Từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, cuộc chiến đã diễn ra gần hai năm với những diễn biến leo thang liên tục và khốc liệt. Cho tới nay, cả Nga và Ukraine đều không đạt được các mục tiêu đề ra. Nga không loại bỏ được quân đội và Chính phủ Ukraine mà nước này cho là “phát xít”. Dù giành được 4 tỉnh của Ukraine, nước này cũng vấp phải không ít phản ứng từ dư luận quốc tế. Ukraine đã mở chiến dịch phản công giành lại 4 vùng đất này nhưng bất thành.

Điều đáng nói là cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều dồn sức cho Ukraine, coi đây là cơ hội để làm suy yếu và sụp đổ Nga. Khi chiến dịch quân sự bắt đầu, về mặt kinh tế, Mỹ và châu Âu đã áp đặt tới 11 lệnh trừng phạt với cả ngàn gói trừng phạt các loại nhằm cô lập Nga, cắt đứt thương mại Nga với châu Âu, loại bỏ nguồn cung ứng từ Nga, tìm mọi cách làm mất uy tín của Nga trên trường quốc tế. Đặc biệt về mặt quân sự, Mỹ và nhiều nước châu Âu trong NATO đã tập trung cao độ, viện trợ những vũ khí hiện đại nhất, dồn mọi nguồn lực cho Ukraine với mục tiêu cao nhất là đánh gục Nga. Phương Tây ngày một gia tăng mức độ nguy hiểm của các loại vũ khí viện trợ cho Ukraine, nhiều lần vượt qua lằn ranh đỏ để cung cấp các loại hoả lực sát thương cao, thậm chí bị cấm như bom đạn chùm, tên lửa tầm xa, máy bay tiêm kích hiện đại nhất. Mỹ và nhiều nước EU cũng cung cấp các thông tin tình báo để quân đội Ukraine tấn công Nga và đào tạo hàng chục ngàn binh sĩ cho Ukraine. Mức độ leo thang đã tới mức rất cao, cận kề chiến tranh trực tiếp giữa Nga và NATO, thậm chí có nhà phân tích đã tiên lượng về một cuộc chiến hạt nhân giữa các cường quốc.

Thực tế các viện trợ này cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn của phương Tây. Các nhà phân tích cho rằng phương Tây đã biến Ukraine trở thành nơi thử vũ khí của mình nhưng đã chứng minh tính hiệu quả không bằng vũ khí Nga. Phải dùng tới cả bom bẩn và bom chùm là những động thái nguy hiểm. Ukraine đã trở thành đội quân uỷ nhiệm của Mỹ để chống Nga. Chính vì thế, Mỹ và NATO đã hô hào ủng hộ tuyệt đối cho nước này và ngược lại, Ukraine cũng tận dụng tình thế này để yêu sách thêm nhiều vũ khí hơn nữa, nhanh hơn nữa. Thậm chí, Tổng thống Zelensky còn lớn tiếng phê phán Mỹ, NATO đã viện trợ chậm chạp và không đầy đủ, khiến nước này chậm phản công và phải hi sinh nhiều nhân mạng trong cuộc chiến.

Dù được viện trợ quân sự mạnh mẽ, Ukraine đã tổn thất không thể đo đếm được. Nền kinh tế Ukraine kiệt quệ khi phải bỏ ra trên 10 tỉ đôla mỗi tháng để duy trì chiến tranh. Nguồn lực binh sĩ cũng không thể đáp ứng được nữa khi có quá nhiều người thiệt mạng và bị thương nặng. Ukraine đang vấp phải thế lưỡng nan khi không thể tăng thêm quân và đang phải kêu gọi người di tản từ các nước châu Âu quay trở lại để bổ sung quân số. Điều khủng khiếp là Ukraine bị Nga bao vây nhiều mặt, từ biển tới bầu trời đều không thể tự kiểm soát. Ngũ cốc của Ukraine không thể xuất được qua đường biển và các ngành sản xuất đều bị suy yếu.

Với thực tế như vậy, có thể khẳng định Ukraine không thể thắng được và không thể đủ sức mạnh để đối đầu với Nga. Ukraine chỉ có thể chọn giải pháp đàm phán nhưng điều này khó xảy ra trong ngắn hạn. Dù vậy, việc viện trợ không thành công hiện nay đã tác động mạnh mẽ vào phe phương Tây bởi một số thực tế sau:

Thứ nhất, về mặt quân sự, Ukraine không thể giành lại lãnh thổ như tuyên bố khi bắt đầu chiến dịch phản công khiến không ít lãnh đạo phương Tây nao núng. Họ không thể giải trình được trước Quốc hội, cử tri tính hiệu quả của việc trợ giúp cho Ukraine. Nếu quân sự tiếp tục không đem lại kết quả, việc xem xét lại viện trợ của các thành viên EU là chắc chắn. Hiện nay, ngoài Hungary đã có nhiều nước trong đó có Ba Lan đã tuyên bố dừng mọi viện trợ quân sự cho Ukraine.

Cuối tháng 9/2023, Ba Lan đã tuyên bố ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine để tập trung xây dựng nền quốc phòng. Hình ảnh Tổng thống Ukraine Zelensky (trái) và Thủ tướng Ba Lan Morawiecki tại Warsaw, tháng 4/2023. Ảnh: Omar Marques/Getty Images

Thứ hai, về mặt kinh tế, các biện pháp trừng phạt đã không mang lại hiệu quả mong muốn. Nga không bị suy yếu thậm chí lại phục hồi và tăng trưởng, trong khi chính châu Âu lại lâm vào khủng hoảng do giá cả leo thang, kinh tế chao đảo và nguồn cung năng lượng bị thiếu hụt. Thực tế này dẫn tới những bất ổn chính trị nghiêm trọng, nhiều cuộc biểu tình diễn ra, nhiều chính thể đã thay đổi hoặc đang lung lay. Nhiều nước châu Âu đã nhận thấy không thể cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Nga. Dù không mua trực tiếp từ Nga, họ vẫn mua bán nhiều mặt hàng của Nga qua các đối tác khác. Trừng phạt Nga khiến cho nhiều nhà máy đóng cửa, một số ngành công nghiệp suy giảm và thiệt hại nặng. Trong khi đó, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững; châu Âu không được lợi gì từ trừng phạt kinh tế Nga trong khi Mỹ lại hưởng lợi.

Thứ ba, về mặt ngoại giao, việc cô lập Nga cũng không thành công. 2/3 quốc gia trên thế giới vẫn không ủng hộ việc chống Nga. Nga vẫn triển khai chính sách đối ngoại mở rộng ra châu Á, Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ Latinh. Nhiều nước như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên tuyên bố mối quan hệ với Nga lên tới đỉnh cao chưa từng thấy. Việc cô lập một cường quốc như Nga là bất khả trong thế giới hiện nay.

Thứ tư, về vấn đề ngũ cốc, việc Nga bỏ thoả thuận Biển Đen khiến lương thực thế giới chao đảo, chính các nước châu Âu cũng gặp khó khăn về lương thực. Nhiều nước châu Âu cấm nhập ngũ cốc từ Ukraine để bảo vệ lợi ích giới nông dân của họ. Vấn đề này làm nội bộ châu Âu phân hoá, kiện cáo lẫn nhau. Nhiều phát biểu của các lãnh đạo EU phê phán lẫn nhau, chỉ trích Ukriane, tạo ra bầu không khí không còn đoàn kết và đồng nhất như trước.

Thái độ của EU đối với Ukraine đã không còn tích cực và hào hứng như ban đầu. Nhiều thành viên EU hiện dao động, muốn điều chỉnh chính sách. Ngoại trưởng Pháp đã phát biểu phải tính tới quyền lợi an ninh của Nga. Các nước như Hungary, Séc cũng thể hiện quan điểm không thể chống Nga tới cùng như Mỹ đề xuất. Phần đông EU không còn hào hứng viện trợ cho Ukraine như trước, chỉ còn một số nước như Pháp, Anh, Đức vẫn còn công bố viện trợ.

Châu Âu đang ở ngưỡng cửa của thay đổi. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg vẫn đang mạnh miệng tuyên bố phải tìm cách thắng Nga để rảnh tay xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng phần đông châu Âu không đồng nhất như vậy. Viện trợ suy giảm và xuất hiện nhiều tiếng nói yêu cầu đàm phán kết thúc chiến tranh. Các nhà bình luận quốc tế đã nhắc tới giải pháp đổi đất lấy hoà bình, Ukraine nên chấp nhận các phần đất thuộc bốn tỉnh thuộc về Nga để chiến tranh kết thúc. EU và Mỹ cũng đánh sập mộng tưởng vào NATO của Ukraine, nêu nhiều quan ngại về tình trạng quản trị kém, tham nhũng tràn lan của nước này.

Nhìn tổng thể, nội bộ Liên minh châu Âu đang phân hóa, chia rẽ do cuộc chiến chống Nga ở Ukraine không đạt được như mong muốn. Họ ngày càng nhận thấy chiến tranh còn kéo dài thì khu vực này còn tổn thất, nên cuộc đàm phán đem lại hòa bình cho Ukraine chỉ diễn ra khi một trong các bên tham chiến chấp nhận sự thất bại; Mỹ và NATO không còn lựa chọn giải pháp nào khác để kết thúc chiến tranh với Nga.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC