Quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam qua tài liệu của Pháp

Giai đoạn 1925 – 1930 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giải phóng dân tộc của nước ta với sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Tạp chí Phương Đông giới thiệu tới quý bạn đọc Chương I, mục 1A, cuốn sách Le parti communiste vietnamien: contribution à l’étude du mouvement communiste au Vietnam (Đảng Cộng sản Việt Nam: Đóng góp vào nghiên cứu về phong trào cộng sản ở Việt Nam) của tác giả Pierre Rousset, xuất bản năm 1973 ở Paris, trình bày về quá trình hình thành này. Những thông tin, từ ngữ trong bài thể hiện quan điểm và kết quả nghiên cứu của tác giả. Chúng tôi giữ nguyên văn để đảm bảo tính khách quan.

Việc hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam vô cùng phức tạp. Tại Việt Nam, sự ra đời chính thức của Đảng dựa vào 5 năm hoạt động cách mạng của nhóm nòng cốt ban đầu. Ngoài ra, các cộng đồng người di cư tại Trung Quốc, Xiêm và Pháp cũng đóng góp vào quá trình này. Tuy Đảng có mối quan hệ không cùng hướng với truyền thống dân tộc chủ nghĩa đang mạnh mẽ lúc bấy giờ nhưng các lực lượng tư sản, tiểu tư sản vẫn ủng hộ. Đồng thời, Đảng cũng có những liên hệ chặt chẽ dù nhiều mâu thuẫn với Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản đang dần chịu ảnh hưởng của Stalin[1]. Nhiều vấn đề chi phối cách mạng Việt Nam xuất hiện ở thời điểm này. Và sau đó những vấn đề khác tất nhiên sẽ xuất hiện. Nhưng những năm tháng ít được biết đến này góp phần quan trọng trong việc định hình đường lối của Đảng, sau này sẽ lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc.

Tổ chức nòng cốt ban đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội) do Hồ Chí Minh thành lập năm 1925 tại Trung Quốc. Vào thời điểm này, Hồ Chí Minh đã trải qua một khoảng thời gian dài đi tìm đường cứu nước. Khởi hành chuyến đi tự nguyện từ năm 1911, ông làm việc khoảng 2 năm trên tàu thủy, sống tại London nơi ông liên lạc với giới xã hội chủ nghĩa, tiếp đó là ở Paris, ông nhanh chóng gia nhập tổ chức Thanh niên Xã hội chủ nghĩa (Les Jeunes Socialistes). Năm 1920, ông tham gia vào việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Ông tổ chức các hoạt động hướng đến cộng đồng các thuộc địa của Pháp  – chủ yếu hướng tới người Việt – nhằm nâng cao nhận thức của giai cấp vô sản Pháp về vấn đề thuộc địa. Khoảng năm 1923, ông đến Moskva, tham dự Hội nghị Quốc tế Nông dân và Hội nghị quốc tế lần thứ V của Quốc tế Cộng sản. Năm 1925, ông quay lại Trung Quốc cùng Borodin[2].

Sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước, Hồ Chí Minh – người cộng sản đầu tiên của Việt Nam – đã là thành viên của các Đảng Cộng sản Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam, ông giữ một vị trí đặc biệt trong chủ nghĩa cộng sản Việt Nam. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mà ông thành lập vào giữa những năm 1920 xuất hiện dưới hình thức một phong trào dân tộc mới, trong đó nòng cốt là một tờ báo hoạt động bí mật.

Việc công khai hình thành tổ chức cộng sản đầu tiên xuất hiện vào năm 1929. Tuy nhiên, những hoạt động diễn ra từ năm 1925 cho đến khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho thấy một kế hoạch cách mạng được tiến hành, dù lịch sử của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vẫn ít được biết đến. Với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Hồ Chí Minh và một số đồng chí đầu tiên của ông[3] đã thực hiện một công cuộc lâu dài nhằm từng bước truyền bá tư tưởng và khái niệm của chủ nghĩa Marx vào hàng ngũ tiên phong của phong trào dân tộc Việt Nam và thu hút những nhân tố ưu tú nhất. Đồng thời, một cuộc tranh luận tư tưởng chống lại các khuynh hướng vô chính phủ cũng hình thành. Dần dần Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên xây dựng được sự gắn kết với xã hội và có tầm vóc quốc gia, tạo thành nền tảng cho phong trào cộng sản mới của Việt Nam. Thực tế, Hội là tổ chức chính trị Việt Nam đầu tiên đặt giai cấp công nhân vào vị trí trung tâm. Trong suốt một khoảng thời gian, các phong trào dân tộc của tiểu tư sản vẫn chiếm ưu thế trên sân khấu chính trị, nhưng dường như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã nhanh chóng chứng tỏ khả năng gắn bó với một phong trào quần chúng và thực hiện công tác chính trị ổn định và lâu dài.

Đặc trưng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thể hiện qua cuốn sách Hồ Chí Minh viết năm 1926, Đường Kách Mệnh. Theo nhà sử học Nguyễn Khắc Viện, có ba nguyên tắc hoàn toàn mới được nhấn mạnh trong các phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam.

1. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, vì vậy cần phải tổ chức và dẫn dắt quần chúng vào cuộc đấu tranh.

2. Cách mạng phải do một đảng theo chủ nghĩa Marx-Lenin lãnh đạo mới có thể thành công, vì vậy cần xây dựng một đảng kiểu mới.

3. Cách mạng dân tộc phải gắn liền với cách mạng thế giới, nhân dân Việt Nam cần hành động gắn liền với giai cấp vô sản thế giới, vì vậy cần hành động phù hợp với đường lối của Quốc tế Cộng sản III[4].

Bìa cuốn Đường Kách Mệnh (quyển thượng). Nguồn: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đường hướng Cộng sản của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cũng được khẳng định qua chương trình đào tạo tại trường học ở Quảng Châu. Từ năm 1926, nội dung giảng dạy đã bao gồm: lịch sử các phong trào giải phóng Triều Tiên, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam; nghiên cứu về sự phát triền của các xã hội, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc; lịch sử của ba Quốc tế Cộng sản; phân tích bình luận về “chủ nghĩa Gandhi” (tư tưởng của Gandhi, nhà lãnh đạo hòa bình Ấn Độ thuộc tầng lớp tư sản) và các nguyên tắc của Tôn Trung Sơn (người khởi xướng cuộc cách mạng Trung Quốc năm 1911). Ngoài ra khóa học còn giảng dạy về cuộc cách mạng tháng Mười Nga, chủ nghĩa Marx – Lenin, công tác tổ chức và hoạt động quần chúng[5].

Sau khi được tuyển chọn và đào tạo, đôi khi ở Thái Lan và Trung Quốc, các thành viên của Hội quay về Việt Nam. Tại đây, nhiều thành viên có xuất thân tiểu tư sản bắt đầu làm việc trong các doanh nghiệp từ năm 1927 để xây dựng cơ sở của Hội. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên khuyến khích việc thành lập các Công hội đỏ, các thành viên tích cực tham gia vào các cuộc đấu tranh của công nhân, vốn phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này; nhiều nhà hoạt động công đoàn, trong đó nổi bật là Hoàng Quốc Việt[6] gia nhập công hội. Từ năm 1927 đến 1929, Hội tích lũy được kinh nghiệm trong các cuộc đấu tranh và có ảnh hưởng trong tầng lớp công nhân, điều này giúp Hội tăng cường các mối liên hệ quốc tế (nhờ các thủy thủ) và chuẩn bị cho những thử thách vào năm 1930. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên xuất hiện như một tổ chức chuyển tiếp giữa sự phát triển của phong trào dân tộc chủ nghĩa và việc hình thành một Đảng Cộng sản chính thức.

Tương tự như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Việt Nam, tại Pháp có An Nam Độc lập Đảng của Nguyễn Thế Truyền (thành lập năm 1926, tan rã năm 1929) và tại Thái Lan có Hội Thân Ái trong cộng đồng người Đông Dương, nơi Hồ Chí Minh thường xuyên đến trong giai đoạn này.

Khoảng năm 1928, dường như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã thực sự trở thành tổ chức bí mật hoạt động mạnh nhất cả nước. Hội lấy nguồn tài chính chủ yếu nhờ vào việc khai thác xưởng sửa chữa và cho thuê xe du lịch ở Hà Nội. Người phụ trách cơ sở kinh doanh này, Đỗ Ngọc Du (bí danh Phiếm Chu) được coi là cán bộ tài chính đầu tiên của Đảng. Trong khi đó, Việt Nam Quốc dân Đảng, đảng dân tộc chủ nghĩa tiểu tư sản, hoạt động nhờ vào ngành công nghiệp khách sạn.

Cuối những năm 20 ở Việt Nam đánh dấu một tiến trình song song: các cuộc biểu tình tăng cao, như các cuộc đấu tranh của học sinh – sinh viên, và nhiều tổ chức dân tộc chủ nghĩa được hình thành hoặc củng cố. Cùng thời gian với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt Cách mạng Đảng ra đời. Tổ chức này chủ yếu có thành viên là sinh viên và các cựu tù chính trị vừa được thả ra từ nhà tù Côn Đảo. Sau Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đây là tổ chức có tính cách mạng mạnh mẽ nhất.

Nguyễn An Ninh, một trí thức vừa trở về từ Pháp và từng xuất bản tờ báo La Cloche fêlée (Chuông rè), đã lấy cảm hứng từ các nhà tư tưởng của Cách mạng Pháp để thành lập một phong trào bí mật. Tuy nhiên, phong trào này không thể tổn tại sau khi Nguyễn An Ninh bị bắt vào năm 1926, rồi tiếp đó vào năm 1929. Tổ chức của Nguyễn An Ninh giới hạn hoạt động ở Nam Kỳ. Tương tự là giáo phái chính trị – tôn giáo Cao Đài; giáo phái này đã cố gắng dung hòa các yếu tố của Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo và các tín ngưỡng dân gian, tích hợp nhiều nhân vật lịch sử vào giáo lý của mình. Trung tâm của giáo phái này là thành phố Tây Ninh sau này đã trở nên rất quyền lực. Nhưng tổ chức có vai trò nổi bật nhất vào năm 1929 – 1930 là Việt Nam Quốc dân Đảng, thành lập năm 1927 bởi một giáo viên ở Bắc Kỳ, Nguyễn Thái Học.

Ông Nguyễn An Ninh (1900 – 1943)

Phong trào dân tộc và các cuộc đấu tranh xã hội mở rộng sẽ sớm đặt ra vấn đề cho tương lai của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên. Việc đánh giá chính xác các cuộc tranh luận và khác biệt lúc bấy giờ khá khó khăn, những việc này dẫn đến sự hình thành của ba tổ chức cộng sản, sau này được Hồ Chí Minh thống nhất. Mặc dù những tranh luận này rất quan trọng, chúng ta chỉ có thể cố gắng phác thảo ngắn gọn các bước phát triển của chúng. Năm 1928, tình hình tiến triển nhanh chóng, Quốc tế Cộng sản đưa ra “bước ngoặt cánh tả” của “thời kỳ thứ ba”[7], quyết định thành lập các Đảng Cộng sản ở khắp mọi nơi. Một đại diện Đông Dương tham gia vào các cuộc thảo luận tên là An. An cố gắng chứng minh rằng ở Việt Nam có những điều kiện để thành lập một đảng vô sản thật sự, trái ngược với quan điểm đánh giá thấp tầm quan trọng chính trị tiềm tàng của giai cấp công nhân thuộc địa trong luận điểm của Quốc tế Cộng sản, “một giai cấp vô sản” đã hình thành ở các “trung tâm công nghiệp lớn” của đất nước. Một tình thế cách mạng đang chín muồi: “Từ thời Toàn quyền Varenne, chúng ta có thể nhìn rõ vai trò của giai cấp tư sản dân tộc”. An kết luận bằng cách kêu gọi Quốc tế Cộng sản: “Ở đất nước này […] nơi chúng ta chứng kiến […] những cuộc biểu tình lớn lao […]; ở đất nước này, nơi giai cấp vô sản ngày càng đông đảo, nơi sự cấp tiến hóa của quần chúng diễn ra từ từ, nơi giai cấp tư sản công khai vai trò của mình; ở đất nước này, quần chúng chưa có tổ chức và vì lẽ đó còn chưa mạnh. Quốc tế Cộng sản cần chú ý đến việc thành lập một Đảng Cộng sản Đông Dương. Cần phải nghiên cứu việc thành lập các công đoàn để tập hợp công nhân và các tổ chức để quy tụ nông dân. Chỉ khi đó công nhân và nông dân mới có thể giải phóng hoàn toàn và triệt để”[8].

Tuy vậy, việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn cần thêm 2 năm nữa và đã tạo ra nhiều phân chia và phản kháng. Đó là do Quốc tế Cộng sản hay do các lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu? Rất khó để trả lời. Dù sao, việc thành lập chi bộ Đông Dương của Quốc tế Cộng sản gây nên một số vấn đề ở Moskva. Năm 1929, một yêu cầu gia nhập của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị từ chối. Phải đến tháng 4 năm 1931, sau khi bản Chương trình hành động mang tính chính thống hơn được đưa ra, Đảng Cộng sản Đông Dương mới chính thức được công nhận là chi bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản.

Tại Việt Nam, dù tình hình không mang tính cách mạng rõ rệt, nhưng các cuộc đấu tranh xã hội ngày càng sâu sắc hơn. Báo Thanh Niên dường như cũng mở rộng phạm vi hoạt động của mình. Trong hồi ký, Nguyễn Công Hòa – thành viên Đoàn Chủ tịch Đại hội Công Đoàn Việt Nam lần thứ II – đã kể lại cách một tờ truyền đơn của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên “làm xôn xao” dư luận Hải Phòng: truyền đơn này kêu gọi “lật đổ bọn thực dân và phong kiến để nhà máy thuộc về công nhân, ruộng đất về tay nông dân”[9]. Việc phát tán những truyền đơn như vậy vô cùng nguy hiểm: người ta thường đặt truyền đơn trên dây chuyền sản xuất ở nhà máy, trên nóc một chiếc ô tô đang nổ máy trên đường, v.v. Nhiều công nhân khi đó bắt đầu làm quen với chữ Quốc ngữ để đọc hoặc viết truyền đơn. Trong năm 1928, một số lượng lớn lao động bị tuyển mộ để đưa đến các đồn điền cao su, các mỏ khai thác than ở Tân Caledonie, hoặc các thuộc địa khác của Pháp ở Thái Bình Dương. Những biện pháp cưỡng bức lao động trá hình này gây nên sự bất bình sâu sắc trong dân chúng, báo Thanh Niên đã lên tiếng kêu gọi nông dân: “Ơi đồng bào! Hỡi đồng bào! Bao khổ đau, bao bất hạnh! Bọn đế quốc Pháp […] đã dồn chúng ta vào cảnh làm trâu làm ngựa […] Bây giờ, chúng còn tìm cách dụ dỗ để đưa chúng ta đi làm phu đồn điền cao su, thậm chí đến tận các đảo Thái Bình Dương. […] Đừng để mình rơi vào bẫy của chúng! Đồng bào ơi! Hãy đứng lên và cùng nhau đòi lại quyền lợi của mình! Đả đảo bọn đế quốc!”[10]

Ngày 9 tháng 2 năm 1929, các thành viên của một tổ chức dân tộc chủ nghĩa, Việt Nam Quốc dân Đảng, ám sát chủ mộ phu Bazin. Hà Nội và Sài Gòn sục sôi với làn sóng chống thực dân. Tờ Thanh Niên đã tạo ảnh hưởng tới công đoàn Sài Gòn – Chợ Lớn nhờ vào hoạt động của công nhân Ba Son và việc một lãnh đạo của công đoàn này – Tôn Đức Thắng – gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Phong trào cũng lan rộng ra nhiều trường trung học và các trường tư thục. Các truyền đơn bí mật xuất hiện ngày càng nhiều. Chính trong bối cảnh đó, cuộc tranh luận về việc chính thức thành lập một Đảng Cộng sản nổi lên trong nội bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tuy nhiên không hề dễ dàng để đạt tới sự nhất trí! Kỳ bộ Bắc Kỳ ủng hộ việc thành lập.

Đầu năm 1929, một hội nghị trù bị cho Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên diễn ra tại Hồng Kông. Trần Văn Cung, đại biểu của Kỳ bộ Bắc Kỳ, khi trở về thông báo rằng Ban Chấp hành Trung ương Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không đồng ý. Trước tình hình đó, Kỳ bộ Bắc Kỳ đưa ra hai quyết định: chuẩn bị cho cuộc đấu tranh tại Đại hội toàn quốc và ngay lập tức (cuối tháng 3 năm 1929) thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên. Chi bộ này gồm 8 thành viên, trong đó có Trần Văn Cung (bí danh Quốc Anh), Ngô Gia Tự (bí danh Ngô Sĩ Quyết)[11], Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh[12] và Dương Hạc Đính. Chi bộ này mang tên Chi bộ Hàm Long, đặt theo địa điểm thành lập: số 5D, phố Hàm Long, Hà Nội.

Số nhà 5D, phố Hàm Long. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Việt Nam)

Khu vực phía Bắc là nơi hoạt động mạnh mẽ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Khu vực này tổ chức hội nghị vào tháng 4, ủng hộ các quan điểm của Kỳ bộ và kêu gọi tiếp tục chiến dịch “vô sản hóa” (cử các nhà hoạt động đến làm việc tại các mỏ, nhà máy, đồn điền…) Đại hội toàn quốc được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 9 tháng 5 tại Hồng Kông, vắng mặt Hồ Chí Minh. Đại hội có sự tham dự của các đại biểu từ ba miền Việt Nam (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) và từ Trung Quốc. Theo Thép Mới, “một số đại biểu miền Trung và miền Nam đã ủng hộ việc thành lập đảng ngay lập tức, nhưng đa số vẫn chưa nhận ra tính cấp thiết của vấn đề […] Ban Chấp hành Trung ương khi đó lại ở xa, không nắm được tình hình trong nước”[13] (Ban Chấp hành Trung ương đặt tại Quảng Châu). Một thành viên trong Ban Chấp hành, Lâm Đức Thụ, phản đối kịch liệt và dường như áp đảo chính trị tại đại hội. Ông chủ trì và quyết định đình chỉ, cấm mọi thảo luận về việc thành lập đảng với lý do “chính trị và quy chế”. Ông lập luận rằng đại hội tại Hồng Kông là của Hội Thanh niên, không phải một tổ chức cộng sản. Quyết định được thông qua gồm:

1. “Không thảo luận về việc thành lập Đảng Cộng sản, vì vấn đề này không liên quan đến Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

2. Cho phép các đại biểu chỉ thảo luận những vấn đề liên quan đến Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, không phải Đảng Cộng sản”[14].

Quyết định này dẫn tới việc chia rẽ. Mặc dù Kỳ bộ Bắc Kỳ chiếm đa số thành viên trong Hội (900 trong tổng số 1500 vào năm 1929), hai đại biểu miền Bắc là Ngô Gia Tự và Trần Văn Cung rời khỏi đại hội để quay về Việt Nam. Một đại biểu khác, Dương Hạc Đính[15], từ chối rời đi, trong khi đại biểu thứ tư, Nguyễn Tuân (hay Kim Tôn), đứng về phía Ngô Gia Tự và Trần Văn Cung.

Cuộc tranh luận trở nên gay gắt thể hiện qua bản tuyên ngôn công bố ngày 1/6/1929 của những người rời đại hội Hồng Kông. Tuyên ngôn chỉ trích Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là “[…] một tổ chức dân tộc chủ nghĩa có xu hướng xã hội chủ nghĩa, một nhóm không nghiêm túc, đề cao cách mạng quốc gia và cách mạng thế giới nhưng chưa bao giờ tập trung vào quần chúng vô sản, không gia nhập Quốc tế Cộng sản – cơ quan duy nhất của cách mạng thế giới, ngược lại còn tìm cách tham gia vào Đại hội lần II của Quốc dân Đảng Trung Quốc – một đảng phản động và chống vô sản”[16].

Ngày 17/6/1929, nhóm cộng sản thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng với sự tham gia của 20 đại diện từ các tổ chức cộng sản mới thành lập ở miền Bắc. Họ loại trừ đại biểu Dương Hạc Đính và kết nạp hai thành viên mới là Nguyễn Phong Sắc (sau này vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương)[17] và Trần Tư Chính (hay Bang Thông).

Ông Nguyễn Phong Sắc. Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam.

Đại hội thông qua một tuyên ngôn về chủ nghĩa cộng sản, tình hình Việt Nam và chiến lược cách mạng. “Vì thiếu thời gian để đào sâu tất cả các vấn đề này, chúng tôi chỉ thông qua các khẩu hiệu tóm tắt chương trình của đảng và soạn thảo các điều lệ theo mẫu của Quốc tế Cộng sản. Khi đảng đã hình thành, các lãnh đạo phân chia công việc mở rộng đảng ra khắp cả nước và ấn định cuộc họp tiếp theo vào dịp Tết sau đó. Lúc đó, họ sẽ có thời gian để phát triển chính sách của đảng và làm cho nó trở nên cụ thể hơn”[18].

Ngay sau khi thành lập, Đông Dương Cộng sản Đảng đã lãnh đạo nhiều cuộc đình công của công nhân. Các tổ chức công đoàn phát triển mạnh mẽ. Nguyễn Đức Cảnh thay mặt Đảng tổ chức Hội nghị đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất vào ngày 28/7/1929 tại Hà Nội, với sự tham dự chủ yếu của các đại biểu Bắc Kỳ (từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và các mỏ than như Đông Triều, Mạo Khê). Đại hội thông qua Chương trình Hành động, điều lệ, Trần Văn Lan (bí danh Giáp)[19] được bầu làm Hội trưởng ban trị sự Tổng công hội Bắc Kỳ.

Đông Dương Cộng sản Đảng đã nỗ lực mở rộng phạm vi hoạt động trong cả nước và khẳng định sự hiện diện của mình bằng cách treo cờ đỏ với biểu tượng búa liềm, đồng thời căng băng rôn đỏ ở những con đường đông đúc. Ngô Gia Tự chịu trách nhiệm tổ chức đảng tại Nam Bộ, cùng với Lê Văn Lương. Cả hai là những người di cư từ miền Bắc, sống nhờ sự giúp đỡ của một thành viên đảng, người làm đầu bếp kiêm quản gia cho một chủ ngân hàng Pháp, người chủ này thường đi vắng nửa năm; nhờ vào việc tự cắt giảm chi phí mà ông chủ đưa, người đầu bếp kiêm quản gia đã chăm sóc họ. Nhờ vậy, tại Sài Gòn có khoảng bảy đến tám “thành viên thường trực” của đảng in và phân phát các tài liệu, truyền đơn của Đông Dương Cộng sản Đảng. Trần Văn Cung (bị bắt sớm) và Nguyễn Phong Sắc chịu trách nhiệm phát triển ảnh hưởng của đảng tại miền trung Việt Nam. Vào tháng 9 năm 1929, ông Sắc đã thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở tỉnh Nghệ An, nơi một năm sau nổ ra phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trước thành công của Đông Dương Cộng sản Đảng và sự mở rộng dần về phía Trung và Nam Việt Nam, Tổng bộ Thanh niên và Kỳ bộ Nam Kỳ đã thành lập tổ chức cộng sản thứ hai vào tháng 10 năm 1929, gọi là An Nam Cộng sản Đảng.

Đàn áp ngày càng trở nên gay gắt. Một thành viên Đông Dương Cộng sản Đảng là Nguyễn Tuân (bí danh Kim Tôn) dưới sức ép của tra tấn đã khai báo, Ngô Gia Tự bị truy lùng. Tháng 11, các cuộc khám xét tại Sài Gòn đã phát hiện các cơ quan bí mật của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng. Trần Văn Cung và Vương Thúc Oánh bị kết án tử hình. Các thành viên của Tân Việt Cách mạng Đảng thành lập một tổ chức cộng sản thứ ba! Đó là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Các cuộc tiếp xúc bắt đầu hướng tới việc thống nhất, nhưng trong khi Nguyễn Phong Sắc đề xuất rằng Đông Dương Cộng sản Đảng chỉ tiếp nhận các cá nhân từ Tân Việt Cách mạng Đảng thì Minh Khai[20] yêu cầu hợp nhất cả hai tổ chức còn lại.

Trong suốt thời gian này, Hồ Chí Minh không có mặt tại Việt Nam. Từ năm 1928 – 1929, ông ở Xiêm dưới bí danh “Thầu Chín”. Ngày 3/2/1930, ông chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản tại Hồng Kông, Trung Quốc. Các đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng (Nguyễn Thiệu), Đông Dương Cộng sản Đảng (Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu) tham gia hội nghị. Đại diện của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không đến kịp.

Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) với tư cách đại diện của Quốc tế Cộng sản đã nhanh chóng hợp nhất ba tổ chức thành một: Đảng Cộng sản Việt Nam. Trụ sở Trung ương của Đảng mới thành lập chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, đầu tiên đặt tại Hải Phòng, sau đó là Sài Gòn. Dường như chỉ có Nguyễn Ái Quốc tiếp tục đóng vai trò quan trọng từ bên ngoài, trong khi các lãnh đạo khác chủ yếu phụ trách liên lạc và truyền tin.

Hội nghị thông qua một “Chương trình tóm tắt” với quyết định thành lập các tổ chức quần chúng như Công hội đỏ, Hội Nông dân đỏ, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Phụ nữ Giải phóng, Liên minh Phản đế tại Việt Nam. Hội nghị Trung ương lần thứ nhất tổ chức tại Hồng Kông vào tháng 10 năm 1930. Hội nghị thông qua các luận cương chính trị và bầu Tổng Bí thư là Trần Phú. Đảng đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Việc hình thành Đảng Cộng sản Đông Dương là một quá trình lịch sử phức tạp, nơi chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc tế và sự trung thành với Quốc tế Cộng sản đan xen một cách phức tạp. Thời gian hình thành kéo dài cũng là một yếu tố độc đáo khi so sánh với thời gian một năm để Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập, sau khi các nhà hoạt động chủ nghĩa Marx tiếp xúc với Quốc tế Cộng sản.■

Pierre Roussette

Lê Hằng Nga (dịch)

Chú thích:

[1] Chính vào năm 1924, khi Lênin qua đời, cuộc đấu tranh chính trị bùng nổ trong nội bộ Đảng Cộng sản Bolshevik, rồi lan rộng ra Quốc tế Cộng sản, giữa các phe đối lập sẽ hình thành sau này: phe tả Trotskist, các dòng tư tưởng Zinoviev và Bukharin, sự trỗi dậy của bộ máy quan liêu đại diện bởi Stalin. (Các chú thích trong bài là của tác giả, trừ khi có ghi chú khác)

[2] Mikhail Markovich Borodin (1884-1951) là nhà cách mạng Bolshevik và là đại diện của Quốc tế Cộng sản ở Trung Quốc. (ND)

[3] Các tài liệu Việt Nam thường ghi nhận rằng việc thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên diễn ra vào tháng 3 năm 1930. Tuy nhiên, từ trước khi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Hồ Chí Minh (khi đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) đã tập hợp một nhóm nòng cốt các nhà hoạt động cộng sản trong Cộng sản đoàn. Theo J. Lacouture, chi bộ đầu tiên này gồm 9 thành viên, trong đó có Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong – hai người ở cuối gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (J. Lacouture, Ho Chi Minh, Le seuil, tr. 45).

[4] Tóm lược bởi Nguyễn Khắc Viện, Histoire du Vietnam, Editions sociales, 1974, trang 154 hoặc Etudes vietnammiens, số 24, Editions en langues étrangère, Hanoi, trang 88. Nguyễn Khắc Viện là chủ biên tạp chí Etudes vietnammiens và tờ nhật báo Le courrier du Vietnam. Trích bởi J. Lacouture, Ho Chi Minh, đã dẫn, tr. 41.

[5] Theo Christiane Rageau, Ho Chi Minh, Editions universitaire, tr. 53.

[6] Hoàng Quốc Việt từng là nhân viên tại các mỏ than ở Mạo Khê (miền Bắc Việt Nam) vào năm 1925. Sau khi gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ông trở thành thành viên của Đông Dương Cộng sản Đảng và lãnh đạo của các cuộc đình công của công nhân bốc xếp tại Sài Gòn những năm 1930 – 1931. Sau đó, ông bị kết án 5 năm tại nhà tù Côn Đảo, được trả tự do năm 1936. Cùng với Trường Chinh, ông thành lập báo Lao Động, lúc đó là cơ quan ngôn luận của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Năm 1939, ông hoạt động bí mật, trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1940, đồng sáng lập Việt Minh năm 1941. (B. Fall, Le Viet-Minh, A. Colin, 1960, tr. 296-297).

[7] Giữa những năm 1924 – 1928, bộ máy quan liêu đang lên ở Liên Xô đã củng cố quyền lực của mình bằng cách đè bẹp phe đối lập cánh tả và các lực lượng thuộc giai cấp công nhân. Tuy nhiên, vào năm 1928, nó đối mặt với đe dọa từ việc gia tăng sức mạnh của các lực lượng “phục hồi” nội bộ (như tầng lớp nông dân giàu và giới công nghiệp). Bộ máy quan liêu dưới quyền Stalin sau đó đã có bước ngoặt mạnh mẽ, chuyển từ đường lối hữu khuynh trước đó sang “chính sách tả khuynh” mang tên “giai đoạn thứ ba” của Quốc tế Cộng sản, dựa trên quan điểm “giai cấp đấu tranh”.

[8] Theo Christiane Rageau, Ho Chi Minh, đã dẫn, tr. 67-69.

[9] Theo Thép Mới, “De 1929 à 1930, La Naissance du Parti communiste indochinois”, Le courrier du Vietnam, số 34, tháng 3/1975, tr. 3. Thời điểm đó, Nguyễn Công Hòa cố gắng gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhưng không gặp được một thành viên nào của tổ chức này.

[10] Thép Mới, “De 1929 à 1930 …”, đã dẫn, tr. 4. Xem thêm Pierre Brocheux, “Le Prolétariat des plantations d’hévéas (1927-1930)”, Le Mouvement social, số 90, tháng 1-3/1975. Tác giả mô tả việc thành lập và hoạt động của một chi bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại đồn điền Phú Riềng giai đoạn 1928 – 1930. Đồn điền này chứng kiến một cuộc đình công rất lớn vào tháng 2 năm 1930. Các cuộc đấu tranh của công nhân tại các đồn điền cao su đã bắt đầu từ năm 1926 – 1927.

[11] Ngô Gia Tự, hay Sĩ Quyết, Tự Hay, trở thành Bí thư Xứ ủy của Kỳ bộ Nam Kỳ. Bị bắt vào năm 1930, ông mất do đuối nước khi trốn thoát khỏi nhà tù Côn Đảo vào tháng 1 năm 1935.

[12] Nguyễn Đức Cảnh là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương của Đông Dương Cộng sản Đảng và phụ trách Tổng Công hội đỏ.

[13] Thép Mới, “De 1929 à 1930…”, đã dẫn, tr. 5. Trong khi Thép Mới nhấn mạnh về “cơ hội” chính trị của Lâm Đức Thụ thì Nguyễn Khắc Viện lại đưa ra cách giải thích ôn hòa hơn: đa số đại biểu tại đại hội chỉ hoãn lại việc thành lập Đảng Cộng sản “để có đủ thời gian chuẩn bị”. Xem thêm Histoire du Vietnam, đã dẫn, tr. 158. Mặc dù không phê phán một số lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ông dường như thừa nhận sự chậm trễ của họ khi viết: “Dưới sức ép của các nhà hoạt động cơ sở và nhu cầu lịch sử, ba tổ chức cộng sản đã ra đời”.

[14] Theo Anh Van và Jacqueline Roussel, Mouvements nationaux et Lutte de classe au Vietnam, Publications de la IVe Internationale, 1947, tr. 49.

[15] Theo Thép Mới, ông ấy sau này đã phản bội, cũng như Lâm Đức Thụ, phụ trách công việc tại Hồng Kông (“De 1929 à 1930…”, dã dẫn, tr. 6).

[16] Theo Anh Van và Jacqueline Roussel, Mouvements nationaux…, đã dẫn, tr. 49.

[17] Nguyễn Phong Sắc lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931. Ông bị chính quyền thực dân bắt và ám sát vào tháng 5/1931.

[18] Thép Mới, “De 1929 à 1930…”, đã dẫn, tr.7. Các văn bản của đại hội chủ yếu do Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh chuẩn bị.

[19] Trần Văn Lan từng là thợ điện tại nhà máy kéo sợi ở Nam Định. Từ gốc giai cấp vô sản, ông trở thành Bí thư Chi bộ đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên của thành phố Nam Định.

[20] Đại biểu Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản năm 1935.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN