Những hoàng đế bị lưu đày: Thực dân Pháp và tình cảnh lưu vong của các vị vua nước Việt (Kỳ 1)

Bài viết này tìm hiểu việc lưu đày ba vị Hoàng đế Việt Nam từ năm 1885 đến năm 1916, đặc biệt tập trung vào Vua Duy Tân – người sau nhiều thập kỷ sống lưu vong trên đảo Réunion đã dự định trở về quê hương và giành lại ngai vàng[2]. Bài viết lập luận rằng việc phế truất và lưu đày quốc vương bản xứ là một vũ khí lợi hại trong binh xưởng của thực dân, đặc biệt là ở những xứ bảo hộ mà kẻ chiếm đóng muốn loại bỏ các vị vua phiền toái, đồng thời tổ chức lại vị thế và cấu trúc của các triều đại truyền thống để đạt được mục đích của mình.

*

Các vị vua Pháp thế kỷ XIX không xa lạ gì với biện pháp lưu đày[3]. Những nhà cai trị Pháp cũng thường bắt các đối tượng bất đồng ​​phải đi lưu vong, từ di dân (émigré) sau năm 1789[4] đến những người phản đối chế độ mới trong những năm 1800, bao gồm hàng nghìn người bị trục xuất đến Algeria sau năm 1848 và nhiều thành viên Công xã Paris bị đưa đến New Caledonia vào năm 1871. Pháp cũng áp dụng biện pháp an trí đối với người dân bản xứ và các nhà lãnh đạo kháng chiến tại những thuộc địa mà họ đã xâm chiếm (hoặc tái xâm chiếm). Năm 1802, họ trục xuất Toussaint Louverture[5] từ Haiti đến Pháp, nơi ông qua đời chưa đầy một năm sau đó. Năm 1847, họ trục xuất Abdelkader[6] bại trận khỏi Algeria, giam giữ ông suốt 5 năm trời trong các lâu đài Pháp trước khi cho phép ông sống lưu vong ở Đế quốc Ottoman. Vào cuối thế kỷ XIX, Pháp đuổi Béhanzin, quốc vương xứ Dahomey[7] đến Martinique (và sau đó là Algeria), trục xuất một vị vua khác ở miền Tây châu Phi là Samory Touré[8] đến Gabon ở châu Phi xích đạo, và lưu đày nữ hoàng cuối cùng của Madagascar[9] đến đảo Réunion và sau đó là đến Algeria[10].

Một bức tranh biếm họa của Pháp vẽ vua Hàm Nghi, nữ hoàng Ranavalona III của Madagascar và vua Béhanzin của Dahomey, đều là những vị hoàng đế bị lưu đày. Chú thích tranh: “Cuộc gặp gỡ hoàng gia: Chúng ta đều là bạn!”. Nguồn: Sách “Banished Potentates: dethroning and exiling indigenous monarchs under British and French colonial rule, 1815-1955” của tác giả Robert Aldrich, NXB Đại học Oxford, 18/1/2018.

Bài viết này tìm hiểu việc lưu đày ba vị Hoàng đế Việt Nam từ năm 1885 đến năm 1916, đặc biệt tập trung vào Vua Duy Tân – người sau nhiều thập kỷ sống lưu vong trên đảo Réunion đã dự định trở về quê hương và giành lại ngai vàng[11]. Bài viết lập luận rằng việc phế truất và lưu đày quốc vương bản xứ là một vũ khí lợi hại trong binh xưởng của thực dân, đặc biệt là ở những xứ bảo hộ mà kẻ chiếm đóng muốn loại bỏ các vị vua phiền toái, đồng thời tổ chức lại vị thế và cấu trúc của các triều đại truyền thống để đạt được mục đích của mình. Tuy nhiên, chiến lược này đã làm suy yếu chính những thể chế mà thực dân hy vọng sẽ hợp thức hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đô hộ. Việc hạ thấp vị thế của các vương triều cũng khiến thực dân mất uy tín trong mắt những người theo chủ nghĩa dân tộc. Hoàng gia Việt Nam đã biến mất cùng quá trình phi thực dân hóa.

Bài viết này không đưa ra thông tin chi tiết về vai trò của chế độ quân chủ dưới chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương, một chủ đề đã được Nguyễn Thế Anh và nhiều học giả khác nghiên cứu chuyên sâu[12]. Nó cũng không ghi lại quá trình phát triển của chủ nghĩa chống thực dân ở Việt Nam mà công trình nghiên cứu của David Marr là tài liệu kinh điển[13]. Thay vào đó, bài viết này sẽ tìm hiểu sự lưu đày như một chiến thuật của thực dân và xem xét những gì mà cuộc sống lưu vong của ba vị Hoàng đế Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân cho thấy về nền cai trị của Pháp ở Đông Dương[14]. Đây là một phần thuộc dự án nghiên cứu lớn hơn về bối cảnh mà thực dân Pháp và Anh trục xuất những nhà cai trị bản xứ, cuộc sống lưu vong của các quốc vương bị phế truất cùng đoàn tùy tùng của họ, và vị trí của họ trong những tường thuật lịch sử thời hậu thuộc địa.

Chế độ bảo hộ, nhà vua và thực dân

Thực dân xâm lược phải quyết định xem nên làm gì với người cai trị đất nước chúng đã tiếp quản: tham gia vào các cuộc đàm phán và cố gắng có được sự hợp tác từ người này, hoặc chiến đấu và loại bỏ ông ta bằng cách đánh bại, bỏ tù, lưu đày hoặc hành hình. Mục đích chính là khiến nhà lãnh đạo bản xứ phải quy phục, hoặc nếu không làm được điều đó thì phải loại bỏ ông ta. Đôi khi thực dân đạt được mục tiêu này một cách nhanh chóng và tương đối êm ả, nhưng trong một số trường hợp khác thì việc bình định phải mất hàng thập kỷ hoặc không bao giờ thành công trọn vẹn. Trong quá trình đó, Pháp và các nước châu Âu khác phải đương đầu với giới tinh hoa mà quyền lực của họ dựa vào những hệ thống chính trị, xã hội và văn hóa phức tạp. Cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa kẻ xâm lược người Pháp và nhà cai trị bản địa, mà còn giữa thực dân và tầng lớp tinh hoa bản xứ, và cuối cùng là giữa hai nền văn hóa khác nhau. Vấn đề về những nhà cai trị bản địa được thể hiện đặc biệt ở các xứ bảo hộ – những vùng lãnh thổ mà thực dân nắm quyền kiểm soát nhưng vẫn duy trì quyền lực trên danh nghĩa của các vị vua, sultan[15], maharajah[16], bey[17], dey[18] và những chính quyền truyền thống khác, cũng như các thể chế tiền thuộc địa.

Quyết định giữ lại một nhà vua hay một vương triều thể hiện nỗ lực xoa dịu sự phản đối của các lực lượng địa chính trị đối địch trong cuộc tranh giành giữa các nước đế quốc và thúc đẩy sự ủng hộ từ phía nhà cai trị bản xứ, chính quyền của ông ta cùng những thiết chế gắn liền với chế độ quân chủ. Để vương triều tiếp tục tồn tại ít nhất đã cung cấp một tấm màn che đậy cho chủ nghĩa thực dân trần trụi. Điều nguy hiểm là cá nhân quốc vương hay hoàng thân của họ có thể sẽ không chịu quy phục: những vị vua bù nhìn có khả năng đứng đằng sau giật dây, họ có thể đóng vai trò là tụ điểm phản đối sự cai trị của Pháp hoặc kích động nổi dậy. Thật vậy, điều này thường xảy ra ở Đông Dương, dù cho chủ nghĩa dân tộc kiểu cộng hòa và cộng sản của Việt Nam cuối cùng đều tránh việc chống đối tập trung vào các vị vua phong kiến. Tuy nhiên, Søren Ivarsson và Christopher Goscha khi đề cập đến Lào đã lập luận về “tầm quan trọng của việc tính đến những tác nhân phi cách mạng và phi cộng sản – thậm chí là các thành viên hoàng tộc – để hiểu rõ hơn về sự phức tạp trong quá trình hình thành các nhà nước hậu thuộc địa hiện đại” xuất phát từ những sắp đặt thời thuộc địa[19].

Tranh vẽ Vua Tự Đức của L. Ruffier. Nguồn: Tập san La Dépêche coloniale illustrée 15/2/1909, gallica.bnf.fr

Sự bành trướng của Pháp khiến nước này xung đột với nhiều vương triều khả kính trên khắp Đông Dương[20]. Pháo hạm Pháp mở màn cho cuộc xâm lược vào năm 1858, buộc Tự Đức – hoàng đế An Nam, khi ấy đang cai trị ở kinh thành Huế – phải nhượng lại các tỉnh miền Nam của đất nước. Nam Kỳ trở thành thuộc địa chính thức của Pháp từ đầu những năm 1860. Năm 1863, Pháp thiết lập nền bảo hộ đối với nước láng giềng Campuchia, nơi Vua Norodom đồng ý liên minh chiến lược với Pháp vì lo ngại về mưu đồ của Xiêm và Việt Nam. Trong những năm 1870, Pháp bắt đầu tiến vào miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, phải đến tận giữa những năm 1880 thì nỗ lực này mới thành công: Trung Kỳ và Bắc Kỳ trở thành xứ bảo hộ của Pháp nhưng trên danh nghĩa vẫn nằm dưới sự cai trị của Hoàng đế Việt Nam. Cuối cùng, vào đầu những năm 1890, Pháp đánh chiếm Lào, quốc gia nằm giữa Việt Nam và Thái Lan, chia nước này thành ba chính thể lớn. Pháp cai trị khu vực xung quanh Luang Prabang như một “xứ bảo hộ đặc biệt” dưới triều vua của xứ này. Một triều đại tiếp tục tồn tại ở một trung tâm khác là Champassak. Pháp cai quản nơi này cùng với chính thể lớn thứ ba – Viêng Chăn – một cách trực tiếp hơn, mặc dù thông tin pháp lý về sự kiểm soát của Pháp vẫn còn mơ hồ. Năm 1887, Pháp thành lập Liên bang Đông Dương do Toàn quyền ở Hà Nội đứng đầu, bao gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ của Việt Nam, Campuchia và từ những năm 1890, thêm Lào. Vua An Nam, Vua Campuchia và Vua Luang Prabang (thường được gọi là Vua Lào, mặc dù tước hiệu này không được chính thức công nhận cho đến năm 1946) trở thành chư hầu của thực dân cai trị. Paris hy vọng rằng họ sẽ trở thành những người cộng tác ngoan ngoãn và hữu ích. Điều này không phải lúc nào cũng đúng, đặc biệt là ở Việt Nam[21].

Chế độ quân chủ Việt Nam và chủ nghĩa thực dân Pháp

Ở đất nước bị Hán hóa nhất khu vực Đông Nam Á, các vị vua Việt Nam thời tiền thuộc địa nắm quyền lực mà trên danh nghĩa là do Hoàng đế Trung Hoa trao cho. Hoàng đế Trung Hoa sắc phong và cho phép Vua Việt Nam được tự trị, đổi lại phải dâng triều cống. Trên lãnh thổ của mình, Vua Việt Nam tự xưng đế; nhưng đối với người Trung Quốc, ông vẫn chỉ là một vị “Thiên tử” nhỏ hơn Hoàng đế ở Bắc Kinh. Do đó, Việt Nam là một trong những nước chư hầu ở ngoại vi Trung Hoa, mặc dù trong lịch sử, quan hệ giữa Huế và Bắc Kinh thường đi từ chiến tranh đến liên minh miễn cưỡng. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Trung Hoa tạo thành cốt truyện chính trong lời tường thuật của Việt Nam về lịch sử nước nhà, bất chấp việc thừa nhận ảnh hưởng văn hóa từ Trung Hoa. Trong nước, chính quyền Việt Nam dựa vào quyền lực tối cao của triều đình và một bộ phận quan lại được tuyển chọn thông qua các kỳ thi cạnh tranh tương tự như ở Trung Quốc. Vương triều đang nắm quyền khi thực dân Pháp đến là nhà Nguyễn. Vị hoàng đế đầu tiên của triều đại này, Gia Long, đã đánh bại được các đối thủ vào năm 1802, một phần nhờ vào sự trợ giúp của Pháp[22]. Quốc vương trị vì đất nước từ một “tử cấm thành” với sự tráng lệ, lộng lẫy lấy cảm hứng từ triều đình Trung Quốc, và việc thực hiện các nghi lễ Nho giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà vua. Con trưởng không được sắp đặt việc kế vị ngai vàng. Hoàng đế sẽ chỉ định thái tử trong số các hoàng tử (thường lên đến hàng chục người) hoặc những hoàng thân khác, hoặc một hội đồng hoàng gia sẽ đưa ra lựa chọn sau khi Vua băng hà. Thủ tục này làm nảy sinh sự cạnh tranh giữa những người muốn kế vị và âm mưu thủ đoạn giữa các thành viên hoàng tộc, cận thần và quan lại.

Bề ngoài, các thống đốc thực dân Pháp đối xử với hoàng đế Việt Nam một cách tôn kính, nhưng vẫn liên tục tìm cách làm suy yếu quyền lực của họ và toàn bộ hệ thống văn hóa mà quyền lực đó phụ thuộc vào. Pháp ban hành các bộ luật mới, kiểm soát hệ thống tài chính và bộ máy hành chính của đất nước, và cuối cùng bãi bỏ việc thi cử và bổ nhiệm quan lại. Thực dân Pháp gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế và thương mại, theo đó nông dân Việt Nam trở thành những người lao động bị trả lương thấp trong đồn điền và hầm mỏ. Mặc dù rất ít người được đi học, nhưng báo chí và giáo dục phương Tây đã truyền bá tư tưởng về chủ nghĩa hợp hiến, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa xã hội đến giới tinh hoa Âu hóa mới nổi, từ đó càng làm xói mòn lòng trung thành đối với triều đình. Như Nguyễn Thế Anh đã trình bày, Pháp đã biến cấu trúc quản trị thời tiền thuộc địa thành một cái vỏ, mặc dù chưa rỗng hoàn toàn[23].

Giữa những năm 1800, Vua Tự Đức (trị vì giai đoạn 1847-1883) đã cố gắng cản bước người Pháp. Việc ông đành nhượng cho Pháp các tỉnh Nam Kỳ và không có khả năng chống lại sự bành trướng của Pháp lên phía Bắc cho thấy những thách thức mà triều đình phải đối mặt. Mặc dù không thành công trong việc đẩy lùi quân Pháp, ông vẫn được nhân dân kính trọng. Tự Đức không có con; người kế vị ông (cháu trai) chỉ trị vì được ba ngày trước khi bị các triều thần phế truất vì không thực hiện đúng những nghi lễ dành cho tiên đế và vì ông đã cho phép một giáo sĩ Thiên chúa giáo vào Hoàng thành. Vị hoàng đế tiếp theo trị vì bốn tháng, và người kế vị ông chỉ ngồi trên ngai vàng trong vòng chưa đầy một năm. Có tin đồn rằng các triều thần đã đầu độc một hoặc cả hai người. Năm 1884, một ứng cử viên có triển vọng hơn lên ngôi. Đó là vua Hàm Nghi, khi đó mới 14 tuổi.

Vào đầu thời Vua Hàm Nghi, thực dân Pháp tấn công lần cuối vào miền Bắc Việt Nam. Năm 1885, trong nỗ lực cuối cùng nhằm chống lại quân xâm lược, vị hoàng đế này đã tham gia vào kế hoạch chống Pháp do Tôn Thất Thuyết – một trong những quan nhiếp chính của triều đình – vạch ra. Những người kháng chiến đã đưa Vua rời khỏi hoàng cung để lui về vùng rừng núi trong khi xảy ra giao tranh giữa Pháp và Việt Nam[24]. Sau khi giành được quyền kiểm soát Huế, Pháp đưa anh trai Hàm Nghi là Đồng Khánh lên làm Hoàng đế. Hàm Nghi tự lập một triều đình nhỏ trong lúc ẩn náu. Một kẻ phản bội đã chỉ điểm cho Pháp nơi trú ẩn của Vua Hàm Nghi, quân đội Pháp cuối cùng đã bao vây nơi này và bắt giữ Hoàng đế vào năm 1888. Pháp quyết định không hành quyết hay xét xử nhà vua trẻ hiện đã bị phế truất, chắc hẳn vì không muốn biến ông thành một vị anh hùng cảm tử. Người Pháp có lẽ cũng muốn giữ ông như một ví dụ để cảnh cáo những người kế vị về những gì có thể xảy ra nếu họ chống lại thực dân Pháp, đồng thời cũng như một vị vua dự phòng có khả năng trở lại ngai vàng nếu tình hình cho phép. Vì vậy, Pháp đã đày Hàm Nghi đến Algeria, một địa điểm xa xôi an toàn, nơi chúng có thể quản lý ông chặt chẽ. Hàm Nghi sống lưu vong, mai danh ẩn tích suốt 55 năm và qua đời vào năm 1943. Trong khi đó, Đồng Khánh chỉ cầm quyền ba năm, không có được sự ủng hộ của cả đồng bào mình lẫn người Pháp.

Ở Việt Nam xuất hiện sự chia rẽ giữa những người ủng hộ cựu Hoàng và tân Hoàng, và tên của Vua Hàm Nghi đã truyền cảm hứng cho một làn sóng kháng chiến liên tục: phong trào Cần Vương (nghĩa là “phò Vua”, “giúp Vua”) kéo dài vài năm nhưng không thành công trong việc lật đổ Pháp hay đưa Hàm Nghi trở lại. Tuy nhiên, phong trào bảo hoàng này vẫn thu hút được nhiều người ủng hộ vào những năm đầu thế kỷ XX, khi Phan Bội Châu thành lập Hội Duy Tân năm 1904 và tổ chức phong trào Đông Du đưa thanh niên Việt Nam sang du học ở Nhật Bản – quốc gia được coi là một hình mẫu hiện đại hóa. Theo phong trào này, Hoàng thân Cường Để, cháu trực hệ của Vua Gia Long, đã đến Tokyo vào năm 1906. Dưới áp lực từ Paris, Tokyo bắt đầu trục xuất người Việt vào năm 1908 nhưng cho phép Cường Để quay trở lại đây vào năm 1915, và ông ở lại Nhật Bản trong hầu hết 36 năm sau đó. Cường Để cho rằng tổ tiên ông – con trai Vua Gia Long – đã phải chịu bất công khi không được lên ngôi, từ đó khẳng định yêu sách của mình đối với ngai vàng nước Nam và tập hợp những tình cảm trung quân ái quốc còn sót lại, mặc dù lúc đó ông đã không còn bất kỳ cơ hội nào để trở thành Hoàng đế[25].

Cảnh Pháp bắt vua Hàm Nghi. Tranh của M. L. Tinayre. Nguồn: Tập san Le Monde illustré 23/2/1889, gallica.bnf.fr

Theo quan điểm của Pháp, người kế vị Đồng Khánh là Thành Thái có một khởi đầu tốt đẹp vào năm 1889, mặc dù một vài năm sau đó, Pháp bắt đầu cho rằng ông không bình thường. Theo họ, vị Hoàng đế này rất trụy lạc, buông thả và có nhiều hành vi lập dị. Ông bắt các thê thiếp của mình dựng quầy hàng và giả làm người bán trong khuôn viên hoàng cung, sau đó chơi trò đóng vai bác sĩ và bệnh nhân với phụ nữ. Trên thực tế, những xung đột cá nhân căng thẳng giữa Hoàng đế và Khâm sứ Pháp ở Huế – một cựu nghị sĩ ương ngạnh được bổ nhiệm vị trí này sau khi thua một cuộc bầu cử – đóng vai trò lớn trong việc làm tình hình xấu đi. Có nhiều đánh giá khác nhau về việc liệu Thành Thái thật sự bất ổn về tinh thần hay giả vờ làm vậy như một cách kháng cự thụ động; và người Pháp có lẽ đã lợi dụng tính khí thất thường của hoàng đế để làm tổn hại uy tín của ông, nhất là khi ông có khả năng trở thành một “tâm điểm kháng chiến”. Cuối cùng, năm 1907, người Pháp ép Thành Thái phải thoái vị và đưa ông đi an trí ở miền Nam Việt Nam[26].

Vua Thành Thái trong trang phục đi săn. Ảnh: aavh.org

Người kế vị Thành Thái là một trong những con trai của ông, Duy Tân, khi đó mới bảy tuổi[27]. Đối với thực dân, cậu có vẻ rất lý tưởng, thông minh, biết nói tiếng Pháp và được dạy dỗ bởi các gia sư người Pháp. Tuy nhiên, theo William J. Duiker, “tin đồn bay khắp kinh đô rằng […] Vua Duy Tân còn chống Pháp hơn cả cha mình”; và việc ông lựa chọn một từ tiếng Việt có nghĩa là “hiện đại hóa” làm niên hiệu là “một hành động dường như tuyên bố sự gần gũi về tinh thần giữa ông và Thiên hoàng Minh Trị ở Nhật Bản”[28]. Duy Tân thích nghi tốt với các trách nhiệm hoàng gia của mình, thực hiện đúng các nghi lễ, và vì tuổi còn nhỏ nên ít gây chú ý, trong khi người Pháp tiếp tục củng cố quyền thống trị về chính trị và kinh tế. Sự chung sống có vẻ hòa thuận giữa triều Nguyễn và chính quyền thuộc địa kéo dài chưa đầy một thập kỷ trước khi một biến cố khác xảy ra, bộc lộ quyền lực còn sót lại của hoàng đế Việt Nam và những khó khăn mà người Pháp phải đối mặt trong việc thao túng triều đình và biến người đứng đầu triều đình đó thành một thuộc cấp ngoan ngoãn.

Năm 1916, một phần vì phản đối việc Pháp tuyển mộ người Việt Nam tham gia vào chiến tranh, một cuộc nổi dậy chống Pháp đã nổ ra, quy tụ nhiều tổ chức bí mật thuộc nhiều hệ tư tưởng khác nhau. Duy Tân, lúc này đã là một thanh niên 17 tuổi, bị liên lụy; nhưng không rõ mức độ tham gia của ông vào cuộc nổi dậy chính xác là chừng nào. Lời kêu gọi khởi nghĩa được viết vào ngày 4 tháng 5 mang dấu triện của nhà vua, trong đó đề cập đến Thành Thái và Hàm Nghi và báo trước ý định của Vua Duy Tân là “giành lại tự do cho nước ta”. Những người lãnh đạo cuộc nổi dậy đã liên lạc với Duy Tân và đưa Hoàng đế ra khỏi cung điện vào ngày 5 tháng 5, nhưng Pháp đã bắt được quân nổi dậy ngay sau đó. Các bác sĩ khám bệnh cho Duy Tân (báo cáo của những người này đã được Pierre Brocheux trích dẫn) chẩn đoán rằng ông là một minh chứng rõ rệt cho “loại người bị thoái hóa ở mức độ trung bình” với khuynh hướng cá nhân và di truyền dẫn đến hành vi bất thường. Một số người khác cho rằng ông đang trải qua một cuộc khủng hoảng tuổi vị thành niên. Brocheux bác bỏ các quan điểm này, lập luận rằng hành động của vua Duy Tân xuất phát từ tinh thần trách nhiệm thực sự. Nhiều năm sau, vào năm 1936, Duy Tân (mặc dù khi ấy đang tìm kiếm sự nhượng bộ từ phía Pháp) đã bào chữa rằng ông can thiệp vào năm 1916 là để tránh đổ máu[29].

Sau khi bác bỏ đề xuất của một viên chức Pháp về việc hành hình Vua Duy Tân, chính quyền Pháp đã đày vị cựu hoàng đến Réunion[30]. Bên cạnh đó, họ cũng đày Thành Thái – cha của Vua Duy Tân, người đang bị giam cầm ở miền Nam Việt Nam và tiếp tục có những biểu hiện bị Pháp đánh giá là tâm thần bất ổn và thái độ chống Pháp – sang thuộc địa của Pháp trên Ấn Độ Dương. Hai cha con cựu hoàng bị cô lập cả ở Việt Nam và Réunion. Thành Thái sống mai danh ẩn tích, được phép về Việt Nam năm 1945 nhưng bị quản thúc. Ông mất tại Sài Gòn năm 1954.

Vua Duy Tân trên đảo Réunion. Nguồn: historicvietnam.com

Theo David Marr, cuộc nổi dậy năm 1916 là “nỗ lực chống thực dân theo chủ nghĩa quân chủ cuối cùng đáng được nhắc đến”[31]. Ông nhấn mạnh vai trò biểu tượng của hoàng đế: một vị vua trẻ, người mà khi tham gia vào cuộc nổi dậy “đã thực hiện một hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa về mặt tinh thần… Hành động ấy giúp duy trì tinh thần nhân dân, để họ có thể tiếp tục hướng về ngày mà tất cả những điều sai trái đều được sửa chữa”. Marr nhận xét rằng nếu cuộc lưu đày của vua Duy Tân cho thấy người Pháp đã hoàn toàn làm chủ triều đình như thế nào, nó cũng chứng tỏ rằng một vị hoàng đế vẫn có thể gây ảnh hưởng lên đồng bào mình và đóng vai trò là tâm điểm và tác nhân của một cuộc nổi loạn. Mặc dù vào những năm 1920, những người theo chủ nghĩa dân tộc không còn trung thành với nhà vua nữa, một phần vì các vị vua đã thất bại trong việc đuổi người ngoại quốc ra khỏi lãnh thổ, nhưng triều đình vẫn có được chút kính trọng còn sót lại. Năm 1925, nhà cải cách (và theo chủ nghĩa cộng hòa) Phan Châu Trinh vẫn lấy làm tiếc rằng chế độ quân chủ vẫn là hình thức chính phủ ưa thích của giới “sĩ phu” ở Việt Nam, và rằng “cho đến nay, người dân nông thôn vẫn chưa biết gì về dân chủ; họ tôn thờ nhà vua trong đầu như thể ông ta là một vị thần hay một nhà hiền triết. Họ không những không dám đặt câu hỏi liệu ​​chúng ta có nên có một vị vua hay không, mà còn hành động như thể người nêu ra câu hỏi này sẽ bị sét đánh, bị đá vùi, bị voi giày ngựa xéo”[32].

Năm tuyên bố trên được đưa ra cũng đánh dấu cái chết của người kế vị Duy Tân là Khải Định – người bị Phan Châu Trinh và những người theo chủ nghĩa dân tộc khác chỉ trích vì cộng tác chặt chẽ với Pháp. Vị hoàng đế lên ngôi vào năm 1925, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, là Bảo Đại[33]. Là người dành những năm tháng đầu đời ở Pháp, rõ ràng muốn tiếp tục sống ở đó và nổi tiếng ăn chơi, trong suốt 20 năm trị vì, Bảo Đại không hăng hái đảm nhận vai trò gì. Như Khải Định, ông lặng lẽ chấp nhận chỉ thị của Pháp. Cũng vào năm 1925, Pháp bắt Phan Bội Châu, người sáng lập Hội Duy Tân (nhưng nay lại ưa thích chủ nghĩa cộng hòa của Tôn Trung Sơn như một hình mẫu cho chủ nghĩa dân tộc Việt Nam). Ông bị giải về nước từ nơi trú ẩn ở Thượng Hải, bị kết án và quản thúc trong suốt phần đời còn lại. Phan Châu Trinh thì mất năm 1926. Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan hơn lúc này đã tổ chức kháng chiến, bao gồm cả những người Mác-xít tiên phong tập hợp lại thành Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1930.■(còn nữa)

Robert Aldrich[1]

Phạm Khánh Linh dịch

Nguồn: Aldrich, Robert. “Imperial Banishment: French Colonizers and the Exile of Vietnamese Emperors.” In French History and Culture: Papers from the George Rudé Seminar, vol. 5, pp. 123-33. 2014.

 

Chú thích:

[1] Robert Aldrich là Giáo sư Lịch sử Châu Âu tại Đại học Sydney.

[2] Trong giai đoạn được đề cập đến bởi tờ báo này, ở Campuchia, ba hoàng thân chống thực dân Pháp đã bị trục xuất hoặc tự nguyện sống lưu vong: Pháp đưa Duong-Chakr đến Algeria năm 1893; hoàng tử Yukanthor trốn khỏi Paris dưới sự uy hiếp của Pháp năm 1900 và sống lưu vong cho đến năm 1934 ở Thái Lan; và Pháp trục xuất hoàng tử Mayura đến Việt Nam năm 1916. Xem Pierre L. Lamant, “L’Affaire Duong-Chakr,” Revue française d’histoire d’outre-mer 67: 246-247 (1980): 123-150; Pierre L. Lamant, L’Affaire Yukanthor: Autopsie d’un scandale colonial (Paris, 1989); và John Tully, Campuchia under the Tricolour: King Sisowath and the “Mission Civilisatrice” 1904-1927 (Clayton, Vic., 1996), 208-209.

[3] Xem Philip Mansel và Torsten Riotte, chủ biên, Monarchy and Exile: The Politics of Legitimacy from Marie de Medicis to Wilhelm II (London, 2011).

[4] Những người Pháp (ban đầu phần lớn là giới quý tộc) rời khỏi nước Pháp để sống lưu vong ở nước ngoài sau cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 (ND).

[5] François Dominique Toussaint Louverture (1743?-1803): nhà lãnh đạo cuộc Cách mạng Haiti chống lại chế độ thực dân Pháp (ND).

[6] Abdelkader ibn Muhieddine (1808-1883): thủ lĩnh quân sự và tôn giáo người Algeria, người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Algeria vào giữa thế kỷ XIX (ND).

[7] Vương quốc Dahomey (hiện nay là Cộng hòa Benin) ở châu Phi tồn tại từ khoảng năm 1600 cho đến năm 1894, khi vị vua thứ 11 và cũng là cuối cùng, Béhanzin (1845-1906), bị Pháp đánh bại (ND).

[8] Samory Touré (1830-1900): lãnh đạo quân sự và nhà cải cách theo đạo Hồi, người lập ra một vương quốc hùng mạnh ở Tây Phi và chống lại sự bành trướng của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX (ND).

[9] Ranavalona III (1861-1917): nữ hoàng cuối cùng của Madagascar, trị vì từ năm 1883-1897 (ND).

[10] Xem Patrice Louis, Le Roi Béhanzin: Du Dahomey à la Martinique (Paris, 2011).

[11] Trong giai đoạn được đề cập đến bởi tờ báo này, ở Campuchia, ba hoàng thân chống thực dân Pháp đã bị trục xuất hoặc tự nguyện sống lưu vong: Pháp đưa Duong-Chakr đến Algeria năm 1893; hoàng tử Yukanthor trốn khỏi Paris dưới sự uy hiếp của Pháp năm 1900 và sống lưu vong cho đến năm 1934 ở Thái Lan; và Pháp trục xuất hoàng tử Mayura đến Việt Nam năm 1916. Xem Pierre L. Lamant, “L’Affaire Duong-Chakr,” Revue française d’histoire d’outre-mer 67: 246-247 (1980): 123-150; Pierre L. Lamant, L’Affaire Yukanthor: Autopsie d’un scandale colonial (Paris, 1989); và John Tully, Campuchia under the Tricolour: King Sisowath and the “Mission Civilisatrice” 1904-1927 (Clayton, Vic., 1996), 208-209.

[12] Nguyễn Thế Anh, Monarchie et fait colonial au Viet-Nam (1875-1925): Le Crépulscule d’un ordre traditionnel (Paris, 1992). Xem thêm Oscar Chapuis, The Last Emperors of Vietnam: From Tu Duc to Bao Dai (Westport, Conn., 2000); và Bruce McFarland Lockhart, The End of the Vietnamese Monarchy (New Haven, Conn., 1993).

[13] David G. Marr, Vietnamese Anticolonialism, 1885-1925 (Berkeley, 1971).

[14] Về chế độ quân chủ của các nước Đông Dương khác, xem Milton Osborne, Sihanouk: Prince of Light, Prince of Darkness (Sydney, 1994) và các công trình nghiên cứu khác của ông; Grant Evans, The Last Century of Lao Royalty (Bangkok, 2009); và Mangkra Souvannaphouma, Laos: Autopsie d’une monarchie assassinée (Paris, 2010).

[15] Tước hiệu chỉ vua của các xứ Hồi giáo được tôn là quốc giáo (ND).

[16] Tước hiệu chỉ vương công Ấn Độ (ND).

[17] Tước hiệu chỉ thống đốc các tỉnh thuộc Đế quốc Ottoman (ND).

[18] Tước hiệu chỉ người đứng đầu các nước Algeria, Tripoli và Tunis dưới thời Đế quốc Ottoman từ năm 1671 trở về sau (ND).

[19] Søren Ivarsson và Christopher E. Goscha, “Prince Phetsarath (1890–1959): Nationalism and Royalty in the Making of Modern Laos,” Journal of Southeast Asian Studies 38:1 (2007): 55–81.

[20] Sách dẫn nhập hay nhất về quá trình thực dân hóa của Pháp là Pierre Brocheux và Daniel Hémery, Indochina: An Ambiguous Colonization, 1858-1954 (Berkeley, 2009).

[21] Để bác bỏ bất kỳ quan điểm nào liên quan đến sự thống nhất đất nước, người Pháp không chịu sử dụng từ “Việt Nam”, cho rằng Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ là những thực thể riêng biệt. Pháp gọi người cai trị ở Huế ban đầu là vua, sau đó là hoàng đế An Nam.

[22] Cuối những năm 1700, các nhà truyền giáo người Pháp tại Việt Nam đã khuyến khích những nỗ lực của Nguyễn Ánh trong việc giành quyền kiểm soát đất nước với tư cách là vua Gia Long. Những người kế vị ngay sau ông tỏ ra không mấy phù hợp với lợi ích của Pháp. Đây là một trong những cái cớ để thực dân Pháp can thiệp vào Việt Nam cuối những năm 1800.

[23] Nguyễn Thế Anh, đã dẫn.

[24] Marcel Gaultier, Le Roi proscit (Hà Nội, 1940).

[25] Tran My-Van, A Vietnamese Royal Exile in Japan: Prince Cuong De (1882-1951) (London, 2005).

[26] Nguyễn Thế Anh, “L’Abdication de Thanh-Thai,” Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient 64 (1977): 257-264.

[27] Pierre Brocheux, “De l’Empereur Duy Tan au Prince Vinh San: L’Histoire peut-elle se répéter?” Approches Asie (1989-90): 1-25; E.-P. Thébault, “Le Tragique Destin d’un empereur d’Annam,” France-Asie 200 (1970): 3-40; Nguyễn Phúc Bảo Vàng, chủ biên, Duy Tan, Empéreur d’Annam 1900-1945 exilé à l’Ile de la Réunion, ou le destin tragique du prince Vinh San (Sainte-Marie, La Réunion, 2001). Bộ sách do Bảo Vàng chủ biên (về cơ bản là một tuyển tập các tài liệu sơ cấp đương thời) đã cung cấp nhiều tư liệu nguồn cho bài viết này.

[28] William J. Duiker, Ho Chi Minh (New York, 2000), 35.

[29] Xem Brocheux, “De Duy Tan.”

[30] Khâm sứ Trung Kỳ muốn xử tử Duy Tân, nhưng Thượng thư Bộ học (Việt Nam) (Duy Tân yêu con gái vị Thượng thư này) đã thuyết phục Viện Cơ mật đề nghị phế truất ông. Người lãnh đạo cuộc nổi dậy trước khi bị hành quyết cũng cầu xin để hoàng đế được sống. Xem Nguyễn Thế Anh, Monarchie, 72-73.

[31] Marr, Vietnamese Anticolonialism, 1885-1925, 233.

[32] Phan Chau Trinh, “Monarchy and Democracy,” trong Phan Chau Trinh and His Political Writings (Ithaca, NY, 2009), 136-137.

[33] Về tự truyện cuộc đời ông, xem Bảo Đại, Le Dragon d’Annam (Paris, 1980).

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN