Lần đầu tiên sau 45 năm thiết lập quan hệ, Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN được tổ chức tại Nhà Trắng trong hai ngày 12 và 13/5/2022. Đây cũng là gặp gỡ cấp cao trực tiếp, đầu tiên, của Tổng thống Mỹ J. Biden với lãnh đạo ASEAN kể từ khi lên cầm quyền vào tháng 01/2021.
Dư luận đang hết sức quan tâm đến những định hướng mới về hợp tác dài hạn, kỳ vọng cũng như những thách thức đặt ra tiếp sau sự kiện lịch sử này.
1. Trước hết phải thấy rằng, quan hệ ASEAN Hoa Kỳ chứa đựng nhiều yếu tố bất định bởi với vị trí địa – chiến lược của mình, Đông Nam Á từ lâu đã là tâm điểm của những tranh chấp khu vực và tập hợp lực lượng, cạnh tranh chiến lược của Mỹ và Trung Quốc, cũng như của Mỹ và Nga hiện nay.
Quan hệ Hoa Kỳ và Đông Nam Á chỉ thực sự trở lại dưới thời cựu Tổng thống B. Obama với chiến lược “tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương”, thể hiện ở “chính sách can dự mang tính xây dựng”. Cựu tổng thống D.Trump trong khi thực thi chính sách đối đầu toàn diện với Trung Quốc, không coi trọng phát triển quan hệ đa phương với ASEAN. Ông Trump đã quyết định rút khỏi Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP, để lại một khoảng trống quyền lực tại Đông Nam Á và tạo cơ hội cho Trung Quốc gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng đối với khu vực.
Tổng thống J. Biden lên nắm quyền trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh và quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á đã bị tổn thương phần nào. Vẫn tiếp tục chính sách Trung Quốc của ông Trump tuy nhiên, Tổng thống J. Biden cho thấy đã có cách tiếp cận và triển khai chính sách Châu Á – Thái Bình Dương tương đối bài bản.
Hoa Kỳ chủ động cử Phó Tổng thống và các lãnh đạo cấp cao đến Đông Nam Á, tham gia “một cách tích cực hơn” vào các cuộc gặp gỡ cấp cao, các cuộc họp thượng đỉnh về an ninh, quốc phòng và kinh tế, tiếp tục duy trì các cuộc tập trận với một số nước thuộc khối ASEAN. Thượng đỉnh vừa qua là một ví dụ.
2. Kết quả nổi bật và quan trọng nhất của Hội nghị được thể hiện ở “Tuyên bố Tầm nhìn chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ 2022”. Theo đó, hai bên cam kết thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Hoa Kỳ “thực chất, hiệu quả và cùng có lợi” tại Hội nghị Cấp cao vào tháng 11 tới.
Những nội dung được thảo luận sâu rộng cho thấy nỗ lực của cả hai bên trong việc đề ra định hướng trong tương lai. Thể hiện một tầm nhìn toàn diện từ phục hồi kinh tế, tăng cường kết nối đến xây dựng lòng tin cũng như duy trì duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực cũng như đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải – hàng không tại Biển Đông đến cuộc chiến tại Ukraine.
3. Nhiều nhận xét và đánh giá cho rằng đây là kỳ họp cấp cao đặc biệt mang nhiều dấu ấn và ý nghĩa. Được coi như bước khởi đầu cho một cuộc vận động ngoại giao sâu rộng của Hoa Kỳ tại châu Á:
– Trên có sở đối thoại toàn diện, sâu, nhiều lĩnh vực, từ an ninh, chính trị đến kinh tế, thương mại, y tế, biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân, hai bên đã khôi phục được tính tiếp nối quan hệ, bước đầu xác định được nền tảng cho mối quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ trong tương lai.
– Về thời điểm cho chúng ta thấy rằng, cho dù vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt nhưng chính những bất ổn trên thế giới đã là chất xúc tác kéo hai bên lại gần nhau hơn. Cả ASEAN và Hoa Kỳ đều nhận thức sự cần thiết và tính cấp bách của việc thúc đẩy quan hệ, đưa ra định hướng cho sự hợp tác lâu dài trong bối cảnh mới
– Hoa Kỳ ngày càng coi trọng vai trò không thể thiếu được của ASEAN tại khu vực. Tổng thống J. Biden đã tuyên bố rằng một trong những ưu tiên chính nhất của Hoa Kỳ là trở thành đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy của ASEAN, cam kết việc công nhận vai trò trung tâm của ASEAN.
– Với Hoa Kỳ mục tiêu rõ rệt của họ là tranh thủ sự ủng hộ của ASEAN đối với chiến lược bao vây và kiềm chế Trung Quốc. Hoa Kỳ cần có sự tham gia tích cực của ASEAN trong việc triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở vì ASEAN là một phần quan trọng nhất của Chiến lược này.
Hoa Kỳ coi trọng hơn việc “cân bằng linh động” lợi ích của Mỹ, đồng minh trong khu vực và của ASEAN. Họ đang tập trung vào việc tiếp cận và thuyết phục ASEAN tham gia và chia sẻ những ưu tiên mang tính chiến lược của Mỹ tại châu Á.
– Thực tế cho thấy, Hoa Kỳ triển khai nhiều chính sách khu vực đối với Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, cải tổ Bộ Tứ, thành lập Aukus nhưng mọi chính sách cũng như các cơ chế trên vẫn còn khập khiễng và hoàn toàn “không đủ sức mạnh” để đối phó với những thách thức của Trung Quốc vì thiếu sự tham gia của các quốc gia Đông Nam Á. Điều này hoàn toàn bất lợi cho Hoa Kỳ.
– Về vấn đề Ukraine, dễ để nhận thấy rằng một mục tiêu cao nữa của Hoa Kỳ là thuyết phục được các quốc gia Đông Nam Á ủng hộ các biện pháp trừng phạt của họ đối với Nga. Hoa Kỳ cần sự hỗ trợ, ủng hộ đến từ ASEAN, một cộng đồng dân số lớn hơn cả châu Âu để tăng sức mạnh cho các biện pháp trừng phạt Nga.
Tóm lại, toàn bộ những động thái vừa qua chính là những bước đi và tính toán chiến lược trong việc điều chỉnh chính sách khu vực. Hoa Kỳ sẽ không chỉ quan tâm thúc đẩy quan hệ song phương với một số đồng minh và đối tác quan trọng mà sẽ tập trung nhiều vào quan hệ đa phương với tư cách ASEAN là một khối nước. Qua đó Hoa Kỳ sẽ thiết lập sự cân bằng ảnh hưởng có lợi nhất cho họ, cho các đồng minh cũng như những đối tác gần gũi của họ. Đây cũng là phương cách hữu hiệu để định hình môi trường chiến lược của Hoa Kỳ
4. Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ cho thấy rõ vai trò của khu vực Đông Nam Á ngày càng trở nên quan trọng. Bên cạnh những cơ hội đem đến thì ASEAN cũng như từng quốc gia Đông Nam Á cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, trước hết đó là giữ được cân bằng giữa hai Chiến lược mang tính toàn cầu của Trung Quốc (“Vành đai, Con đường” (BRI) và với “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (IPS) của Mỹ.
Cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt, phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là sức ép cho các nước ASEAN về các vấn đề can thiệp nội bộ cũng như việc duy trì tính thống nhất và nguyên tắc đồng thuận do bị lôi kéo và tác động bởi những toan tính chiến lược nước lớn, buộc phải chọn bên.
Thách thức cuối cùng, không nhỏ đó chính là ASEAN chờ đợi và mong muốn cam kết sâu rộng hơn của Hoa Kỳ trong lĩnh vực kinh tế chứ không chỉ về an ninh, quân sự. Nhiều quốc gia Đông Nam Á lo ngại về tính bất định của các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, cũng như sự thiếu hiện diện của Hoa Kỳ trong các định chế kinh tế quốc tế, khu vực. Việc Hoa Kỳ đột ngột rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã để lại nhiều hậu quả.
Để trấn an và bày tỏ thiện chí, Hoa Kỳ đã nêu lên sáng kiến thương mại mới về “Tầm nhìn về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF)” minh họa cho sự can dự lâu dài, mạnh mẽ tại khu vực. Tuy nhiên, những nội hàm cụ thể của Tầm nhìn chưa được nêu lên. Điều này cho thấy cơ chế hợp tác kinh tế của Hoa Kỳ, điều mà các nước ASEAN rất mong đợi, được dự báo còn nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, những vấn đề quan trọng được Mỹ và ASEAN đề cập tới cho thấy Châu Á – Thái Bình Dương vẫn giữ vai trò ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden. Đó sẽ là cơ hội cho các nước ASEAN đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ trên các lĩnh vực, đảm bảo cho sự phát triển, hòa bình, an ninh ở Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng.
Tình hình thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp và nhiều biến động không lường trước được. Trong bối cảnh đó, yêu cầu về hòa bình, hợp tác, phát triển, đề cao luật pháp và chủ nghĩa đa phương sẽ càng trở nên cấp thiết. Điều này đòi hỏi các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, trong đó có Việt Nam cần tỉnh táo, giữ được cân bằng, phát huy nội lực, giữ vững vai trò trung tâm để phát triển và đóng góp vào xu thế chung của khu vực và thế giới.
Tầm nhìn dài hạn cho mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa ASEAN – Mỹ tại Hội nghị Cấp cao vừa qua được các bên vừa cam kết thiết lập chắc chắn cũng sẽ không nằm ngoài yêu cầu này.■
Nguyên Mi
(Theo Tạp chí Phương Đông)