
Ngày 12/5/2025, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố Sách trắng “An ninh Quốc gia Trung Quốc thời đại mới” đầu tiên.
1. Bối cảnh ra đời
– Sự thay đổi chưa từng có của thế giới, của thời đại, của lịch sử; xã hội loài người lại một lần nữa đứng trước sự lựa chọn hòa bình hay chiến tranh, phồn vinh hay suy thoái, đoàn kết hay đối kháng, tác động đến hoạch định chiến lược phát triển và chiến lược an ninh của mọi quốc gia, nhất là đối với Trung Quốc trong tư cách là nước lớn. Đặc biệt Mỹ can dự vào khu vực xung quanh Trung Quốc càng sâu, càng đặt ra nhiều vấn đề về an ninh khu vực chu biên Trung Quốc; trong khi các điểm nóng như biên giới Trung – Ấn, vấn đề Triều Tiên, quan hệ Triều – Hàn vẫn tiềm ẩn những nguy cơ an ninh rất dễ bùng phát, liên quan đến Trung Quốc
– Với Trung Quốc, Các thách thức bất lợi từ bên ngoài gia tăng, các thách thức trong nước phức tạp hơn khi mà Trung Quốc đang trong thời kỳ nước rút đồng bộ giữa “phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại” và xây dựng cường quốc XHCN hiện đại giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp”.
Tình hình An ninh Quốc gia (ANQG) Trung Quốc: về tổng thể giữ được ổn định, “có tiến lên trong ổn định”, nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức về an ninh cả bên trong và bên ngoài, nhân tố an ninh tác động vào hợp tác và phát triển kinh tế càng thường xuyên, càng lớn hơn; đòi hỏi phải có những chiến lược và hành động an ninh quốc gia để ứng phó; nhu cầu cùng với các quốc gia khác bảo vệ hòa bình và phát triển trong một thế giới đang biến động bất an càng trở nên bức bách
– Trung Quốc công bố vào thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vừa tuyên bố tạm “đình chiến”, có thể là nhằm chuyển đi một thông điệp: Trung Quốc có sức mạnh và trí tuệ để ứng phó với mọi thách thức từ Mỹ và phương Tây, vẫn sẵn sàng phát huy vai trò nước lớn của mình trong sự nghiệp bảo vậ hòa bình và phát triển của thế giới.
2. Mục đích
– Công bố sách trắng trong bối cảnh trên để nhắc lại, hoàn chỉnh thêm quan điểm và thành tựu thực tiễn của ANQG Trung Quốc trong thời đại mới (tính từ khi Tập Cận Bình chấp chính, Đại hội XVIII, 2012), chủ yếu để tuyên truyền, nêu cao vị thế, vai trò của Trung Quốc như một lực lượng dẫn dắt an ninh toàn cầu trong một thế giới đang biến động và rối loan;
– Thể hiện ý chí của Trung Quốc trong việc xây dựng một thế giới hòa bình lâu dài, an ninh phổ biến; thể hiện quyết tâm phát triển đồng bộ giữa kinh tế chất lượng cao với an ninh trình độ cao, vững bước đi lên xây dựng cường quốc XHCN hiện đại; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, cách làm nhằm thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại
3. Nội dung chủ yếu
“Sách trắng” nêu rõ đặc điểm tính chất của ANQG Trung Quốc thời đại mới: là an ninh tổng thể, hệ thống và là “an ninh lớn”; là an ninh lấy an ninh của nhân dân làm tôn chỉ, lấy an ninh chính trị làm căn bản, lấy lợi ích quốc gia làm chuẩn tắc; là an ninh phục vụ và thúc đẩy phát triển chất lượng cao; là an ninh điều chỉnh theo động thái phát triển của kinh tế xã hội; là an ninh làm chỗ dựa cho mở cửa trình độ cao, là an ninh được vận hành quy phạm trên quỹ đạo pháp trị… “Sách trắng” gồm 2,2 vạn chữ và chia làm 6 phần chủ yếu:
(i) Trung Quốc chuyển tải các yếu tố mang tính xác định, tính ổn định vào một thế giới đang đan xen giữa “biến” và “loạn, mà Trung Quốc cho là một thế giới ‘thiếu hụt hòa bình, thiếu hụt phát triển và thiếu hụt an ninh”, khi nhân loại đang đứng ở ngả ba đường phải lựa chọn giữa hòa bình hay chiến tranh, giữa phồn vinh hay suy thoái, giữa hợp tác với chia cắt… đối mặt với nhiều nguy cơ thách thức, đòi hỏi phải hóa giải, để ổn định và phát triển, trong đó đòi hỏi sự dẫn dắt của Trung Quốc
(ii) “Quan điểm ANQG tổng thể” lần đầu tiên được xác lập là tư tưởng chỉ đạo công tác ANQG kể từ thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến nay, chỉ ra 7 điểm quan trọng trong công tác ANQG: “nắm chắc tổng thể, thực hiện tôn chỉ an ninh nhân dân, đặt an ninh chính trị vào vị trí hàng đầu, lấy giữ vững lợi ích quốc gia làm chuẩn tắc, đề phòng hóa giải các nguy cơ ANQG, thúc đẩy an ninh cộng đồng quốc tế, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với ANQG”
(iii) Cung cấp chỗ dựa chắc chắn cho hiện đại hóa kiểu Trung Quốc đi ổn đi xa: Giữ vững địa vị chấp chính của Đảng và chế độ XHCN; Nâng cao “cảm giác được”, “cảm giác hạnh phúc” và “cảm giác an toàn” của nhân dân; Đảm bảo phát triển chất lượng cao; Bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi biển; Bảo đảm an ninh đáng tin cậy trên các lĩnh vực mới.
(iv) Củng cố an ninh trong phát triển, mưu cầu phát triển trong an ninh; Thúc đẩy cân bằng động thái giữa phát triển và an ninh, ảnh hưởng lẫn nhau; thúc đẩy mở cửa và an ninh hợp đồng cùng nâng cấp.
(v) Thực hiện đề xướng “An ninh toàn cầu”, thúc đẩy an ninh cộng đồng quốc tế; Cống hiến trí tuệ Trung Quốc cho các đề xướng an ninh toàn cầu; Trung Quốc chủ trương tăng cường quản trị an ninh toàn cầu, thực hiện quan điểm quản trị toàn cầu “cùng bàn, cùng xây cùng hưởng”, kiên trì chủ nghĩa đa biên thực sự, chủ trương thực hành pháp trị quốc tế, thúc đẩy hệ thống quản trị an ninh toàn cầu thay đổi theo hướng càng công bằng hợp lý hơn, càng phản ánh một cách cân bằng hơn ý nguyện và lợi ích của đại đa số các quốc gia, càng đáp ứng nhu cầu hiện thực ứng phó với các thách thức toàn cầu.
(vi) Thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống và năng lực ANQG trong đi sâu cải cách: Kiện toàn hệ thống ANQG hiệu quả cao tác động lẫn nhau; Rèn luyện năng lực an ninh quốc gia “thực chiến thực dụng”. Đến năm 2035, tăng cường toàn diên hệ thống và năng lực ANQG, củng cố mặt trận an ninh vững chắc nhằm cơ bản thực hiện hiện đại hóa XHCN. Tiến hành thống nhất bố trí trên 4 mặt: thể chế ANQG, Cơ chế quản trị an ninh công cộng, thể chế quản trị xã hội và cơ chế an ninh liên quan đến nước ngoài.
– Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với công tác ANQG, quán triệt “Quan điểm ANQG tổng thể”, thực hiện tôn chỉ an ninh nhân dân, kiên trì lấy an ninh chính trị đặt ở hàng đầu, kiên trì bảo vệ chuẩn tắc lợi ích quốc gia, đề phòng, hóa giải các nguy cơ ANQG, thúc đẩy an ninh cộng đồng quốc tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, bảo đảm tiếp tục duy trì hai kỳ tích lớn của Trung Quốc là phát triển kinh tế tốc độ nhanh và xã hội ổn định lâu dài.
4. Dư luận trong và ngoài nước
Sau khi “Sách trắng” được công bố, dư luận trong nước đánh giá rất cao ý nghĩa và tác dụng ảnh hưởng của “Sách trắng”. Phần lớn các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia học giả trong nước đều cho rằng, “Sách trắng” đã thể hiện đầy đủ lòng tin tất thắng của Trung Quốc bất chấp sự kiềm chế, gây áp lực của các thế lực bên ngoài. bảo vệ chắc chắn lợi ích quốc gia; thể hiện quyết tâm kiên định của Trung Quốc tiến hành đồng bộ giữa phát triển chất lượng cao và an ninh trình độ cao, cũng thể hiện “tâm nguyện ban đầu” của Trung Quốc xây dựng một thế giới hòa bình lâu dài, an ninh phổ biến. Truyền thông Trung Quốc cho rằng, công bố “Sách trắng” không chỉ là để thể hiện với thế giới lập trường kiên định và quan điểm rõ rang của Trung Quốc về lĩnh vực ANQG mà còn là một bài giảng sinh động cho Mỹ và các nước phương Tây. Báo chí Trung Quốc cũng đồng thanh ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, đã sáng tạo đề ra “quan điểm an ninh quốc gia tổng thể” , thành lập Ủy ban ANQG trung ương, đi sâu cải cách toàn diện thể chế, cơ chế ANQG, thúc đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa hệ thống và năng lực an ninh quốc gia, an ninh quốc gia được củng cố và tăng cường một cách toàn diện.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, thúc đẩy an ninh cộng đồng quốc tế là trách nhiệm nước lớn của an ninh quốc gia Trung Quốc thời đại mới. Trung Quốc trước sau không hề thực hiện chính sách dựa vào “thực lực tối thượng”, không hề mưu cầu “an ninh tuyệt đối”, không vạch ranh giới bằng hình thái ý thức, mà đề xướng quan điểm AN “cộng đồng, tổng hợp, hợp tác và bền vững”… Nhiều chuyên gia còn chỉ ra, ”Sách trắng” khong chỉ đã tổng kết những thành tựu của ANQG Trung Quốc mà còn là sự cống hiến cho quản trị an ninh toàn cầu. “An ninh của Trung Quốc không phải là đóng cửa cho riêng mình mà là an ninh cộng đồng mở cửa; phát triển của Trung Quốc không phải là sự tranh giành tài nguyên kẻ thắng người thua mà là “cơ hội cùng thắng”cho toàn cầu…
Dư luận quốc tế theo hai chiều hướng trái ngược nhau. Các nước có quan hệ tốt với Nga, các nước thuộc “thế giới phương Nam” toàn cầu, các nước đang phát triển đều đánh giá tích cực “Sách trắng”, ca ngợi quan điểm An ninh quốc gia tổng thể của Trung Quốc, coi đây là một cống hiến cho an ninh và phát triển toàn cầu. Báo chí Nga nhắc lại hầu như toàn bộ các quan điểm an ninh mà “Sách trắng” đã đề cập với thái độ đồng tình, thậm chí là ca ngợi. Tờ “Nước Nga ngày nay” ngày 19/5: Trung Quốc đã phát đi với toàn thế giới tín hiệu quan trọng: Trung Quốc ngày càng quan tâm đến sự gia tăng đối kháng địa chính trị và Trung Quốc sẽ đóng vai trò tự tin hơn trong các sự vụ toàn cầu; báo này cho rằng, trải qua mấy chục năm phát triển hòa bình, Bắc Kinh hiện nay định vị mình là “người đi tiên phong” chứ không còn là “kẻ đến sau” nữa; Hãng Vệ tinh Nga dẫn lời của sách trắng nói, Trung Quốc đang đồng bộ giữa toàn cục chiến lược phục hưng dân tộc với cục diện thế giới đang thay đổi 100 năm chưa từng có, Trung Quốc đã bơm các nhân tố ổn định đáng tin cậy vào một thế giới đang biến động bất an. Tờ “Liên hợp buổi sáng” Singapore đưa tin, Trung Quốc đã đồng bộ giữa “an ninh tự thân” với “an ninh cộng đồng”, phản đối “an ninh hóa” tất cả, không đe dọa an ninh, cũng không chấp nhận bị uy hiếp đe dọa an ninh.
Trong khi đó các hãng truyền thông phương Tây nhìn chung tỏ thái độ nghi ngờ đối với các quan điểm an ninh mà “Sách trắng” đã đưa ra, chỉ trích ý đồ bài xích các giá trị “dân chủ, nhân quyền” phổ thế của phương Tây, hoạch định ranh giới quan hệ bằng ý thức hệ, hoài nghi về “sự đồng bộ giữa an ninh tự thân Trung Quốc với an ninh cộng đồng quốc tế”. Đài “Tiếng nói nước Đức (DW) cho rằng, “ Bắc Kinh hòng mô tả mình như là cột trụ của sự ổn định toàn cầu nhưng tuyệt nhiên họ không đưa ra những cam kết kiềm chế cần thiết, điều này có thể dẫn đến, mọi v/đ do chiến tranh lạnh để lại có khả năng lại bùng phát. Đối với trong nước, “Sách trắng” nhấn mạnh phải triệt để giũ khoảng cách với giá trị quan phổ thế của phương Tây…, tăng cường quản chế hình thái ý thức. Đài này nhắc lại “Văn kiện số 9” năm 2013, khi Tập Cận Bình vừa lên, đã đưa ra cảnh cáo với những “tư tưởng nguy hiểm” (dân chủ, tự do, nhân quyền). Đài này lưu ý, trong tình hình hiện nay, quan sát hành động của chính phủ Trung Quốc quan trọng hơn nhiều so với xem xét Trung Quốc qua văn bản, tuyên bố của họ…
5. Nhìn lại quá trình thay đổi quan điểm ANQG của Trung Quốc
Thiết nghĩ, nhân dịp Trung Quốc công bố “Sách trắng” ANQG thời đại mới, cũng cần điểm lại một cách khái quát sự thay đổi về quan điểm ANQG Trung Quốc hơn 70 năm qua, nhất là từ khi Trung Quốc bước vào “thời đại mới”, thời đại Tập Cận Bình.
Từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời đến nay, ANQG Trung Quốc đã trải qua 3 thời kỳ:
– Thời kỳ thứ nhất là hệ thống ANQG truyền thống (1949-1978, trước cải cách mở cửa, với vai trò chủ đạo của Mao Trạch Đông), lấy an ninh chính trị làm hạt nhân, lấy an ninh quân sự làm biện pháp bảo đảm an ninh chủ yếu, nhà nước đầu tư lớn vào xây dựng lực lượng quân sư (1949-1956 chi phí quân sự chiếm 35% chi xuất tài chính quốc gia; cuối những năm 60 đầu những năm 70, chi phí quân sự vẫn chiếm khoảng 20% tổng chi tài chính)
– Thời kỳ thứ hai là thời kỳ quá độ chuyển hóa dần từ quan điểm ANQG truyền thống sang quan điểm ANQG phi truyền thống lấy an ninh kinh tế làm hạt nhân (1978-2014: từ cải cách mở cửa đến kỳ họp thứ nhất Ủy ban ANQG trung ương năm 2014, với vai trò chủ đạo của Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào);
– Thời kỳ thứ ba là hệ thống ANQG tổng thể, dưới sự chỉ đạo của quan điểm ANQG tổng thể, tổng hòa cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống (từ Hội nghị Ủy ban ANQG TW lần thứ nhất 2014 đến nay, với vai trò chủ đạo của Tập Cận Bình).
Trong ba thời kỳ trên, có sự khác nhau rõ ràng giữa “môi trường an ninh”, “ý tưởng ANQG, “nội dung an ninh” và “ mục tiêu an ninh quốc gia”.
Trong thời kỳ thứ ba, với quyền lực tối cao của Tập Cận Bình, Trung Quốc đã có nhiều sự thay đổi trong tư tưởng chỉ đạo ANQG:
– Ngay sau khi bước vào “thời đại mới” (từ đại hội 18, năm 2012), Ngày 15/4/2014, tại Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của UBANQG Trung ương, Tập Cận Bình đã đưa ra Quan điểm ANQG tổng thể, được xác định lần đầu tiên kể từ sau thành lập nước Trung Quốc mới là tư tưởng chiến lược lớn chỉ đạo công tác ANQG, là một bộ phận cấu thành quan trọng của “Tư tưởng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình”.
Quan điểm ANQG tổng thể thể hiện rõ ràng sự thay đổi của môi trường an ninh, nội hàm an ninh, các biện pháp thực thi an ninh và mục tiêu an ninh; nhấn mạnh, “kiên trì lấy sự an toàn của nhân dân làm tôn chỉ, lấy an ninh chính trị làm căn bản; lấy an ninh kinh tế làm cơ sở, lấy an ninh quân sự, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội làm bảo đảm, lấy thúc đẩy an ninh quốc tế làm chỗ dựa; đồng bộ giữa phát triển và an ninh, đồng bộ giữa an ninh bên ngoài với an ninh bên trong, an ninh lãnh thổ với an ninh con người, an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; giữa an ninh tự thân với an ninh cộng đồng quốc tế, đồng bộ giữa bảo vệ và sáng tạo ANQG, lấy cục diện an ninh mới bảo đảm và thúc đẩy cục diện phát triển mới”.
Dưới sự chỉ đạo của quan điểm an ninh tổng thể, Trung Quốc tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với công tác ANQG, thực hành tôn chỉ an ninh nhân dân, kiên trì lấy an ninh chính trị đặt ở hàng đầu, kiên trì bảo vệ chuẩn tắc lợi ích quốc gia, đề phòng, hóa giải các nguy cơ ANQG, thúc đẩy an ninh cộng đồng quốc tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, bảo đảm tiếp tục duy trì hai kỳ tích lớn của Trung Quốc là phát triển kinh tế tốc độ nhanh và xã hội ổn định lâu dài.
– “An ninh phi truyền thống” lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản chính thức của Trung Quốc là trong Báo cáo chính trị Đại hội XVI (2007) (trong đó viết “Uy hiếp an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đan xen nhau…”). Bước vào thế kỷ XXI, cùng với sự tăng cường thực lực kinh tế và quốc lực tổng hợp của Trung Quốc, ở bên ngoài thì Trung Quốc chịu áp lực của truyền thông quốc tế về “thuyết mối đe dọa của Trung Quốc”; ở trong nước thì các thế lực “Đài Loan độc lập”, “Tây Tạng độc lập”, “Tân Cương độc lập” hoạt động mạnh, ảnh hưởng lớn đến ANQG và ổn định xã hội… Mục tiêu chiến lược của ANQG lúc đó: bên trong là cầu phát triển, cầu hài hòa: bên ngoài là cầu hợp tác, cầu hòa bình, càng chú trọng đến an ninh phi truyền thống.
– Từ sau Đại hội XVIII, tình hình thế giới và cục diện an ninh thay đổi lớn, xoay quanh mối quan hệ giữa “hòa bình với phát triển” và “an ninh với phát triển”, mưu cầu chủ yếu là an ninh bền vững và phát triển bền vững.
Với Quan điểm ANQG tổng thể, lần đầu tiên hệ thống ANQG Trung Quốc được xác lập bao gồm “11 loại an ninh” (an ninh chính trị, an ninh lãnh thổ, an ninh quân sự, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, an ninh xã hội, an ninh khoa học kỹ thuật, an ninh thông tin, an ninh sinh thái, an ninh tài nguyên và an toàn hạt nhân); đề ra “đồng bộ giữa phát triển và an ninh, giữa an ninh bên ngoài và an ninh bên trong, giữa an ninh lãnh thổ với an ninh con người, giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, gữa an ninh tự thân và an ninh cộng đồng”.
Thực hiện quan điểm “An ninh quốc gia tổng thể” là sự biến đổi quan trọng của quan điểm ANQG Trung Quốc, là sự thực hiện đồng bộ giữa các lĩnh vực an ninh dưới sự chỉ đạo của quan điểm ANQG tổng thể. Tháng 5/2014, tại Hội nghị thượng đỉnh Lòng tin châu Á, Tập Cận Bình lần đầu tiên đã nêu ra “Quan điểm an ninh mới của châu Á”; đây là một khái niệm mang tính hệ thống, là ý tưởng an ninh “cộng đồng, tổng hợp, hợp tác, bền vững”, trong đó an ninh cộng đồng là mục tiêu, an ninh tổng hợp là nội dung, an ninh hợp tác là biện pháp…” Sách trắng quốc phòng Trung Quốc” công bố 2015 cũng đã đề cập đến “Quan điểm an ninh mới châu Á”: “quân đội Trung Quốc sẽ kiên trì quan điểm an ninh cộng đồng, an ninh tổng hợp, an ninh hợp tác và an ninh bền vững”. Tại Luận đàn Hương Sơn lần thứ 7 vào tháng 10/2016, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao lúc đó là Lưu Chấn Dân đã đưa ra kiến nghị thành lập “khung an ninh mới khu vực châu Á – Thái Bình Dương” cũng dựa trên quan điểm an ninh “Cộng đồng, tổng hợp, hợp tác và bền vững”. Tháng 1/2017, Chính phủ Trung Quốc đưa ra “Sách trắng về hợp tác an ninh châu Á – Thái Bình Dương”, cũng lấy “Quan điểm an ninh tổng thể” làm cơ sở. Tháng 7/2019, Trung Quốc công bố “Sách trắng quốc phòng Trung Quốc thời đại mới”, một lần nữa khẳng định ý nghĩa tích cực của “quan điểm an ninh tổng thể” đối với hợp tác an ninh khu vực. Tháng 2/2023, Tập Cận Bình đã đề xướng “Quan điểm An ninh toàn cầu”, tính đến cuối năm 2024 đã có 119 quốc gia và tổ chức quốc tế ủng hộ và đã được đưa vào 123 văn bản chính trị song lương, đa phương trên toàn cầu… Trung Quốc cũng coi trọng việc đồng bộ giữa an ninh (đề xướng “quan điểm An ninh toàn cầu” tháng 4/2022) với quản trị toàn cầu (đề xướng “quan diểm Phát triển toàn cầu” tháng 9/2021 và “quan điểm văn hóa toàn cầu” tháng 3/2023), nhìn chung được thế giới quan tâm, ủng hộ.
Hệ thống ANQG của Trung Quốc đến 2020, đã phát triển thành hệ thống tổng hợp gồm 16 lĩnh vực an ninh: ngoài 11 lĩnh vực đã nêu, còn thêm 5 lĩnh vực: lợi ích Trung Quốc ở nước ngoài; không gian vũ trụ; đáy biển sâu; cực trái đất và an ninh sinh vật. Về tổng thể, từ sau Hội nghị lần thứ nhất UBANQG năm 2014, công tác ANQG của Trung Quốc đã được chỉ đạo bởi quan điểm ANQG tổng thể, hài hòa đồng bộ giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.
Trong tương lai, cùng với sự thay đổi của môi trường ANQG, sự phát triển của ý tưởng quan điểm ANQG, yêu cầu của thực tiễn quản trị ANQG và chiến lược ANQG, hệ thống ANQG của Trung Quốc tất sẽ phải tiếp tục hoàn thiện và phát triển, để thực hiện hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị ANQG, xây dựng một Trung Quốc bình yên với trình độ cao hơn, cung cấp sự bảo đảm càng chắc chắn hơn cho xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại.
6. Những gợi ý cho Việt Nam
Tiến trình thay đổi quan điểm ANQG và công bố “Sách trắng ANQG Trung Quốc thời đại mới” đã đưa ra những gợi ý có thể có ích để tham khảo, nghiện cứu, vận dụng phù hợp cho ANQG Việt Nam:
– Từ sự thay đổi nhận thức về môi trường an ninh, nội hàm an ninh, biện pháp công tác an ninh và mục tiêu an ninh trong tình hình mới, đi đến quyết sách về tổ chức bộ máy, kiện toàn hệ thống ANQG và chiến lược ANQG đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ ANQG thời đại mới. Ngày 12/11/2013, HNTW3/khóa 18 đã quyết định thành lập UBANQG Trung Quốc và 24/1/2014, Bộ Chính trị đã chỉ định Tổng Bí thư Tập Cận Bình làm Chủ tịch, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang làm Phó Chủ tịch UBANQG trung ương. UBANQG Trung Quốc được thành lập sau Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời 65 năm, trong khi đã có Bộ Công An, Bộ An ninh Quốc gia và các Tiểu tổ lãnh đạo công tác ANQG trung ương, chứng tỏ nhu cầu hiện thực của công tác ANQG trong tình hình mới. UBANQG trung ương Trung Quốc có chức năng lớn hơn so với Hội đồng ANQG Mỹ, trong khi HĐANQG Mỹ có chức năng chủ yếu là đối ngoại thì UBANQG Trung Quốc có cả chức năng đối ngoại (duy trì bảo vệ an ninh chủ quyền) và đối nội (đảm bảo an ninh chính trị). Thực hiện quan điểm ANQG tổng thể, Trung Quốc cần một cơ chế quyết sách ở cấp cao để thống nhất chỉ đạo, thống nhất huy động lực lượng, thống nhất xử lý các nguy cơ ANQG lớn, lấy an ninh bảo đảm cho phát triển kinh tế, thực hiện các mục tiêu lớn của quốc gia, giữ vững vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Tình hình ANQG và nhiệm vụ đảm bảo ANQG của Việt Nam cũng có những nhu cầu tương tự, ta cần tham khảo kinh nghiệm và thực tiễn của Trung Quốc để thành lập UBANQG Việt Nam với điều kiện của mình, nâng cao trình độ hiện đại hóa hệ thống và năng lực ANQG Việt Nam, đáp ứng nhu cầu bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới
– Thúc đẩy phối hợp Việt Nam – ASEAN trên lĩnh vực hợp tác An ninh ASEAN – Trung Quốc, nghiên cứu đề xuất thiết lập cơ chế hợp tác an ninh ASEAN – Trung Quốc, hoặc cơ chế hợp tác an ninh khu vực Biển Đông; trong đó nêu cao vai trò Việt Nam là đối tác lớn nhất về thương mại của Trung Quốc trong ASEAN, là đối tác lớn thứ 4 của Trung Quốc trên toàn cầu.
– Tham khảo, nghiên cứu vận dụng Quan điểm ANQG tổng hợp của Trung Quốc phù hợp với điều kiện ANQG của Việt Nam, nhất là giải quyết mối quan hệ giữa an ninh truyền thống và phi truyền thống, giữa an ninh và phát triển, giữa an ninh và mở cửa, bên trong và bên ngoài; giữa an ninh tự thân với an ninh cộng đồng quốc tế… Có thể nghiên cứu hình thức giao ban cấp trung ương hoặc cấp địa phương biên giới về các lĩnh vực này.
– Đẩy mạnh hợp tác an ninh với Trung Quốc trên lĩnh vực an ninh chính trị (chế độ, Đảng lãnh đạo…), an ninh xã hội, an ninh biên giới, biển đảo. Nghiên cứu khai thác những khía cạnh có lợi trên lĩnh vực an ninh trong chính sách chu biên mới của Trung Quốc. Duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế tiếp xúc hiện có, nhất là cơ chế đối thoại 3+3 (Ngoại giao – Quốc phòng – An ninh) giữa hai bên.
Đảng ta coi việc tăng cường quan hệ hợp tác với Trung Quốc là sự “lựa chọn chiến lược” của Việt Nam, với ý nghĩa ấy, phải chăng cũng cần coi thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực an ninh Việt – Trung cũng là “sự lựa chọn chiến lược” của ANQG Việt Nam, đưa sự hơp tác an ninh hai bên lên tầm cao mới, phục vụ thiết thực cho lợi ích của cả hai bên trong tình hình mới.■
Tùng Lâm