(tiếp theo và hết)
Với việc Xuân Lộc thất thủ và việc Thiệu cuốn gói thì hai cái chốt – một quân sự và một chính trị đã long ra. Khả năng thương lượng lờ mờ của những ngày trước đây, bỗng hiện ra khá rõ nét làm cho sân khấu chính trị Sài Gòn sôi sục như một cuộc bán đấu giá. Người có khả năng đứng ra thành lập một “chính phủ thương lượng” tránh nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, được nhắc tới nhiều nhất trong những ngày này là Dương Văn Minh, 59 tuổi, cao tới 1m85 nên Dương Văn Minh còn có tên gọi: “Minh lớn”. Gia nhập quân đội liên hiệp Pháp từ năm 1940, tốt nghiệp Trường Tham mưu Paris và Học viện quân sự Fort Leonar Wood Hoa Kỳ, Dương Văn Minh đã lên tới cấp Đại tướng và có một thời gian ngắn làm Quốc trưởng Sài Gòn. Sau hơn ba năm sống lưu vong ở Thái Lan vì bị Thiệu – Kỳ đuổi khi đang cầm đầu phái đoàn Nam Việt Nam thăm Bangkok (1/1965), tháng 8/1968, Dương Văn Minh được Hạ nghị viện Sài Gòn cho về nước. Từ đó Dương Văn Minh rút khỏi chính trường về sống ẩn dật, đóng vai trò người bảo vệ cho “thành phần thứ ba” và những người theo đạo Phật. Dương Văn Minh được xem là con bài của Pháp, được Đại sứ Pháp ở Sài Gòn ủng hộ hết lòng trong việc lên nắm quyền. Phải chăng, nước Pháp đang làm hết sức mình để giành ảnh hưởng tại Việt Nam – nơi mà nước Mỹ đã buộc lòng phải dứt áo ra đi. Ngày 21/4, khi được tin Xuân Lộc thất thủ, phóng viên Hãng thông tấn Pháp AFP đã thực hiện một cuộc phỏng vấn Dương Văn Minh. Bài phỏng vấn muốn đề cao Dương Văn Minh, muốn tô vẽ cho Dương Văn Minh hình ảnh của “một con người tình hình hiện tại đang cần”. Về việc Xuân Lộc thất thủ, Dương Văn Minh chua chát nói với phóng viên AFP:
– Thôi thế là mất hết. Bây giờ cộng sản đã chiếm được Xuân Lộc, dù đã bị tàn phá, họ đã khống chế được một ngã tư rất quan trọng. Họ sẽ tiến thẳng về phía nam theo hướng Vũng Tàu và về phía tây theo hướng Biên Hòa. Người nào chiếm được Vũng Tàu thì chỉ với một vài khẩu đại bác hạng nặng là ngăn chặn được tàu bè từ Sài Gòn ra biển. Người nào chiếm được Biên Hòa thì chiếm được một trong những căn cứ không quân lớn, quan trọng nhất của Nam Việt Nam và họ sẽ chỉ còn cách Thủ đô 20km nữa thôi.
– Vậy thì ngài không tin ở khả năng thương lượng nữa ư?
– Trước khi Bắc và Trung trung phần bị mất thì cuộc thương lượng có lẽ dễ dàng. Nhưng bây giờ, tôi e rằng đã quá muộn. Nếu trong tuần này không ai đứng ra thương lượng được thì Sài Gòn sẽ đi đứt. Chúng ta sẽ phải sống dưới quyền lực của kẻ chiến thắng. Và Sài Gòn sẽ trở thành “Thành phố Hồ Chí Minh”. Đã từ lâu, những người muốn chiến thắng chúng ta nói, họ sẽ đặt tên lại như thế cho cái Thủ đô này.
Sài Gòn trong sự trống rỗng về chính trị kể từ sau ngày Thiệu cuốn gói, với những cuộc dàn xếp ráo riết trong hậu trường, khiến bỗng chốc Dương Văn Minh trở thành con bài sáng giá nhất để cho Trần Văn Hương – “con ngựa già ốm yếu” của chính quyền Thiệu “về vườn”. Phe đối lập Nam Việt Nam năm bè bảy mối, bị tê liệt bởi cơ man nào là tham vọng cá nhân, cũng bỗng chốc thấy có điểm gặp nhau; mau mau ủng hộ cho “Minh lớn” nếu không sẽ trắng tay trong cuộc chiến này. Ngay cả Nguyễn Cao Kỳ, 10 năm trước đây, tháng 01/1965 đã từng đẩy Dương Văn Minh đi sống lưu vong, nay cũng bắn tin sẵn sàng kết bè kết đảng với Dương Văn Minh, để như Kỳ nói là: “… cứu nguy cho dân tộc này”. Biệt thự của Minh – còn gọi là “Dinh Phong Lan” vì trồng rất nhiều loại phong lan, chỉ cách Dinh Độc Lập vài trăm mét, tấp nập kẻ ra người vào. Trên đống đổ nát của tình hình quân sự đã trăm phần trăm tuyệt vọng, các phần tử chính trị cơ hội nhảy ra như cào cào, châu chấu. Trong những phần tử ấy, kẻ hăng hái nhất và hoạt động không hề mệt mỏi phải kể đến Trần Văn Đôn. Viên trung tướng 57 tuổi, sinh tại Pháp, lấy vợ đầm có sáu con, nhưng vẫn rất mê nhẩy đầm, nổi tiếng ăn chơi, háo sắc này mang trong người đầy tham vọng. Cứ như thể Đôn sinh ra từ sự đóng cục của những tham vọng. Ngay khi Thiệu từ chức, những tin tức không chính thức đã liên tiếp đến với Đôn là Đôn sẽ đảm nhận chức Thủ tướng để bắt đầu thương lượng. Thế là Đôn chạy nháo cả Sài Gòn để móc nối, dàn xếp. Nhà ngoại giao Pháp Brocent, đã phải thay mặt Đại sứ Pháp Merion nói như vỗ vào mặt Đôn: “Chúng tôi được biết cộng sản chỉ bằng lòng thương lượng với Minh lớn mà thôi”.
Nhưng gáo nước lạnh như băng của Brocent cũng không hề làm Đôn nguội tắt lửa lòng. Ngay tối hôm ấy (24/4) Đôn phóng xe tới “Dinh Phong Lan” gặp Dương Văn Minh, ướm hỏi trong trường hợp Dương Văn Minh lên làm Tổng thống, Minh có chấp nhận giao cho Đôn cái ghế Thủ tướng để Đôn đứng ra thương lượng không? Dương Văn Minh mau mắn gật đầu vì đang muốn tống khứ Trần Văn Hương khỏi chức Tổng thống sớm phút nào hay phút ấy. Dương Văn Minh nhấn mạnh với Đôn:
– Chúng ta phải hành động nhanh chóng. Tôi cam đoan với anh là Hà Nội chỉ chờ tôi lên cầm quyền là bắt đầu thương lượng. Trở ngại chính bây giờ là làm sao thuyết phục được lão Hương già nua bàn giao chính quyền. Tôi đã gặp lão và lão cứ khăng khăng giữ cái ghế Tổng thống và mời tôi làm Thủ tướng cho lão. Tôi đã gạt bỏ thẳng thừng, nhưng lão vẫn không chịu. Tôi biết lão chỉ sợ, chỉ nghe người Mỹ thôi. Vậy phiền anh hãy đề nghị Martin gây áp lực với lão…
Tạm biệt Minh đã quá nửa đêm, Đôn vẫn không về nhà mà đến thẳng nhà riêng của Martin. Vừa chợp mắt thì bị Đôn dựng dậy, vị đại sứ già nua cứ gà gật ngồi nghe Đôn thông báo tình hình. Cuối cùng, khi Đôn đứng dậy cáo biệt thì Martin cũng nghe thủng chuyện. Martin tán thành đề nghị của Đôn và hứa sẽ gây sức ép buộc Hương phải trao quyền cho Minh.
Mấy ngày sau, Đôn chạy khắp Sài Gòn, ra sức dung hòa những mối bất đồng của các phe phái khác nhau, chủ yếu là giữa Trần Văn Hương và Dương Văn Minh. Theo Đôn: “Cả Hương và Minh đều xử sự một cách thiếu thực tế. Hương cương quyết không chịu bỏ ghế Tổng thống, còn Minh thì cương quyết không chịu nhận chiếc ghế Thủ tướng. Hình như cả hai không ai biết mối thảm họa hiển nhiên sắp giáng xuống đầu những người khác”.
Với một cố gắng gần như tuyệt vọng, sáng 26/4, Đôn lại một lần nữa gặp Hương để thuyết phục Hương từ chức. Để tăng thêm sức ép, Đôn kéo cả Cao Văn Viên và đám bộ sậu cùng đi. Đôn và Viên nói rõ với Hương là tình hình quân sự tuyệt vọng rồi. Nhưng lại một lần nữa Hương ngoan cố không chịu lùi bước. Hương nói với Đôn:
– Tôi muốn anh thay Nguyễn Bá Cẩn ra làm Thủ tướng của một chính phủ thương thuyết.
Đôn từ chối khéo:
– Xin cảm ơn nhã ý của Tổng thống. Tôi được biết qua các nguồn tin tình báo, phía cộng sản chỉ chấp nhận nói chuyện với Minh lớn mà thôi!
Rồi Đôn dò hỏi Hương:
– Tự Minh lớn đến đây (Dinh Độc Lập) xin gặp Tổng thống để bàn về vụ này hay sao?
Hương trả lời có vẻ thật thà:
– Minh lớn đến đây cũng không tiện mà tôi cũng không thể hạ mình để đến nhà riêng của Minh. Chúng tôi đã thu xếp cuộc gặp tại tư thất của một người bạn chung rồi. Tôi có nói với Minh: Người ta bảo anh có đủ điều kiện để thương thuyết, vậy xin anh chấp nhận cái ghế Thủ tướng để đứng ra nói chuyện với phía bên kia. Nhưng Minh không chịu mà đòi tôi trao luôn cả cái ghế Tổng thống cho Minh. Tôi và Quốc hội không tin là Minh có thể lập lại hòa bình. Tôi và Quốc hội sẽ không trao quyền cho Minh. Nhưng hôm nay, tôi mời anh ra làm Thủ tướng để bắt đầu những cuộc thương thuyết, vì tôi vừa được tin họ nói chắc chắn là họ có thể chấp nhận anh…
Thế là một lần nữa Trần Văn Đôn lại trở cờ. Được khuyến khích bởi những điều Hương cho biết (chẳng biết thực hư ra sao), Đôn gạt phắt Dương Văn Minh sang một bên và bắt đầu tranh thủ sự ủng hộ cho tình huống mình được đề cử làm Thủ tướng của “một chính phủ thương thuyết”. Trước hết, Đôn gọi điện thoại cho Nguyễn Cao Kỳ, Kỳ nhiệt tình ủng hộ và đề nghị Đôn cử Nguyễn Đức Thắng, bạn Kỳ giữ chức Tổng trưởng Quốc phòng. Ngay sau đó, Đôn triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại biệt thự của mình. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình quân sự, thấy rằng chỉ có thể chặn được bước tiến của Quân giải phóng vào Sài Gòn từ năm đến bảy ngày nữa là cùng, Đôn và các thành viên dự họp quyết định phải bắt tay ngay vào việc dự kiến “thành phần của một chính phủ liên hiệp”, do Đôn làm Thủ tướng. Ngây thơ và cơ hội, các thành viên đã tranh cãi, bàn luận về từng chiếc ghế trong chính phủ. Theo họ phân định, Đôn sẽ nắm chức Thủ tướng, Phó Thủ tướng sẽ là người của Mặt trận; Tướng Thắng (bạn Kỳ) sẽ là Tổng Tham mưu trưởng: Mặt trận sẽ nắm Bộ Thông tin và Kinh tế; các thành viên khác nửa thân Mỹ, nửa thân Mặt trận sẽ nắm các chức vụ quan trọng như an ninh, tình báo. Trong cơn mê quyền lực, Đôn và tay chân thân tín của mình cử người tìm cách dò hỏi xem Mặt trận dân tộc giải phóng có thể chấp nhận Đôn làm Thủ tướng hay không. Nhân mối này cho biết sẽ cần 16 giờ để Mặt trận dân tộc giải phóng biết ý kiến của Đôn và trả lời…
Nhưng Đôn không được sống trọn 16 giờ thấp thỏm trong hy vọng và chờ đợi ấy. Thấy cần phải chấm dứt ngay cái “trò ngu ngốc và nguy hiểm của Đôn”, không phải ai khác mà chính Đại sứ Pháp Merion đã phải nói toẹt vào mặt Đôn:
– Ông phải từ chối ngay đề nghị của Hương mời ông làm Thủ tướng. Nếu không chọn Minh thì cộng sản sẽ đánh Sài Gòn ngay đêm nay!
Thế là Đôn lại một lẫn nữa trở cờ. Đôn lại một lần nữa đứng về phía Dương Văn Minh, ra sức vận động cho Minh làm Tổng thống để giao cái ghế Thủ tướng cho Đôn như đã hứa. Chẳng biết có đúng là Đại sứ Pháp thông báo như vậy không, nhưng ngay sau đó Đôn tìm gặp nói với Hương:
– Đại sứ Pháp vừa gọi điện thoại cho biết, cộng sản sẽ ném bom Sài Gòn vào hồi 18 giờ tối nay trừ phi họ được tin Minh lớn lên làm Tổng thống.
Hương ngần ngừ một hồi rồi đồng ý từ chức, nhưng không biết vì bất đắc dĩ hay vì một phản xạ có tính pháp lý mà Hương đòi phải trả một cái giá cuối cùng cho bản Hiến pháp. Hương nói trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể trao quyền cho Dương Văn Minh đơn giản như vậy được. Quốc hội sẽ phải hợp pháp hóa việc thay đổi này bằng cách chính thức bầu cử Minh.
10 giờ sáng ngày 27/4/1975, Tổng thống Trần Văn Hương cho mời Thượng nghị sĩ Trần Văn Lắm, Chủ tịch Thượng viện, dân biểu Trần Văn Út, Chủ tịch Hạ viện, Thẩm phán Trần Văn Linh, Chủ tịch Tối cao Pháp viện, Thẩm phán Lê Tài Triển, Phụ tá Tư pháp của Tổng thống, Trần Văn Đôn, Tổng trưởng Quốc phòng và Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hoà tới gặp, nghiên cứu các điều khoản trong bản Hiến pháp của Việt Nam Cộng hoà và thảo luận việc yêu cầu Quốc hội biểu quyết việc Tổng thống Trần Văn Hương trao quyền cho một người không được qui định trong Hiến pháp. Buổi họp kết thúc vào 12 giờ trưa và Tổng thống Trần Văn Hương yêu cầu Nghị sĩ Trần Văn Lắm triệu tập một phiên họp khẩn cấp của lưỡng viện Quốc hội vào buổi chiều hôm đó để Hương công bố cái thông điệp giải thích lập trường của Hương là: “Nếu Quốc hội không thể quyết định được việc cử Tướng Minh lên thay tôi, và nếu chúng ta không thể nhanh chóng thương lượng thỏa đáng và thành công được thì Sài Gòn sẽ biến thành biển máu và chúng ta sẽ còn phải chiến đấu vì danh dự của Tổ quốc”. Ngay sau đó, Đài Sài Gòn liên tiếp đọc đi đọc lại thư mời của Nghị sĩ Trần Văn Lắm yêu cầu các dân biểu và nghị sĩ đến dự phiên họp đặc biệt khẩn cấp tại trụ sở Thượng viện vào ngay chiều cùng ngày. Cuối cùng, thì một cuộc họp tượng trưng theo yêu cầu của Hương cũng được triệu tập với 134 nghị sĩ có mặt, tức không đầy một nửa số nghị sĩ. Để cho Quốc hội thấy là phải hành động thật gấp, Trần Văn Lắm, Chủ tịch Thượng viện mời Trần Văn Đôn, Tổng trưởng Quốc phòng; Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng và Nguyễn Văn Hảo, Phó Thủ tướng, Tổng trưởng Kinh tế tới để nói rõ cho Quốc hội biết tình hình quân sự là tuyệt vọng rồi, tình hình kinh tế cũng tuyệt vọng rồi. Thế nhưng Trần Văn Hương vẫn nước mắt lưng tròng, lề mề giãi bày tâm sự trước phiên họp cuối cùng của quốc hội Sài Gòn:
“Tôi giữ chức Tổng thống đã được năm ngày. Hôm nay, tôi thông báo với quý vị là tôi đã gặp Đại tướng Dương Văn Minh, người mà theo dư luận của số đông quý vị là có đủ điều kiện để thương thuyết với phía bên kia. Tôi nói với Đại tướng Dương Văn Minh rằng: Người ta nói anh có đủ điều kiện để đứng ra thương thuyết, vậy xin anh hãy chấp nhận cái ghế Thủ tướng để đứng ra thương thuyết với phía bên kia. Và Đại tướng Dương Văn Minh đã nói như thế này: Thầy đã hy sinh đến nước này, thôi xin thầy gắng hy sinh đến một bước nữa mà thầy trao trọn quyền cho tôi, nghĩa là trao trọn quyền Tổng thống cho Đại tướng.
Vậy xin Quốc hội toàn quyền quyết định. Nếu nghĩ rằng tôi phải giao lại quyền cho Đại tướng, tôi xin phép vâng lời Quốc hội. Còn như mà quý vị tính đến chuyện khác, đó là toàn quyền của quí vị. Tôi không có chen vô đó…”.
Cuộc họp đã nhanh chóng biến thành cuộc tranh cãi ráo riết. Một số nghị sĩ xưa nay vẫn cam kết vững chắc với Thiệu, là tay chân của Thiệu thì kiên quyết phản đối việc đưa Dương Văn Minh lên vì sợ Minh trả thù. Số khác thuộc cánh hữu lại phá đám bằng cách tán thành việc cử Nguyễn Cao Kỳ lên thay Hương. Cuộc mặc cả kéo dài sang suốt buổi chiều, thỉnh thoảng, Trần Văn Lắm lại xin phép ra ngoài để bàn bạc bằng điện thoại với Dương Văn Minh. Nếu Quốc hội không nhanh chóng nhất trí thì phải dùng vũ lực mà “tống cổ cái lão Hương gần kề miệng lỗ ấy đi”. Nhưng rồi, cuối cùng sau khi đã tranh cãi tới chán chê, Quốc hội cũng đi đến được một quyết định. Trừ một phần ba số nghị sĩ từ chối không bỏ phiếu, còn lại cả hai Viện đều nhất trí thông qua một nghị quyết cho phép Hương được làm bất cứ điều gì cần thiết, kể cả việc trao quyền Tổng thống cho Dương Văn Minh, để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Buổi lễ Hương trao quyền và Dương Văn Minh tuyên thệ nhậm chức Tổng thống dự định vào hôm sau, nhưng Hương đòi chậm nhất phải đợi đến chiều tối để Hương có thể tự hào “làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa được đúng một tuần lễ”. Phóng viên Paul Dreipha, tối 27/4/1975 đã điện về cho báo Le Dauphinë Libërë bài tường thuật chi tiết về cái màn kịch ảm đạm, bi hài trong phiên bán đấu giá cuối cùng của sân khấu chính trị Sài Gòn như sau:
“Hương nước mắt lã chã tuyên bố ý định từ chức nhường quyền cho Dương Văn Minh với màn kịch cố gắng làm ra có vẻ bài bản trước Quốc hội để vớt vát chút thể diện… Tất cả những chuyện lố bịch ấy đã diễn ra tại Thượng nghị viện – một tòa nhà hơi giống kiểu Hy Lạp mà ở Sài Gòn người ta quên cả sự tồn tại của nó. Chiểu theo đúng Hiến pháp, hai Viện họp tại hội trường với những chiếc ghế bành đỏ xếp chung quanh một cái bàn lớn hình móng ngựa. Trong giờ phút bi đát này, số nghị sĩ có mặt không đầy một nửa. Số đông đã rời bỏ đất nước, số khác thấy tốt nhất là không nên xuất đầu lộ diện lúc này. Dẫu sao cũng là một cảnh tượng thảm hại khi một cuộc tranh luận có tầm quan trọng như vậy lại diễn ra trước quá nhiều chiếc ghế bành bỏ trống…
Trong không khí nóng nực đến ghê người của một buổi chiều cuối tháng tư khi Quân giải phóng đã tới ngay cửa ngõ thành phố, mà các diễn giả vẫn tranh nhau lên diễn đàn vung tay diễn thuyết trong tiếng nói chuyện như ong vỡ tổ… Cho tới tận chiều tối, những ngài cổ thắt caravat, mặt mũi đỏ gay vẫn còn gân cổ lên nói…”.
Hương vừa đồng ý từ nhiệm thì Cao Văn Viên phóng thẳng xe về văn phòng riêng của mình trong trụ sở Bộ Tổng tham mưu. Hôm nay là ngày cuối cùng của Viên ở đất nước này. Ngày mai Viên sẽ ra đi. Mọi việc đã được sắp xếp đâu vào đó. Đơn xin hưu trí thâm niên đêm qua Viên đã viết xong nhưng đề trước lên một ngày là ngày 27/4 – ngày mà đơn sẽ được chuyển tới Tổng thống Trần Văn Hương. Vợ con Viên đã di tản cách đây từ bốn hôm trước và đang mỏi mắt chờ Viên ở Guam. Vốn tác phong quan dạng, luôn ra bộ giữ quân phong quân kỷ, Cao Văn Viên ra bàn tự ngồi viết sắc lệnh giải nhiệm mình và cử Đồng Văn Khuyên lên thay. Vừa kéo ghế ngồi, Viên đã thấy trên bàn mình mấy lá đơn xin từ nhiệm, từ chức của các tướng tá dưới quyền gửi tới. Cao Văn Viên gạt những lá đơn xin từ nhiệm và cả lô công văn giấy tờ bừa bộn trên bàn sang một bên. Lúc này không có thời gian đâu mà giải quyết những công việc vớ vẩn ấy. Viên cần phải làm cho xong những công việc cuối cùng của mình. Bước tới cửa sổ phòng làm việc, nhìn quang cảnh Bộ Tổng tham mưu vắng hoe trong cảnh chợ chiều, nước mắt Cao Văn Viên chảy dài. Viên nhớ buổi chào cờ đầu năm ở Bộ Tổng tham mưu. Lá cờ Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng bay trên nóc nhà lầu chính. Viên đội mũ đỏ, áo hoa dù đứng giữa hàng quân để đọc nhật lệnh. Hàng chục tướng xếp hàng ngang. Trên 50 cấp Đại tá xếp hàng dọc. Các sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ với đủ loại quân phục của liên quân. Bên trái là đoàn xe quân cảnh hộ tống. Phía xa là trực thăng riêng của Viên đậu trực sẵn… Mới đó mà đã là một giấc mơ xa xôi lắm rồi. Tất cả đã đổ vỡ, tan hoang…
Không còn thời gian và tâm trạng đâu mà suy tưởng, nghĩ ngợi nữa, Cao Văn Viên rút bút thảo lệnh bổ nhiệm Đồng Văn Khuyên thay chức vụ của Viên từ ngày 28/4. Thảo xong, Viên tự gõ máy chữ, ký tên và tìm dấu son đỏ chót đóng đè lên chữ ký của mình. Đây là bản văn có chữ ký và đóng dấu cuối cùng của Cao Văn Viên sau gần 10 năm làm Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Bản văn ấy như sau:
VIỆT NAM CỘNG HÒA
SỰ VỤ VĂN THƯ BỘ QUỐC PHÒNG
BỘ TỔNG THAM MƯU QLVNCH
PHÒNG QUẢN TRỊ
Trích yếu: Về việc xử lý thường vụ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Vì lý do Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng nhập viện, nay chỉ định Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu xử lý thường vụ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Sự vụ văn thư này có hiệu lực từ ngày ký.
KBC-4002 ngày 28-4-1975
Đại tướng: Cao Văn Viên
Tổng Tham mưu trưởng
Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Sáng hôm sau (28/4), đúng vào lúc thời điểm sự vụ lệnh bổ nhiệm Đồng Văn Khuyên mà Viên đã chu đáo ký trước lên một ngày có hiệu lực, Cao Văn Viên phóng xe tới sứ quán Mỹ, rồi lên trực thăng đậu trên nóc tòa đại sứ bay tuốt ra tàu chiến Mỹ đang đậu ở ngoài khơi. Lúc này trong túi áo Cao Văn Viên vẫn còn viên thuốc độc Xyanit xin của Chuẩn tướng Phạm Hà Thanh, bác sĩ, Cục trưởng Cục quân y mấy hôm trước. Nhưng phút cuối Cao Văn Viên không tự tử mà quyết định di tản. Những ngày cuối cùng lưu vong ở Mỹ, Cao Văn Viên sống một mình, tự đi chợ và nấu ăn ở một căn phòng nhỏ trên lầu hai, khi vợ con đều không còn. Cao Văn Viên sống biệt lập, xa lánh với mọi người và lặng lẽ qua đời ngày 22/1/2008 tại một viện dưỡng lão ở Fairfax.VA, hưởng thọ 87 tuổi. Tám mươi năm kiếp người như gió thoảng/Chiều cô đơn về chậm hồn cao niên – Đó là một trong những lời phúng điếu trong tang lễ của Viên. Trước khi qua đời, Cao Văn Viên để lại cuốn hồi ký Những ngày cuối của Việt Nam Cộng hòa. Cuốn sách vốn nguyên tác tiếng Anh có tựa đề The Final Collapse do Trung tâm lịch sử quân sự lục quân Hoa Kỳ xuất bản năm 1983, mãi 20 năm sau – năm 2003 mới được chuyển ngữ sang tiếng Việt và phát hành rộng rãi với tên Những ngày cuối của Việt Nam Cộng hòa. Trong hồi ký Cao Văn Viên thuật lại khá chi tiết nội dung các phiên họp Hội đồng An ninh quốc gia do Thiệu chủ trì, các quyết định và diễn biến sụp đổ của quân đội Sài Gòn những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh mà Viên trực tiếp can dự với chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Mặc dù chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa sẽ đọc diễn văn từ chức và trao quyền Tổng thống cho Dương Văn Minh, Trần Văn Hương vẫn cố còng cái lưng già xuống mà ký sắc lệnh dài dằng dặc, chiếu theo một lô điều quy định của cái thể chế đang hấp hối để giải nhiệm chức Tổng Tham mưu trưởng của Cao Văn Viên. Làm như vậy để – theo Hương nói “cho đúng với quy định của bản hiến pháp”.
Chiều 28/4, Dương Văn Minh tự mình lái xe tới Dinh Độc Lập, mặc dù quãng đường từ “Dinh Phong Lan” của Minh tới Dinh Độc Lập rất ngắn, không đầy năm phút đi bộ. Trần Văn Hương, các nghị sĩ Quốc hội và một số đại diện các cơ quan Chính phủ đã chờ sẵn Minh. Theo bài phóng sự tường thuật lễ bàn giao Tổng thống tại Dinh Độc Lập chiều 28/4/1975 của Đài Sài Gòn thì buổi lễ bắt đầu vào lúc 5 giờ chiều với sự hiện diện của khoảng 200 người gồm đại diện Thượng và Hạ viện, Tối cao Pháp viện, Giám sát viện và một số Tổng Bộ trưởng trong Chính phủ Nguyễn Bá Cẩn. Phóng viên bản đài mở đầu bài tường thuật trực tiếp này như sau: “Thưa quí thính giả, vào lúc này thì bên ngoài Dinh Độc Lập, chúng tôi nhận thấy là trời đã bắt đầu mưa và Sài Gòn đang trải qua một buổi chiều u ám như hoàn cảnh hiện tại của đất nước..”. Thế rồi, cũng tại phòng khánh tiết, nơi đúng một tuần trước diễn ra lễ từ chức của Thiệu, cũng trong một không khí nhốn nháo, Trần Văn Hương, 72 tuổi, Tổng thống già nua, kẻ sống sót của chế độ Thiệu, lề mề đọc bài diễn văn trao quyền cho Minh. Hương nức nở khóc lóc, giãi bày tâm sự của mình. Hương nói: “Ngày hôm nay là cái ngày đã từ lâu rồi phải có. Nay đã có tức là đáp ứng được một nguyện vọng của tôi từ lâu rồi. Khi Tổng thống tiền nhiệm trao nhiệm vụ cho tôi, tôi vẫn biết cái tuổi già dù muốn dù không tuổi đã cao, sức lực đã mỏi, tất nhiên không thể nào đảm trách được nhiệm vụ…”. Hương thanh minh sở dĩ đến hôm nay mới trao quyền Tổng thống cho Dương Văn Minh được không phải là vì Hương “tham quyền cố vị” mà là vì “sự ràng buộc pháp lý”. Nhưng “dù muốn dù không, một chương của lịch sử giở qua rồi…”. Hương cứ lề mề mãi khiến các thành viên có mặt trong buổi lễ phải sốt ruột. Thế rồi sau đúng 15 phút, Hương cũng chấm dứt được cái bầu tâm sự và những giọt nước mắt lã chã của mình.
Sau khi cựu Tổng thống Trần Văn Hương trở về chỗ ngồi, một người lính tiến vào dưới hàng đèn phản chiếu gỡ hai lá cờ mang ra khỏi phòng. Sau đó anh ta trở lại gỡ Quốc huy cũ của Việt Nam Cộng hoà gắn trước bục diễn đàn rồi một người lính khác mang đến gắn huy hiệu mới của Dương Văn Minh, đó là hình hoa mai năm cánh trong dấu hiệu âm dương của người Trung Hoa, tượng trưng cho hai yếu tố đối nghịch tạo thành sự đồng hành trong vũ trụ… Tiếp đó, Dương Văn Minh bước lên diễn đàn, bên phải là luật sư Nguyễn Văn Huyền, cựu Chủ tịch Thượng nghị viện được Minh chọn làm Phó Tổng thống phụ trách về hòa đàm, bên trái là nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, được Minh chọn làm Thủ tướng… Lúc ấy là 17 giờ 15 phút ngày 28/4/1975. Đám mây trên bầu trời Sài Gòn bung ra và trút xuống một cơn mưa lớn. Tiếng sét và sấm rền vang như bom nổ làm mọi người giật mình, choáng váng. Dương Văn Minh đọc diễn văn nhậm chức ngắn với lời kêu gọi “ngừng bắn và thương thuyết” và không hề tuyên thệ “trung thành với Hiến pháp Việt Nam Cộng hoà”. Làm thế phải chăng, như lời tường thuật của nhà báo Ý Tizano Tezani có mặt tại buổi lễ, Dương Văn Minh muốn gửi đi một thông điệp rằng, “tân Tổng thống Dương Văn Minh, Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đều là những người thuộc thành phần thứ ba” không có liên hệ gì với cả hai nền đệ nhất, đệ nhị Cộng hoà mà tượng trưng là lá cờ vàng ba sọc đỏ vừa được Dương Văn Minh cho gỡ xuống cất đi”.
Dương Văn Minh bước ra khỏi Dinh Độc Lập thì cùng lúc một biên đội năm chiếc A.37 do phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đường, cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) bay vào vùng trời Sài Gòn, giội bom xuống sân bay Tân Sân Nhất. Bom nổ rền vang. Bài diễn văn kêu gọi thương thuyết của Dương Văn Minh được máy bay A.37 trả lời sau đúng 35 phút, tính từ lúc Dương Văn Minh ngừng nói… Hàng chục máy bay bị phá hủy, đường băng hư hỏng, điện trong khu vực tắt ngóm… Trận bom của biên đội A.37 đã biến sân bay Tân Sơn Nhất thành cơn ác mộng. Cuộc di tản tạm ngừng. Máy bay chở khách và máy bay vận tải không thể hạ và cất cánh ở phi trường Tân Sơn Nhất được nữa. Nhưng những người di tản sống sót vẫn cứ chờ đợi. Không ai chịu bỏ cuộc. Hết giờ này đến giờ khác, họ ngồi la liệt trên sân bay, giữa đống xác chết và đống hành lý bị hất tung, căng tai hướng vào màn đêm tối om, mắt mở to để chờ đợi một chiếc máy bay nào đó quay lại đón họ đi… Biên Hòa bị pháo kích ngày 27/4, sân bay Tân Sơn Nhất bị ném bom vào chiều tối ngày 28/4, đã đẩy Bộ Tư lệnh không quân và cả Sài Gòn vào cảnh hỗn loạn…
Mặc dù phút cuối bị Dương Văn Minh gạt đi và chọn Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng chứ không chọn mình như đã hứa, 8 giờ sáng ngày 29/4 Trần Văn Đôn vẫn tới Bộ Tổng tham mưu, như Đôn nói là “để nắm những tin tức chiến sự mới nhất”. Lúc ấy, Đôn đã không còn ở trong Chính phủ. Trụ sở Bộ Tổng tham mưu mấy ngày trước nhộn nhịp mà giờ vắng hoe. Đồng Văn Khuyên đã ra đi. Hầu hết các tướng tá còn lại của Bộ Tổng tham mưu đã dồn sang khu trung tâm của DAO để chờ máy bay di tản. Các buồng làm việc vắng tanh. Chuông điện thoại reo ở chỗ không người, trong khi quạt máy cứ vù vù quay trong các căn phòng, giấy tờ bỏ lại tung toé… Đôn ra khỏi văn phòng Bộ Tổng tham mưu thì vừa lúc Nguyễn Cao Kỳ đáp trực thăng xuống. Kỳ bắt tay Đôn, nói với Đôn: “Mất hết rồi. Tôi đi đây!”. Trực thăng chở Kỳ vừa bay khuất, Trần Văn Đôn cũng quyết định ra đi ngay trong ngày 29/4. Di tản sang Mỹ, Trần Văn Đôn sống ở thị trấn Orlando, bang Florida với nghề nghiệp chính là buôn bán bất động sản. Ngoài ra, Đôn còn viết hồi ký. Hai cuốn sách của Đôn đã xuất bản ở Mỹ là: Cuộc chiến tranh không chấm dứt ở Việt Nam năm 1977 và Những cuộc chiến tranh ở Việt Nam năm 1985. Trong sách, ngoài chuyện đề cao vai trò cá nhân, Trần Văn Đôn cũng đã buộc phải thú nhận những sai lầm, thất bại và đã tường thuật lại khá sinh động những cuộc đấu đá ráo riết kể cả trong hậu trường của cái sân khấu chính trị bát nháo của chính trường Sài Gòn những ngày cuối cùng của chiến tranh. Riêng về “cái trò ảo thuật thương thuyết cho việc thành lập một chính phủ liên hiệp”, Đôn viết: “… Ngay khi lên cầm quyền theo lời khuyên của tôi, Dương Văn Minh đã tiến hành các cuộc đàm phán khẩn cấp với cộng sản. 16 giờ 30 phút ngày 29/4, Đại sứ Pháp Merion gặp Minh, đem đến câu trả lời cho đề nghị tha thiết của ông ta về các cuộc thương lượng, đình chiến. Câu trả lời của cộng sản là “không”. Merion mắt ngấn nước, còn Minh thì hoàn toàn choáng váng. Thế là không có đình chiến nữa rồi. Như vậy là đối phương chỉ tìm kiếm một thắng lợi vang dội – một thắng lợi mà họ đã giành được với sự phối hợp các hoạt động ngoại giao khôn ngoan và áp lực quân sự. Tất cả chúng tôi đều bị lừa. Tất cả những hoạt động sôi nổi của chúng tôi chẳng mang lại một kết quả nào và chúng tôi hoàn toàn vỡ mộng…”.■
(Theo Tạp chí Phương Đông)