Vinh quang Đảng Cộng sản Việt Nam

Xuyên suốt tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, rất nhiều nhà lãnh đạo của các quốc gia và vùng lãnh thổ đã sử dụng các học thuyết triết học, chính trị, kinh tế để xây dựng và quản trị đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, ngày càng có nhiều học thuyết mới ra đời và được truyền bá đến nhiều khu vực, tạo nên một làn sóng lý thuyết phong phú và phức tạp chưa từng thấy. Một mặt, các học thuyết này là nguồn tư liệu tham khảo quý cho các chính trị gia trong quá trình điều hành, quản lý và xây dựng đất nước. Mặt khác, sự bùng nổ các quan điểm chính trị giữa thời đại thông tin khó kiểm soát cũng dẫn đến hiện tượng lợi dụng, xuyên tạc, truyền bá những quan điểm không phù hợp, tác động xấu đến trật tự, an ninh quốc gia, gây bất ổn tình hình khu vực và thế giới. Hệ quả khôn lường chính là sự gieo rắc các tư tưởng sai lầm, gây bất mãn, kích động các tầng lớp nhân dân tham gia vào hoạt động chống chính quyền, lật đổ chế độ. Một số học thuyết như chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa phát xít mới… là những xu hướng chính trị nguy hiểm đang lan tràn ở nhiều khu vực, đe doạ trực tiếp đến đời sống chính trị của các quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa, kể từ sau sự kiện sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô và Đông Âu vào năm 1991.

Trên thực tế, việc khẳng định tính đúng sai và tác động của một học thuyết chính trị đối với một xã hội, một quốc gia luôn đòi hỏi một khoảng thời gian dài kiểm nghiệm trong thực tiễn. Hơn thế nữa, các học thuyết này cũng có thể được điều chỉnh và thay đổi linh hoạt trong mức cho phép, tuỳ thuộc vào tình hình của mỗi nước. Do đó, mọi đánh giá không dựa trên kinh nghiệm thực tế đều rất dễ trở nên sai lầm, phiến diện. Bài  học từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã cho thấy, ngay cả một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại cũng rất khó giữ vững được trật tự, an ninh nếu các chủ trương, chính sách, giải pháp không phù hợp với thời cuộc, không tương thích với điều kiện phát triển của từng nước.

Nhìn lại chặng đường xây dựng đất nước của Việt Nam trong những thập kỉ vừa qua, có thể thấy, chúng ta đã tiến những bước rất xa. Theo các nhà quan sát tình hình ở trong và ngoài nước, Việt Nam đã đạt đến sự phát triển toàn diện, gặt hái được nhiều thành tựu lớn trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, giáo dục, an sinh xã hội cho tới đối ngoại, quốc phòng – an ninh… nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Có thể nói, việc củng cố được các giá trị căn bản của đất nước là vô cùng quan trọng trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay. Do đó, các thành tựu này cần phải được nhìn nhận và phân tích một cách đích đáng. Vậy, những thành công của Việt Nam bắt nguồn từ đâu?

Trước hết, dễ nhận thấy, con đường chính trị mà Việt Nam theo đuổi trong suốt hơn một thế kỷ nay chính là con đường xã hội chủ nghĩa. Đây là một trong những nhân tố không thể thiếu góp phần quyết định vào thắng lợi chung của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Với thể chế tập trung, hệ thống chính trị của Việt Nam được thiết lập theo đúng tinh thần của chủ nghĩa Marx – Lenin, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Lấy chủ nghĩa Marx làm nền tảng tư tưởng, Đảng ta đã luôn kiên quyết đi theo con đường đã định sẵn cho Cách mạng Việt Nam từ buổi đầu độc lập. Trải qua bao sóng gió, thăng trầm, nhiều phen đứng trước sự tấn công của nhiều học thuyết với quan điểm đối lập, song Đảng Cộng sản vẫn giữ vai trò lãnh đạo tuyệt đối. Chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc và cả những thành tựu xây dựng đất nước ngày nay phần lớn đạt được là nhờ sự kiên định, sáng suốt trong chính sách phát triển quốc gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa mà Đảng đã đề ra. Đây chính là minh chứng thuyết phục nhất đảm bảo sự đúng đắn của học thuyết Marx – Lenin trong bối cảnh Việt Nam, xuyên suốt mọi thời đại.

Bản chất lý luận của chủ nghĩa Marx là giải phóng áp bức, xoá bỏ bất công, đói nghèo, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, sao cho con người được sống một cách bình đẳng với nhau trong một xã hội công bằng, văn minh. Với ý nghĩa đó, chủ nghĩa Marx đã đáp ứng được những đòi hỏi cấp thiết của một quốc gia như Việt Nam. Là một đất nước bị đô hộ, nhân dân chịu ách áp bức, bóc lột, làm nô lệ cho thực dân, phong kiến; những tư tưởng này dễ dàng thấm vào người lao động, khiến họ nghe theo tiếng gọi của tự do, bình đẳng, gia nhập hàng ngũ chống áp bức, bất công dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người dân học tập và đi theo chủ nghĩa Marx – Lenin bởi họ nhận thức được sự gần gũi, thiết thực giữa mục tiêu lý tưởng cộng sản với quyền và lợi ích chính đáng của bản thân, gia đình và cả dân tộc mình.

Lễ Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào ngày 26/01/2021 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) với sự tham gia của 1587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên cả nước. Ảnh: Tư liệu

Nhận thức được chân lý đó, trong suốt thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn trung thành với mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, khi nước nhà giành được độc lập, khi chính quyền về tay nhân dân, việc giải quyết các mâu thuẫn quần chúng, các bất công xã hội đã trở nên rất cụ thể, rõ ràng và thiết thực. Do đó, ngay cả khi Liên Xô – cánh chim đầu đàn của khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ, các thế lực chính trị đối lập ở trong và ngoài nước nhân cơ hội tìm đủ mọi cách tác động, can thiệp đến tình hình chính trị Việt Nam, nhưng Đảng ta vẫn nhất quyết kiên định với tư tưởng của Marx. Đặc biệt, giữa bối cảnh hội nhập phức tạp, tình hình thế giới căng thẳng, biến động, nhiều học thuyết chính trị mới nảy sinh và được phổ biến ở nhiều quốc gia, song dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản, Việt Nam vẫn bền bỉ phấn đấu và kiên định với con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa. Hoà nhập mà không hoà tan, chúng ta vẫn quyết tâm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và trung thành với tư tưởng của Marx – Lenin. Đây là nhân tố tiên quyết giúp Việt Nam một mặt vẫn phát triển và tiếp cận được với thế giới hội nhập, tăng cường tiềm lực bên ngoài, song vẫn củng cố được nền móng kiến trúc thượng tầng, không để cho một thế lực chính trị nào phá vỡ được cơ cấu xã hội bên trong của đất nước ta.

Hơn ai hết, Việt Nam hiểu rằng xuất phát điểm của mình là một nước nghèo, mới bước ra khỏi chiến tranh chưa lâu. Chúng ta luôn có cái nhìn thực tế, không né tránh, không ảo tưởng, sẵn sàng thừa nhận và đối mặt với nhiều khó khăn trên mọi lĩnh vực, từ công nghệ, tài chính đến kinh tế, y tế, giáo dục… Trình độ sản xuất của chúng ta còn thấp, nhân lực, vật lực cũng hạn chế và còn nhiều thiếu sót. Từ nhận thức đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành giải quyết bài toán hóc búa này bằng cách vừa phát huy nội lực bên trong, vừa tranh thủ sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Kể từ sau chính sách Đổi Mới năm 1986, Đảng ta đã xác định xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp tư nhân. Chính sách của Đảng đã góp phần kích thích sức sáng tạo, nuôi dưỡng khát vọng làm giàu, khát vọng kiến thiết đất nước của những doanh nhân trẻ, giàu nhiệt huyết, để họ tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, phồn vinh. Đặc biệt, Đảng ta rất chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực, không chỉ hỗ trợ công tác đào tạo trong nước mà còn hợp tác với nước ngoài, giúp công dân Việt Nam tiếp cận với thế giới để tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Thực tế cho thấy, trong thập kỉ vừa qua, chúng ta đã sở hữu một đội ngũ doanh nhân như một đội quân chủ lực, tiên phong trong quá trình phát triển đất nước. Lần đầu tiên chúng ta đã có được những sản phẩm sáng tạo do chính bàn tay, khối óc của người Việt Nam làm ra, góp phần không nhỏ vào cuộc cách mạng công nghệ của nhân loại. Có thể kể đến hãng xe Vinfast của Tập đoàn Vingroup – sản phẩm đưa công nghệ Việt Nam ra thị trường thế giới, gắn liền với tên tuổi của những doanh nhân có đóng góp lớn cho đất nước như ông Phạm Nhật Vượng. Những quyết sách đúng đắn của Đảng đã trở thành bệ phóng cho con người tài năng bay cao, bay xa, làm rạng danh quốc gia, dân tộc trên trường Quốc tế.

Bên cạnh đó, Đảng ta cũng đã đề xuất và thi hành những chính sách ngoại giao chiến lược trong thời đại hội nhập, đưa đất nước tham gia tích cực vào quá trình hội nhập sâu rộng, toàn diện với thế giới. Việt Nam đã gia nhập các tổ chức Quốc tế quan trọng, kí kết hàng chục hiệp định thương mại, đầu tư với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chính sách mở cửa thông thoáng và khuyến khích hội nhập, sáng tạo của chúng ta đã gặt hái được nhiều kết quả to lớn, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài, thu hút vốn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều tập đoàn nổi tiếng đã lựa chọn Việt Nam để xây dựng các nhà máy và khu công nghiệp quy mô lớn. Đồng thời, lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng có những bước tăng trưởng vượt bậc. Tất cả những thành tựu này có được là nhờ sự tận dụng cả nguồn lực bên ngoài lẫn bên trong để phát triển đất nước. Từ đó, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, GDP hàng năm tăng trưởng mạnh. Chỉ trong vòng vài chục năm, Việt Nam đã từ một nước nghèo trở thành nước đang phát triển với nhiều tiềm năng rộng mở trong tương lai.

Trong tình hình hiện nay, trật tự thế giới đã và đang chứng kiến những biến động lớn, chứa đựng cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Việt Nam phải đối diện với rất nhiều nguy cơ về an ninh chính trị, đặc biệt là vấn đề chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông. Tuy nhiên, Đảng ta đã thực hiện một chính sách ngoại giao đa phương khôn khéo, linh hoạt trong ứng xử với các nước, thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp trên cơ sở đối thoại, hoà bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. Phương châm của chúng ta là làm bạn với tất cả các nước, giữ mối quan hệ hoà hữu với bạn bè năm châu. Có thể nói, chính việc thực hiện chính sách đa phương hoá của Đảng đã giúp nước ta thoát khỏi sự bao vây, phong toả, cô lập vào những năm 90 của thế kỷ trước. Hiện nay, chính sách này cũng đã giúp cho nhiều bạn bè quốc tế biết đến và ủng hộ Việt Nam trên con đường phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Đặc biệt, Việt Nam cũng đã cải thiện tốt mối quan hệ với các nước từng là thù địch, đưa mối quan hệ đối đầu trở thành quan hệ đối tác bền vững, thậm chí là đối tác chiến lược. Tất cả những thành tựu này có được là cho chính sách ngoại giao hết sức linh hoạt và mềm dẻo của Đảng ta, khi cho thế giới thấy một Việt Nam công bằng, hữu nghị, không chọn bên, không đứng về phe nào, không chọn theo nước này để chống nước khác mà lựa chọn duy nhất của chúng ta là hoà bình, thân thiện, giải quyết tất cả vấn đề bằng ngoại giao hoà bình và nói “không” với xung đột, chiến tranh. Việt Nam luôn giữ mối quan hệ hữu nghị với các Đảng cầm quyền ở các nước, không chỉ gắn bó khăng khít với các Đảng Cộng sản mà còn cả các chính đảng không cùng ý thức hệ. Vì lợi ích quốc gia và hoà bình thế giới, chính sách này được những nước nhỏ cũng như nước lớn trên thế giới đón nhận, không coi Việt Nam là mối đe doạ mà sẵn sàng kết giao với Việt Nam. Từ đó, vị thế của nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Việt Nam đã trở thành trung tâm trong khối ASEAN, kết nối chặt chẽ với các nền chính trị trên toàn thế giới. Các mối đe doạ về chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia có sự giảm thiểu đáng kể. Không những giải quyết được các vấn đề lớn trong quan hệ ngoại giao, chính sách của Đảng còn góp phần đem lại hoà bình, độc lập, củng cố và đảm bảo an ninh đất nước, giúp Việt Nam tập trung tiềm lực vào phát triển kinh tế thay vì chạy đua vũ trang, quân sự. Bên cạnh đó, sự thân thiện của Việt Nam cũng đã được đền đáp bằng những mối bang giao ân tình, thuỷ chung với những người bạn truyền thống trung thành, đáng tin cậy như Nga, Lào, Cuba…

Những thành công của Việt Nam trong nhiều năm qua cũng bắt nguồn từ sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng ta tới việc xây dựng bản sắc văn hoá dân tộc, song song với phát triển kinh tế, xây dựng quan hệ ngoại giao… Chính sách và luật pháp Việt Nam được hình thành dựa trên cấu trúc của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao, tôn trọng bản sắc và sự đa dạng văn hoá của các dân tộc thiểu số, chú trọng đến việc bảo tồn phong tục, tập quán bản địa của các cộng đồng dân tộc ít người như Thái, Mông, Tày, Nùng, Ê đê, Cơ ho, Chăm, Khmer… từ đó xây dựng và hình thành nên giá trị chung của văn hoá Việt Nam, kết tinh lại ở tình yêu nước. Đảng đã xác định đưa tinh thần yêu nước và khát vọng dân tộc trở thành một bản sắc chung của người Việt Nam. Cũng chính từ nền tảng cơ bản về giá trị văn hoá chung của dân tộc, đất nước ta đã gặt hái được những thành công bước đầu trong việc đấu tranh chống lại những luồng tư tưởng tiêu cực, các thông tin sai lầm, gây hoang mang dư luận, nhất là trong thời đại bùng nổ của Internet và công nghệ 4.0. Sự tấn công dữ dội vào hệ tư tưởng, giá trị văn hoá dân tộc đã gây ra cho chúng ta nhiều tổn thất, song khung văn hoá chung đã được định hình, gây dựng và phát triển sẽ không bao giờ bị phá vỡ hay bào mòn theo thời gian. Tình đoàn kết dân tộc, mối gắn bó khăng khít giữa ba miền Tổ quốc đã làm nên một Việt Nam thống nhất, vững mạnh. Đó là thành công rất lớn của Đảng ta trên lĩnh vực văn hoá, tư tưởng. Bên cạnh đó, Đảng vẫn luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các  tổ chức quần chúng, tổ chức phi chính phủ, các hội nhóm… hoạt động để đem đến những điều tích cực cho xã hội, hỗ trợ cho những cộng đồng thiểu số sáng tạo ra nhiều hình thức hoạt động, tham gia đóng góp vào công cuộc phát triển văn hoá, xây dựng đất nước. Những chính sách cởi mở, tiến bộ mà Đảng đề ra đã khích lệ được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động xã hội, tạo nên sự kết nối, đưa người Việt xích lại gần nhau hơn để lan toả những giá trị tốt đẹp của dân tộc trên khắp đất nước và ra thế giới.

Tóm lại, trong bối cảnh hiện đại, một xã hội phát triển bao giờ cũng chứa đựng cả những khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực song hành. Với Việt Nam, các mặt tích cực vẫn nổi trội hơn cả. Điều đó đã được minh chứng rất rõ qua những phân tích ở trên. Tất cả những người Việt sinh sống trên đất nước mình chắc hẳn cũng sẽ cảm nhận được những giá trị tích cực đã và đang được lan toả trong cuộc sống của bản thân. Trên thực tế, những khía cạnh tiêu cực ở nước nào, xã hội nào cũng tồn tại. Với Việt Nam, vấn đề tiêu cực lớn nhất hiện nay chính là tham nhũng. Đảng ta đã sớm nhận ra và tập trung giải quyết vấn đề nhức nhối này, bước đầu gặt hái được một số kết quả đáng ghi nhận. Có thể nói, chính cuộc tấn công của Đảng vào tệ nạn tham nhũng  đã giúp chúng ta nhìn ra được những vấn đề quan trọng trong quá trình xây dựng Đảng và phát triển đất nước, mà tiêu biểu là mối quan hệ giữa “xây” và “chống”.

Nhiều ý kiến của đảng viên cho thấy chúng ta cần tập trung hơn nữa vào việc “xây”. Cụ thể, trong thời gian qua, chúng ta đã tạo ra được một thể chế mới, bước đầu xây dựng được một cơ chế phù hợp để mở tung cánh cửa phát triển của đất nước, song cũng cần nhìn nhận và hoàn thiện, khắc phục những thiếu sót, giải quyết tranh chấp, xung đột trong các mối quan hệ. Những xung đột này một mặt cho do sự vi phạm của các cá nhân, song mặt khác cũng do những bất cập còn tồn đọng trong thể chế, chính sách, do chúng ta chưa tạo dựng, củng cố được một khung pháp lý đủ mạnh và bền vững. Do đó, vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế là thực sự cần thiết. Đặc biệt, công tác này cũng phải đi đôi với việc cải thiện quản trị hành chính từ trung ương tới địa phương, làm sao cho bộ máy hành chính vận hành trơn tru, nhuần nhuyễn, phối hợp nhịp nhàng, phòng tránh được những rủi ro, bất trắc; chủ động trong mọi tình huống để tránh gây ảnh hưởng đến các cơ quan Nhà nước và nhân dân.

Ở vế “chống”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, chúng ta phải cố gắng thực hiện triệt để mục tiêu giáo dục, răn đe, từ đó làm giảm đi những sai phạm, tiêu cực, loại trừ những cá nhân không xứng đáng khỏi hàng ngũ của Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn. Ta phải xác định rằng đấu tranh chống tham nhũng là một cuộc chiến rất cam go, bởi nó xuất phát từ lợi ích vật chất. Do đó, phải làm sao điều tiết, hướng con người đến những ham muốn tốt đẹp thay vì những tham vọng tầm thường, làm băng hoại đạo đức, gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chung của tập thể. Công tác Đảng phải hết sức lưu ý đến việc giáo dục, định hướng những lí tưởng tốt đẹp cho mỗi Đảng viên, mỗi chi bộ Đảng. Có thể nói, việc kết hợp giữa phòng chống tham nhũng và xây dựng xã hội là vô cùng quan trọng, đồng thời đòi hỏi sự tính toán công phu và độ kiên trì, bền bỉ. Bởi vấn đề này liên đới tới cả những quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội phức tạp, nên không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà phải nhẫn nại vừa “xây” vừa “chống” trong một thời gian dài, bằng mọi nỗ lực, quyết tâm cao độ nhất.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc Tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020, ngày 12/12/2020. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới một yếu tố quan thiết trong vấn đề xây dựng Đảng đó chính là việc giáo dục, đào tạo ra một đội ngũ đảng viên liêm khiết, chính trực, thực sự thấm nhuần học thuyết Marx – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, hết lòng phục vụ nhân dân, sẵn sàng thực hiện những sứ mệnh mà Đảng và nhân dân giao phó. Trên thực tế, Đảng ta đã gặt hái được nhiều thành công trong việc xây dựng con người, đào tạo đội ngũ lãnh đạo đất nước. Con số Đảng viên hiện nay đã lên đến 4 triệu người. Yếu tố then chốt trong công tác giáo dục Đảng viên nằm ở sự gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Lịch sử Đảng là một lịch sử bắt nguồn từ lợi ích của nhân dân, nên giờ đây, để tiếp nối được dòng chảy đó, Đảng ta phải giữ vững được mối gắn kết chặt chẽ, khăng khít với nhân dân lao động. Những đảng viên ưu tú đứng trong hàng ngũ của Đảng phải trở thành hình mẫu lí tưởng để nhân nhân tin yêu, học tập và noi theo. Hiện nay, tính gương mẫu của một bộ phận Đảng viên đã bị quần chúng nhìn nhận, đánh giá là đang có sự giảm sút. Một mặt, nhân dân ta vẫn luôn tin tưởng vào sự dẫn dắt của Đảng, song trên thực tế đã xuất hiện một số vụ việc của những “con sâu làm rầu nồi canh” – những đảng viên thiếu gương mẫu, có hành vi sai phạm gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm lung lay niềm tin trong nhân dân. Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, niềm tin ấy đã trở thành một ngọn lửa bất diệt khi Đảng ta lãnh đạo toàn thể nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng hiện nay, giữa một thời đại đã và đang chứng kiến nhiều giá trị bị đảo lộn, niềm tin của nhân dân đối với Đảng cần phải được củng cố hơn nữa. Bởi lẽ, các thế lực thù địch chỉ đủ sức tấn công khi nội bộ ta suy yếu, song nếu ta giữ vững được niềm tin của nhân dân, thì không một kẻ thù nào có thể làm ta lung lay. Sau cùng, nhân dân Việt Nam vẫn luôn tin tưởng vào Đảng, mong Đảng tiếp tục đưa ra những quyết sách sáng suốt để gìn giữ uy tín, thanh danh, khôi phục lại lòng tin của nhân dân đã bị những cá nhân vô trách nhiệm làm giảm sút trong thời gian qua. Trên thực tế, bất kể thời kì nào, Đảng và nhà nước, chế độ nào cũng gặp phải tình trạng tương tự, khi những cá nhân làm ảnh hưởng đến uy tín của cả tập thể. Do đó, điều quan trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng hiện nay chính là tập trung chỉnh đốn Đảng để gìn giữ, củng cố niềm tin của nhân dân.

Có thể nói, từ khi đất nước ta giành được độc lập, thống nhất đến nay, không một học thuyết nào có thể phủ nhận được sự đúng đắn của chủ nghĩa Marx – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là kim chỉ nam duy nhất, phù hợp nhất với sự phát triển tất yếu của đất nước ta theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiếp tục củng cố nhằm đáp ứng với sự biến đổi của thế giới, phát huy những thành tựu đã có và khắc phục những hạn chế còn tồn tại để Đảng ta ngày càng vững mạnh, đưa đất nước ta tới một tương lai cường thịnh, phồn vinh.

Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã sản sinh ra những thế hệ lãnh đạo ưu tú của Đảng. Họ chính là những người đã góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang, những thành công to lớn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay. Nhân dân Việt Nam luôn tự hào có một đội ngũ lãnh đạo tinh hoa, gồm các đồng chí có bề dày kinh nghiệm và thành tích xuất sắc trải qua nhiều thời kì. Ngày nay, nhân dân vẫn luôn mong mỏi giới lãnh đạo tinh hoa giữ vững và bảo tồn được những thành quả vinh quang của Đảng, tiếp tục đưa đất nước phát triển, đạt được những mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định.■

Nguyễn Văn Hưởng

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN