Chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ: FBI khám nhà của một cựu Tổng thống

Vào ngày 8/8/2022, một sự việc chưa từng có trong tiền lệ của lịch sử nước Mỹ khi Cục Điều tra Liên bang nước này (FBI) đã bất ngờ đột kích và khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida, nơi cựu Tổng thống Donald Trump đang sinh sống. Tuy nhiên, phải tới 4 ngày sau, ngày 12/8/2022, theo nhật báo Washington Post, công chúng mới được tiết lộ rằng FBI được cho là đã tìm kiếm những tài liệu về vũ khí hạt nhân và các tài liệu tuyệt mật khác, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Mỹ. Cựu Tổng thống Trump đã lập tức chỉ trích cuộc đột kích là “không phù hợp, không cần thiết” và “sai trái về mặt tố tụng”. Hơn nữa, ông cho rằng đây là “đòn tấn công của những người cực tả thuộc phe Dân chủ nhằm ngăn cản ông tranh cử Tổng thống năm 2024”. Thế nhưng, ngay cả khi FBI chưa đưa ra kết luận chính thức về cuộc khám xét nơi ở của ông Trump, vụ việc vừa rồi đã mang lại nhiều sóng gió cho nền tư pháp nước này, đặc biệt là về vấn đề dân chủ và pháp quyền, cũng như sẽ hâm nóng Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024.

Quy trình FBI xin lệnh khám xét dinh thự ông Trump có vi phạm pháp luật hay không?

Trước khi kết luận việc FBI đột kích dinh thự của ông Trump có đúng luật hay không, hay là có vi phạm quyền dân chủ, nhân quyền hay không, chúng ta cần phải hiểu lệnh khám xét được xin thế nào ở nước Mỹ.

Đầu tiền, dù là một cơ quan hành pháp có quyền lực lớn nhất ở Mỹ, các đặc vụ FBI không thể tuỳ tiện xuất hiện để khám xét trên một bất động sản tư nhân như Mar-a-Lago. Trước hết họ cần phải có một lệnh khám xét được phê chuẩn bởi một thẩm phán. Tất nhiên, đối với nước Mỹ, một nước tiên phong luôn đề cao tư tưởng nhà nước pháp quyền với một nền tư pháp dân chủ, những thẩm phán này đều hoạt động độc lập, không do Tổng thống đề cử cũng như là Thượng viện phê chuẩn mà họ được bổ nhiệm bởi Hội đồng thẩm phán tòa địa hạt. Nếu cảm thấy chưa đủ thuyết phục, thẩm phán có thể hỏi thêm thông tin và thẩm vấn người đại diện xin lệnh khám xét. Và cuối cùng, những vị thẩm phán sẽ chỉ ký duyệt lệnh khám xét nếu nhận thấy có bằng chứng về việc phạm tội tại địa điểm mà các nhà chức trách muốn khám xét. Tuy nhiên, đối với những nhân vật cao hơn như Tổng thống, quy trình có một chút thay đổi nghiêm ngặt hơn. Vào tháng 2/2020, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khi đó là William Barr đã công bố những hạn chế mới yêu cầu FBI và các cơ quan thực thi pháp luật khác phải xin phép Bộ trưởng Tư pháp trước khi điều tra các ứng cử viên Tổng thống hoặc nhân viên của họ. Và người kế nghiệm của Barr, Merrick Garland, đã giữ nguyên chính sách này – tuân thủ các hướng dẫn chung của Bộ Tư pháp nhằm ngăn chặn các cuộc điều tra buộc tội với mục đích chính trị. Điều này đồng nghĩa rằng việc FBI khám xét nhà của ông Trump sẽ không diễn ra nếu không có sự chấp thuận của Garland.

Với những quy trình nêu trên, trong trường hợp của cựu Tổng thống Trump, chúng ta có thể đưa ra một kết luận rằng FBI đã không vi phạm về mặt tố tụng cũng như vi phạm quyền dân chủ khi chính Garland đã xác nhận rằng ông đã đích thân ký vào quyết định của FBI về việc khám xét Mar-a-Lago tại một cuộc họp báo ngày 11/8/2022. Hơn nữa, vào ngày 05/8/2022, FBI đã thuyết phục được thẩm phán Bruce Reinhart kí lệnh khám xét Mar-a-Lago. Do đó chúng ta có thể ngầm hiểu rằng, thẩm phán Reinhart nhiều khả năng đã phát hiện ra những bằng chứng chứng minh rằng ông Trump đã sở hữu bất hợp pháp các tài liệu nêu trên được lấy từ Nhà Trắng khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2020. Việc thông qua Bộ trưởng Tư pháp Garland và thẩm phán Reinhart đã đồng nghĩa với việc FBI đã đáp ứng các tiêu chí cần thiết và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình xin lệnh khám xét.

Các nhân viên mật vụ có vũ trang đứng bên ngoài lối vào khu dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump ở Palm Beach, Florida, ngày 8/8/2022. Ảnh: AP

Liệu có những mối thù cá nhân giữa Trump với FBI và Bộ Tư pháp?

Mặc dù cả Bộ Tư pháp Hoa Kỳ lẫn FBI đều đã làm đúng quy trình và không vi phạm về mặt tố tụng, tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, việc khám xét nơi ở của cựu Tổng thống Trump được cho là một canh bạc rủi ro cao mà Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland và Giám đốc FBI Christopher Wray đang đánh cược. Họ được cho là đang theo đuổi một lợi ích chính trị để chống lại thế lực của cựu Tổng thống Donald Trump, đối thủ của Tổng thống Joe Biden vào năm 2020 – và có khả năng cao là đối thủ vào năm 2024. Tuy không phải là ngòi nổ, nhưng vụ việc khám xét Mar-a-Lago vừa qua chắc chắn sẽ nới rộng các khoảng cách và sự chia rẽ, vốn đã rất khó có thể hàn gắn giữa các đảng và phe phái của chính trường Mỹ kể từ khi ông Trump lên nắm quyền vào năm 2016.

Đối với riêng với Giám đốc FBI Christopher Wray, hai ngày sau cuộc bầu cử năm 2020 mà Trump từ chối thừa nhận mình thua cuộc, con trai lớn của ông, Donald Trump Jr., đã đưa ra một lời cố vấn khẩn cấp: “Sa thải Wray”. Con trai của cựu Tổng thống Trump đã không giải thích trong văn bản tại sao cần phải phế truất Christopher Wray, nguời mà chính bố anh ta đã bổ nhiệm hơn ba năm trước đó. Tuy nhiên, công chúng ngầm thừa nhận rằng anh ta không cần phải làm vậy. Lí do đơn giản chỉ bởi vì theo quan điểm của gia đình Trump, Wray đã không còn đủ trung thành với ông Trump và các cộng sự nữa. Có lẽ chính vì lí do đó, qua vụ việc khám xét vừa rồi, nhiều người đã hoài nghi về việc liệu có mục đích tư thù cá nhân đến từ vị Giám đốc FBI hay không khi ông đã bật đèn xanh cho việc khám xét nhà của cựu Tổng thống Trump.

Còn về phần mình, đặc biệt là với 4 năm nhiệm kì của mình, Trump đã có không ít lần tỏ ra bất đồng với các cơ quan hành pháp của Hoa Kỳ. Ông đã từng liên tục chì chiết và khiển trách cả FBI lẫn Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Trong suốt 4 năm làm việc tại Nhà Trắng, cựu Tổng thống này đã cố gắng biến bộ máy thực thi pháp luật của quốc gia thành một công cụ quyền lực chính trị để thực hiện những mong muốn của mình. Ông liên tục kêu gọi FBI và Bộ Tư pháp điều tra về đối thủ của mình để kết tội họ; ngược lại, đối với đồng minh của mình, ông yêu cầu hai cơ quan hành pháp trên phải đưa họ vào “vùng cấm”. Và tất nhiên, nếu FBI và Bộ Tư pháp không tuân lệnh, họ sẽ bị trừng phạt. Điển hình là ngay sau khi giành chiến thắng tại cuộc bầu cử năm 2016, Trump lập tức sa thải Giám đốc FBI lúc đó là James Comey khi ông này từ chối bày tỏ lòng trung thành của mình với phía Trump. Không chỉ dừng lại ở đó, cựu Tổng thống Trump còn tiếp tục sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cũng vì lí do tương tự. Và bây giờ, ngay sau khi biết dinh thự của mình bị khám xét, ông Trump đã tuyên bố rằng ông là nạn nhân của một bộ máy thực thi pháp luật mà chính ông đã gây dựng ra. Do đó, thật không quá khó hiểu với nhiều người khi họ cho rằng việc nơi ở của ông Trump bị khám xét là có phần ít nhiều mang mục đích cá nhân.

Tổng thống Joe Biden có phải là chủ mưu? Và phản ứng dữ dội từ đảng Cộng hoà

Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Biden cũng như Nhà Trắng liên tục phủ nhận những cáo buộc về sự liên quan của mình tới vụ việc khám xét dinh thự Mar-a-Lago. Trên thực tế, dường như không có một bằng chứng nào chứng minh cho việc Tổng thống Biden có bất kỳ vai trò nào trong cuộc điều tra tại nhà riêng của cựu Tổng thống Trump. Thậm chí, tại một buổi phỏng vấn một ngày sau khi FBI khám xét nhà của ông Trump, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đã liên tục khẳng định rằng Tổng thống Biden và không ai trong Nhà Trắng đã được FBI thông báo trước về việc khám xét hoặc biết về nó vào thời điểm nó xảy ra. Jean-Pierre đã nói thêm rằng: “Tổng thống và Nhà Trắng đã được biết về cuộc khám xét này của FBI từ các báo cáo công khai cho công chúng nước Mỹ”.

Tuy nhiên, đối với phần lớn Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà, họ cho rằng người chủ mưu thật sự chính là ông chủ Nhà Trắng. Với việc có hơn 50 năm gắn bó với nghề chính trị gia, kể từ khi gia nhập Thượng viện vào năm 1973 cho tới nay, Biden luôn luôn được xem là một “cáo già” ở trên chính trường Hoa Kỳ. Và dĩ nhiên, chúng ta không thể bỏ qua được sự trùng hợp khi không phải ngẫu nhiên mà cuộc khám xét này lại được xảy ra vào tháng 8/2022, chỉ vài tháng trước Bầu cử giữa nhiệm kỳ Hoa Kỳ, nơi mà kể từ Thế chiến thứ 2, đảng của Tổng thống đương nhiệm thường có xu hướng mất vị thế ở cả Nghị viện và Thượng Viện, con số trung bình là 26 ghế và 4 ghế. Dù rằng Biden hay đội ngũ của ông đều luôn luôn phủ nhận sự liên quan của mình đến việc khám xét nhà của cựu Tổng thống Trump, chúng ta có thể ít nhiều nghi ngờ rằng quyết định thực hiện cuộc đột kích này được thúc đẩy bởi những nỗ lực không ngừng nghỉ của đảng Dân chủ hay Tổng thống Biden với mục đích ngăn cản kế hoạch tái tranh cử của Trump năm 2024. Là một người lãnh đạo chính phủ của một siêu cường quốc, việc ông hay Nhà Trắng thường né tránh các câu hỏi về hành động của Bộ tư pháp vì ông cho rằng các quyết định của cơ quan này là “độc lập” và “phi chính trị” đối với nhiều người là phi lí và lố bịch. Trên thực tế, nếu cá nhân Tổng thống Biden không tham gia, thì đó chỉ là vì một quyết định được đưa ra nhằm tạo một vỏ bọc cho ông để có một sự phủ nhận chính đáng cũng như đánh lạc hướng dư luận về những thất bại của ông trong nhiệm kì của mình.

Cuộc khám xét tại Mar-a-Lago đã gây ra một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ và rộng rãi từ những chính trị gia đảng Cộng hoà, những người đã cáo buộc chính quyền Biden lạm dụng quyền lực. Minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói trên đến từ Matt Gaetz, một thành viên đảng Cộng hoà tại Hạ viện đã gay gắt phản ứng trên Twitter: “Cuộc đột kích của FBI vào Mar-A-Lago là quyết định đã cho chúng ta hiểu nhất về chính sách đối nội của nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden. Đó là một màn trình diễn chính trị nhằm mục đích củng cố quyền lực bản thân và để chống lại Trump”. Hơn nữa, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đảng Cộng hoà Ted Cruz cho rằng Biden đã và đang thực hiện những gì Nixon cố gắng làm năm 1974 (Watergate). Dường như mọi chỉ trích đều hướng về chính quyền Tổng thống Biden khi họ đang được cho là vũ khí hoá các cơ quan hành pháp để phục vụ mục đích riêng của mình. Tóm lại, tính tới thời điểm hiện tại, chúng ta cũng chưa biết liệu rằng Tổng thống Biden có liên quan tới vụ khám xét ở Mar-a-Lago hay không, tuy nhiên, một điều chắc chắn sẽ xảy ra trong những tháng tới là sự đối đầu và cạnh tranh khốc liệt giữa các chính trị gia của hai đảng Dân chủ và Cộng Hoà. Dĩ nhiên, điều này sẽ làm cho một hệ thống chính trị vốn đã có những mâu thuẫn trở nên bất ổn hơn nhiều.

Liệu Trump có tranh cử vào năm 2024

Mặc dù còn 2 năm nữa mới tới Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024, thế nhưng, sau khi FBI khám xét nhà của cựu Tổng thống Trump, giới quan sát đang cảm nhận được một sức nóng khủng khiếp và sự cạnh tranh, đối đầu khốc liệt giữa các phe phái ở chính trường Mỹ.

Với góc nhìn sơ bộ, cuộc đột kích của FBI tại Mar-a-Lago có vẻ như sẽ đặt một dấu chấm hết cho tham vọng tranh cử của cựu Tổng thống Trump. Tuy nhiên, ngược lại, vụ việc vừa rồi cũng có thể sẽ đẩy nhanh thông báo tranh cử của ông. Trump tin rằng một bản cáo trạng có thể giúp ích cho chiến dịch tranh cử của ông khi dường như vị cựu Tổng thống Hoa Kỳ này có thể phản công và lợi dụng việc thuyết phục những cử tri Mỹ rằng đang có một âm mưu nhằm chống lại ông tái tranh cử. Điều này hoàn toàn có thể cho phép Trump tuyên bố mình là nạn nhân của một thể chế lạm quyền, thiếu sự công bằng và dân chủ. Đây đều là các đặc điểm đi ngược lại với những gì Chính phủ Hoa Kỳ đang cố gây dựng nên ở nhiều nơi trên thế giới cũng như là hiến pháp của Hoa Kỳ. Theo một cuộc khảo sát mới của Morning Consult và Politico, trong nội bộ đảng Cộng hoà, một con số kỉ lục là 71% cử tri đã nói rằng họ sẽ ủng hộ Trump nếu ông tranh cử Tổng thống vào năm 2024. Do đó, vài giờ sau khi tố cáo cuộc đột kích của FBI vào ngôi nhà ở Florida của ông là cuộc đàn áp chính trị, cựu Tổng thống Donald Trump đã phát hành một video theo phong cách chiến dịch tranh cử. Điều này có thể là gợi ý rõ nhất cho thấy ông đã có những kế hoạch của riêng mình để chống lại và đối đầu với Tổng thống Joe Biden vào năm 2024, một người được cho là đã vũ khí hoá các cơ quan hành pháp để phục vụ mục đích chính trị của riêng mình.

Những gì nêu trên đều được dựa trên việc FBI đã thất bại trong việc tìm kiếm những tài liệu mật mà Trump đã trái phép mang ra khỏi Nhà Trắng ở cuối nhiệm kì của mình vào năm 2020. Tuy nhiên, việc FBI thực hiện một cuộc đột kích bất ngờ vào nhà riêng của một cựu Tổng thống vào một thời điểm nhạy cảm, đặc biệt là với những rủi ro và hậu quả chính trị nghiêm trọng, cho thấy những nghi ngờ này có thể có cơ sở. Nếu FBI thực sự có thể tìm ra bằng chứng cũng như là tài liệu mà cựu Tổng thống đang lưu trữ bất hợp pháp, không những chỉ bị cấm trảnh cử, ông còn có thể đối mặt với việc đi tù và đối mặt với cáo buộc theo Chuẩn luật số 18 của Bộ luật Mỹ 2017: Tội phạm và Thủ tục hình sự – liên quan đến tội che giấu, di chuyển hoặc cắt xén nói chung các tài liệu mật. Điều này đồng nghĩa rằng Trump có thể đối mặt với nhiều nhất là 3 năm phạt tù và sẽ bị tước bỏ chức vụ và không được đảm nhiệm bất kỳ chức vụ nào của Mỹ nữa.■

Nhật Minh

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN