Một mùa xuân của Bác

Từ ngày rời Sài Gòn ra đi, đến xuân Đinh Mão năm 1927, là tròn 16 mùa xuân Bác xa nhà, 16 mùa xuân ở chân trời góc bể, ở Anh, ở Pháp. Và có thế nói mùa xuân năm 1924, là được đón xuân trong bầu trời tự do độc lập trên đất nước Xô Viết. Mùa xuân Đinh Mão 1927 là những ngày xuân, những ngày Tết Bác được đón Tết giữa 60 anh em cách mạng, đủ các vùng miền đất nước. Mùa xuân đó còn trong không khí của tự do độc lập dưới chế độ tam dân([1]) của Tôn Trung Sơn. Đó là những ngày khai mở lớp huấn luyện thứ ba cho cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc.

Khóa thứ hai vừa kết thúc, số đông trở về nước hoạt động, một ít được Bác cử đi Liên Xô học Trường Đại học Phương Đông như Trần Phú (bí danh Lý Quí), Lê Hồng Phong. Một số Bác gởi vào Trường Quân sự Hoàng Phố như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Thiết Hùng… Những ngày cuối năm, anh em trong nước từ nhiều con đường đã đến Quảng Châu không phải mười lăm, hai mươi người, mà rất đông. Bác đề nghị Phương Liên và Lâm Đức Thụ tìm thuê thêm nhà để anh em có chỗ lưu trú. Bác tranh thủ gặp gỡ từng nhóm anh em để nghe tin tức, tình hình và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng. Lý Phương Liên cũng tất bật, cô đã tìm thuê được căn gác hai ở phố Nhân Hưng gần Đại lộ Đông Cao thu xếp cho anh em có chỗ nghỉ hợp lý. Đồng thời tổ chức bếp ăn ở số 13 đường Văn Minh. Mọi cái đều biến động, từ cái chảo, cái bếp nấu cơm, rồi nồi, niêu, chén, dĩa đều phát sinh. Hồ Tùng Mậu chạy đôn chạy đáo, lo cho đủ áo ấm, chăn ấm vì những ngày đầu năm Quảng Châu với độ ẩm cao, cái rét như cắt da, cắt thịt. Phương Liên phải làm cả nồi than để giữa phòng để mọi người bớt rét. Mọi tất bật rồi cũng đâu vào đấy.

Một buổi tối, có một thanh niên khoảng ba mươi tuổi đến xin gặp Bác.

– Thưa anh, em là Lê Mạnh Trinh quê ở Thanh Hóa, trước là thầy giáo gõ đầu trẻ, em gặp một số bạn trẻ hăng hái tham gia phong trào rủ nhau đi vào Nam tìm đồng chí cách mạng. Em vào Sài Gòn, giao lưu, được dự cả cuộc diễn thuyết cuối cùng của cụ Phan Châu Trinh. Em gặp anh Phan Trọng Bình rủ nhau qua đây học làm cách mạng.

– Chú vậy là quyết chí cao đấy, từ Xứ Thanh vào tới Sài Gòn và giờ đến đây để học làm cách mạng. Anh hoan nghênh chú. Sao ở Sài Gòn chú có dự đưa đám cụ Phan Châu Trinh không?

– Dạ, có ạ. Đám cụ to lắm, đến sáu vạn người đưa, cả vạn người để tang đen trên tay áo trắng, người đưa đám tang kéo dài từ trung tâm Sài Gòn lên đến Tân Sơn Nhất.

– Dân Sài Gòn thương cụ Phan là thương người yêu nước, cũng có nghĩa là đồng bào yêu nước rất đông.

– Dạ, đúng vậy ạ. Nhật trình nói: đám tang lớn chưa từng có.

Ngừng một chút, anh thưa:

– Thưa anh, còn việc này hệ trọng. Ở Sài Gòn, em có được gặp cụ Nguyễn Sinh Huy.

– Thế à, anh gặp cha tôi à. Cụ ra sao?

– Dạ cụ khỏe, cụ làm nghề bắt mạch kê toa chữa bệnh cho mọi người ở tiệm thuốc bắc Phúc Sinh Đường. Trước khi đi em đến chào cụ. Cụ dẫn em đến quán chè mè đen gọi hai bát. Bát cho em, cụ gọi thêm quả trứng, cụ nói: Cháu ăn lấy sức mà đi, cháu đi phải cố gắng. Bác nghe nói Quốc, con Bác đang ở bên đó. Gặp Quốc cháu nói Bác vẫn khỏe mạnh, bình an, đừng lo gì cho Bác. Lúc này cứu nước là hệ trọng. Lo cho nước là có hiếu với cha.

Bác nghe chăm chú, như muốn nuốt từng từ, từng chữ của cha. Đã mười mấy năm rồi, nay mới có tin. Bác mừng vui, xúc động:

– Quí quá. Mười lăm năm rồi cha con tôi xa nhau, bặt tin tức. Nay chú qua mang cho tôi, món quà lớn quá.

– Thưa anh, cụ còn kể lại trước lúc cụ Phan Châu Trinh lâm chung, Bác cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng và vài người nữa bên cạnh cụ Phan. Cụ Phan Châu Trinh nắm tay cụ Huỳnh trăn trối: “Việt Nam độc lập sau này, sở cậy vào Nguyễn Ái Quốc”.

Bác nghe điều này càng xúc động hơn. Bác nhìn xa xăm như nhớ lời cụ Phan dục phải về nước làm cách mạng. Bác nhìn anh Trình và nói:

– Em à! Lời dặn lại của cụ Phan là lời trao gởi sâu đậm, cũng là trọng trách cụ giao lại cho anh em chúng ta.

– Dạ.

Hôm khai giảng khóa 3, Bác nhìn anh em khắp lượt với một niềm vui hớn hở. Bác nói: khóa một có hơn mười học viên kể cả các đồng chí dự kết hợp. Khóa hai có mười lăm người, khóa này có năm mươi đồng chí từ cả ba Kỳ: Bắc, Trung, Nam. Điều đó nói lên điều gì anh em hiểu không? Nó nói lên cách mạng đang phát triển rất tốt ở Việt Nam ta. Điều đó cũng khẳng định vị trí vai trò của Thanh niên Cách mệnh đồng chí Hội, khẳng định cả nước đều có hạt nhân, có phong trào, có nhiều người yêu nước và quyết tâm làm cách mạng. Tôi hoan nghênh các anh em, những đồng chí yêu quí dân tộc đã vượt muôn trùng khó khăn đến đây.

Trường quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu, Trung Quốc được thành lập năm 1924 – nơi nhiều nhà cách mạng, tướng lĩnh của Việt Nam đã từng học hoặc giảng dạy. Ảnh tư liệu.

Cả hội trường vỗ tay kéo dài. Bác nhìn mọi người và nói:

– Để làm quen nhau, đề nghị đồng chí Lê Hồng Sơn làm thủ tục giới thiệu.

Lê Hồng Sơn bước lên:

– Bây giờ tôi đọc từng tỉnh các anh đứng lên nhá. Mời các đồng chí Nam Kỳ lục tỉnh đứng dậy.

Dạ, chúng tôi có 7 người: Tôi là Lê Văn Phát, quê ở Bến Tre; tôi là Nguyễn Trung Nguyệt cũng ở Bến Tre; tôi là Hồ Cao Cương ở Tân An; tôi là Lê Mạnh Trinh, người Thanh Hóa và anh Phan Trọng Bình quê ở Hà Tĩnh nhưng cả hai chúng tôi vào Nam Kỳ, hoạt động ở Sài Gòn và đến đây từ Sài Gòn.

– Hoan nghênh Nam Kỳ lục tỉnh xa xôi – Bác nói.

– Bây giờ đến Trung Kỳ – Lê Hồng Sơn tiếp tục:

– Tôi là Phạm Văn Đồng, quê ở Quảng Ngãi; tôi là Nguyễn Công ở Quảng Nam.

– Bây giờ đến nơi đông nhất là Nghệ Tĩnh.

Anh quay qua báo cáo với Bác:

– Thưa anh, Nghệ Tĩnh có 10 người.

– Ồ, dân Nghệ nhà Choa([2]), tốt quá – Bác cười tươi.

Lần lượt các đồng chí Trần Văn Cung, Nguyễn Sỹ Sách, Phan Đăng Đệ, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Dật, Hồ Tân Sơn, Hoàng Văn Hoan, Ngô Thiên, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Thái đứng dậy trong tiếng vỗ tay liên tục.

– Thanh Hóa cũng khá ạ, nếu không kể anh Lê Mạnh Trinh là 5 người, mời các đồng chí đứng dậy.

– Thưa, tôi là Hoàng Khắc Trung; tôi là Ngô Quốc Việt; tôi là Vũ Chấn Nam. Còn tôi là Ngô Xuân Huyên ạ!

– Tiếp theo, mời các đồng chí Thái Bình, Nam Định.

Năm đồng chí Thái Bình, Nam Định đứng dậy: tôi là Nguyễn Đức Cảnh, còn đây là đồng chí Nguyễn Danh Đới, đồng chí Vũ Trọng, đồng chí Nguyễn Tường Loan và đồng chí Nguyễn Văn Hoan Nam Định.

– Bây giờ các tỉnh quanh Hà Nội. Các đồng chí Bắc Ninh.

– Thưa tôi là Phi Vân, đây là Dương Hạc Đính, đây là Nguyễn Văn Ngọ. Tôi là Kim Tôn, tôi là Bàng Thống, tôi là Đỗ Huy Liêm tức Phương Sỹ Hùng, tôi là Nguyễn Văn Ngọ.

– Bác giơ tay: Như vậy là Kinh Bắc cũng đông có đến bảy người.

– Dạ, tôi là Nguyễn Trọng Ngọc ở Bắc Giang sát Bắc Ninh ạ.

– Còn tôi là Phan Đức quê ở Hải Dương.

– Dạ thưa, Hà Nội và Hà Đông có ba người. Tôi là Trịnh Đình Cửu; tôi là Nguyễn Sơn; tôi là Đỗ Ngọc Du tức Phiếm Chu ở Hà Đông ạ.

Mỗi đoàn, mỗi người đứng dậy đều được vỗ tay vang dậy. Một không khí hết sức phấn khởi. Bác hỏi:

– Các chú thấy có vui không?

– Có ạ! Rất vui ạ.

– Tốt, có vui vẻ mới học tốt được.

Bác nói tiếp:

– Chương trình học tập của khóa này gồm các chủ đề chính như sau: Cách mạng là gì? Cách mạng các nước thế nào? Các chủ nghĩa, Tam dân, Cộng sản, Tư bản, thực dân…; Các chính thể, các tổ chức đoàn thể. Khóa học cũng giúp anh em có kiến thức về vận động cách mạng, vận động quần chúng, tổ chức hội đoàn, tập hợp lực lượng để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản và sau nhất là tổ chức lực lượng để khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Sẽ hỗ trợ các anh em cách làm báo, cách tuyên truyền và các phương thức đấu tranh, mỗi đồng chí phải biết diễn thuyết và phải diễn thuyết tại lớp này…

Tôi sẽ trực tiếp giảng bài, trợ giúp tôi có Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn.

Chúng tôi đã mời các đồng chí là những nhà cách mạng Trung Quốc đã từng thân quen với tôi ở Pháp như Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Trần Diên Niên, Bành Bái. Các đồng chí Liên Xô, đặc biệt đồng chí Borodin, Trưởng cơ quan đại diện tại Quảng Châu cũng sẽ đến giảng bài với các đồng chí. Phần phiên dịch tiếng Nga, tôi hoặc cô Phương Liên sẽ dịch, tiếng Hoa thì Lâm Đức Thụ và Hồ Tùng Mậu dịch. Chúng ta sẽ học bốn mươi lăm ngày và sẽ kết thúc vào dịp Tết Nguyên Đán năm 1927. Hôm nay đã là 19 tháng mười hai, âm lịch là rằm tháng 11 rồi, chỉ có 45 ngày nữa là đến Tết Đinh Mão. Chúng ta sẽ có một cái Tết đặc biệt tại Quảng Châu với đội ngũ lên đến sáu bảy chục anh em, những hạt giống đỏ của cách mạng vô sản Việt Nam quây quần đón Tết. Như vậy sẽ rất vui. Các chú phải chuẩn bị các tiết mục văn nghệ nhé.

Mọi người vỗ tay nhiệt liệt.

Bác đưa ra một quyển sách và giới thiệu: “Đây là quyển “Đường Kách mệnh” gồm cái bài giảng ở hai khóa trước. Quay sang Phương Liên, Bác nói:

– Cô Phương Liên đây đã ghi tốc ký để chúng tôi tu chỉnh. Các đồng chí có thể làm cẩm nang để mở các lớp ở ngay trong địa phương mình. Tôi đề nghị đồng chí Hồ Tùng Mậu giới thiệu với anh em về nội dung chính của “Đường Kách mệnh”.

Tác phẩm “Đường Kách mệnh” tập hợp những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925-1927, được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản thành sách năm 1927. Ảnh tư liệu

Hồ Tùng Mậu đứng lên:

– Kính thưa đồng chí Vương([3]), thưa các đồng chí.

Tôi xin giới thiệu tác phẩm “Đường Kách mệnh”. Chúng ta thấy đồng chí Vương có cải cách chữ quốc ngữ như dùng D thay cho Đ, dùng K thay cho C… nên sách ghi tên là Kách Mệnh thay cho Cách mạng. Sách in khổ một nửa trang giấy để tiện lưu hành. Sách in rất ít, nên mỗi tỉnh chỉ có một cuốn mang về. Các đồng chí có thể chép ra, nhân ra.

Cuốn sách là giáo trình đồng chí Vương và các đồng chí khác đã dạy tại hai khóa I và II được đồng chí Vương biên soạn lại với ngôn ngữ dễ hiểu, phân ra từng vấn đề. Sách có mười lăm vấn đề chính: Tư cách một người kách mệnh. Vì sao phải viết sách này? Kách mệnh. Lịch sử kách mệnh Mỹ. Kách mệnh Pháp. Lịch sử kách mệnh Nga. Quốc tế. Phụ nữ Quốc tế. Công nhân Quốc tế. Cộng sản Thanh niên Quốc tế. Quốc tế giúp đỡ. Quốc tế cứu tế đỏ. Cách tổ chức công hội. Tổ chức dân cày. Hợp tác xã([4]).

Tôi xin đọc một mục trong phần “Vì sao phải viết sách này?”.

“Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (Một là) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải Kách mệnh. (Hai là) Vì sao Kách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. (Ba là) Đem lịch sử Kách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. (Bốn là) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (Năm là) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? (Sáu là) Kách mệnh thì phải làm thế nào?

Hơn sáu mươi năm nay, đế quốc chủ nghĩa Pháp đạp trên đầu; hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa. Phải kêu to, làm chóng để cứu lấy giống nòi, thì giờ đâu rảnh mà vẽ vời trau chuốt!

Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm Kách mệnh.

Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Kách mệnh! Kách mệnh!! Kách mệnh!!!”([5])

Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ. Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả.

– Và các đồng chí xem ở bìa sách đây – Hồ Tùng Mậu giơ cao quyển sách nói: Có lời dạy của Lenin: “Không có lý luận Kách mệnh thì không có cách mệnh hành động… Chỉ có theo lý luận Kách mệnh tiên phong, Đảng cách mạng mới làm nổi trách nhiệm Kách mệnh tiên phong”. Vâng, thưa các đồng chí, quyển sách này sẽ đưa đến các đồng chí những lý luận kách mệnh đầu tiên để chúng ta làm tròn trách nhiệm đối với dân tộc mình.

Bốn mươi lăm ngày trôi qua, lớp học hoàn thành. Quốc tế Cộng sản cử phái viên đến kiểm tra và khen ngợi. Ngày kết thúc lớp học, cũng đúng ngày giáp tết Đinh Mão. Sau mười sáu cái Tết xa nhà, nay quây quần giữa những người con cách mạng đầy nhiệt huyết của cả ba miền Bắc, Trung, Nam, nên dù khí hậu Quảng Châu rét, rất rét, thì Bác và anh chị em ở đây vẫn thấy ấm áp. Vẫn có hoa đào, có bánh chưng xanh, có dưa hành, thịt đông như món ăn ngày Tết quê nhà.

Chiều ba mươi, mọi người quây quần trong phòng học để đón Tết. Mấy tiết mục văn nghệ tự biên, tự diễn. Có cả làn điệu quan họ Bắc Ninh, có chèo Thái Bình, có bài chòi Khu 5, có cải lương Nam Bộ với những giọng ca mộc, rất chan chứa tình yêu cách mạng. Kết thúc là táo quân do Hồ Tùng Mậu đóng vai Ngọc Hoàng. Sau những tờ sớ lên án bọn thực dân Pháp, là những lời sớ về sự ngu xuẩn đến ngớ ngẩn của bọn tay sai. Lê Hồng Sơn pha trò làm mọi người cười đến chảy nước mắt. Bỗng Ngọc Hoàng nghiêm giọng:

– Chuyện này ta nghe đầy tai. Bây giờ, các táo cho ta biết các người sẽ làm sao để dẹp cái bọn thực dân bán nước này.

– Dạ, thưa Ngọc Hoàng, chúng con nhất trí đồng tâm đoàn kết đứng lên làm Kách mệnh ạ.

Ngọc hoàng vuốt râu:

– Tốt, nhưng nhớ lời ông Lenin: không có Đảng cách mạng tiên phong lãnh đạo, thì không có cách mạng thành công. Hiểu chưa?

Ngọc hoàng quay qua mọi người:

– Các ngươi có nhất trí không?

Tất cả vui vẻ vỗ tay và hô to: Nhất trí ạ.

Bác đứng lên hỏi thêm mọi người:

– Có quyết tâm không?

– Quyết tâm ạ.

Và không ai bảo ai, cả sáu chục con người của ba miền đất nước đều đứng dậy nắm chặt bàn tay, giơ cao hô to:

– Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!

Bác giơ tay ra dấu, mời mọi người ngồi xuống:

– Tốt, rất tốt. Các chú biểu hiện rất tốt. Bây giờ ta khai xuân. Đây là một ngày Tết đặc biệt, rất đặc biệt. Tôi chúc các chú khỏe, khỏe mọi mặt, nhất là ý chí khỏe về tâm thức để làm cách mạng thành công.■

Trình Quang Phú

    (Trích “Theo dấu chân Người” sắp xuất bản)

Chú thích:

([1]) Chính phủ Tôn Trung Sơn lật đổ chế độ Vua Chúa phong kiến, lập Nhà nước Cộng hòa lấy tam dân làm gốc là “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc”, hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Liên Xô. Sau khi Tôn Trung Sơn chết, tháng 4 năm 1927 Tưởng Giới Thạch đảo chính.

([2]) Nhà Choa: tiếng Nghệ Tĩnh: quê tôi.

([3]) Vương là bí danh của Bác.

([4]) Xem Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử tập 1. NXB Chính trị Quốc gia 2016.

([5]) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 2 – NXB Chính trị Quốc gia 2011.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN