“Lưỡng hội” Trung Quốc kỳ 3 khóa XIV/2025

Điều chỉnh chính sách vĩ mô quy mô lớn hơn, nội nhu được coi trọng hơn, thị trường sống động hơn, bước tiến vững chắc hơn

Hội nghị Chính trị Hiệp thương (gọi tắt là Chính hiệp) họp trong 6 ngày, từ chiều 4 đến sáng 10/3/2025. Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Gọi tắt là “Nhân đại”, tức Quốc hội) họp trong 7 ngày, từ sáng 5/3 đến chiều 11/3/2025.

1. Giải quyết các ý kiến, kiến nghị của “Lưỡng hội” năm 2024

Trước khi kỳ họp khai mạc, ngày 28/2/2025, Văn phòng báo chí Quốc vụ viện họp báo về việc các cơ quan chính phủ giải quyết các kiến nghị của đại biểu “Nhân đại” (Quốc hội) và ủy viên “Chính hiệp” trong năm 2024.

Năm 2024, Chính phủ đã xử lý 8.783 ý kiến của đại biểu Quốc hội và 4.813 đề án của đại biểu Chính hiệp; chiếm lần lượt 95,1% và 96,1% tổng số ý kiến, đề án đã được đưa ra. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của Quốc vụ viện đã thu nhận trên 5.000 ý kiến và đã đưa ra trên 2.000 biện pháp chính sách để giải quyết…

Kỳ họp thứ 3 của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc khóa XIV khai mạc tại Bắc Kinh, ngày 4/3/2025. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác ngồi phía trước. Ảnh: Xinhua

Trong một năm mà chính phủ và các cơ quan chức năng Trung Quốc phải xử lý gần 2 vạn kiến nghị của dân chúng được các các cơ cấu đại diện cho dân đưa ra chứng tỏ xã hội Trung Quốc còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết.

2. Kết quả điều tra trước kỳ họp

Từ 27/1 – 28/2/2025, mạng “Nhân dân” đã tiến hành một cuộc điều tra dư luận trước kỳ họp Lưỡng hội lần thứ 24; ba lĩnh vực được quan tâm nhất là “bảo đảm dân sinh”, “chính phong chống tham nhũng” và “quản trị xã hội”; lĩnh vực được quan tâm từ thứ 4 đến thứ 10 lần lượt là: Phát triển kinh tế”, “dĩ pháp trị quốc”, “nhân tài khoa giáo”, “Trung Quốc tươi đẹp”, “xây dựng văn hóa”, “Cường quốc nông nghiệp”, “Cải cách mở cửa”. Trong thành phần tham gia điều tra, nam giới chiếm 65,97%, nữ giới chiếm 34,03%; độ tuổi từ 18 – 39 chiếm 59,31%; trình độ học vấn: số có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ chiếm trên 70%.

“Bảo đảm dân sinh” là mối quan tâm hàng đầu, trên 80% hi vọng hạ giá thành sinh đẻ, dưỡng dục, giáo dục; 72,33% kiến nghị mở rộng diện bao trùm các cơ sơ chăm lo bảo vệ sức khỏe người cao tuổi; 70,57% kiến nghị tăng cường bảo vệ nhi đồng tại các khu vực xã hội cơ sở.

“Chính phong, chống tham nhũng”: được quan tâm thứ hai. Theo số liệu điều tra, có 58 cán bộ cấp Trung ương quản lý “ngã ngựa”, xử lý trên 70 vạn vấn đề tác phong bất chính và tham nhũng, bắt đưa về nước 1.306 tội phạm chạy ra nước ngoài. Về chống tham nhũng, 85,37% tỏ quan tâm đến việc xử lý “các tham nhũng nhỏ” trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, bảo vệ sinh thái, an toàn thực phẩm, thuốc chữa bệnh… Trên 70% kiến nghị “đi sâu xử lý các hành động tham nhũng trên các lĩnh vực trọng điểm như tài chính, năng lượng…

“Quản trị xã hội”: Mối quan tâm thứ 3, hướng về một cuộc sống tốt đẹp an ninh trật tự hơn. 71,48% cho rằng cần quan tâm tăng cường “đường dây nóng”, “sổ góp ý kiến” trong dân; trên 70% kiến nghị cần bắt đầu từ việc chuyển biến chức năng của Chính phủ, xây dưng cơ chế tham gia của dân chúng, hoàn thiện pháp luật, pháp quy, không ngừng nâng cáo trình độ quản trị xã hội. 82,16% dân mạng đề nghị tăng cường trừng trị đưa tin giả, tin sai trên mạng, 81,06% kiến nghị tăng cường bảo hộ số liệu tư nhân; 75,6% kiến nghị tăng cường trừng trị các hành vi lừa đảo, phạm tội trên mạng.

Về thúc đẩy tiêu dùng, mở rộng nội nhu: 85,85% cho rằng biện pháp hữu hiệu nhất là “nâng cao mức thu nhập của người dân, tăng cường năng lực tiêu dùng”; 87,44% cho rằng cần có nhiều hơn các tác phẩm điện ảnh, nghệ thuật về truyền thống lịch sử dân tộc; 85,83% cho rằng cần bảo hộ quyền lợi, nhân cách của phụ nữ, nhi đồng; 77,04% cho răng cần tăng cường phát triển giáo dục chức nghiệp dưới hình thức ký hợp đồng giữa các Viện Trường và xí nghiệp.

3. Trọng tâm của kỳ họp “Lưỡng hội” vẫn là Báo cáo công tác chính phủ do Thủ tướng Lý Cường trình bày, trong đó nêu:

(i) Yêu cầu tổng thể của phát triển kinh tế xã hội năm 2025 và xu hướng chính sách:

– 2025 là năm kết thúc Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, phải hoàn thành chất lượng cao các nhiệm vụ mục tiêu của Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, đặt cơ sở chắc chắn cho việc thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ 15 (2026 – 2030).
– Làm tốt công tác của Chính phủ phải dưới sự lãnh đạo kiên cường của Trung ương do đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân, dưới sự chỉ đạo của “Tư tưởng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình”, quán triệt thực hiện toàn diện tinh thần của Đại hội XX, HNTW2, 3 và hai cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị ngày 26/9 và 9/12/2024; kiên trì tổng phương châm công tác “tiến lên trong ổn định”; quán triệt một cách hoàn chỉnh, chuẩn xác, toàn diện quan niệm phát triển mới, đẩy nhanh xây dựng cục diện phát triển mới, thiết thực thúc đẩy phát triển chất lượng cao, toàn diện đi sâu cải cách thêm một  bước, mở rộng mở cửa đối ngoại chất lượng cao, xây dựng hệ thống sản nghiệp hiện đại hóa, đồng bộ tốt hơn giữa phát triển và an ninh, thực hiện chính sách vĩ mô càng tích cực chủ động hơn, mở rộng nhu cầu trong nước, thúc đẩy sáng tạo khoa học kỹ thật và sáng tạo sản nghiệp cùng phát triển, ổn định thị trường nhà đất, thị trường cổ phiếu.

– Đề phòng hóa giải các nguy cơ trên các lĩnh vực trọng điểm và các đòn đả kích từ bên ngoài, ổn định tính toán dự báo, kích hoạt sức sống, thúc đẩy kinh tế tiếp tục khôi phục tốt lên, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, bảo đảm xã hội hài hòa ổn định.

– Các mục tiêu chủ yếu của phát triển năm 2025: Tăng trưởng GDP khoảng 5%; tỉ lệ thất nghiệp thành thị theo điều tra khoảng 5,5% , tạo 12 triệu việc làm mới, giá cả tiêu dùng tăng khỏang 2%, tăng trưởng thu nhập của cư dân đồng bộ với tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu chi quốc tế bảo đảm cơ bản cân bằng, sản lượng lương thực đạt khoảng 700 triệu tấn, tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP hạ khoảng 3%, chất lượng của môi trường sinh thái tiếp tục được cải thiện.

Đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% nhằm đạt yêu cầu ổn định việc làm, đề phòng phong hiểm, có lợi cho dân sinh; cũng dựa vào tiềm năng tăng trưởng và các điều kiện có lợi của kinh tế, cũng là kết nối với mục tiêu tăng trưởng trung dài hạn. Mục tiêu này một mặt nói lên quyết tâm và lòng tin của chính phủ Trung Quốc đối với tăng trưởng kinh tế, mặt khác cũng nói lên sự chẩn bị sẵn sàng đối phó với áp lực, thách thức có thể do chiến tranh thương mại và sự đi xuống của nền kinh tế tạo ra. Đằng sau mục tiêu này thể hiện ba đặc trưng chiến lược cơ bản: một là “Cầu ổn”, “ổn” kinh tế để thúc đẩy “ổn” chính trị xã hội; hai là “cầu mới”, lấy đổi mới sức sản xuất thúc đẩy sự tiến bộ của lực lượng sản xuất; thứ ba là “cầu viễn”, nghĩa là hướng về lâu dài, về tương lai, lấy nâng cao chất lượng của các yếu tố sức sản xuất để ứng phó với những khó khăn thách thức ngắn hạn.

(ii) Phần tình hình và nhiệm vụ của Chính phủ năm 2025 đã nêu một số nét nổi bật sau:

1. Tính tích cực của chính sách chưa từng có:

– Điều chỉnh vĩ mô vượt thường quy, ngược chu kỳ (tinh thần của HN BCT ngày 9/12/2024), tìm mọi cách vượt qua các nhân tố bất xác định trong môi trường bên ngoài cản trở sự phát triển của kinh tế.

– Phương hướng chính sách càng rõ ràng, dám đề xuất, chú trọng các biện pháp thực hiện hiệu quả chính sách

– Chú trọng tính hệ thống, tính hợp đồng của chính sách, tạo “quả đấm tổ hợp của chính sách

– Thực thi chính sách tài chính càng tích cực hơn: Tỉ lệ thâm hụt năm nay được đặt ở khoảng 4%, cao hơn năm trước 1% quy mô thâm hụt khoảng 5,66 nghìn tỉ tệ, tăng 1,6 nghìn tỉ tệ; quy mô chi xuất ngân sách công 29,7 nghìn tỉ tệ, tăng 1,2 nghìn tỉ tệ; phát hành quốc trái đặc biêt siêu dài hạn 1,3 nghìn tỉ tệ, tăng 300 tỉ tệ; phát hành quốc trái đặc biệt 500 tỉ tệ; bố trí trái phiếu chuyên ngành của Chính phủ địa phương 4,4 nghìn tỉ tệ, tăng 500 tỉ tệ, chủ yếu dùng vào đầu tư xây dựng, thu mua nhà đất tồn kho, xử lý các khoản nợ của chính phủ địa phương; tổng quy mô nợ mới của chính phủ năm nay là 11,86 nghìn tỉ tệ, tăng 2,9 nghìn tỉ so với năm 2024

Cần tăng nhanh các khoản chi xuất tài chính, sớm chi xuất thực tế; tiếp tục ưu hóa kết cấu chi xuất, chú trọng hơn đến dân sinh, thúc đẩy tiêu dùng, thiết thực nâng cao hiệu suất sử dụng đồng tiền

Thực hiện nới rộng với mức độ thích hợp chính sách tiền tệ: Phát huy tốt chức năng kép giữa tổng lượng và kết cấu của công cụ chính sách tiền tệ, giảm chuẩn, giảm lợi tức đúng lúc, bảo đảm đầy đủ tính lưu động (của đồng tiền), làm cho tăng trưởng của quy mô đầu tư xã hội và lượng tiền cung ứng phối hợp đồng bộ với tăng trưởng kinh tế và mục tiêu dự tính của tổng mức giá. Ưu hóa và sáng tạo công cụ chính sách tiền tệ mang tính kết cấu, thúc đẩy hơn nữa thị trường nhà đất và thị trường cổ phiếu phát triển lành mạnh, tăng mức hỗ trợ đối với sáng tạo khoa học kỹ thuật, phát triển xanh, thúc đẩy tiêu dùng và đối với xí nghiệp dân doanh cũng như xí nghiệp nhỏ… Chú ý lắng nghe tiếng nói của thị trường; hiệp đồng giữa thúc tiến thực hiện chính sách với dẫn dắt triển vọng

Chính sách tiền tệ rõ ràng tích cực hơn, từ “linh hoạt thích đáng” đến “mở rộng thích đáng”, đồng tiền vào thị trường càng lớn, càng vay được vốn để đầu tư; không gian giảm các chuẩn mực đầu tư, giảm lợi tức năm 2025 sẽ lớn hơn, nhiều nhà phân tích dự tính lợi tức có thể giảm tới từ 40-60 điểm; đồng tiền trong toàn bộ hệ thống tài chính sẽ được tung ra đầy đủ hơn thông qua các biện pháp giảm chuẩn, giảm lợi tức và phát hành quy mô lớn các loại trái phiếu..

Môi trường tài chính tiền tệ nới rộng sẽ mở rộng không gian tiến thoái của nền kinh tế nói chung và các xí nghiệp nói riêng, làm cho nền kinh tế phát triển năng động hơn, linh hoạt hơn, kích thích tăng trưởng lớn hơn.

2. Tăng cường tiêu dùng được đưa lên tầm quan trọng hàng đầu: mở rộng nội nhu, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng, tăng thu nhập và năng lực tiêu dùng của cư dân (đề ra tốc độ tăng trưởng thu nhập của người dân tương đương với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đề ra “ổn thị trường nhà đất”, “ổn thị trường cổ phiếu”, làm cho người dân muốn tiêu dùng, dám tiêu dùng và có khả năng tiêu dùng).

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 5%, chú trọng tăng cường tiêu dùng. Hình minh họa

3. Chú trọng phát triển chất lượng cao với sức sản xuất chất lượng mới, tập trung cho các sản nghiệp kỹ thuật cao, các sản nghiệp chiến lược, các sản nghiệp tương lai. Đề phòng hóa giải một cách hữu hiệu các phong hiểm trên các lĩnh vực trọng điểm, nắm chắc giới hạn đỏ không để xảy ra các nguy cơ mang tính hệ thống; đồng bộ tốt hơn giữa phát triển và an ninh.

4. Tập trung nắm chắc công tác “tam nông”; đi sâu thúc tiến chấn hưng toàn diện nông thôn; kiên trì ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn: đảm bảo mục tiêu 700 triệu tấn lương thực (mức cao nhất lịch sử). Thúc đẩy một cách thiết thực cải cách phát triển nông thôn:Thúc tiến có trật tự việc kéo dài 30 năm sau khoán đất đợt hai hết thời hạn; Hoàn thiện việc hình thành cơ chế giá chuyển nhượng quyền kinh doanh đất khoán; Thúc tiến “đô thị hóa kiểu mới” và phát triển đồng bộ khu vực; gắn cải cách phát triển nông thôn với “đô thị hóa kiểu mới”; củng cố và nâng cao hiệu quả của “giảm nghèo”.

5. Mở rộng mở cửa đối ngoại trình độ cao, tích cực thực hiện “ổn mậu dịch đối ngoại”, “ổn đầu tư nước ngoài”; khuyến khích xuất khẩu dịch vụ, mở rộng nhập khẩu dịch vụ chất lượng cao; thực hiện với chất lượng cao các cuộc Hội chợ triển lãm nhập khẩu, Hội Quảng giao, Hội mậu dịch dịch vụ, Mậu dịch số…. Ra sức cổ vũ đầu tư nước ngoài: Mở rộng thí điểm mở cửa trên các lĩnh vực điện tín, y tế, giáo dục; thúc đẩy cùng xây dựng BRI, đi sâu, thiết thực. Kiên định ủng hộ thể chế mậu dịch đa phương lấy WTO làm hạt nhân; mở rộng các điểm hội tụ lợi ích với các nước, thúc đẩy cùng phát triển.

6. Bên cạnh thành tựu, Báo cáo cũng chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại và thách thức. Về quốc tế, môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp, quyết liệt, tác động tiêu cực vào lĩnh vực mậu dịch, khoa học kỹ thuật  của Trung Quốc. Các nhân tố căng thẳng địa chính trị gia tăng, càng làm cho môi trường quốc tế phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến triển khai chiến lược đối ngoại của Trung Quốc. Về trong nước, cơ sở của kinh tế hồi phục tốt lên chưa ổn định, nội nhu còn yếu, nhất là tiêu dùng. Sản xuất kinh doanh của một số xí nghiệp còn gặp khó khăn, nợ nần còn tương đối lớn; vấn đề việc làm, tăng thu nhập của người dân còn nhiều áp lực; lĩnh vực dân sinh và tài chính của một số địa phương còn nhiều khó khăn; vấn đề hóa giải mâu thuẫn xã hội và đề phòng nguy cơ còn nhiều việc phải làm; hiệu năng của chính phủ và năng lực hành chính theo luật pháp còn phải được nâng cao; một số cán bộ làm bậy, không làm gì hoặc không biết cách làm việc; vấn đề tham nhũng ở một số lĩnh vực và một số địa phương vẫn xảy ra nhiều… Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật đồng thời cũng phải tăng cường lòng tin vào sự phát triển của đất nước [Trung Quốc].

Về đối ngoại: Báo cáo của Chính phủ khẳng định năm qua, Ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc đã mở ra cục diện mới, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, củng cố tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu; kiên trì Chủ nghĩa đa biên chân chính; phát huy vai trò tích cực của Trung Quốc trong ứng phó với các thách thức toàn cầu và giải quyết các điểm nóng quốc tế; Trung Quốc đã có những cống hiến quan trọng trong sự nghiệp thúc đẩy hòa bình và phát triển của thế giới. Đặc biệt đáng chú ý là cuộc họp báo của Vương Nghị, người đứng đầu ngành ngoại giao của Trung Quốc ngày 7/3/2025. Vương Nghị tỏ ra tự tin hơn, đi thẳng vào thực tế hơn: Trung Quốc nói thẳng sẽ là tiếng nói đại diện cho thế giới phương Nam toàn cầu, là yếu tố ổn định của một thế giới “biến loạn đan xen”; Trung Quốc sẽ làm cột trụ trung tâm của hệ thống đa biên, làm người phát ngôn của phương Nam toàn cầu. Vương Nghị khẳng định, năm 2024 là năm cục diện quốc tế diễn biến sâu sắc; ngoại giao Trung Quốc dưới sự cầm lái của Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã có những tiến triển quan trọng, tạo ra môi trường bên ngoài tốt đẹp cho tăng trưởng chất lượng cao, đem lại sự ổn định quý báu cho một thế giới biến loạn đan xen, xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại có những bước tiến mới vững chắc. Vương Nghị đã đề cập đến nhiều vấn đề đối ngoại cụ thể, nổi lên là:

– Đề cao vai trò của Ngoại giao nguyên thủ và cho rằng Ngoại giao nguyên thủ năm 2025 sẽ chào đón những thời khắc mới, viết nên những trang mới cho Trung Quốc và thế giới.

– Đề cập đến vấn đề Ukraine, Vương Nghị nhấn mạnh: Từ ngày đầu tiên bùng phát nguy cơ Ukraine, Trung Quốc đã chủ trương đối thoại đàm phán, tìm giải pháp chính trị, đôn đáo vì hòa bình, nỗ lực thúc đẩy đàm phán. Trung Quốc trước sau vẫn giữ lập trường khách quan công bằng chính trực, luôn đưa ra những tiếng nói bình tĩnh, công bằng. Trung Quốc hoan nghênh và ủng hộ mọi nỗ lực cho hòa bình; xung đột sẽ không có bên thắng, hòa bình sẽ không có bên thắng; bàn đàm phán là điểm kết thúc của xung đột, cũng là khởi điểm của hòa bình. Đạt đến một hiệp định hòa bình công bằng, lâu dài, có sức ràng buộc và được các bên đương sự chấp nhận là nhận thức chung khó khăn và đáng quý, cũng là mục tiêu của những nỗ lực chung của các bên đương sự.

Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp thứ 3 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa XIV tại Bắc Kinh, tháng 3/2025. Ảnh: Xinhua

– Về cục diện Trung Đông: Vương  Nghị nhấn mạnh, Gaza thuộc về nhân dân Palestine, là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Palestine. Bất cứ hành vi nào cưỡng chế thay đổi  địa vị của Gaza đều không thể đem lại hòa bình, chỉ dẫn đến những động loạn mới, không thể đi ngược lại nhân tâm, không thể loại bỏ công lý.

Trung Đông không yên, thế giới khó an ninh mà vấn đề Palestine chính là hạt nhân của vấn đề Trung Đông. Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên định đấu tranh cho hòa bình, cho chính nghĩa, cho phát triển của nhân dân Palestine.

Vương Nghị cũng đề cập đến các mối quan hệ lớn của Trung Quốc:

Quan hệ Trung – Nga: Bất luận môi trường quốc tế biến đổi thế nào, logic lịch sử quan hệ Trung – Nga vẫn không thay đổi, động lực nội sinh vẫn không giảm. Khẳng định Trung – Nga đã tìm ra con đường chung sống đúng đắn “không kết đồng minh, không đối kháng, không nhằm vào bên thứ ba”; Trung – Nga đang đứng hàng đầu trong quan hệ nước lớn kiểu mới, xác lập điển hình của quan hệ các nước láng giềng, khẳng định một quan hệ Trung – Nga thành thục, vững chắc lâu bền, ổn định là một lực lượng vĩnh hằng trong một thế giới biến động, không phải là một đại lượng biến đổi trong cạnh tranh địa chính trị. Vương Nghị đã nhắc lại hai nước Trung – Nga đã từng chiến đấu đổ máu tại chiến trường châu Á và châu Âu, đã có sự hi sinh dân tộc to lớn cho thắng lợi của cuộc chiến tranh chống phát xít của thế giới, có cống hiến quan trọng trong lịch sử thế giới, ngay nay quan hệ Trung Nga sẽ ngày càng bền chặt, phát huy vai trò ngày càng lớn trong việc ổn định chiến lược trong môi trường chiến lược toàn cầu đang xáo trộn

Quan hệ Trung – Mỹ: Vương Nghị tỏ thái độ rõ ràng, dứt khoát: Không thể ảo tưởng một mặt gây sức ép kiềm chế Trung Quốc, mặt khác lại muốn phát triển quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc (ám chỉ Mỹ). Mỹ không thể lạm dụng vấn đề fentanyl để chỉ trích Trung Quốc; đó là vấn đề ở Mỹ và tự thân Mỹ phải đối mặt và giải quyết; Mỹ nên phản tỉnh, chiến tranh quan thuế, chiến tranh mậu dịch những năm gần đây Mỹ đã được gì? Quan hệ kinh tế mậu dịch Trung – Mỹ là tương hỗ, là đối đẳng; nếu lựa chọn hợp tác thì thực hiện cùng có lợi, cùng thắng; nếu tiếp tục tăng thuế, Trung Quốc nhất định kiên quyết đáp trả. Trung – Mỹ sẽ tồn tại lâu dài trên trái đất này nên nhất thiết phải chung sống hòa bình.

Quan hệ Trung – Âu: Giao lưu Trung – Âu nửa thế kỷ, kinh nghiệm quý nhất là tôn trọng lẫn nhau, động lực lớn nhất là cùng có lợi, cùng thắng; nhận thức chung nhất trí nhất là Chủ nghĩa đa phương, định vị chính xác nhất là quan hệ đối tác. Một quan hệ Trung – Âu lành mạnh ổn định không chỉ là thành công của hai bên mà còn soi sáng cả thế giới. Hai bên có khả năng và trí tuệ để mở ra 50 năm đáng được mong chờ trong tương lai.

Quan hệ Trung – Ấn: Vương Nghị khẳng định những thành quả của cải thiện quan hệ hai bên; kêu gọi Trung – Ấn hơp tác mật thiết với nhau chứ không đề phòng lẫn nhau, nhấn mạnh khái niệm “rồng và voi cùng nhảy” (rồng chỉ Trung Quốc, voi chỉ Ấn Độ) mới là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất của hai nước, điều này có thể thể hiện thiện chí hợp tác của Trung Quốc với Ấn Độ. Vương Nghị muốn gây ấn tượng vấn đề giữa hai nước Trung – Ấn vẫn là ở phía Ấn Độ, đồng thời cũng nuôi hi vọng quan hệ  giữa hai nước nhất định sẽ được cải thiện.

Quan hệ Trung – Nhật: Ghi nhận lịch sử là để càng tốt hơn mở ra tương lai, bỏ quên lịch sử là mất phương hướng tiến lên. Đề phòng âm hồn của chủ nghĩa quân phiệt phục hồi là nghĩa vụ không một phút được sao nhãng của Nhật Bản, cũng là ý chí kiên định của nhân dân Trung Quốc và nhân dân châu Á.

Lấy vấn đề Đài Loan để gây sự là sinh sự đối với Nhật Bản; đứng trước sự biến đổi to lớn của lịch sử, các nhân sĩ có tri thức của Nhật Bản nên suy nghĩ sâu sắc thế nào là đạo lý với láng giềng, thế nào là xu thế lớn để làm điều thiện. Khẩu khí của Vương Nghị cho thấy cải thiện quan hệ Trung – Nhật còn là vấn đề khó khăn lâu dài.

Vấn đề Đài Loan: Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, đó là lịch sử đồng thời cũng là thực tế; Đài Loan trở về Trung Quốc là một bộ phận hợp thành quan trọng của trật tự quốc tế sau chiến tranh. Khu vực Đài Loan tại Liên hợp quốc duy nhất được gọi là “Tỉnh Đài Loan của Trung Quốc”; Đài Loan xưa nay không phải là một quốc gia, không phải trong quá khứ, từ nay càng tuyệt đối không thể. Cổ súy “Đài Loan độc lập” là chia cắt quốc gia, ủng hộ “Đài độc” là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, dung túng “Đài độc” là sự phá hoại ổn định của eo biển Đài Loan. Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia thì nên ủng hộ Trung Quốc thực hiện hoàn toàn thống nhất, kiên trì nguyên tắc một Trung Quốc thì nên phản đối “Đài độc” dưới mọi hình thức. “Đài độc” phân liệt chỉ là trò chơi với lửa, tự thiêu, “dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc” là vô nghĩa, Trung Quốc sẽ thống nhất và nhất định sẽ thống nhất.

Về vấn đề Biển Đông: Không đối thoại thì không thể giải quyết được những vấn đề khó khăn, cũng không thể đạt đến mục tiêu hợp tác. Vương Nghị chủ yếu nhằm vào Philippines: Sự cọ xát của Philippines với Trung Quốc là một “vở kịch đèn chiếu” (Shadow play), biên kịch là các thế lực bên ngoài, đảm nhiệm truyền hình trực tiếp là giới báo chi phương Tây. Khiêu khích xâm phạm chủ quyền tất sẽ tự nhận hậu quả, tình nguyện làm con cờ, cuối cùng sẽ bị đào thải. Thực hiện láng giềng hữu hảo ở Biển đông, yên ổn lâu dài phải dựa vào sự tín nhiệm, cũng phải có quy tắc, then chốt là phải thực hiện tốt “Tuyên ngôn về hành vi các bên ở Nam Hải” (DOC), hoạch định tốt “chuẩn tắc hành vi Nam Hải” (COC).

Vương Nghị cũng đề cập thẳng thắn đến châu Phi và Mỹ Latinh các mối quan hệ giữa Trung Quốc châu Phi, Mỹ Latinh. Với châu Phi, Vương Nghị nêu rõ, Trung Quốc và tất cả các nước đã kiến giao thuộc châu Phi đã thực hiện quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, định vị cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – châu Phi  đã được nâng cấp lên “mọi thời tiết” (“toàn thiên hậu”). Châu phi là khu vực “hi vọng nóng” của thế kỷ 21, không có hiện đại hóa của châu Phi sẽ không có hiện đại hóa của thế giới. Thế giới cần lắng nghe tiếng nói của châu Phi, trọng thị sự quan tâm của châu Phi, ủng hộ châu Phi đi con đường mới phát triển tự chủ tự cường của châu Phi.

Với Mỹ Latinh, Vương Nghị nhấn mạnh, hợp tác Trung Quốc – Mỹ Latinh là hợp tác Nam – Nam, chỉ có giúp đỡ lẫn nhau, không có tính toán địa chiến lược. Nhân dân Mỹ Latinh muốn xây dựng là xây dựng ngôi nhà của mình, không phải là sân của kẻ khác; điều các nước Mỹ Latinh kỳ vọng là độc lập tự chủ, không phải là chủ nghĩa Monroe (Monroe Doctrine – Tổng thống Mỹ Monroe đưa ra năm 1823, cho rằng các cường quốc châu Âu không nên tiếp tục cai trị Mỹ Latinh nữa mà đặt lục địa Mỹ Latinh dưới quyền khống chế của Mỹ). Trung Quốc chủ trương vượt qua khoảng cách, loại bỏ can thiệp, thúc đẩy hợp tác Trung Quốc – Latinh lên tầng nấc mới.

Với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Vương Nghị cho biết, Trung Quốc sẽ lấy “hành động Trung Quốc” để đánh bóng “tinh thần Thượng Hải”, lấy sự dẫn dắt của Trung Quốc để thúc đẩy cỗ xe SCO. Mùa thu năm nay Trung Quốc sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh SCO tại Thiên Tân, sẽ làm cho SCO tái xuất phát từ Trung Quốc, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung SCO càng mật thiết.

Ngoại giao chu biên: Vương Nghị khẳng định, châu Á vừa là nơi yên thân lập mệnh của Trung Quốc, cũng là ngôi nhà chung của Trung Quốc và các nước châu Á. Trung Quốc ngày nay đã trở thành trung tâm ổn định châu Á, dẫn dắt phát triển kinh tế, là trụ cột của an ninh khu vực… Quan điểm này phù hợp với sự điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc dưới áp lực của chính sách của Donald Trump, chuyển trọng tâm chiến lược từ với các nước lớn sang với các nước lang giềng, các nước chu biên. Ngoại giao Trung Quốc trên thực tế sẽ càng coi trọng thúc đẩy quan hệ với châu Á, với các quốc gia xung quanh Trung Quốc, với thế giới phương Nam toàn cầu.

Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng ngoại giao Trung Quốc đã lấy sự ổn định chắc chắn của mình để ổn định một thế giới ngày càng bất định… Hình minh họa

Về vai trò của Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị nêu bật, Ngoại giao Trung Quốc đã lấy sự ổn định chắc chắn của mình để ổn định một thế giới ngày càng bất định; bất cứ áp lực, uy hiếp, lừa gạt thế nào cũng không thể làm lung lay ý chí của 1,4 tỉ dân Trung Quốc, đều không thể ngăn cản được bước đi lịch sử phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Phát triển hòa bình là con đường lớn quang minh chính đại đi ổn đi xa, cũng nên trở thành sự lựa chọn chung của các nước trên thế giới. Thúc đẩy quản trị toàn cầu cùng bàn, cùng xây, cùng hưởng; tôn trong tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), để hội tụ càng rộng rãi nhận thức chung  về kiến tạo đa cực hóa thế giới bình đẳng có trật tự. Vương Nghị cho rằng, mâu thuẫn càng phức tạp, càng phải nêu cao địa vị quan trọng của LHQ; thách thức càng cấp bách càng phải tăng cường quyền uy đáng có của LHQ. Tránh để cho thế giới trở lại luật rừng, cần củng cố cơ sở chủ quyền bình đẳng, kiên trì nguyên tắc công bằng chính nghĩa, giữ vứng ý tưởng Chủ nghĩa đa biên, tăng cường quyền uy của pháp trị quốc tế.

“Lưỡng Hội” 2025 của Trung Quốc đã gây tiếng vang trên thế giới

Tờ “Tin tức ngày nay” của  Ai Cập ngày 12/3 tỏ ra rất khâm phục sự phát triển của Trung Quốc trên các lĩnh vực dân sinh, Khoa học kỹ thuật , Giáo dục; hi vọng thông qua báo chí sẽ giới thiệu các kinh nghiệm liên quan đến độc giả Ai Cập; cho rằng “Lưỡng Hội Trung Quốc không chỉ là diễn đàn quy tụ nhận thức chung trong nước Trung Quốc mà còn đưa ra các gợi ý cho các nước đang tìm con đường phát triển của mình”. Tỏ tin tưởng rằng “các chính sách mà “Lưỡng Hội” đề ra không chỉ có lợi cho nhân dân Trung Quốc mà còn tạo ra các cơ hội phát triển cho các nước trên thế giới”. Hãng thông tin liên hợp Pakistan đã chú ý đến việc “Trung Quốc đã thực hiện thoát nghèo cho 800 triệu người nghèo”, coi đó là  là “sự cổ vũ rất lớn cho các nước đang phát triển, trong đó có Pakistan”; Báo cáo của chính phủ lần này lại chỉ rõ, “không lơ là củng cố và phát triển các thành quả của “giảm nghèo”; “chúng tôi hi vọng sẽ học tập kinh nghiệm thoát nghèo của Trung Quốc”.

Hãng thông tấn Cuba ngày 11/3 cũng đưa tin đậm: “Báo cáo của Chính phủ nhận thức rõ những thách thức bên trong bên ngoài mà Trung Quốc đang phải đối mặt, đề ra mở rộng mở cửa đối ngoại trình độ cao, ra sức cổ vũ đầu tư nước ngoài, thúc đẩy kinh tế dân doanh phát triển, tiếp tục thúc đẩy “hành động AI+”, thúc đẩy cải tạo nâng cao các sản nghiệp truyền thống… tin rằng mục tiêu phát triển và quy hoạch lâu dài của Trung Quốc sẽ được hoàn thành tốt đẹp”.

Quan sát “Lưỡng hội”, báo chí nước ngoài đều cho rằng, phát triển của Trung Quốc sẽ có lợi cho thế giới, sẽ cống hiến nhiều hơn cho sự phồn vinh của toàn cầu. Đây có lẽ là nhận xét chung và đúng mực đối với hướng đi của kinh tế – xã hội Trung Quốc trong tương lai.■

Tùng Lâm

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN