Theo Ngân hàng Thế giới, nợ của các nước đang phát triển từ năm 2010 – 2019 tăng khoảng 1,9 % mỗi năm. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, tổng nợ của 70 nước đang phát triển tăng 45% trong năm 2020. Ở một số nước, nợ tăng đến 61%. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một phần của vấn đề nợ của các nước đang phát triển. Một vấn đề lớn nữa là các khoản vay khó đòi rất lớn ở các nước này. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới thì ngoài nợ, các nước đang phát triển còn có hệ thống tài chính bất ổn làm cho các nước này dễ bị tác động bởi lạm phát và lãi suất. Đây có thể là những dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu ở các nước này.

Ngày 19 tháng Năm, Sri Lanka tuyên bố không còn khả năng trả nợ trong khi đất nước chìm sâu trong lạm phát, thiếu hàng hoá và xảy ra các cuộc biểu tình chống Chính phủ. Tổng nợ của Sri Lanka là 12,55 tỷ đô la và trong năm 2022, Sri Lanka sẽ phải trả khoảng 4 tỷ đô la tiền nợ. Tuy nhiên, tính đến tháng 2/2022, Sri Lanka chỉ có 2,31 tỷ đô la dự trữ, thiếu 1,7 tỷ đô la. IMF cho rằng nợ công của Sri Lanka đã đến “mức không bền vững” trong khi Ngân hàng Citi tuyên bố rằng những biện pháp của Chính phủ Sri Lanka là không đủ và Chính phủ “cần tái cấu trúc nợ”.

Tại sao Sri Lanka lại lâm vào tình trạng như vậy? Trước hết là do Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã không sớm nghe lời các chuyên gia và lãnh đạo đảng đối lập, phải xin Quỹ tiền tệ quốc tế – IMF giúp đỡ tuy tình hình đã ở mức rất tồi tệ hàng năm rồi. Chỉ đến khi giá dầu tăng sau xung đột Nga – Ukraine nổ ra ngày 24 tháng Hai thì Chính phủ mới bắt đầu có kế hoạch tiếp xúc với IMF. Trước khi tiếp xúc với IMF, Sri Lanka lại phá giá đồng tiền của mình, làm lạm phát tăng vọt và làm người dân càng đau khổ hơn. Họ là những người phải chịu khó khăn và xếp hàng dài để mua nhu yếu phẩm và xăng dầu.

Tháng 5/2022, Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ và đất nước chìm sâu trong lạm phát, khủng hoảng toàn diện cả về chính trị. Ảnh: AP

Tuy nhiên, những lý do sâu xa là mức giàm thuế lớn bất hợp lý, gây tác động đến nguồn thu và chính sách tài khoá của Chính phủ. Chính phủ đã tăng ngưỡng chịu thuế làm số người đóng thuế ở Sri Lanka giảm 35,5%, giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%, giảm thuế thu nhập công ty từ 26% xuống còn 24%… Tất cả những biện pháp này làm thu nhập từ thuế giảm. Không những thế, Ngân hàng Trung ương đã in và đưa vào lưu thông lượng tiền mặt lớn thay vì tăng lãi suất và cắt giảm chi tiêu. Chỉ ngày 06/4/2022, Ngân hàng Trung ương đã in 119.08 tỷ rupi. Tính đến ngày 19/5 thì lượng tiền mặt trong lưu thông đã tăng 432,76 tỷ rupi.

Tiếp đến chúng ta phải kể đến tác động của đại dịch Covid-19. Đại dịch đã buộc hơn 150.000 người Sri Lanka về nước, giảm mạnh tiền ngoại tệ chuyển về nước. Tiền gửi về nước còn giảm mạnh do chính sách duy trì tỷ giá hối đoái chính thức của Chính phủ ở mức thấp cho dù tỷ giá thị trường tự do đã tăng. Hai yếu tố này đã làm giảm 61% lượng ngoại tệ chuyển qua đường chính thức. Đại dịch Covid-19 cũng làm giảm thu nhập của Chính phủ từ khách du lịch. Năm 2018, ngành du lịch của Sri Lanka thu nhập được 4,4 tỷ đô la và đóng góp 5,6% GDP nhưng con số này chỉ còn là 0,8% trong năm 2020.

Tình hình Sri Lanka càng phức tạp hơn khi Tổng thống quyết định chuyển sang nông nghiệp hữu cơ, cấm sử dụng phân hoá học từ tháng 4/2021. Quyết định này dẫn đến sụt giảm sản lượng chè trị giá 425 triệu đô và giảm 20% sản lượng lúa. Lần đầu tiên trong nhiều năm Sri Lanka phải nhập gạo. Ngày 25/5 vừa qua, Chính phủ đã phải thông báo dự trữ gạo của Sri Lank chỉ đủ đến tháng Chín mà thôi.

Đòn quyết định với Sri Lanka là xung đột Nga – Ukraine. Nền kinh tế vốn đã trì trệ bị giáng đòn trí mạng do Nga là thị trường nhập khẩu chè lớn thứ hai của Sri Lanka và phần lớn khách du lịch của Sri Lanka là từ Nga và Ukraine.

Khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến khủng hoảng chính trị ở Sri Lanka. Liên tục trong tháng Ba và tháng Tư đã có những cuộc biểu tình dẫn đến việc liên minh cầm quyền mất đa số và nhiều Bộ trưởng từ chức. Ngày 14 tháng Bẩy, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa chạy đến Singapore và đệ đơn từ chức.

Nếu như Sri Lanka là nước đang phát triển đầu tiên tuyên bố vỡ nợ thì Bangladesh có vẻ như là nước tiếp theo. Tính đến cuối năm tài khoá 2020 – 2021, nợ nước ngoài của Bangladesh là 60,15 tỷ đô la. Chỉ tính năm tài khoá 2020 – 2021 không thôi, nợ đã tăng 9,02 tỷ đô la tương đương 18% nợ 2018 – 2019. Dự trữ ngoại tệ tính đến ngày 20 tháng Bẩy của Bangladesh còn 39,67 tỷ đô la, giảm 6 tỷ đô la so với năm 2021. Trong năm tài khoá 2021 – 2022, nhập khẩu tăng 39% nhưng xuất khẩu chi tăng 34%. Trong cùng thời gian, tiền ngoại tệ gửi từ nước ngoài về giảm 5% chỉ còn 1,84 tỷ đô la. Hơn nữa, thâm hụt cán cân vãng lai của nước này là 17,2 tỷ đô la so với thâm hụt là 2,78 tỷ đô la một năm trước.

Tình hình ngày càng xấu đi buộc Bangladesh phải yêu cầu IMF giúp đỡ. Tương tự như vậy, Pakistan cũng đang tìm kiếm sự giúp đỡ của IMF. Nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng còn nhiều nước trên thế giới sẽ theo chân Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan. Chúng ta có thể liệt kê ra đây những nước như Li-băng, Suriname, Zambia. Những nước khác đang có nguy cơ không trả được nợ là Argentina, Tunisia, Ghana, Ai-cập, Kenya, Ethiopia, El Salvadore, Ecuadore.

Argentina: Là nước tuyên bố không trả được nợ nhiều lần nhất trong các nước trên thế giới. Tình hình hiện tại cho thấy Argentina rất có thể sẽ phải một lần nữa tuyên bố mất khả năng trả nợ trong hai năm tới. Nợ đến hạn của Argentina sẽ rất lớn nhưng dự trữ ngoại tệ lại thấp đến thậm tệ và đồng peso trên thị trường tự do đang được mua bán gấp 150% so với tỷ giá chính thức.

Tunisia: Có vẻ là một trong những nước châu Phi có nguy cơ mất khả năng trả nợ cao. Nước này có thâm hụt ngân sách là 10% và tiền lương của công viên chức của Tunisia là lớn nhất nhì thế giới. Ngân hàng Morgan Stanley xếp Tunisia là một trong ba nước có khả năng cao sẽ mất khả năng trả nợ.

Ghana: Là nước trong những năm qua đã vay nợ nhiều, đưa tỷ lệ nợ so với GDP lên đến 85%. Đồng tiền Ghana mất giá 25% trong năm qua. Hiện tại Ghana chi khoảng một nửa thu nhập từ thuế vào trả nợ. Lạm phát của Ghana hiện tại đã lên đến gần 30%.

Ai-cập: Chứng kiến 11 tỷ đô la chạy khỏi thị trường mình trong năm vừa qua. Tỷ lệ nợ của Ai-cập so với GDP là 85%. Theo một tính toán thì trong năm năm tới, Ai-cập sẽ phải trả 100 tỷ nợ bằng ngoại tệ mạnh.

Kenya: Chi khoảng 30% thu nhập của mình trả lãi cho các khoản nợ. Trái phiếu Chính phủ của Kenya đã mất nửa giá trị và hiện tại nước này không tiếp cận được thị trường vốn – một vấn đề lớn cho khoản 2 tỷ đô la trái phiếu Chính phủ phải trả trong năm 2024.

Ethiopia: Đang cố trở thành nước đầu tiên được giảm nợ theo chương trình Khuôn khổ chung. Tuy nhiên, nội chiến đã ngăn cản kế hoạch của Ethipia.

El Salvador: Không được IMF giải cứu do chấp nhận tiền mã điện tử là đồng tiền thanh toán.

Ecuador: Tuyên bố mất khả năng trả nợ năm 2020. Tuy nhiên tình hình hiện tại lại rất xấu do dân biểu tình đòi phế truất Tổng thống.

Nợ của một số nước đang phát triển

(Tính bằng triệu đô la Mỹ)

  2012 2019 2020
Argentina 139.877 277.877 253.760
Bangladesh 28.282 57.094 67.749
Ecuador 16.249 51.883 56.190
Ai Cập 40.028 115.079 131.579
El Salvador 13.548 17.379 18.333
Ghana 11.992 26.738 31.323
Kenya 11.808 34.941 38.193
Li-băng 55.722 73.893 68.865
Tunisia 25.399 39.380 41.038
Zambia 5.721 27.726 30.045

Nguồn: Thống kê nợ quốc tế (International Debt Statistics) của Ngân hàng Thế giới tại https://datatopics.worldbank.org/debt

Nhiều nhà kinh tế cho rằng các nước đang phát triển đang trong tình trạng khó khăn. Tạp chí Nhà kinh tế (Anh)  viết: “Chịu giá lương thực và năng lượng cao, nền kinh tế toàn cầu chậm phát triển và lãi suất tăng đột biến khắp thế giới, nền kinh tế mới trỗi dậy đang bước vào một kỷ nguyên bất ổn kinh tế vĩ mô… Một số nước phải đối mặt với lựa chọn ngân sách khó khăn và tăng trưởng yếu. Nhiều nước khác chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế và chính trị. Theo nhiều nhà kinh tế, tính chung có 53 nước có vẻ có nhiều nguy cơ mất khả năng trả nợ: Hoặc IMF đánh giá là có nợ không bền vững (hoặc có nguy cơ cao có nợ không bền vững); hoặc đã không trả một số nợ; hoặc có trái phiếu Chính phủ đang được bán ở mức thấp đáng lo ngại”.

Điều đáng lo ngại là các nước đang phát triển buộc phải vay nợ để trả nợ và thông thường các khoản vay được tính bằng đồng đô la. Ở thời điểm hiện tại đồng đô la lại có giá trị cao vì các nước đều mong muốn có đô la cho an toàn và do vậy gánh nặng trả nợ lại càng nặng hơn. Một điều đáng ngại nữa là do thiếu vốn, các nước đang phát triển lại vay vốn của Trung Quốc, một nước không nằm trong Câu lạc bộ Paris và do vậy không bị ràng buộc bởi những điều kiện của Câu lạc bộ này. Chỉ nợ của các nước Nam Á với Trung Quốc không thôi đã tăng từ 4,7 tỷ năm 2011 lên đến 36,3 tỷ năm 2020. Trung Quốc là nước cho vay song phương lớn nhất của Maldives, Pakistan và Sri Lanka.

Tình hình kinh tế ở Việt Nam cho đến thời điểm này vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Trong năm 2022, GDP quý II tăng 7,72% (tốc độ cao nhất trong 11 năm qua), góp phần quan trọng vào mức tăng 6,42% của 6 tháng đầu năm. Đến thời điểm này, chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; giá xăng dầu trong nước được đưa về mức trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 432 tỷ USD… cán cân thương mại trong 2 quý/2022 vẫn ở mức thặng dư là 15,97 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, tổng nợ của Việt Nam cho đến năm 2020 là không thấp ở mức 125,045 tỷ  đô la. Trong tình hình hiện nay, để tránh được những gì đã xẩy ra với các nước khác, Việt Nam cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn (về thu – chi, xuất – khập khẩu, năng lượng, lương thực – thực phẩm và lao động) như Chính phủ đã đề ra trong cuộc họp gần đây. Chính phủ cần phải có chính sách tiền tệ, tài chính và tài khoá đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước trong bối cảnh tình hình đang xấu đi ở các nước đang phát triển khác để chúng ta có thể vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế vững chắc. Trong vấn đề này, bài học đau đớn của các nước đang phát triển khác sẽ rất có ích.

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC