Hiện nay, các vụ tự tử của thanh thiếu niên ở nước ta đang ngày càng gia tăng đến mức báo động. Điều này không chỉ mang tính chất xã hội mà về lâu về dài nguồn nhân lực quốc gia sẽ bị suy yếu nghiêm trọng nếu không tìm ra cách giải quyết kịp thời. Có thể nói, một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tự tử là bệnh trầm cảm nói riêng và các rối loạn tâm lý nói chung.
Trên thực tế, các vấn đề sức khoẻ tâm thần đã tồn tại ở con người từ nhiều đời nay, song chỉ thực sự bùng phát và trở thành vấn đề nhức nhối ở xã hội hiện đại, khi nền kinh tế tư bản kĩ trị lên ngôi, đẩy con người vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để duy trì guồng máy kiến tạo của cải vật chất khổng lồ của nó. Khi của cải trở nên dư thừa, thế giới tinh thần của con người cũng ngày càng phát triển, phong phú, sinh động và đa dạng hơn. Mặt trái của công cuộc kiến tạo các giá trị vật chất chính là sự sản sinh ra các vấn đề tâm lý phức tạp ở con người – đặc biệt là người trẻ – khiến họ mắc phải những căn bệnh tinh thần của “thời đại”, trong đó có trầm cảm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm được coi là căn bệnh phổ biến nhất toàn cầu và đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý nhân loại, chỉ sau bệnh tim mạch. Hiện nay trên thế giới có khoảng 350 triệu người bị ảnh hưởng bởi trầm cảm, mà hậu quả nghiêm trọng nhất của nó chính là hành vi tự sát. Theo thống kê tại Việt Nam, trong khoảng hai thập kỉ trở lại đây, số người tự tử hàng năm đã lên tới 36.000 – 40.000 người, cao gấp 3 – 4 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông và ngày càng có xu hướng gia tăng ở đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên. Nghiên cứu về sức khoẻ tâm thần của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết, có khoảng 8% – 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Hàng năm, chúng ta chứng kiến không ít các vụ tự tử của học sinh, thanh thiếu niên với những nguyên do phức tạp, và con số ấy cứ ngày càng tăng lên một cách đáng báo động. Tháng tư vừa qua, liên tiếp hai vụ tự tử của nam sinh trung học cùng những bức thư tuyệt mệnh đau lòng, để lại những ám ảnh khôn nguôi cho các bậc phụ huynh cùng toàn thể xã hội. Vậy nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là do đâu?
Trước hết, như đã đề cập, thế hệ trẻ được xem là “thế hệ của sự kì vọng”. Khác với ông bà, cha mẹ mình, họ được may mắn sinh ra khi đất nước đã im tiếng súng, được sống trong hoà bình và được tạo mọi điều kiện để học tập, phát triển bản thân. Tuy nhiên, họ lại phải rơi vào một “cuộc chiến” mới ngay trong thời bình, đó là sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường thay thế hoàn toàn cho tính quân bình ở thời chiến hay thời bao cấp. Nói cách khác, kinh tế xã hội là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phân hoá giàu nghèo, hình thành sự so sánh, phân biệt đối xử giữa các đối tượng dựa trên mức thu nhập và giá trị của cải vật chất mà họ sở hữu. “Thành công” được dư luận tiêu cực định nghĩa bằng tiền tài, danh vọng, thứ bậc, chức tước… thay vì niềm vui, niềm hạnh phúc, sức khoẻ, sự tự do và bình an của mỗi cá nhân. Người trẻ chính là đối tượng chịu tác động trực tiếp nhất của vấn nạn này, và áp lực tinh thần đè nặng lên họ là một hệ quả tất yếu.
Thêm vào đó, tâm lý hơn thua, “bệnh thành tích” – vốn đã là một luồng tư tưởng tương đối tiêu cực trong văn hoá Á Đông xưa – nay lại càng có cơ hội xâm lấn lên toàn thể xã hội Việt Nam hiện đại. Nhiều năm liền, hẳn chúng ta đã quá quen với hình ảnh cha mẹ xếp hàng cả ngày trời, thậm chí xô đổ cả cổng trường tiểu học, trung học để nộp hồ sơ cho con mình vào những trường công lập có tiếng tại địa phương. Việc các bậc cha mẹ đầu tư, quan tâm, giám sát sát sao chuyện học hành của con cái, những mong con được bằng bạn bằng bè – là một nhu cầu chính đáng, xuất phát từ tình yêu thương, hướng đến một tương lai tốt đẹp cho con cái, song cũng rất dễ trở thành “con dao hai lưỡi” nếu nó vượt quá giới hạn, khiến cho lòng tham, sự ích kỷ của người lớn lên ngôi, dễ làm tổn thương những nguyện vọng đích thực của con trẻ. Không những vậy, nhiều cha mẹ còn hình thành những thói quen lệch lạc như so sánh con cái trong nhà với nhau, so sánh con mình với người khác… “Con nhà người ta” là một từ mới ra đời trong bối cảnh đương đại, dùng để gọi tên những hình mẫu mà cha mẹ mong muốn con mình “noi gương”, hướng tới, ganh đua, gây ra “áp lực đồng trang lứa” (peer pressure) cho rất nhiều người trẻ Việt Nam.
Bên cạnh đó, nền giáo dục của nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, tạo thêm những gánh nặng tinh thần cho học sinh bên cạnh lối giáo dục “độc hại”, áp đặt từ gia đình. Nền giáo dục của chúng ta trải qua nhiều đợt cải cách, dẫu đã cố gắng hướng đến tính “mở”, đề cao thực hành, điều chỉnh lượng kiến thức cho học sinh, song căn bản vẫn nặng về lý thuyết, khiến các em phải học tập rất căng thẳng để đáp ứng được yêu cầu của tất cả các bộ môn trong nhà trường. Không những thế, chính sự lúng túng, rối rắm trong khâu đổi mới phương thức thi cử, xét tuyển, thay sách giáo khoa… với những thay đổi phần nhiều chỉ mang tính hình thức, chưa đi sâu vào bản chất, đã khiến cho nhiều thế hệ học sinh phải “khốn đốn” để “chạy theo” các cải cách này mà trở nên sợ hãi, hoang mang khi đứng trước những kì thi và các đợt chuyển cấp. Bên cạnh áp lực phải ganh đua với bạn bè để làm hài lòng cha mẹ, học sinh còn phải “làm đẹp” bảng thành tích của lớp, trường, đáp ứng những kì vọng từ giáo viên… Đây là những tiền đề từ thời bao cấp nhưng vẫn còn tồn tại làm gia tăng hàng loạt các hội chứng tâm lý phổ biến ở lứa tuổi học sinh như stress, trầm cảm, rối loạn lo âu… Hệ quả gây ra những hành vi nguy hiểm như chống đối, nổi loạn, sử dụng chất kích thích, bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên… và đỉnh điểm là tự sát.
Không thể phủ nhận rằng tâm sinh lý lứa tuổi đóng một vai trò rất quan trọng việc giải thích cho các xu hướng bất ổn về sức khoẻ tâm thần ở thanh thiếu niên. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, nguyên nhân này dường như chỉ đóng vai trò như một chất xúc tác khi các gánh nặng khách quan đè lên vai người trẻ là quá lớn. Một trong những nguyên nhân phổ biến và đặc thù nhất ở thời đại này chính là mặt trái của công nghệ thông tin và mạng Internet. Đặc biệt, hoàn cảnh ngặt nghèo của đại dịch Covid-19 vừa qua đã hình thành nên một lớp học sinh – thanh thiếu niên học tập và làm việc hoàn toàn trong môi trường trực tuyến (online) thay vì được đến trường để kết nối trực tiếp với thầy cô, bạn bè như các thế hệ trước đó. Có thể nói, bên cạnh những yếu tố tích cực giúp học sinh có thể tiếp thu kiến thức trong điều kiện bị hạn chế, việc sử dụng các thiết bị điện tử và giao tiếp qua mạng Internet suốt một thời gian dài rất dễ làm gia tăng các vấn đề tâm lý, đặc biệt ở lứa tuổi tương đối nhạy cảm của các em.
Nghiên cứu về tác động của học trực tuyến đối với sức khoẻ tâm thần học sinh, TS. Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý – giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục đã đưa ra những số liệu thống kê đáng “giật mình”: 65,1% học sinh học trực tuyến có biểu hiện stress theo các mức độ khác nhau từ nhẹ, trung bình, đến nặng và rất nặng, trong đó có tới 32,9% học sinh ở vào mức độ stress cao nhất. 41,8% học sinh có biểu hiện rối loạn lo âu ở các mức độ khác nhau, cao gần gấp 2 lần so với học trực tiếp tại trường. Khảo sát đối tượng học sinh học online trên 6 tháng cho thấy, hơn 34,% học sinh có dấu hiệu trầm cảm ở các mức độ khác nhau, trong đó 8,3% đã rơi vào mức độ nặng và rất nặng. “Hội chứng tâm lý Covid-19” ở học sinh học trực tuyến cũng đã dẫn đến những rối loạn bất thường về cảm xúc và hành vi của học sinh. Trong đó 41,5% học sinh cho rằng các em dễ trở nên kích động, xung đột với người xung quanh; khoảng 75% học sinh lạm dụng Internet, lạm dụng trò chơi điện tử và mạng xã hội; 44,6% có biểu hiện hạn chế và không muốn tiếp xúc với mọi người; 42% thu mình vào thế giới riêng. Đặc biệt, 23,2% (tương ứng với 1003 học sinh) khẳng định đã từng có suy nghĩ đến việc tự tử. Đây đều là những con số “biết nói” cho thấy mức độ nguy hiểm của việc học trực tuyến kéo dài đối với sức khoẻ tâm thần của học sinh. Ở lứa tuổi lẽ ra phải được vui chơi, tâm sự, trò chuyện, hoạt động ngoài trời và tương tác trực tiếp để phát triển bản thân một cách đầy đủ và lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần; các em lại phải ngồi cả ngày, cả năm trong một không gian kín với những kết nối “ảo” đầy cạm bẫy và rủi ro, khó tiếp thu kiến thức một cách trọn vẹn. Các áp lực học đường thường nhật cũng vì thế mà tăng lên gấp nhiều lần, đẩy người học vào trạng thái tâm lý bất ổn kéo dài.
Không những thế, trong thời đại hội nhập, các kết nối Internet không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ học tập trực tuyến mà còn khiến người trẻ có thể tiếp cận với một khối lượng thông tin, dữ liệu khổng lồ đến từ khắp nơi trên thế giới. Họ không cần phải sang tận châu Âu, châu Mỹ… xa xôi cũng hoàn toàn cập nhật được các tin tức, các chương trình giải trí, phim ảnh, âm nhạc, sách vở… của những nền văn hoá đa dạng, phong phú này. Thậm chí, họ cũng có thể biết được bạn bè, người thân… của mình đang làm gì, nghĩ gì, phát triển ra sao… mỗi ngày dù họ ở cách xa nhau hàng nghìn km. Mặt tích cực có thể nhìn thấy rất rõ khi các kết nối “ảo” giúp xoá tan khoảng cách, khiến con người xích lại gần nhau hơn; việc tìm kiếm, tiếp cận các tư liệu, thông tin phục vụ cho công việc và học tập cũng trở nên nhanh chóng, dễ dàng. Tuy nhiên, chính các dữ liệu khó kiểm soát này lại trở thành một kênh rất quan trọng để hình thành tư tưởng và tâm lý của thanh thiếu niên ở lứa tuổi mà tâm sinh lý dễ bị tác động, ảnh hưởng từ ngoại cảnh và đặc biệt nhạy cảm trong việc tiếp thu những thông tin tiêu cực, trái chiều. Các “thử thách tự tử” như Cá voi xanh, Momo, Johnathan Glindo… hay trào lưu tương tự ở một số quốc gia có tỉ lệ thanh thiếu niên tự sát cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã trở thành một hiểm hoạ được lan truyền nhanh chóng và cướp đi sinh mạng của hàng trăm thanh thiếu niên trên khắp thế giới. Hàng loạt văn hoá phẩm độc hại cùng các cuộc tranh luận bất tận, thói quen tiêu cực như thoả sức mạt sát, bêu rếu lẫn nhau… mạng xã hội đã vô trách nhiệm cổ vũ, khơi dậy cảm xúc tiêu cực, kích thích các rối loạn tâm lý và hành vi tự sát ở người trẻ. Bên cạnh đó, chính việc tiếp nhận, cập nhật quá nhiều thông tin về người khác mỗi ngày khiến từng cá nhân dễ hình thành tâm lý tự ti, so sánh, tự tạo áp lực cho bản thân, ép mình phải khuôn theo những chuẩn mực thành công của xã hội mà quên mất việc tập trung trau dồi, phát triển và thực hiện những mục tiêu cá nhân. Có thể nói, mạng Internet chính là “con dao hai lưỡi” bào cắt sức khoẻ tinh thần của trẻ em, nếu không có sự hướng dẫn và kiểm soát một cách đúng mức từ người lớn.
Ngoài ra, sự thiếu quan tâm đến các vấn đề tâm lý, tâm thần bấy lâu nay vẫn là một hạn chế rất lớn trong xã hội Đông Á. Điều này bắt nguồn từ văn hoá Đông phương cổ điển vốn có xu hướng áp chế con người vào các chuẩn mực “phi ngã”, kiềm toả cảm xúc, tình cảm, đè nén cái tôi cá nhân. Mọi hành vi bộc lộ cảm xúc ít được chú ý, thậm chí còn bị bài xích vì vậy lớp trẻ đã “nguỵ trang”, giấu kín dưới lớp lễ nghi hoà nhã, ôn tồn, đúng mực. Không một cá nhân nào được thể hiện ra bên ngoài một cách thái quá mà phải tiết chế, dồn nén vào trong. Điều này gây ra đến tình trạng ức chế, u uất tinh thần lâu ngày và dẫn đến các hành vi như tự sát, quyên sinh… rất phổ biến trong xã hội xưa. Ngày nay, tâm lý tiêu cực ấy gần như bị loại bỏ, song tàn dư của nó vẫn còn ảnh hưởng đến thời hiện tại, đó là việc xem nhẹ các rối loạn tâm lý, sang chấn tinh thần ở con người. Đặc biệt, trong một xã hội đề cao tư tưởng “kính lão đắc thọ”, “lão làng” vốn không mấy coi trọng ý kiến của người trẻ, những tiếng nói của kẻ “sinh sau đẻ muộn” khó được chấp nhận, cảm thông, thấu hiểu và lắng nghe. Không phải ngẫu nhiên mà theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần, tuy nhiên chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Đây chính là một con số đáng báo động cho thấy việc nhận thức và quan tâm đến sức khoẻ tinh thần ở người trẻ nói riêng và toàn xã hội Việt Nam nói chung vẫn chưa thật sự sâu sắc.
Cuối cùng, một số nguyên nhân khách quan đến từ di truyền, môi trường sống hoặc sức khoẻ không đảm bảo, cuộc sống hôn nhân của cha mẹ không hạnh phúc, sự giáo dục giới tính không đầy đủ hoặc không phù hợp dẫn đến những nhận thức lệch lạc về tình yêu tuổi học trò, mâu thuẫn với bạn bè, thầy cô… những chuyện mà đối với người lớn có thể rất nhỏ nhặt song rất dễ ăn sâu vào tiềm thức của trẻ, tạo nên những tổn thương khó có thể hàn gắn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển và hình thành tính cách, xu hướng gây ra phản ứng tiêu cực ở trẻ.
Vậy những giải pháp nào cần được thực hiện kịp thời để ngăn chặn, đẩy lùi những vấn đề này?
Trước hết, các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội cần ý thức về việc hỗ trợ, định hướng cho trẻ em, thanh thiếu niên phát triển bản thân dựa trên đúng nhu cầu, năng lực, thói quen, sở thích của mình thay vì áp đặt lên các em những kì vọng “ngoài tầm với”, những “gương sáng” để gây sức ép thay vì tạo động lực tích cực, đúng phương pháp. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một cá thể đặc biệt với những năng lực, sở trường, ước mơ, hoài bão và khuynh hướng phát triển… không giống nhau. Do đó, thay vì dồn ép các em vào trong một thang đo nhất định dựa trên các giá trị vật chất thuần tuý như thành tích, điểm số… sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển tự nhiên của lớp trẻ. Cuộc sống của người trẻ cần có những tâm sự, lắng nghe, cha mẹ cần thể hiện là người bạn của con, cùng con tìm kiếm, khám phá bản thân, tháo gỡ những khúc mắc trong cuộc sống, nuôi dưỡng và hiện thực hoá những khát vọng của mình… chắc chắn sẽ khiến trẻ cảm thấy được yêu thương, bảo vệ, giúp đỡ, từ đó hình thành những xu hướng cảm xúc và thói quen tích cực như tự tin, biết yêu bản thân, suy nghĩ lạc quan, có thêm động lực để phấn đấu, tiến xa hơn trên con đường mình đã chọn. Không những thế, chính mỗi bậc cha mẹ cũng cần phải trở thành tấm gương sống tích cực, đặt việc giữ gìn hạnh phúc, tiếng cười và sự bình yên trong gia đình lên trên hết để cho trẻ có một môi trường sống lành mạnh, phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.
Về phía nhà trường nói riêng và nền giáo dục quốc gia nói chung, cần xây dựng, thực hành và áp dụng nhanh chóng những triết lý giáo dục nhân văn hơn, hướng đến phát triển con người, phát triển cá nhân thay vì chạy đua theo thành tích; thiết kế lại chương trình sao cho học sinh có đủ thì giờ vui chơi, giải trí; đặc biệt là tổ chức cho lớp trẻ tham gia những hoạt động bảo vệ môi trường sống và các hoạt động từ thiện để thiết kế các giá trị văn hoá và tình yêu thương con người, yêu thương chính bản thân mình. Chính phủ cũng cần sớm đưa ra một lộ trình cụ thể về các cải cách liên quan đến thi cử, sách giáo khoa… để các thầy cô, phụ huynh và học sinh yên tâm thực hiện. Cần hết sức chú ý đến từng hoạt động của học sinh, thấu hiểu và sẻ chia, chấm dứt những hình phạt hà khắc, dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát của các em. Gần đây, đã có những tín hiệu đáng mừng khi học sinh đang dần quay trở lại trường học, tham gia các tiết học trực tiếp sau khoảng thời gian học online đằng đẵng do ảnh hưởng của đại dịch. Đó là cơ hội để các trường học hoàn thiện chương trình cho mỗi cấp học, giúp học sinh tiếp thu bài giảng một cách hiệu quả, giảm tải tối đa áp lực cho các em.
Đặc biệt, ở cấp trung học và đại học cần sớm xây dựng đội ngũ chuyên viên tham vấn tâm lý học đường để hỗ trợ kịp thời các học sinh gặp vấn đề về sức khoẻ tinh thần. Để làm được điều này nhà trường cần kết hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế và các bậc phụ huynh để giải quyết kịp thời nhu cầu về sức khoẻ và các điều kiện cần thiết khác, giúp các em có dấu hiệu trầm cảm hội nhập với bạn bè, vượt qua các áp lực tâm lý trong đời sống thường nhật.
Chúng ta cần các cơ quan an ninh mạng và các cơ quan chức năng khác của nhà nước vào cuộc để xây dựng một hệ thống thông tin xã hội lành mạnh trên mạng Internet, tạo ra một môi trường mạng an toàn cho người sử dụng – trong đó có lớp trẻ. Dựa vào thông tin trên mạng xã hội để phát hiện các nhóm có suy nghĩ tiêu cực và lan toả cảm xúc tiêu cực ra cộng đồng đồng, tiếp xúc động viên họ, chấm dứt hoàn toàn những hành vi tự gây tổn hại đến bản thân và những người xung quanh. Trên tất cả, toàn thể xã hội hãy cùng chung tay xây dựng một cộng đồng mạng nhân văn cho trẻ em, thanh thiếu niên. Hãy dành cho các em sự quan tâm và chăm lo nhiều hơn đến sức khoẻ tinh thần, tâm lý thay vì chỉ dừng lại ở những giá trị vật chất thuần tuý, để các em được sinh ra, lớn lên và phát triển một cách lành mạnh trong tình yêu thương, sự động viên, sẻ chia và đồng hành của cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Một quốc gia chỉ có thể đạt đến sự thịnh vượng khi những cá nhân được sống hạnh phúc, sống có ý nghĩa, được phát huy hết khả năng, thực hiện những đam mê, khát vọng để cống hiến cho đất nước theo đúng năng lực, sở thích của bản thân. Chúng ta không cần những cá nhân thành đạt theo một khuôn mẫu có sẵn, không cần những cá thể mờ nhạt, lệch lạc với những sang chấn nội tại, những rối loạn tâm lý vốn cản trở sự phát triển của mỗi con người và mỗi dân tộc. Thế hệ cha ông đã phải chịu những nỗi đau hậu chiến khó lòng nguôi ngoai; nên giờ đây, xin hãy dành những điều tốt đẹp nhất cho những đứa trẻ bằng chính sự quan tâm sâu sắc, bằng tình yêu thương và trách nhiệm cao cả để chăm lo cho người trẻ tránh được sang chấn về tâm lý, tinh thần và trầm cảm, ngăn chặn những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến cái chết thương tâm đang xảy ra trong lớp trẻ nước ta. Hãy tạo nên những người Việt Nam hạnh phúc – đó chính là bí quyết thành công, bí quyết hưng thịnh của một dân tộc.■
Tuệ Minh
(Theo Tạp chí Phuơng Đông)