Virus corona khoét sâu thêm trật tự thế giới chia rẽ

Đại dịch Covid-19 hoành hành, gây ra những hậu quả chưa từng thấy đối với thế giới. Làn sóng bệnh nhân đổ ồ ạt đổ vào các bệnh viện, vật tư y tế không đủ để đối phó, các phòng cấp cứu bệnh nhân nặng đứng trên bờ vực quá tải. Số lượng xét nghiệm không đủ khiến việc  xác định mức độ lây nhiễm không chính xác. Sự lây lan và huỷ diệt của chủng virus này lên loài người vượt ngoài sức tưởng tượng.

Virus corona đã khiến cho một nửa dân số thế giới bị quản thúc tại gia, hàng trăm nghìn nhà máy ngừng hoạt động và hàng triệu triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải đóng cửa. Cả hành tinh lâm vào vào tình trạng suy sụp kinh tế chưa từng có.

Có thể nói, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm thay đổi đổi thế giới theo hướng làm trầm trọng hơn nữa một trật tự thế giới vốn đã bất ổn và chia rẽ nghiêm trọng trước đó.

Thứ nhất, Covid 19 làm lộ rõ sự suy yếu và những toan tính của nước Mỹ trong vai trò lãnh đạo thế giới. Không chỉ đối với thế giới, nước Mỹ yếu từ trong nội tại. Khi đại dịch Covid-19 kết thúc, các nhà nước quốc gia sẽ bị coi là đã thất bại, trong đó Hoa Kỳ chính là trường hợp điển hình nhất. Hoa Kỳ chính là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid 19 về cả  kinh tế, chính trị, xã hội và  nhân mạng, cũng như tiếp tục cho thấy sự bất lực toàn diện. Hệ thống y tế tư nhân đắt đỏ nhất thế giới nhưng lại có số lượng bệnh viện và bác sĩ tính trên đầu người còn thấp hơn nhiều nước phát triển, và một phần ba dân Mỹ không dám đi khám chữa bệnh vì thiếu tiền. Đúng như nhà văn Mỹ gốc Việt mới đoạt giải Pulitzer viết: “Dịch Covid-19 đang đặt dấu chấm hết cho suy nghĩ hoang đường rằng nước Mỹ là quốc gia vĩ đại nhất trên trái đất.”  Covid 19 đã làm lộ hết “bệnh lý nền” của nền chính trị Mỹ và cách quản trị của Mỹ, đó là “sự bất bình đẳng, sự vô cảm, tính ích kỷ và động cơ lợi nhuận đã coi rẻ mạng sống con người và suy tôn giá trị hàng hoá…  được che đậy bởi sự cổ vũ hào hứng cho chủ nghĩa biệt lập Mỹ.”

Chính chủ nghĩa biệt lập mà Trump đại diện và theo đuổi từ 3 năm qua đã khiến tổng thống Mỹ tiếp tục từ chối hành động chung trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này. Trong những cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đây, ví dụ như khủng hoảng tài chính 2008 hay đại dịch Ebola 2014, Mỹ luôn nắm vai trò dẫn dắt nhân loại vượt qua khủng hoảng. Nhưng chính quyền Trump hiện nay luôn tuyên bố rõ đã từ bỏ vai trò lãnh đạo. Nước Mỹ bây giờ quan tâm đến sự “vĩ đại” của mình hơn là tương lai của nhân loại.

Cách chính quyền Trump hành xử ngoài sức tưởng tượng của ngay cả các đồng minh thân cận. Trump cấm tất cả các chuyến bay từ đồng minh EU, mà chẳng buồn báo trước với Châu Âu chứ đừng nói đến việc hỏi ý kiến về biện pháp mạnh tay này. Mỹ cũng khiến Đức tức giận khi đã đề nghị trả 1 tỷ đô cho một công ty dược phẩm của Đức để mua độc quyền sáng chế vaccine Covid-19. Cuộc khủng hoảng này sẽ càng làm sâu sắc thêm thực tế rằng nước Mỹ chỉ quan tâm đến mình và đang rời xa hơn vai trò điều hành trật tự thế giới mà chính Washington đã thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Thứ hai, cuộc khủng hoảng Covid-19 tiếp tục cho thấy sự không thống nhất của Châu Âu như một liên minh. Liên minh Châu Âu EU là vùng bị ảnh hưởng nặng nề không hề kém Mỹ trong đại dịch lần này. Và  lãnh đạo Châu Âu cho thấy họ cũng không thể làm ra gì hơn Mỹ. Các quốc  gia EU không đưa  ra được một đường lối chung, mỗi nước chống dịch mỗi kiểu theo cách của họ, và cuối cùng cũng chỉ có biện pháp duy nhất  là phong toả để ngăn chặn sự lây lan. Trước Covid-19,  chúng ta đã thấy một EU đang chia rẽ và chìm đắm vào Brexit, cách giải quyết kiểu địa phương và từng nước ấy tiếp tục được thể  hiện rõ  trong đại dịch lần này. Trong khi cả Châu Âu đồng sức chống dịch thì vẫn có những quốc gia như Thuỵ Điển tuyên bố thả lỏng như bình thường, đúng với cách của Anh Quốc giai đoạn đầu khi tuyên bố cứ để tự nhiên cho virus lây lan nhằm tạo “miễn dịch cộng đồng”.

Thứ ba, đại dịch Covid-19 làm lộ rõ yếu điểm của nền dân chủ phương Tây vốn đã bị suy giảm từ lâu nay. Nhật báo Le Monde của Pháp có bài đúng khi viết rằng nền dân chủ Châu Âu  đang bị thách thức bởi những biện pháp  dân chủ không cho thấy hiệu quả chống dịch mà ngược lại, chỉ làm dịch bệnh lây lan thêm. Chỉ trong vòng vài tuần khi trở thành tâm dịch Covid-19, chính quyền Mỹ và châu Âu liên tiếp ban hành các lệnh hạn chế: cấm tụ họp, đi lại, sử dụng công nghệ để theo dõi dân chúng, truy tìm những người vi phạm bằng cách thu thập dữ liệu định vị cá nhân. Tờ Le Monde của Pháp nhận định các quyền tự do cơ bản, cốt lõi của nền dân chủ đều bị tước bỏ trước thử thách mang tên Covid-19. Những biện pháp mà Mỹ và Châu Âu vẫn chỉ trích Trung Quốc như huy động công nghệ nhận diện để theo dõi người bị cách ly, giờ đang được phương Tây, cái nôi của những giá trị dân chủ, áp dụng. Theo báo chí phương Tây, thậm chí ở nhiều nơi, người ta bắt đầu cho sử dụng thiết bị bay để theo dõi những người dạo bộ trong công viên có tuân thủ quy định hay không.

Thứ tư, đại dịch Covid-19 tiếp tục khoét sâu mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ- Trung vốn đã rất xấu trước đại dịch. Tổng thống Trump công khai gọi virus corona là virus Trung Quốc, chê bai Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã bị Trung Quốc thao túng khiến Mỹ không đề phòng và nhìn thấy hết hậu quả nguy hiểm của đại dịch. Báo chí Mỹ trích các thông tin tình báo không được kiểm chứng rõ ràng quy kết Trung Quốc che giấu số liệu thực tế của đại dịch khiến Mỹ và các nước phương Tây không kịp trở tay, thậm chí còn lan truyền cả thuyết âm mưu cho rằng Trung Quốc mang virus vào nước Mỹ. Trong khi đó, mạng xã hội Trung Quốc cũng lan truyền những câu chuyện như đại dịch gây ra  bởi chương trình chiến tranh virus của quân đội Mỹ. Trước đại dịch, hai quốc  gia có tín hiệu xích lại gần nhau khi thông qua thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng thảm hoạ kinh tế gây bởi Covid-19 khiến hiệu quả của  thoả thuận này giảm đi rõ rệt. Với  cuộc khẩu  chiến đổ  tội lẫn nhau giữa hai bên, quan hệ Mỹ Trung  hậu Covid-19 dự báo sẽ tiếp tục nặng nề và đối đầu nhiều hơn.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục khoét sâu mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ- Trung vốn đã rất xấu trước đại dịch. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc họp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka, Nhật Bản, tháng 6/2019

Thứ năm, tiếp diễn những gì diễn ra trước đại dịch, Trung Quốc tiếp tục thể hiện vai trò và ảnh hưởng của nước này như một chủ thể mới trong một thế giới mà Mỹ đang suy yếu. Trung Quốc, dù chính là nơi khởi nguồn của đại dịch, lại là nước đầu tiên dập được dịch, họ hoạt động mạnh trên mặt trận truyền thông với khẳng định Trung Quốc chống dịch thành công nhờ những lợi thế thể chế độc đáo của hệ thống chính trị Trung Quốc, trong khi thế giới dân chủ phương Tây có thể khốn đốn với một đại dịch lây lan với quy mô như vậy.

Trung Quốc còn đang chứng tỏ với thế giới rằng họ không chỉ đã ngăn chặn thành công Covid-19, mà còn có khả năng hỗ trợ cho nhiều quốc gia, kể cả các nước châu Âu và Hoa Kỳ. Nước này cung cấp thiết bị, vật tư y tế cũng như các chuyên gia y tế có kinh nghiệm cho gần chín mươi quốc gia. Trung Quốc là trung tâm sản xuất lớn nhất cho khẩu trang, găng tay và các thiết bị bảo vệ khác. Hoa Kỳ cũng phải mua máy thở từ Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang áp dụng chính sách ”ngoại giao coronavirus’ một cách chủ động và xu hướng này sẽ tiếp tục sau đại dịch, nghĩa là Trung Quốc muốn thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu của họ và việc họ là quốc gia đầu tiên ngăn chặn được COVID-19 là một minh chứng cho sự ưu việt của mô hình Trung Quốc.

Có thể nói, năm xu hướng như nhận định ở trên đã hình thành trước  COVID-19 và giờ đây, đại dịch này tiếp tục khoét sâu hơn nữa  các xu thế này.

Trật tự thế giới đa phương, đa cực với sự nổi lên của các chủ nghĩa dân tuý và dân tộc cực đoan không những không thay đổi bao nhiêu mà còn trầm trọng thêm bởi đại dịch. Những vấn đề toàn cầu khác như di dân, nhập cư, tội phạm ngày càng phức  tạp trong và sau đại dịch. COVID-19 càng khiến xu hướng chống toàn cầu hoá lên ngôi bởi nỗi lo sợ không kiểm  soát biên giới khiến dịch bệnh như vậy lan tràn. Một EU với 550 triệu dân và hầu như không còn biên giới, đã trở thành tâm dịch là ví dụ.

Trong khi COVID-19 tiếp tục phá tan tầm nhìn và thực tế về một thế giới toàn cầu hoá, thì nhu cầu hợp tác toàn cầu để chống lại nạn dịch này và các nạn dịch khác tương tự đang cấp thiết hơn bao giờ hết.  Những nhân vật như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã phải lên tiếng kêu gọi “một chính phủ hiệu quả và có tầm nhìn xa để vượt qua những trở ngại chưa từng có về tầm quan trọng và phạm vi toàn cầu.” Các  học giả và tư tưởng gia  lớn đều thừa nhận không một quốc gia nào, kể cả Mỹ, bằng nỗ lực nội bộ có thể chiến thắng virus. Giải quyết được những vấn đề như COVID-19 đòi hỏi một chương trình hợp tác toàn cầu. Dập được nạn dịch COVID và giải quyết khủng hoảng kinh tế hậu COVID đều phải có hợp tác toàn cầu trên nhiều khía cạnh mới có thể giải quyết hiệu quả. Ví dụ, các nước cần chia sẻ thông tin trên toàn cầu để cập nhật khách quan minh bạch tình hình dịch bệnh. Các nước cũng cần một nỗ lực toàn cầu trong việc sản xuất và phân bổ các thiết bị y tế, quan trọng nhất là các bộ thử virus và máy thở. Hiện nay, tất cả các nước tự lo và hỏi mua, tích trữ một cách tự phát từ bất kỳ nguồn nào có được, một nỗ lực hợp tác trên quy mô toàn cầu sẽ khiến việc sản xuất và phân phối các thiết bị hiệu quả hơn.

Sự hợp tác toàn cầu cũng quan trọng để vượt qua khủng hoảng kinh tế hậu đại dịch. Việc các nước có dám mở cửa lại đường biên giới  trên bộ và trên không, cũng như nới lỏng các điều kiện xuất nhập cảnh được như trước đây thôi cũng đòi hỏi một  thỏa thuận toàn cầu, đa phương và song phương. Nếu không có những thoả thuận mạnh mẽ như vậy, việc di chuyển trên toàn cầu và nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tê liệt và bị bóp nghẹt sau đại dịch.

Cuộc đấu tranh để hàn gắn vết thương cho nền kinh tế thế giới sau đại dịch còn dài. Nhưng trước mắt, cần gấp một nỗ lực toàn cầu để phát triển thuốc và vắc-xin cho toàn bộ dân số thế giới để chống lại nạn dịch này. Điều này cần vai trò lãnh đạo toàn cầu nhưng xu hướng thế giới hiện nay không cho phép điều đó. Các nước vẫn đang phải tự tìm con đường cho mình và  hợp tác song phương hoặc trong các nhóm nhỏ với nhau để tìm cách thoát  khỏi đại dịch. Thật đáng tiếc, trong bối cảnh cả thế  giới cần chung tay nhất thì thế giới lại bộc lộ sự  chia rẽ nhiều nhất, khởi nguồn từ những chính sách lấy lợi ích dân tộc trước nhất kiểu Trump và càng được nhân lên bởi những rối ren trong đại dịch.

Sau bệnh dịch này, không còn cường quốc nào đứng lên dẫn dắt  thế giới như sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai được nữa. Không một nước nào thích trật tự thế giới do Mỹ kiến tạo nữa, sự can dự của Mỹ ngày càng giảm và biến động quốc tế sẽ ngày càng tăng.

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam nổi lên như một nước chống dịch thành công, đã giảm thiểu tối đa sự lây nhiễm của bệnh dịch và đã có vai trò trong việc gắn kết và hỗ trợ các nước khác chống dịch cũng như khôi phục kinh tế sau đại dịch. Trong bối cảnh thế giới hỗn loạn hiện nay, khi không có lực lượng nào dẫn dắt sự thay đổi để đối phó với các thách thức chưa có tiền lệ này, Việt Nam cần có tính toán kỹ lưỡng trong bối cảnh hậu COVID. Với vai  trò Chủ tịch ASEAN, việc Việt Nam đã kết nối các nước ASEAN cũng như các nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc nhằm đối phó với đại dịch và giải quyết khủng hoảng kinh tế sau đại dịch là hướng đi đúng đắn và đáng hoan nghênh./.

Nguyễn Văn Hưởng

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN