Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến cả thế giới chao đảo, thiệt hại nặng nề về kinh tế, các hoạt động xã hội ngừng trệ. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động xấu, đã diễn ra một xu hướng thay đổi tích cực hơn, Covid-19 đã trở thành một chất xúc tác mới thúc đẩy nhanh quá trình thay đổi, mở ra một kỷ nguyên mới cho nền kinh tế kỹ thuật số. Các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng hình thức làm việc tại nhà, các hoạt động hội họp, học hành và giao ban công việc chuyển đổi sang phương thức online. Những thay đổi đến rất nhanh, đến mức nhiều người chưa biết gọi tên thế nào, thật ra lại rất gần với những câu chuyện đã được nói đến một hai năm nay: Chuyển đổi số.
Có thể hiểu về chuyển đổi số qua định nghĩa ngắn gọn: “Chuyển đổi số là quá trình con người thay đổi cách sống, cách làm việc, và phương thức sản xuất với các công nghệ số”. Không chỉ thay đổi cách sống của con người, chuyển đổi số thay đổi cả cách làm việc của các tổ chức và doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, cho phép đưa toàn bộ hoạt động lên không gian số. Cuộc dịch chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Giống như khai phá những vùng đất mới, không gian mạng được mở rộng sẽ tạo dư địa và mở ra không gian phát triển mới cho đất nước. Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế – xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Chuyển đổi số không phải là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng vĩ đại của loài người. Chúng ta sống trong thế giới thực từ khi xuất hiện loài người. Đây là lần đầu tiên loài người bước vào thế giới ảo. Không chỉ một phần, mà toàn bộ hoạt động kinh tế và xã hội sẽ được chuyển vào thế giới ảo. Sẽ xuất hiện kinh tế số và xã hội số bên cạnh kinh tế thực và xã hội thực. Và chỉ lúc này thì công nghệ số mới phát huy hết sức mạnh của nó. Cả sức mạnh xây dựng và sức mạnh huỷ diệt.
Chuyển đổi số gắn liền với cuộc cách mạng 4.0 với cốt lõi là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đang tạo ra sự phát triển như vũ bão trên phạm vi toàn cầu. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy đó. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số được nhận định là một tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể hiện thực hóa các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, trong xu thế phát triển chung này, tất cả các doanh nghiệp, tổ chức đều phải chấp nhận sự thay đổi.
Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi số không cần đầu tư nhiều cơ sở vật chất mà quan trọng nhất là thay đổi tư duy. Những nước đi sau như Việt Nam lại là cơ hội. Cùng với đó là văn hoá người Việt Nam thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới.
Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, thực tế đã chứng minh việc chuyển đổi số quan trọng như thế nào để phòng chống đại dịch, duy trì hoạt động bình thường trên các lĩnh vực chính trị xã hội, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, đối ngoại, y tế giáo dục… Đã xuất hiện các mô hình công nghệ và phương thức hoạt động thay thế cho các cách thức quan hệ và và giao diện truyền thống trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Chủ trương và chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Đảng và Chính phủ xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu để duy trì và tăng tốc phát triển trên tất cả các lĩnh vực, là phương thức để Việt Nam thích ứng với tình hình mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện cacs mục tiêu đặt ra để đưa Việt Nam trở thành quốc gia hung cường.
Trong bối cảnh đó, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 749/QĐ-TTg về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với những mục tiêu, giải pháp cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Mục tiêu đến năm 2030: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Chỉ trong mấy năm qua, Việt Nam đã đạt được những dấu mốc quan trọng trong quá trình thúc đẩy kinh tế số phát triển. Chúng ta là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển mạng 5G. Việt Nam trở nên nổi bật vì ‘tiến bộ kỹ thuật số’ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương theo đánh giá của GSMA Intelligence.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia bao gồm ba trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Chiến lược Chính phủ số thì trọng tâm là chuyển đổi mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số và sau đó là thay đổi cách vận hành của Chính phủ dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tương tác với người dân, doanh nghiệp, dùng công nghệ để giải quyết các bài toán đặt ra. Chính phủ số là giải pháp đột phá để thay đổi cách vận hành của Chính phủ. Chính phủ số dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.
Trọng tâm của Chiến lược Kinh tế số là tăng trưởng của kinh tế số từ 20 – 25%/năm, gấp ba tăng trưởng GDP, hướng đến mục tiêu kinh tế số năm 2025 chiếm 20% GDP và trên 30% vào năm 2030.
Trọng tâm của Chiến lược Xã hội số là thúc đẩy người dân sử dụng các nền tảng số trong công việc và cuộc sống hàng ngày, là nâng cao kỹ năng số, kỹ năng an toàn thông tin cho người dân.
Để đảm bảo vận hành an toàn ba trụ cột trên cần có Chiến lược an toàn không gian mạng. Chiến lược An toàn không gian mạng quốc gia là phát triển hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Việt Nam phải trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng.
Công nghệ số sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ. Rõ thấy nhất là phương thức Uber hay Grab đang thách thức taxi, Fintech thách thức ngân hàng truyền thống, có thể tiến tới mô hình ngân hàng không còn nhân viên, hàng loạt người lao động sẽ phải tìm kiếm công việc mới. Cho phép tài khoản viễn thông di động thanh toán mua hàng hoá sẽ giải quyết bài toán thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% người dân, nhưng lại thách thức ngân hàng. Trong lĩnh vực giáo dục, học sinh không cần đến trường và được chọn học những người thầy giỏi nhất qua học trực tuyến, hàng vạn giáo viên sẽ không còn đứng lớp và trở thành những trọ giảng và quản lý lớp. Ngời dân sẽ được khám chữa bệnh từ xa, được lựa chọn các bác sĩ giỏi theo yêu cầu… “Vấn đề là chúng ta có dám chấp nhận các mô hình kinh doanh mới này hay không. Nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng không có giá trị nhiều”, đó là khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Bởi vậy, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Đầu tiên phải là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, chấp nhận các công nghệ mới làm thay đổi căn bản các ngành. Đó thường là sự sáng tạo mang tính phá huỷ cái cũ. Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới sẽ đổ vào Việt Nam, người tài trên toàn cầu sẽ về, và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện, và cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm công nghệ số xuất khẩu được.
Cách tiếp cận chính sách theo cách truyền thống thông thường là: Quản được thì mở, quản đến đâu thì mở đến đó, không quản được thì đóng. Cách tiếp cận mới mà nhiều nước áp dụng: Cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển, nhưng trong một không gian nhất định, trong một thời gian nhất định, để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng, sau đó mới hình thành chính sách, hình thành qui định để quản lý. Đây là một trong những cách tiếp cận chính sách phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp để đón nhận các mô hình kinh doanh mới, để đón nhận các sáng tạo đổi mới.
Chuyển đổi số cần sự dẫn dắt của Chính phủ. Không chỉ là kiến tạo môi trường cho chuyển đổi số thông qua thể chế, mà còn là đi đầu trong chuyển đổi số. Đầu tư cho chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, kinh tế số; đầu tư cho đô thị thông minh hướng tới xã hội số; thúc đẩy các bộ, ngành chuyển đổi số; thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong chuyển đổi số doanh nghiệp. Nhà nước vừa đi đầu cũng vừa kiến tạo thị trường chuyển đổi số cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra 4 giải pháp đột phá để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia:
Thứ nhất là làm chủ hạ tầng số. Hạ tầng số đóng vai trò quyết định trong phát triển kinh tế số, xã hội số. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, hạ tầng viễn thông sẽ chuyển dịch thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông và điện toán đám mây. Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ di động 5G, làm chủ hạ tầng điện đám mây (cloud) thông qua các nền tảng “Make in Viet Nam”. Bên cạnh phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, việc làm chủ hạ tầng số, làm chủ dữ liệu của người Việt là nhiệm vụ chiến lược, cần được ưu tiên hàng đầu.
Thứ hai là làm chủ các nền tảng số. Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chính phủ số, chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Các nền tảng “Make in Viet Nam” sẽ gánh vác trên vai sứ mệnh lớn lao, đó là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) thực hiện chuyển đổi số, góp phần vào hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế quốc gia.
Thứ ba là làm chủ không gian mạng quốc gia hướng tới phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, nhân văn và rộng khắp. Nếu coi chuyển đổi số là một vũ khí sắc bén để mở rộng không gian mạng quốc gia, thì an toàn, an ninh mạng sẽ là chiếc khiên vững chắc bảo vệ thành quả của chuyển đổi số. An toàn, an ninh mạng phải song hành và trở thành một phần không thể tách rời của chuyển đổi số. Với năng lực làm chủ tới hơn 90% hệ sinh thái vào năm 2025, Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào và tin tưởng rằng hệ sinh thái Make in Viet Nam sẽ đảm bảo sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng và cùng với các nền tảng số Việt Nam vươn ra toàn cầu. Công nghiệp an toàn, an ninh mạng nội địa chiếm lĩnh thị trường trong nước, doanh số tăng trưởng 25-30%/năm”.
Thứ tư, vấn đề làm chủ công nghệ sản xuất “Make in Viet Nam”, hướng tới mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Với lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đông đảo, Việt Nam có đủ điều kiện mà nhiều quốc gia không có được để xây dựng và làm chủ một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số. Đây là tiền đề vững chắc để hình thành nền một ngành công nghiệp không khói, hàm lượng chất xám cao, có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; là động lực để thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển đổi số, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế số, xã hội số vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Nếu có lộ trình và hướng đi đúng đắn, công nghệ “Make in Viet Nam”sẽ vươn tầm thế giới và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP quốc gia.
Chuyển đổi số và “Make in Viet Nam” sẽ là con đường đúng đắn và bền vững nhất để nâng tầm và đưa sản phẩm Make in Viet Nam tiếp cận với các thị trường ngoài nước. Việt Nam sẽ là quốc gia làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, dựa trên công nghệ mở, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tập trung giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó vươn ra thế giới.
Nòng cốt để tận dụng cơ hội và thực hiện quá trình chuyển đổi này chính là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, là các doanh nghiệp ICT Việt Nam. Chúng ta phải phát triển thêm hàng chục ngàn doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam, trong đó tập trung phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số. Một là các doanh nghiệp công nghệ lớn, làm chủ các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT, đó là các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực. Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn như Viettel, Vingroup có thể chuyển thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Hai là các doanh nghiệp công nghệ đã 10-20 năm kinh nghiệm, hiện chúng ta đang có hàng ngàn doanh nghiệp, nhưng lại đang chủ yếu làm gia công thì nay sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các Platforms chuyển đổi số. Ba là các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Chúng ta sẽ cần hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp loại này. Bốn là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá.
Để chuyển đổi số nhanh hơn cần tạo ra các Platforms số để các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân sử dụng. Sử dụng các platform số này tức là lên môi trường số, là hoạt động trong môi trường số. Một công ty CNTT về phần mềm kế toán, đầu tư một nền tảng, để những người làm kế toán chuyên nghiệp có thể làm dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp, để cung cấp dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc chuyển đổi số về kế toán cho các doanh nghiệp sẽ diễn ra rất nhanh. Đồng thời, nó cũng kích thích các hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp vì không phải đi thuê kế toán viên, vốn là việc rất khó, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vậy nên, các doanh nghiệp ICT, mỗi người phải nhận lấy một nền tảng số để xây dựng, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Ba mươi năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã tiến một bước dài trên con đường phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho Việt Nam trong các thập kỷ tới để đất nước Việt Nam chúng ta trở thành một quốc gia hùng cường.■
Kim Sơn
(Theo Tạp chí Phương Đông)