Mỹ thay đổi danh sách ưu đãi thuế trợ cấp và chống bán phá giá: Bước đi mới thiết lập trật tự thương mại “nước Mỹ trên hết”

Ngày 10/2/2020, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ra thông báo thu hẹp danh sách các nước đang phát triển được hưởng ưu đãi theo các điều luật về thuế trợ cấp và chống bán phá giá, theo đó mức ngưỡng tối thiểu để không điều tra trợ cấp đối với các nước đang và kém phát triển là 4% (giá trị nhập khẩu từ nước này ít hơn 4% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng đó vào Mỹ), và 9% (giá trị nhập khẩu từ các nước xuất vào Mỹ dưới 4% mỗi nước không vượt quá 9% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng đó vào Mỹ), giờ mức ngưỡng áp dụng đối với các nước phát triển là 3% và 7%. Ngưỡng tối thiểu để không điều tra trợ cấp đối với các nước đang phát triển và kém phát triển là 2% (phần trợ cấp thấp hơn 2% giá trị của mặt hàng đó), trong khi đối với các nước phát triển là 1%. Việt Nam hiện không nằm trong danh sách này, cùng với nhiều nước khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore.

Ảnh: Đại diện Thương mại Mỹ – ông Robert Lighthizer luôn đồng hành cùng Tổng thống Trump trong các chính sách thương mại/ Reuters

Từ lâu tổng thống Trump công khai thể hiện thái độ không đồng tình với những mức ưu đãi cũ, tuy nhiên nhiều nghi vấn được đặt ra về việc tại sao ông lại đưa ra quyết định quan trọng vào thời điểm này. Đầu tiên chúng ta cần phải nhìn vào sự ra đời của cơ chế ưu đãi cho các nước có nền kinh tế đang hoặc kém phát triển. Nhằm cải thiện các cơ hội thương mại cũng như đảm bảo việc tham gia có hiệu quả vào hệ thống thương mại thế giới, Tổ chức kinh tế thế giới WTO đã ban hành thực hiện các phương án ưu đãi như hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), trong đó lộ trình mở cửa thị trường được rút ngắn lại, nhiều mặt hàng được loại trừ khỏi mức thuế thông thường.

Tuy nhiên, tổng thống Mỹ Donald Trump có một cách tiếp cận mới đối với vấn đề này. Chính quyền Trump cho rằng nếu xét từng đối tác cụ thể của Mỹ, tiêu chí xác định các nước có nền kinh tế đang hoặc kém phát triển là không phù hợp với nhiều nước. Ví dụ như Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng như nước đứng đầu về xuất khẩu sang Mỹ với tổng kim ngạch trị giá hơn 450 tỷ đô trong năm 2019. Kể từ khi WTO đưa ra những tiêu chí xác định đến nay, nền kinh tế các nước đã có nhiều biến đổi tích cực. Năng lực cạnh tranh của các nước cũng tốt lên so với trước đây. Vì vậy, ông Trump cho rằng nhiều đối tác kinh tế đang lợi dụng ưu đãi và gây hại cho các doanh nghiệp của Mỹ.

Ngày 26/7/2019, Tổng thống Trump ban hành Bản ghi nhớ về việc Cải cách tình trạng các nước đang phát triển trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo đó tiêu chí về Trợ cấp và chống phá giá được đề ra từ tháng 6/1998 đã không còn phù hợp. Trump ra lệnh cho USTR theo dõi liệu trong 90 ngày WTO có động thái nào nhằm giới hạn danh sách các nước có nền kinh tế đang và kém phát triển hay không. Sau nhiều lần trao đổi nhưng không đạt được tiến triển như mong muốn, Mỹ đã quyết định thực hiện thay đổi đơn phương với các tiêu chí mới sau: tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người; tỷ trọng của nền kinh tế đó trong tổng kim ngạch thương mại toàn cầu, và liệu nền kinh tế đó có phải là thành viên của nhóm những nước phát triển như Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Liên minh Châu Âu (EU) hoặc G20 hay không.

Nhiều quan chức cấp cao Hoa Kỳ cho rằng, mục tiêu của những động thái này là chĩa mũi dùi vào Trung Quốc bởi nhiều lý do, (1) Trung Quốc có thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ; (2) thông qua các biện pháp trợ cấp không minh bạch cho các ngành công nghiệp, Trung Quốc đã lợi dụng hệ thống thương mại tự do để tích lũy số thặng dư này; (3) Trung Quốc đã tiếp tục đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ.

Ngoài Trung Quốc, động thái này sẽ giáng một đòn rất mạnh đến nền kinh tế của các nước Hàn Quốc, Ấn Độ và Brazil – đứng thứ 6, thứ 9 và thứ 12 trong top 15 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Đảng Shiv Sena của Ấn Độ cảnh báo rằng New Delhi sẽ đối diện hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ thương mại toàn cầu. Bài viết nhấn mạnh rằng Ấn Độ còn lâu mới đủ tiêu chuẩn để được coi là một nước phát triển, xét trên các tiêu chí như y tế, giáo dục, việc làm, môi trường và xóa đói giảm nghèo. “WTO mang lại rất nhiều trợ cấp cho các nước đang phát triển và ông Trump không nhìn thấy điều này. Thay vì mang đến một giỏ kẹo, ông ấy lại mang đến một giỏ mướp đắng”, bài xã luận viết.

Quan điểm của tổng thống Donald Trump vẫn luôn rất rõ ràng: bài xích chủ nghĩa đa phương, khuyến khích quan hệ song phương và thương mại “cân bằng và đối xứng”. Kể từ năm 2017, các nhà lãnh đạo ASEAN có lẽ cũng đã hiểu rõ lối đi này, đặc biệt qua sự kiện Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Không chỉ vậy, Tổng thống Trump cũng không hỏi ý kiến các nước Đông Nam Á sau khi ông áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, khiến nổ ra cuộc chiến tranh thương mại gần 2 năm qua. Thêm vào đó, Trump cũng không thông báo trước cho các quốc gia bị ảnh hưởng rằng họ sẽ không được hưởng ưu đãi danh sách các nước đang phát triển. Quyết định thay đổi tiêu chí đánh giá các nước đang hay kém phát triển được Hoa Kỳ đưa ra không phải vì lý do chiến tranh thương mại với Trung Quốc hay vì nhằm trả đũa bất cứ ai mà do mục tiêu của Trump khi nắm quyền tổng thống – Tất cả vì lợi ích của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hành động của ông Trump sẽ chỉ củng cố thêm quan điểm tiêu cực về Hoa Kỳ trong quan điểm của các nước Đông Nam Á. Trong một cuộc khảo sát cuối năm 2019 của Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc Viện Yusof Ishak về Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, trên tổng số 1308 người dân Đông Nam Á, trong có có 11,6% là người Việt Nam, 36,4% cho biết ảnh hưởng của Hoa Kỳ tới khu vực đã giảm đáng kể và 40% cho rằng đã giảm một chút. Khi được hỏi đâu là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất trong khu vực Đông Nam Á, 79% số người trả lời là Trung Quốc, trong khi chỉ có 8% chọn Hoa Kỳ.

Với tình hình Việt Nam vẫn đang xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn nhập khẩu, có lẽ khả năng thuyết phục Mỹ đưa nước ta vào danh sách hưởng ưu đãi còn rất nhỏ. Hiểu rõ chủ trương của ông Trump là thương mại phải “có qua có lại”, để đảm bảo quyền lợi của mình, Việt Nam cần phải duy trì đối thoại, phối hợp với phía Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương tiếp tục phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai./.

Lê Huyền Trang

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN