Trong lịch sử phát triển của các dân tộc, những cuộc cách mạng luôn tạo ra những bước ngoặt lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới, giúp cả dân tộc tiến lên một nấc thang cao hơn trong hành trình phát triển, tự khẳng định vị thế của mình so với các dân tộc khác trên thế giới. Đối với Việt Nam, các cuộc cách mạng xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước không chỉ làm nên một hành trình giành độc lập, tự chủ đầy vinh quang, gian khổ, mà còn mở ra những chặng đường phát triển mới của đất nước.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại, là nhân tố quyết định, đưa đất nước bước vào thời kì mới. Trải bao thăng trầm lịch sử, Đảng đã lãnh đạo nhân dân bước qua hai cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thời kì chống Pháp và chống Mỹ. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng thứ nhất, Việt Nam tiếp tục bước vào một cuộc Cách mạng sau chiến tranh – cuộc Cách mạng thứ hai mang tên “Đổi mới” (1986) đã tạo ra sự thay đổi toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội… Nhìn lại quá trình suốt gần 40 năm sau Đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, nhưng cũng đứng trước những nguy cơ, thách thức không nhỏ trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu.
Cuối năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi trao đổi về chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới – Kỷ nguyên Vươn mình của dân tộc Việt Nam”, trong đó có đề cập về thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng (2026), tròn 40 năm kể từ khi nước ta bước vào thời kỳ Đổi mới. Đây cũng là thời điểm hứa hẹn mở ra “Cuộc Cách mạng thứ ba” của dân tộc Việt Nam. Năm 2025 được xem như là năm bản lề, chuẩn bị cho sự phát triển ngoạn mục đó, với một loạt cải cách mang tính bước ngoặt, toàn diện trên mọi lĩnh vực, mở đường cho cuộc Cách mạng thứ ba của đất nước. Chúng ta tin rằng cuộc Cách mạng này sẽ đem đến những đổi thay mạnh mẽ của Việt Nam trên trường quốc tế, và những người Việt ở thời kì này sẽ tự hào khi được chứng kiến Việt Nam vươn mình, trở thành một nước hùng cường, thịnh vượng trong khu vực và thế giới.
1. Cuộc Cách mạng giành độc lập dân tộc trong kháng chiến chống Pháp – Mỹ (thế kỷ XX)
Là một đất nước chịu ách đô hộ ngoại bang suốt hàng ngàn năm, dân tộc Việt Nam luôn nung nấu khát vọng tự do và độc lập. Kể từ khi Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tìm ra con đường cứu nước đúng đắn vào năm 1920, chủ nghĩa Marx – Lenin đã đem lại ánh sáng dẫn đường cho Cách mạng Việt Nam. Từ đây, cuộc Cách mạng mới xác định rõ được lộ trình giải phóng dân tộc, và tập hợp được các lực lượng quần chúng nhân dân tranh đấu dưới một ngọn cờ giành độc lập dân tộc.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt lịch sử khi lần đầu tiên phong trào yêu nước có một tổ chức chính trị tiên phong dẫn dắt. Đảng cũng xác định được lực lượng nòng cốt của Cách mạng là giai cấp công – nông – lực lượng có tinh thần cách mạng triệt để nhất; đồng thời xác định Đảng Cộng sản chính là tổ chức đại diện cho giai cấp của những người lao động vô sản. Điều đó đã trở thành nhân tố có tính quyết định cho Cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, không những các tầng lớp quần chúng nhân dân được tập hợp để tranh đấu, mà Cách mạng Việt Nam còn bắt đầu có sự liên kết chặt chẽ với phong trào Cộng sản và công nhân Quốc tế, hoà nhập với cách mạng thế giới. Điều này tạo ra sức mạnh cả về vật chất và tinh thần, giúp Cách mạng Việt Nam kiến tạo, duy trì và nuôi dưỡng lực lượng nòng cốt trong suốt nhiều năm liền; tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển lâu dài trong những giai đoạn tiếp theo.
Sau 15 năm đấu tranh kiên cường, ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp. Đỉnh cao Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một dấu mốc vĩ đại – Nhà nước Việt Nam mới đầu tiên được thành lập.
Tuy nhiên, nền độc lập vừa mới giành được ngay lập tức bị đe dọa bởi sự trở lại của thực dân Pháp. Đảng tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ suốt 9 năm, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử vào ngày 7/5/1954, buộc Pháp phải ngồi vào vòng đàm phán, ký kết Hiệp định Genève (20/7/1954), công nhận chủ quyền, độc lập của Việt Nam.
Nhưng đất nước phải tiếp tục trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ suốt 20 năm tiếp theo. Trong giai đoạn này, đất nước bị chia cắt, Đảng vẫn lãnh đạo nhân dân hai miền Nam – Bắc vừa sản xuất, vừa chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Kết quả là dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.
Đây là thắng lợi vang dội của Đảng và nhân dân Việt Nam trong cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại kéo dài suốt thế kỷ XX.
2. Cuộc Cách mạng về kinh tế và phát triển đất nước thời kì Đổi mới (từ 1986 đến nay)
Chiến thắng 30/4 đã khép lại cuộc Cách mạng giữ nước đầy hào hùng, oanh liệt của dân tộc ta ở thế kỷ XX, đưa đất nước bước vào một thời kỳ mới – thời kỳ xây dựng, tái thiết đất nước trong điều kiện vô cùng khó khăn. Sau khi thống nhất, nước ta chính thức đổi tên thành “Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tên Đảng đổi thành “Đảng Cộng sản Việt Nam” vào năm 1976, nhằm hướng đến mục tiêu mới là tiến lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy đã giành thắng lợi về chính trị – quân sự, nhưng những năm cuối thập kỷ 1970 và đầu 1980, Việt Nam lại phải đối diện với những thách thức mới, đó là cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội kéo dài do hậu quả nặng nề của chiến tranh, bị bao vây cấm vận và những tác động từ lối tư duy cũ. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về một cuộc Cách mạng thứ hai – cách mạng về tư duy và mô hình phát triển mới cho đất nước.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 1986, lạm phát tại Việt Nam lên tới 775%. Đứng trước thực trạng đất nước rơi vào tình trạng lạm phát phi mã, sản xuất đình trệ, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986) đã đánh dấu bước ngoặt mới với quyết định tiến hành công cuộc “Đổi mới” toàn diện đất nước. Công cuộc Đổi mới năm 1986 là sự thay đổi có tính lịch sử, với việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với ba trọng tâm lớn:
Thứ nhất, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế: Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp được thay thế bằng cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Cuộc cải cách lớn mạnh nhất diễn ra trên lĩnh vực nông nghiệp, bằng việc chuyển đổi từ mô hình hợp tác xã sang giao đất cho các hộ nông dân, thực hiện khoán sản phẩm, người nông dân đã tự chủ phát huy sản xuất để sản xuất lương thực cho đất nước. Chính sách “khoán sản phẩm đến hộ nông dân” (khoán 10) vào năm 1988 đã giúp nông dân chủ động trong sản xuất, mang lại năng suất cao và lần đầu tiên đưa Việt Nam từ nước thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo.
Thứ hai, đa dạng hóa các thành phần kinh tế: Từ chỗ chỉ có kinh tế nhà nước và tập thể, Việt Nam đã công nhận và phát triển các thành phần kinh tế tư nhân, cá thể, hợp tác xã, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… tạo ra một nền kinh tế thị trường năng động. Việc xác định nền kinh tế thị trường nhiều thành phần là một thay đổi có tính cách mạng về tư duy kinh tế, tạo ra khối lượng hàng hoá ngày càng dồi dào, phong phú, đa dạng, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đạt được những thành tựu rực rỡ.
Thứ ba, mở cửa hội nhập quốc tế: Từ một nước bị bao vây, cấm vận, cô lập, tấn công, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991), Hoa Kỳ (1995), gia nhập ASEAN (1995), WTO (2007), ký các hiệp định thương mại tự do như CPTPP (2018), EVFTA (2020), qua đó tăng cường thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu, hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, chính trị, an ninh quốc phòng… đặc biệt với các nước trước đây từng là thù địch.
Nhìn chung, qua cuộc Cách mạng thứ hai này, chúng ta đã đúc rút ra được bài học: con đường mới để xây dựng đất nước phải đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế và mở rộng các mối quan hệ quốc tế, kết hợp nguồn lực trong và ngoài nước. Tổng kết hơn 40 năm thực hiện cuộc Cách mạng Đổi mới, về căn bản đất nước ta đã đạt được những thành tựu sau:
Về xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sau gần 40 năm, nước ta đã hình thành nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh. Kinh tế nhà nước từng bước phát huy được vai trò chủ đạo, trong khi kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, các yếu tố thị trường và các loại thị trường có bước phát triển đáng kể, từng bước đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới. Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế đã thúc đẩy kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng.
Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cũng rất chủ động và tích cực; tính đến tháng 10/2024, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, đối tác lớn trên toàn cầu, thu hút đầu tư FDI và viện trợ ODA từ các đối tác hàng đầu thế giới. Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, kém hiệu quả, với thu nhập bình quân đầu người vẻn vẹn 96 USD vào năm 1989, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, dự kiến cuối năm 2025, sẽ bước vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao, tương đương mức trên 5.000 USD/người/ năm; tổng giá trị GDP năm 2024 đạt 476,3 tỉ USD, đứng thứ 33 thế giới. Việt Nam cũng đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về thiết bị điện tử, máy móc, nông sản, dệt may…
An sinh xã hội được đảm bảo, phúc lợi xã hội cho người dân ngày càng được nâng cao, đời sống người dân không ngừng cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 70% (năm 1990) xuống còn khoảng 2,93% vào năm 2023 (chuẩn nghèo đa chiều). Tăng trưởng kinh tế bước đầu thay đổi theo hướng chuyển đổi xanh, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghiệp xanh, đô thị xanh.
Về phát triển văn hóa, xã hội và con người, hệ thống luật pháp trong lĩnh vực văn hoá được xây dựng, sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý về văn hoá. Việt Nam đã bước đầu xây dựng và hiện thực hoá được hệ giá trị quốc gia, không ngừng gìn giữ, phát huy bản sắc, văn hoá dân tộc, bảo tồn di sản truyền thống và nâng cao chuẩn mực con người Việt Nam thông qua những hoạt động đa dạng. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, truyền thông đại chúng góp phần tích cực vào giáo dục thẩm mỹ, nâng cao năng lực sáng tạo, sản xuất, quảng bá và cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân.
Sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đạt được nhiều thành tựu trên cả lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn và khoa học tự nhiên. Hệ thống giáo dục – y tế tiếp tục phát triển, củng cố, mở rộng quy mô, tăng cường chất lượng. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên đến gần 74 tuổi, phản ánh sự cải thiện rõ rệt trong chất lượng cuộc sống và dịch vụ y tế. Trong lĩnh vực giáo dục, hệ thống giáo dục được mở rộng và cải thiện, với tỷ lệ biết chữ ở người lớn đạt trên 98%. Những thành tựu này khẳng định kết quả và tính đúng đắn của công cuộc Đổi mới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng từng bước hoàn thiện, đồng bộ thể chế về quản lý phát triển xã hội và thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển thị trường lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội…
Về xây dựng, phát triển quốc phòng, an ninh và đối ngoại, thành tựu cơ bản, bao trùm của Việt Nam là đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Mặc dù sống trong thời bình, nhưng Việt Nam vẫn chủ động nắm chắc, đánh giá, dự báo sát và đúng tình hình thế giới, khu vực; chủ động kiểm soát được tình hình, đặc biệt trên các địa bàn xung yếu để có các phương án, đối sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động đấu tranh kịp thời, hiệu quả, từng bước đẩy lùi các loại tội phạm. Chúng ta vẫn giữ vững nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân gắn với xây dựng thế trận lòng dân một cách thực chất, hiệu quả.
Công tác đối ngoại được nâng tầm, đạt kết quả nổi bật, từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia và vùng lãnh thổ, có quan hệ đối tác chiến lược với 30 quốc gia, bao gồm cả 5 nước Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và 17/20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20). Sau 40 năm đổi mới, Việt Nam đã và đang đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, tiểu vùng Mê Công, APEC, AIPA, IPU, UNESCO, các Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP), Diễn đàn cấp cao Vành đai và con đường…
Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được những thành tựu căn bản trong giữ vững bản chất, mục đích, nền tảng, tư tưởng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng; xây dựng Đảng ngày càng trưởng thành về chính trị, tư tưởng, đạo đức, nâng cao chất lượng cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên, phát triển công tác cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ; không ngừng cải tổ và nâng cấp mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, công tác dân vận cũng được phát huy tích cực, xây dựng mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ngày càng mật thiết. Trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, Đảng đã đẩy mạnh được cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; liên tục đổi mới, nâng cao phương thức lãnh đạo, cầm quyền, chuyên nghiệp hoá tác phong, lề lối làm việc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
3. Cuộc Cách mạng toàn diện đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới
Như vậy, Việt Nam đã trải qua hai cuộc Cách mạng lớn để có được cơ đồ và vị thế, tiềm lực như hôm nay. Việt Nam và Trung Quốc hiện được xem là hai hình mẫu lớn về xây dựng xã hội chủ nghĩa để các nước trong hệ thống noi theo. Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ (1991), có nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam cũng sẽ lung lay, nhưng chúng ta đã chứng minh điều ngược lại. Việt Nam không những không sụp đổ mà còn tìm cách để vươn lên và phát triển vững mạnh hơn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau gần 40 năm thực hiện Đổi mới, những mô hình và tư duy phát triển cũ đang dần bộc lộ những giới hạn nhất định. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tuy cao nhưng còn phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động giá rẻ. Đổi mới công nghệ, năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực và thể chế vẫn là những điểm nghẽn. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đối diện với các thách thức mới như: biến đổi khí hậu, già hóa dân số, đô thị hóa nhanh, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, và đặc biệt là sự chuyển dịch địa chính trị và cạnh tranh công nghệ toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra cho Việt Nam là phải tiếp tục thực hiện một cuộc Cách mạng mới – một cuộc Cách mạng lần thứ ba với nội dung sâu sắc, đa chiều hơn. Đây sẽ là cuộc Cách mạng mang tính toàn diện, bứt phá hơn nữa, nhằm định vị Việt Nam là một trung tâm của khu vực và thế giới trong kỷ nguyên hội nhập và sáng tạo, thể hiện ở những nội dung sau:
Thứ nhất, phát triển Việt Nam thành trung tâm kinh tế và khoa học công nghệ hàng đầu của khu vực. Trong kỷ nguyên số, năng lực đổi mới sáng tạo và công nghệ là yếu tố then chốt quyết định sức cạnh tranh của một quốc gia. Việt Nam cần đi đầu trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, công nghệ số và chuỗi cung ứng thông minh.
Để làm được điều này, Nhà nước cần tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, thu hút nguồn vốn đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục, dạy nghề cần được cải cách, đầu tư để đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có khả năng làm chủ công nghệ và phát minh công nghệ mới. Hệ sinh thái nghiên cứu và phát triển (R&D) phải được thúc đẩy mạnh mẽ với sự tham gia của cả khu vực công lẫn tư nhân, khuyến khích, trao quyền và hỗ trợ tư nhân thực hiện những dự án khởi nghiệp sáng tạo mang tính đột phá.
Sắp tới, các đặc khu công nghệ, đô thị thông minh và trung tâm đổi mới sáng tạo có tầm cỡ khu vực cần được khẩn trương xây dựng, hoàn thiện để tạo ra những bước ngoặt lớn trong khoa học – công nghệ, hình thành những chuỗi giá trị mới, những sản phẩm sáng tạo có hàm lượng tri thức cao đến từ Việt Nam. Nếu thực hiện được điều này trong cuộc Cách mạng mới tới thì Việt Nam sẽ sớm trở thành một “thung lũng Silicon” tại châu Á, nơi công nghệ, trí tuệ, tinh thần sáng tạo hội tụ và lan tỏa khắp châu lục và thế giới.
Thứ hai, song hành cùng sự phát triển kinh tế, Việt Nam cần khẳng định mình là trung tâm văn hoá – biểu tượng hoà bình của khu vực, nơi gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời đóng góp vào tiến trình hoà bình, công bằng và phát triển bền vững của nhân loại.
Dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc tinh thần nhân ái, khoan dung và khát vọng hoà bình, có đầy đủ nền tảng để trở thành một ngọn đuốc giá trị tinh thần giữa thế giới nhiều bất ổn. Trong bối cảnh toàn cầu hoá kéo theo nhiều hệ luỵ tiêu cực như suy thoái đạo đức, mất bản sắc văn hoá, bất bình đẳng xã hội, xung đột, chiến tranh diễn ra khắp nơi, Việt Nam trước nay vẫn luôn kiên định theo đuổi các giá trị: bình đẳng, nhân văn, tôn trọng sự khác biệt, yêu chuộng hoà bình và bảo vệ công lý. Đây là những giá trị mà thế giới tương lai luôn hướng đến và theo đuổi, mà Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ tiềm năng, nội lực sâu sắc để đảm nhiệm vai trò dẫn đầu đó.
Hiện nay, vai trò của Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế như ASEAN, Liên Hợp Quốc hay các cơ chế hợp tác đa phương đã và đang được nâng tầm. Việt Nam không chỉ là người tham gia mà còn là người dẫn dắt các sáng kiến vì hoà bình, phát triển bền vững, và tôn trọng luật pháp quốc tế. Ý kiến của Việt Nam về các vấn đề như kiềm chế xung đột, giải quyết bằng hoà bình, hướng tới sự tôn trọng, hợp tác, hữu nghị đa phương… luôn được bạn bè quốc tế lắng nghe và học hỏi. Bản sắc văn hóa Việt vốn giàu chất nhân văn, giàu tinh thần cộng đồng – đây chính là điểm tựa vững chắc để đất nước ta lan tỏa những giá trị tích cực ra thế giới, đóng vai trò cầu nối giữa các nền văn minh, trung tâm của hoà bình, ổn định chính trị và phát triển hài hoà, bền vững cho toàn nhân loại.
Thứ ba, một trong những yếu tố cốt lõi của cuộc Cách mạng thứ ba là truyền thông và truyền cảm hứng, không chỉ để quảng bá hình ảnh quốc gia ra thế giới, mà còn để khơi dậy nội lực dân tộc. Do đó, Việt Nam cần có một chiến lược truyền thông quốc gia hiện đại, bài bản, đồng bộ và liên tục nhằm kể câu chuyện Việt Nam một cách chân thực, hấp dẫn và truyền cảm hứng.
Truyền thông cần giúp người dân trong nước hiểu rõ hơn về những định hướng phát triển, vai trò và trách nhiệm của họ trong công cuộc dựng xây đất nước, đặc biệt là ở cuộc Cách mạng mới này, khi cả dân tộc cần đồng lòng, góp sức đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Sức mạnh dân tộc không chỉ đến từ tài nguyên hay chính sách, mà quan trọng hơn là từ ý thức cộng đồng, niềm tin và khát vọng của mỗi người dân. Truyền thông hiện đại phải giúp khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khơi dậy niềm tự hào và ý chí hành động.
Đối với cộng đồng quốc tế và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, truyền thông quốc gia phải lan tỏa một hình ảnh Việt Nam hiện đại, sáng tạo, có trách nhiệm và nhân văn, là điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh, là trung tâm của những giá trị bền vững cho nhân loại. Các nền tảng số, mạng xã hội, báo chí quốc tế, phim ảnh, nghệ thuật, âm nhạc… đều là kênh hữu hiệu để truyền tải các giá trị Việt Nam. Chính những giá trị đạo đức, văn hoá, khát vọng hòa bình và năng lực phát triển sẽ là “thương hiệu quốc gia” mới cho Việt Nam trong thế kỷ XXI.
Thứ tư, hệ thống chính trị và quản trị quốc gia luôn đóng vai trò cốt lõi, là trụ đỡ vững chắc để hiện thực hóa mọi chiến lược phát triển. Do đó, cuộc Cách mạng thứ ba của Việt Nam đòi hỏi phải hiện đại hoá toàn diện hệ thống chính trị, thể chế và bộ máy quản trị quốc gia theo hướng hiệu lực, hiệu quả, minh bạch và số hóa. Việc điều hành đất nước phải đặt trên nền tảng pháp quyền hiện đại, mọi quyết định đều dựa trên dữ liệu, khoa học và quy trình thông minh, thay thế mô hình hành chính cũ còn nhiều thủ tục rườm rà, bất cập. Quản trị bằng pháp luật, thúc đẩy cải cách thể chế và quản trị công chính là chìa khóa để đất nước phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Để thực hiện được cuộc Cách mạng về thể chế và quản trị đất nước, Chính phủ cần chủ động thực hiện chuyển đổi số toàn diện, xây dựng một hệ thống quản trị thông minh, liên thông và linh hoạt ở tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương. Trong quá trình đó, việc thiết lập hệ sinh thái số trên từng lĩnh vực là yêu cầu bắt buộc để tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư; đảm bảo sự vận hành mạch lạc, thông suốt và minh bạch giữa các khâu, từ hoạch định đến thực thi chính sách.
Việc sáp nhập, tái cấu trúc các đơn vị hành chính cần tiếp tục được thực hiện dựa trên nguyên tắc tinh gọn, hiệu quả, giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm nguồn lực, đồng thời tối ưu hóa quản trị theo vùng, theo chức năng và năng lực phát triển thực tế. Bên cạnh đó, việc sắp xếp, tinh gọn, lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng cần dựa trên năng lực đổi mới, tư duy chiến lược, tinh thần phục vụ và đạo đức công vụ cao. Đây đều là những yếu tố then chốt để xây dựng một hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, tinh gọn, hiệu quả trong bối cảnh mới.
Đặc biệt, muốn phát triển bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có cơ sở hạ tầng vững mạnh và đồng bộ để bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các yếu tố. Chính phủ cần có tầm nhìn chiến lược theo cả ba cấp độ: ngắn hạn – ứng phó nhanh với thách thức, trung hạn – củng cố nền tảng phát triển, và dài hạn – kiến tạo tương lai đất nước. Khi hệ thống chính trị, quản trị và thể chế được hiện đại hoá một cách toàn diện, Việt Nam mới có thể xây dựng được một quốc gia thông minh, thích ứng nhanh, vận hành hiệu quả và phát triển bền vững, từ đó vươn mình trở thành trung tâm hành chính kiểu mẫu của cả khu vực và thế giới.
Như vậy, từ cuộc Cách mạng giành độc lập đến công cuộc Đổi mới, lịch sử Việt Nam là minh chứng sinh động cho sức sống mãnh liệt của một dân tộc yêu nước, kiên cường và luôn khát vọng vươn lên không ngừng. Tuy nhiên, không có đỉnh cao nào là mãi mãi, thành tựu ngày hôm nay không đảm bảo thành công cho ngày mai. Đứng trước những nguy cơ và thách thức của một thế giới biến động khôn lường, Việt Nam đang bước vào một cuộc Cách mạng mới với những vấn đề chưa từng có tiền lệ. Tất cả đã và đang tạo ra một bước phát triển đáng kể, với những thay đổi có tính bước ngoặt, mở ra một thời kỳ phồn vinh, thịnh vượng hơn đang chờ đợi cả dân tộc cùng tiến bước.
Cuộc Cách mạng này được xem là cuộc Cách mạng tất yếu để Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, bảo đảm chủ quyền, hạnh phúc, kiến tạo những giá trị mới và định vị đất nước trên bản đồ thế giới như một quốc gia tiến bộ, văn minh, phát triển toàn diện. Đây là cuộc Cách mạng của tư duy, sáng tạo, của khát vọng Việt Nam, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp chung của cả dân tộc. Nếu được triển khai đồng bộ và thực thi bền bỉ, đúng đắn, cuộc Cách mạng này sẽ giúp Việt Nam trở thành một trung tâm kinh tế, công nghệ, hành chính, văn hoá và hoà bình của thế giới, một quốc gia “nhỏ mà không yếu”, “khiêm nhường mà không mờ nhạt”, có bản sắc và giá trị riêng, đủ sức lan toả, dẫn dắt thế giới và đồng hành cùng nhân loại trong kỷ nguyên mới.■