Đóng góp của lực lượng Công an cho ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Hàng năm, vào dịp kỉ niệm ngày Chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Bộ Công an đều tổ chức các cuộc gặp gỡ để tri ân, tôn vinh, và ôn lại những chiến công anh dũng của các cán bộ công an từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam suốt những năm tháng kháng chiến chống Mĩ ác liệt. Cuộc gặp gỡ đầu xuân này đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, một sinh hoạt tinh thần đầy ý nghĩa, mở đầu cho một năm mới nhiều khởi sắc, nhiều hi vọng của ngành Công an. Đặc biệt, ngày 21 tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Tô Lâm đã kí quyết định chính thức công nhận ngày 21/2/1962 là Ngày truyền thống của lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam. Đây là niềm vinh dự của toàn ngành, góp phần ghi nhận công lao to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an đã hi sinh cho sự nghiệp Cách mạng vẻ vang của dân tộc. Không những thế, đây cũng là một cột mốc đáng nhớ, ghi dấu sự trưởng thành và không ngừng phát triển của Công an Việt Nam. Trước đó, Nhà nước đã trao tặng danh hiệu anh hùng cho lực lượng Công an chi viện cho chiến trường miền Nam, và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có thư biểu dương chiến công của lực lượng này trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Có thể nói, kể từ đây, ngày 21/2/1962 đã chính thức đi vào lịch sử ngành Công an và lịch sử dân tộc, trở thành ngày lễ mà cả nước tri ân lực lượng Công an nhân dân.

Bộ trưởng Tô Lâm trao Quyết định công nhận ngày 21/2/1962 là Ngày truyền thống lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 21/02/2024. Ảnh: Bộ Công an

Hơn 40 năm chiến tranh đã đi qua, các thế hệ Công an nhân dân ôn lại những hi sinh to lớn, những chiến công vang dội của các chiến sĩ Công an đã chi viện cho chiến trường miền Nam năm ấy, để từ đó hiểu được ý nghĩa sâu sắc của Ngày Truyền thống lực lượng Công an 21/2/1962.

1. Những hi sinh thầm lặng mà lớn lao của lực lượng Công an chi viện cho miền Nam

Theo tổng kết công tác chi viện An ninh miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ Công an đã chi viện cho chiến trường miền Nam 11.294 cán bộ ưu tú qua các thời kì. Trong đó có 1 Thứ trưởng, 4 Cục trưởng, 8 Phó cục trưởng, 25 Trưởng và Phó ty, 870 Trưởng và Phó phòng, huyện, thị trấn. Trong số hơn 11 ngàn chiến sĩ ấy, nhiều người đã vĩnh viễn nằm xuống mảnh đất miền Nam yêu dấu, cũng có những người may mắn trở về sum họp với gia đình, làng xóm, nay tóc đã ngả màu. Năm xưa, họ đều từng là những nhà chỉ huy tài năng, xuất sắc của ngành Công an, những chiến sĩ lặng lẽ xả thân vì sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Sau chiến tranh, những người từng là tướng chỉ huy các đơn vị và đến nay về hưu, an hưởng tuổi già, song trong họ vẫn còn biết bao hoài niệm, kí ức về một thời oai hùng, không thể nào quên.

Chúng ta biết rằng, kháng chiến chống Mỹ được xem là cuộc chiến tranh khốc liệt bậc nhất thế kỉ XX. Bấy giờ, miền Bắc nước ta phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn, trong khi miền Nam trở thành trận địa ác liệt, hứng chịu những đòn tấn công khủng khiếp nhất của quân đội Mỹ. Là con người, ai cũng có gia đình, làng xóm, luôn mong muốn được sống quây quần bên bếp lửa ấm nóng với những người thân yêu. Song trước cảnh nước mất nhà tan, các chiến sĩ Công an cũng không thể ngồi nhìn đất nước bị xâm lược. Họ đã phải gác lại cuộc sống riêng tư, quyết tâm ra chiến trường để cứu nước. Họ ra đi từ những mái nhà với những hoàn cảnh khác nhau, song tất cả họ đều có chung một ý chí quyết chiến quyết thắng, giành lại hoà bình, độc lập dân tộc. Họ sẵn sàng hi sinh những niềm vui riêng để xông pha vào chiến trường miền Nam, sống trong bom đạn, dẫu biết rằng có thể không có ngày trở về quê hương.

Do đó, cứ đến ngày 21 tháng 2, chúng ta lại tưởng nhớ và khâm phục tình yêu nước, tinh thần chiến đấu của những chiến sĩ Công an năm xưa, những con người đã không sợ gian khổ, hiểm nguy, không màng tới những hạnh phúc cá nhân êm đềm, mà chỉ một lòng hướng về miền Nam ruột thịt, đang bùng lên ngọn lửa kháng chiến, đối đầu với quân đội mạnh nhất thế giới. Lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử ngành Công an nói riêng luôn luôn ghi nhận tinh thần Cách mạng, sự hi sinh to lớn của các chiến sĩ Công an cho sự nghiệp Cách mạng của dân tộc.

Ngày 21 tháng 2 hàng năm còn là ngày nhắc nhở chúng ta nhớ đến những hi sinh cao cả từ gia đình của các chiến sĩ Công an năm xưa. Bởi chính những người thân yêu trong gia đình đã trở thành điểm tựa tinh thần to lớn cho các chiến sĩ an ninh trên mặt trận miền Nam. Biết bao người mẹ, người vợ đã âm thầm nén đi nỗi đau, lau đi giọt nước mắt trong ngày đưa tiễn chồng con lên đường làm nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó. Năm tháng chia ly, kẻ ở người đi, những vất vả, gian lao mà họ phải gánh vác ở nơi quê nhà cho chồng con yên lòng chiến đấu thật không sao kể xiết. Do đó, nhân dịp này, chúng ta – những người đang được hưởng cuộc sống hoà bình và hạnh phúc, gửi lời tri ân sâu sắc tới thân nhân, gia đình của các cán bộ, chiến sĩ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam về công lao âm thầm đóng góp cho ngày toàn thắng của dân tộc, khi họ đã trao đi những người chồng, người con cho Cách mạng, cho công cuộc giải phóng đất nước khỏi đạo quân xâm lược Mỹ.

2. Những chiến công của các chiến sĩ An ninh miền Nam

Ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến đi đến ngày toàn thắng. Đây là chiến thắng của toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có sự đóng góp từ những chiến công vang dội của các cán bộ Công an chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân tới miền Nam, các chiến sĩ Công an năm ấy đã xây dựng hệ thống an ninh miền Nam, bám trụ ở những địa bàn khốc liệt, làm nền tảng để phát triển lực lượng an ninh miền Nam như các đơn vị điệp báo, Công an vũ trang và tình báo viên thâm nhập vào đối phương… Tất cả đã tạo thành một mạng lưới an ninh vững chắc, rộng khắp, bủa vây quân địch, cung cấp các thông tin kịp thời cho các lực lượng Cách mạng tiêu diệt địch.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, lực lượng an ninh các khu, miền, các đơn vị tinh nhuệ hoạt động trong nội thành… tất cả họ đã tạo nên những chiến công vô cùng hiển hách trên lĩnh vực tình báo, biệt động, tiêu diệt nhiều tên đầu sỏ của Mỹ – Nguỵ. Họ là những người mở đường, chỉ dẫn cho các chiến sĩ quân đội mở các cuộc tấn công sâu vào trong lòng địch, giành dân.

Họ cũng là những người bảo vệ an toàn cho Trung ương Cục miền Nam, cho lực lượng Cách mạng ở các vùng và cơ sở, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang nòng cốt và lực lượng Quân Giải phóng miền Nam vững mạnh.

Những tình báo viên ở chiến trường miền Nam hoạt động ở khắp các khu vực, vùng miền, những chiến sĩ trong nội thành đã góp công rất lớn vào việc phá thế kìm kẹp, đập tan các ấp chiến lược, tiêu diệt các toán biệt kích, thám báo của địch, phát triển mạng lưới an ninh nhân dân miền Nam. Những chiến sĩ tình báo đã thâm nhập vào những nơi nguy hiểm nhất trong lòng địch, với nhiều vỏ bọc khác nhau để tiếp cận với các trung tâm chỉ huy của Mỹ và chính phủ Việt Nam Cộng hoà, lấy được những bí mật quan trọng của địch, phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trong quá trình chiến đấu, nhiều chiến sĩ Công an đã bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng họ vẫn giữ được bản lĩnh chính trị của người chiến sĩ Cách mạng, người Đảng viên Cộng sản nói chung và chiến sĩ an ninh nói riêng. Có thể kể đến những tấm gương tình báo xuất sắc như Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Tài – nguyên lãnh đạo đơn vị tình báo của ngành Công an chi viện miền Nam, bị địch bắt đã kiên cường tấn công địch trong nhà giam, sự kiện này được biết đến qua lời tự thuật của Frank Sneep – nhân viên CIA trực tiếp thẩm vấn ông Nguyễn Tài. Bên cạnh đó là nhiều nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc khác như Phạm Hùng, Ba Bường… là những tấm gương về tinh thần và ý chí Cách mạng cao cả… Chúng ta tự hào rằng, bất chấp tình cảnh ngặt nghèo, dẫu bị rơi vào tay địch, song không một chiến sĩ An ninh nào đầu hàng, phản bội lại đất nước. Đặt lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, các chiến sĩ an ninh miền Nam luôn vững vàng, ngẩng cao đầu trước kẻ địch, trở thành những con người kiên cường, viết nên những trang sử hào hùng của ngành Công an.

Một giấy chứng minh thư VNCH của đồng chí Nguyễn Tài sử dụng để hoạt động tại miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Do đặc thù công việc mà những chiến công hiển hách của các chiến sĩ An ninh vẫn âm thầm giữ kín trong suốt chiều dài lịch sử. Chiến tranh đã đi qua, chúng ta càng không thể quên được những chiến công và sự hi sinh của những chiến sĩ an ninh thầm lặng ấy. Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất niềm Nam thân yêu, không thể trở về đoàn tụ với gia đình được nữa. Không gì có thể bù đắp những hi sinh, tổn thất to lớn của các chiến sĩ Công an và gia đình họ trong suốt những năm tháng kháng chiến. Và chính bởi lẽ đó, những chiến công vĩ đại ấy càng phải được đền đáp, ghi nhận một cách xứng đáng hơn giữa thời bình hôm nay.

3. Ý nghĩa của ngày Truyền thống lực lượng Công an chi viện cho chiến trường miền Nam 21/2/1962

Tất cả những cống hiến kể trên của lực lượng Công an chi viện cho miền Nam đã cho thấy những thành tựu của lực lượng Công an trên mặt trận bảo vệ an ninh đất nước, trong suốt thời kì kháng chiến chống Mĩ gian khổ. Những chiến sĩ Công an chi viện, hoạt động ở chiến trường miền Nam đã trở thành những tấm gương tiêu biểu cho một lực lượng, hội tụ tinh thần yêu nước, giải phóng dân tộc, khao khát độc lập, thống nhất đất nước. Họ cũng chính là biểu tượng cho những phẩm chất cao đẹp nhất của dân tộc và của người chiến sĩ Công an Việt Nam. Họ là những người con thân yêu của nhân dân, và họ đã thực hiện xuất sắc các chủ trương, đường lối Cách mạng giải phóng của Đảng và Bác Hồ trao cho lực lượng Công an.

Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975. Ảnh: Francoise de Mulder/CORBIS

Tinh thần yêu nước, xả thân vì nghĩa lớn, vì Tổ quốc, vì nhân dân của các chiến sĩ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam xứng đáng được tôn vinh, ca ngợi. Trong không khí tươi vui của Ngày Chiến thắng 30/4, lực lượng Công an đã hướng tới sự kiện ngày 21 tháng 2. Đây là mốc đánh dấu thời khắc lịch sử để toàn ngành Công an tri ân những hi sinh, cống hiến của lực lượng An ninh cho Tổ quốc, giành độc lập cho dân tộc.

Cùng với kỉ niệm ngày thành lập Công an nhân dân 19/8, ngày Truyền thống An ninh nhân dân 12/7, ngày Truyền thống Cảnh sát nhân dân 20/7, ngày 21 tháng 2 là ngày Truyền thống của lực lượng Công an chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là dấu son lịch sử của ngành Công an Việt Nam. Toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ quên công lao của tất cả các chiến sĩ Công an đã và đang chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, và tinh thần ấy chắc chắn sẽ còn sống mãi cùng dân tộc, cùng non sông Việt Nam.■

Thái Hồng

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN