Hành trình của một thiên tài yêu nước: Chân dung Nguyễn Ái Quốc qua các tài liệu của mật thám Pháp (1920-1922)

Trên chuyến tàu Latouche Tréville rời cảng Sài Gòn ngày 05/06/1911, có một người thanh niên yêu nước đã bắt đầu cuộc hành trình đơn độc và can đảm với hai bàn tay trắng cùng một khát vọng cháy bỏng muốn tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc mình… Chàng thanh niên ấy chính là Nguyến Ái Quốc – Hồ Chí Minh – người sau này sẽ dẫn dắt cả dân tộc Việt Nam phá tan mọi gông cùm, xiềng xích để giành lại nền tự do, độc lập chân chính. Tới Pháp năm 1919, Nguyễn Ái Quốc sống tại Paris, làm nghề thợ ảnh, lãnh đạo “Nhóm những người Đông Dương yêu nước”; sau đó tham dự Đại hội Tours với tư cách là Đại biểu Đông Dương và gia nhập Đảng Cộng sản Pháp vào tháng 12/1920; giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thuộc địa, phụ trách các vấn đề Đông Dương. Trong khoảng thời gian hoạt động tại đây, bằng vốn ngoại ngữ xuất sắc, trí tuệ thiên tài cùng một khí phách ngút trời, người chí sĩ yêu nước ấy đã là tác giả của vô số các bài chính luận sắc sảo cùng những lời phát biểu đanh thép phơi bày bộ mặt thật của thực dân Pháp ở Đông Dương, kêu gọi các dân tộc thuộc địa đoàn kết để cùng giành lại tự do, độc lập. Dẫu phải trải qua nhiều lần chuyển chỗ ở, bị mật thám Pháp truy lùng riết ráo và theo dõi hết sức gắt gao, song sự nghiệp tranh đấu cho giống nòi, dân tộc của Người vẫn không ngừng lại một giây phút nào. Suốt những năm 1920 – 1922, Nguyễn Ái Quốc liên tục kết nối với các thành viên của nhiều tổ chức cách mạng tiến bộ, tham gia các cuộc biểu tình đòi quyền tự do, dân chủ; đồng thời dành phần lớn thời gian tại các thư viện bản xứ để đọc, nghiền ngẫm và tìm ra con đường cứu nước phù hợp, đúng đắn nhất. Từ năm 1919 đến năm 1955, các cơ quan an ninh của Pháp đã giám sát chặt chẽ hoạt động chính trị của Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, nhất cử nhất động của Người trên đất Pháp đã được ghi lại một cách hết sức tỉ mỉ, chi tiết trong rất nhiều giấy tờ hành chính, báo cáo, ghi chú mật, văn bản thẩm vấn, trích đoạn báo chí, ảnh chụp, tờ rơi, áp phích, thư từ trao đổi giữa nhiều cơ quan liên quan và cả bút tích nhằm xác định chữ viết tay của Nguyễn Ái Quốc… Với tổng cộng hơn 9000 tờ, những báo cáo này hiện đang được lưu giữ tại Kho Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại (Archives nationales d’Outre-Mer) của Pháp. Nhân dịp kỉ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Tạp chí Phương Đông xin gửi tới bạn đọc bản dịch một số trích đoạn từ nguồn tài liệu quý giá nói trên; qua đó cung cấp cho quý độc giả những phác họa chân thực, sống động nhất về người chí sĩ yêu nước – thiên tài Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

***

Ngày 28 tháng 12 năm 1920

Toàn văn tuyên bố Nguyễn Ái Quốc trong Đại hội Đảng Xã hội Pháp tổ chức ở Tours, được đăng lại trên tờ “L’Humanité” vào ngày 27 tháng 12 năm 1920:

“Sau đó là đại biểu đến từ Đông Dương, được hoan nghênh bằng một tràng pháo tay. Với vốn tiếng Pháp xuất sắc, ông đã tố cáo những hành vi sai trái, đàn áp và tùy tiện khiến 20 triệu người An Nam đã trở thành nạn nhân của rượu và thuốc phiện, bị bóc lột và săn lùng bởi một hệ thống tư pháp nhanh chóng áp đảo họ. Goude[1] tuyên bố rằng toàn Đảng Xã hội đồng lòng phản đối sự lộng hành và những tội ác của hệ thống công lý tư sản ở Đông Dương (vỗ tay).

Một nhận xét về Jean Longuet[2] đã khiến ông nhấn mạnh lại rằng ông từng là người đầu tiên và duy nhất bênh vực cho nhân dân bản xứ An Nam, và vì điều đó mà ông còn bị sỉ nhục và buộc tội là làm công cụ cho kẻ thù của Pháp. Chính Nghị viện là nơi ta có thể bảo vệ cho các đồng chí Đông Dương của mình tốt nhất.

Vaillant-Couturier[3] phát biểu: ‘Tôi cảm kích trước hành động của Longuet, nhưng đó không phải là điều mà các đồng chí người An Nam của chúng ta yêu cầu. Trên hết, họ nghĩ về Đại hội ở Baku, nơi các dân tộc bị áp bức đã đoàn kết lại và đứng lên để giải phóng chính mình.[4]’”

Ký tên: Deveze

***

Tháng 4 năm 1922

THÔNG BÁO VỀ NGUYỄN ÁI QUỐC 

Nguyễn Ái Quốc sinh ngày 15 tháng 1 năm 1894 tại Vinh (An Nam). Anh ta còn độc thân.

Sau khi đến Paris từ London vào tháng 6 năm 1919, anh ta sống tại nhà số 9 ngõ Compoint từ ngày 14 tháng 7 năm 1921.

Anh ta làm thợ chỉnh sửa ảnh tại số 65 phố Balagny.

Là một kẻ kích động cách mạng hoạt động vô cùng tích cực, tháng 12 năm 1920, anh ta tham dự Đại hội Tours với tư cách là Đại biểu Đông Dương, sau đó gia nhập Đảng Cộng sản. Hiện tại anh ta thuộc Phân ban quận 17 của Liên đoàn Cộng sản Seine (Fédération communiste de la Seine).

Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho những người An Nam cư trú tại Pháp viết một bản tuyên ngôn mang tên “Yêu sách của nhân dân An Nam” rồi gửi một số lượng lớn bản sao đến các thành viên chính phủ và Nghị viện.

Ngay khi đến Paris vào tháng 7 năm 1919, anh ta đã thay Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh lãnh đạo “Nhóm những người Đông Dương yêu nước” (Groupe des Patriotes Indochinois) khi hai người kia vừa bị buộc tội âm mưu chống lại an ninh nhà nước.

Nguyễn Ái Quốc hiện thường xuyên tham gia vào các cuộc họp do Đảng Cộng sản và nhiều nhóm cách mạng khác nhau tổ chức ở thủ đô.

Anh ta đăng ba bài báo trên tờ “Libertaire” số ra ngày 16 tháng 9, 30 tháng 9 và 7 tháng 10 năm 1921, với tiêu đề lần lượt là “Nền văn minh vượt trội” (La civilisation supérieur), “Sự quái dị của nền văn minh” (La Monstruosité de la civilisation), và “Hãy yêu lấy vị thần tiên bảo vệ chúng ta!” (Aimez, la Féerie nous protège!). Trong đó, anh ta đổ hết mọi lỗi lầm lên các quan chức ở Đông Dương, từ đó bình luận về những cảnh tượng khủng khiếp mà lính Pháp được cho là đã gây ra tại một số ngôi làng của thuộc địa này… Anh ta cũng đồng thời hợp tác với tờ báo “Le Paria”.

Anh ta là Ủy viên Ban Chấp hành “Hội Liên hiệp Thuộc địa” (Union Intercoloniale) có trụ sở tại số 9 phố Vallette. Anh ta phụ trách các vấn đề Đông Dương. Mặt khác, anh ta cũng cộng tác với Ủy ban Nghiên cứu Xã hội (Comité d’Études Sociales), đặt tại trụ sở Đảng Cộng sản, số 120 phố Lafayette.

Tóm lại, Nguyễn Ái Quốc là một kẻ kích động không chịu khuất phục trước bất kỳ thách thức nào để tạo ra một luồng dư luận bất lợi cho Pháp ở các thuộc địa.

Thông tin từ tháng 12 năm 1923 cho biết anh ta đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong “Hội sinh viên bản xứ cách mạng” (Association révolutionnaire d’étudiants indigènes) được thành lập gần đây ở Hải Phòng.

***

Paris, ngày 15 tháng 5 năm 1922

Nguyễn Tất Thành, tức Nguyễn Ái Quốc – nghĩa là “Nguyễn Yêu Nước”, hiện đã ngoài 30 tuổi, sinh ra ở làng Kim Liên, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (An Nam).

Cha anh ta là Nguyễn Sanh Huy, hay còn gọi là “Nguyễn Sanh Sắc”, trước là tri huyện nhưng bị cách chức vì lạm dụng quyền lực nghiêm trọng, nay ở Nam Kỳ.

Chị gái anh ta là Nguyễn Thị Thanh, hiệu “Bạch Liên”, đang bị giam trong nhà tù Quảng Ngãi (An Nam) vì thông đồng với các vụ trộm súng ở Vinh.

Anh trai Nguyễn Sinh Khiêm, hay còn có tên gọi khác là “Nguyễn Tất Đạt”, bị giam tại Ba Ngòi (An Nam) vì đã cung cấp nơi ẩn náu cho Đội Quyên – thủ lĩnh quân nổi loạn.

Nguyễn Tất Thành ở Huế trong giai đoạn biến động năm 1908.

Đến Paris từ London vào tháng 6 năm 1919, anh ta sống một mình từ ngày 7 đến ngày 11 tháng 6 tại số 10, phố Stockholm, tiếp đó trú tại số 56, phố Monsieur le Prince cho đến ngày 13 tháng 7. Anh ta sau đó đến sống tại nhà của người đồng hương Bắc Kỳ Phan Văn Trường – luật sư tại Tòa Thượng thẩm Paris – ở số 6, Villa des Gobelins cho đến tháng 7 năm 1921. Kể từ đó, anh ta thuê một căn phòng 40 franc/tháng ở nhà số 9 ngõ Compoint, quận 17.

Trước khi đến Pháp, Nguyễn Tất Thành lần lượt sinh sống tại Kim Liên, Huế và Tourane[5] (An Nam), Mỹ, Anh và Ý.

Biết chữ và có học thức, anh ta nói được các thứ tiếng sau: tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung, tiếng Ý và tiếng Đức.

Nguyễn Tất Thành là người ký tên dưới các bài báo đăng trên tờ “L’Humanité” số ra ngày 2 tháng 8 năm 1919 với các tiêu đề “Ở Đông Dương” (En Indochine), “Vấn đề bản địa” (La Question Indigène), và trên tờ “Populaire” số ra ngày 4 tháng 9 năm 1919 với tiêu đề “Đông Dương và Triều Tiên – Một phép so sánh thú vị” (L’Indochine et la Corée – Une intéressante comparaison).

Ngoài ra, anh ta là tác giả bài báo “Thư gửi Outrey” (Lettre à Outrey) đăng trên tờ “Populaire” ngày 14 tháng 10 năm 1919.

Thẻ căn cước của Nguyễn Ái Quốc khi ở Pháp (Ảnh: VTV)

Ngày 22 tháng 12 năm 1919, trong một cuộc họp tổ chức tại Tổng Liên đoàn Lao động, Nguyễn Tất Thành đã phân phát các bản sao của bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”. Tờ rơi này được in bởi nhà in Charpentier, và do anh ta ký tên.

Ngày 8 tháng 1 năm 1920, anh ta tham dự một hội nghị do Liên đoàn Nhân quyền tổ chức tại Hiệp hội Địa lý, số 184 Đại lộ Saint Germain. Chủ đề hội nghị này là “Hòa bình bị đe dọa ở Viễn Đông”. Vì không được phát biểu trong hội nghị này, anh ta đã phân phát rất nhiều tờ rơi nói trên, và được người đồng hương của mình là Trần Xuân Hồ trợ giúp.

Ngày 13 tháng 1 năm 1920, anh ta tự mình tổ chức một hội nghị tại trụ sở của Ủy ban Xã hội Chủ nghĩa (Comité socialiste) về lịch sử chính trị An Nam. Hội nghị này được công bố trên tờ “L’Humanité” với tiêu đề: Hội nghị Cách mạng An Nam.

Ngày 21 tháng 1 năm 1920, anh ta gửi cho Viện Robillard đánh máy một kháng nghị cho Hội nghị Hòa bình. Kháng nghị này kết thúc như sau: Đại biểu An Nam Độc lập Đảng – Hoàng thân Cường Để.

Ngày 11 tháng 2 năm 1920, anh ta tổ chức một hội nghị về chủ nghĩa Bolshevik ở Châu Á.

Ngày 21 tháng 2 năm 1920, anh ta tham gia một cuộc họp tổ chức tại số 2 phố Claude Decaen và phát biểu “phản đối các tội ác chính quyền Pháp gây ra ở An Nam”.

Ngày 25 tháng 3 năm 1920, anh ta nói chuyện tại số 117 Boulevard de l’Hôpital, trong đó anh ta tuyên bố rằng An Nam, Ai Cập và Ireland hy vọng sẽ giành lại được độc lập nhờ vào các phương pháp của Lenin.

Ngày 1 tháng 11 năm 1920, anh ta phát biểu tại Đại hội Toàn quốc Thanh niên Xã hội Chủ nghĩa (Congrès National des Jeunesses Socialistes) – tổ chức đã bỏ phiếu gia nhập Quốc tế Cộng sản, có trụ sở tại Berlin và ủng hộ các hoạt động của Lenin cũng như của chế độ cộng sản.

Anh ta là nguồn cảm hứng cho một bài báo đăng trên tạp chí “Libérataire” số 106 vào tháng 1 năm 1921 của tác giả Vigne d’Octon.

Ngày 20 tháng 3 năm 1921, anh ta tham gia cuộc biểu tình cách mạng xã hội chủ nghĩa tại Saint Denis và diễu hành cùng các nhóm thanh niên cách mạng.

Trong Tạp chí Cộng sản (La Revue Communiste) số 14 phát hành vào tháng 4 năm 1921 của Charles Rappoport[6], anh ta đăng một bài báo rất quá khích với tiêu đề “Đông Dương” (Indochine).

Ngày 23 tháng 10 năm 1921, anh ta cùng Ta-Dinh-Cao và Thuyết  tham gia vào cuộc biểu tình do Liên hiệp Công đoàn (Union des Syndicats) tổ chức nhằm phản đối việc hành quyết Sacco và Vanzetti.[7]

Nguyễn Tất Thành có trao đổi thư từ với Nguyen-Thanh-Giung, Tran-Quang-Huy và Nguyen-Minh-Quang  ở Marseille.

Kể từ khi đến Pháp, lịch trình di chuyển của anh ta như sau:

25/7/1919: Đi Toulouse để gặp Nguyễn Như Chuyên[8];

8/9/1919: Đi Tours;

10/10/1919: Đi Crosne (Seine và Oise), tại đây anh ta đến thăm nhà ông Tissot-Dupont, số 24, Avenue de la République;

25/12/1920: Đi Tours để tham gia Đại hội [Đảng Xã hội Pháp];

Thẻ đảng viên Đảng Cộng sản Pháp của Nguyễn Ái Quốc với tên Hăngri Trần (Henri Tchen) năm 1922

Nguyễn Tất Thành đặt mua những tờ báo sau: L’Humanité, Le Libertaire, Le Journal du Peuple, Le Populaire, La Vie Ouvrière, L’Atelier – tờ báo định kỳ được xuất bản dưới sự bảo trợ của Tổng Liên đoàn Lao động, La Bataille Syndicaliste[9], La Tribune Annamite, L’Internationale, La Revue Communiste, Le Journal Officiel de l’Association Chinoise de la Garenne Colombes – một tờ báo tiếng Trung, có trụ sở tại số 39, rue de la Pointe.

Anh ta cũng nhận được bản tin hàng tháng của Liên đoàn Nhân quyền và sở hữu một số bản sao của “Korea-Review” (The Truth about Korea – Sự thật về Triều Tiên) của C. W. Kendall – một cuốn sách mỏng được xuất bản vào tháng 7 năm 1919 tại San Francisco.

Trong số các mối quan hệ của anh ta, chúng tôi ghi nhận được những cái tên sau: Marcel Cachin, Longuet, Daniel Renoult, André Berthon, Frossard, Ferdinand Buisson, Vaillant Couturier, Durins từ tờ “L’Humanité”, v.v…; cũng như nhiều người cộng sản cách mạng như:

Các thành viên Hội Liên hiệp Thuộc địa:

Sarrotte, số 2 Cité de la Chanelle;

Bloncourt, số 10 đại lộ Port Royal;

Stefany, số 9 phố Claude Bernard;

Ralaimongo, số 203 phố St. Jacques;

Monnerville, số 9 phố Valette

Scie-Ton-Fa, số 93 đại lộ Haussmann;

Phan Văn Trường, số 6 Villa des Gobelins, hiện đang ở Mayence, sẽ quay lại vào ngày 15 hoặc 20 tháng 5;

Phan Châu Trinh, làm việc tại đấu xảo thuộc địa ở Marseille, trú tại nhà của Truong-Ky, số 71 phố Paradis, Marseille;

Trần Xuân Hồ, còn có tên gọi khác là “Arthur de Lionsange”, thường được gọi tắt là “Hồ”;

Karnaouch, hay còn gọi là “Fallia”, số 48 đại lộ Port Royal;

V.v…

Nguyễn Tất Thành thường đến các thư viện sau:

Thư viện Quốc gia (Bibliothèque Nationale), số 58 phố Richelieu;

Sainte-Geneviève, số 8 Place du Pathéon;

Populaire des amis de l’Instruction du XIIIe, số 61 đại lộ Gobelins;

Librairie Sociale, số 69 dại lộ Belleville.

Danh thiếp thợ ảnh của Nguyễn Ái Quốc trong thời kỳ hoạt động ở Pari, Pháp (1919-1923)

Ngoài chính trị, Nguyễn Tất Thành còn là trung tâm thu hút các thương nhân người An Nam sống rải rác ở cả Paris và các tỉnh thành. Khi các đồng hương vắng mặt, anh ta vẫn trao đổi thư từ với họ và tự biến bản thân thành người đại diện được ủy quyền của họ.

Nguyễn Tất Thành từng làm nghề chỉnh sửa ảnh chân dung tại cửa hiệu của ông Desbois, số 65 phố Balagny, nhưng đã bị sa thải vì không tìm được khách vào ngày 1 tháng 5. Hiện nay anh ta đang thất nghiệp.

Xin lưu ý rằng điều tra này là chủ đề của cuộc trao đổi giữa Bộ Thuộc địa và Tổng cục An ninh ngày 22 tháng 4 năm 1922, nhân dịp Hoàng đế An Nam sắp đến Pháp.[10]

(Theo Tạp chí Phương Đông)

Chú thích:

[1] Émile Goude (1870 – 1941): nhân vật nổi bật trong phong trào xã hội chủ nghĩa nửa đầu thế kỷ XX, được coi là biểu tượng cho sức mạnh của chủ nghĩa xã hội ở thành phố Brest, Tây Bắc nước Pháp.

[2] Jean-Laurent-Frederick Longuet (1876 – 1938): chính trị gia và nhà báo người Pháp theo chủ nghĩa xã hội; cháu ngoại của Karl Marx.

[3] Paul Vaillant-Couturier (1892 – 1937): nhà văn người Pháp theo chủ nghĩa cộng sản, người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920.

[4] Ngày 7/9/1920, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản triệu tập các dân tộc phương Đông tại Baku, Liên Xô (nay thuộc Azerbaijan) và thành lập Hội đồng Tuyên truyền các dân tộc phương Đông – tiền thân của Bộ Phương Đông Quốc tế Cộng sản.

[5] Nay là Đà Nẵng.

[6] Charles Rappoport (1865 – 1941): chính trị gia, nhà báo và nhà văn cộng sản người Nga-Pháp; tổng biên tập tạp chí La Revue Communiste.

[7] Nicola Sacco và Bartolomeo Vanzetti là hai bị cáo trong một phiên tòa giết người gây tranh cãi ở Massachusetts, Mỹ năm 1921, dẫn đến việc họ bị hành quyết trên ghế điện vào năm 1927. Nhiều người trên toàn thế giới đã biểu tình phản đối phán quyết của tòa án vì cho rằng phiên tòa này thiếu công bằng: các bị cáo dù vô tội nhưng lại bị kết án là phạm tội giết người, nguyên nhân sâu xa đằng sau là vì họ có tư tưởng vô chính phủ cực đoan.

[8] Nguyễn Như Chuyên là thông dịch viên ở Đông Dương, năm 1911 sang Pháp cùng chuyến tàu với hai cha con Phan Châu Trinh và Phan Châu Dật với tư cách là sinh viên nhận học bổng du học.

[9] La Bataille syndicaliste là tờ nhật báo công đoàn cách mạng, xuất bản trong giai đoạn 27/4/1911 – 23/10/1915; và được coi là cơ quan truyền thông trung ương của Tổng Liên đoàn Lao động.

[10] Tháng 5 năm 1922, vua Khải Định công du sang Pháp để dự Đấu xảo Thuộc địa ở Marseille.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN