Kết thúc năm 2021, loài người trên trái đất vẫn sống trong đau khổ, sợ hãi vì chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh; một thế giới chia rẽ, đối đầu do những toan tính của các siêu cường, đẩy thế giới đến nghèo đói và hỗn loạn.
Những tưởng sang thế kỷ XXI, thế giới bước vào một kỷ nguyên mới với sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ, thế giới không còn đối đầu về ý thức hệ, nhân loại mơ đến một thế giới hòa bình và phồn vinh, cùng nhau xây dựng một thế giới văn minh, hiện đại, loại trừ được mọi nguy cơ đe dọa cuộc sống của con người. Nhưng thật là thất vọng, đã trải qua hơn hai thập kỷ của thế kỷ này, nhân loại vẫn phải đối mặt với cái chết: Chết vì bệnh dịch, chết vì thiên tai, ô nhiễm môi trường, chết vì nghèo đói và chiến tranh. Nhìn tổng quát, những nguy cơ đe dọa cuộc sống của con người ít thay đổi, có mặt còn nguy hiểm tăng rất nhiều lần so với thế kỷ trước. Việc lý giải vấn đề này đã được nêu ra ở nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế – đó là những tham vọng bá quyền cùng với tham lam mà ra. Họ tranh nhau từng giọt dầu, hạt than, từng vì sao, mặt trăng, mặt trời… tranh nhau làm chủ vũ trụ, bầu trời và biển cả, tranh nhau từng mét đất biên giới, và tranh nhau bắt các quốc gia nghèo khó, nhỏ bé phải lệ thuộc về chính trị, kinh tế, quốc phòng và đồng hóa về dân chủ nhân quyền… Tất cả điều này đã có từ thế kỷ trước, nó được gọi là “chiến tranh”, vì họ giành nhau bằng súng đạn. Sang thế kỷ này, họ vẫn tranh nhau bằng súng đạn, kinh tế, dân chủ và nhân quyền nhưng thay bằng từ “cạnh tranh chiến lược”. Điều mỉa mai là chủ thể của cuộc cạnh tranh này lại vẫn là các nước lớn giàu có, gọi là các siêu cường. Có siêu cường đã đứng đầu thế giới nhiều năm nhưng đang bị suy yếu, mất dần vị thế kẻ lãnh đạo thế giới; có siêu cường mới nổi nghĩ mình sẽ thay thế kẻ đang suy yếu trong vai trò lãnh đạo thế giới, không chấp nhận những gì mà những kẻ trước đó đã áp đặt, nó phải được thay thế bằng luật chơi mới. Để đạt tới tham vọng đỉnh cao về quyền lợi và địa vị thống trị toàn cầu, mỗi cường quốc đều nghĩ rằng mình có quyền đặt ra mục tiêu chiến lược về an ninh quốc phòng và trật tự cho toàn cầu. Những toan tính đó đã va chạm với chiến lược của cường quốc khác, thậm chí mang tính chất đối đầu, coi nhau là đối tượng, coi nhau là kẻ thù, một mất một còn với nhau. Mỗi siêu cường tìm cho mình đồng minh, có cũ có mới, tạo ra nhiều nhóm quốc gia định vị ở các khu vực, tập trung nhất là ở châu Á – Âu – Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, dưới sự dẫn dắt của siêu cường để chống nhau.
Năm 2021 gần như đã bộc lộ rõ bản chất cuộc cạnh tranh của các siêu cường. Điều thấy rõ nhất là các siêu cường dồn sức chạy đua vũ trang để chiếm ưu thế với nhau. Mỗi năm các siêu cường đã chi hàng trăm, hàng nghìn tỉ USD để chế tạo các loại vũ khí hạt nhân thế hệ mới, tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay, máy bay siêu âm, tác chiến điện tử để đe dọa nhau. Trong khi đó, nhân loại đang phải đối mặt với cái chết do bệnh dịch Covid-19, đối mặt với khí thải, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, nước biển dâng, thiên tai, hỏa hoạn tàn phá rừng, nạn đói và di dân. Các siêu cường đều vô trách nhiệm, thể hiện rất rõ ở các hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu diễn ra ở Copenhagen, ở Tokyo… Ở Paris và COP26 mới đây, có siêu cường từ bỏ cam kết giảm khí thải, không chịu đóng góp tài chính hoặc hứa nhưng không thực hiện. Cuộc chạy đua vũ trang chuẩn bị đối đầu vũ trang và vô trách nhiệm của các siêu cường đã đẩy thế giới vào bối cảnh nguy hiểm:
Một là gây ra các cuộc xung đột vũ trang ở Trung Đông – châu Phi, đẩy nhiều quốc gia vào tình trạng khủng hoảng chính trị, tranh chấp chủ quyền, khiến hàng trăm ngàn người chết ở Yemen, Palestine, Syria, Iraq, Afghanistan, Ethiopia, Sudan… Những quốc gia này bị tàn phá nặng nề và rơi vào rối loạn, nghèo đói, tạo ra dòng người tị nạn đổ vào châu Âu mà chưa có điểm dừng. Một hướng khác, cuộc đối đầu mục tiêu chiến lược của các siêu cường ở châu Á – Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, tranh chấp chủ quyền quốc gia và các vấn đề Biển Đông, Đài Loan, Ukraine… đã đặt những nơi này trước nguy cơ xảy ra chiến tranh bất cứ lúc nào, đe dọa an ninh, hòa bình ở khu vực.
Hai là, sự xung đột mạnh mẽ giữa các siêu cường đã chia rẽ các quốc gia, phá hỏng sự liên kết quốc tế, không tìm được các giải pháp chung để đối phó với đại dịch bệnh, với thiên tai. Hậu quả là gần 300 triệu người bị nhiễm Covid-19 và trên 5 triệu ngưởi tử vong trên toàn cầu kể từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2021, và đến nay vẫn chưa tìm ra phương pháp nào có hiệu quả để ngăn bệnh dịch lan tràn trên khắp thế giới. Trong khi đó, các quốc gia có tiềm lực nhất thế giới vẫn đối đầu nhau trong việc xác định nguyên nhân phát sinh virus gây ra dịch bệnh Covid-19.
Ba là, các siêu cường tập trung nguồn tài chính to lớn đầu tư vào các loại vũ khí giết người hàng loạt, nguồn vốn đầu tư vào kinh tế – xã hội không được coi trọng; trong bối cảnh các quốc gia bị cô lập để đối phó dịch bệnh, đã kéo theo nền kinh tế toàn cầu bị khủng hoảng, nguồn cung ứng sản xuất toàn cầu bị đứt gãy, GDP của hầu hết các quốc gia sụt giảm thảm hại, dẫn đến kiệt quệ nền kinh tế, nạn thất nghiệp, nghèo đói gia tăng ở nhiều nơi; nợ nần và phụ thuộc về kinh tế và chính trị vào những nước giàu có cũng bắt nguồn từ đây. Với bối cảnh chia rẽ, mâu thuẫn quốc tế như hiện nay thì nền kinh tế của các quốc gia nhỏ, yếu thoát khỏi khủng hoảng là vô cùng khó khăn, cuộc sống của con người bị đe dọa nghiêm trọng.
Bốn là, cuộc cạnh tranh của các siêu cường về chính trị, ngoại giao và dân chủ cũng quyết liệt không kém về quân sự. Thế giới đang chịu hai hướng kìm kẹp, đe dọa mạng sống.
Hướng sử dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền làm công cụ cấm vận và trừng phạt kinh tế những quốc gia đối nghịch. Các quốc gia bị trừng phạt đã bị quy là vi phạm các cam kết về nhân quyền, hoặc bắt nạt những nước yếu, đàn áp các phong trào dân chủ, hoặc tiếp tay cho khủng bố, độc tài, vi phạm các cam kết pháp lý song phương và đa phương… Đây là những lý do rất mơ hồ, các quốc gia gánh chịu lệnh trừng phạt này thuộc vào nhiều quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông, một vài nước Đông Nam Á, điển hình là Iran, Afghanistan, mới đây là Tân Cương (Trung Quốc), đã đẩy những nơi này vào tình cảnh khốn đốn. Nhưng đối với các nước lớn khác thì việc trừng phạt kinh tế và cấm vận ít có ý nghĩa, chủ yếu là tỏ thái độ chính trị và kìm chế nhau hơn là gây thiệt hại về kinh tế và quốc phòng.
Hướng thứ hai dùng kinh tế, ngoại giao để triển khai chiến lược của siêu cường. Bằng công cụ này, siêu cường đã phát triển quan hệ được với nhiều quốc gia trên các châu lục, kiếm được nhiều dự án đầu tư ở nhiều quốc gia chậm phát triển, trải dài từ châu Á, Trung Đông, châu Phi về Mỹ La tinh. Từ những dự án này, các quốc gia chậm phát triển phải dùng tài nguyên của mình để đánh đổi dự án, qua đó siêu cường đã mang về cho mình đủ các loại năng lượng, khoáng sản, được đánh giá chiếm 60% lượng khoáng sản toàn cầu, để lại sự tàn phá môi trường cho các nước chậm phát triển. Đáng chú ý là năm 2021 trong số các nước nhận được dự án đầu tư của siêu cường, ít quốc gia vận hành có hiệu quả, gây ra những khoản nợ lớn từ dự án đầu tư mang lại – mà không có khả năng trả nợ hoặc phải nhượng lại dự án cho siêu cường hoặc phải lệ thuộc về chính trị – kinh tế, rất khó nói tới thoát nghèo và độc lập.
Tóm lại, năm 2021 đi qua với bối cảnh nhiều mảng tối bao phủ: Một năm lo âu, nghèo đói, chiến tranh và chết chóc; một năm các thông tin quốc tế chỉ đem lại tin tức về sự đối đầu, thù hận giữa các siêu cường; một năm các quốc gia tụm năm, tụm ba xung quanh các siêu cường để bàn tính trù hại nhau, bàn mưu về chiến tranh, sản xuất các loại vũ khí giết người hàng loạt trên mặt đất, mặt biển, trên bầu trời và vũ trụ, quay mặt lại với đối phó với biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và phục hồi kinh tế. Chính sự vô trách nhiệm của các quốc gia gọi là siêu cường đã góp phần làm mất an ninh toàn cầu, tàn phá trái đất, hủy hoại môi trường sống mỗi ngày mỗi thảm họa.
Cuối năm 2021 đã có những tín hiệu từ những người đứng đầu các siêu cường liên hệ với nhau để thảo luận hạ nhiệt căng thẳng. Đó là tín hiệu rất đáng quan tâm, mong rằng những nhà lãnh đạo các siêu cường và các nước giàu có là các nước đồng minh của mỗi bên hãy nhìn lại các nguy cơ đang diễn ra năm 2021 và những đòi hỏi của nhân loại để trở lại với cái đầu lạnh, kiềm chế xung đột và chiến tranh.
Trái đất đã bị cào nát bởi con người hàng thế kỷ nay và nó cần được hàn gắn, “băng bó” lại “vết thương”. Trong mấy thập kỷ gần đây, phần lớn các quốc gia đã nhận thức được và nêu ra ở các cuộc hội thảo; và Hội nghị COP 26 mới đây đã đạt được sự thống nhất về mục tiêu đến giữa thế kỷ này phải kiềm chế khí thải carbon, hạn chế khai thác năng lượng hóa thạch, phát triển năng lượng tái tạo, hạn chế rác thải độc hại, rác thải công nghiệp đổ ra môi trường. Các quốc gia hướng tới cơ cấu lại nền kinh tế xanh và bền vững, làm cho âm – dương hài hòa, hạn chế thiên tai, dịch bệnh cho con người, hàn gắn vết thương cho trái đất… Đó là sứ mệnh chung của loài người, nhưng trước hết là của các nhà lãnh đạo các quốc gia, đặc biệt là các nhà lãnh đạo các siêu cường, cần gạt bỏ tham vọng, không vì lợi ích của quốc gia mình mà làm cho các quốc gia xa rời nhau, đối đầu nhau. Tham vọng và tham lam là cội nguồn của các cuộc xung đột.
Các cuộc đối thoại của các nhà lãnh đạo các siêu cường đang được dư luận rất quan tâm. Chúng ta hy vọng họ tìm được tiếng nói chung, giải quyết mâu thuẫn khác biệt, loại trừ các nguy cơ xung đột quân sự, cùng nhau hợp tác giải quyết các nguy cơ toàn cầu, ngăn chặn chạy đua vũ trang, chuyển khối lượng lớn tài chính của các siêu cường và các nước giàu dùng để sản xuất các loại vũ khí hạt nhân, vũ khí giết người hàng loạt sang phục hồi kinh tế toàn cầu, chống biến đổi khí hậu, ngăn chặn đại dịch, mở ra kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng.
Mong rằng năm 2022 đánh dấu mốc sự thay đổi tích cực toàn cầu, hướng tới một thế giới hòa thuận giữa các quốc gia, cùng nhau hàn gắn những đau thương, tổn thất do chính con người gây ra, và trả lại những gì trái đất đã sinh ra cho loài người.■
Xuân Sơn
(Theo Tạp chí Phương Đông)