Việt Nam trên báo Mỹ: Kerry - McCain: Một tình bạn khép lại cuộc chiến (Kỳ 2)

Bài báo “A friendship that ended the war” (Một tình bạn khép lại cuộc chiến) của tác giả James Carroll, đăng trên The New Yorker số ra ngày 13/10/1996, mang đến góc nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa hai cựu binh John Kerry và John McCain – những người từng đứng ở hai phía của cuộc tranh luận về Chiến tranh Việt Nam nhưng về sau lại cùng nhau nỗ lực khép lại quá khứ. Bài viết cũng làm sáng tỏ cách mà Kerry và McCain, bằng sự thấu hiểu và lòng kiên trì, đã trở thành những nhân tố quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, góp phần hàn gắn những vết thương chiến tranh kéo dài suốt nhiều thập kỷ. Bằng văn phong lôi cuốn và góc nhìn nhân văn, bài viết không chỉ kể về một tình bạn đặc biệt mà còn mở ra những suy ngẫm sâu xa về lòng dũng cảm, sự tha thứ và trách nhiệm đối với lịch sử. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc bản dịch toàn văn bài viết này.

3. Cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ 2

Có những lý do chính đáng khiến người Mỹ gặp khó khăn trong việc khép lại cuộc chiến ở Việt Nam. Hơn 50 triệu thanh niên Mỹ đã tạo nên “thế hệ Việt Nam”, trong đó nam giới chiếm hơn một nửa. Hơn 8 triệu người đã phục vụ trong quân đội, và hơn 3 triệu người từng tham chiến ở Việt Nam. 3/4 triệu binh sĩ đã trực tiếp chiến đấu, 321.000 người bị thương, 58.000 người tử trận. Trong cuốn Achilles ở Việt Nam xuất bản năm 1994, bác sĩ tâm thần Jonathan Shay cho biết 250.000 cựu chiến binh vẫn đang phải chịu đựng chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn.

Các quân nhân Hoa Kỳ thuộc Cơ quan Kiểm kê Tù binh/Người mất tích trong chiến tranh (DPAA) phủ lá cờ Hoa Kỳ lên quan tài chứa hài cốt của các quân nhân Hoa Kỳ chưa xác định danh tính trong buổi lễ hồi hương do DPAA tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 13/12/2017. Ảnh: Jamarius Fortson / Quân đội Hoa Kỳ

Những năm đầu của cuộc chiến từng được đánh dấu bởi niềm tin tuyệt đối của Robert S. McNamara khi ông theo dõi “số lượng tiêu diệt” – một chỉ số mà về sau thực tế chứng minh là vô nghĩa, nếu không muốn nói là hoàn toàn sai lệch. 20 năm sau, một cuộc đếm xác ghê rợn khác lại diễn ra, lần này là việc truy tìm “hài cốt” của những binh sĩ Mỹ mất tích. Nhưng những thông tin mâu thuẫn – đặc biệt gây đau đớn cho gia đình những người mất tích – chỉ càng làm gia tăng cơn giận dữ và cay đắng ở những người yêu nước, giống như cảm xúc mà những người phản chiến từng trải qua trước đây. Con số 1303 MIA (lính Mỹ mất tích) được đưa ra vào năm 1973 đã giảm xuống còn 224 vào năm 1978. Con số này lại tăng vọt lên 2500 vào năm 1980. Đến năm 1987, số MIA chính thức được công bố là 269, nhưng lúc này, nhiều cựu chiến binh và thân nhân không còn tin vào bất kỳ tuyên bố nào từ chính phủ nữa.

Theo thời gian, huyền thoại đã lấn át thực tế. Hình ảnh người tù binh chiến tranh (POW) trở thành một dạng ảo tưởng quốc gia – nhưng là ảo tưởng có mục đích. Trong suốt thập niên 70 và 80, Mỹ đã trả đũa những người Việt Nam chiến thắng bằng cách bôi xấu họ tồi tệ hơn cả khi cuộc chiến đang diễn ra, tất cả xoay quanh việc cho rằng họ đã không chịu thả tù binh. Những bộ phim như “Rambo” và các tác phẩm bắt chước đã dựng nên cảnh các trại giam giữa rừng rậm, nơi những người Mỹ gầy gò bị nhốt trong “chuồng cọp”. Những người hăng hái đã mơ về những chiến dịch giải cứu thực sự, và đôi khi còn tìm được những nhà bảo trợ, chẳng hạn như Ross Perot[1] luôn sẵn sàng. Một số cựu binh vô lương tâm bắt đầu khai thác tâm lý chờ đợi mòn mỏi của các gia đình, biến cuộc tìm kiếm những tù binh ảo thành một hoạt động thương mại. Sau đó, ở phía châu Á, cũng hình thành cả một ngành công nghiệp làm giả “bằng chứng” tù binh, chẳng hạn như thẻ căn cước kim loại trông rất giống thật và những bức ảnh đã chỉnh sửa, để đem bán. Các chính trị gia như Bob Dole có thể thật lòng quan tâm đến những người lính mà họ đã khắc tên trên vòng đeo tay[2] – John McCain đã từng cảm kích nhắc đến điều đó trong bài phát biểu đề cử của mình – nhưng rồi vấn đề này đã vượt khỏi tầm kiểm soát của họ.

Các gia đình – những người vợ, người con, anh chị em và cha mẹ sống trong nỗi ám ảnh day dứt – bị những doanh nghiệp tư nhân cáo già bao vây, nhưng chính những cơ quan chính phủ vô tâm và cẩu thả mới là kẻ khiến họ tổn thương nhiều nhất. Trong một số trường hợp, “hài cốt” được “phát hiện” sau nhiều năm và được trao lại cho gia đình, nhưng khi các gia đình nhờ chuyên gia riêng kiểm tra, họ phát hiện ra rằng những bao xương khô đó là hài cốt của người châu Á hoặc thậm chí là xương động vật. Đôi khi, những bằng chứng nghiêm túc về số phận thực sự của một MIA đã bị bỏ qua, trong khi những tin đồn hoang đường về việc “phát hiện người còn sống” lại được coi là đáng tin, làm nảy sinh những hy vọng không tưởng. Những nỗ lực của 5 đời Tổng thống nhằm giải quyết vấn đề này đều hời hợt hoặc bị chính trị hóa vô phương cứu chữa – bị trói buộc vào những toan tính mang tính đảng phái.

Một loạt các phiên điều trần, ủy ban và hội đồng về POW/MIA đã được tiến hành chỉ vài tuần sau khi các tù binh – trong đó có McCain – được thả khỏi nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội vào năm 1973. Mỗi cuộc điều tra như vậy cuối cùng đều kết luận rằng không có bằng chứng cho thấy người Mỹ còn bị giam giữ. Tuy nhiên, những người vẫn nuôi giấc mộng như trong phim Rambo lại được tiếp thêm niềm tin khi Ronald Reagan tiếp nhận vấn đề POW/MIA và dường như chấp nhận huyền thoại về những chuồng cọp trong rừng.

Năm 1987, Tổng thống Reagan bổ nhiệm Tướng John Vessey, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, làm Đặc phái viên của Hoa Kỳ tại Việt Nam về các vấn đề POW/MIA. Vessey được các Tổng thống Bush và Clinton tái bổ nhiệm vào vị trí đó và cuối cùng đã đóng góp nhiều hơn bất kỳ cá nhân nào khác trong việc giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, ban đầu, “nhóm vây quanh Tổng thống Reagan đã cản trở Vessey”, theo lời Thomas Vallely từ Đại học Harvard. “Họ muốn tiếp tục chiến tranh thêm một thời gian nữa”. Mỗi khi Hà Nội tiến gần đến việc thực hiện những điều kiện mà Vessey và những người khác cho là cần thiết để bình thường hóa quan hệ, “chúng ta lại đặt ra những điều kiện khác”, McCain cho biết. Người Việt có lý do của họ khi không tin vào những gì Hoa Kỳ nói.

(Từ trái qua phải) Thượng nghị sĩ John McCain, Thượng nghị sĩ John Kerry, Tổng thống George Bush, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Colin Powell và Tướng John Vessey tham dự một cuộc họp báo về các binh sĩ mất tích trong Chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Jeffrey Markowitz/Sygma

Tất cả dường như đã trở thành một trường hợp của các “quy tắc thống nhất” theo Aristotle. Những lời dối trá lúc khởi đầu cuộc chiến đã trở thành giả định về sự dối trá kéo dài mãi, ngay cả khi cuộc chiến đã kết thúc đối với cả thế giới, trừ chúng ta. Suốt hai thập kỷ, tất cả điều này vẫn bám chặt lấy chúng ta: cảm giác tội lỗi và đau buồn chưa được giải tỏa; tâm trạng phẫn nộ đối với chính quyền và nỗi mất mát danh dự cá nhân; sự suy giảm lòng tự trọng của người Mỹ; và thái độ nghi ngờ người láng giềng có trải nghiệm chiến tranh khác mình. Dường như chúng ta đã bị nhiễm một loạt virus có liên hệ với nhau, làm suy nhược nhưng không đủ để giết chết – đó chính là hội chứng Việt Nam.

Trong chiếc chuồng cọp ở tâm điểm của hội chứng này luôn là hình ảnh cúi đầu của tù binh Mỹ, người mà chúng ta đã phản bội và bỏ rơi. Làm sao chúng ta có thể phớt lờ bức ảnh được công bố vào tháng 7/1991 cho thấy 3 tù binh Mỹ bị giam giữ? Bức ảnh được đặt tên là “Ba người bạn” và được in lại ở khắp nơi. Gia đình của những “người bị bắt” đã nhận ra họ. “Đó là cha tôi”, con gái của một Đại tá Không quân nói trên chương trình “Good Morning America”.

Hóa ra đó là một hình ảnh đã được chỉnh sửa – vốn là bức ảnh chụp ba người nông dân Nga cách đây 70 năm – do những kẻ lừa đảo ở Campuchia tạo ra. Nhưng đến thời điểm đó, vấn đề POW/MIA đã căng thẳng trở lại và mang đậm màu sắc chính trị. Susan Katz Keating viết trong cuốn Prisoners of Hope (Những tù binh của hy vọng) rằng một cuộc khảo sát được thực hiện vào đầu những năm 90 cho thấy 70% công chúng Mỹ tin rằng vẫn còn tù binh Mỹ bị giam giữ ở Đông Nam Á. Thượng nghị sĩ Bob Smith, đảng Cộng hòa bang New Hampshire, đã kêu gọi mở một cuộc điều tra nữa, và Ủy ban Đặc biệt của Thượng viện về các vấn đề POW/MIA đã được thành lập.

Bất chấp lời khuyên của đội ngũ trợ lý – những người cho rằng việc lập thêm một ủy ban nữa là một vũng lầy chính trị – Kerry vẫn đồng ý khi Lãnh đạo phe đa số Thượng viện George Mitchell đề nghị ông làm Chủ tịch ủy ban. “Đây không phải là việc mang lại lợi ích chính trị gì cho ông ấy”, Thượng nghị sĩ Kennedy nói với tôi. “Nhưng cuối cùng, nó đã trở thành một hành động phục vụ quốc gia thực sự”.

McCain, cựu tù binh chiến tranh, cũng được bổ nhiệm vào Ủy ban. Ông từng đến Việt Nam thay mặt Tổng thống Bush để hỗ trợ những nỗ lực của Tướng Vessey. Ông đã gặp gỡ các lãnh đạo Việt Nam. “Họ chưa bao giờ hiểu nổi tất cả những cáo buộc rằng họ còn giữ người”, ông nhớ lại. “Hết lần này đến lần khác, họ nói với tôi “Chúng tôi giữ họ để làm gì?”. McCain hiểu rõ sự khó khăn khi thuyết phục giới chức Việt Nam, chỉ vì vài trăm người Mỹ mất tích lâu ngày, hợp tác trong công việc điều tra mà Hà Nội sẽ không bao giờ có thể làm được cho hàng trăm ngàn quân nhân mất tích của chính họ. Ông biết rằng theo tín ngưỡng Phật giáo, nếu thi hài chưa được an táng hoặc an táng không đúng cách thì linh hồn sẽ mãi mãi vất vưởng, vì vậy đối với người Việt, số phận những người con mất tích của họ không hề là chuyện nhỏ.

“Trước khi Ủy ban này được thành lập, bất kỳ cáo buộc điên rồ hay câu chuyện hoang đường nào cũng lập tức được tin tưởng”, McCain nói với tôi. “Nhờ vào quá trình làm việc cẩn trọng và bài bản mà John Kerry thực hiện… người dân Mỹ đã hiểu rõ hơn nhiều về thực tế”. Kerry đã đến Việt Nam tám lần, chỉ đạo việc nghiên cứu hàng ngàn tài liệu và hình ảnh; ông cũng tổ chức các phiên điều trần với thân nhân của những người mất tích, lãnh đạo các tổ chức cựu chiến binh, quan chức tình báo và những người từng tham gia hòa đàm Paris. Ông đã triệu tập hàng trăm người ra điều trần và lần đầu tiên buộc những người từng điều hành cuộc chiến, bao gồm cả Henry Kissinger, phải tuyên thệ sẽ nói sự thật.

Kerry và McCain, nhờ “đồng sức đồng lòng”, theo lời một nhân viên Ủy ban, đã thuyết phục được phía Việt Nam bàn giao nhiều tài liệu liên quan đến tù binh chiến tranh; trong một lô tài liệu có cả chiếc mũ bay cũ của McCain. Điều có lẽ còn đáng kinh ngạc hơn là họ còn buộc được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ giải mật hơn một triệu trang tài liệu. Mọi giả thuyết có thể nghĩ đến đều được đưa ra bàn luận, mọi cáo buộc được xem xét, và mọi tia hy vọng đều được lắng nghe. Và kết quả của cuộc điều tra này, theo báo cáo cuối cùng dài 1.223 trang, là “dù Ủy ban có một số bằng chứng cho thấy có khả năng một số tù binh chiến tranh có thể còn sống đến nay, và một số thông tin vẫn chưa được điều tra hết, nhưng tại thời điểm này, không có bằng chứng thuyết phục nào chứng minh rằng còn có người Mỹ đang bị giam giữ ở Đông Nam Á”.

Cách diễn đạt thận trọng của kết luận này không che giấu ý nghĩa của nó đối với những người vốn dĩ sẽ không bao giờ chịu từ bỏ vấn đề này. Họ trở nên giận dữ và trút cơn tức giận vào người mà sự tham gia của ông đang làm lung lay mục tiêu của họ: John McCain, người từng đọc thuộc tên các tù binh chiến tranh trước khi đi ngủ mỗi đêm. Tôi đã thấy điều này cách đây không lâu, tại Đài tưởng niệm Cựu chiến binh [tham chiến tại] Việt Nam ở Washington. Tại đó, du khách có thể mua áo thun, đề can và các món quà lưu niệm khác, cũng như có thể lấy miễn phí tờ báo The U.S. Veteran Dispatch phát hành hai tháng một lần. Trên trang nhất của số tháng 6-7 năm 1996 là bức ảnh John McCain thời trẻ, được cho là trong thời gian bị giam ở Hà Nội. Dòng tít lớn ghi “PW SONG BIRD MC CAIN” với chú thích “McCain đã được trao danh hiệu ‘PW Songbird’[3] vì những buổi phát thanh tuyên truyền ông từng thực hiện cho Cộng sản trong Chiến tranh Việt Nam”. Bài viết cáo buộc này được viết bởi một cựu đặc nhiệm Green Beret (Mũ beret xanh)[4] có nhiều thành tích chiến đấu ở Việt Nam. Một bài viết trong số báo trước đó có tiêu đề “JOHN MCCAIN: “ỨNG VIÊN MÃN CHÂU[5]”.

Tại nhà riêng ở Washington, Kerry ngồi cúi người về phía trước, nói với tôi: “Nghe này”, ông nói. “Tôi đã bảo vệ anh ấy trong các phiên điều trần khi một kẻ ngu ngốc nào đó từ cánh hữu cáo buộc anh ấy là Ứng viên Mãn Châu, rằng bằng cách nào đó người Việt Nam đã tẩy não anh ấy. Đây là thứ nhảm nhí tàn nhẫn, xúc phạm và vô lý nhất mà tôi từng nghe trong đời, xuất phát từ một kẻ hèn hạ ở đâu đó, nhắm vào một người từng bị tra tấn suốt bao năm, vẫn đứng lên vì đất nước và hết lòng vì đất nước như anh ấy. Thật khó tin là có người lại hành xử như vậy, thật bất ngờ”.

Đôi khi McCain bị tấn công bởi các Thượng nghị sĩ khác và đôi khi bởi các nhân chứng. Ông trở thành tâm điểm hứng chịu chỉ trích. Một thành viên trong Ủy ban kể với tôi rằng khi Kerry và McCain ngồi gần nhau trên bục của các thượng nghị sĩ, vào những khoảnh khắc như thế, Kerry thường âm thầm đưa tay sang và đặt lên cánh tay McCain, giữ nguyên như vậy, một cử chỉ thầm lặng thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối giữa hai người. Tôi hỏi McCain liệu ông có để ý đến cử chỉ đó của Kerry không. “Có chứ”, ông trả lời. “Anh ấy đã làm vậy vài lần, và tôi rất mừng vì điều đó. Tôi biết ơn anh ấy”.

Thượng nghị sĩ Chuck Hagel (Cộng hòa – Nebraska), bên trái, và TNS John Kerry (Dân chủ – Massachusetts) bắt tay nhau, trong khi phía sau từ trái sang là TNS Bob Kerrey (Dân chủ – Nebraska), TNS Chuck Robb (Cộng hòa – Virginia), TNS John McCain (Cộng hòa – Arizona), và phía trước là TNS Max Cleland (Dân chủ – Georgia), cùng có mặt tại lễ kỷ niệm 15 năm Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam, Washington, ngày 7/3/1997. Cả sáu thượng nghị sĩ đều từng phục vụ trong Chiến tranh Việt Nam. Ảnh: AP

Năm 1992, khi các cuộc thảo luận của Ủy ban do Kerry chủ trì đang gần đi đến kết luận, McCain đang bước vào cuộc tái tranh cử. Mùa thu năm đó, ông thực hiện một trong nhiều chuyến công tác đến Việt Nam. Đối thủ Đảng Dân chủ của ông lập tức lợi dụng chuyến đi này để công kích, ngụ ý rằng McCain chỉ đang cố phô trương hình ảnh. Bản thân Kerry từng là mục tiêu của những đòn công kích kiểu đó, nên ông lập tức tổ chức một bức thư chung từ các thành viên ủy ban, cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, để bảo vệ McCain. Thượng nghị sĩ Bob Kerrey, bang Nebraska, một thành viên ủy ban và là người từng nhận Huy chương Danh dự, dù đã đến Arizona để vận động cho đảng Dân chủ nhưng vẫn lên tiếng ủng hộ McCain về vấn đề này. McCain đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Kerry và McCain đã đi một chặng đường dài kể từ sự kiện ở North End của Boston.

“Trong quá trình thảo luận của ủy ban”, McCain nói với tôi, nhắc đến giai đoạn kết thúc của tiến trình, “John Kerry cho rằng điều rất quan trọng là tất cả mọi người – các thượng nghị sĩ Cộng hòa lẫn Dân chủ – phải cùng ký vào bản báo cáo. Bởi nếu chỉ một hoặc hai người không ký, thì phe cực đoan sẽ lập tức nhắm vào người đó. Tôi đã vài lần có những cuộc tranh luận rất sôi nổi, phải nói là căng thẳng, với một vài thượng nghị sĩ – kiểu đối đầu trực diện. John Kerry (anh ấy đáng được ghi nhận vĩnh viễn, và tôi đáng bị chê trách mãi mãi, được chưa?) luôn nói: ‘Hãy thảo luận đi. Hãy nói chuyện thẳng thắn’. Anh ấy xử lý chuyện này rất chín chắn – chín chắn hơn tôi nhiều”.

Báo cáo của Ủy ban Đặc biệt được công bố vào ngày 13/1/1993, có chữ ký của tất cả các thành viên. Kết luận nhất trí của cả hai đảng về việc “không có bằng chứng thuyết phục” đã gần như loại bỏ vấn đề tù binh bị bỏ rơi ra khỏi cuộc tranh luận chính trị chính thống, nhưng bản thân quá trình dẫn đến kết luận ấy cũng quan trọng không kém. Trên thực tế, Kerry và McCain đã chủ trì giai đoạn cuối cùng của “công việc đau thương” của cả quốc gia, tạo ra một diễn đàn nơi những câu chuyện cuối cùng về những người đã chết trong chiến tranh có thể được kể ra.

Ủy ban hoàn thành nhiệm vụ đúng lúc Bill Clinton nhậm chức tổng thống. Bước tiếp theo sẽ là dỡ bỏ lệnh cấm vận, tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia. Nhưng liệu Clinton có dám làm điều đó? George Bush, một cựu binh của một cuộc chiến khác, đã có thể là người thực hiện bước đi đầu tiên, nhưng vì những lý do riêng, ông đã không làm vậy. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1992, ông từng bị la ó tại một hội nghị của các nhà hoạt động POW/MIA. Có lẽ, như Vallely suy đoán, ông đã quyết định “để lại đống rối rắm này cho người kế nhiệm, người chưa từng tham chiến”.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Clinton đã được các lãnh đạo tổ chức cựu chiến binh cảnh báo không nên xuất hiện tại Đài Tưởng niệm Cựu chiến binh [tham chiến tại] Việt Nam. Khi nghe tin đó, McCain – “gần như theo bản năng”, ông kể với tôi – đã đề nghị được đi cùng Tổng thống. Kerry và McCain đã đồng hành cùng Clinton cho đến chặng cuối cùng. Trong một cuộc họp quan trọng tại Nhà Trắng vào ngày 11/6/1993, chưa đầy hai tuần sau chuyến thăm nhà tù Hỏa Lò, hai thượng nghị sĩ đã thúc giục Tổng thống dỡ bỏ lệnh cấm vận, đưa ra các lý do về địa chính trị, kinh tế và đặc biệt nhấn mạnh vấn đề danh dự quốc gia, vì phía Việt Nam đã nỗ lực thực hiện tất cả những gì chúng ta yêu cầu trong vấn đề MIA. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Cộng hòa bảo thủ Bob Smith, phó chủ tịch Ủy ban của Kerry, đã khuyên Clinton “đừng để bị đánh lừa” và phản đối việc dỡ bỏ cấm vận.

Một tuần sau, vào ngày 19 tháng 6, Tổng thống Clinton đến Boston để đọc diễn văn tại lễ tốt nghiệp của Đại học Northeastern, và hai Thượng nghị sĩ bang Massachusetts đã tháp tùng ông. Buổi lễ được tổ chức tại nhà thi đấu Boston Garden cũ. Thượng nghị sĩ Kennedy kể với tôi: “Chúng tôi có thời gian trò chuyện sau hậu trường với Tổng thống, và John đã dành toàn bộ thời gian để trình bày cho Tổng thống tất cả những gì liên quan đến bình thường hóa quan hệ. Đó là một cuộc trao đổi trực tiếp rất thuyết phục, trình bày toàn diện và rõ ràng mọi khía cạnh của vấn đề. Những gì John đã làm là điều vô cùng thiết yếu giúp Tổng thống đi đến quyết định cuối cùng”. Nhưng trong suốt mùa hè và mùa thu năm đó, Clinton vẫn chưa thể hiện lập trường rõ ràng.

Vào tháng 1/1994, một nghị quyết của Thượng viện do Kerry và McCain bảo trợ đã kêu gọi Tổng thống dỡ bỏ lệnh cấm vận. Một số cựu binh đã đứng ra tổ chức phản đối, với sự ủng hộ từ tổ chức American Legion và giới lãnh đạo đảng Cộng hòa. Việc McCain đồng bảo trợ nghị quyết đã thuyết phục được 20 Thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ, giúp nghị quyết được thông qua với tỷ lệ 62 phiếu thuận và 38 phiếu chống. McCain nói: “Cuộc bỏ phiếu này sẽ mang lại cho Tổng thống sự hậu thuẫn chính trị cần thiết để dỡ bỏ cấm vận”. Tuy nhiên, thực tế là sự hậu thuẫn thực sự cho Tổng thống đến từ Kerry và McCain. Một người đã trở thành biểu tượng cho quyết tâm đã quá muộn màng của chính phủ Mỹ trong việc nói lên sự thật về chiến tranh Việt Nam; người kia là anh hùng quân đội nay đã trở thành hình tượng của sự hàn gắn. Uy tín của cả hai người trong vấn đề này là không thể tranh cãi.

Ngày 4/2/1994, một dòng tít trên tờ New York Times viết: “CLINTON DỠ BỎ LỆNH CẤM VẬN THƯƠNG MẠI 19 NĂM ĐỐI VỚI VIỆT NAM”. Ngay phía trên là bức ảnh gây ám ảnh nhất của cuộc chiến – hình ảnh cô bé trần truồng cùng các em nhỏ khác chạy về phía ống kính, bỏ chạy khỏi “một cuộc không kích bằng napalm năm 1972”, như chú thích ảnh đã ghi.

Ngày 11/7/1995, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ảnh: Thư viện Tổng thống Clinton

Bob Dole, khi đó là lãnh đạo phe Cộng hòa, tuyên bố rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là “quyết định sai lầm vào thời điểm sai lầm vì lý do sai lầm”. Vào mùa xuân năm 1995, ông cùng Thượng nghị sĩ Phil Gramm của bang Texas giới thiệu một dự luật kêu gọi Tổng thống Clinton không nên thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam; họ muốn làm sống lại vấn đề 1.619 người Mỹ vẫn còn mất tích. Sau đó, vào ngày 23/5/1995, Kerry và McCain gặp Tổng thống Clinton tại Phòng Bầu dục. Họ cùng nhau trình bày lập luận ủng hộ bình thường hóa quan hệ, chống lại ý kiến của Dole. McCain kết luận: “Thưa Tổng thống, giờ đây tôi không còn quan tâm ai đã ủng hộ chiến tranh và ai đã phản đối nó. Tôi đã mệt mỏi với việc mãi nhìn lại quá khứ trong giận dữ. Điều quan trọng bây giờ là chúng ta phải tiến về phía trước”. Clinton, người từng nổi tiếng với phát ngôn rằng ông “ghê tởm” cuộc chiến, giờ đây được một người anh hùng của cuộc chiến đó yêu cầu chấm dứt nó. Với những người có mặt, Clinton dường như xúc động trước lời nói của McCain. Ông cảm ơn McCain nhưng vẫn chưa đưa ra cam kết nào. Rồi, vào ngày 11/7/1995, ông triệu tập các thành viên nội các, các tướng lĩnh quân đội cấp cao, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các hội cựu chiến binh và những người khác đến Nhà Trắng. Đứng vững vàng trên bục phát biểu, ông tuyên bố: “Hôm nay, tôi tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam”. Sau một bài phát biểu ngắn, ông kết luận: “Khoảnh khắc này mang đến cho chúng ta cơ hội để hàn gắn những vết thương của chính mình. Chúng đã kháng cự thời gian quá lâu. Giờ đây, chúng ta có thể cùng tiến về một tương lai chung. Dù điều gì từng chia rẽ chúng ta, hãy để nó lại phía sau. Hãy để khoảnh khắc này, theo lời Kinh Thánh, là thời khắc để hàn gắn và thời khắc để xây dựng”. Sau đó, Bill Clinton lập tức quay sang người đứng bên cạnh – John McCain. Họ bắt tay rồi ôm nhau đầy xúc động. Tiếp theo, Tổng thống quay sang John Kerry.

Một năm sau, tổ chức học thuật nước ngoài độc lập duy nhất tại Việt Nam, trực thuộc Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, là một dự án của Viện Phát triển Quốc tế Harvard và Hội đồng các Hội Khoa học Hoa Kỳ (American Council of Learned Societies). Nơi này có tên là Trung tâm Fulbright, được khánh thành vào tháng 11/1995, bốn tháng sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Trong dịp đó, Thomas Vallely, một cựu lính thủy đánh bộ từng chiến đấu ở Việt Nam năm 1969 và 1970, phát biểu trước khán giả: “Trung tâm giảng dạy này là món quà của nhân dân Mỹ dành tặng nhân dân Việt Nam, một món quà được hình thành từ ý tưởng của Thượng nghị sĩ John Kerry, đến từ tiểu bang Massachusetts”. Vallely cũng bày tỏ sự ghi nhận đối với John McCain: “Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có thể nghe thấy tiếng nói của những cựu binh Mỹ thầm lặng, những người có tên được khắc trên bức tường đá granite đen ở Washington, họ sẽ đồng tình với Thượng nghị sĩ McCain và nói rằng đã đến lúc người Mỹ nên tưởng nhớ những cựu binh thầm lặng của Việt Nam, và vươn tay hướng về Việt Nam bằng một nền hòa bình của những người dũng cảm”.

Năm 1994, Hoa Kỳ xếp thứ 14 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Một năm sau, Hoa Kỳ đứng thứ 6. Ngày nay, tại Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò không còn nữa. Nó đã bị phá dỡ để nhường chỗ cho một khu phức hợp khách sạn – một cơ sở trở nên cần thiết một phần vì có rất nhiều cựu binh Mỹ bắt đầu quay lại Việt Nam. Ông Lê Văn Bàng, người được chỉ định làm Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nói với tôi: “Các cựu binh Mỹ đang quay trở lại Việt Nam. Chúng tôi hiểu lý do họ trở lại, và chúng tôi hoan nghênh họ”.

Nơi từng là cơn ác mộng khiến nước Mỹ mãi không thể tỉnh giấc nay đang trở thành nơi du khách nghỉ lại; và tình bạn kỳ lạ giữa hai chính khách Mỹ đã biến điều đó thành hiện thực. “John Kerry và John McCain đã làm một việc đầy ý nghĩa và cao cả cho đất nước”, Thượng nghị sĩ Kennedy nói với tôi. “Tôi biết những lời như vậy giờ không còn khiến ai xúc động nữa, nhưng đó là sự thật, một đóng góp cao quý”. Ở Việt Nam, họ được kính trọng như những người đã khép lại cuộc chiến. Và biểu tượng mạnh mẽ nhất của một kỷ nguyên mới chính là sự thay đổi của Hanoi Hilton (biệt danh nhà tù Hỏa Lò). Còn về khách sạn thay thế nhà tù, McCain kể với tôi: “Khi tôi nhìn thấy nó, họ hỏi tôi nghĩ gì. Tôi nói, “Tôi chỉ hy vọng dịch vụ phòng lần này tốt hơn hồi tôi ở đây.”■ (hết)

James Carroll

Thanh Trà dịch

Chú thích:

[1] Ross Perot là một doanh nhân và chính trị gia nổi tiếng ở Mỹ, từng tài trợ và hỗ trợ một số hoạt động tìm kiếm tù binh Mỹ còn mất tích sau chiến tranh Việt Nam. (ND)

[2] Một số chính trị gia Mỹ đeo vòng tay có khắc tên những người lính mất tích hoặc bị bắt làm tù binh trong Chiến tranh Việt Nam để thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ và quyết tâm đưa họ trở về quê nhà. (ND)

[3] Giống như POW, PW là viết tắt của cụm từ “Prisoner of War”, nghĩa là tù binh chiến tranh. Songbird nghĩa đen là chim hót, nhưng trong bối cảnh chiến tranh, đặc biệt là trong Chiến tranh Việt Nam, “songbird” đã trở thành một biệt danh mang tính sỉ nhục, ám chỉ những người bị cho là đã hợp tác với kẻ thù hoặc làm việc tuyên truyền cho phía đối phương. (ND)

[4] Tên gọi một lực lượng đặc nhiệm của Quân đội Mỹ, xuất phát từ chiếc mũ beret màu xanh lá cây của họ. Lực lượng Green Beret thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt như chiến tranh du kích, huấn luyện và hỗ trợ quân đội nước ngoài, tình báo và chống khủng bố. (ND)

[5] Cụm từ chỉ một người bị điều khiển hoặc thao túng bởi một lực lượng ngoại quốc. (ND)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN