
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) là một cơ quan độc lập của Chính phủ Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm quản lý viện trợ dân sự nước ngoài và hỗ trợ phát triển toàn diện về kinh tế, an ninh, xã hội và thúc đẩy nền dân chủ trên thế giới. Sau khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức và điều hành đất nước vào cuối năm 2024, Lầu Năm Góc cho biết sẽ cắt giảm ít nhất 5% nhân viên dân sự của USAID kể từ tháng 2/2025. Đây là một phần trong chiến lược tinh giản lực lượng lao động liên bang của Tổng thống Trump, cũng là nỗ lực thu hồi những khoản tiền không hợp lý do chính sách của chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Joe Biden để lại. Cuộc điều tra và cắt giảm nhân sự USAID của ông Donald Trump đã gây ra nhiều thay đổi lớn trong nước Mỹ, nó góp phần hé lộ những “bí mật” đằng sau các hoạt động của USAID ở nước ngoài, cho thấy Mỹ đã sử dụng viện trợ nhân đạo để điều hành thế giới, can thiệp vào nội bộ các nước khác ra sao…
1. Sơ lược về Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)
Lịch sử hình thành
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) là một đơn vị thuộc Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ do Tổng thống John F. Kennedy ra chỉ thị thành lập vào tháng 11/1961, với nhiệm vụ xúc tiến các chương trình điều hành viện trợ dân sự của Mỹ cho nước ngoài, do Ngoại viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua. Cụ thể, cơ quan này thực hiện các chương trình về y tế toàn cầu, cứu trợ thiên tai, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, quản trị dân chủ và giáo dục. Với mức giải ngân trung bình hàng năm khoảng 23 tỉ đô la kể từ năm 2001, USAID là một trong những cơ quan viện trợ lớn nhất thế giới và chiếm phần lớn viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ.
Sau khi nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1/1961, John F. Kennedy đã thành lập Đoàn Hòa bình theo Sắc lệnh Hành pháp vào ngày 01/3/1961. Vào ngày 22 tháng 3, ông đã gửi một thông điệp đặc biệt tới Quốc hội về viện trợ nước ngoài, khẳng định rằng những năm 1960 nên là “Thập kỷ Phát triển” và đề xuất thống nhất cơ quan quản lý viện trợ phát triển của Hoa Kỳ thành một cơ quan duy nhất, đó chính là USAID. Ngày 4/9/1961, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Viện trợ nước ngoài, tổ chức lại các chương trình viện trợ nước ngoài và yêu cầu thành lập một cơ quan để quản lý viện trợ kinh tế. Mục tiêu của cơ quan đó là chống lại ảnh hưởng của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và thúc đẩy quyền lực mềm của Hoa Kỳ thông qua phát triển kinh tế xã hội. Đến tháng 11, Tổng thống J. Kennedy đã ký đạo luật và ban hành Sắc lệnh Hành pháp, giao cho Bộ trưởng Ngoại giao nhiệm vụ thành lập trong Bộ một đơn vị gọi là “Cơ quan Phát triển Quốc tế” (AID, sau đó đổi tên thành USAID), là cơ quan kế nhiệm cả ICA và Quỹ Cho vay Phát triển.
Ở thời điểm mới thành lập vào năm 1961, cơ quan tiền nhiệm của USAID bao gồm một đội ngũ hùng hậu, với khoảng 6.400 nhân viên người Mỹ thuộc các phái bộ thực địa đang hoạt động tại các nước đang phát triển. Tính đến nay, USAID hoạt động tại hơn 100 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh, Trung Đông và Đông Âu. Cơ quan này sử dụng khoảng 10.000 nhân viên, trong đó 2/3 làm việc ở nước ngoài, số còn lại làm việc tại trụ sở chính của USAID ở Washington DC.
Về mặt pháp lý, USAID là một cơ quan độc lập nhưng chủ yếu hoạt động theo chính sách đối ngoại của Phủ Tổng thống, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ. Với những hành động này, nước Mỹ đã chính thức thực hiện một “cuộc chơi” lớn, thông qua các phái bộ thực địa thường trú để xây dựng và phát triển một chương trình toàn cầu, làm tăng tính ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp.
Năm 1998, mặc dù Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Cải cách và Tái cấu trúc Ngoại giao, xem USAID như một “cơ quan độc lập” bên ngoài Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, song mục tiêu và cách thức hoạt động của USAID vẫn tiếp tục duy trì cho đến tận ngày nay.
Kết cấu tổ chức
Tại trụ sở Washington, USAID được lãnh đạo bởi một quản trị viên. Dưới thời chính quyền Biden, quản trị viên Samantha Power trở thành người tham dự thường xuyên của Hội đồng An ninh Quốc gia. Cơ quan đầu não của USAID được phân cấp thành các “cục” dựa trên khu vực địa lý, lĩnh vực phát triển và chức năng hành chính. Mỗi cục do một trợ lý quản trị viên đứng đầu. Các cục của USAID xét theo địa lý bao gồm: AFR – Châu Phi, Asian – Châu Á, LAC – Châu Mỹ La-tinh và Caribe, E&E – Châu Âu và Âu Á, ME – Trung Đông. Các cục chuyên ngành bao gồm: GH – Sức khỏe toàn cầu, E3 – Tăng trưởng kinh tế, giáo dục và môi trường, Cục hỗ trợ nhân đạo, DRG – Cục Dân chủ, Nhân quyền và Quản trị, LAB – Phòng thí nghiệm phát triển toàn cầu Hoa Kỳ, RFS – Khả năng phục hồi và An ninh lương thực.
Tại các nước khác, USAID được tổ chức xoay quanh các chương trình phát triển quốc gia do các văn phòng USAID thường trú tại các nước này quản lý, được hỗ trợ bởi trụ sở USAID ở Washington, DC. Mỗi văn phòng thường trú của USAID được gọi là một “phái đoàn” hay “phái bộ”, hoạt động dựa trên “thỏa thuận song phương khung” giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ nước chủ nhà. Các thỏa thuận song phương này trao cho phái đoàn những đặc quyền tương tự như những đặc quyền được trao cho đại sứ quán và các nhà ngoại giao Hoa Kỳ theo Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao năm 1961.
USAID có các phái bộ tại hơn 50 quốc gia, tham vấn với chính phủ và các tổ chức phi chính phủ của họ để xác định các chương trình sẽ nhận được sự hỗ trợ của USAID. Ở nước sở tại, các phái đoàn USAID sẽ tiến hành phân tích kinh tế xã hội, thảo luận các dự án với các nhà lãnh đạo quốc gia chủ nhà, thiết kế hỗ trợ cho các dự án đó, trao hợp đồng tài trợ, quản lý hỗ trợ và quản lý dòng tiền.
Các phái bộ của USAID do các giám đốc phái bộ lãnh đạo và được điều hành bởi các viên chức của Bộ Ngoại giao USAID và các chuyên gia phát triển từ chính quốc gia đó. Thời gian “du lịch” của một viên chức USAID ở hầu hết các quốc gia là 4 năm, để có đủ thời gian phát triển kiến thức chuyên sâu về quốc gia đó. Giám đốc phái bộ là thành viên thuộc “Nhóm quốc gia” của Đại sứ quán Hoa Kỳ, dưới sự chỉ đạo của đại sứ Hoa Kỳ.
Các hoạt động của USAID trên toàn cầu
Một số chương trình viện trợ nước ngoài đầu tiên của USAID bao gồm cung cấp cứu trợ cho các cuộc khủng hoảng do chiến tranh gây ra. Năm 1915, USAID đã hỗ trợ ngăn chặn nạn đói ở Bỉ sau cuộc xâm lược của Đức. Sau Thế chiến II (năm 1945), Chương trình phục hồi châu Âu (Kế hoạch Marshall) của USAID đã giúp xây dựng lại Tây Âu. USAID cũng góp mặt trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như bệnh dịch, ô nhiễm môi trường, thiên tai, hỗ trợ các dự án bảo tồn và bảo vệ đất đai, nước, rừng và động vật hoang dã đang bị đe dọa, giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng khả năng phục hồi trước những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu.
Khi Quân đội Hoa Kỳ ở thực địa, USAID còn tham gia vào công tác “vận động dân sự”, giúp quân đội giành được tình hữu nghị của người dân địa phương. Các viên chức ngoại giao tại Afghanistan, Pakistan… những nơi có Quân đội Hoa Kỳ tham chiến, đã trực tiếp tham gia chỉ đạo hoạt động này của USAID.
Tại những đất nước thu nhập thấp, USAID đã triển khai các chương trình xóa mù chữ, cứu trợ đói nghèo, dịch vụ y tế công cộng, giáo dục, phát triển kinh tế – xã hội… Thông qua các khoản tài trợ và hợp đồng, USAID huy động toàn bộ nguồn lực kỹ thuật của khu vực tư nhân và các cơ quan chính phủ, trường đại học và tổ chức phi chính phủ khác của Mỹ để tham gia vào hoạt động hỗ trợ toàn diện, giúp các quốc gia có thu nhập thấp cải thiện quản lý nguồn lực, hàng hóa, tài chính…
USAID đi sâu vào đời sống các nước sở tại, tiếp cận trực tiếp với nguồn nhân lực chất lượng cao ở các nước này thông qua hoạt động đào tạo, huấn luyện chuyên môn và khả năng lãnh đạo cho người bản địa. USAID tài trợ học bổng cho những người có tố chất, năng lực ở nước sở tại, cho họ đi học tại các trường đại học Hoa Kỳ thông qua các học bổng như Fulbright, chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ, hỗ trợ các trường đại học địa phương thiết lập quan hệ đối tác với các trường đại học Hoa Kỳ.Cuộc thi phần mềm nguồn mở quốc gia tại Indonesia chính là một ví dụ về sự hỗ trợ tài chính của USAID để tiếp cận các nhóm phát triển công nghệ tại nước này.
Điều đáng nói là những chương trình hỗ trợ của USAID có xu hướng nhấn mạnh vào hỗ trợ tài chính thay vì hỗ trợ kỹ thuật, thậm chí viện trợ không hoàn lại. Chính thông qua USAID, nước Mỹ đã tạo ra một tầm ảnh hưởng đáng kể của mình đối với toàn cầu, nhất là tại các quốc gia đang phát triển, các nước mà Mỹ vốn sẽ được hưởng những lợi ích đáng kể, lâu dài nếu USAID tiếp tục hoạt động và truyền đi thông điệp về một nước Mỹ “giàu có, hào phóng” ở đây.
Đặc biệt, USAID còn tham gia rất sâu vào các dự án do văn phòng Dân chủ hỗ trợ, đó là các dự án dành riêng để “cải thiện” thể chế chính trị của đất nước đó, bao gồm hoạt động bầu cử, đảng phái chính trị, cơ quan lập pháp và các tổ chức nhân quyền. Các đối tác bao gồm khu vực tư pháp và các tổ chức xã hội dân sự giám sát hiệu suất của chính phủ. Hỗ trợ dân chủ đã nhận được động lực lớn nhất vào thời điểm thành lập các quốc gia kế thừa Liên Xô bắt đầu vào khoảng năm 1990, tương ứng với cả mục tiêu của USAID là hỗ trợ các lợi ích song phương của Hoa Kỳ và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của USAID.
USAID đứng sau các hoạt động thay đổi thể chế chính trị ở nhiều nước
Dễ nhận thấy, ẩn sau những hoạt động viện trợ nhân đạo, những mục tiêu nhân văn của mình, USAID đã tham gia trực tiếp vào việc can thiệp, làm thay đổi thể chế chính trị, hỗ trợ cho các cuộc “Cách mạng màu” ở nhiều nước, đặc biệt là các nước Đông Âu sau khi Liên Xô sụp đổ, cho tới các nước đang phát triển ở Trung Đông, Mỹ – Latin, châu Á…
Trong 20 năm trước cuộc chiến Nga – Ukraine, USAID đã phân bổ khoản tiền 115 triệu đô la viện trợ cho các hoạt động liên quan đến chính trị và xã hội dân sự ở Ukraine. 16 tỷ đô la được giải ngân vào năm 2023 đã khiến năm này trở thành năm chi tiêu cao nhất của USAID với 36,6% số tiền được chi tiêu nhằm hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Ở Liên bang Nga, USAID hoạt động từ năm 1992 đến năm 2012. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, USAID đã chi khoảng 2,7 tỷ USD cho các hoạt động tại Nga. Riêng trong năm 2012, ngân sách của USAID chi cho các hoạt động ở Nga vào khoảng 50 triệu USD. Theo thống kê của phía Nga, khoảng 40 % ngân sách của USAID được chi trực tiếp cho các tổ chức phi chính phủ ở Nga. Mặt trái của “tấm huân chương USAID” ở Nga là hơn một nửa số tiền viện trợ của USAID tại Nga được chi cho những hoạt động được gọi là “bảo vệ nhân quyền” và “thúc đẩy dân chủ”, nhưng thực chất là vận động nước Nga đi theo “mô hình dân chủ” của phương Tây. Tác động này thể hiện ở những mức độ khác nhau trong 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (1992 – 2000) dưới thời Tổng thống Nga Boris Yeltsin, USAID sử dụng viện trợ thông qua các tổ chức phi chính phủ nhằm định hướng nước Nga đi theo mô hình dân chủ phương Tây, nhưng trên thực tế đã đẩy nước Nga tiếp tục lún sâu vào cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị và kinh tế – xã hội.
Giai đoạn 2 (2000 – 2008), trong giai đoạn này, Tổng thống Nga V. Putin đã quyết định đoạn tuyệt với “mô hình dân chủ phương Tây” và đưa nước Nga đi theo mô hình “dân chủ có chủ quyền” nhằm xây dựng và phát triển một nước Nga mới. Do đó trong thời kỳ này, một số tổ chức phi chính phủ của nước ngoài nhận tiền tài trợ từ USAID đã tham gia các hoạt động nhằm loại bỏ ông Vladimir Putin ra khỏi chính trưởng nước Nga mà đỉnh điểm là chiến dịch cổ súy cho nhà tỷ phú Nga Mikhail Khodorcovski ra tranh cử tổng thống Nga vào năm 2004. Chiến dịch này đã thất bại sau quyết định của Chính phủ Nga bắt giam nhân vật này vào năm 2003 do vi phạm pháp luật Nga trong hoạt động kinh doanh.
Giai đoạn 3 (2008 – 2012), trùng với nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Nga Mevedev. Đây là thời gian các tổ chức phi chính phủ mọc lên như nấm ở Nga núp dưới chủ trương “cài đặt lại” quan hệ với Moscow để tác động sâu vào các quá trình chính trị ở quốc gia này. Đây cũng là thời kỳ các tổ chức phi chính phủ ở Nga nhận tài trợ nhiều nhất của USAID để tổ chức các hoạt động gây bất ổn chính trị ở Nga mà đỉnh điểm là chiến dịch tẩy chay cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia Nga cuối năm 2011 và cuộc bầu cử tổng thống Nga đầu năm 2012.
Để chuẩn bị cho chiến dịch bầu cử ở Nga vào năm 2012, ngay từ năm 2007, Ủy ban quan hệ quốc tế của Hạ viện Mỹ tổ chức các cuộc điều trần để thông qua quyết định xây dựng cơ sở luận chứng cho một chiến dịch quy mô lớn nhằm tác động vào các cuộc bầu cử sắp tới ở Nga, cũng như xác định hình thức và phương pháp gây ảnh hưởng của Mỹ đối với các hoạt động này.
Tham gia các cuộc điều trần đó có các chuyên gia phân tích chính trị hàng đầu của Mỹ chuyên nghiên cứu về Nga, trong đó có Michael McFaul, từng là Giám đốc phụ trách Ban Nghiên cứu về Nga và lục địa Á – Âu thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, người về sau được Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm vào cương vị Đại sứ của Mỹ ở Nga vào cuối năm 2011. Michael McFaul không chỉ là người đề xuất chủ trương “cài đặt lại” quan hệ Mỹ – Nga, mà còn là một chuyên gia nghiên cứu về Nga. Ông đã từng viết 20 cuốn sách và nhiều bài báo về tình hình chính trị nội bộ ở Nga và có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các cuộc “cách mạng sắc màu” trong không gian hậu Xô Viết. Trong các cuộc điều trần đó, Michael McFaul đã đưa ra những đề xuất cụ thể và thực tế để thực hiện chiến dịch phá hoại cuộc bầu cử Tổng thống ở Nga vào năm 2012.
Kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định kiểm soát chặt hơn đối với hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ của nước ngoài. Do đó, vào tháng 9/2012, chính quyền Nga đã cho đóng cửa văn phòng USAID tại nước này. Lý do chính thức phía Nga đưa ra là USAID đã thông qua hoạt động tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ để gây ảnh hưởng tiêu cực tới các tiến trình chính trị, các thiết chế xã hội dân sự và các cuộc bầu cử.
Ở khu vực Mỹ – Latin, USAID cũng trở thành “công cụ trực tiếp” giúp Mỹ can thiệp, thay đổi chế độ ở Cuba với “chiến dịch” ZunZero nổi tiếng. Cụ thể, từ năm 2009 đến năm 2012, USAID đã điều hành một chương trình trị giá hàng triệu đô la, được ngụy trang dưới dạng viện trợ nhân đạo và nhằm mục đích kích động nổi loạn ở nước này. Chương trình bao gồm hai hoạt động: một là thiết lập một mạng lưới xã hội chống chế độ có tên là ZunZuneo, và hoạt động còn lại là thu hút những người bất đồng chính kiến tiềm năng, thông qua mạng lưới điệp viên đóng giả là khách du lịch và nhân viên cứu trợ. Bằng cách đó, USAID đã thiết kế một chương trình tinh vi, sử dụng phương tiện truyền thông xã hội nhằm mục đích thúc đẩy bất ổn chính trị ở Cuba để lật đổ chính phủ nước này.
Vào ngày 3/4/2014, Associated Press (AP) đã công bố một báo cáo điều tra tiết lộ rằng USAID đứng sau việc tạo ra một dịch vụ nhắn tin văn bản mạng xã hội nhằm mục đích tạo ra sự bất đồng chính kiến và kích động một cuộc nổi dậy chống lại chính phủ Cuba. Dịch vụ nhắn tin này được ra mắt vào năm 2010 và đạt được 40.000 người theo dõi vào thời kỳ đỉnh cao.
Theo báo cáo của AP, kế hoạch ban đầu của USAID là tiếp cận đối tượng khán giả phổ thông bằng cách trình bày các nội dung không gây tranh cãi như thể thao, âm nhạc và thời tiết. Khi đã đạt đến khối lượng người dùng lớn, các nhà điều hành USAID sẽ thay đổi nội dung để khơi dậy sự bất đồng chính kiến và huy động người dùng vào các cuộc tụ tập chính trị có tổ chức được gọi là “đám đông thông minh”, từ đây kích hoạt một cuộc nổi dậy chống lại chính phủ Cuba.
Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để che giấu sự tham gia của USAID vào chương trình này, bằng cách sử dụng các tài khoản ngân hàng nước ngoài, các công ty bình phong và máy chủ đặt tại nước ngoài. Do đó, những người đăng ký ZunZuneo không bao giờ biết rằng dịch vụ này được chính phủ Hoa Kỳ tạo ra và USAID đang thu thập dữ liệu cá nhân của họ để có được thông tin nhân khẩu học hữu ích nhằm đánh giá mức độ bất đồng chính kiến của họ, giúp USAID “tối đa hóa khả năng mở rộng phạm vi tiếp cận”.
Tháng 6/2012, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc Liên minh Bolivia (gồm Bolivia, cuba, Ecuador, Dominica, Nicaragua, Venezuela) đã thống nhất ký Nghị quyết lên án các hoạt động chính trị phi pháp của USAID. Theo Nghị quyết đó, ở các nước Mỹ La-tinh, USAID đã nhiều lần bị “bắt quả tang” tham gia các hoạt động lật đổ các chính phủ được bầu hợp pháp. Trong tất cả các cuộc đảo chính hoặc âm mưu đảo chính nhà nước ở một số nước Mỹ Latin đều có sự tham gia của các nhân viên thuộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ hoạt động dưới danh nghĩa USAID. Những nhân viên này tham gia tuyển chọn người lãnh đạo của các lực lượng đối lập, viện trợ tài chính và tiến hành các hoạt động tuyên truyền chống chính quyền sở tại.
Những người ủng hộ Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cho biết, mạng lưới điệp viên hoạt động dưới danh nghĩa USAID đã chuẩn bị kế hoạch tẩy chay cuộc bầu cử tổng thống ngày 7/12/2012 ở Venezuela. Theo đó nếu Tổng thống Hugo Chavez thắng lợi, họ sẽ tuyên bố kết quả bầu cử là “gian lận”.
Tại Bolivia, năm 2008, công đoàn trồng coca đã liên kết với Tổng thống Bolivia Evo Morales đã đuổi 100 nhân viên và nhà thầu khỏi USAID đang làm việc tại khu vực Chapare, với lý do họ thất vọng với những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thuyết phục họ chuyển sang trồng các loại cây thay thế không khả thi. Trong cuộc khủng hoảng chính trị tháng 9 năm 2008, Tổng thống Evo Morales đã trục xuất Đại sứ Hoa Kỳ Philip S. Goldberg và lên tiếng phản đối sự can thiệp của USAID. Vào ngày 01/5/2013, Tổng thống Evo Morales đã yêu cầu USAID đóng cửa phái bộ sau khi đã hoạt động ở quốc gia này trong 49 năm, với cáo buộc USAID đã tìm cách phá hoại chính phủ của ông.
Tại Brazil, trong thời kỳ chế độ độc tài quân sự Brazil, USAID đã khởi xướng các Thỏa thuận MEC-USAID nhằm chuyển đổi chính sách giáo dục của Brazil theo hướng gần gũi với Hoa Kỳ. USAID cũng hoạt động trong lĩnh vực an ninh công cộng và đã đào tạo cảnh sát tham gia vào hoạt động đàn áp chính trị ở Brazil từ năm 1960 đến năm 1972. Folha de S.Paulo , tờ báo lớn nhất Brazil, đã cáo buộc USAID cố gắng tác động đến cải cách chính trị ở Brazil theo cách có chủ đích có lợi cho các đảng cánh hữu. Cụ thể, USAID đã chi 95.000 đô la Mỹ vào năm 2005 cho một hội thảo tại Quốc hội Brazil để thúc đẩy cải cách nhằm thúc đẩy luật trừng phạt sự không trung thành của đảng.
Trong các cuộc Cách mạng màu ở Trung Đông đầu thập kỷ 2010 – 2015, USAID là nguồn cung cấp tài chính chủ yếu cho hầu hết các kênh, đài truyền thông, truyền hình của phương Tây như CNN, BBC… để họ tung ra các tin đồn, các bài đăng, hình ảnh, video kích động người dân biểu tình lật đổ chính quyền đương nhiệm, dựng lên thể chế mới theo kiểu phương Tây. Các chính quyền Mỹ trước Trump cũng coi USAID là công cụ tuyên truyền, định hướng dư luận quốc tế có lợi cho Mỹ và phương Tây, nhằm chống lại các đối thủ như Nga, Trung Quốc.
2. Quyết định “đóng cửa” USAID của chính quyền Tổng thống Donald Trump
Năm 2025, chính quyền Trump cáo buộc USAID “lãng phí số tiền khổng lồ của người nộp thuế” trong nhiều thập kỷ, bao gồm cả trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump từ năm 2017 đến năm 2021. Chính quyền đã trích dẫn một số dự án, bao gồm 1,5 triệu đô la cho việc hòa nhập nơi làm việc của LGBT ở Serbia. 2,5 triệu đô la để xây dựng bộ sạc xe điện ở Việt Nam, 6 triệu đô la cho hoạt động quảng bá du lịch ở Ai Cập và “hàng trăm triệu đô la” (khoản mục lớn nhất) được cho là được phân bổ để ngăn cản nông dân Afghanistan trồng cây anh túc để lấy thuốc phiện, điều này được cho là đã hỗ trợ việc trồng cây anh túc và mang lại lợi ích cho Taliban.
Vào ngày 24/1/2025, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh đóng băng gần như hoàn toàn mọi khoản viện trợ nước ngoài trong 90 ngày ngay sau khi nhậm chức, dừng tài trợ cho các chương trình từ chống lại nạn đói và ứng phó với những căn bệnh nguy hiểm gây chết người cho đến việc cung cấp nơi trú ẩn cho hàng triệu người phải di dời trên toàn cầu.
Theo dữ liệu chính phủ, Mỹ đã chi 68 tỷ USD cho viện trợ quốc tế vào năm 2023. Số tiền này được phân bổ cho nhiều bộ và cơ quan, nhưng ngân sách của USAID chiếm hơn 50%, tương đương khoảng 40 tỷ USD. Chính quyền Trump chỉ chấp thuận các ngoại lệ đối với lệnh đóng băng tổng cộng 5,3 tỷ USD – chủ yếu dành cho các chương trình đảm bảo an ninh và chống ma túy, cũng như cứu trợ nhân đạo hạn chế. Theo danh sách, các chương trình của USAID chỉ nhận được ít hơn 100 triệu USD miễn trừ – so với khoảng 40 tỷ USD như trước đây.
Tổng thống Trump lâu nay không hài lòng về các khoản chi tiêu nước ngoài của Mỹ, cho rằng chúng không mang lại lợi ích đối với người dân. Ông chỉ trích USAID đặc biệt gay gắt, mô tả các quan chức cấp cao tại đây là “những kẻ điên rồ cấp tiến”, giải thích rằng, chính quyền muốn xem xét lại chi tiêu để đảm bảo nguồn tiền được phân phối phù hợp với chính sách “Nước Mỹ trên hết”.
Cùng với việc cắt giảm ngân sách, hơn 1.000 nhân viên và nhà thầu của USAID tại Mỹ cũng bị sa thải hoặc cho nghỉ việc tạm thời sau lệnh đóng băng gần như hoàn toàn viện trợ toàn cầu của Hoa Kỳ mà chính quyền Trump 2.0 thực hiện. Matt Hopson, chánh văn phòng USAID do chính quyền Trump bổ nhiệm, đã từ chức trong thời gian USAID trải qua “tuần hỗn loạn” này.
Với động thái trên, chính quyền Tổng thống Donald Trump 2.0 quyết tâm biến Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) thành mục tiêu hàng đầu trong chiến dịch tinh giản chính phủ liên bang. Một tuần sau khi Tổng thống Trump ra lệnh dừng viện trợ nước ngoài trong 90 ngày, chính quyền của ông đã sa thải hai quan chức an ninh hàng đầu tại USAID sau khi họ ngăn các đại diện thuộc Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk lãnh đạo tiếp cận khu vực an ninh để lấy tài liệu mật.
Vào ngày 3/2/2025, Elon Musk, người thực hiện chương trình cắt giảm chi phí của Trump với tư cách là một nhân viên chính phủ đặc biệt thông qua Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), đã tuyên bố ý định đóng cửa USAID. Elon Musk gọi USAID là một “tổ chức tội phạm” và điều này “không thể sửa chữa được”. Cũng vào ngày này, Ngoại trưởng Marco Rubio tuyên bố rằng ông đã được Trump bổ nhiệm làm Quyền Quản trị viên của USAID và cho biết cơ quan này đang được sáp nhập vào Bộ Ngoại giao. Tính hợp pháp của những hành động này đang gây tranh cãi chủ yếu do liên quan đến nhiệm vụ của USAID trong Đạo luật Hỗ trợ Nước ngoài.
Tổng thống Donald Trump gọi các nhà lãnh đạo USAID là “những kẻ điên cực tả”, và nhấn mạnh giới chức Mỹ đang xem xét tương lai của họ. Ông cũng thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình đối với Elon Musk, cho rằng tỷ phú Mỹ “đang làm tốt nhiệm vụ của mình” trong việc cắt giảm nhân sự chính phủ và tinh gọn những bộ phận mà đảng Cộng hòa cáo buộc gây lãng phí ngân sách.
Vào ngày 23/2, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố tất cả nhân viên USAID trên toàn thế giới sẽ nghỉ phép hành chính có lương và cắt giảm thêm 2.000 vị trí tại Mỹ. Ngày 26/02/2025, theo thông báo từ USAID, các nhân viên bị sa thải của họ sẽ được “tháp tùng” đến bàn làm việc và chỉ có 15 phút để thu dọn đồ đạc cá nhân tại trụ sở chính ở Washington. Lính canh gác an ninh hoặc thành viên của lực lượng thực thi pháp luật sẽ có mặt tại hiện trường. Các nhân viên USAID bị nghỉ việc sẽ chỉ được phép lấy đồ đạc cá nhân và không được lấy bất kỳ tài liệu, vật tư hoặc những vật dụng nào thuộc quyền sở hữu của chính phủ Mỹ.
3. Những tranh cãi xoay quanh chính sách của chính quyền Trump 2.0 đối với USAID
Động thái của chính quyền Trump 2.0 đối với USAID đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận Mỹ. Ngày 1/2/2025, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy cho rằng, USAID đang trải qua “sự phá hủy hoàn toàn” và cảnh báo rằng điều này sẽ là “thảm họa”. Những người chỉ trích, bao gồm cả các cựu quản lý của USAID, đã lên án các hành động của chính quyền Trump đối với USAID, gọi đây là “một trong những sai lầm tồi tệ nhất và tốn kém nhất về chính sách đối ngoại trong lịch sử Hoa Kỳ”. Họ lập luận rằng, việc cắt giảm ngân sách cho USAID sẽ dẫn đến mất việc làm, thiệt hại cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ và gây hại cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương trên toàn thế giới. Tổng thanh tra USAID Paul Martin đưa ra cảnh báo rằng 489 triệu đô la viện trợ lương thực nhân đạo có nguy cơ bị hỏng do cho nhân viên nghỉ phép và hướng dẫn không rõ ràng. Ngay hôm sau (11/2), Văn phòng Nhân sự Tổng thống đã sa thải Tổng thanh tra Paul Martin, mặc dù có luật yêu cầu phải thông báo trước 30 ngày cho Quốc hội trước khi sa thải Tổng thanh tra.
Bên cạnh những cựu quản lý, nhân viên hoạt động trực tiếp cho USAID, các nhà khoa học, các nhà hoạt động và các tổ chức phi chính phủ nhận viện trợ chính từ USAID… cũng đang phát đi lời cảnh báo về việc thiếu hụt ngân sách, khiến nhóm người yếu thế tại các nước thu nhập thấp, rơi vào tình thế hiểm nghèo khi không được tiếp tục hưởng nguồn viện trợ này.
Christine Stegling, Phó giám đốc điều hành của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), ước tính rằng có thể có sự gia tăng 400% về số ca tử vong liên quan đến AIDS trên toàn thế giới nếu PEPFAR không được chính thức tái cấp vốn cho USAID, đồng thời sẽ gây nguy hiểm cho khả năng tiếp cận điều trị của 20 triệu người, trong đó có 500.000 trẻ em. Theo Pio Smith, giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNFPA , lệnh đóng băng của USAID có thể dẫn đến 1200 ca tử vong ở bà mẹ và 109.000 ca mang thai ngoài ý muốn trong ba năm tới tại Afghanistan. Theo Maryam Deloffre, phó giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington, việc cắt giảm lớn viện trợ nhân đạo có thể khiến những người bên ngoài Mỹ mất quyền tiếp cận vaccine, thực phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. “Tôi nghĩ khả năng này có thể tạo ra những hệ lụy thực sự thảm khốc”, bà nói. “Tôi hy vọng chúng ta không đi đến con đường đó”.
Theo ước tính, hành động quyết liệt của chính quyền Trump sẽ dẫn đến việc tạm dừng đột ngột hơn 30 thử nghiệm lâm sàng đối với các bệnh như HIV, sốt rét, bệnh tả, ung thư cổ tử cung, bệnh lao… Nó cũng dẫn đến việc tạm dừng các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo khác, bao gồm việc cung cấp thuốc men cho những người nghèo nhất thế giới, cung cấp vaccine bại liệt ở những quốc gia mà căn bệnh này vẫn lưu hành, giúp ngăn chặn nguy cơ lây lan các loại virus có khả năng gây ra đại dịch, cứu trợ cho các bệnh viện ở Syria, các chương trình giáo dục ở Mali, nỗ lực bảo tồn sinh thái ở Amazon, viện trợ nhân đạo tại Ukraine, lắp đặt nguồn cung cấp nước sạch tại các nước nghèo…
Giới chuyên gia cũng cảnh báo rằng, việc USAID bị đóng cửa sẽ tác động sâu sắc đến tầm ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, đặc biệt là về mặt chính trị. Andrew Natsios, cựu giám đốc USAID cho biết, trên thực tế, USAID đã mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ hơn là những cáo buộc nặng nề của chính quyền Trump, nếu ta xem an ninh của Mỹ vốn gắn bó chặt chẽ với sự ổn định và tiến bộ kinh tế của các nước khác. “Những thành công của USAID không chỉ làm lợi cho nước Mỹ, mà còn mang lại lợi ích cho các nước đang phát triển”, Natsios viết. “Dù có một số thất bại về chính trị, thành công của USAID vẫn lớn hơn nhiều”.
Đối với những người ủng hộ, USAID là một nhánh không thể thiếu trong chính sách đối ngoại, thể hiện thiện chí của Mỹ, mong muốn ổn định các khu vực hứng chịu thiên tai và mở ra thị trường mới cho thương mại quốc tế. “Đó là một bộ công cụ an ninh quốc gia đã được phát triển trong hơn 60 năm”, Jeremy Konyndyk, chủ tịch tổ chức cứu trợ Người tị nạn Quốc tế, bình luận. “Và nếu nó bị phá hủy, gây dựng lại là điều không dễ dàng”.
Đối với dư luận Mỹ, nhiều chuyên gia nhận định rằng, việc đóng cửa USAID có thể được phần lớn công chúng Mỹ đồng tình. Theo Hội đồng Chicago về các Vấn đề Toàn cầu, dữ liệu thăm dò kể từ những năm 1970 cho thấy, phương án cắt giảm viện trợ nước ngoài vốn nhận được ủng hộ rộng rãi từ dư luận Mỹ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù dư luận Mỹ có thể ủng hộ các quyết định “khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Trump, và Nhà Trắng đã có những ảnh hưởng đáng kể đến USAID, song về mặt lý thuyết, quyền lực đó khá hạn chế. Sắc lệnh hành pháp mà tổng thống Kennedy ký để khai sinh USAID dựa trên Đạo luật Viện trợ Nước ngoài đã được Quốc hội Mỹ thông qua, xác nhận vị thế USAID là cơ quan hành pháp theo đúng nghĩa của nó. Điều này đồng nghĩa rằng Tổng thống Trump không thể chỉ đơn giản xóa bỏ USAID bằng cách ký một sắc lệnh hành pháp và bất kỳ nỗ lực nào để làm như vậy chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn tại Tòa án cũng như Quốc hội.
Trong thời gian tới, việc đóng cửa hoàn toàn USAID có thể sẽ cần đến một đạo luật mới của Quốc hội, nơi đảng Cộng hòa hiện nắm số ghế mong manh ở cả Thượng viện và Hạ viện. Do đó, một trong những phương án mà chính quyền Trump dường như đang cân nhắc, là biến USAID thành đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại giao, thay vì một cơ quan chính phủ độc lập.
Thái độ “hạ nhiệt” đối với các vấn đề của USAID bắt đầu lan toả trong chính quyền Trump, khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết rằng “nhiều chức năng” do USAID thực hiện sẽ được tiếp tục, nhưng việc chi tiêu “phải phù hợp với lợi ích quốc gia”. Sau khi lệnh đóng băng chi tiêu ở nước ngoài trong 90 ngày được công bố, Ngoại trưởng Rubio cũng tuyên bố, “mỗi USD” phải được “giải trình” thông qua bằng chứng cho thấy, nó giúp nước Mỹ “an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn”. Tổng thống Trump cũng đã nói rõ rằng, ông muốn chi tiêu ở nước ngoài phải phù hợp, chặt chẽ với phương châm “Nước Mỹ trên hết”.
Nhưng từ những động thái mà chính quyền Trump thể hiện khi “nhắm” vào USAID, ta có thể thấy, khi “chất vấn” những “di sản” của Đảng Dân chủ và các đối thủ chính trị để thực hiện mục tiêu “nước Mỹ trên hết”, ông Trump cũng đã “khui” ra hàng loạt hoạt động ngầm mà nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ, từng thực hiện nhân danh viện trợ nhân đạo ở nước ngoài. Đó là các cuộc cách mạng màu, âm mưu thay đổi chính quyền, sắp đặt thể chế chính trị tại các nước Đông Âu, Mỹ – Latin, Trung Đông… theo mô hình dân chủ của Mỹ. Giới chuyên gia nhận định, với giá trị khổng lồ như đã từng thấy qua USAID, bất kỳ thay đổi nào về cách chi tiêu số tiền viện trợ của Mỹ chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn thế giới, không chỉ trên lĩnh vực nhân đạo, mà còn là những thay đổi liên quan tới trật tự toàn cầu.
Nhìn chung, USAID bấy lâu nay vẫn là tổ chức đứng sau các chiến dịch tuyên truyền, tấn công đối thủ chính trị của Mỹ, nhắm vào các nước có thể chế khác biệt, thông qua các hoạt động truyền thông, Cách mạng màu… Trên thực tế, số tiền chi cho viện trợ nhân đạo chỉ chiếm 8 – 10% ngân sách USAID, phần còn lại chủ yếu phục vụ cho các tính toán chính trị. Các phong trào dân chủ, Cách mạng màu, bạo loạn lật đổ, kích động chiến tranh Nga – Ukraine… đều do một tay USAID dàn dựng. Kể từ thời Tổng thống John Kenedy đến nay, USAID đã hoạt động được 64 năm. Đến thời Tổng thống Donald Trump, mặc dù chính quyền Mỹ đã quyết định hủy bỏ 83% các chương trình thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), song quỹ tài trợ của các tỷ phú Mỹ như Roddenberry, Bill & Melinda Gates… vẫn “bơm” tiền cho USAID. Do đó, tương lai của USAID đến nay vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Tuy nhiên, những thay đổi bước ngoặt về chính sách từ thời Tổng thống Joe Biden đến thời Tổng thống Donald Trump 2.0 đã cho thấy, bằng cách tập trung những ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển lợi ích kinh tế, “tạm gác” những lợi ích chính trị truyền thống, Tổng thống Trump có thể sẽ “lái” nước Mỹ đi theo mô hình “đa cực” kiểu mới, xác định lại cả đồng minh lẫn đối thủ, nhằm bảo toàn vị thế của nền kinh tế số 1 thế giới trước mối “đe doạ” đến từ Trung Quốc. Với chính sách này, cách mạng màu có thể không còn là bài toán hàng đầu đặt ra cho công tác an ninh tại các nước có thể chế chính trị khác Mỹ, song vẫn cần phải được nghiên cứu, phòng bị kĩ lưỡng, nhất là khi các phát ngôn, tuyên bố bột phát từ phía chính quyền Trump vẫn đem đến những thay đổi khôn lường về chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong thời gian tới, vấn đề USAID có thể sẽ được thảo luận sâu hơn tại Quốc hội Hoa Kỳ, và ở bất cứ hoàn cảnh nào, việc chuẩn bị nguồn lực, tâm thế sẵn sàng để đối phó với các yếu tố an ninh phi truyền thống, vẫn luôn là ưu tiên quan trọng giữa một thế giới bất ổn, một thời đại đầy rẫy những biến động phức tạp.■
Đinh Thảo (tổng hợp)