹ nới lỏng với Huawei và hoãn áp thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đến thời điểm hiện tại, với diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid-19, chính quyền Mỹ lại tiếp tục phát động một cuộc chiến mới nhắm vào Trung Quốc trên toàn bộ các mặt trận. Tổng thống Trump cũng phải thừa nhận rằng Covid-19 đang tấn công nước Mỹ khủng khiếp hơn nhiều so với cả vụ khủng bố 11 tháng 9 hay trận tập kích Trân Châu Cảng trong Thế chiến II. Trong khi Trân Châu Cảng chỉ khiến 2000 người Mỹ thiệt mạng và khủng bố 11 tháng 9 chỉ khiến 3000 người Mỹ thiệt mạng, Covid-19 dự kiến ít nhất sẽ tước đi mạng sống của khoảng 120.000 người Mỹ trong chỉ vài tháng, gấp đôi số lượng lính Mỹ chết trong suốt cuộc chiến dài hai mươi năm mà Mỹ gây ra tại Việt Nam.
Những số liệu này cho thấy sự bất lực hoàn toàn của chính quyền Trump trong việc ngăn chặn đại dịch. Hơn thế, các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại được áp dụng để chống dịch đã khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như tê liệt, dẫn tới những thiệt hại nặng nề, đe doạ nghiêm trọng khả năng tái cử của Tổng thống Trump. Tất cả những điều này chỉ dẫn tới một thực tế là chính quyền Mỹ phải tìm được ai đó để đổ tội và không một ai hợp lý hơn Trung Quốc, quốc gia đã làm khởi phát bệnh dịch lần này. Hiện Mỹ đang tố cáo Trung Quốc theo mấy hướng chính.
Thứ nhất, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố “có bằng chứng to lớn” cho thấy ncoV bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc. Trump và cả chính quyền của ông này đang đổ cho Trung Quốc lây bệnh cho thế giới vì đã vận hành những phòng thí nghiệm không đạt chuẩn. Lời tố cáo này được lặp đi lặp lại nhiều lần trên các kênh truyền thông Hoa Kỳ kèm theo đó là đe doạ phải trừng phạt nặng Trung Quốc.
Việc Hoa Kỳ đổ lỗi hoàn toàn cho Trung Quốc về nguồn gốc phát sinh dịch bệnh lần này đương nhiên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ chưa từng thấy từ Trung Quốc. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV miệt thị Pompeo là “kẻ xấu xa” đã “khạc nhổ bừa bãi chất độc và lan truyền những lời dối trá”. Trung Quốc khẳng định ncoV có nguồn gốc tự nhiên và không phải do con người tạo ra hay rò rỉ từ phòng thí nghiệm, và rằng những cáo buộc của Mỹ là “điên cuồng”, “lươn lẹo” và “lừa bịp” chỉ nhằm khoả bớt sự bất lực trong kiềm chế dịch bệnh ở Mỹ.
Thứ hai, Mỹ liên tục cáo buộc Trung Quốc tìm cách che giấu sự nghiêm trọng của dịch bệnh trong giai đoạn đầu, khiến thế giới mất cảnh giác và không kịp trở tay trước sự lây lan khủng khiếp của virus. Tổng thống Donald Trump khẳng định Bắc Kinh đã liều lĩnh che giấu thông tin quan trọng về Covid-19, đồng thời yêu cầu Trung Quốc “phải chịu trách nhiệm” vì việc làm này.
Không chỉ hành động một mình, Ngũ Nhãn (Five Eyes), liên minh tình báo 5 nước Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada, cáo buộc Trung Quốc che đậy thông tin về virus bằng cách bác bỏ khả năng nCoV lây từ người sang người, “bịt miệng” các bác sĩ cảnh báo sớm, xóa bằng chứng trong phòng thí nghiệm và không chịu cung cấp mẫu sinh phẩm cho các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu vaccine.
Báo cáo của nhóm tình báo này dẫn chứng trường hợp của Hoàng Diễm Linh (Huang Yan Ling), nhà nghiên cứu tại trung tâm virus ở Vũ Hán “biến mất” trong bối cảnh những tin đồn trên mạng xã hội Trung Quốc rằng bà là người đầu tiên được chẩn đoán nhiễm nCoV và là “bệnh nhân số 0”. Tiểu sử và ảnh của bà đã bị xóa khỏi trang web của phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán. Tài liệu tình báo còn đưa ra nhiều bằng chứng xác thực việc Trung Quốc che đậy thông tin dịch bệnh như ngày 31 tháng 12 năm 2019, giới chức Trung Quốc bắt đầu kiểm duyệt tin tức về virus trên các công cụ tìm kiếm của nước này, xóa các thuật ngữ bao gồm “biến thể SARS”, “chợ hải sản Vũ Hán” và “viêm phổi Vũ Hán bí ẩn”. Ngày 1 tháng 1 năm 2020, giới chức Vũ Hán đóng cửa và khử trùng chợ hải sản Hoa Nam để “xoá sạch bằng chứng” dù chưa tiến hành bất kỳ cuộc điều tra nào về nguồn gốc virus. Ủy ban Y tế Hồ Bắc ngày 2 tháng 1 ra lệnh cho các công ty nghiên cứu gene ngừng thử nghiệm virus mới và tiêu hủy tất cả các mẫu sinh phẩm. Một ngày sau, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc yêu cầu tiêu hủy hoặc chuyển các mẫu bệnh phẩm nCoV đến một số cơ sở xét nghiệm được chỉ định. Chính quyền Trung Quốc ra chỉ thị không công bố thông tin về dịch. Các bác sĩ lên tiếng về loại virus mới như Lý Văn Lượng bị an ninh triệu tập, khiển trách về tội “lan truyền tin đồn thất thiệt”.
Gần nhất, cũng chính Ngoại trưởng Pompeo thay mặt chính quyền Mỹ cáo buộc Trung Quốc vẫn giấu các mẫu virus “cần thiết cho công tác nghiên cứu vaccine toàn cầu”. Chính quyền Trump trước sau như một cho rằng Trung Quốc “mập mờ”, từ chối cho truy cập thông tin quan trọng mà các nhà nghiên cứu hay dịch tễ học của Mỹ cần để che giấu nguồn bệnh, thậm chí để sản xuất vacine trước cho mục đích kinh doanh.
Trung Quốc đương nhiên phản bác lại những lập luận này và đã chỉ trích gay gắt Mỹ và tài liệu tình báo của nhóm Ngũ Nhãn. Họ cho rằng đây là những thông tin không được kiểm chứng để bôi nhọ Trung Quốc và cái gọi là liên minh tình báo Ngũ Nhãn được thành lập để phục vụ mục đích chính trị của 5 quốc gia nói trên, chứ không phải là thông tin xác thực.
Khi các nhà ngoại giao EU chuẩn bị một báo cáo về đại dịch, Trung Quốc đã gây áp lực để loại bỏ những đoạn chỉ trích Trung Quốc nói dối về Covid-19. Khi Australia kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về dịch, Trung Quốc dọa sẽ tẩy chay thương mại. Họ cũng phản ứng dữ dội với những lời kêu gọi minh bạch thông tin từ Mỹ và các nước khác.
Thứ ba, Mỹ và nhiều quốc gia khác tố Trung Quốc tận dụng đại dịch để kinh doanh những sản phẩm y tế không đạt chuẩn. Canada đã loại bỏ 1 triệu khẩu trang KN95 mua từ Trung Quốc bởi chất lượng kém hơn yêu cầu. Hà Lan cũng thu hồi 600.000 khẩu trang lỗi mua từ Trung Quốc. Trung Quốc còn bị cáo buộc bán lại chính những đồ bảo hộ y tế cá nhân do Ý viện trợ cho chính nước này. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã huỷ chấp thuận cho khẩu trang N95 của Trung Quốc được xuất vào Mỹ. Tây Ban Nha cũng ngưng sử dụng bộ kit thử của công ty Trung Quốc bởi cho ra kết quả kém chính xác. Thủ tướng của Slovakia còn nói những bộ kit xét nghiệm nhanh của Trung Quốc chỉ nên “ném thẳng xuống sông” sau khi nhập gần 1,2 triệu bộ với giá 16 triệu USD từ Trung Quốc nhưng cho ra kết quả xét nghiệm không chính xác. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng tỉ lệ chính xác của đồ Trung Quốc chỉ đạt 35%.
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cáo buộc Trung Quốc xuất khẩu bộ kit xét nghiệm Covid-19 kém chất lượng, thậm chí là “kit xét nghiệm giả” sang Mỹ để trục lợi. Ông Navarro thậm chí còn nói rằng Trung Quốc đã cố tình trì hoãn việc báo cáo với quốc tế về dịch bệnh để tranh thủ thời gian “càn quét sạch các thiết bị bảo hộ cá nhân trên toàn cầu” nhằm mục đích kiếm tiền.
Đối phó với làn sóng chỉ trích này, Bắc Kinh cuối tháng 4 đã phải tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 16 triệu doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế trong nước, qua đó tịch thu hơn 89 triệu khẩu trang y tế và gần 500.000 bộ trang phục bảo hộ kém chất lượng. Trung Quốc cũng lệnh tạm dừng xuất khẩu vật tư y tế để kiểm tra trong bối cảnh quốc gia này đang là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này.
Với cả ba cáo buộc như đã nói ở trên, Tổng thống Trump đã nói rõ “sẽ buộc người có trách nhiệm phải trả giá”. Các nhật báo lớn ở Mỹ đều đưa tin Trump đang chuẩn bị tung ra hàng loạt đòn trừng phạt Trung Quốc.
Trước hết, về mặt thương mại, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang đẩy mạnh quá trình rút các chuỗi cung ứng công nghiệp khỏi Trung Quốc do cách Bắc Kinh xử lý đại dịch COVID-19 kém cỏi. Việc kêu gọi doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc đã được thực hiện nhiều năm qua nhưng Mỹ đang có cơ sở để ráo riết đẩy mạnh việc này hơn bao giờ hết.
Ông Trump cũng đe dọa hủy thỏa thuận giai đoạn 1 ký kết hồi tháng 1 năm nay với TQ. Tiếp đó, Trump cân nhắc phương án tăng cường chiến tranh thương mại với Trung Quốc lên mức độ chưa từng thấy, khi nói rằng Washington có thể “thu 1.000 tỷ USD” bằng cách áp thuế mới với Bắc Kinh.
Thứ hai, Tổng thống Trump muốn Trung Quốc trả tiền cho những thiệt hại nặng nề do Covid-19 cho dù các phương án đòi bồi thường dường như đều bất khả thi. Một tờ báo Đức cho rằng Trung Quốc cần bồi thường Đức 160 tỷ USD vì thiệt hại kinh tế do nCoV, Trump cho biết Mỹ đang thảo luận về số tiền lớn hơn nhiều khoản tiền mà Đức đề cập. Nhiều nguồn tin bên trong Nhà Trắng cho biết chính quyền Trump thậm chí còn đang xem xét sử dụng nhiều công cụ tài chính khác, kể cả lệnh cấm vận kinh tế và đình chỉ nghĩa vụ trả nợ đối với Trung Quốc.
Thứ ba, một phương án “trừng phạt Trung Quốc” đang được Mỹ đề cập là hủy bỏ Thế vận hội mùa đông 2022 tại Bắc Kinh, hoặc thúc đẩy làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc trên diện rộng.
Thứ tư, một ý tưởng khác mà lãnh đạo đảng Cộng hòa đang tính đến là xây dựng một đạo luật tước bỏ quyền miễn trừ quốc gia với Trung Quốc được quy định trong Đạo luật Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài. Đạo luật này ngăn công dân Mỹ kiện chính phủ nước khác ra tòa án Mỹ. Khi thông qua đạo luật này, Mỹ có thể mở đường cho chính phủ, chính quyền các bang hoặc nạn nhân nCoV kiện Trung Quốc đòi bồi thường tổn thất.
Ngày 21-4, Missouri đã trở thành bang đầu tiên của Mỹ kiện Trung Quốc với lý do nước này đã “lừa dối đáng sợ” liên quan đại dịch COVID-19. Một ngày sau đó, bang Mississippi cũng tuyến bố kế hoạch khởi kiện tương tự. Ngoài Missouri và Mississippi khởi kiện với tư cách tiểu bang, còn có ít nhất 5 vụ kiện tập thể, đại diện cho các cá nhân và doanh nghiệp ở Mỹ đã bị tổn thất, thiệt hại liên quan tới đại dịch COVID-19. Đơn kiện của 5 vụ này đã được nộp tại các tòa án liên bang ở California, Florida, Nevada, Pennsylvania và Texas. Hơn 20 dân biểu Mỹ đã cùng ký đơn kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Tư pháp William Barr khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Công lý Quốc tế vì những hành động của Trung Quốc trong đại dịch COVID-19 mà theo họ đã vi phạm Điều lệ Y tế Quốc tế 2005. Cuộc chiến pháp lý này dù dự kiến sẽ không thể thành công hay gây hề hấn gì đối với Trung Quốc nhưng chắc chắn sẽ tiếp tục làm xấu thêm mối quan hệ Trung – Mỹ.
Với những động thái tấn công từ nhiều hướng của Mỹ, Trung Quốc sẽ phản ứng và có hành động trả đũa trở lại. Điều này sẽ đẩy mối quan hệ hai nước vào tình trạng thậm chí còn bi đát hơn nhiều so với cuộc chiến tranh thương mại diễn ra khốc liệt năm 2019. Đúng như Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Crud đã tuyên bố “kết quả về lâu dài của đại dịch COVID-19 là cho chúng ta thấy cần phải xem xét quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong các chính sách liên quan đến an ninh quốc gia. Trung Quốc là mối đe dọa địa chính trị lớn nhất đối với nước Mỹ trong thế kỷ tới.” Với tư duy như vậy của Mỹ và phản ứng trả đũa từ Trung Quốc, không loại trừ Biển Đông sẽ lại là điểm nóng nơi hai cường quốc này đối đầu nhau.
Thế giới lâu nay đã quen cảnh đối đầu Mỹ – Trung, có lúc căng thẳng tưởng chừng chiến tranh vũ trang có thể xảy ra song rút cục lại thấy sự căng thẳng chùng xuống nhanh chóng. Cả hai nước đều nhận thức được cái giá phải trả khi xảy ra đối đầu quân sự, chính trị, kinh tế khốc liệt và tiến hành mặc cả với nhau để tìm ra các giải pháp thay thế. Mặt khác thế giới cũng đã từng chứng kiến tài ngoại giao và đàm phán của người Trung Quốc, họ rất giỏi dùng binh pháp “đánh mà không đánh”, lùi về chiến thuật để thắng về chiến lược.
Chúng ta hãy chờ xem cuộc đối đầu này sẽ đi về đâu. Với tương quan thế và lực của hai cường quốc này sẽ không có bên nào thắng hoàn toàn và thua hoàn toàn, kết quả cuối cùng hai bên sẽ bước vào một thỏa thuận mới./.
Bình Minh
Theo Tạp chí Phương Đông