Từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, Afghanistan đã là một “quân cờ” trên bàn cờ của các cường quốc. Thời điểm đó, quốc gia này lâm vào một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn giữa một bên là phe thân Mỹ và phe bên kia có xu hướng dựa vào Liên Xô. Tại Liên bang Xô viết, nước láng giềng phía bắc của Afghanistan, hơn hai mươi phần trăm dân số là người Hồi giáo. Chính vì vậy, Liên Xô rất lo sợ Afghanistan sẽ ngả về Hoa Kỳ trong bối cảnh Hoa Kỳ đã triển khai nhiều lực lượng ở khu vực Trung Đông để đối phó với cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran.
Liên Xô đã quyết định can thiệp vào cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn tại Afghanistan. Vào tháng 12/1979, quân đội Liên Xô di chuyển vào lãnh thổ Afghanistan và giành kiểm soát thủ đô Kabul, mở đầu cho 10 năm can thiệp quân sự vào đất nước này. Liên Xô quyết giữ bằng được chính quyền thân Liên Xô tại Afghanistan vì nếu thất bại, các phiến quân Hồi giáo thân Mỹ hoặc cơ sở quân sự của Hoa Kỳ có thể xuất hiện ở khu vực này, sẽ tạo ra mối đe dọa chiến lược với Liên Xô. Cuộc chiến ở Afghanistan rất đẫm máu, đã khiến 15.000 quân Liên Xô và ít nhất 640.000 người Afghanistan thiệt mạng.
Khi Chiến tranh Lạnh sắp kết thúc, Liên Xô đồng ý rút quân khỏi Afghanistan. Chính quyền thân Liên Xô đã sụp đổ chỉ vài tháng sau khi Liên Xô rút quân. Việc đưa quân đội Liên Xô vào đây được các sử gia đánh giá là “một thảm họa” đối với hình ảnh của nước này, khiến cường quốc xã hội chủ nghĩa bị sa lầy, góp phần đẩy nhanh quá trình tan rã của Liên Xô.
Nhiều lãnh đạo của lực lượng phiến quân chống Liên Xô được Mỹ nuôi dưỡng đã thành lập Taliban. Phong trào Taliban do giáo sĩ Mohammad Omar thành lập này xuất hiện ở miền nam Afghanistan vào năm 1994. Bản thân Mullah Omar từng là một chỉ huy phiến quân mujahedeen chống Liên Xô ở Afghanistan trong thập niên 1980. Taliban dưới sự lãnh đạo của Omar ngày càng lớn mạnh và tới tháng 9/1996 đã chiếm được thủ đô Kabul. Sau khi thiết lập chế độ Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, Taliban vẫn được phương Tây coi là đồng minh. Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright khi đó còn khen ngợi chiến dịch đánh chiếm Kabul của Taliban là “một bước đi tích cực”.
Taliban đã cầm quyền từ năm 1996 tới năm 2001, chiếm được tới 85% lãnh thổ Afghanistan. Quan hệ giữa Taliban và Mỹ chỉ xấu đi khi Taliban từ chối giao nộp Osama bin Laden, kẻ chủ mưu vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania ngày 7/8/1998. Do hậu thuẫn cho khủng bố và thực hiện nhiều chính sách hà khắc với dân chúng, đặc biệt là đối với phụ nữ, phá hủy hầu hết các công trình văn hóa Phật giáo cổ đại, Taliban bị quốc tế lên án và bị cô lập về mặt ngoại giao. Ngày 11/9/2001, hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới ở Mỹ bị Bin Laden tấn công. Taliban bị Mỹ cáo buộc đã ủng hộ và cung cấp nơi trú chân cho trùm khủng bố Osama bin Laden và các thành viên al-Qeada để nhóm này lên kế hoạch tấn công nước Mỹ vào ngày 11/9/2001.
Tháng 10/2001, Mỹ tấn công Taliban và chỉ trong vài ngày, Taliban buộc phải ký thỏa thuận đầu hàng. Chế độ lâm thời thân Mỹ ở Kabul được thiết lập. Mỹ bắt đầu đứng chân ở Afghanistan từ đó cho tới nay. Mỹ đã chi hơn 1.000 tỷ USD trong hơn 20 năm, đào tạo và trang bị cho lực lượng quân sự hơn 300.000 người của Afghanistan. Nhưng tình hình Afghanistan vẫn bất ổn. Taliban không bị đập tan mà vẫn cố thủ ở các tỉnh phía đông và đông nam giáp Pakistan. Tổ chức này tái cấu trúc lực lượng, tăng cường trang bị và vẫn thực hiện các vụ tấn công liều chết. Từ năm 2007, Taliban chuyên bắt cóc công dân nước ngoài. Thực tế, Taliban có nhiều quân bố trí rất gần Kabul và chỉ vì có lính Mỹ hiện diện ở đó nên những phiến quân này vẫn không thể chiếm được chính quyền.
Về mặt kinh tế, Taliban cũng có nguồn thu mạnh nhờ hoạt động mua bán ma túy. Họ áp thuế rất nặng với những người trồng hoa anh túc và sản xuất thuốc phiện tại các vùng lãnh thổ do nhóm kiểm soát. Taliban cũng áp thuế với các doanh nghiệp, thu lời từ hoạt động mua bán dầu mỏ tại các vùng biên giới và vận hành các mỏ khoáng sản. Nhóm này cũng có nguồn viện trợ từ nước ngoài. Các nhà nghiên cứu của NATO ước tính mỗi năm Taliban có thể thu về khoảng 1,6 tỷ USD.
Từ cuối năm 2014, khi NATO kết thúc chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan, Taliban ngày càng tiến hành nhiều hơn các cuộc tấn công vào các tòa nhà chính quyền và đại sứ quán ở Kabul, đẩy mạnh giành dân, lấn đất và gia tăng quân số. Những hoạt động này khiến Mỹ tiếp tục hao tổn lực lượng và tốn kém chi phí duy trì quân đội để giữ được chính quyền thân Mỹ ở Afghanistan.
Năm 2016, Donald Trump tranh cử tổng thống với chính sách “Nước Mỹ trên hết” đã hứa sẽ chấm dứt các cuộc chiến tranh “bất tận” ở Afghanistan. Trump khởi xướng việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan sau 20 năm hiện diện với lý do chấm dứt những mất mát không cần thiết về sinh mạng người Mỹ trên chiến trường. Năm 2020, chính quyền ông Trump rút dần lực lượng khỏi khu vực này và chính ông Trump từng nói rằng việc Mỹ rút là “một điều tuyệt vời và tích cực”.
Chính quyền Biden tiếp tục chính sách rút quân này của Trump. Thực tế, vào tháng 5 năm 2021, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định quân đội nước ngoài sẽ rút khỏi Afghanistan trước cuối tháng 8, Taliban đã mở màn chiến dịch tấn công mới trên toàn quốc và đã nhanh chóng mở rộng quyền kiểm soát. Tháng 7, Taliban tuyên bố kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan và những ngày giữa tháng 8 vừa qua chứng kiến sự kiện lịch sử khi Taliban đã tuyên bố chiến thắng từ ngay bên trong dinh tổng thống ở Kabul.
Sự kiện này đã được truyền thông đánh giá là một thất bại “nhục nhã” của Mỹ. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell coi cảnh rút quân là “nỗi ê chề của một siêu cường bị hạ gục”. Tờ Global Times của Trung Quốc nhận định Mỹ đang hứng chịu “thất bại lịch sử” tại Afghanistan và cuộc chiến dài nhất của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh đã kết thúc trong ê chề.
Từ thất bại này của Mỹ ở Afghanistan, có thể rút ra một số nhận định mang tính nền tảng và đưa ra một vài dự liệu về tình hình ở khu vực này trong giai đoạn sắp tới.
Thứ nhất, việc chế độ thân Mỹ ở Afghanistan sụp đổ nhanh chỉ là bất ngờ với Mỹ, nhưng là một thực tế tất yếu mà nhiều quốc gia khác đã thấy rõ sẽ phải xảy ra. Những lực lượng Mỹ dựng lên thực tế không được lòng dân và không có sức mạnh thực chất nên rất dễ sụp đổ, chỉ sau bốn tháng Mỹ tuyên bố rút quân. Mới tháng trước, Tổng thống Biden còn tuyên bố: “Khả năng Taliban kiểm soát và điều hành toàn bộ đất nước là rất khó xảy ra” và công khai bày tỏ hy vọng các lực lượng Afghanistan tăng cường ý chí bảo vệ đất nước. Các quan chức thân cận với Biden nói Tổng thống Mỹ tỏ ra lạc quan hơn khi dự đoán quân đội Afghanistan sẽ cầm chân được Taliban nhưng kết quả là ngược lại. CIA đã đánh giá sai tình hình. Biden và các cố vấn không lường trước tốc độ càn quét của Taliban ở Afghanistan, và kế hoạch rút quân của Mỹ cuối cùng biến thành nhiệm vụ di tản.
Tinh thần chiến đấu của lực lượng mà Mỹ đã tốn nhiều tỉ đôla nâng cấp đã xói mòn từ lâu. Thực tế, đã có những thỏa thuận “dưới gầm bàn” giữa các quan chức quân đội này với Taliban ở nhiều vùng từ đầu năm 2020. Bản chất của các thỏa thuận này là những vụ “đổi chác”, khi Taliban đề nghị lực lượng an ninh địa phương giao nộp vũ khí để nhận tiền. Từ những thỏa thuận “dưới gầm bàn” như vậy, Taliban đã nhanh chóng kiểm soát toàn bộ vùng nông thôn rộng lớn của Afghanistan. Trong một năm rưỡi tiếp theo, các cuộc đổi chác mở rộng lên các cấp cao hơn trong hàng ngũ binh lính. Kết quả là hàng loạt lực lượng an ninh Afghanistan nhanh chóng đầu hàng Taliban.
Quân đội chính phủ Afghanistan với 300.000 người được Mỹ dày công huấn luyện và trang bị thực tế đã mục ruỗng từ bên trong, không có nhuệ khí chiến đấu và nhanh chóng sụp đổ ở hàng loạt tỉnh thành, tạo điều kiện để Taliban tiến công như vũ bão đến thủ đô trong chỉ hơn một tuần. Giờ đây báo chí Mỹ cũng thừa nhận Chính quyền Kabul và sự chiếm đóng quân sự của Mỹ ở Afghanistan suốt 20 năm qua “chỉ được một phần nhỏ người dân ủng hộ”. Chính phủ Afghanistan chỉ có thể tồn tại khi có sự hỗ trợ trực tiếp của quân đội Mỹ. Trong khi đó, Taliban nhận được ủng hộ đáng kể từ người dân Afghanistan.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã cay đắng thừa nhận điều này sau thất bại: “Thêm một năm, hoặc 5 năm nữa, sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ không tạo ra khác biệt nào nếu quân đội Afghanistan không thể bảo vệ được đất nước của chính họ. Đối với tôi, sự hiện diện không hồi kết của Mỹ trong cuộc xung đột nội bộ của một quốc gia khác là không thể chấp nhận.” Các quan chức cấp cao Nhà Trắng đều trả lời báo chí với quan điểm: sự sụp đổ nhanh chóng ở Afghanistan chỉ càng cho thấy quyết định rút quân là đúng đắn, bởi nếu lực lượng an ninh Afghanistan tan rã quá nhanh sau gần hai thập kỷ Mỹ hiện diện, thì việc lính Mỹ bám trụ thêm 6 tháng, một năm, hai năm hay lâu hơn nữa cũng không giúp thay đổi được điều gì.
Thứ hai, khoảng trống quyền lực mà Mỹ để lại sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của phương Tây ở khu vực trong khi đó Trung Quốc và Nga sẽ tìm cách giành lợi thế chiến lược.
Đại sứ Nga tại Afghanistan đã chê chính quyền thân Mỹ là “đã sụp đổ như một ngôi nhà được dựng từ những lá bài” đồng thời cho rằng sự lãnh đạo của Taliban khiến mọi thứ “an toàn” hơn. Đại sứ quán Nga cũng tuyên bố Moskva sẵn sàng hợp tác với chính quyền lâm thời Afghanistan và không có kế hoạch sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Kabul. Nga cho rằng những cam kết ban đầu của Taliban sau khi kiểm soát Afghanistan là “dấu hiệu tích cực” và nhóm này đã hành xử văn minh, có trách nhiệm. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố sẵn sàng ủng hộ đối thoại toàn diện với sự tham gia của tất cả nhóm chính trị, sắc tộc và tôn giáo tại Afghanistan. Như vậy, khả năng Nga sẽ nhanh chóng quan hệ tốt với Taliban và nỗ lực xác lập sức ảnh hưởng vốn có của mình ở quốc gia này là gần như chắc chắn sẽ xảy ra.
Một vấn đề nữa cũng khiến Mỹ đang lo ngại là Trung Quốc có thể giành chỗ đứng trong khu vực Trung Á sau khi Taliban nắm quyền tại Afghanistan. Các lãnh đạo Taliban gần đây tăng cường tìm kiếm đồng minh ở nước ngoài. Trong những tuần qua, các lãnh đạo của Taliban liên tục tới Iran, Nga và Trung Quốc. Những nỗ lực này của Taliban dường như đã có kết quả. Trung Quốc được cho là đã hứa đầu tư lớn vào các dự án năng lượng và hạ tầng tại Afghanistan, bao gồm xây dựng mạng lưới đường bộ, và đang để ý đến các mỏ đất hiếm trữ lượng lớn song chưa được khai thác ở quốc gia Trung Á này. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nhanh chóng công nhận Chính phủ mới do Taliban kiểm soát và thiết lập kênh ngoại giao để hiện thực hóa sức ảnh hưởng mà quốc gia này mong muốn ở đây.
Với sự tham gia của nhiều cường quốc như vậy, Afghanistan có khả năng tiếp tục trở thành một “quân cờ” trên bàn cờ của các nước lớn, như đã từng trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh cho tới bây giờ.
Thứ ba, nội bộ Afghanistan sẽ tiếp tục hỗn loạn và xung đột triền miên là điều có thể dự đoán.
Taliban từng nổi tiếng với việc áp đặt luật Hồi giáo hà khắc trong 5 năm cầm quyền ở Afghanistan trước khi bị Mỹ lật đổ vào năm 2001. Taliban từng cấm phụ nữ đi học, tiến hành các vụ hành quyết công khai, đàn áp các nhóm thiểu số như người Shiite Hazara và phá hủy các tượng Phật khổng lồ ở Bamiyan. Dưới chế độ Taliban, phụ nữ phải che kín mặt và chỉ được ra khỏi nhà khi đi cùng một người thân là nam giới. Họ không được phép làm việc bên ngoài gia đình và cũng bị cấm bỏ phiếu. Họ có nguy cơ chịu những hình phạt tàn nhẫn nếu không tuân theo các quy tắc, bao gồm bị đánh đập, quất roi và ném đá đến chết nếu bị kết tội ngoại tình.
Những chính sách này không được lòng dân chúng nên trong lòng xã hội Afghanistan luôn có những lực lượng chống Taliban quyết liệt. Dù tuyên bố đã thay đổi cách cai trị để phù hợp với tình hình mới, những gì Taliban đã làm tại các tỉnh mới chiếm được cho thấy hành động của nhóm này ngày nay và 20 năm trước không khác nhau nhiều. Tại các khu vực mà Taliban kiểm soát, nhóm này đã hành quyết dân thường, đánh roi phụ nữ, đóng cửa trường học, phá hủy bệnh viện và các cơ sở hạ tầng khác.
Trong bối cảnh như vậy, giới chuyên gia lo ngại Afghanistan sẽ tiếp tục trở thành điểm nóng xung đột khi Taliban tiếp quản quyền lực. Amrullah Saleh, phó tổng thống thứ nhất của Afghanistan, vừa tuyên bố sẽ không bao giờ “cúi đầu” trước “bọn khủng bố Taliban”, đồng thời kêu gọi toàn dân kháng chiến chống lực lượng này. Afghanistan trong dài hạn sẽ rất khó yên bình khi mầm mống xung đột vẫn còn nguyên vẹn như vậy.
Thứ tư, việc Taliban kiểm soát Afghanistan có thể sẽ tạo điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố lớn mạnh, đe doạ an ninh toàn cầu. Các nhà phân tích có lý khi lo ngại rằng các phần tử cực đoan ẩn náu tại Afghanistan sau khi Taliban nắm quyền gia tăng. Taliban từng dung chứa Osama Bin Laden và nhiều nhóm khủng bố Hồi giáo khác, không có gì đảm bảo quốc gia Trung Á này không một lần nữa trở thành nơi ẩn náu cho những phần tử khủng bố quốc tế, vốn có ý định tấn công Mỹ hoặc các nước phương Tây khác.
Cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã lớn tiếng quan ngại sự sụp đổ của chính quyền thân Mỹ ở Afghanistan sẽ sẽ cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho al-Qaeda, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cho chủ nghĩa khủng bố nói chung. Đó chính là một mối đe dọa lớn cho an ninh quốc gia Mỹ và phương Tây.
Quan chức Mỹ cũng đã thừa nhận việc chính quyền Biden rút khỏi Afghanistan là tin tốt nhất mà al-Qaeda có trong nhiều thập kỷ. Trong khi năng lực tình báo của Mỹ ở Afghanistan sẽ suy giảm nghiêm trọng do không có sự hiện diện quân sự hoặc ngoại giao tại đây, việc theo dõi al-Qaeda sẽ khó khăn hơn nhiều khi tổ chức này tái cấu trúc, huấn luyện và lên kế hoạch tấn công. Khi các máy bay không người lái và máy bay chiến đấu của Mỹ đang ở cách xa hàng trăm km tại Vùng Vịnh, sẽ khó khăn hơn nhiều để tiêu diệt quân khủng bố ngay cả khi có thể xác định được vị trí.
Như vậy, sự kiện sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Kabul sẽ không chỉ là sự kiện nội bộ của Afghanistan mà trong tương lai sẽ có tác động lâu dài tới an ninh khu vực và quốc tế. Cuộc tranh giành ảnh hưởng địa chính trị ở đây sẽ nóng hơn bao giờ hết và Afghanistan vẫn sẽ tiếp tục ở trong vòng xoáy quyền lực của các nước lớn.■
(Theo Tạp chí Phương Đông)