Khu vực Đông Bắc Á: Cạnh tranh và đối đầu đang lấn át hợp tác

Khu vực Đông Bắc Á (ĐBA) bao gồm 6 quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Liên bang Nga (phần thuộc châu Á) và Mông Cổ, là khu vực có tỉ trọng dân số đông nhất, tỉ trọng kinh tế lớn nhất, phân lượng chính trị cao nhất trên thế giới; là nơi tập trung cao lực lượng của các nước lớn; là nơi giao thoa giữa hai thế lực Nam-Bắc và Đông-Tây; là khu vực tiêu điểm của hòa bình và phát triển toàn cầu.

ĐBA là một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất toàn cầu, tổng lượng kinh tế ĐBA 10 năm trước chiếm 1/5 tổng lượng kinh tế toàn cầu, nay đã lên gần 1/3 toàn cầu, ĐBA trở thành động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu; đồng thời ĐBA cũng là một trong những khu vực phức tạp, đa dạng nhất về an ninh toàn cầu; các biến động của ĐBA ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và đến toàn thế giới.

Đông Bắc Á là một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất toàn cầu, đồng thời cũng phức tạp, đa dạng nhất về an ninh.

ĐBA có một số nét đặc trưng mang tính chất địa chính trị đáng chú ý: (i) ĐBA nối liền với Bắc Mỹ, với phía Đông của vành đai Bắc Cực, với Trung Á, Tây Á, Nam Á và Đông Nam Á; là điểm nối Á – Âu mang ý nghĩa địa chính trị nổi bật (ii) Là khu vực rộng lớn, dân số đông: Diện tích đất liền của ĐBA gần 15,6 triệu km2, dân số gần 1,7 tỉ người, chiếm khoảng ¼ dân số thế giới (iii) Diện tích biển của ĐBA khoảng 3,78 triệu km2, có cả quốc gia bán đảo (Hàn Quốc), quốc gia đảo quốc (Nhật Bản). Nhiều biển lớn nằm ở khu vực này: Biển Nhật Bản có diện tích 98 vạn km2; Bột Hải: 7,7 vạn km2; Hoàng Hải: 38 vạn km2; Đông Hải Trung Quốc: 77 vạn km2. Nếu tính cả vùng biển Bắc Philippine và biển trong lục địa ở ĐBA, thì tổng diện tích biển của ĐBA là 5,2 triệu km2. Trong 6 nước ĐBA, trừ Mông Cổ, còn lại đều nằm ven biển, điều này cho thấy an ninh biển là vấn đề nổi bật của an ninh khu vực; hơn nữa, 6 nước ĐBA đều có biên giới chung trên bộ hoặc trên biển, nên thường xẩy ra tranh chấp chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ giữa các nước trong khu vực (iv) Xét từ góc độ địa chính trị, nên coi Mỹ là quốc gia đặc biệt trong ĐBA vì quần đảo Mariana của Mỹ, bao gồm đảo Guyam nối liền với quần đảo Ogasawara của Nhật Bản và trên thực tế, hàng chục nghìn quân Mỹ đang đồn trú tại Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ vẫn đang duy trì liên minh quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc, ảnh hưởng trực tiếp đến chính trị – an ninh khu vực ĐBA (v) Trong 7 nước ĐBA (kể cả Mỹ), có 3/5 ủy viện thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ – Trung – Nga; bốn nước Mỹ, Trung, Nga, Nhật đều là cường quốc có ảnh hưởng lớn đối với cục diện kinh tế, chính trị, quân sự toàn cầu. Mặt khác trong ĐBA, số lượng cường quốc (4) nhiều hơn các nước vừa và nhỏ (3); điều này càng tôn ảnh hưởng của ĐBA đối với toàn cầu.

Các đặc trưng trên là các nhân tố mang tính quyết định cục diện an ninh khu vực ĐBA nhưng hình thức biểu hiện cụ thể của cục diện này thay đổi tùy theo tương quan thực lực giữa các quốc gia trong khu vực, nhất là giữa Trung Quốc và Mỹ; cũng tùy theo xu hướng chính sách đối ngoại, chính sách an ninh và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực: Sau Chiến tranh lạnh, đặc biệt là từ khi bước vào thế kỷ XXI, so sánh thực lực tổng hợp giữa các quốc gia trong khu vực thay đổi lớn; GDP Trung Quốc năm 2010 đã vượt Nhật, trở thành nền kinh tế lớn nhất ĐBA, thứ hai thế giới. Kinh tế Nhật Bản theo đồ thị đi xuống, 20 năm qua được coi là “20 năm mất mát của Nhật Bản”. Nga thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng Zabaykal – Viễn Đông, đang trở thành điểm tăng trưởng mới tại ĐBA. Mỹ chịu ảnh hưởng của 10 năm chống khủng bố và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009, hiện đang đẩy nhanh tiến trình trở lại Đông Á, ĐBA. Hàn Quốc đã vươn lên, trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới… Quy mô kinh tế các nước trong khu vực được xếp theo thứ tự: Trung Quốc – Nhật Bản – Nga – Hàn Quốc – Triều Tiên – Mông Cổ (theo IMF, GDP năm 2023: Trung Quốc 18.673 tỉ USD; Nhật Bản 4.110,4 tỉ USD; Nga: 2.201,6 tỉ USD; Hàn Quốc: 1.811,9 tỉ USD; Triều Tiên: 29,9 tỉ ussd (2019); Mông Cổ: 16,9 tỉ USD). Các con số cho thấy quy mô kinh tế của các quốc gia trong khu vực chênh lệch nhau rất xa, quy mô kinh tế Trung Quốc gấp trên 1.100 lần quy mô kinh tế của Mông Cổ, sự chênh lệch này sẽ càng ngày càng xa hơn và tất nhiên sự chênh lệch này sẽ ảnh hưởng đến vị thế của từng quốc gia trên bàn cờ khu vực. Trong 20 năm tới, thực lực kinh tế của nhiều khu vực phía Đông của Trung Quốc sẽ vượt Nhật; khu vực Zabaykal – Viễn Đông Nga có thể có những đột phá, cách biệt kinh tế giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ thu hẹp rõ rệt… có nghĩa là tương quan thực lực kinh tế của các quốc gia trong khu vực sẽ tiếp tục thay đổi, sẽ càng tác động vào sự thay đổi của cục diện chính trị – an ninh khu vực.

Cũng cần nói tới các nhân tố chủ yếu tác động đến tiến trình hợp tác phát triển hòa bình tại khu vực ĐBA; cũng là để giải thích tại sao hợp tác phát triển hòa bình tại khu vực ĐBA vẫn còn nhiều trắc trở? Các nhân tố này thể hiện trên hai mặt: Một mặt, về tổng thể ĐBA thiếu nhận thức chung về lịch sử và thiếu sự tin cậy chiến lược lẫn nhau. Điều này thể hiện trên hai khía cạnh:

Một là, vấn đề trách nhiệm chiến tranh giữa các nước trong khu vực chưa được giải quyết trong một thời gian dài, chủ yếu là vấn đề trách nhiệm chiến tranh do Nhật Bản phát động đem lại nhiều tại họa cho các nước trong khu vực trong thế chiến thứ hai, nhất là với Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên; Nhật Bản không phản tỉnh một cách sâu sắc và đáp ứng một cách đầy đủ các yêu cầu gánh vác trách nhiệm mà các nước bị hại đưa ra với Nhật Bản; ngược lại còn bóp méo lịch sử xâm lược bằng việc công bố các sách giáo khoa không tôn trọng sự thật lịch sử, viếng đền Yasukuni… trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ Trung – Nhật, Hàn – Nhật và Triều – Nhật.

Hai là, vấn đề tranh chấp lãnh thổ Trung – Nhật, Hàn – Nhật, Nga – Nhật nhiều năm chưa được giải quyết, trực tiếp cản trở quan hệ giữa các nước này và tiến trình phát triển hòa bình khu vực.

Mặt khác là sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, chủ yếu là Mỹ nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung – Nga, duy trì ý đồ chiến lược của chủ nghĩa bá quyền Mỹ, không ngừng lôi kéo chính trị, khống chế quân sự và trói buộc chiến lược đối với Nhật Bản và Hàn Quốc; cố ý ly gián các nước ĐBA, tạo ra các kết cấu đối lập tại ĐBA, trở thành nhân tố cản trở phát triển hòa bình khu vực này. Bởi vậy, muốn loại bỏ trở ngại đối với phát triển hòa bình ĐBA, cần loại bỏ cả những trở ngại bên trong, chủ yếu do Nhật Bản gây ra và cả trở ngại bên ngoài, chủ yếu do Mỹ gây ra.

Về hiện trạng ĐBA: Dưới tác động đan xen của nhiều nhân tố, ĐBA đã hình thành một trạng thái kết cấu đa dạng phức tạp, nhiều tầng nhiều lớp, vừa có quan hệ Tam giác lớn, Tam giác nhỏ, vừa có quan hệ bốn bên: Quan hệ tam giác lớn Trung – Mỹ –  Nga, ảnh hưởng mang tính quyết định đến hình thái cục diện ĐBA. Sau chiến tranh lạnh, Trung Quốc không ngừng trỗi dậy, bị Mỹ coi là mối uy hiếp lớn nhất đối với địa vị bá chủ thế giới của Mỹ, ĐBA trở thành chiến trường trọng điểm để Mỹ kiềm chế Trung Quốc và một phần đối với Nga. Quan hệ tam giác này, đặc biệt là cạnh Trung – Mỹ, đã ảnh hưởng đến toàn cục phát triển của ĐBA. Quan hệ tam giác nhỏ, gồm tam giác nhỏ Mỹ – Nhật – Hàn mang tính chất đồng minh chính trị, quân sự và tam giác nhỏ Trung – Nhật – Hàn chủ yếu liên hệ về kinh tế mậu dịch. Tiềm lực phát triển hợp tác kinh tế Trung – Nhật – Hàn (3 nền kinh tế lớn thứ 2, thứ 4 và thứ 12 toàn cầu, tổng GDP của Trung – Nhật – Hàn chiếm 73% tổng GDP châu Á) là rất lớn, tính đến cuối năm 2023, Trung – Nhật – Hàn đã tổ chức 21 Hội nghị Bộ trưởng, hơn 70 cơ chế đối thoại về hợp tác ba bên, bao trùm gần 30 lĩnh vực hợp tác. Hai nhóm quan hệ tam giác nhỏ này có sự giao thoa tự nhiên với nhau vì Nhật Bản và Hàn Quốc đều có mặt trong cả hai này nhóm; vừa thể hiện tính hai mặt trong lựa chọn chiến lược của Nhật Bản và Hàn Quốc, vừa cho thấy sự tế nhị trong quan hệ Trung – Mỹ qua vai trò của Nhật – Hàn. Tất nhiên các tam giác nhỏ này có ảnh hưởng sâu sắc đến kết cấu chính trị – an ninh khu vực, phản ánh cả tính cạnh tranh, cả mặt hợp tác trong quan hệ phức tạp tại khu vực ĐBA. Quan hệ bốn bên Trung – Nga – Triều – Mông có chung biên giới, liền lãnh thổ, cơ bản là có nhận thức chung về lịch sử, có nhiều lợi ích chung về kinh tế và chiến lược, có khoảng cách với thế lực Mỹ, quan hệ với nhau phát triển tương đối ổn định, trở thành cơ sở quan trọng của phát triển hòa bình khu vực ĐBA… Hợp tác kinh tế ĐBA chịu sự chi phối toàn diện của các nhân tố an ninh khu vực, kể cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.

Quan hệ an ninh giữa các cường quốc Mỹ – Trung – Nhật – Nga quyết định hướng đi cơ bản của an ninh Đông Bắc Á, châu Á – Thái Bình Dương, thậm chí là toàn cầu. Hình minh họa

Trên lĩnh vực an ninh truyền thống, nổi lên hai vấn đề chủ yếu: Quan hệ an ninh các nước lớn Mỹ Trung Nhật Nga và vấn đề bán đảo Triều Tiên

Quan hệ an ninh giữa các cường quốc Mỹ Trung Nhật Nga quyết định hướng đi cơ bản của an ninh ĐBA, châu Á – Thái Bình Dương, thậm chí là toàn cầu. Chính sách an ninh đối ngoại của Mỹ – Nhật – Hàn được điều chỉnh và thực thi xoay quanh sự phát triển của Trung Quốc. Mục đích của chính sách an ninh của Mỹ đối với ĐBA, quan trọng nhất là ngăn chặn một lực lượng chiến lược có thể đối chọi với Mỹ tại khu vực; hiện mũi nhọn này đang nhằm vào Trung Quốc. Thủ đoạn chiến lược chủ yếu của Mỹ là dùng Nhật Bản đối kháng với Trung Quốc, đồng thời không ngừng thiết lập các cơ chế nhằm vào Trung Quốc: “Khuôn khổ kinh tế Ấn – Thái”, “Cơ chế an ninh bốn bên Mỹ – Nhật – Ấn – Úc”, AUKUS (Mỹ – Anh – Úc), tam giác Mỹ – Nhật – Hàn, tam giác Mỹ – Nhật – Philippines, thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD  tại Hàn Quốc… Nhật Bản một mặt bị buộc chặt vào cỗ xe chiến lược của Mỹ, mặt khác hòng “đục nước béo cò”, tận dụng mâu thuẫn lợi ích giữa các nước lớn, đặc biệt là Trung – Mỹ để sớm thoát khỏi sự ràng buộc của thân phận “kẻ chiến bại” trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trở thành “quốc gia bình thường”, trên cơ sở đó, thực hiện ý đồ trở thành cường quốc chính trị quân sự toàn cầu. Mục đích chủ yếu của Nga tại ĐBA là thực hiện sự trỗi dậy của khu vực Zabaykal – Viễn Đông, duy trì và cải thiện môi trưởng an ninh hòa bình ổn định tại ĐBA; về lâu dài là xây dựng lực lượng quân sự chiến lược tại khu vực Viễn Đông Nga. Mục đích an ninh trước tiên của Hàn Quốc tại ĐBA là tận dụng sức mạnh kinh tế để chiếm ưu thế rõ rệt trước Triều Tiên, sớm thống nhất bán đảo Triều Tiên dưới sự chủ đạo của Hàn Quốc; trọng điểm là tăng cường đồng minh quân sự Hàn – Mỹ, tăng cường quan hệ hợp tác quân sự với Nhật Bản, tranh thủ Trung Quốc ủng hộ Hàn Quốc chủ đạo thống nhất bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên đang đẩy mạnh quan hệ với Nga, Trung Quốc và về lâu dài, mong muốn cải thiện quan hệ với Hàn, Mỹ, Nhật, nhằm xây dựng một “quốc gia cường thịnh XHCN” phù hợp với điều kiện của Triều Tiên; nhìn về lâu dài, Triều Tiên mong muốn thực hiện thống nhất bán đảo Triều Tiên trên nguyên tắc “tự chủ, hòa bình và đại đoàn kết dân tộc”.

An ninh nước lớn tại ĐBA chủ yếu biểu hiện trên những vấn đề do lịch sử để lại như vấn đề eo biển Đài Loan, quan hệ Nga Nhật, vấn đề quy thuộc chủ quyền lãnh thổ lãnh hải… Những vấn đề này hoặc do Nhật Bản bành trướng, tiến hành chiến tranh xâm lược hoặc do trật tự ĐBA do Mỹ kiến lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai tạo ra. Vấn đề eo biển Đài Loan, vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ lãnh hải Trung Nhật, Nga Nhật, cộng thêm vấn đề bán đảo Triều Tiên đã và sẽ còn là các cản trở chưa thể vượt qua đối với an ninh cũng như với hợp tác phát triển khu vực.

Vấn đề bán đảo Triều Tiên liên quan đến 6 mối quan hệ: Quan hệ hai miền Nam – Bắc Triều Tiên; chính sách đối nội và đối ngoại của Hàn Quốc và Triều Tiên; quan hệ 4 nước lớn Mỹ – Trung – Nhật – Nga với bán đảo Triều Tiên; quan hệ giữa Mỹ – Trung – Nhật – Nga xoay quanh vấn đề bán đảo Triều Tiên; quan hệ chính phủ và các tổ  chức phi chính phủ quốc tế với bán đảo Triều Tiên; quan hệ giữa các cơ quan truyền thông các loại với bán đảo Triều Tiên. Trong 6 mối quan hệ này, quan hệ hai miền Nam – Bắc Triều Tiên có thể là vấn đề trung tâm, nhưng để giải quyết toàn bộ vấn đề Triều Tiên, không chỉ đơn thuần là giải quyết quan hệ hai miền Triều Tiên, mà cần có một giải pháp tổng thể, giải quyết đồng bộ cả 6 mối quan hệ này. Trước mắt, xem ra chưa hội đủ các điều kiện để đi đến một giải pháp như vậy, ngược lại tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng, hình thành “hai trận tuyến” ngày càng rõ ràng, cạnh tranh đang lấn át hợp tác, đối đầu gia tăng và không loại trừ khả năng bùng nổ xung đột quân sự, mặc dù không bên nào thật sự muốn điều này xẩy ra. Đáng chú ý là tại Hàn Quốc, sau khi ông Yoon Suk Yeol nhậm chức Tổng thống (tháng 5/2022), đã tiến hành điều chỉnh chính sách lớn với trục chính là “thân Mỹ, tăng cường quân đội và giữ khoảng cách với Trung Quốc”. Trong khi đó, Ngoại giao của Triều Tiên lại xoay quanh ba biện phápMột là thông qua các biện pháp quân sự, hòng uy hiếp Mỹ – Hàn – Nhật, cắt đứt mọi liên hệ với Mỹ – Hàn. Hai là, nêu cao đường lối thân Nga, liên minh với Nga. Ba là, thúc đẩy quan hệ truyền thống Triều – Trung. Rõ ràng hướng chính sách của hai miền Triều Tiên đang đi ngược chiều nhau, quan hệ hai miền Triều Tiên càng xấu đi, càng đi đến đối đầu, đối kháng.

Có thể nói, mối liên hệ Nga – Triều gần đây là một nhân tố mới trong tình hình bán đảo Triều Tiên:  Tháng 6/2024, Nga – Triều ký Hiệp ước “Đối tác chiến lược toàn diện” trong đó quy định, “nếu một trong hai nước bị một hoặc nhiều nước khác tấn công và rơi vào tình trạng chiến tranh, bên còn lại sẽ lập tức sử dụng mọi phương thức có thể để cung cấp hỗ trợ về quân sự và các lĩnh vực khác”. Trong dịp ký Hiệp ước trên, ông Kim Jong Un đã tuyên bố, “Triều Tiên là người đồng đội bất khả chiến bại của Nga” và Triều Tiên “coi quan hệ với Nga là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của mình”. Trong chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Triều Tiên, bà Choe Son Hui đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Lavrov ngày 1/11/2024 và cho biết, Kim Jong Un đã ra lệnh “kiên quyết ủng hộ quân đội và nhân dân Nga trong cuộc đấu tranh thiêng liêng của họ”; bà Choe đồng thời khẳng định với Ngoại trưởng Nga: Triều Tiên sẽ đồng hành cùng Nga cho đến khi Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến “bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia của Nga”; Triều Tiên coi đây là “chiến lược lâu dài nhằm củng cố liên minh với Nga và đối phó với sức ép bên ngoài”. Lavrov khẳng định “sự hợp tác rất chặt chẽ về quân sự và an ninh đã được thiết lập giữa Bình Nhưỡng và Moscow”.

Trong khi Mỹ đang tích cực củng cố và tăng cường liên minh Mỹ – Nhật – Hàn, tam giác Nga – Trung – Triều cũng đang lộ diện. Hình minh họa

Phương Tây chỉ trích Triều Tiên đã đưa quân tới chiến trường Ukraine, Nga và Triều Tiên đều bác bỏ; tuy nhiên với quan hệ hai nước vào thời điểm này, nếu điều đó xảy ra, sẽ rất ít người cảm thấy ngạc nhiên.

Đằng sau sự liên kết Nga – Triều, không ai không thấy bóng dáng của Trung Quốc. Vậy là, trong khi Mỹ đang tích cực củng cố và tăng cường liên minh Mỹ – Nhật – Hàn, tam giác Nga – Triều – Trung cũng đang lộ diện, hình thành hai trận tuyến đối kháng Mỹ – Nhật – Hàn / Nga – Triều – Trung, làm cho cục diện bán đảo Triều Tiên càng thêm phức tạp, càng khó dự báo, càng tác động tiêu cực đến cục diện ĐBA.

Ngoài ra, cũng không thể không nói đến ý tưởng thiết lập “NATO châu Á” tại ĐBA, chủ yếu do Mỹ, Nhật và các “thế lực diều hâu” ở khu vực đưa ra với sự hưởng ứng của NATO. Trong 3 năm liền gần đây, NATO đã mời lãnh đạo Nhật, Hàn, Úc, Singapore tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO, thể hiện rõ ý đồ kết nối NATO với ĐBA, với châu Á – Thái Bình Dương. Gần đây, trước khi nhậm chức, Thủ tướng mới của Nhật Bản Ishiba Shigeru, đã có bài viết trên tạp chí Mỹ với tiêu đề “Tương lai chính sách Ngoại giao của Nhật Bản” liên quan đến chủ trương thiết lập “NATO châu Á”, cho rằng “Ukraine không vào NATO là một “bài học”,  “Ukraine hôm nay là châu Á ngày mai”, “do châu Á không có hệ thống phòng vệ tập thể như NATO nên dễ phát sinh chiến tranh”; để kiềm chế Trung Quốc, “đồng minh phương Tây cần thiết lập NATO châu Á”… Bài viết của tân Thủ tướng Nhật đã gặp phải sự phản đối gay gắt của dư luận nước Nhật và cả dư luận Mỹ. Nên sau khi nhậm chức, không thấy Ishiba Shigeru nhắc lại vấn đề này.

Đáng chú ý là khái niệm “NATO châu Á” (hoặc “NATO phương Đông”) đã được đưa ra từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là John Foster Dulles đề xướng thiết lập “Tổ chức điều ước Đông Nam Á”, nhằm vào Liên Xô và Trung Quốc; nay lại được nhắc lại trong một bối cảnh tương tự, chỉ có đối tượng nhằm vào lúc đó là Liên Xô và Trung Quốc được thay thế bằng Trung Quốc và Nga ngày nay.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba ủng hộ thiết lập “NATO châu Á” để tăng cường an ninh khu vực. Hình ảnh ông Ishiba tại một cuộc họp báo ở Tokyo, tháng 9/2024. Ảnh: Reuters

Năm 2022, NATO công bố “cấu trúc chiến lược mới”, định vị Trung Quốc là “mối thách thức mang tính hệ thống” của NATO, có thể được coi là sự công khai dính líu trực tiếp của NATO trong cuộc đối đầu giữa mặt trận phương Tây với Trung Quốc… Tất cả các động thái này phải chăng đang chứng tỏ tiến trình “NATO hóa châu Á – Thái Bình Dương”, “NATO hóa ĐBA” đang được bắt đầu? Và nếu vậy, bán đảo Triều Tiên càng được sử dụng làm “con tin” cho các thế lực bên ngoài, chủ yếu là Mỹ, NATO và phương Tây.

Trên lĩnh vực phi truyền thống, có 3 vấn đề chủ yếu mà an ninh khu vực ĐBA đang phải đối măt: Vấn đề di dân bất hợp pháp; vấn đề buôn bán ma túy và vấn đề ô nhiễm không khí và nguồn nước: Vấn đề di dân chủ yếu là từ Triều Tiên di chuyển sang các nước ĐBA, điểm đến là Hàn Quốc và một số nước châu Âu, thậm chí là Mỹ. Do chính phủ các nước ĐBA can thiệp, vấn đề này rất dễ trở thành vấn đề thuộc phạm trù an ninh truyền thống tại ĐBA. Buôn lậu ma túy chủ yếu tập trung ở khu vực biên giới Trung – Triều – Nga, nhất là ở phía Trung Quốc, đã trở thành điểm tập trung ma túy lớn thứ ba ở Trung Quốc, từ đây ma túy dược chuyển đến các nước ĐBA. Do các đặc điểm khí hậu và địa thế, Trung Quốc và Mông Cổ thành nơi ô nhiễm và là bên bị hại của ô nhiễm không khí và nguồn nước, ảnh hưởng đến các nước ĐBA khác.

Tình hình ĐBA đang tiếp tục diễn biến theo chiều hướng cạnh tranh và đối dầu lấn át dần hợp tác, ngày càng khó phát huy tiềm năng hợp tác phát triển vốn có và là thế mạnh của khu vực ĐBA. “Hai trận tuyến” đối lập nhau Mỹ Nhật Hàn/Trung Nga Triều đã hình thành và đang vận động theo hai hướng ngược chiều nhau. Mỹ đang ra sức nâng cấp quan hệ đồng minh Mỹ Nhật lên tầm “nhất thể hóa” toàn diện, củng cố và nâng cao vai trò của tam giác Mỹ Nhật Hàn, Mỹ Nhật Philippines. Trung Nga đang thúc đẩy quan hệ hợp tác “không giới hạn”, đưa quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thời đại mới” hai bên lên tầm cao mới trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine đang tiếp diễn; đồng thời Nga Triều đang trở thành liên minh trên thực tế, tam giác Trung Nga Triều cũng đang lộ diện và có thể trở thành đặc điểm nổi bật của tình hình ĐBA một vài năm tới… Tất cả các động thái từ cả “hai trận tuyến” hầu như đều đánh đi những tín hiệu tiêu cực về tương lai của khu vực ĐBA. Tuy nhiên, một số nhân tố tích cực dường như vẫn đang tồn tại, làm cho người ta tin rằng, ít có khả năng nổ ra xung đột quân sự lớn tại khu vực ĐBA trong tương lai gần. Đã có những dấu hiệu tích cực trong quá trình “quản lý cạnh tranh” Trung Mỹ, hai nhân tố mang tính quyết định chiều hướng phát triển của cục diện ĐBA. Hai bên hầu như đã đạt đến nhận thức chung không để cho quan hệ Trung Mỹ tụt dốc sâu hơn nữa và dần đưa quan hệ hai nước trở lại trạng thái ổn định. Donald Trump ngồi vào Nhà Trắng một lần nữa có thể có những thay đổi có thể đem tới những hi vọng về sự hạ nhiệt của một số điểm nóng, trong đó có cuộc chiến Ukraine và xung đột Trung Đông, cũng sẽ gián tiếp góp phần giảm căng thẳng tại khu vực ĐBA. Chính sách “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Trump chắc chắn không thể thực hiện được trong một thế giới “đại loạn”. Tuy nhiên ông Trump thường nổi tiếng về sự thất thường của mình, còn phải chờ những hành động thực tế của ông ta sau khi chính thức ngồi vào Nhà Trắng. Dẫu sao người ta cũng có lý do để tin rằng, Donald Trump sẽ không cố ý làm cho tình hình ĐBA căng thẳng thêm, trở nên không thể kiểm soát.■

Tùng Lâm

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN