Mỹ tính toán như thế nào về quan hệ với Trung Quốc sau Chiến tranh Thế giới thứ II?

Vốn đã đánh giá quá cao những tiềm năng của Trung Quốc và nuôi nấng những ảo tưởng về nước này, sau Thế chiến II, Mỹ trở nên thất vọng, thậm chí tức giận khi Trung Quốc trở thành một nước cộng sản, và coi Trung Quốc như là một mối đe dọa lớn ở Châu Á. Mãi tới khi Chiến tranh Việt Nam đi đến hồi kết, Mỹ mới bắt đầu chuẩn bị cho việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Quan điểm của Mỹ về Trung Quốc đã được Giáo sư Edwin O. Reischauer (Đại học Harvard) viết trong cuốn sách Beyond Vietnam: The United States and Asia (tạm dịch: Bên ngoài Việt Nam: Nước Mỹ và Châu Á), xuất bản năm 1968. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc phần nói về quan hệ Mỹ – Trung trong chương 3 của cuốn sách này.

Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill, và bà Tống Mỹ Linh tại Hội nghị Cairo, Ai Cập, ngày 25/11/1943 (Ảnh: Thư viện Franklin D. Roosevelt)

Trong Chiến tranh thế giới II, nước Mỹ tuyên bố rằng chính quyền độc tài đang lung lay của Tưởng Giới Thạch là “người chị em Cộng hòa” của nước Mỹ. Khi cuộc chiến đi đến hồi kết, Mỹ đã khẳng định rằng Trung Quốc cần phải được làm một thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với vị thế là một trong những lực lượng quan trọng giúp bình ổn thế giới, mà bỏ qua sự thật là Trung Quốc sẽ không thể tránh khỏi nội chiến và sẽ trở thành một yếu tố gây bất ổn hơn là bình ổn thế giới. Khi đảng cộng sản chiến thắng trong cuộc nội chiến, hình ảnh của Trung Quốc trong mắt người Mỹ từ hàng trăm triệu khách hàng tiềm năng hay những người anh em “cộng hòa” trở thành 700 triệu “kẻ thù” chịu trách nhiệm cho gần như tất cả các vấn đề bất ổn ở châu Á. Nước Mỹ chưa bao giờ đánh giá đúng quan hệ của mình với Trung Quốc, và đến bây giờ vẫn đang chịu chứng loạn thị mỗi khi nhìn vào Trung Quốc.

Trung Quốc đúng là một người khổng lồ, nhưng người Mỹ đã luôn luôn phóng đại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới và lợi ích của Mỹ. Nước Mỹ từ trước tới nay có xu hướng phản ứng lại với hình ảnh tưởng tượng này hơn là phản ứng với tình trạng thực tế của người khổng lồ, vốn đang lún sâu trong cái hố của lạc hậu và nghèo đói. Người Mỹ đã xây dựng các chính sách của họ dựa trên nhận định rằng người khổng lồ mạnh mẽ và nhanh nhẹn hơn thực tế, trong khi đó, vấn đề thực sự có khi lại là các điểm yếu và sự bất lực của nó trong nỗ lực thoát khỏi tình trạng đáng buồn nó đang gặp phải. Những chính sách của Mỹ với Trung Quốc thường có xu hướng tiêu cực, trong khi đáng lẽ Mỹ nên nhấn mạnh vào những điều tích cực.

Thái độ tiêu cực của Mỹ với Trung Quốc khá dễ giải thích. Vốn đã đánh giá quá cao những tiềm năng của Trung Quốc và nuôi nấng những ảo tưởng về nước này, Mỹ trở nên thất vọng, thậm chí tức giận, khi Trung Quốc trở thành một nước cộng sản và trở nên thù địch sâu sắc với Mỹ, phần vì Mỹ đã từng ủng hộ phe thua cuộc trong cuộc nội chiến [phe Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch]. Nước Mỹ cảm giác như mình bị phụ tình. Hơn thế nữa, đảng cộng sản Trung Quốc từ chối mọi nỗ lực xây dựng quan hệ từ phía Mỹ. Sau đó, việc Trung Quốc tham gia vào chiến tranh Triều Tiên càng thuyết phục người Mỹ rằng Trung Quốc chính là “kẻ thù đặc biệt.” Mối quan hệ này – hay đúng hơn là tình trạng thiếu quan hệ này – đã bị đóng băng suốt hơn một thập kỷ rưỡi. Đây là thời điểm mà nước Mỹ cần xem xét lại liệu quan điểm cứng nhắc hiện nay có phục vụ tốt nhất cho lợi ích của nước Mỹ hay không.

Một nhóm lính Mỹ bị Chí nguyện quân nhân dân Trung Quốc bắt làm tù binh trong Chiến tranh Triều Tiên, 1951

Tôi tin rằng chính sách ngăn chặn [containment policy] của nước Mỹ là thông thái và vẫn cần thiết. Trung Quốc lớn hơn các nước láng giềng rất nhiều, và giới lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng một cách cực đoan vào quan điểm rằng cách mạng cần phải được nhân rộng khắp nơi trên thế giới. Quân Mỹ đã phải chặn đánh quân Trung Quốc ở Triều Tiên khi quân đội Trung Quốc tiến ra ngoài để đón đầu người Mỹ sau khi quân Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38 để vào Bắc Triều Tiên, một hành động mà ngày nay nhìn lại, có thể nói là một sai lầm. Trong suốt những năm 1950, khi uy tín của Trung Quốc vẫn còn cao, một phần vì khả năng giữ Mỹ trong tình thế bế tắc quân sự ở Triều Tiên, Trung Quốc đã là một mối đe dọa lớn tới các nước láng giềng – thông qua những hành động hăm dọa, nếu không phải là công khai tấn công – và vì vậy mà sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực này đã có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các nước châu Á khác khỏi sức ép từ Trung Quốc. Cam kết quân sự của Mỹ với một vài nước trong số đó có thể đã phục vụ tốt cho mục đích này, mặc dù việc làm cho SEATO trông có vẻ giống như một liên minh quân sự của nhiều nước, trong khi sức mạnh quân sự thực sự duy nhất là sự cam kết của Mỹ, có lẽ đã không phải là phương án tốt nhất.

Thập niên 1960, Trung Quốc vẫn ở trong tình trạng đói nghèo và lạc hậu

Kể cả ngày nay, khi uy tín của Trung Quốc đã rơi xuống thấp hơn hẳn so với thập kỷ trước, sự hiện diện quân sự của Mỹ có lẽ vẫn cần thiết để cảnh cáo những hành động xâm lược công khai. Có thể nói nước Mỹ đang áp dụng chính sách ngăn chặn các hành động xâm lược trên quy mô toàn thế giới. Trước các chủ trương hiếu chiến của Trung Quốc thì nước Mỹ có lý do để hướng chính sách này tập trung vào Trung Quốc – mặc dù công khai xâm lược có vẻ không nằm trong chiến lược của họ, ít nhất là trong hiện tại.

Tuy nhiên rất nhiều phần trong chính sách đóng băng của Mỹ đối với Trung Quốc không thực sự tạo ra lợi ích gì cho nước Mỹ. Suốt thời gian qua, nước Mỹ chấp nhận tuyên bố của Tưởng Giới Thạch rằng nội chiến ở Trung Quốc vẫn chưa thực sự được phân định thắng thua và Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan mới là chính phủ chính thức của Trung Quốc và một ngày sẽ giành lại đại lục. Tất nhiên, đây là một điều phi lý. Tưởng Giới Thạch kiểm soát chưa đầy 2% dân số Trung Quốc. Dù người dân Trung Quốc có thể thất vọng với chính quyền cộng sản đến thế nào, thế hệ người cao tuổi ở Trung Quốc có lẽ cũng thất vọng với chính quyền Tưởng Giới Thạch như vậy, còn thế hệ trẻ ở Trung Quốc đã được giáo dục để coi khinh chính quyền Tưởng. Kể cả trong trường hợp chính quyền cộng sản sụp đổ ở đại lục, một điều có vẻ bất khả dĩ, thì có lẽ chính quyền Tưởng vẫn sẽ không được lợi lộc gì. Lịch sử thường không chạy giật lùi như vậy.

Không ai nghĩ rằng Trung Hoa Dân Quốc là chính phủ chính thức của Trung Quốc. Nước Mỹ bị cả thế giới coi là ngớ ngẩn khi chấp nhận sự huyễn hoặc này. Hơn nữa, điều này còn khiến cho nước Mỹ bị rơi vào thế khó ngay từ thời điểm bắt đầu nỗ lực xây dựng quan hệ với nhóm dân cư đông nhất thế giới này. Trong ngoại giao cũng như mọi lĩnh vực khác trong cuộc sống, sự giả dối không thể là một nền móng vững chắc.

Tổng thống Eisenhower cùng Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch và phu nhân tại Đài Bắc, Đài Loan, tháng 6/1960 (Ảnh: USAID)

Để duy trì cuộc chơi, nước Mỹ tất nhiên đã từ chối công nhận Bắc Kinh và, năm này qua năm khác, đã dành nhiều nỗ lực để thuyết phục các nước khác không công nhận hoặc ít nhất là về phe với Mỹ trong việc ngăn chính quyền Bắc Kinh được gia nhập Liên Hợp Quốc. Nhiều đồng minh của Mỹ ở khối các nước phát triển đã từ chối đồng hành với Mỹ trong vấn đề này, và không người dân nước nào tỏ ra đồng tình với chính sách của Mỹ. Mỹ còn bị lên án mạnh mẽ ở hầu hết các nước còn lại trên thế giới. Mỹ đã phải trả một cái giá chính trị quá cao để ngăn chặn Bắc Kinh hòa nhập vào thế giới – một chính sách không mang lại lợi ích gì cho nước Mỹ.

Theo tôi, các lý do để Mỹ duy trì chính sách này phần lớn là nông cạn. Sự công nhận một chính phủ thường căn cứ vào khả năng điều hành đất nước một cách có hiệu quả, chứ không phải căn cứ vào đạo đức và tài năng, vốn là cách mà Mỹ tiếp cận vấn đề này trong suốt nửa thế kỷ qua. Mỹ tranh luận rằng chính quyền Bắc Kinh không xứng đáng được công nhận là chính phủ chính thức của Trung Quốc. Nếu dụng đúng thước đo đạo đức này đối với những nơi khác trên thế giới, Mỹ cũng nên rút lại sự công nhận của mình đối với rất nhiều nước khác. Mỹ cũng tranh luận rằng chính quyền Bắc Kinh không được lòng dân, như được thể hiện thông qua bầu cử tự do. Tiêu chuẩn này tất nhiên sẽ buộc Mỹ phải rút lại sự công nhận với tất cả các nước phi dân chủ trên thế giới, vốn chiếm đa số và bao gồm cả chính phủ Đài Loan. Trên thực tế, nếu như có một phép màu khiến cho bầu cử tự do bỗng nhiên được thực hiện ở khắp nơi trên thế giới, thì tôi nghĩ chính quyền Bắc Kinh cũng sẽ đạt được kết quả ít nhất là ngang bằng với phần lớn các chính phủ phi dân chủ khác.

Một lý lẽ khác được đưa ra là nếu Mỹ không kiên quyết từ chối thừa nhận rằng cộng sản Trung Quốc đang kiểm soát đại lục, thì một số nước láng giềng của Trung Quốc sẽ trở nên thất vọng tới mức họ sẽ không còn muốn nỗ lực duy trì sự độc lập của họ trước Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu trên thực tế các nước láng giềng này yếu đuối và coi rẻ nền độc lập của mình thì trong dài hạn, nước Mỹ sẽ không thể làm gì để giúp duy trì nền độc lập cho họ. Tôi thấy lý lẽ này khác nào việc các nước gây sức ép để Mỹ không công nhận Trung Quốc cộng sản, vì điều này có lợi cho họ.

Một lý lẽ nữa là nếu Bắc Kinh được kết nạp vào Liên Hợp quốc (LHQ) và đặc biệt là nếu họ có được chiếc ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an, LHQ sẽ gặp phải rắc rối lớn. Bỏ qua câu hỏi liệu Bắc Kinh có sẵn sàng gia nhập mà không đưa ra những điều kiện khó có thể chấp nhận được đối với LHQ, thì lý lẽ này không phải là vô căn cứ. Thái độ không khoan nhượng của Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của LHQ. Tuy nhiên, không chắc liệu LHQ có đang thực sự đóng một vai trò gìn giữ hòa bình đáng kể để Trung Quốc có thể phá hoại hay không. LHQ nói chung vẫn chỉ là một giấc mơ hơn là một thực tế.
Ngoài ra, các nước ngoài phương Tây đã đặt nhiều hy vọng vào LHQ và nếu Bắc Kinh có ý định cản trở công việc của LHQ, thì sự bất mãn của các nước này, vốn đang nhằm vào Mỹ vì đã cản trở việc kết nạp một nước lớn bên ngoài phương Tây, sẽ chuyển sang phía Trung Quốc. Chắc chắn sự cứng đầu mà có lẽ Bắc Kinh sẽ thể hiện ở LHQ sẽ làm xấu đi ấn tượng về Trung Quốc của các nước kém phát triển hơn, từ đó làm suy giảm chứ không phải tăng cường uy tín của Bắc Kinh. Việc tham gia vào LHQ cũng sẽ giúp cộng sản Trung Quốc vỡ ra nhiều điều, vì họ sẽ được tiếp xúc với các quan điểm và thực tế ở thế giới bên ngoài. Việc dạy dỗ Bắc Kinh bằng cách đó có lẽ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ hơn là việc Bắc Kinh phá bĩnh ở LHQ làm phương hại đến lợi ích của Mỹ.

Việc Mỹ từ chối giao thương với Trung Quốc, đồng thời cản trở thương mại giữa Trung Quốc và các nước phi cộng sản khác, có lẽ cũng đang ảnh hưởng xấu tới lợi ích của Mỹ. Lý lẽ của Mỹ là Trung Quốc là một đất nước hiếu chiến, vì vậy việc trao đổi thương mại với họ, qua đó làm cho nền kinh tế của họ mạnh hơn, sẽ khiến cho Trung Quốc trở nên hiếu chiến hơn. Trên bề mặt thì điều này có vẻ có lý, nhưng thực ra mọi việc không diễn biến như vậy.

Chính sách này có thể đã có lý nếu các đồng minh của Mỹ đồng ý tham gia cấm vận thương mại Trung Quốc, nhưng họ đã không làm như vậy. Thậm chí nếu như họ sẵn sàng bắt tay với Mỹ để tẩy chay Trung Quốc, thì hành động bóp nghẹt kinh tế Trung Quốc này có lẽ sẽ không tạo ra tác động mong muốn. Rất có thể một chính sách như vậy sẽ buộc Trung Quốc phải quay trở lại với vòng tay của Liên Xô, từ đó phục hồi phần nào sự đoàn kết trong khối cộng sản. Nhìn từ quan điểm này, thương mại giữa Trung Quốc và các nước phi cộng sản về cơ bản lại có lợi cho Mỹ. Nó giúp duy trì sự chia rẽ trong khối cộng sản và, bằng cách để cho Trung Quốc trở nên phụ thuộc vào thương mại với các nước phi cộng sản, khiến Trung Quốc cuối cùng sẽ phải chấp nhận chung sống hòa bình với phần còn lại của thế giới. Dù thế nào thì kể cả một chế độ cấm vận hoàn toàn từ các nước phi cộng sản cũng khó có khả năng làm suy yếu khả năng của Trung Quốc trong việc khuấy động phong trào cách mạng ở các nước kém phát triển hơn và viện trợ vũ khí nhỏ và chuyên gia kỹ thuật như họ hiện đang cung cấp cho Bắc Việt.

Tuy nhiên, điểm trọng yếu ở đây là tất cả các đồng minh lớn của Mỹ đều có quan hệ thương mại với Trung Quốc. Mặc dù họ đã cấm mua bán các mặt hàng có tầm quan trọng chiến lược và đồng ý hạn chế cho vay dài hạn, để dành loại hình viện trợ này cho các nước có vẻ xứng đáng hơn, nhưng các nỗ lực của Mỹ nhằm buộc các nước này ngừng mọi liên hệ thương mại bình thường với Trung Quốc sẽ chỉ làm ảnh hưởng xấu tới quan hệ của Mỹ với các nước này. Trừ Liên Xô, vốn đứng thứ 3 trong số các đối tác thương mại của Trung Quốc, thì các đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc cũng chính là các đồng minh lớn của Mỹ, bao gồm: [xếp theo thứ tự tầm quan trọng giảm dần] Nhật, Anh (thông qua thuộc địa Hồng Kông), Tây Đức, Pháp, Canada, Úc, và Italy. Hơn 70% thương mại quốc tế của Trung Quốc là với khối phi cộng sản.

Trong hoàn cảnh này, việc Mỹ từ chối trao đổi thương mại với Trung Quốc không mang lại hiệu ứng kinh tế nào cả. Trung Quốc đã có quy mô thị trường đầu ra và nguồn cung cấp lớn hơn rất nhiều so với mức độ mà nền kinh tế yếu kém của họ cần đến. Sự vô nghĩa của lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt lên Trung Quốc được minh họa bằng lượng xuất khẩu lúa mỳ từ Mỹ và Canada sang Nhật và Trung Quốc. Trong những năm gần đây, một khối lượng lớn lúa mỳ Canada từ trước tới nay vốn được xuất sang Nhật Bản bắt đầu được chuyển sang Trung Quốc, qua đó cung cấp cho Mỹ một thị phần tương đương ở Nhật Bản. Nền kinh tế của Trung Quốc và cả quy mô cũng như bản chất của ngoại thương nước này từ trước tới nay không chịu ảnh hưởng từ các chính sách thương mại của Mỹ, mà chủ yếu được quyết định bởi tình hình trong nước và sự thay đổi trong quan hệ Trung – Xô. Bất chấp những chính sách bất lợi từ phía Mỹ, kinh tế và thương mại Trung Quốc vẫn phát triển.

Chính sách cấm vận thương mại của Mỹ có thể không mang lại hiệu ứng kinh tế nào, tuy nhiên, cùng với việc Mỹ từ chối công nhận Trung Quốc và ra sức ngăn cản Trung Quốc gia nhập LHQ, tất cả đã tạo ra nhiều hiệu ứng chính trị, mà về cơ bản là đi ngược lại với lợi ích của Mỹ. Mọi nỗ lực của Mỹ nhằm giữ Trung Quốc yếu đuối và ít sức ảnh hưởng bằng cách cô lập nước này đều không thành công. Mỹ đã không thể cắt đứt các mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với thế giới bên ngoài. Không một quốc gia quan trọng nào bị ngăn cản thiết lập quan hệ với Trung Quốc nếu như họ coi đây là một việc đáng làm. Những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn Trung Quốc gia nhập LHQ không hiệu quả hơn những hành động cứng rắn và những điều kiện vô lý do chính Trung Quốc đặt ra. Khả năng của Trung Quốc trong việc khuấy động bất ổn ở các nước khác cũng không bị yếu đi là bao. Mặt khác, chính sách của Mỹ đã tạo ra những tác động tiêu cực lên mối quan hệ với các nước đồng minh. Ví dụ như ở Nhật, nơi chính sách quan hệ với Trung Quốc được coi trọng, những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Trung Quốc bị dư luận coi là thiếu sáng suốt. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Nhật.

Chính sách của Mỹ cũng đã góp phần làm trầm trọng thêm thái độ thù địch của Trung Quốc với Mỹ và có lẽ còn giải thích cho cả cách đối xử vô lý của họ với khối phi cộng sản. Tất nhiên, phải thừa nhận rằng đảng cộng sản Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ giữ thái độ thù địch với Mỹ dù Mỹ có làm gì đi nữa, bởi họ tin rằng “chủ nghĩa đế quốc” Mỹ là hậu quả tất yếu của hệ thống “tư bản chủ nghĩa” và là kẻ thù lớn của nhân loại. Hơn nữa, nhằm củng cố sự đoàn kết trong nước cũng như lấp liếm cho những thất vọng mà họ đã gây ra, họ cần có một kẻ thù ngoại quốc, và nước Mỹ là một đối tương phù hợp. Tuy nhiên, tôi không hiểu vì sao Mỹ cần phải tiếp tay cho ván cờ này của họ, đặc biệt là khi hiện nay, họ đã tìm ra Liên Xô như một sự thay thế hoàn hảo cho Mỹ với vai trò là Kẻ thù Số 1 của Nhân dân.

Nhưng lý do lớn nhất để phản đối chính sách hiện nay của Mỹ nhằm biệt lập Trung Quốc là vì chính sách này là một rào cản lớn mà tự Mỹ dựng lên chắn ngang con đường tới điều mà đáng lẽ ra phải là cái đích dài hạn của Mỹ. Trung Quốc sẽ không lụi tàn và biến mất; và chính quyền cộng sản có lẽ sẽ không bị lật đổ trong một tương lai có thể dự đoán được. Hy vọng hợp lý duy nhất của Mỹ là các nhà lãnh đạo Trung Quốc dần dần sẽ nhận ra thực tế của thế giới quanh họ và bắt đầu hiểu rằng để xây dựng được một Trung Quốc ổn định và thịnh vượng như họ mong muốn, họ chỉ có cách chung sống trong hòa bình và tiến tới hợp tác với các nước phi cộng sản. Điều này tất nhiên sẽ mất nhiều thời gian, và cho đến khi nó xảy ra thì Trung Quốc có lẽ sẽ vẫn là mối đe dọa lớn nhất tới sự ổn định của thế giới, khiến Châu Á ở trong tình trạng căng thẳng và vô hiệu hóa mọi nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận quốc tế về vũ khí hạt nhân và các vấn đề quan trọng khác. Nhưng dù cho viễn cảnh nói trên có đến chậm như thế nào đi chăng nữa thì đây vẫn là hy vọng tốt nhất của nước Mỹ về tương lai của Trung Quốc.

Không có gì đáng ngạc nhiên về việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc không hiểu biết gì về thế giới bên ngoài. Phần lớn trong số họ đã sống một cuộc sống tách biệt với thế giới. Mao Trạch Đông, xuất phát từ trung tâm của miền trung Trung Quốc, thời thanh niên đã có một thời gian ngắn sống trong không khí quốc tế sôi nổi ở Đại học Bắc Kinh, nơi ông được giác ngộ với chủ nghĩa cộng sản của những năm 1920. Tuy nhiên, không lâu sau, ông đã quay trở lại với vùng đất nội địa hẻo lánh để lãnh đạo phong trào du kích của mình, trước tiên là ở các vùng rừng núi ở phía đông nam, và sau đó là trong vùng bán sa mạc ở phía tây bắc. Bị biệt lập về mặt địa lý cũng như bị che mắt bởi những giáo điều cộng sản, tầm nhìn của Mao về thế giới vô cùng giới hạn.

Bi kịch của Trung Quốc ngày nay, giống như một thế kỷ trước, là sự thờ ơ của nhà cầm quyền đối với thế giới bên ngoài. Nước Mỹ cần phải làm tất cả những gì có thể để giúp họ tiếp cận với những gì nằm bên ngoài biên giới, mở ra những cánh cửa cho họ thay vì cố gắng đóng chúng lại. Chỉ đến khi họ hiểu nhiều hơn về tình hình thực tế của thế giới bên ngoài, họ mới có thể có được thái độ bao dung, cởi mở cần thiết cho Trung Quốc và cho cả thế giới.

Nghịch lý ở đây là Mỹ không thể mong đợi Trung Quốc chấp nhận triết lý sống này trong khi chính Mỹ không tuân theo nó. Với những ảo vọng lớn lao về Trung Quốc, Mỹ có thể đã sốc nặng khi Trung Quốc đi theo cộng sản. Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải chống đỡ với những vấn đề tâm lý thậm chí còn nặng nề hơn, bởi Trung Quốc đang ở trong tình trạng yếu kém và lạc hậu. Có lẽ họ là dân tộc tự tôn nhất trên thế giới và vẫn cảm thấy khó có thể chấp nhận rằng các dân tộc khác là bình đẳng với mình, nhưng họ cũng vừa trải qua một thế kỷ khi những người như chúng ta đã giày xéo lên lòng tự tôn của họ. Việc chúng ta vờ như họ không tồn tại, hay nếu có tồn tại thì cũng chỉ là một dân tộc xấu xa hèn mọn chẳng đáng để mắt tới, khác nào xát muối lên vết thương cũ. Thái độ thù địch của Trung Quốc đối với Mỹ cũng như mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra đối với sự ổn định của thế giới không xuất phát từ chính sách của Mỹ, nhưng chính sách của Mỹ lại có tác động củng cố và duy trì cả hai điều này.

Thái độ của Mỹ với Trung Quốc trong tương lai

Phần lớn những gì tôi vừa nói đều được Washington và người dân Mỹ công nhận. Gần đây nước Mỹ đang dần dịch chuyển một cách cẩn trọng khỏi nỗ lực cô lập Trung Quốc. Đã vài năm trở lại đây, nước Mỹ không tìm cách ngăn cản các hoạt động thương mại bình thường trên các mặt hàng phi chiến lược giữa các đồng minh Mỹ và Trung Quốc. Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm chính sách “ngăn chặn nhưng không cô lập.” Tổng thống Johnson đã nói về “hòa giải” với Trung Quốc. Mỹ cũng bày tỏ sự sẵn sàng tổ chức các chương trình trao đổi nhà báo, học giả, bác sỹ, các nhà khoa học, và các chuyên gia khác, nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ hồi âm tích cực nào từ phía bên kia.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn do dự chưa muốn đi xa hơn những hành động nhỏ bé này để thẳng thắn xác định lại toàn bộ thái độ của Mỹ với Trung Quốc sao cho phù hợp hơn với tình hình hiện tại và với những gì Mỹ thực sự mong muốn. Mỹ vẫn chưa sẵn sàng tuyên bố một cách đơn giản và rõ ràng rằng Mỹ công nhận chính phủ Bắc Kinh đã kiểm soát gần như toàn bộ Trung Quốc và sẽ tiếp tục quyền kiểm soát của mình; rằng vì vậy mà Mỹ mong chờ đến thời điểm mà Bắc Kinh sẽ sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ; rằng Mỹ sẽ sẵn sàng thiết lập quan hệ thương mại với Trung Quốc; và rằng Mỹ mong chờ tới thời điểm Trung Quốc sẽ muốn gia nhập LHQ với những điều kiện giống như các nước đã gia nhập trước đó; và cuối cùng, Mỹ mong chờ tới thời điểm Trung Quốc sẽ muốn có cả những quan hệ hợp tác thân thiện với Mỹ chứ không chỉ những liên hệ ngoại giao thông thường. Tất cả những điều này chắc chắn đều phục vụ cho lợi ích của Mỹ và không có lý do gì để Mỹ không tuyên bố thẳng thắn rằng đây đúng là điều mà Mỹ mong muốn.

Tuy nhiên, có một vài ý kiến thường được dẫn ra để phản đối hướng chính sách trên. Người ta lập luận rằng, mặc dù hướng chính sách này có vẻ thông thái nếu nhìn về dài hạn, nhưng Chiến tranh Việt Nam đã khiến Mỹ không thể thực hiện nó ngay bây giờ. Người ta nói rằng Mỹ không thể tuyên bố như trên khi mà Mỹ vẫn đang chống lại “sự gây hấn của Trung Quốc” ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một cách hiểu hoàn toàn sai lệch về thực tế đang diễn ra. Như chúng ta đã thấy, cuộc chiến tranh ở Việt Nam không nên được coi là một hậu quả từ sự gây hấn của Trung Quốc, kể cả là gián tiếp, mà nó là hậu quả của tình hình địa phương và một số quyết định sai lầm của Mỹ trong quá khứ. Tất nhiên, khi mà chiến sự vẫn đang diễn ra ở Việt Nam thì quan hệ Mỹ-Trung sẽ ít có khả năng được cải thiện đáng kể. Nhưng Chiến tranh Việt Nam là một lý do hợp lý để Mỹ khẩn trương thay đổi thái độ. Với quy mô can thiệp quân sự của Mỹ ở Việt Nam, hành động từ phía Mỹ sẽ ít có khả năng bị hiểu lầm là một động thái “nhượng bộ” trước chủ nghĩa cộng sản hay một sự từ bỏ những cam kết với các đồng minh. Như vậy, thực chất cuộc chiến này đã tạo cho Mỹ một điều kiện dễ dàng hơn để thay đổi thái độ với Trung Quốc, đồng thời cũng khiến việc này trở nên cấp thiết hơn.

Tổng thống Jimmy Carter và Đặng Tiểu Bình tại lễ ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ – Trung, Washington D.C., tháng 1/1979

Nước Mỹ đang ngày càng tiến đến gần khả năng chiến tranh với Trung Quốc vì Việt Nam. Đối với cả Trung Quốc và Mỹ vào thời điểm này, không gì có thể ngu ngốc hay tốn kém hơn chiến tranh. Không bên nào sẽ có thể thắng trong một cuộc chiến như vậy, mà cả hai có thể làm tổn thương nhau nghiêm trọng. Mỹ không thể chiếm Trung Quốc và ép Trung Quốc phải đầu hàng, nhưng Mỹ có thể phá hủy các thành phố và nền công nghiệp của Trung Quốc bằng không lực. Trung Quốc cũng không thể tấn công vào những điểm trọng yếu của Mỹ, nhưng có thể ăn mòn sức người và hủy hoại mối quan hệ của Mỹ với nhiều đồng minh quan trọng cũng như với Liên Xô. Trên thực tế, nó có thể dẫn tới chiến tranh Mỹ-Xô vốn có khả năng hủy diệt cả thế giới.

Tất nhiên, một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là không tránh được. Giống như những sinh vật trên cạn và sinh vật dưới nước, mỗi nước sống trong một môi trường chính trị và kinh tế khác nhau tới mức khó có thể đụng độ nhau. Họ không có lý do gì để dây dưa với nhau. Nếu chiến tranh thực sự nổ ra, hẳn đó là do Trung Quốc đã hiểu lầm tai hại những ý định của Mỹ. Những hiểu nhầm của Trung Quốc về Mỹ bắt nguồn một phần từ việc Mỹ đã không sẵn sàng nói ra những gì họ thực sự nghĩ về Trung Quốc và tương lai của Trung Quốc. Ít nhất Mỹ cần xóa bỏ những sự giả dối trong thái độ của mình với hy vọng rằng điều này sẽ giúp giảm thiểu, dù là ở mức độ thấp, khả năng nổ ra một cuộc chiến vô nghĩa.

Một ý kiến khác phản đối Mỹ thay đổi thái độ với Trung Quốc là: một sự thay đổi chính sách sẽ không nhanh chóng dẫn đến tình thế hòa hoãn [détente] với Bắc Kinh. Điều này là khá chính xác. Chắc chắn là Bắc Kinh sẽ phản ứng một cách giận dữ. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quên rằng Trung Quốc là một nước bất ổn. Tình thế hỗn loạn do phong trào Hồng vệ binh gây ra gần đây một lần nữa chứng tỏ điều này. Người dân Trung Quốc ngày càng thất vọng về những thất bại liên tiếp của chính quyền. Giới lãnh đạo Trung Quốc bị chia rẽ trong công cuộc tìm kiếm một con đường dẫn đến sự tiến bộ. Không ai có thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra ở Bắc Kinh, nhưng có khả năng là trong vòng vài năm tới, người Trung Quốc sẽ tìm kiếm những lối đi khác để giải quyết các vấn đề của họ. Một trong số những lối đi này có thể là cải thiện mối quan hệ với Mỹ, một khi chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt. Mỹ vì vậy nên cổ vũ cho hướng đi này bằng cách gỡ bỏ những ý xúc phạm ẩn trong đường lối chính sách cũ với Trung Quốc và tỏ rõ cho người Trung Quốc thấy ý định thực sự của mình. Điều này càng được thực hiện sớm thì sẽ càng có tác động tích cực lên quan hệ của Mỹ với Trung Quốc.

Một ý kiến khác phản đối việc thay đổi chính sách Trung Quốc của Mỹ là: mọi sự thay đổi bất ngờ từ phía Mỹ sẽ khiến cho các nước đồng minh nhỏ hơn ở xung quanh Trung Quốc trở nên bối rối, nhất là vào thời điểm căng thẳng hiện nay ở Đông Nam Á, và sẽ được nhìn nhận bởi người Trung Quốc như là một hành động đánh lừa. Cả hai nhận định này có những điểm hợp lý. Như tôi đã nói, nước Mỹ là một con tàu lớn và chỉ có thể thay đổi hướng đi của mình một cách từ từ. Sẽ cần phải có hàng tháng trời để chuẩn bị các tuyên bố một cách cẩn thận để giúp nước Mỹ chuyển hướng một cách an toàn từ vị trí bất lợi hiện tại sang một vị trí chắc chắn hơn, từ đó xây dựng quan hệ với Trung Quốc./.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN